T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

VĂN VÀ ÔNG TRẦN PHONG GIAO

clip_image002

Có thể nói, thập niên 60 là thời kỳ “nở rộ” của các tạp chí văn học miền Nam, với những tên tuổi lớn như Sáng Tạo của nhóm Thanh Tâm Tuyền; Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong, Dương Nghiễm Mậu; Hiện Đại của Nguyên Sa và trước đó là Chỉ Đạo của Nguyễn Mạnh Côn, Mặc Đỗ… Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau các tạp chí này lần lượt tự đình bản. Duy nhất chỉ còn ba tờ “sống lâu” là Bách Khoa, Văn và Văn Học. Sau đó là những Vấn Đề, Nghệ Thuật, Tiếng Nói, Tin Văn, Thời Tập, Khởi Hành, Đối Diện, Ý Thức… nhưng cũng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn.

Bách Khoa có lối đi riêng: kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội; phần văn học chỉ chiếm một số trang khiêm nhường. Văn Học cũng vậy. Sau khi Dương Kiền ra đi, Phan Kim Thịnh thay thế thì Văn Học trở thành chuyên san về các nhà văn nhà thơ Việt Nam một thời ghi dấu ấn đậm nét cho dòng văn học Việt Nam với những bài nghiên cứu, phê bình và đăng tải lại các tác phẩm của họ.

Giữa “rừng” sách báo thời đó, Văn có cách chọn lựa của riêng mình. Đó là tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật. Ngay từ số đầu tiên ra mắt ngày 1.1.1964, phía dưới logo Văn, nơi trang bìa có ghi Tập san văn chương tư tưởng nghệ thuật. Nhưng đến số 10 (chủ đề Văn hóa Phật giáo) trở đi, tiêu chí ban đầu của tạp chí lại đổi thành Tập san của những người ham đọc, hiếu học, ưa suy nghĩ. Chính tiêu chí này, cả ông chủ nhiệm lẫn thư ký tòa soạn (đặc biệt là ông thư ký Trần Phong Giao) bị nhận nhiều lời chỉ trích khá nặng nề. Và hình như, để cho những chỉ trích kia thêm “nặng ký”, họ lại chế thêm dầu vào mấy dòng chữ Ban tuyển đọc trong mục hộp thư thường kỳ trên các số báo, cho rằng đó là cách làm của kẻ bề trên, ban phát ơn huệ cho anh em mới cầm bút. Sau này có dịp gặp anh Dương Nghiễm Mậu ở Cần Thơ, tôi hỏi một cách tế nhị về cái Ban ấy, và biết thêm thông tin: Một mình ông Giao làm không xuể: vừa trả lời thư, sắp xếp đặt bài, làm thầy cò sửa morasse, phát hành; vừa đọc vừa viết nên phải mời thêm các nhà văn thành danh khác để chọn lựa bài vở của những người mới cộng tác lần đầu với Văn. Sau này thân quen, tôi hỏi ông thư ký Văn và chỉ nhận được câu trả lời là một nụ cười; một nụ cười rất “Ca Diếp”!

clip_image004clip_image006

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong số ra mắt, các tác giả có mặt hầu hết là những tên tuổi lớn trên văn đàn. Đó là Nguyễn Mạnh Côn, mở đầu với bài viết “Nhiệm vụ của người cầm bút”, tiếp theo là truyện vừa “Chim hót trong lồng” của Nhật Tiến, truyện ngắn “Con chó Uất Trì” của Lê Văn Siêu, thơ của Vũ Hoàng Chương, các truyện của Hồ Hữu Tường, Mai Thảo, Đỗ Tấn và một truyện dịch của Françoise Sagan…

Văn số ra mắt (1.1.1964) đã được độc giả nồng nhiệt đón nhận. Trong Thư gửi bạn đọc trên số 2, phát hành ngày 15.1.1964, có đoạn ghi: “Ngay sau khi vừa phát hành số ra mắt, Văn đã được đón nhận nhiều sự hưởng ứng của các bạn văn cũng như bạn đọc. Chúng tôi muốn nhân đây được ngỏ đôi lời: Văn lúc nào cũng sẵn sàng tiếp đón mọi sự cộng tác. Khởi đi là cơ sở của một nhóm người yêu văn, chúng tôi ước ao mai sau Văn sẽ trở thành diễn đàn chung của tất cả những người yêu văn, không phân biệt tuổi tác, khuynh hướng và trường phái…”. Và, để thực hiện tôn chỉ này, trong số 3, Giai phẩm Xuân, Văn đã tập hợp các bài viết của nhiều thế hệ, các vùng miền khác nhau, từ Vi Huyền Đắc tới Giản Chi, Doãn Quốc Sỹ tới Võ Phiến, Sơn Nam, Phạm Công Thiện, Đặng Tiến… và Nguyễn Đình Toàn, Lê Tất Điều, Y Uyên, Nhã Ca… cùng Vũ Hạnh v.v… để từ đó Văn ngày càng lớn mạnh, có một địa vị vững chắc trong làng báo Văn chương miền Nam thời bấy giờ.

Từ khi biết đọc, tôi đã đọc rất nhiều sách báo, đủ loại thượng vàng hạ cám, cốt nhét cho đầy cái đầu đói khát, nhưng một cách chủ quan và rất “duy ý chí”, tôi thấy ở đất nước khốn khổ này, cho tới giờ phút này, chỉ có duy nhất hai ông là có tầm cỡ làm báo văn học. Đó là ông Trần Phong Giao ở trong này và ông Nguyên Ngọc ngoài kia. Cả hai đều có cặp mắt xanh, phát hiện ra những tài năng văn học cho nước nhà. Công lao ấy, tôi nghĩ, sau này những nhà viết văn học sử sẽ dành cho hai vị một chỗ đứng trang trọng nhất! Bởi cả hai ông đều có một tư tưởng chung là tách bạch văn chương ra khỏi chính trị, chính xác là không chịu để chính trị khuynh đảo, lấn áp văn chương!

Riêng ở miền Nam, trong thời kỳ chữ nghĩa đa chiều, công khai và bởi tính tự do dân chủ thật sự, Văn đã làm tròn thiên chức của một tờ báo (văn học) lớn nhất nước: giới thiệu các trào lưu văn học phương Tây (có cả văn học Nga La Tư, Mỹ La Tinh…), Châu Á (Ấn Độ, Nhựt Bổn, Nam Triều Tiên…) và bên cạnh những nhà văn tên tuổi, Văn còn có công lớn, khám phá những tài năng mới, có thể kể tên: Lê Tất Điều, Nhã Ca, Y Uyên, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Ngụy Ngữ, Trần thị NgH., Kinh Dương Vương, v.v… và v.v… Chủ đích này, có thể thấy ngay ở số 11 ngày 1.6.1964, với chủ đề NHỮNG CÂY BÚT TRẺ ĐANG LÊN. Trong Thư gửi bạn đọc, có đoạn: “Trong số báo này (…) chúng tôi xin mời bạn đọc những sáng tác mới nhất của những cây bút trẻ đang dồi dào phong độ. Văn nghiệp của những cây bút góp mặt nơi đây mặc dù còn đang được xây đắp bằng rất nhiều công khó, cũng đã có được ít nhiều sắc thái riêng biệt khả dĩ xác nhận sự hiện diện của họ trên văn đàn. Họ đang cố vươn tới, đi lên. Nội sự cố gắng đó thiết tưởng đã đủ để bạn đọc tiếp nhận tác phẩm của họ bằng rất nhiều thiện cảm”. Những “Họ” trong số chủ đề này là: Trần Như Liên Phượng, Dương Nghiễm Mậu, Huy Lực, Luân Hoán, Hoàng Đông Phương, Nguyễn Đức Sơn, Thảo Trường, Thế Nguyên, Viên Linh, Thế Uyên, Nguyễn Quang Hiện.

clip_image008

Cứ thế, Văn đều đặn giới thiệu đến độc giả Việt Nam các nhà văn thời danh thế giới: Boris Pasternak, F. Sagan. A. Camus, J.P. Sartre, Hemingway, J. Steinbeck, Lỗ Tấn, Kawabata, Nguyễn Du, Lâm Ngữ Đường, Tản Đà, Khái Hưng… cùng những tuyển tập thơ văn của các tác giả trong nước, tạo thành một vườn văn đầy hương sắc, tạo được lòng mến mộ của độc giả với tờ báo bởi những thông tin đa chiều, những khuynh hướng trào lưu văn học trên thế giới được cập nhật đều đặn mỗi nửa tháng.

Với những người viết trẻ, Văn luôn là cánh cửa mở. Tất nhiên mỗi tác giả khi bước qua cánh cửa này luôn phải mất nhiều công khó, như trong thư gửi bạn đọc ở số 11. Đây có lẽ cũng là niềm tự hào của những người viết mới, khi được Văn chọn đăng tác phẩm của mình, như là bước khởi đầu cho sự thành công sau này. Còn thành công đến đâu, dài hay ngắn thì bản thân mỗi tác giả lại phải cố vươn tới, đi lên.

Trong số những người viết trẻ đến với Văn, duy nhất chỉ có Cảnh Cửu luôn làm ông Trần Phong Giao nuối tiếc và buồn không ít. Không rõ, những anh em cùng lứa với chúng tôi hồi đó, ông có tâm sự về chuyện này hay không, nhưng với tôi, mỗi khi có dịp gặp nhau là ông lại nhắc đến, coi đó là một “tai nạn” nghề văn. Có lần, ông kêu tôi và Trần Hoài Thư đi uống la-ve ở đường Nguyễn Kim, Chợ Lớn, gần sân vận động Cộng Hòa, ông nói: “Cảnh Cửu là trường hợp ngoại lệ, độc nhất vô nhị của Văn, lũy gửi truyện đầu tiên, moa mở ra đọc. Chỉ vài đoạn đầu đã làm moa ngạc nhiên, thích thú vì quá hay, và quyết định cho đăng ngay, không cần qua Ban tuyển đọc. Cứ ngỡ rằng sẽ có một văn tài xuất hiện, nhưng sau đó truyện thứ hai lũy gửi đến làm moa vô cùng thất vọng. Nhưng để khuyến khích lũy, moa cho đăng. Khi gửi báo biếu và nhuận bút, moa kèm theo lá thư rất chân tình, đại ý truyện này (truyện thứ hai của Cảnh Cửu) viết quá dễ dãi …”.

Điều mà ông gọi là “độc nhất vô nhị” chính là truyện ngắn Thư từ Tuy Hòa của Cảnh Cửu được chọn đăng trên Văn số 45. Đây là truyện ngắn hay, rất hay của Cảnh Cửu, viết về nỗi cô đơn của nhân vật nữ xưng tôi. Truyện có vẻ như tự truyện của cô gái trên chuyến tàu hỏa đi qua vùng cát cháy Vạn Giã, Tuy Hòa, lang thang trên các con phố Qui Nhơn để nhớ đến những kỷ niệm nhỏ về “Anh” nào đó vừa “dính men” chen vào ngóc ngách tình cảm của cô. “Anh” chỉ còn là cái bóng bên cạnh khiến cô gái càng thêm “trống”, cô đơn hơn bao giờ. Sự cô đơn kia lại được Cảnh Cửu phác họa một chi tiết rất nhỏ trong tầng sâu tâm cảm của cô khi chợt nhận ra “Tôi khoanh tay ra sau tì lưng vào thành tàu ưỡn người. Ngực tôi lồ lộ. Gió tung vạt áo trước tôi đi xa thấy rõ hàng nút xẻ dọc trên quần. Gió càng mạnh làm vải ở hai bên đùi tôi mỏng thêm và chiếc xì-líp dày cộm kinh khủng. Tôi biết nhưng cũng chẳng buồn sửa lại. Cuộc chiến tranh nào bi đát bằng cuộc chiến tranh này”, là những hẫng hụt về cảm giác đụng chạm thịt da trước đó không lâu, sự cô đơn đến cuống cuồng đau đớn mà Cảnh Cửu dùng chỉ một từ “bi đát”. Đọc truyện này, khiến tôi liên tưởng đến truyện Người đàn bà ngoại tình (La femme adultère, trong tập L’exil et le royaume) của A. Camus! Một truyện ngắn đầu tiên của một Cảnh Cửu chưa tên tuổi đã khiến người đọc sững sờ vì cái style rất riêng, cốt truyện rất lạ, thứ truyện không truyện.

Người thứ hai làm cho ông buồn nhiều, đó là Y Uyên. Cái chết của Y Uyên như một nỗi ám ảnh lớn đối với ông và như thể do chính ông gây ra. Sau số Văn (số 129, ngày 1.5.1969) tưởng niệm nhà văn tài hoa mệnh bạc này, ông có nhờ chúng tôi sưu tập lại những truyện ngắn của Y Uyên chưa từng công bố, sau đó xuất bản với tên Có loài chim lạ trong tủ sách Nguyệt san Tân Văn số 44 tháng 12.1971. Trong khi làm công việc sắp xếp, ông hỏi tôi (vừa từ Gò Công lên): Cậu có biết anh Nguyễn Hiếu Học ở Phan Thiết không? Tôi trả lời không. Ông nói, nghe đâu khi đóng quân ở Phan Thiết, Uy viết được gì đều gửi lại ở nhà Nguyễn Hiếu Học không mang theo chỗ đóng quân. Nếu có được thì hay quá! Tôi nói anh có thể nhờ các anh Từ Thế Mộng, Nguyễn Bắc Sơn hay Lê Văn Chính hỏi giúp. Sau đó một thời gian, tôi hỏi có tin gì về những bài lai cảo của anh Uy ở Phan Thiết? Ông lắc đầu tỏ vẻ chán nản và rủ tôi qua bên Thủ Thiêm uống bia. Uống đâu chừng hai ly, mắt ông đỏ lên, ngân ngấn: “Bao công lao chạy cho được cái giấy thuyên chuyển đều đổ sông đổ bể! Cầm được bưu điệp trong tay rồi còn quay ra đơn vị làm gì để đến nỗi bỏ mạng? Moa đã viết thư, gọi điện ra Phan Thiết nhắc rồi: Có là đi ngay, về ngay. Tình hình phức tạp lắm… Vậy mà…”.

Người thứ ba cũng làm ông lo lắng không ít, đó là trường hợp Người em xứ xương rồng. Anh bỏ đơn vị lang thang vào Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang… vì không kham nổi mỗi đêm phải dẫn Trung đội “thám kích” với cặp kính trên 7 độ! Ông lại tìm đủ mọi cách để cứu “Người em” và cuối cùng chính ông cũng toại nguyện: “Người em” được chuyển về viết quân sử ở Quân Đoàn 4, đêm không còn phải đi bằng chân lẫn tay để dẫn Trung đội đi kích như trước ở cầu Bà Gi!

Một trường hợp khác là Lê Văn Thiện. Năm 1969, từ Cần Thơ về quê ăn Tết, ghé lại Văn nhận báo biếu, ông Giao bóp trán à lên một tiếng: “Hình như Lê Văn Thiện đóng quân ở quê cậu. Có gặp cho tôi gửi lời thăm, cái truyện đó tôi gác lại!”. Tôi không hiểu truyện đó là truyện gì, của ai, nhưng ngay sau đó ông kéo hộc bàn viết, ghi KBC của Thiện đưa cho tôi và dặn thêm: “Nói với Thiện viết thêm vài truyện nữa để Văn in cho một tập dày dày…”. Theo cái KBC, tôi gặp Thiện nơi đóng quân ở ngoại ô thị xã, sau này thân nhau. Và sau đó hai tập truyện ngắn của Lê Văn Thiện đều được Văn xuất bản (tập sau Sao Không Như Ngày Xưa, ghi nhà xuất bản là Côi Sơn, nhưng thực chất là của Văn). Ông Trần Phong Giao làm công việc này, ngoài chất giản dị nhưng sâu sắc kiểu văn phong Thạch Lam của Thiện, ông còn có một ý khác là giúp Thiện có đủ 2 tác phẩm để có thể xin thuyên chuyển về một nơi nào đó an toàn, có nhiều thời gian hơn cho sáng tác. Vì lúc này đơn vị của Thiện là SĐ 9BB đang hành quân và đụng trận liên miên trên đất Cambodge.

Nhắc đến những trường hợp này để thấy ông sống với anh em bằng cả tấm lòng, không hề phân biệt lớn nhỏ, đã thành danh hay chưa.

Đúng như nhiều người nhận xét, mới nhìn thấy lần đầu, trông tướng mạo ông cứ lừ lừ như ông Tiêu cầm đại đao trong cửa Phật, nhưng tiếp xúc qua một vài lần, cái khoảng cách trước sau không hề tồn tại trong lối ứng xử của ông. Nếu như chỉ nhìn thấy ông ngồi vừa gõ máy chữ hay sửa bài vừa tiếp khách mà không “cần” ngó mặt khách thì có vẻ ông Trần là con người cao ngạo để người khác chỉ trích. Nhưng đó là cá tính. Con người ông không phải vậy. Vì những khi gửi báo biếu ông luôn viết kèm lá thư dài ngắn với những lời lẽ rất chân tình như thể giữa ông và người nhận thư là anh em thân thiết. Ngay cả khi rời Văn ra riêng với Giao Điểm, sau đó là Chính Văn của Nguyễn Mạnh Côn hay lúc qua làm thủ thư ở Đại Học Cửu Long thì cái sự “chức tước” đối với ông chỉ có ở tấm lòng với nhau: Nhà văn lớn, nhà văn bé ông đều cư xử như nhau. Mọi người quý ông là ở chỗ đó, và trách ông cũng chính ở chỗ đó!

Sau ngày tan nát, mọi trật tự xã hội đều bị đảo lộn, khoảng giữa tháng 6/75 tôi nhận được một phong thư không dán tem của ông (do người lái xe lam đưa cho cậu học trò chuyển đến tận tay), trong đó ông viết “hiện tôi đang ở coi trạm bơm nước Tham Thu, lúc nào rỗi cậu ra chơi”. Từ trường ra chỗ ông không xa, nhưng mãi đến hơn tuần lễ sau tôi mới đến được (do bị quản chế, bị bắt học chính trị ngày đêm). Đó là buổi sáng sớm có mưa tí tách. Ông ngồi một mình trên căn chòi có gác cao, đang pha trà uống một mình. Tôi hỏi sao anh lại xuống đây. Ông nói người bạn trúng thầu xây trạm bơm nước này từ cuối năm 74, thi công gần xong thì xảy ra sự cố. Anh bạn nhờ tôi trông coi hộ để có thể giao sớm cho họ. Chúng tôi không nhắc chuyện cũ, chỉ nói những chuyện vu vơ về tình hình mới, những mất mát, lo âu…

Năm 77, 78 tôi ghé lại nhà thăm ông ở hẻm Hai Bà Trưng gần sát Cầu Kiệu (Tân Định), sức khoẻ như suy giảm, đôi chân có vẻ yếu khi tôi thấy ông từ ghế đứng lên bắt tay, rót nước mời khách. Ông hỏi tôi dạy dỗ thế nào, tôi nói đang tính bỏ dạy, ngán quá! Ông nhìn tôi nói tùy thôi và cho biết thêm là anh chị cũng đang chạy chợ để nuôi các con. Lần cuối cùng gặp ông là năm 1994 tại nhà cũ; lúc này sức khỏe suy sụp khá nhiều (bệnh tai biến), nhưng cũng kịp lấy ra bài thơ đánh máy tặng tôi, bảo “để cậu đọc chơi”:

SÁU MƯƠI TUỔI CẢM TÁC

Khai bút đầu xuân gõ máy chơi
Tưởng mình “cả tiếng lại dài hơi”
Nào ngờ mắt kém tay run rẩy
Đã lão tuy vừa chớm sáu mươi

Tuổi tri thiên mệnh tưởng được nghỉ
Nào ngờ vợ ốm thêm vận bĩ
Lại thức thâu đêm mài chữ bán
Bẩy hào một từ sung sướng nhỉ?

Chữ nghĩa Tây Tầu trót dở dang
Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng
Mười ba năm đã quên cầm bút
Nghĩ đến Kiều thêm nỗi bẽ bàng?

Xin hiểu lòng tôi hỡi nguyệt vàng
Mưu sinh hệ lụy của trần gian
Tôi còn sống nhé tôi chưa chết
Chỉ có tên xưa cát bụi tan

Trà rượu xuân tình vẫn cứ chơi
“Cơm toàn rau muống chẳng chiên ngôi”
Đã lỡ phong lưu nên phải gượng
Sáng dầu kim tận cũng đành vui

Tưởng lúc về già được con nuôi
Chơi chim chơi cảnh hưởng nhàn chơi
Hào khí chưa mòn râu tóc bạc
Mới biết cao xanh chẳng đãi người

Trời cao mây trắng ngẩn ngơ trôi
Ngoài hiên hoa mướp nhởn nhơ cười
Thơ xuân đánh chữ chê ông quá
Chữ nghĩa Thư Trung chán mớ đời

Đầu năm khai bút à khai máy
Rượu uống mềm môi vẫn chẳng say
Ngậm ngùi pha loãng men cay đắng
Hàng xóm hoa mai lơi lả bay

Một bầu tâm sự gửi về đâu?
Mênh mang giấy trắng ngẩn ngơ sầu
Trước đèn nào biết xuân hay tết
Chỉ biết lòng riêng nỗi quặn đau

Khai bút đầu xuân gõ máy chơi
Tâm sự vô cùng cố hữu ơi
Đã không thương nhớ đừng thương xót
Hãy mặc tôi và tuổi sáu mươi
(1990)

Trần Phong Giao

Mấy chục năm trôi qua, báo chí văn học trong nước xuất bản khá nhiều, nhưng mỗi khi đọc, lại cảm thấy có cái gì đó chừng mực, vừa phải, luôn có sự e dè, né tránh, chưa hết mình với ngòi bút, khác hẳn với phong cách của Văn đã dày công tạo dựng, mà người tiên phong là Trần Phong Giao. Giờ này, ngồi viết lại những dòng ngắn này như một nén nhang nơi chốn xa xôi, thắp lên để tưởng nhớ ông, người luôn mang tấm lòng chân thật, rộng mở đến với những người viết mới, với kỳ vọng là họ sẽ thành công.

Nguyễn Lệ Uyên

__________

Trần Phong Giao tên thật: Trần Đình Tĩnh, bút hiệu khác: Trần Phong, Thư Trung, Mõ Làng Văn.

Sinh năm 1932 tại Nam Định. 1954, ông di cư vào Nam. Năm 1960 đến năm 1963, thư ký tòa soạn Tin Sách do Trung Tâm Văn Bút Việt Nam chủ trương. Thời gian này, ông cũng bắt đầu dịch một số tác phẩm văn chương, triết học của các nhà văn nổi tiếng thế giới.

Đầu năm 1964 thư ký tòa soạn tạp chí Văn tại Sài Gòn, Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm.

Năm 1971, ông thôi làm ở tạp chí Văn, xuất bản tạp chí Giao Điểm, nhưng chỉ được ít số thì đình bản. Sau đó, ông thực hiện một vài giai phẩm khác nữa (trong đó có tờ Chính Văn với nhà văn Nguyễn Mạnh Côn), nhưng không thành công. Cuối cùng ông trở lại công việc dịch sách và làm quản thủ thư viện Đại Học Cửu Long cho tới ngày 30.4.1975. Bên cạnh các công việc trên, đầu năm 1975, ông còn giữ mục Giải đáp thắc mắc Văn học trên tờ Thời Tập của nhà văn Viên Linh.

Ông mất ngày 13 tháng 4 năm 2005 tại nhà riêng ở quận 6, Sài Gòn, thọ 73 tuổi.

Tác phẩm:

 

Ngồi lại bên cầu (tập truyện)

Nửa đêm thức giấc (tiểu thuyết)

Lưu đày và quê nhà (L’exil et le royaume) tuyển truyện của Albert Camus.

Guồng máy (L’engrenage) dịch tác phẩm kịch của Jean-Paul Sartre.

Sứ mệnh văn nghệ (Discours de Suède), diễn văn đọc tại lễ nhận giải Nobel Văn chương của Albert Camus.

Sự đã rồi (Les jeux sont faits) của Jean-Paul Sartre. Trần Phong Giao dịch chung với Nguyễn Xuân Hoàng.

Không một nấm mồ (Morts sans sépulture) của Jean-Paul Sartre.

Con chim trốn tuyết (Snow goose), truyện của Paul Gallico. Trần Phong Giao dịch chung với Hoàng Ưng.

Kinh nghiệm đời văn của Erskine Caldwell. Trần Phong Giao dịch chung với Nhã Điển (Nxb Văn Hóa, 2009).

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search