T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vũ Cao Hiến: Quân trường xưa

Vũ Cao Hiến: Quân trường xưa

clip_image002

Quân trường xưa – Tranh: Trần Thanh Châu

“ . . . tôi được nghe lại với niềm xúc cảm khó tả về một bản nhạc mà anh em chúng tôi ở hai trại Nam Hà và Vĩnh Phú đã nghe đi nghe lại nhiều lần, và được kể là một trong những bài hát của một người viết nhạc không chuyên nhưng để lại ấn tượng ray rứt, tiếc nuối cho những người một thời xếp bút nghiên bước vào quân trường theo tiếng gọi của núi sông. Tôi muốn nhắc đến bản ’Quân Trường Xưa’ và tác giả của nó là đại úy Vũ Cao Hiến, một cựu sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia, một người tù cải tạo tôi đã có dịp chung phòng chung trại, nhưng nay thì cả người lẫn tên đã trở thành ‘tượng đài thuyền nhân trên biển’ trong một chuyến vượt biên tìm tự do sau khi anh xuất trại vào giữa thập niên ’80. . . “

“ . . . Nói về bài hát nó hay ở chỗ vừa  biểu lộ tâm tư của chính mình nhớ về những kỷ niệm một thời nơi quân trường cũ, đồng thời nói hộ nhiều người nỗi bức tử của  những người lính ‘qui hàng’ trong tư thế thua cuộc của một đạo quân một thời oanh liệt. Bài hát với ca từ tựa như một bài thơ, một bài thơ phổ nhạc, lời lẽ mộc mạc nhưng tha thiết, âm điệu réo rắt nhưng bồi hồi, pha nỗi tức tưởi của những người lính được đào tạo để chiến đấu chứ không phải để qui hàng khi đất nước lâm nguy. Bối cảnh là quân trường võ khoa Thủ Đức, với các điạ danh cụ thể từ đồi Tăng Nhơn phú, đến Chợ Nhỏ, xóm Tân Vạn…ghi đậm dấu chân của hàng chục ngàn sinh viên sĩ quan trừ bị trải qua năm tháng từ lức quân trường thành lập cho đến lúc tập thể tan hàng. Tất nhiên những ký ức quân trường thì dù xuất thân Đà Lạt hay Thủ Đức vẫn có một nét chung là những ngày huấn nhục, những đêm di hành, những đêm trên chòi gác giặc, những bài học chiến thuật, bài giảng binh thư, những giờ phép cuối tuần trở về phố thị, những phút thăm gặp người yêu, rồi ngày ra trường, ngày ra đơn vị luôn là những kỷ niệm vui buồn, lưu luyến khó quên trong tâm thức những người lính trẻ. . . “ (Đỗ Xuân Tê – Nhớ Vũ Cao Hiến với bản Quân trường xưa)

” . . . Ở Vĩnh Quang đến năm thứ 6, trại chúng tôi có một đợt tha lớn. Đội Văn Nghệ cũng có một số được đọc tên về. Đến mùa văn nghệ, trại đã phải tăng cường thêm những người có khả năng văn nghệ từ trong trại Vĩnh Quang B (chúng tôi ở trại Vĩnh Quang A). Trong nhóm tăng cường này, nổi bật là Vũ Cao Hiến. Cũng như Đào Đức Hùng tôi nhắc đến ở trên, Hiến là một giọng ca hay nhất tôi gặp trong tù, không điêu luyện như Hùng nhưng lại nhẹ nhàng đơn sơ dễ đến với người nghe. Anh cũng là tác giả của nhiều bài tù khúc được anh em ưa thích, lại được chuyển đến bằng giọng ca truyền cảm của chính tác gỉa, nên tác động của những bài nhạc ấy của Hiến rất lớn. Cuộc đời của Hiến kết thúc một cách buồn thảm. Sau khi ra tù một thời gian ngắn, anh vượt biên và bỏ xác trên đường, để lại bao thương cảm cho bạn bè. Anh kết hôn trước khi vào tù, cuộc sống vợ chồng anh chỉ tính bằng ngày. (Trần Lê Việt – Những Hình Bóng Cũ ) “

” . . . Tháng 2 năm 2005, có dịp đi San Jose giới thiệu sách của một người bạn tù, tôi gặp lại Ngọc Phi, nhà thơ hiền lành, bạn tù nhiều năm tại Vĩnh Quang. Phi khoe tôi một đĩa nhạc 13 bài tù khúc của Vũ Cao Hiến, do Đinh Quốc Trực ở Texas thực hiện để tưởng nhớ Vũ Cao Hiến. Sau khi làm xong, Đinh Quốc Trực cũng lặng lẽ ra đi. Khi trang T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện chuyên mục Tù Khúc, tôi đã được Ngọc Phi gởi cho một bản sao nhạc Vũ Cao Hiến. Trần Lê Việt cũng đưa cho tôi hai CD nhạc tù khúc, trong đó có vài bài nhạc của Vũ Cao Hiến do Trần Gia Tỏan hát. Trần Gia Tỏan nay cũng đã là người thiên cổ.

Thế là những dấu vết cuối cùng liên quan đến những bài tù khúc của Vũ Cao Hiến đã biến mất khỏi trần gian buồn bã này. Có còn chăng là những hồi ức về anh, về Đinh Quốc Trực, về Trần Gia Tỏan đọng lại ở những trái tim gìa nua của những bạn bè còn sống. Tôi không biết, người vợ chưa cưới năm nào của Vũ Cao Hiến có còn sống ở đâu đó, một mình hay với một người nào, hạnh phúc hay sầu khổ, hay có thể “may mắn hơn” đã nắm tay cùng anh đi xuống biển trong cuộc chạy trốn tìm tự do năm xưa. Và những cô em gái trẻ trung xinh đẹp của Vũ Cao Hiến ngày tôi vừa ra khỏi trại tù được gặp gỡ, bây giờ họ ở đâu, làm gì, có còn nhớ chút nào đến những người bạn của anh mình nay đã trở thành những ông già nặng trĩu cặp kính lão không còn tương lai để tha thiết nên chỉ đêm đêm ôm quá khứ mà hỏi “bạn bè ơi sao cứ bỏ ta đi“.

Biết làm sao khác hơn được. Tiếng vọng chiến tranh chưa mất hẳn mà tiếng vọng tù đày vẫn mãi âm u khiến cổ họng đắng ngắt mỗi khi nghe lại điệu nhạc tù năm xưa. (T.Vấn –Nhớ Vũ Cao Hiến)

 Quân trường xưa –Nhạc &Lời: Vũ Cao Hiến.

Trình bày: Trần Gia Tỏan

12 Track 12

Bấm vào đây để xem Video Clip “Quân trường xưa” do cựu tù Nguyễn văn Ngoan thực hiện.

Quân trường xưa (Video Clip)

Ghi chú: Trong nỗ lực tiếp tục hòan chỉnh phần giới thiệu những tù khúc đã được đưa lên chuyên mục Tù Khúc trước đây, với sự giúp đỡ biên sọan từ gia đình và bạn hữu của Vũ Cao Hiến, chúng tôi đính kèm theo đây bản ký âm (nhạc phổ) tù khúc ” Quân Trường xưa” do anh Trọng Minh hiệu đính từ bản thảo của VCH mà gia đình còn giữ được. Xin lưu ý, theo bản thảo này, bài tù khúc có tên “Qua quân trường cũ “, VCH phổ thơ Hồ Đắc Thái. Về phần nhạc, âm bản do anh Trần Gia Tỏan hát có khác đôi chút với bản ký âm nói trên, nên chúng tôi  đính kèm bản thu âm không lời, cũng do anh Trọng Minh thực hiện.

Xin trân trọng giới thiệu.

T.Vấn

Ngày 10 tháng 7 năm 2015

(Bản Ký Âm)

Qua quan truong cu

( Xin bấm vào hình để mở lớn )

Lời:

(Ghi theo âm bản MP3 do anh Trần Gia Tỏan trình bày)

Đường vô Thủ Đức, lối về Chợ Nhỏ

Quân trường xưa, một thuở dấu chân anh

Ngày nắng cháy, thao trường đổ mồ hôi

Những đêm đen, ngồi gác giặc bụi bờ

Long Thành Mỹ, cổng số 9 mến thương

Vườn nhà nào, sòai riêng đang mùa trái

Những đêm di hành, về xóm Tân Vạn, chờ nhau

Chiều cuối tuần, nô nức về đô thị

Sống ung dung, như một gã thư sinh

Sáng thứ Hai, trở về khuôn phép cũ

Súng lên vai, theo nhịp bước quân hành

Ngày ra trường, mỗi đứa một phương trời

Phút luyến lưu, như sợ lúc chia phôi

Tôi bước đi, vào vùng 3 biên giới

Những luyến lưu, 9 tháng trời nhớ mong

Rồi tan cuộc chiến, tôi lại trở về

Quân trường xưa, ẩn hiện dưới cây đê

Tôi nghe như tiếng, réo gọi của đồi Tăng Nhơn

Nhớ không anh, bài chiến thuật ngày nào

Thuở học trò, thành chiến sĩ gió sương

Trong binh thư, dạy anh không hề nói đến chuyện quy hàng

Người lính thua cuộc , buồn đau

Người lính thua cuộc , hờn đau

Người lính thua cuộc , hờn đau

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search