T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Về Làng

(Nguyễn Lệ Uyên: CHÂN DUNG TỰ VẼ)

clip_image002

Chân Dung Tự Vẽ là tập truyện của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên gồm 18 truyện ngắn được sáng tác ở thời điểm trước và sau dấu mốc 30 tháng 4 năm 1975. Tác phẩm đã được Thư Quán Bản Thảo xuất bản năm 2010 và Tủ sách Kệ Sách EBook ấn hành dưới dạng điện tử năm 2012.

TV&BH sẽ lần lượt giới thiệu 18 truyện ngắn này của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên trong chuyên mục: Nguyễn Lệ Uyên: Chân Dung Tự Vẽ.

Xin cám ơn nhà văn Nguyễn Lệ Uyên đã nhiệt tình cộng tác và trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả của TV&BH.

TV&BH

2014

Về Làng

Derrière chaque l’homme,

il y a un enfant”

Angel. V

Ông Xang gắng sức đạp liền mấy chục cái chiếc xe mới chịu nổ. Nó bật rung lên, ho lạch cạch như người bị hen suyễn, còn ông thì gần đứt hơi. Chỉ cần thêm mấy cái đạp nữa có thể ông sẽ khuỵu xuống. Ông đã già. Chiếc xe cũng già. Nó già gấp mấy lần con chó nhà ông đã rụng lông xơ xác, vảy tróc lên từng mảng ghẻ lở màu phân trâu. Ông thở hắt ra rồi tự nhủ “dù gì cũng phải cố đưa ông bạn già về làng một chuyến sau nhiều năm xa cách, như một bổn phận không thể cưỡng chống”.

Nhưng ông bạn Việt kiều hình như không nhìn thấy cảnh này, đang ngó nghiêng nhìn trời ngắm đất. Mãi đến khi chiếc xe hắng giọng ho khùng khục liên hồi thì ông mới quay lại hỏi “được chưa” rồi thản nhiên dạng chân ngồi lên sau yên cười hềnh hệch: “Ôi con ngựa già của chúa Trịnh. Con ngựa mới thật đáng yêu!”. Tiếng máy nổ át tiếng nói, ông Xang không nghe gì, chỉ có mảng khói đen khét lẹt phụt ra sau như cố lấy sức dướn tới một cách khó nhọc. Ông bạn Việt kiều cười hể hả: “Mấy chục năm về làng được đi xe ông như lý trưởng ngày xưa cỡi ngựa, ông hỉ?”. Ông Xang nghe tiếng được tiếng mất: “Chịu khó ngồi, nửa tiếng nữa tới làng”.

Làng của hai ông là xóm nhỏ nằm bên tả ngạn khúc sông uốn hình vòng cung trước khi chảy xuôi ra biển, bên này là con đường chạy song song với kênh dẫn nước nối đồng bằng với các vùng núi phía tây. Trước, cái làng ấy nổi tiếng giàu có nhờ ruộng đất phì nhiêu; nổi tiếng đá gà và và xóc dĩa kéo dài từ tết cho đến giáp mùa lúa tháng Ba. Con gái trong làng đẹp bởi nước da trắng, mắt đen láy nhưng khổ nỗi mông to như đít trâu cày, hai bàn chân thì bè ra như chân vịt. Mông to và chân bè vì những gánh lúa đè nặng lên đôi vai trên những bờ ruộng khấp khểnh, trơn lầy. Các cô ít ai ra khỏi làng, chẳng mấy người được học hành tử tế, cao lắm cũng chỉ hết bậc tiểu học để làm con tính, viết thư tình rồi lấy chồng đẻ con. Cuộc đời cứ vậy lặng lẽ trôi qua, không ai bận tâm, thắc mắc này nọ.

Cả hai, ông Xang và ông Tĩa Việt kiều đều xa làng khá lâu. Sau chiến tranh, một người lên thành phố kiếm sống và sống cũng tạm ổn; người kia lên thuyền vượt trùng dương và mang quốc tịch khác. Hai cảnh đời khác nhau, nhưng vì tình thân từ tấm bé nên mỗi khi hai người gặp nhau, từ thời trai trẻ cho chí tuổi già, thường bên cạnh nhau như hình với bóng.

Lần này ông Tĩa về nước sau gần ba mươi năm không hề biết đến mùi nước mắm, cá kho năm bảy lửa và khói bếp nên thấy cái gì cũng lạ, ăn cái gì cũng ngon, hệt đứa con nít mới lớn. Tâm trạng ấy chỉ lấp ló trong đầu ông Xang như đốm đỏ đầu cây nhang nhìn thấy từ xa, rất xa. Ngược lại, ông Tĩa thì luôn háo hức, hồi hộp, chờ đợi… rồi nó bật rên nho nhỏ khi hai ông nằm chung trên chiếc giường chỉ có chiếc chiếu trên tấm vạt tre: “Mai mình về thăm làng, hẻ. Cũng sắp tết rồi”. Ông Xang gạt chân bạn đang gát ngang qua bụng: “Còn ai đâu!”. Ông Tĩa chồm lên, thì thào: “Còn chớ sao không. Lùm tre, đọt dừa, đồng làng, con mương… với cô Hai Khảnh”. Ông Xang thở dài: “Tôi cũng không nhớ nữa. Còn sống thì chắc cũng phệu phạo, răng rụng hết rồi”.

Chiếc đèn ngủ trên vách tỏa chút ánh sáng nhòa nhạt. Mọi vật đều lờ mờ. Tâm trí ông Xang cũng lờ mờ về hình ảnh cô Hai Khảnh. Ông không thể hình dung nổi cô Hai ra sao. Không nhớ nổi. Lâu quá rồi, xa quá rồi. Nhưng ông Tĩa chắc nhớ rõ. Không nhớ sao lại nhắc đến? Mà nhớ là phải. Hai người đã có tình ý từ hồi học septième classe. Hồi đó chắc cô cũng đã phát mã, gò ngực mây mẩy, nước da trắng như trứng gà bóc vỏ khiến anh học trò Tĩa ngây ngất? Khuôn mặt đó, cặp mắt đó hẳn ông Tĩa lưu giữ mạnh mẽ trong đầu hơn bất kỳ ai. Về nước nhớ làng. Về làng bỗng nhớ người yêu trong mộng đã mốc meo từ kiếp nào. Nhưng chút bụi mốc ấy bỗng sáng lóa, trơn tru, mới mẻ đến bất ngờ. Hai ông bạn già tuổi quá bảy mươi tự dưng thấy lòng cồn cào nỗi nhớ bâng quơ, mỗi người nhớ về một chốn, một kiểu khác nhau.

Giờ thì hai ông bạn già đang trên đường về làng với chiếc xe máy cũ kỹ, thỉnh thoảng ho khan của người bị bệnh hen suyễn mãn tính.

Xe ra khỏi thành phố non cây số, bất ngờ ông Tĩa bấm vào hông bạn.

-Dừng, dừng lại!

Ông Xang ngó lui làm chiếc xe lạng đi, suýt đâm bổ sang lề bên kia.

-Chi vậy, bộ mắc tiểu hả?

-Không, dừng lại. Mình nhớ…

Ông Xang đạp thắng. Chiếc xe khi đứng yên cũng khốn khó như khi nổ máy lao tới. Ông bạn già ngoái chân ra sau bước xuống, đứng chống nạnh ngó ra hướng bấc:

-Ngôi miếu chỗ này đâu rổi nhẻ? Rõ ràng hồi nằm miếu tọa vị trên khu đất này mà?

-Ngôi miếu thờ thành hoàng?

-Đúng. Xưa kêu miếu Cây Da.

-Phía trên kia, non cây số; nhưng nó biến mất rồi, biến từ khuya!

-Sao vậy? Bão sập, lũ nước cuốn trôi?

Ông Xang xa xăm.

-Bão lũ con khỉ gì. Hồi vô hợp tác xã, mấy ông cán bộ kêu “không có thần thánh gì sất, mê tín dị đoan. Phá đi để làm sân kho, phải duy vật, phải biến nó làm ra của cải chớ không để chình ình ra đó, choáng đất…”.

-Trời đất, không có người tiên phong mở đất lập làng thì làm gì có chốn này. Một thẻo đất nhỏ để phụng tự người có công mở đất mà kêu dị đoan với mê tín!

-Thôi đi. Công trạng coi như đã hoàn mãn. Giờ thì qua chương khác, phải làm ra của cải. Nghe nói hồi đó mấy lăng tẩm, đền miếu ngoài cố đô còn bị phá huống chi ngôi miếu nhỏ này. Lên xe ông bạn, trưa rồi – ông Xang nói như ra lệnh.

Chiếc xe khốn khổ rên lên rồi lấy hết sức bình sinh dướn tới, lẫm chẫm giống đứa trẻ mới tập đi. Nó loạng choạng không hẳn vì sức nặng của ông bạn ngồi sau mà đơn giản nó quá cũ kỹ, rệu rã chỉ năm thì mười họa mới lôi ra dùng; như bữa nay nó lấy hết hơi tàn lực kiệt để đưa hai người về làng, như một cách trả đền ơn nghĩa cho những tấm lòng thiết tha đến cố hương. Ông Xang có cảm giác mắc cỡ với bạn vì sự chậm chạp, ọc ạch. Nhưng ông Tĩa thì không thấy thế, sự chậm chạp kia giúp ông có đủ thời gian quan sát mọi vật chung quanh. Đó là dòng nước trong xanh từ đập chắn ngang khúc sông lớn đưa về. Nước len vào các chân ruộng đang thì con gái. Mùi thơm nhẹ của cây cỏ, đất bùn phảng phất trong gió hiu chút nắng buổi sáng. “Giá có chút khói đốt đồng” ông nghĩ thầm trong đầu. Thứ khói đó chỉ có ở các làng quê trong nước, lừng lựng thơm như một loại nước hoa khác biệt với thế giới cơ khí, nhôm nhựa! Chỗ ông ở thỉnh thoảng vẫn có khói, nhưng đó là những đám khói cuồn cuộn trong các vụ cháy rừng. Khói mù mịt, nồng nặc đến ngạt thở, co giò chạy thục mạng, lên xe phóng như tên bắn; loại khói của nỗi hoảng loạn khi chúng men tới sát mép rìa khu thị trấn. Dễ đến ba bốn lần ông hít phải thứ khói ấy với nỗi sợ hãi mình sẽ bị thiêu cháy tức khắc!

Phía trước, ông Xang bất ngờ đưa cánh tay khẳng khiu ra và bất ngờ ngoặc sang trái để rẽ vào đoạn đường trải sỏi đỏ hỏn. Ông Tĩa chồm tới:

-Đi đâu vậy, cua vào đây làm gì?

-Thì vào làng mà – Ông Xang trả lời.

-Làng? Làng mình nay giàu thế sao? Cả một dãy nhà lầu kia dân làng xây?

-Không. Khu công nghiệp tiểu thủ công nghiệp đó.

-Hồi xưa chỗ này là đồng lúa phì nhiêu, sao tự dưng đi làm khu công nghiệp?

-Không biết. Ở trên ấy. Họ nói công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn mà!

-Ôi trời! – Ông Tĩa kêu lên nức nở như chính mắt mình nhìn thấy ông bạn bị chôn lấp bên dưới lớp cát nền khu công nghiệp.

-Lạ thiệt – Ông Tĩa tiếp tục rên.

-Có gì mà kêu lạ. Rất bình thường. Ruộng đất của nhà nước, họ muốn làm gì thì làm, nông dân đâu có quyền kêu ca. Cả ngàn mẫu ruộng tươi tốt bỗng dưng lấp trọi, rồi đưa cho thằng giàu làm cái sân banh, đánh trái gì trăng trắng như trứng vịt đấy.

Bố siệt!

-Gì? – Ông Xang ngoái lui hỏi.

Ông Tĩa không trả lời, cảm thấy ngưa ngứa bên mang tai.

Phải khó khăn lắm hai ông bạn già mới hỏi thăm được nhà bà Hai Khảnh.

Đó là căn nhà ngói cũ kỹ, xây theo kiểu chữ đinh nằm khuất sau mấy hàng cau, bưởi… Trên khoảng sân hẹp lèo tèo mấy chậu cây cảnh cành lá xác xơ, hình như chẳng mấy khi được chăm sóc. Xe dựng bìa sân. Con chó từ trong nhà nhảy xồ ra sủa từng tràng dài như muốn xua đuổi hai người khách lạ. Lát sau người đàn ông có chòm râu bạc quăn queo, ở trần từ sau bếp bước tới, tay còn nắm cây rựa cán dài:

-Hai ông hỏi ai?

-Dạ chúng tôi là bạn cũ của chị Hai. Chúng tôi học chung lớp từ hồi nhỏ. Mấy chục năm… – Ông Xang tiếp tục kể lể dông dài. Người đàn ông vừa nghe thỉnh thoảng lại lắc đầu nửa như tin như ngờ:

-Chết rồi. Chết năm ngoái. Bị tăng xông.

Ông Tĩa chưng hửng, quay mặt đi trong khi ông Xang còn kịp thốt ra một câu không biết để an ủi người chồng góa vợ hay an ủi ông bạn già luôn bao phủ quanh người một thứ mùi hăng hăng, chua chua của loại bánh mì kẹp thịt ở xứ lạnh:

-Tội nghiệp.

Chủ nhà dựng cây rựa vào tấm phên liếp:

-Mời hai ông vào trong này – Nói vừa chỉ tay vào nhà.

Đúng là loại nhà không có bóng dáng phụ nữ, ông Tĩa thầm nghĩ trong đầu, nhìn quanh. Mọi thứ đều lộn xộn, đặt ở những vị trí không mấy thích hợp: Cây chổi dựng ngay cửa đi, phích nước đặt dưới nền xi măng, bó rau đã héo nằm chỏng chơ gần bậu cửa… Tất cả như muốn kêu lên rằng “chúng tôi cô đơn”.

Bỏ mặc ông Xang hỏi han này nọ với chủ nhà, ông Tĩa đứng dậy vừa nói vừa bước tới bàn thờ nằm khuất trong góc tối “ Xin phép anh tôi thắp chị Hai cây nhang”, nói và đứng bật lên, bước tới.

Chị Hai đang ngồi trong khung kính, trước mặt ông Tĩa. Trên bàn có nải chuối chín rục lặng lẽ trên cỗ bồng, bát nhang cắm đầy chân màu son và hai cây đèn sáp hai bên cháy phân nửa còn đọng lại những dây sáp thòng thòng như những giọt nước mắt chưa khô. Ông Tĩa cảm thấy bùi ngùi khi nhìn lên bức chân dung người quá cố: Chị Hai mặc áo nhung đen quần trắng, chân vắt chéo trên chiếc đẩu có vai tựa, bên cạnh là chiếc bàn con có lọ hoa và bình trà cùng chén tách. Chị Hai xương xẩu, môi được tô đỏ, chân mày vẽ cong cố nở nụ cười với ai đó trước mặt nhưng không tươi. Duy nhất có đôi mắt vẫn còn giữ được vẻ sắc sảo ngày nào. Đôi mắt ấy đã nới với ông bao điều giờ bị đóng cứng trong khung kính với cái nhìn xa xăm, khiến ông nhớ lại những năm tháng cũ, có lần nhìn thấy cô Hai đứng bên góc rào với tay hái những lá mồng tơi, bồ ngót. Bàn tay trắng thon lướt trên những phiến lá màu lục diệp. Cô dướn lên, mông như phình ra đỡ bộ ngực căng tròn, làm điểm tựa cho đôi tay thoăn thoắt. Ông ngắm mãi, ngắm mãi…

Giờ này cô Khảnh không còn tồn tại trên thế gian này, nhưng trong tận cùng tiềm thức ông vẫn nhìn thấy rất rõ những ngón tay búp thon, chiếc mông tròn căng. Và rồi ông ao ước giá như ngay lúc này có nồi canh tập tàng mồng tơi, bồ ngót, sẽ không ngại ngùng vừa ăn vừa nhìn cô trong khung kính.

Ông Tĩa đứng thật lâu, lâm râm cầu khấn thật lâu khiến ông bạn già bên ngoài chột dạ, ái ngại. Nhưng với ông thì chẳng hề chi. Ông chưa làm gì lỗi đạo, chỉ muốn nói với người đang ngồi bên trong khung kính rằng ông về thăm với tất cả lòng thành. Tiếc là không được gặp nhau để nhắc lại những chuyện cũ, những chuyện rất vu vơ của thời trai trẻ: Nói với nhau bằng ánh mắt, giữ trong nhau bằng những nhịp tim đập thình thịch của thứ mặc cảm phạm tội bị câu thúc bỡi lễ giáo, gia phong . Chỉ có vậy. Một chút xíu thôi, nhưng nhớ đời.

Ông Tĩa quay ra. Ánh mắt hình như ẩn một chút lạ. Ông ngồi xuống đỡ tách trà nguội ngắt từ tay chủ nhà.

-Cảm ơn hai ông. Nhà tôi đơn chiếc. Lũ nhỏ đi làm ăn xa, ở mỗi đứa một nơi, năm thì mười họa mới về.

Chỉ với mấy câu ngắn ngủn đó cũng đủ vẽ nên bức tranh về gia cảnh của người đàn ông vừa mất vợ, cũng đủ để ông Tĩa và ông Xang chạnh lòng.

Họ tiếp tục câu chuyện, hạ thấp giọng, bùi ngùi an ủi, ngân ngấn cảm thông. Họ nói đủ chuyện cho tới lúc như không còn chuyện gì để nói nữa bèn đứng lên chào nhau. Ba người đàn ông cùng bước xuống thềm bằng những bước chân nặng nhẹ khác nhau.

Chiếc xe rên từng hồi dài như người hấp hối, cọc cạch dướn tới đưa hai ông già ra khỏi ngõ, luồn vào truông tre tối thui.

Nguyễn Lệ Uyên

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search