T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

TV&BH : Đại Hội Thi Ca Quốc tế Kỳ VIII

Tại thành phố Dallas, TX 14-15-16/09/2012

clip_image002

Năm nay Hội Thơ Tài Tử VNHN (V.I.P.S.) chọn thành phố Dallas, Tiểu bang Texas, nơi đặt trụ sở của hội, để tổ chức Đại Hội lần thứ tám. Dallas là một địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử Hoa Kỳ qua cái chết của Tổng Thống Kennedy cách đây 49 năm.

Trong không khí mát dịu của những ngày chớm Thu, chiều Hội Ngộ, 14-09-12 bắt đầu tại tư gia của hội trưởng, tức trụ sở Hội từ 8 năm nay, anh chị em thân thi hữu tề tựu đông đủ ở vườn sau nhà có mái che và bóng mát. Đúng 6 giờ chiều, chương trình bắt đầu với MC Hà Linh Bảo và Vũ Quang Minh. Mỗi người tự giới thiệu vài nét về mình và từ đâu đến. Có khoảng 60 thi hữu, thân hữu từ các tiểu bang Hoa Kỳ, Việt Nam, và đặc biệt có Nhà thơ Duyên Hùng dự Đại Hội lần đầu tiên, đến từ Lyon – Pháp quốc và Nhà thơ Ali Smaoui dự Đại Hội lần thứ năm, đến từ Tunisie, Phi Châu. Ban Tổ Chức gồm có Nhà thơ Bùi Quang Huấn, Hội Trưởng Hội Cao Niên Dallas, Cố vấn, và Bà Trần Thủy Tiên, Hội Phó Hội Cao Niên, Tổng Thư Ký cũng đã đến dự để phối hợp chương trình cho hai ngày Đại hội kế tiếp. Đây là một cuộc gặp gỡ thân tình giữa bạn mới và cũ đã từng tham dự các Đại Hội tổ chức tại California, Hoa Thịnh Đốn, và Paris-Pháp quốc. Họ trao đổi nhau tâm tình thi ca, vật kỷ niệm, chụp hình lưu niệm, và văn nghệ bỏ túi với Nhà thơ Hà Linh Bảo, Nhà thơ-Nhà văn Ngô Sĩ Hân, Nhà thơ Trang Ngọc Kim Lang, Nhà thơ Duyên Hùng, anh chị Trường-Mai, anh chị Vũ, với giàn âm thanh độc đáo của anh Lê Tuấn. Phải kể đến những món ăn ngon đặc biệt do hai đầu bếp Mai-Trang đảm trách đã làm hài lòng mọi người. Đêm Hội ngộ được đánh giá cao bởi sự nhiệt tình, lòng đam mê thơ nhạc, hăng say trình diễn ca hát, ngâm thơ làm ấm lòng tất cả mọi người tham dự. Sau cùng những thi tập CHTY14 với hình bìa trình bày trang nhả, bắt mắt dày 600 trang với 75 tác giả và tờ nguyệt san Bút Tre-Arizona có đăng chương trình Đại Hội và các bài thuyết trình của các Nhà thơ Duyên Hùng, T. Vấn, và Triệu Dương Nguyễn Lý Tưởng, được phân phối cho mọi người. Buổi họp mặt chấm dứt lúc 12:30 sáng. Mọi người ra về vui vẻ và chuẩn bị tinh thần sẳn sàng cho hai ngày Đại Hội kế tiếp.

clip_image004

Ngày thứ Bảy 15-09-12 là ngày Văn Học Nghệ Thuật được diễn ra tại hội trường của trụ sở Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas. Khoảng 300 quan khách hiện diện với nhiều thành phần trong cộng đồng: báo chí, văn nghệ sĩ, đài truyền thanh, truyền hình và đồng hương. Bà Trần Thủy Tiên với tư cách Tổng Thư Ký BTC đã tuyên bố khai mạc với lời chào mừng và cám ơn quan khách đã đến dự thật đông đủ. Đồng thời Ông Bùi Quang Huấn, Hội Trưởng Hội Cao Niên Dallas, Cố vấn BTC cũng đã lên máy vi âm bày tỏ cảm tưởng của mình khi nhận lời yểm trợ cho Hội Thơ Tài Tử VNHN đang gặp khó khăn về vấn đề nhân sự.

MC Thanh Dương và MC Bích Vân đã điều khiển chương trình qua các tiết mục nghi thức chào cờ, giới thiệu quan khách, giới thiệu Thuyết trình viên, và trình diễn thơ nhạc. Đặc biệt một số chị em Hội Cao Niên phụ trách mục chào Quốc Kỳ và hát Quốc Ca Việt Nam rất sống động và đẹp mắt với đồng phục áo dài khăn chít cổ truyền Việt Nam. Sau đó Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng đến từ Nam Cali thuyết trình đề tài: “Thơ theo quan niệm của Khổng Tử”. Ông nói: ” Khi phát biểu về sự quan trọng của thơ, Thầy Khổng nói rằng “bất học Thi vô dĩ ngôn; bất học Lễ vô dĩ lập”, có nghĩa là không học Thơ thì không biết lấy lời gì để nói cho có văn chương; không học Lễ tức lễ nghi, phép tắc thì không biết lấy gì để hội nhập với cuộc sống ngoài xã hội. Khổng Tử đã chia Kinh Thi làm 3 loại: Phong, Nhã, Tụng. Mỗi loại mang một nội dung khác nhau. Phong cũng gọi là quốc phong là thơ của người nước Lỗ (quê hương của Khổng Tử). Nhã có 2 loại: Đại Nhã và Tiểu Nhã nghĩa là thơ phát xuất từ Triều đình, (giới quý tộc), và Thơ phát xuất từ quần chúng, nhân gian, giới bình dân. Tụng là thơ đọc lên trong những dịp tế lễ của triều đình, nhưng về sau nhân gian cũng bắt chước mà làm theo trong các dịp tế lễ. Khổng Tử nói rằng Thơ có thể đọc, có thể ngâm, có thể múa (Thi khã dĩ tụng, khã dĩ ngâm, khã dĩ động). Vì thế người ta có thể thưởng thức thơ với nhiều hình thức khác nhau như thơ được nghệ sĩ diễn ngâm hay phổ nhạc để ca hát.

Kết thúc bài nói chuyện, diễn giả nói: “Hội Thơ chúng tôi dùng văn chương để kết bạn, không phân biệt tài cao thấp, không so sánh địa vị sang hèn trong xã hội. Người xưa có câu nói: “Dĩ văn hội hữu” mục đích cũng như vậy. Anh chị em cùng gặp gỡ hôm nay đều là thi hữu. Hãy nắm tay nhau cất cao lời thơ ca tụng tình bạn văn chương ngay tự bây giờ”.

Để tiếp nối chương trình và thay đổi không khí, nhà thơ Hà Linh Bảo diễn ngâm bài thơ “Nhớ Về Phan Thiết” của tác giả Trần Thị Hoài Thanh. Bài thơ khá dài gồm 12 khổ, bốn câu bảy chữ. Bài thơ rất hợp với chủ đề đại hội “Quê Hương và Tình Yêu”. Với giọng ngâm tha thiết tình cảm và lối trình diễn hấp dẫn, nghệ sĩ Hà Linh Bảo đã dẫn đưa khán thính giả về thăm lại quê hương Phan Thiết trong những ngày tàn khói lửa: ” Ngày ấy em đi trời buồn lắm /Saigon âm thầm đứng chịu tang /Đường Trần Quốc Toản đầy hoang loạn /Vương vấn người đi lệ mấy hàng”. Và rồi để nhớ thương về những kỷ niệm khó quên của một thời áo trắng dưới gốc cây bàng nơi ngôi trường yêu dấu xa xưa: “Bồ Đề ơi, trường xưa yêu dấu /Lớp học, cây bàng góc sân chơi /Nét bút chưa phai màu kỷ niệm /Của một thời áo trắng xa xôi”.

Diễn giả thứ hai là nhà thơ Duyên Hùng đến từ thành phố Lyon nước Pháp. Đề tài ông trình bày hôm nay là “Yêu Thơ, Tôi đi Tìm Định Nghĩa Thơ”. Mở đầu ông nói Thơ là một hình thức sáng tác văn học đầu tiên của nhân loại. Thơ có lịch sử lâu đời, nhưng để đi tìm một định nghĩa thể hiện hết đặc trưng, bản chất của Thơ thì thật không dễ. Trải qua khoảng 1500 năm từ Lưu Hiệp đến Bạch Cư Dị đời Đường đã nêu lên các yếu tố then chốt tạo thành điều kiện tồn tại của Thơ: “Cái cảm hóa được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng Tình Cảm /chẳng gì đi trước được Ngôn Ngữ /chẳng gì gần gủi bằng Âm Thanh /chẳng gì sâu sắc bằng Ý Nghĩa”. Ông cho rằng, ở Việt Nam, quan niệm về Thơ của ông cha ta rất phong phú. Người xưa nói: “Thơ là Tâm của Vũ Trụ” (Thị thi thiên địa tâm, Thơ là nguyên âm của Vũ Trụ (Thị thi thiên địa chi nguyên thanh). Người xưa đã thể hiện vai trò chủ thể trong sáng tạo thi ca bằng một định thức tỗng quát: “Thơ là Người”, và “Người có sâu cạn nên Thơ có mờ tỏ khác nhau”, “Nước ta là một thi quốc” (Ngô Thời Nhiệm). Lý giải về bản chất của thơ, tác giả nhóm Xuân Thu Nhã Tập cho rằng : Thơ là một cái gì huyền ảo, tinh khiết, thâm thúy, cao siêu”, “Thi sĩ đi tìm Thơ, tìm lẽ thật, tìm mình. Phận sự chỉ ở đó, nguyên nhân lòng ham mê chỉ ở đó”. Ông cho rằng nhà thơ không phải là người bình thường mà là người nghệ sĩ có phẩm chất khác thường. Người ta không hiểu được nó, vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng đó là những cái vô nghĩa hợp lý.

Diễn giả Duyên Hùng kết thúc phần trình bày của mình bằng cách mượn lời của nhà bác học Lê Quý Đôn đã nâng niu từng áng văn, từng bài thơ của ông khiến đời nay phải suy nghĩ nhiều. Ông nói: “Ba trăm bài thơ trong Kinh Thi phần nhiều là của nông dân, phụ nữ làm ra, mà cũng có những bài mà văn sĩ đời sau không theo kịp, như thế là vì nó chân thật.” Học giả họ Lê nói tiếp: “Văn chương là của công thiên hạ ý kiến mỗi người mỗi khác, phân tích thì được chứ không nên chê mắng”.

clip_image006

( Nhà thơ Duyên Hùng và nhà thơ Hội Trưởng Như Hoa )

Sau phần văn nghệ giúp vui, Nhà thơ – Nhà văn T. Vấn thuyết trình đề tài: Sách (Báo) “Thật”, Sách (Báo) “Ảo”. Mở đầu ông cho rằng cuộc cách mạng điện tử đã làm suy yếu hẳn hình thức văn học quy ước là sách, báo in bằng giấy trắng mực đen. Tuy vậy, không phải là không có những nhà văn nhà thơ thỉnh thoảng cho ra đời những đứa con tinh thần của mình, ông đơn cử như nhà văn Ngân Bình đã in liên tiếp 2 tập truyện ngắn và còn tái bản; nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp in một lúc 3 tập thơ-văn và sẽ ra mắt trong tháng 10-12; nhà thơ Như Hoa cũng đã xuất bản 2 tập thơ cá nhân và 14 thi tập Cụm Hoa Tình Yêu trong suốt mười mấy năm liền. Ông cho đó là sách “Thật”, vì nó là một vật hiện hữu ta có thể cầm trên tay và mang theo bất cứ ở đâu để đọc, như trên máy bay, xe lửa, tàu điện, xe hơi, trong quán cà-phê…Trên thực tế từ ngày thế giới Ảo ra đời, sách Ảo xuất hiện vô số trên mạng lưới toàn cầu mà ta có thể đọc được hoặc in ra giấy để cất giữ, hay lưu trữ trong những thanh nhớ (memory stick).

Diễn giả T. Vấn kết luận: dù Sách Ảo có cái thuận lợi của nó là ta có thể tìm thấy nó nhanh chóng, dễ dàng, không tốn kém trên mạng với bất cứ loại nào và đề tài gì, nhưng nó không thể mang lại cho ta cái cảm giác nhớ mùi mực in, nhớ âm thanh sột soạt của những trang báo chạm vào nhau, hay cái cảm giác nhờn nhợn trên đầu ngón tay khi lật những trang sách mõng như tờ giấy lụa.

Sau phần văn nghệ giúp vui do Ban Văn Nghệ Cao Niên với hoạt cảnh “Hội Nghị Diên Hồng” thật hấp dẫn và mang đầy ý nghĩa cổ truyền dân tộc, nhà thơ Hồ Bảo Thanh diễn ngâm bài “Nhớ Thương Xa” ghi lại một kỷ niệm đã qua của thời quá khứ, và Ban nhạc Vũ Đức với những ca sĩ Hà Phương, Tuyết Lan, Hoàng Lộ; các thi hữu CHTY như Nhà thơ Phạm Cây Trâm, Hồ Đắc Thu Thanh, Hoàng Lan, Búp Bê Nhỏ lần lượt trình bày tác phẩm thơ cá nhân của mình đã ấn hành hoặc CD thơ nhạc in trong nước hoặc ở hải ngoại. Ngoài ra khán thính giả được chiêm ngưởng những tác phẩm nghệ thuật của Nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Việt Trường và thưỡng lãm những thành tích của Hội Thơ TTVNHN qua các thi tập CHTY xuất bản 18 năm nay, và những Nghị Quyết khen thưởng của giới chức Hoa Kỳ và Việt Nam.

Buổi sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật kết thúc bằng một bữa cơm thân mật do Hội Cao Niên và Hội Thơ khoản đãi.

Ba ngày Đại Hội được kết thúc bằng buổi Dạ Tiệc – Dạ Vũ tổ chức tại nhà hàng Quốc Hương với khoảng 300 quan khách tham dự. Chúng tôi thấy có sự hiện diện của Bà Lê Lam Ngọc, Chủ tịch Cộng Đồng người Việt Quốc Gia Dallas, Ông Nguyễn Sĩ Đạt, Chủ tịch Liên Hội CCSQĐVNCH/DFW, Ông Cao Văn Lâm, Cựu Hội Trưởng Hội Thủ Đức Dallas, Ông Nguyễn Văn Thạch, Chi Hội Trưởng Hội Thủ Đức Dallas, Ông Mai văn Đức, Chủ Nhiệm báo Bút Việt, Ông Thái Hóa Lộc Chủ Nhiệm báo Người Việt Dallas, Ông Trần Thọ, Chủ nhiệm Á Châu Thời Báo, Ông Trần Lộc, Chủ nhiệm báo Thế Giới Thời Báo, Ông Phạm Bá Vinh, Chủ nhiệm báo Sóng Thần, Ông Đinh Yên Thảo, đại diện báo TRẺ, Bà Thu Nga, Giám Đốc Đài SBTN và Radio 890AM -1600AM, Nữ Văn sĩ Thái Chính, Nhà văn Nguyên Hương Nguyễn Cúc, Ông Nguyễn Hân, Legal Assist…

clip_image008

(Hội Cao Niên Dallas với nghi thức chào Quốc kỳ )

MC Thanh Dương bắt đầu chương trình với lời chào mừng quan khách bằng tiếng Việt và tiếng Anh, và giới thiệu MC Phan Đình Minh điều khiển phần nghi thức chào cờ Việt Mỹ và phút mặc niệm. Tiếp theo, nhà thơ Như Hoa Lê quang Sinh đọc diễn từ chào mừng và cám ơn quan khách đã quan tâm đến dự thật đông đủ. Liền sau đó, MC Phan Đình Minh và MC Mộng Tuyền lần lượt giới thiệu Thi hữu và Thân hữu đến từ các Tiểu ban Hoa Kỳ, Việt Nam, Pháp, và Tunisie lên sân khấu chào mừng quan khách và chụp hình kỷ niệm. Mọi người đều được hội tặng hoa và Bằng Lưu Niệm. Trong giây phút đáng ghi nhớ này, máy quay phim, máy ảnh chớp đèn không ngưng.

Ca sĩ Thúy Anh mở đầu chương trình văn nghệ với nhạc phẩm “Dân Ca Ba Miền” làm sôi động hội trường và được cử tọa vổ tay hoan hô nhiệt liệt. Tiếp theo là màn vũ điệu ” Hoa Soan Bên Thềm Cũ” do ban vũ của Hoa Hậu Cung Thành Kim. Trước khi vào Dạ tiệc, Nhà thơ Hà Linh Bảo diễn ngâm bài thơ “Gởi Người Bên Sông Dịch” của tác giả Phạm Hồng Đậm. Với giọng ngâm điêu luyện đầy xúc cảm, anh diễn tả nỗi lòng người vượt biển tị nạn giống như xưa kia Kinh Kha vượt sóng qua Sông dịch mang theo sứ mạng diệt Tần: “Kinh Kha dấu kiếm trong lễ vật, Ta dấu chí ta tận đáy lòng. Người xưa đạp sóng qua Sông Dịch, Ta ôm thuyền trôi dạt biển Đông. Những toan vung kiếm diệt bạo Tần, Ngờ đâu định mệnh trói buộc chân. Máu Kinh Kha uất hờn lên mắt, Quê hương ơi, xin nhận trối trăn”.

Chương trình Dạ Vũ vui nhộn đã kết thúc đêm văn nghệ mừng Đại Hội với tiếng hát của các ca sĩ Ánh Chi, Lê Thành, Hoàng Lộ, Hoa Lê, Xuân Hùng,và Thúy Anh.

clip_image010

( Nhà thơ Như Hoa trao tặng Tuyển tập Thơ CHTY 14 cho bà Lê Lam Ngọc, Chủ Tịch CĐNVQG thành phố Dallas )

Đại Hội Kỳ 8 năm nay được thành công tốt đẹp ngoài dự tính. Được như vậy là nhờ sự nhiệt tâm ủng hộ của các thành viên hội thơ đã không ngại xa xôi tốn kém, sự nhiệt tình yễm trợ tài chánh của các MTQ, và nhất là sự giúp đỡ của Ông Bùi Quang Huấn, Hội Trưởng Hội Cao Niên Dallas trong chức vụ Cố Vấn , và Bà Trần Thủy Tiên, Phó Hội Trưởng Hội Cao Niên trong chức vụ Tổng Thư Ký BTC, và các anh chị em trong Hội Cao Niên trình diễn hoạt cảnh “Hội Nghi Diên Hồng”, và nghi thức chào cờ rất sống động và đầy ý nghĩa. Các MC Phan Đình Minh, Thanh Dương, Mộng Tuyền (Chủ nhiệm Bút Tre, Arizona) đã hướng dẫn chương trình một cách tuyệt hảo. Đêm sinh hoạt văn nghệ được chấm dứt lúc nửa đêm, mọi người ra về mang theo một ấn tượng tốt đẹp về ba ngày Đại Hội đầy tình bạn, tình người, tình quê hương và tình chung cộng đồng.

Có một điều không thể không nói đến đó là sự kiên trì và thiện chí của Nhà thơ như Hoa Lê Quang Sinh, tuy tuổi đời đã cao nhưng vẫn còn minh mẫn và bền vững tiếp tục duy trì việc xuất bản Thi tập Cụm Hoa Tình Yêu và tổ chức Đại Hội liên tục trong suốt 18 năm qua thật đáng được ngưỡng mộ. Chúng tôi cầu chúc ông vẫn mạnh khỏe để còn tiếp tục con đường văn học nghệ thuật mà Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại đã vạch ra.

Tường trình: Lê Nguyễn -Trẻ/ FL

Nguyễn Văn Lập -Trẻ-Đẹp/ Online

 

THƠ THEO QUAN NIỆM CỦA KHỔNG TỬ

(Phát biểu của GS Nguyễn Lý-Tưởng tại Đại Hội Thơ …họp tại Dallas, ngày 15/9/2012)

 

Cách nay hơn 25 thế kỷ, một nhà hiền triết đồng thời cũng là một nhà chính trị, nhà đạo đức kiêm nhà nghiên cứu văn học, sử học… người Hoa, đó là Đức Khổng Tử, ngừơi được gọi là “vạn thế sư biểu” (người đại biểu muôn đời cho các nhà giáo dục), sau khi đã bỏ ra nhiều năm sưu tập những bài ca dao, những bài thơ ngắn trong nhân gian hay phát xuất từ triều đình, không biết tác giả là ai, ông đã tổng hợp được hơn 300 bài để lại cho đời sau. Tác phẩm đó được người đời đặt tên là “Kinh Thi”, hay “Thi Kinh” cũng có khi được gọi là “Thi Tam Bách” (ba trăm bài thơ) là một trong 5 bộ sách qúy làm khuôn vàng thứơc ngọc cho đời sau còn gọi là “Ngũ Kinh” (Vì Khổng Tử được goị là Thầy của các Thầy nên sách của ông làm ra học trò gọi là Kinh). “Ngũ Kinh” là 5 bộ sách: “Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu” cùng với 4 bộ sách của nhà Nho là: “Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học, Trung Dung” gọi là “Tứ Thư” là các sách học của nhà Nho ngày xưa mà các bậc tiền bối của chúng ta thường gọi là “sách vở của Thánh, Hiền” và họ rất trân trọng.

Khi phát biểu về sự quan trọng của Thơ, Thầy Khổng đã nói: “Bất học Thi vô dĩ ngôn; bất học Lễ vô dĩ lập” (Không học Thơ thì không biết lấy lời gì để nói cho có văn chương; không học Lễ tức lễ nghi, phép tắc…thì không biết lấy gì để hội nhập với cuộc sống ngoài xã hội).

Khổng Tử đã chia “Kinh Thi” làm ba loại: Phong, Nhã, Tụng. Mỗi loại mang một nội dung khác nhau. Phong cũng gọi là Quốc Phong là thơ của ngừơi nước Lỗ (quê hương của Khổng Tử). Nhã có hai loại: Đại Nhã và Tiểu Nhã nghĩa là Thơ phát xuất từ triều đình (giới qúy tộc) và Thơ phát xuất từ quần chúng, nhân gian, giới bình dân. Tụng là Thơ đọc lên trong những dịp tế lễ của triều đình (nhưng về sau dân gian cũng bắt chứơc mà làm theo trong các dịp tế lễ). Khổng tử nói rằng: Thơ có thể đọc, có thể ngâm, có thể múa (Thi khả dĩ tụng, khả dĩ ngâm, khả dĩ động). Vì thế, người ta có thể thưởng thức Thơ dứới nhiều hình thức, bằng nhiều cách khác nhau nghĩa là có nhiều cách diễn tả khác nhau. Thông thường, khán thính giả thích nghe các nghệ sĩ ngâm thơ, cũng có nhiều bài thơ được phổ nhạc để cho ca sĩ hát lên cho mọi người thưởng thức.

Thơ là một hình thức ngôn ngữ diễn tả tư tưởng, tình cảm của con người một cách vắn gọn, dễ nghe, dễ nhớ, dễ gây xúc động , và dễ đi vào lòng ngừơi. Tất nhiên, người làm thơ, yêu thơ thường là con người giàu tình cảm, một con người lãng mạn, cũng có khi là ngừơi thương vay khóc mướn, mượn chuyện kẻ khác để gởi gắm tâm sự của mình. Tình cảm đó có khi bi lụy khiến cho người thưởng thức phải sa nứơc mắt, phải thổn thức đau khổ, than vắn thở dài. Có ngừơi cho rằng, Thơ mà không có chút lãng mạn thì thơ không hay, không rung động lòng người. Nhưng vì Khổng Tử là một bậc thánh hiền, một nhà đạo đức nên ông đã khuyên học trò khi đọc thơ không được nghĩ đến điều xấu: “Tư vô Tà”.

Ngừơi nho sĩ, người học trò ngày xưa trân qúy 4 vật là “Thư, Kiếm, Lư, Đăng”

-Thư: là sách của Thánh Hiền;

-Kiếm tượng trưng cho quyền lãnh đạo, người chính nhân quân tử dùng kiếm để trượng nghĩa, trừ gian, an bang tế thế;

-Lư tức cái lò để đốt trầm, nghe mùi trầm, muì khói hương để nâng tâm hồn mình lên cao (trong các tôn giáo, khi cử hành nghi lễ ngừơi ta thường đốt lò hương trầm)

-và Đăng là Đèn, đốt lên để đọc sách, để học…

Khồng Tử nói “Tư vô Tà” nghĩa là khi đọc thơ không được nghĩ đến điều “Tà” tức xấu, điều sai trái…Và không được tưởng tượng ra những hình ảnh xấu, hình ảnh tục, hình ảnh dâm ô trụy lạc. Người yêu thơ, yêu văn chương phải là hạng ngừơi đạo đức thanh cao.

Một vị thầy của tôi, cụ Hồ Đắc Định, con nhà danh gia vọng tộc ở Huế (dòng họ Hồ Đắc…) đã lấy ý trong bài “Quan, Thư” của Kinh Thi để vẽ nên một bức tranh…

Bài thơ như sau:

Quan quan thư cưu,

Tại Hà chi châu…

Yểu điệu thục nữ,

Quân tử hảo cầu…

 

(Quan quan trên bãi sông Hà,

Gái hiền yểu điệu, một nhà sánh đôi.)

 

Quan là chim trống, Thư là chim mái…thường đi chung một cặp, kiếm ăn trên bãi sông Hoàng hà…Thấy đôi chim kia sánh đôi như vậy, tác giả nhớ đến người yêu xa cách…hay là bậc cha mẹ, thấy con gái mình đã lớn, đã trở thành một gái hiền yểu điệu rồi …cũng mong có người “quân tử” đến cầu hôn…(Quân tử cũng có nghĩa là chồng). Tác giả chú thích “Kinh Thi” nói rằng bài nầy là của bà Hậu Tắc, vợ của Chu Văn Vương (vua nhà Chu), vua đi đánh giặc, bà ở nhà, nghe tiếng chim kêu, nhớ đến vua.

Hay là bài “Đào chi yêu yêu” (Cành đào mơn mởn)

 

Đào chi yêu yêu,

Kỳ diệp tần tần.

Chi tử vu quy,

Nghi kỳ gia nhân.

(Trông cây đào lá xanh mơn mởn,

Mà nghĩ đến con gái của ta đã đến ngày vu quy…

Ta khuyên con khi về nhà chồng phải biết sống làm sao cho thích nghi (hợp với) hoà cảnh mọi người bên nhà chồng…)

 

Đại khái những bài thơ ngắn như thế đã được truyền tụng trong dân gian, Khổng Tử đã sưu tập lại, chọn lựa ra được hơn ba trăm bài, gom chung vào một tập để lưu truyền cho đời sau.

Kính thưa qúy văn, thi hữu,

Kính thưa qúy vị,

Hội thơ của chúng tôi, “dùng văn chương để kết bạn, không phân biệt tài cao thấp, không so sánh địa vị sang hèn trong xã hội. Ngừơi xưa có câu nói: “Dĩ văn hội hưũ” mục đích cũng như vậy. Chúng tôi tự nhận mình là những nhà thơ tài tử, những nhà thơ không chuyên nghiệp, do thi hưũ Như Hoa Lê Quang Sinh và anh em chúng tôi sáng lập tại Hoa Kỳ từ năm 1994. Anh chi em cùng gặp gỡ hôm nay đều là thi hưũ! Hãy nắm tay nhau, cất cao lời thơ ca tụng tình bạn văn chương ngay từ bây giờ.

Nguyễn Lý Tưởng

 

Yêu Thơ,

Tôi Đi Tìm Định Nghĩa Thơ

 

(Phát biểu của nhà thơ Duyên Hùng (Pháp Quốc) tại Đại Hội Thơ …họp tại Dallas, ngày 15/9/2012)

Thơ là một hình thức sáng tác văn học đầu tiên của nhân loại. Thơ có lịch sử lâu đời, nhưng để đi tìm một định nghĩa thể hiện hết đặc trưng, bản chất của Thơ thì thật không dễ.

Trong nền lý luận văn học cổ điển Trung Hoa, khái niệm Thơ là gì đã được đề cập từ rất sớm. Cách đây khoảng 1500 năm, trong cuốn “Văn Tâm Điêu Long” học giả Lưu Hiệp đã đề cập đến ba phương diện cơ bản cấu tạo một bài thơ là: Tình Văn, Hình Văn , và Thanh Văn. Kế thừa quan điểm của Lưu Hiệp, đến đời Đường, Bạch Cư Dị đã nêu lên các yếu tố then chốt tạo thành điều kiện tồn tại của Thơ:

-“Cái cảm hóa được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng Tình Cảm / chẳng gì đi trước được Ngôn Ngữ / chẳng gì gần gũi bằng Âm Thanh / chẳng gì sâu sắc bằng Ý Nghĩa”.

Quan niệm này không chỉ dừng lại ở việc nêu lên các yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn chỉ ra mối quan hệ gắn bó giữa các yếu tố như gốc rễ, mầm lá, hoa và quả gắn liền với nhau trong một thể thống nhất hoàn chỉnh và sống động. Đây là quan niệm về Thơ toàn diện và sâu sắc nhất trong nền lý luận văn học cổ điển Trung Hoa.

Ở Việt Nam, quan niệm về Thơ của ông cha ta rất phong phú. Người xưa nói” “Thơ là Tâm của Vũ Trụ” (Thị thi thiên địa tâm), “Thơ là Nguyên âm của Vũ Trụ” (Thị thi thiên địa chi nguyên thanh). Người xưa đã thể hiện vai trò chủ thể trong sáng tạo thi ca bằng một định thức tổng quát: “Thơ là Người”, và “Người có sâu cạn nên thơ có mờ tỏ khác nhau”, “Nước ta là một thi quốc” (Ngô Thời Nhậm).

Khái niệm Thơ là gì đã được nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn đề cập đến với nhiều kiến giải khác nhau. Lý giải về bản chất của thơ, các tác giả nhóm “Xuân Thu Nhã Tập” cho rằng: “Thơ là một cái gì huyền ảo, tinh khiết, thâm thúy, cao siêu”, “Thi sĩ đi tìm Thơ, tìm lẽ thật, tìm mình. Phận sự chỉ ở đó, nguyên nhân lòng ham mê chỉ ở đó”.

Nhà thơ Bùi Giáng quan niệm thơ là một trong những loại hình kỳ diệu nhất khi ông nói: “Cõi thi là cõi bồng phiêu”. Với Bùi Giáng “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không dịch diễn gì được”. Thơ luôn luôn là ẩn số không có lời giải, Thơ mãi mãi là một thế giới đầy bí ẩn.

Lịch sử nghiên cứu và phê bình văn học đã được chứng kiến rất nhiều định nghĩa về thơ. Theo Nhà thơ Đông Hồ: “Thơ là mộng trong mộng”. Mộng đã là khó bắt gặp được huống còn là trong mộng thì khó bắt gặp biết bao!

Nhà văn Nguyễn Tuân thì thổ lộ: “Theo tôi nghĩ Thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể hữu hình nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ đống tài liệu thực tế nhưng từ một cái hữu hình, nó được thức dậy những cái vô hình bao la”.

Thật vậy, sáng tạo thi ca là một quá trình phức tạp. Thi sĩ tự đốt cháy Tâm Hồn Mới trong thơ bằng năng lượng đặc biệt của mình để tỏa sáng giữa cuộc đời.

Thơ đồng hành với sự sống, là một phần hữu cơ của sự sống. Thí dụ: một mầm cây mọc lên. Khi mắt người nhìn mầm cây mọc lên, thì nhìn Thơ mọc lên ở mầm cây đó. Mắt người đó chạm phải thơ cùng lúc chạm phải Mầm Cây. Người đó không nói được bằng thơ nhưng Thơ tràn ngập tâm hồn họ. Đó chính là Hồn Thơ. Hồn Thơ là nguồn suối nguyên sinh của cái đẹp nghệ thuật tìm thấy trong một sáng tạo đam mê, là tiếng gọi huyền diệu tạo mỹ cảm cho người đọc. Nhà thơ hơn ai hết là người cảm nhận cuộc sống mãnh liệt nhất, vi tế nhất và hiển nhiên là một người tử tế.

Triết học sự sống chính là bản thân sự sống, đó là triết học Thơ. Sự sống kỳ diệu thế nào, bí ẩn thế nào thì Thơ cũng bí ẩn và kỳ diệu thế ấy. Không có thế giới trơ hoẽn của cái đã nhận thức / đã dứt điểm / đã giải quyết. Cũng như không có thế giới tận cùng nơi thơ đã ngự trị bằng vẻ đẹp của nó!

Thế giới mở chính là thế giới bí ẩn. Thơ có những thế giới như sau: Thế giới mộng mị hão huyền; thế giới chông chênh giữa hai bờ hư thực; và một thế giới sát với đời sống được phản ánh trong ý thức, tiềm thức, vô thức của thi nhân.

Thơ vừa là thực, vừa là không thực. Hiện thực đời sống là thuần túy thì hiện thực trong thơ là hiện thực của ảo diệu, hiện thực tâm linh, hiện thực của cõi mơ, của vô thức, và đấy mới là thế giới của thơ.

Thực vì bắt đầu từ cuộc sống hàng ngày, không thực vì nó vượt xa Đời nên “Thơ cũng huyền diệu như Trời” (Charles HenryFord, nhà thơ – nhà văn 1913-2002), và “cái gì có thể tạo ra những hiệu ứng trong một hiện thực khác thì chính nó cũng phải được coi như một hiện thực, vì không có một sự biện minh triết học nào có thể coi thế giới vô hình hay thần bí là phi hiện thực” (Roberto-Assagili, 1888-1974- Nhà tâm lý học Ý).

Hiện thực phản ánh trong thơ là hiện thực đa phương, đa chiều. Nếu chỉ quan niệm rằng hiện thực của thơ là tất cả những gì diễn ra trong đời sống mà ta có thể cảm nhận bằng cảm giác thì vô hình chung, ta đã thu hẹp biên độ phản ánh trong thơ mà không nhận ra rằng bản chất của thơ mới là sản phẩm của thế giới huyễn tượng, ảo diệu, vô thức, thấu thị như Rimbaud-Arthur, nhà thơ tượng trưng nổi tiếng của Pháp cho rằng: “Thi nhân tự biến mình thành tiên tri thấu thị”.

Khi Freud phát hiện ra một miền bí ẩn trong con người, cùng với thuyết trực giác của Bergson, nhà văn – nhà triết học Pháp đã nói lên con người còn chịu sự chi phối sâu của Vô thức. Thi nhân ham muốn thám hiểm vùng bí ẩn Tâm Linh mà thơ và người thơ đồng hành trong chuyến viễn du miên viễn của nhân loại ở cõi này và cõi khác…

Như thế, nhà thơ không phải là người bình thường mà là người nghệ sĩ có phẩm chất khác thường. Chế Lan Viên đã đẩy chất khác thường của nhà thơ lên một tầng nghĩa mới: “Thi sĩ không phải là người, nó là người mơ, người say, người điên. Nó thoát hiện tại. Nó xốn trộn dĩ vãng. Người ta không hiểu được nó, vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý”.

Sự nhiệm mầu trong việc thể hiện chiều sâu đời sống tâm linh và thấy được duyên nợ giữa thơ và đời thực với cuộc sống hiện tồn là những trăn trở của thi nhân. Hạnh phúc của các nhà thơ là gì? Đó là đề tài muôn thuở. Điều làm nhà thơ xúc động nhất thì chất “Dính” của ngòi bút lại thuộc về những gì tự nhiên hoang dã, nguyên sơ cùng với Mỹ Cảm, Tình Cảm, Thần Cảm, Thi Cảm, Thiền Cảm để sinh thành tác phẩm, vì: “Mục đích của bài thơ là cố gắng lưu giữ cho người đọc cái khoảnh khắc của đời sống mà họ không bao giờ tìm lại được nếu không có thơ”.

Kế thừa những khám phá quan trọng của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các trường phái khác nhau của Tây Âu trong mấy thập niên qua, nhất là các nhà Cấu trúc chủ nghĩa châu Âu thì dưới cái nhìn “Cấu trúc” nhà nghiên cứu Phan Ngọc định nghĩa: “Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và suy nghĩ do chính hình thức ngôn ngữ này”.

Định nghĩa này gợi ra một trường nghiên cứu hết sức rộng rãi. Thơ không chỉ là hiện tượng ngôn ngữ học thuần túy mà chính là hiện tượng giao tiếp nghệ thuật, một phát ngôn trong ý nghĩa đầy đủ của từ này.

Từ sự nhận diện về Thơ như trên, ta có điều kiện để tìm thấy những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ thơ. Nói như Pierre – Reverdy: “Chỉ một từ thôi, cũng đủ tiêu diệt bài thơ hay nhất”.

Vậy thơ là nghệ thuật lấy ngôn ngữ được chưng cất công phu đến mức tinh lọc nhất. Những con chữ là hiện thân của tư tưởng tình cảm, là mối tương giao giữa nhà thơ và người thưởng lãm. Nó có tiếng nói riêng, có giai điệu riêng tràn đầy tính nhạc. Nó mang đầy đủ những thuộc tính của ngôn ngữ văn học. Đó là những tính chất: chính xác / hàm xúc / đa nghĩa / tạo hình / biểu cảm, chứa nhiều sức gợi, ý ở ngoài lời. Ngôn ngữ giúp chúng ta “Cảm thông đến cái vô cùng, thấu đạt đến mọi nghĩa lý, thâm nhập vào cái đẹp tuyệt đối của Vũ Trụ” (Xuân Thu Nhã Tập).

Thơ đối với tôi là một báu phẩm thiêng liêng và kỳ diệu. Thơ xoa diệu những nỗi sầu. Thơ nâng niu nỗi cơ đơn của con người. Thơ thanh lọc tâm hồn và làm tăng thêm niềm vui trong tôi. Thơ cho tôi ao ước khám phá ra Chân – Thiện – Mỹ trong mọi hội ngộ ở xung quanh tôi, như lời của Paul-Élvard: “Thơ làm cho con người đi từ chân trời của một người, đến chân trời của nhiều người”.

Để kết thúc đôi điều tâm sự của mình, tôi xin dẫn lời của người xưa, một trong những bậc danh nho hết lòng với di sản văn chương dân tộc trong quá khứ là nhà bác học Lê Quý Đôn. Thái độ nâng niu từng áng văn, từng bài thơ của ông khiến đời ngày nay phải suy nghĩ nhiều. Ông nói: “Ba trăm bài thơ trong Kinh Thi phần nhiều là của nông dân, phụ nữ làm ra, mà cũng có những bài mà văn sĩ đời sau không theo kịp, như thế là vì nó chân thật”.

Học giả họ Lê chỉ nói riêng mỗi điều đó trong biết bao nhiêu điều trong Kinh Thi! (điều 48-văn nghệ).

-“Văn chương là của công thiên hạ, ý kiến mỗi người mỗi khác, phân tích thì được chứ không nên chê mắng” (điều 33-văn nghệ).

-“Làm thơ có ba điểm chính: một là tình, hai là cảnh, ba là việc. Tiếng sáo thiêng liêng kêu ở trong lòng mà động vào máy tình. Thị giác tiếp xúc với ngoài cảnh động vào ý. Dựa cổ mà chứng kim. Chép việc, thuật truyện, thu lãm lấy tinh thần, đại để không ngoài ba điểm ấy” (Lê Quý Đôn).

Duyên Hùng Lyon – France

Ngày Đinh Hợi 7 tháng 6 Đinh Mùi-Nhâm Thìn

Ghi chú:

*”Văn Tâm Điêu Long”. Tác giả : Lưu Hiệp, người Sơn Đông, thời nhà L(Nam Bắc Triều)- (465-520).

*”Xuân Thu Nhã Tập” (1939-1943) chịu ảnh hưởng sâu sắc chủ nghĩa tượng trưng siêu thực của phương

Tây thế kỷ 19. Điển hình là Đoàn Phú Thứ: Màu thời gian không xanh / Màu thời gian tím ngát /

Hương thời gian nồng / Hương thời gian thanh thanh.

* Paul Élvard 1895-1952, poète francais.. Surréalisme / exaltation / sensation médiate.

* Pierre Reverdy, 1889-1960, poète francais / surréalisme

* Henri Bergson, 1859-1941, philosophe francais / fait de l’intuition.

* Rimbaud Arthur, 1854-1891, poète francais / Génie précoce -La Poésie nait d’une alchimie du verbe

et des sens.

L’oeuvre de Rimbaud a profondement influencée la poésie moderne.

Phan Ngọc – Hànội, nhà nghiên cứu và dịch thuật. Tác phẩm dịch: Sử Ký Tư Mã Thiên – Nhà Xuất

Bản Văn Học HàNội 1974.

 

 

Sách (báo) “thật”, Sách (báo) “ảo”

 

(Bài nói chuyện của nhà văn T.Vấn tại Đại Hội Thơ …họp tại Dallas, ngày 15/9/2012)

 

clip_image012

1.

Tháng 5 năm 2010, giới thiệu tác phẩm in thứ sáu của nhà văn Trần Yên Hòa, tôi đã viết :

“ Về phương diện Văn học, mạng điện tử đã làm một cuộc cách mạng lớn nhất thế kỷ. Đã có hẳn một nền văn học gọi là Văn học Mạng. Sự ra đời của mạng điện tử đã làm suy yếu hẳn hình thức văn học quy ước là sách in ( và báo in, tạp chí văn học in ). Vậy mà, lên mạng google cái tên Trần Yên Hòa, tôi chỉ nhận rải rác vài kết quả không đáng kể. Nhưng với 6 tác phẩm in xuất bản trong vòng 10 năm, thì cái tên Trần Yên Hòa, một cách bình thường, phải cho những kết quả lớn hơn thế rất nhiều cho xứng với số lượng tác phẩm của ông. Tôi chỉ có thể suy luận rằng ông không mặn mà lắm với việc phổ biến tác phẩm của mình trên mạng, và vẫn tha thiết với việc in ấn và xuất bản những đứa con tinh thần của mình.”

Chỉ vài tháng sau đó, Trần Yên Hòa cho trình làng trang mạng văn học Bạn Văn Nghệ hùng hậu gồm tòan những tên tuổi sáng chói của miền Nam trước đây.

Tôi suy luận rằng từ đây khó mà cầm được trên tay tác phẩm mới ( in bằng giấy ) của nhà văn Trần Yên Hòa, người “ năng nổ “ nhất trong việc xuất bản những tác phẩm của mình. Ông đã có trang mạng điện tử để gởi những đứa con tinh thần của mình ( và bạn hữu ) đến độc gỉa.

Mục “ Ghi Chép trên bàn viết “ của trang T.Vấn & Bạn Hữu vừa rồi có bài của một cây bút viết rất khỏe và thâm niên công vụ khá dầy Đỗ Xuân Tê kể câu chuyện bút danh của anh long đong qua những chặng đường viết lách để rồi cuối cùng cái tên ĐXT cũng có được một sức nặng đủ để những chủ biên các trang mạng phải “ mặn mà “ mỗi khi nhận được bài anh đóng góp. Thế mà trong suốt bài, không thấy anh nhắc đến việc in ấn những tác phẩm của mình ( dù chỉ là ý định ). Chỉ biết rằng anh muốn trang TV&BH lưu trữ cho anh những gì anh đã viết . Có lẽ anh tin rằng mai kia mốt nọ người đời sau cứ lang thang trong thế giới ảo sẽ gặp anh, chứ không phải ở những tiệm sách hay thư viện như thế hệ của anh tìm đến mỗi khi muốn tìm tiền nhân để trò chuyện.

Hay như các anh Khuất Đẩu, Ngộ Không, tuổi đời đang đi vào chặng đường cuối, tuổi văn cũng không nhỏ ( anh Khuất Đẩu cầm bút đã hơn 40 năm, anh Ngộ Không tuy có số năm ít hơn nhưng từ vài năm nay anh làm việc trung bình 12 đến 14 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần, 365 ngày một năm ) và số lượng tác phẩm cũng dễ làm người yếu bóng vía là tôi chóng mặt. Vậy mà không anh nào nói đến chuyện in ấn những tác phẩm của mình, dù, công tâm mà nhận xét, những tác phẩm của hai anh rất đáng để mọi người thích đọc sách phải quan tâm.

Hình như đã qua cái thời mà người ta tin rằng, nếu chưa có tác phẩm được xuất bản, thì dù anh có viết nhiều, viết hay đến chừng nào cũng vẫn chưa được người đời công nhận là nhà văn, nhà thơ, những chức danh vốn “ hữu danh vô thực “, đến bây giờ lại càng “ hữu danh vô thực “ hơn.

Trong số những tác gỉa thân hữu của T.Vấn & Bạn Hữu, chỉ có chị Ngân Bình đã có hai tác phẩm xuất bản ( và tái bản ). Do nội dung và bút pháp chị sử dụng, Ngân Bình có nhóm độc giả riêng của mình , và may mắn (?) thay, nhóm độc gỉa này không mặn mòi lắm với thế giới ảo, với sách “ảo”, họ vẫn còn “ bảo thủ “, muốn cầm quyển sách “ thật ‘ trên tay. Có lẽ, họ nghĩ rằng, chỉ khi cầm quyển sách “ thật “ để đọc, người ta mới thực sự đọc sách chăng ?

Ngòai ra, không thể không nhắc đến Như Hoa, một thân hữu khác của T.Vấn & Bạn Hữu. Bất chấp tuổi đời đè nặng trên vai, ông vẫn xông xáo với những họat động của hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngọai mà ông làm chủ sóai. Tính đến nay, kể từ Tuyển tập đầu tiên ấn hành năm 1995 với chỉ 17 tác giả góp mặt, ông đã cho ra đời 13 Tuyển tập với hàng trăm tác giả thuộc nhiều thế hệ từ khắp nơi trên thế giới. Đó là chưa kể bản thân nhà thơ Như Hoa cũng đã trình làng tác phẩm “ Chuyện Ngày Xưa “ năm 1999 và qua năm 2001, ông tái bản tập thơ dưới hình thức tam ngữ Anh Pháp Việt.

2.

Sách thật

Tôi vốn mê sách, mê báo. Từ thuở xách thùng nước rửa bát lẽo đẽo bước theo gánh phở rong của bố, tôi lúc nào cũng kè kè bên mình một quyển sách truyện nào đó. Mỗi khi gánh phở dừng lại bên vệ đường, bố tôi cất giọng rao phở , còn tôi cứ chúi mũi vào quyển sách đọc dở. Có lần, vì mải đọc sách, quên rửa bát để bố tôi có bát sạch chuẩn bị phở cho khách, ông đã giật lấy quyển sách trên tay tôi ném vào thùng nước rửa bát. Đó là tập truyện ngắn của Duyên Anh “ Hoa Thiên Lý “ tôi mướn ở tiệm cho thuê sách góc đường Cao Thắng – Phan Đình Phùng. Tôi tấm tức khóc, tiếc số tiền dành dụm dùng để thế chân quyển sách, tiếc câu chuyện cảm động đang đọc dở. Những năm cuối trung học, tôi đã có thể dạo hàng sách khu Lê Lợi, chọn mua những quyển sách ưa thích, kiếm một chỗ ngồi uống cà phê, hút thuốc và tất nhiên, ngấu nghiến những quyển sách vừa mua bằng tiền dành dụm, nhịn ăn nhịn mặc. Đó là những khỏanh khắc hạnh phúc nhất của một thằng học trò nghèo. Không thể không nhắc đến những tờ tạp chí văn học mà ai cũng biết, cũng nghe nói đến, hoặc đọc như : Văn, Văn Học, Bách Khoa, Nghệ Thuật, Vấn Đề v.v.. và sau này ở những năm đầu 70 là tờ Thời Tập của Viên Linh.

Ngày tôi vào trình diện Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ, ngòai hành trang gọn nhẹ : 1 bộ quần áo, cái bàn chải đánh răng, 2 gói thuốc Basto xanh, còn nặng nhất là hai quyển sách “ Một Chủ Nhật Khác “ và “ Dọc Đường “ của Thanh Tâm Tuyền.

Những ngày ra đơn vị, tôi lại may mắn phục vụ ở một đơn vị CTCT, nên có rất nhiều thì giờ đọc sách, báo. Mỗi tháng, ngòai số sách vở mua mỗi lần về Sài Gòn thăm nhà, tôi còn nhận được tạp chí Thời Tập gởi từ Đà Lạt. Nhà nàng bán sách báo , nên tôi đề nghị nàng gởi cho tôi để tôi đỡ tốn tiền . . . mua. Thực ra, tiền bưu phí gần bằng giá mua tờ tạp chí. Nhưng bù lại, tôi cầm tờ tạp chí như cầm được bàn tay nàng, và mùi thơm kín đáo nhè nhẹ từ những trang báo khiến tôi mê mẩn bần thần cả buổi. Khổ tờ tạp chí vừa nằm gọn trong túi quần bộ quân phục nên bên mình tôi lúc nào cũng sẵn sàng một cái gì đó để đọc.

Ngày khăn gói đi tù, nỗi khổ tâm lớn nhất của tôi là không có gì để đọc. Thời gian ở trại Phong Quang, nơi có một thư viện ra trò vì người coi thư viện là một phạm nhân gốc Hà Nội, có liên quan ít nhiều đến nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, ông ta đã tìm mọi cách để thư viện trại có nhiều sách cho tù nhân đọc. Thế là tôi chẳng quản gì những “ Thép đã tôi thế đấy “, “ Ruồi Trâu “ , những Các Mác, Ăng Ghen v..v… Tuyệt nhất là những bộ sách dịch của Charles Dickens, Mikhail Solokhov, Romain Roland ( bộ Jean – Christophe của Roland , bản tiếng Việt gồm 4 quyển gần 2 ngàn trang tôi đã mê đến độ sau này, khi đã có thể dành dụm được ít tiền, tôi lùng mua ở các nhà sách Sài Gòn và đem theo được qua bên Mỹ và hiện nay bộ sách 4 quyển giấy xấu, mủn, vàng ố vẫn còn nằm một góc trân trọng trên kệ sách nhà tôi ).

Câu chuyện “ Sách thật “ của riêng tôi hẳn cũng chẳng có gì là đặc thù so với những người cùng thời. Phần lớn những người thích đọc đều có một câu chuyện tương tự để kể, về một quá khứ chưa xa lắm, nhưng sự khác biệt thì thật “ não lòng “.

3.

Sách Ảo

Định cư ở nước Mỹ, sống ở xứ lạnh ít người Việt nên tôi không có cái thú mua sách, báo . Nhưng không vì thế mà tôi không có thứ để đọc. Thời gian đầu, thư viện thành phố là nơi lui tới thường xuyên của tôi mỗi khi tìm được thì giờ rảnh rỗi. Rồi Internet ra đời, tôi đã tìm được sự giao lưu mới. Sách, báo đủ lọai bằng tiếng Việt mà một thời gian tôi không có cơ hội tiếp xúc vì địa lý cách trở. Dù vậy, tôi vẫn cứ phải in ra giấy những tác phẩm mà tôi ưa thích để đọc. Thế là kệ sách nhà tôi, ngòai những quyển sách , tạp chí in ấn đàng hòang còn có những tác phẩm do tôi tự in lấy, trình bày lại theo ý mình , để đọc.

Thế giới ảo đã cung cấp cho tôi tất cả những tác phẩm ưa thích, từ những quyển sách trước 1975 mà tôi đã đọc, chưa đọc, hay thậm chí chưa biết tới đến những tác phẩm sau 1975, ở cả trong nước lẫn hải ngọai . Tủ sách ảo của tôi nhiều gấp bội những kệ sách thật mà tôi đã thu thập ( và mất đi vì chiến tranh lọan lạc ). Dù vậy, chúng vẫn nằm thênh thang trong thanh nhớ ( memory stick ) nhỏ chỉ bằng ngón tay.

Từ nhiều năm nay, kệ sách thật của tôi vẫn mỗi ngày một bề bộn. Ngòai những tạp chí nay đã tuyệt bản như tờ Văn Học ( mà người chủ biên cuối cùng là Cao Xuân Huy nay không còn nữa và người tiền nhiệm của ông là Nguyễn Mộng Giác cũng đã ra đi mới mấy tuần nay ), tờ Văn của nhà văn Nguyễn Xuân Hòang, tờ Phố Văn của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp , tờ Ca Dao của nhà văn Ngân Bình, tờ Nguồn của nhà văn Song Nhị v..v.. còn có những quyển sách in ( phần lớn do các tác gỉa gởi tặng ). Kệ sách dành cho những tác phẩm in, tạp chí giấy không thay đổi nhiều ( nghĩa là số lượng không tăng ) đã lâu. Nhưng khu dành cho những tác phẩm lấy từ thế giới ảo rồi tự in ra để đọc thì tăng một cách đáng kể. Tôi nhẩm tính tiền giấy và mực để in số lượng tác phẩm trước mặt mà bỗng . . . giật mình. Một số tiền không nhỏ, có lẽ còn nhiều hơn nếu tôi mua những tác phẩm ấy bằng sách in ( giả sử chúng được tác giả in ấn , phát hành ).

Tôi đã nghĩ đến chuyện . . . dọn nhà. Và nghĩ đến việc phải na từng ấy sách vở qua nơi ở mới. Và nghĩ đến thanh nhớ chứa hàng ngàn quyển sách, hàng chục ngàn bài viết chỉ vừa bằng ngón tay lúc nào tôi cũng mang theo bên mình.

Thật đơn giản khi so sánh hai vật thể : Những kệ sách cao nghệu và thanh nhớ nhỏ bằng ngón tay. Thì chúng cũng chứa những điều cao quý, kho tàng tư tưởng của nhân lọai như nhau.

Nhưng có thật như vậy không ?

4.

Mới đây, qua anh Đỗ Xuân Tê, tôi được biết nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp dự định in một lúc 3 quyển sách. Quyển “ Tôi cùng gío mùa “ là tập thơ đã xuất bản năm 1998 nay được anh NXT cho tái bản. Hai quyển khác , một là tuyển thơ, một là tập tạp bút. Nhà thơ chủ biên “ Phố Văn “ phác họa cả việc sẽ tổ chức ra mắt sách ở nhiều thành phố lớn đông đảo người Việt như Dallas, Houston, Atlanta, rồi có thể California, DC . Dường như anh Nguyễn Xuân Thiệp cũng muốn gián tiếp biện minh cho việc “ đi ngược trào lưu văn chương mạng “ hiện đang thắng thế nên anh nói thêm “ mục đích chính – của việc in và giới thiệu sách – là giao lưu và gặp bạn bè “. In một lúc 3 quyển, trong đó có hai tập thơ, quả là một việc làm thật đáng ngưỡng mộ của nhà thơ đáng yêu của chúng ta.

Hồi giữa tháng 5 năm nay, nhà thơ Nguyễn Đình Tòan cho tái bản tập “ Bông Hồng Tạ Ơn “ gồm hai quyển dầy 1200 trang đã là một việc làm ngọan mục. Đó là một trận mưa rào sau cơn hạn hán sách in kéo dài khá lâu. Sau cơn mưa rào ấy, cuộc hạn hán lại tiếp tục.

Cho đến khi tôi biết được dự định của người chủ biên Phố Văn. Mong ông thực hiện được những dự định của mình. Mùa hè năm nay khắp khu vực Trung Tây nước Mỹ – nơi NXT và tôi sinh sống – đất nứt nẻ vì nóng và khô hạn. Chúng tôi mong mỏi những trận mưa, dù chỉ là những cơn mưa bóng mây ngắn ngủi. Nhưng quả đất mỗi ngày một nóng hơn vì tầng Ozone bị mỏng đi . Cũng như thế giới sách báo (giấy) ngày một tan tác, rơi rụng dần cho đến khi chỉ còn là lịch sử.

Tháng 9 sắp tới đây, Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Lưỡng Niên kỳ 8 của Hội Thơ tài Tử Việt Nam Hải Ngọai sẽ diễn ra ở thành phố Dallas, TX. Nhà thơ Như Hoa cho biết ông đã sẵn sàng gởi đến nhà in Tuyển Tập thứ 14 của “ Cụm Hoa Tình Yêu “, dầy 600 trang , gồm 101 tác giả Việt ( trong nước, hải ngọai ), Mỹ, Tunisie, Congo .. .

Dù đã từng ăn, nằm, ngủ ngay bên cạnh nhà thơ Như Hoa mấy năm trong các trại cải tạo từ Bắc về Nam, tôi vẫn không hiểu con người gầy gò thanh mảnh ấy lấy đâu ra sức lực để có thể làm được những công việc đi đây đi đó vận động tổ chức đại hội thơ văn, thu gom đọc tuyển hàng ngàn bài thơ của mấy trăm thi hữu, rồi cặm cụi đánh máy, sắp xếp, trình bày , rồi đóng gói gởi đi khắp nơi trên thế giới. Ngần ấy công việc ấy, ông không chỉ làm một lần. Lần này là lần thứ 13. Và tuổi của Như Hoa đã hơn 80 mùa xuân hoa nở.

5.

Mỗi sáng, tôi vẫn duy trì thói quen từ gần 20 năm nay. Việc đầu tiên là mở cửa, bước ra driveway nhặt tờ báo của thành phố mà người bỏ báo đã ném từ lúc trời còn mờ tối. Giá đặt báo tháng mỗi tháng mỗi tăng, vừa vì vật giá, nhưng phần chính là do người đọc báo suy giảm đi một cách đáng sợ. Họ đã có báo mạng vừa không tốn tiền, vừa tiện lợi, lại nhanh chóng. Tôi nghĩ đến một ngày nào đó, buổi sáng thay vì bước ra cửa nhặt báo, lại tiến đến bàn máy bật nút ON lên.

Ngay từ bây giờ, tôi đã bắt đầu nhớ mùi mực in, nhớ âm thanh sột sọat của những trang báo chạm vàp nhau, và cảm giác nhờn nhợn trên đầu ngón tay.

“ ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới “. Câu thơ Thanh Tâm Tuyền già nửa thế kỷ vẫn âm vang như một lời tiên tri.

T.Vấn

* Bức hình trên đầu bài là cái máy đọc sách điện tử , món quà ngày Father’s Day tôi nhận được từ hai con gái và quyển sách tự in của người bạn văn trẻ Lưu Na gởi tặng cũng trong dịp đó. Định mệnh đã an bài rồi chăng ,vì từ khi có cái máy đọc gọn nhẹ ấy, tôi dần dà làm quen được với việc đọc trên màn hình và thôi không bỏ tiền mua mực giấy để in nữa. Thêm một điều, trước đây đi đâu tôi cũng kè kè một quyển sách, bây giờ thì bên mình tôi không bao giờ vắng ” cái máy ma quỷ ” ấy. (T.Vấn)

T.Vấn

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search