T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tuyển Tập Nhạc – Nhạc Tiền Chiến – Tiếng Xưa – Dương Thiệu Tước

Tiếng Xưa – Nhạc và Lời: Dương Thiệu Tước

Ca sĩ trình bày: Thanh Thúy

 

 

Đọc Thêm:

Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của ca khúc Tiếng Xưa (Dương Thiệu Tước) – “Phai tàn một thời liệt oanh…”

 

Mặc dù nhạc sĩ Dương Thiệu Tước theo học nhạc Tây từ thuở nhỏ, nhưng từ thời kỳ cuối thập niên 1940, nhạc của ông thấm đẫm tính dân tộc. Lúc sinh thời, ông từng nói: “Theo tôi tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền”.

Điều đó được thể hiện rõ qua các ca khúc như Ơn Nghĩa Sinh Thành, Đêm Tàn Bến Ngự, đặc biệt là Tiếng Xưa của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

 

Ca khúc Tiếng Xưa là những tâm sự bàng bạc của một người lữ khách khi đứng trước những thành quách cũ rêu phong đã thành phế tích, cảm nhận được những oai linh uy vĩ, người nhạc sĩ chợt nhớ về câu chuyện Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị năm xưa, và nghe như khúc nghê thường vọng về từ ngàn năm trước:Hoàng hôn lá reo bên thềm
Hoàng hôn tơi bời lá thu
Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh
Bâng khuâng phím loan vương tình

Khung cảnh của bài hát được giới thiệu là một buổi hoàng hôn với lá thu rụng tả tơi bên thềm, xa xa là sương mờ giăng khuất lối. Một cảnh gợi buồn và làm lòng người bâng khuâng, vương tình lên những phím loan. “Phím loan” là một từ cổ, có nghĩa là cung đàn, mà ở phần sau đó nhạc sĩ nhắc lại trong câu hát “cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương”.Đâu bóng trăng xưa mơ khúc nghê thường
Phai tàn một thời liệt oanh
xa đưa gió may lạnh lùng…

Bài hát này được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước viết trong hoàn cảnh ông thường xuyên đi về giữa Hà Nội và Huế để tìm hiểu về những làn điệu dân nhạc và cổ nhạc xa xưa. Huế với những phế tích u buồn trầm mặc suốt trăm năm, làn gió heo may lạnh lùng như từ cõi nào xa xăm thoảng qua hồn người lữ khách, mang theo cả linh khí của những đấng quân vương đã một thời liệt oanh còn in hằn trên những rêu phong thành quách, như khúc nghê thường bàng bạc sương khói mông mênh của những ngày xưa cũ.

Trước cảm giác có vẻ rất mơ hồ, nhưng trong lòng người lại cảm nhận được sự đau xót thực sự, và 2 dòng châu đã tuôn trào niềm xót xa trong tâm khảm:

Chiều thu nhớ nhung vì đâu,
Thắm đôi giòng châu
Tiếc thay tại sao đành lỡ làng

Man mác khói hương bay dịu dàng
Như tóc mây vương
Dáng liễu mơ màng
Cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương
ai đó tri âm biết cùng.

Nhạc sĩ Phạm Duy từng có nhận xét về tân nhạc thời kỳ đầu, đại loại, ông nói rằng cả một dòng nhạc tiền chiến được “thoát thai từ Đường thi”. Và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (rồi sau này là Đoàn Chuẩn, Cung Tiến, Nguyễn Văn Đông…) đã thường xuyên đưa những điển cố, điển tích vào trong âm nhạc.

 

Với bài Tiếng Xưa, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã sử dụng nhiều hình ảnh trong bài thơ Tỳ Bà Hành của thi sĩ Bạch Cư Dị, và có thể nói rằng Tầm Dương đã vượt thoát ra khỏi một địa danh cụ thể ở bên Trung Hoa để trở thành Tầm Dương chung của muôn triệu lòng người.Trước đó, những hình ảnh như “bóng trăng”, “khúc nghê thường”, “giòng châu” hay “ai đó tri âm” cùng đều liên quan đến bài thơ “Tỳ Bà Hành” nổi tiếng.

Bến Tầm Dương từ thơ của Bạch Cư Di với nét phong sương lãng đãng của tài tử cùng nỗi sầu của người kỹ nữ truân chuyên vì đã quá tuổi và nhan sắc tàn tạ. Trong hơi thu quạnh quẽ vào lúc đêm tàn, người kỹ nữ dáng liễu mơ màng rung lên khúc nghê thường để mong tìm chút đồng cảm tri âm của người khách qua đường.

Lần thứ nhất, tiếng tỳ bà mời khách vang lên từ xa “nghe vẳng bên sông” hòa với hơi thu, với tiếng lau lách đìu hiu.

Lần thứ hai, tiếng tỳ bà réo rắt với bao thanh âm huyền diệu nhặt khoan, sầu thương giữa tiệc hoa.

Lần thứ ba, tiếng tì bà ai oán rung lên cuối tiệc rượu.

Tiếng đàn người kỹ nữ, chén rượu tiệc hoa, giọt lệ trên chiếc áo xanh lam của quan Tư Mã trong đêm thu tượng trưng cho những phận người gian truân và chìm nổi ở trên đời. Hơn 1000 năm sau đó, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đứng giữa trời đất và thành quách xưa cũ, nghe gió thu về vọng âm như khúc nghê thường năm xưa, chính là Tiếng Xưa đã làm dâng lên bao nhiêu niềm xúc cảm.

Bài hát này còn được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước viết lời 2 như sau:Hoàng hôn gió sương lạnh lùng
Hoàng hôn bao niềm nhớ nhung
Thiết tha đàn rung tiếng tơ
Vấn vương trôi theo mây mờ

Đâu khúc cô liêu duyên dáng tiêu điều
Dư âm chìm theo giòng châu
tràn lan sóng vương mạch sầu.

Đàn ôi thiết tha vì đâu
tiếng xưa trầm ngâm
lắng rung đường tơ bao mơ màng

Lưu luyến hương thu thêm dịu dàng
Ai có hay chăng
Say khúc ưu tư,
gió sương chiều thu buồn mơ
Ai đó tri âm hững hờ.

 

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

 

Phạm Phú Minh

Dương Thiệu Tước – ‘Tiếng Xưa’ Của Chúng Ta

Thông thường, quá khứ của một dân tộc được ghi lại bằng những trang sử của dân tộc ấy. Nhưng có một điều chắc chắn là những trang sử không thể nào là đại diện đầy đủ quá khứ của một dân tộc, vì quá khứ ấy không phải chỉ gồm những triều đại, những trận đánh và những biến động lớn lao. Quá khứ của một dân tộc một phần rất lớn nằm trong ký ức tình cảm của tập thể hay của cá nhân, rất tinh tế, không cụ thể, nhưng luôn luôn có mặt và chi phối cuộc sống của chúng ta. Có những tình cảm lưu truyền từ đời này qua đời kia, mỗi chúng ta đều mang chúng trong lòng. Niềm vui đầy cảm khái của thời khắc giao thừa đón năm mới, hay nỗi buồn khi đối diện với cảnh “tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt” chẳng hạn, là những tình cảm gần như phổ quát cho mỗi con người Việt Nam từ thời xa xưa cho đến bây giờ.

Nghệ sĩ là người có khả năng cảm nhận một cách nhạy bén những vốn liếng tình cảm truyền lại từ quá khứ ấy, và diễn đạt bằng nhiều hình thức khác nhau, giúp chúng ta qua tác phẩm của họ nhận biết những điều, hình như vẫn có sẵn nơi mình, nhưng tự mình thì không sống trọn vẹn được với chúng bằng khi thưởng thức những gì người nghệ sĩ sáng tác.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là người có biệt tài, mà tôi cho là cao nhất, qua tác phẩm âm nhạc của mình, khơi dậy cái gia tài quá khứ tiềm ẩn ấy. Một nhạc phẩm của ông có tên là Tiếng Xưa, và chúng tôi thấy cái tên ấy có thể đại diện cho tâm hồn và sự rung cảm của ông đối với những tâm tình của quá khứ, nên đã mạn phép dùng Tiếng Xưa như là tên gọi chung cho bao nỗi hoài cảm sâu xa, rộng lớn, man mác mà ông đã truyền vào tâm hồn chúng ta qua các tác phẩm của ông.

Dương Thiệu Tước là một tài năng âm nhạc lớn của Việt Nam. Nhưng điều lớn lao nhất nơi ông, theo tôi, là đã truyền cho chúng ta cả một mảng tình cảm vẫn tiềm tàng trong tâm thức Việt Nam trải nhiều thế hệ. Những đặc trưng ấy, người ta thường gọi là tính cách “cổ điển” của một dân tộc, thỉnh thoảng được tài năng của một thế hệ nào đấy cảm nhận được và diễn đạt bằng nhạc, bằng họa, bằng thơ, văn khiến chúng ta bàng hoàng vì như thể chúng ta gặp lại chính mình, hoặc tổ tiên mình. Chúng tôi nhận thấy những tác phẩm thành công nhất của Dương Thiệu Tước đều đem đến, hay nói cách khác, đều khơi dậy được những nỗi niềm xưa cũ trong tâm hồn chúng ta, như là những châu báu lâu nay vẫn chìm khuất đâu đó nay được khai quật lên vậy.

Hãy nói về bản Tiếng Xưa. Đó là cảm nhận của một nỗi buồn, nhân đối diện với thời khắc hoàng hôn của một buổi chiều thu. Kể ra trong chúng ta ai ở trong cảnh “hoàng hôn lá reo bên thềm,” và “hoàng hôn tơi bời lá thu sương mờ” thì cũng có thể cảm thấy một nỗi buồn man mác không cỗi rễ, không biết tại sao lại buồn. Nhưng với nhạc sĩ thì khác, ông chỉ nói qua khung cảnh mà mình đang đối diện trong một câu ngắn ngủi, để làm cái nền cho dòng tình cảm tuôn trào. Bao nhiêu là cảnh là tình của thời xưa trôi về, nào là “ánh trăng xưa” khiến mơ đến khúc Nghê Thường, nào là “thời liệt oanh” của một thời nào nay đã mất. Chúng ta hoàn toàn không biết ánh trăng xưa đó là trong hoàn cảnh nào, thời liệt oanh đó là của ai và tại sao mà nhớ tiếc, những điều đó hầu như chẳng cần thiết, chỉ biết tâm hồn của ta bỗng dưng đồng cảm trọn vẹn với tác giả. Chỉ cần gợi các yếu tố đó lên là hầu như ai cũng thấy mình có phần trong đó, dù mình có trong ký ức một đêm trăng nào đặc biệt hay không, và có thể suốt đời mình chẳng bao giờ có một thời liệt oanh nào. Không cần, những hình ảnh ấy chỉ là những biểu tượng, đã nằm trong một cái kho chung của một nền văn hóa, chỉ cần nói đến, dĩ nhiên một cách nghệ thuật, là đã có thể “khơi mạch sầu” một cách bí ẩn nơi thâm tâm chúng ta. Cũng vậy, lòng tiếc nuối sao có tài mà lỡ làng lận đận, và một mỹ nhân có tóc mây vương, có dáng liễu mơ màng giữa một làn khói hương bay dịu dàng cũng chỉ là những tượng trưng rất điển hình của một câu chuyện nào đó của thời xưa. Tất cả có thể là tâm sự rất riêng của một ai đó, đồng thời cũng có thể rất chung đến nỗi thành như một loại điển tích, nhưng đều có khả năng đánh động lòng ta. Lý do là vì chúng ta đã cùng tham gia vào cái vốn liếng văn hóa của ông cha để lại, trong đó có chứa đựng tất cả, nào chiều thu, nào nỗi nhớ tiếc một thời liệt oanh, nào nỗi bi phẫn có tài mà sao cứ lỡ làng, nào ánh trăng, nào làn tóc…, chúng ta có sẵn bao nhiêu thứ, nay chỉ nhờ nhạc sĩ mang ra mời chúng ta cùng thưởng thức và cùng ngậm ngùi cho các nỗi niềm tuy của một thời nhưng lại đã trở thành bất biến với thời gian.

Bài Thuyền Mơ chỉ là một bài tả cảnh sông nước của một vùng nhưng đối với tôi là một hình ảnh điển hình vô cùng xuất sắc, vô cùng sâu đậm của quê hương Việt Nam, dĩ nhiên là quê hương của một thời thanh bình đã xa, và cũng ghi dấu như một cái gì biểu trưng bất biến. Hãy đi theo con thuyền mơ:

Thuyền mơ trên dòng sông vắng
Buồm in bóng trên ngàn dâu xanh
Núi lam khuất sau ngàn cây
Như bức tranh chiều nắng tơ xây mộng vàng.
Làng ai bên dòng sông vắng
Kề bên núi lam miền Trường Sơn
Nhà ai khói tỏa mây mờ dâng niềm thương nhớ
Chìm theo mây nước bao ước mơ.

Qua bức tranh này ta có thể có ý niệm về mấy chữ “non sông gấm vóc,” vì bức tranh ấy đẹp như gấm như vóc. Nếu bài thơ Tràng Giang của Huy Cận tả một nỗi sầu rộng lớn bằng bức tranh sông nước ở vùng đồng bằng thì con Thuyền Mơ đang lênh đênh trong khung cảnh của vùng cận sơn, có lẽ là ở vùng bắc Trung phần. Trước cảnh “sông dài trời rộng” trong ánh sáng nhạt nhòa của buổi chiều đang đi vào hoàng hôn, Huy Cận chỉ nghe mơ hồ “đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” thì Dương Thiệu Tước nhìn thấy một phong cảnh nhiều màu sắc, có con buồm trắng in bóng trên ngàn dâu xanh, có núi lam khuất sau ngàn cây trong buổi chiều nắng tơ xây mộng vàng, và cụ thể hơn, tác giả còn thấy một ngôi làng xa xa bên chân núi, và ống kính còn kéo vào cận cảnh một ngôi nhà giữa khói tỏa mây mờ. Nhưng có một điểm chung của hai tác giả là thuyền, sông nước, và buổi chiều đều mang một nỗi buồn mang mang rộng lớn như đó chính là linh hồn sẵn có tự bao giờ của nước non, mà mỗi tác giả diễn đạt ra một cách. Với Thuyền Mơ trôi trên con sông vùng kề cận dãy Trường Sơn, chúng ta lại chạm được vào một kho báu tiềm tàng của tâm hồn Việt Nam. Người nghệ sĩ lớn đã cảm hộ cho chúng ta, nói hộ cho chúng ta những gì tàng chứa trong cảnh trí non sông và lòng người, không biết từ đời kiếp nào.

Có lẽ nỗi buồn không phải là mục tiêu sáng tác của Dương Thiệu Tước. Nó chỉ là kết quả. Ông chỉ nắm bắt những cảnh trí, và từ cảnh sinh tình, ông bộc lộ ra những tâm tình bất biến của truyền thống tình cảm Việt Nam. Áng Mây Chiều là một khơi nguồn ký ức của một cuộc chia xa trong thời chinh chiến của một kẻ “ra đi khắp bốn phương, nơi biên cương chốn sa trường” với một hình bóng “trong sương thu bóng ai ngồi nhớ nhung hoài tình xưa.” Đó có thể là một tâm sự riêng của một người vào một thời nhất định, nhưng cũng có thể là một điển hình của lịch sử chinh chiến xưa nay.

Nhưng Bóng Chiều Xưa mới là một bản tình ca tuyệt vời, nói về một mối tình say đắm nay không còn nữa. Thuần túy là tình yêu, nhưng cũng mang đặc điểm chung là mối tình say đắm đó đã tan rồi, chỉ còn lại nhớ tiếc. Nếu nó còn, và vẫn tiếp tục cường độ đắm say hạnh phúc như từ đầu thì tác giả chắc không mất công sáng tác bản nhạc làm gì. Sáng tác vì mối tình chỉ còn tồn tại cùng với một bóng chiều xưa, nghĩa là chỉ tồn tại trong ký ức. Khi một trong hai người đã từng yêu nhau về thăm nơi cũ đã từng chứng kiến tình yêu của họ

Một chiều gió mưa
Anh về thăm chốn xưa

Thì chỉ đối diện với

Non nước u buồn
Nào đâu bóng cố nhân
Lòng xót xa tình xưa.

Trong sáng tác của Dương Thiệu Tước chúng ta luôn luôn gặp nỗi tiếc nhớ những gì đã qua. Rõ ràng tác giả có tấm lòng hoài cựu rất mạnh. Trong văn học Việt Nam chúng ta có một tác phẩm ưu tú chỉ viết về quá khứ, đó là cuốn Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân. Tác giả đứng trước luồng sóng Âu hóa đang tràn vào xã hội Việt Nam vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, đã vội ghi lại các hình ảnh đại diện cho sinh hoạt và tâm tư Việt Nam một thời trước đó, trước khi chúng bị xóa nhòa vì làn sóng không cưỡng lại được của một nền văn minh mới mẻ. Tôi có cảm tưởng Dương Thiệu Tước cũng làm công việc tương tự, trong lãnh vực âm nhạc, khi cố tình làm sống lại những gì đang mất trong một hoài niệm miên man. Người nghệ sĩ lớn có mối tiên cảm trước mọi người về một mối de dọa nào đấy đối với đời sống của dân tộc, nên ra sức lưu giữ những gì họ thấy có nguy cơ mai một đi. Nếu Nguyễn Tuân rõ ràng thấy trước nền văn minh Tây phương rồi sẽ ảnh hưởng rất nhiều lên nếp sống nếp nghĩ nếp cảm cố hữu của dân tộc mình nên thu thập và viết lại những gì đã một thời chỉ còn vang bóng, thì Dương Thiệu Tước dường như tiên liệu những tình cảm rất đẹp của nỗi u hoài rồi có ngày sẽ bị nạn lớn, nên từ năm 1940 đã viết Tiếng Xưa như một tuyên ngôn mở đầu, rồi liên tiếp trong hơn một thập niên đã sáng tác Đêm Tàn Bến Ngự, Thuyền Mơ, Áng Mây Chiều, Bóng Chiều Xưa, Ngọc Lan… như một cố gắng lưu giữ càng nhiều vẻ đẹp xưa càng tốt. Tiên cảm ấy rất đúng. Khi hoạt động của đảng cộng sản lớn mạnh rồi đến chỗ cướp được chính quyền, bao nhiêu vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam đã bị tàn phá. Những tình cảm sầu nhớ buồn bã bị lên án như là những thứ không được tồn tại trong đời sống xã hội chủ nghĩa. Đó là một xã hội mà văn nghệ chỉ được nói đến niềm vui mà không được nhắc đến nỗi buồn, phải luôn luôn thúc dục đánh nhau và sản xuất chứ không được mơ mộng. Khi nền văn nghệ hiện thực ấy phải lùi bước trên đất nước ta cách đây vài chục năm vì tính chất phi nhân bản của nó thì nhiều văn nghệ sĩ mới sực nhớ, à thì ra con người còn có nỗi buồn, niềm thao thức, tiếc nhớ. Những gì trước đây bị lên án là ủy mị sướt mướt và cấm đoán thì chính là một phần của đời sống của con người, không thiếu được, nếu không muốn biến thành con người tật nguyền.

Dĩ nhiên tình cảm Dương Thiệu Tước không phải chỉ là hoài cảm. Những tác phẩm như Bến Xuân Xanh, Hội Hoa Đăng, Ngàn Thông Bên Suối v.v… nắm bắt và thể hiện những niềm vui, vẻ đẹp của thiên nhiên và hội hè bằng những nét nhạc trong sáng, hào hứng. Thế nhưng điều quan trọng Dương Thiệu Tước vẫn là người đã lưu giữ những “tiếng xưa” lại cho chúng ta. Tình cảm của ông trang nhã, ngôn từ của ông đẹp một cách cổ kính, và nhạc của ông cao sang. Sự nghiệp sáng tác của ông là một di sản quý báu mà những thế hệ kế tiếp ông phải biết nâng niu quý trọng. Di sản đó đã làm giàu có cho tâm hồn chúng ta, và do đó cũng đóng góp rất nhiều cho nền văn hóa Việt Nam.

Phạm Phú Minh

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2019/06/pham-phu-minh-duong-thieu-tuoc-tieng.html#more\

 
 
Bài Mới Nhất
Search