T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Xưa nay chiến địa dường bao *

clip_image002

(Hình:Trung sĩ Darrell R. Griffin, 36 tuổi)

Ta là chim biệt xứ

Đậu trên cành bi ai

Nhớ hòai điệu kèn cũ

Hồn tử sĩ u hòai

(Ngọc Phi)

1.

Lịch sử các cuộc chiến tranh luôn luôn được viết bằng máu và nước máu. Trước hết là máu của những người lính và nước mắt của các góa phụ tử sĩ.

Câu chuyện một người lính bộ binh Hoa Kỳ vừa nằm xuống trên chiến trường Iraq, được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của nước Mỹ, một lần nữa khẳng định điều mặc nhiên ấy qua những mảnh điện thư trao đổi giữa người lính ngòai chiến địa và thân nhân ở quê nhà.

4 ngày trước khi tử trận vì một viên đạn bắn sẻ của đối phương trong lúc đi tuần tra trên một đường phố ở Iraq, người lính vừa đền nợ núi sông đã gởi cho vợ của mình một điện thư:

Ở nước Hy Lạp xưa, những người vợ lính chủng tộc Spartan thường nói với chồng mình trước khi họ lên đường đi vào chiến trận rằng, hoặc anh trở về bình an với cái khiên trên tay, hoặc anh đã can đảm hy sinh và được vinh dự đặt nằm trên cái khiên ấy. Nhưng nếu anh trở về mà không có cái khiên, thì anh là một kẻ hèn nhát đã bỏ chạy trước khi cuộc chiến kết thúc. Hèn nhát không phải là đức tính của người Spartan. Vậy thì em yêu ơi, hãy yêu và đón anh về bên em cũng với một trái tim dù anh có trở về với cái khiên trên tay hay nằm bất động mãi mãi trên cái khiên ấy. . .

Vài ngày sau khi nhận được điện thư của chồng gởi về từ Iraq, người vợ trả lời:

Anh có bình an không? từ hôm Chủ nhật đến nay, em không nhận được chút tin tức nào về anh, mà hôm nay đã là thứ Tư rồi. Em nhớ, anh có bảo rằng, anh đang tham dự vào một cuộc hành quân rất nguy hiểm. Không nghe được tin tức gì về anh làm em lo quá. Không điện thư, cũng chẳng điện thọai. Em chỉ còn biết hy vọng và cầu nguyện cho anh thôi, anh yêu dấu! . . .

Người lính ấy đã không bao giờ đọc được mảnh điện thư đầy lo lắng và hỏang sợ của vợ mình. Ông tử trận ngày 21 tháng 3 năm 2007 trong lúc đi tuần hành ở Sadr City, một trong những thành phố trực diện với bạo động nhiều nhất của Iraq.

Trên Website chính thức của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, văn phòng phụ tá bộ trưởng phụ trách về các vấn đề giao tế dân sự đã cho đăng tải bản thông cáo chính thức “Trung sĩ Darrell R. Griffin JR. , 36 tuổi, thuộc thành phố Alhambra, tiểu bang California, đã tử trận ngày 21 thảng 3, năm 2007 tại Balad, Iraq, sau khi bị thương trong lúc giao tranh bằng vũ khí nhẹ. Griffin tùng sự tại tiểu đòan 2, trung đòan 3, sư đòan 2 bộ binh, căn cứ đồn trú ở Fort Lewis, tiểu bang Washington.”

Người vợ, sau khi chồng lên đường theo đơn vị nhận nhiệm vụ ở Iraq, đã rời bỏ Fort Lewis, Wasington dọn về ở miền Nam California để được gần gủi gia đình. Cũng tại nơi đây, bà đã mở cửa đón tiếp vị tuyên úy quân đội có nhiệm vụ đến báo tin buồn: “Tổng thống Hoa Kỳ . . .“. Cho đến giờ, bà chỉ còn nhớ được câu mở đầu đó của vị Tuyên úy. Trí nhớ của bà đã đóng băng khi vừa nghe câu mở đầu của lời ai điếu đến từ vị Tổng tư lệnh quân đội. Trong ngày tang lễ của chồng, bà giữ im lặng, và từ chối lời mời phát biểu trước khi hạ huyệt quan tài. Chỉ sau khi tiếng âm vang của 21 phát súng tiễn đưa đã hòan tòan im ắng trên con đường xa lộ mênh mông đưa bà về lại căn nhà từ nay không còn bóng dáng người chồng, lúc ấy, bà mới thì thầm với gió: “Hôm nay, anh đã thực sự trở về nhà trên tấm khiên của mình”.

Người cha của Griffin, sau khi nhận tin con chết, đã ở trong tâm trạng nửa tỉnh nửa mê trong nhiều ngày. Nỗi xúc động của ông đi từ giận dữ, rồi buồn bã, tới tuyệt vọng, tới việc sẵn lòng chấp nhận cái chết của đứa con yêu quý như một điều không thể tránh khỏi. Nhiều người bạn của ông đã thúc giục ông hãy tham gia phong trào phản chiến và sử dụng câu chuyện về cái chết của con ông để giúp chấm dứt cuộc chiến ở Iraq. Nhưng ông từ chối. Ông tin rằng người ta không hiểu, hay cố tình không hiểu rằng, người lính (con trai ông) đã yêu mến quân đội như thế nào (Griffin đã phục vụ hai nhiệm kỳ ở Iraq). Ông nhấn mạnh rằng, con ông, người lính đã nằm xuống với màu áo của một quân đội đã từng cứu sống anh nhiều lần, thù ghét nhất việc người ta đem chính trị can thiệp vào nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho đất nước Iraq. Trong hai lần phục vụ tại Iraq, anh đã dành thì giờ ghi chép những điều tai nghe mắt thấy, những chứng từ sống của một người lính ngay trên chiến địa cũng như thâu thập các hình ảnh mà người hậu phương có lẽ chẳng bao giờ nhìn thấy, dù là trên trang nhất những tờ báo lớn nhất nước Mỹ. Anh làm công việc đó với tham vọng, sau khi tròn nhiệm vụ người lính, anh sẽ dành hết tâm lực cho một cuốn sách nói về những sự thực trong chiến tranh. Thực ra, 3 tuần lễ trước khi viên đạn bắn sẻ cướp đi mạng sống của người lính có trái tim nhân bản, anh đã bằng lòng để cho một phóng viên của tờ báo lớn US News & World Report phỏng vấn, quay phim và giao cho người phóng viên này một số những ghi chép, cũng như hình ảnh của anh và đồng đội trong những tình huống bi tráng nhất. Nguyện vọng duy nhất của anh là tất cả mọi người được nhìn thấy, được nghe những câu chuyện có thực về nỗi đau khổ của con người trong chiến tranh, về những nguy hiểm, đau đớn, những nỗi buốt lòng mà người lính phải đối diện hàng ngày trong khi thi hành nhiệm vụ.

Một trong những câu chuyện ấy được anh kể như sau.

Ngày 3 tháng 1, năm 2005, ở thành phố Tal Afar, đơn vị của Griffin đang trú đóng ở một tòa lâu đài cũ dùng làm căn cứ thì được lệnh tiến vào thành phố xem xét thi thể bị chặt đầu của con trai một viên cảnh sát Iraq.

“Chúng tôi dẫn theo mấy người cảnh sát Iraq. Đến nơi, chúng tôi thấy một cái xác bị chặt cụt đầu, nằm ngửa trên mặt đất. Cái đầu nạn nhân thì lại được đặt nằm ngay ngắn trên ngực . Chúng tôi chia nhau giữ an ninh hiện trường để 3 viên cảnh sát người Iraq đến xem xét và nhận dạng thi thể người chết. Khi họ còn cách xa cái xác khỏang vài bước, thì từ cái xác phát ra một tiếng nổ lớn, làm chết tại chỗ một người và hai người còn lại bị thương nặng . . . Chúng tôi phải đem thi thể không nguyên vẹn ấy về khu lâu đài cũ tạm dùng làm căn cứ và để cho thân nhân họ đến nhận diện bằng cách nhìn vào đôi giầy vẫn còn ở trên chân người chết.

Sau đó, vào buổi chiều, viên cảnh sát Iraq có con bị chết không tòan vẹn thi thể nói trên, bắt đầu uống rượu say. Rồi một người trong gia đình ông ta lấy súng ra xả đạn vô tội vạ vào dòng xe cộ đông đúc phía bên ngòai khu lâu đài cũ (mà chúng tôi tạm dùng làm căn cứ). Chúng tôi bất lực đứng nhìn ông ta giết chết một cô gái 17 tuổi, một bé gái 7 tuổi và một thanh niên 28 tuổi. Chúng tôi không thể can thiệp vì sự việc xảy ra với những nguyên nhân rất phức tạp. Hôm ấy là một trong những ngày kinh khủng nhất mà 34 năm làm người của tôi đã trải qua trên mặt đất này. Tôi cảm thấy mình đần độn, run rẩy vì sợ hãi khi phải đứng giữa tâm điểm của cuộc tàn sát man rợ. Liệu tôi có thể nói lên được điều gì? Ngày hôm nay, Chúa đang ở đâu? . . .”

Như thế đó là chiến tranh. Và cũng chỉ là một góc rất nhỏ của những cuộc tàn sát hàng ngày. Cái bi kịch của người lính là anh bước vào cuộc chiến với không một chút mảy may ý niệm của hận thù. Không có ai là kẻ thù của anh. Anh chỉ giết người để tự vệ, để có thể trở về nhà gặp lại cha mẹ vợ con với cái khiên trên tay, chứ không muốn nằm trên đó để cho đồng đội khiêng về. Dù vậy, anh cũng đã nằm xuống. Trước khi nằm xuống, anh cũng kịp hòan tất việc tiêu hủy 8 mạng sống con người. Và đây là câu chuyện về cái chết của “kẻ thù” thứ 8 .

“Tôi mở cửa của một căn phòng với ý nghĩ đó cũng chỉ là một căn phòng không có người. Nhưng khi bước vào, tôi thấy xác chết nằm la liệt trên nền nhà. Có vẻ như căn phòng được dùng làm nơi tập trung những xác chết và người bị thương. Một người bị thương vẫn còn sống, cố tìm cách chỉ vào cái chân bị thương của anh ta và muốn được tôi giúp đỡ. Tôi không muốn bước vào phòng khi tôi không nhìn thấy được phía bên tay trái của tôi. Ở đó có thể có người còn sống sót sẵn sàng nhả đạn vào tôi. Căn phòng, ngòai xác người chết, còn lổn ngổn những khẩu súng AK-47, băng đạn, lựu đạn và các lọai vũ khí giết người khác. Tôi ra hiệu cho người bị thương hãy bò ra ngòai. Anh ta dường như không muốn làm theo lời tôi hay không thể bò được. Bỗng nhiên, anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi với cái nhìn của thần chết, rồi chợt mỉm cười trong lúc tay với khẩu súng AK-47 nằm gần đó. Tôi nâng súng lên và nhả hết trọn 8 viên trong băng đạn của cây súng vào đúng giữa trán anh ta từ một khỏang cách chưa tới 3 bước chân. . .”

Trên chiến địa, kẻ chiến thắng và người chiến bại có thể đổi chỗ cho nhau trong tích tắc. Đồng thời, kẻ chiến thắng (sống sót) hôm nay, có thể trở thành người chiến bại (hy sinh) ngày mai.

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Xưa nay, mấy ai chinh chiến mà còn sống sót trở về.

Nước Mỹ, dù bất đồng với các chính trị gia về phương cách tiến hành chiến tranh ở Iraq, nhưng họ đã đón những người lính con em của họ nằm xuống trên chiến địa xa xôi ấy bằng lễ nghi dành cho những anh hùng. Vì họ xứng đáng được hưởng như vậy sau khi đã kinh qua những điều kinh khủng nhất của chiến tranh. Vì cái chết của người lính là cái chết đẹp nhất của nhân lọai. Cái chết để cho người khác sống. Hay ít nhất đó cũng là điều anh tin tưởng khi bước chân vào trận địa.

2.

clip_image004

Sự hy sinh của người lính, luôn luôn là sự hy sinh cao quý và người ta không thể dùng khái niệm thắng bại, đúng sai thông thường khi nói về những sự hy sinh ấy. Trong ý nghĩa đó, tôi trân trọng đón nhận tác phẩm “Can trường trong chiến bại – Hành trình của một thủy thủ” của ông Hồ văn Kỳ Thọai, cựu phó đề đốc hải quân Việt Nam Cộng Hòa, vừa được ông cho ra mắt công chúng mới đây. Theo tôi, đây là tập hồi ký của một vị cựu tướng lãnh quân lực VNCH xứng đáng được trân trọng nhất từ 32 năm nay, dù tác gỉa đã rất khiêm tốn “. . . ngại rằng quyển sách này không phải lọai hồi ký mà độc gỉa trông đợi nên chỉ coi đây như những trang ký ức để lại cho con cháu, cho tất cả các chiến hữu đã từng phục vụ bên cạnh tác gỉa và hy vọng một vài chi tiết kể lại cũng có thể giúp các sử gia sau này . . .” (1).

Ngay cái tên tập sách “Can trường trong chiến bại” mà ông chọn, cũng hàm một ý nghĩa, như ông giải thích: Hai mươi bẩy năm sau khi chiến tranh chấm dứt, vào Tháng Sáu năm 2002, trong dịp tôi dự một hôn lễ hết sức đơn giản của một cặp nam nữ trẻ tuổi người Hoa Kỳ tổ chức trong nhà kho của một sở cứu hỏa trong làng nhỏ gần Leesburg thuộc tiểu bang Virginia Hoa Kỳ, trên tường có treo một tấm bảng gỗ có viết một câu để vinh danh người lính cứu hỏa. Tôi rất cảm xúc khi đọc và nghĩ ngay tới người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa nói chung, các thủy thủ và biệt hải nói riêng: ‘Let me win, if I cannot win, let me be brave in the attempt’ (xin tạm dịch: Xin để tôi chiến thắng, và nếu tôi không thể thắng xin để tôi can trường trong nỗ lực của mình – TG). Ðọc xong câu trên, tôi nghĩ tại sao chúng ta tiếp tục tự dầy vò chúng ta với sự chiến bại mà không hãnh diện về sự can trường của biết bao anh hùng của các quân binh chủng?…” (2)

Trong tinh thần đó, ông đã trung thực , cần mẫn ghi chép lại những sự kiện mà cuộc đời binh nghiệp của ông đã chứng kiến. Điều quan trọng nhất, ông đã giữ không cho cảm tính chi phối sự ghi chép ấy bằng những nhận xét riêng của mình, nhất là với những sự kiện xảy ra trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Lịch sử cần sự kiện (facts), nó bỏ qua một bên những phán xét (judgements). Vì mọi phán xét của người trong cuộc đều bị què quặt vì sự yêu ghét, khen chê, vì chỗ đứng giới hạn của từng cá nhân, đó là chưa kể những ý đồ thiếu lương thiện của một vài người muốn bóp méo sự kiện để biện minh, chạy tội, hay tự đánh bóng cá nhân như đã xảy ra trong quá khứ. Đáng trân trọng hơn nữa, những ghi chép của ông chính xác đến từng ngày, giờ sự kiện xảy ra, chứng tỏ một tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, chứ không phải chỉ đơn thuần dựa vào trí nhớ. Điều đó cũng chứng tỏ tư cách, tiết tháo và khả năng của một vị tướng của quân lực VNCH. Hay nói như nhà văn Vũ Ánh trong bài điểm sách “Đọc Can trường trong chiến bại: hành trình của một thủy thủ” (Vietnam Review – 11/03/2007): “Cách viết của ông cho chúng ta thấy nguyên vẹn nhân cách của những người lính VNCH giữa những cơn lốc của thời đại. Nhân cách ấy đã khiến cho người đọc khi đọc hết cuốn sách thấy mình có thể trút bỏ chút bi phẫn còn vương lại sau những năm tháng ảm đạm tại quê nhà hay những ngày lưu lạc tha hương. Những bi phẫn ấy đã từng hành hạ phần đông những cựu quân nhân VNCH suốt trong 32 năm qua.”

Tôi gập quyển hồi ký dày 331 trang của cựu phó đề đốc hải quân quân lực VNCH Hồ văn Kỳ Thọai lại với những hình ảnh hỗn độn của ngày 30 tháng 4 năm 1975 cứ váng vất ở trong đầu. Nhất là những dòng chữ tâm huyết ông viết ở trang cuối cùng của tập sách, mà tôi tin rằng vì những suy nghĩ ấy mà ông cho ra đời tập hồi ký này:

“Dù thắng hay bại, trong một cuộc chiến, tất cả các chiến sĩ hai bên đều làm nhiệm vụ của mình theo lý tưởng khác nhau.
Sau cuộc chiến, những chiến sĩ dù hy sinh cho một lý tưởng nào đó, khi chết trong bộ quân phục đều là những anh hùng thì khi đã nằm xuống phải được sự kính nể của những thế hệ sau. Hai trăm năm nữa, con cháu chúng ta khi học lịch sử Việt Nam sẽ không khen người thắng, không chê kẻ bại, nhưng sẽ ghi nhận sự can trường hay hèn nhát của những người tham chiến.”
(3)

3.

Đã từng là một người lính, nên mỗi khi tôi đọc về cái chết của người lính, tôi lại không thể không liên tưởng đến những đồng đội của mình đã hy sinh cho cuộc chiến. Như người lính Mỹ vừa qua đời trên chiến trường Iraq, chúng tôi đi vào trận địa không phải như lời giả dối (trong bài hát “Trường sơn Đông, Trường sơn Tây” nổi tiếng một thời của bộ đội miền Bắc) Đường ra trận mùa này đẹp lắm, mà là với một ý thức rất rõ ràng về thân phận của mình, về sự tàn ác của chiến tranh, về sự hủy diệt một cách vô luân mọi giá trị con người khi người ta vì bản năng sinh tồn phải bắn giết đồng loại. Các đồng đội của tôi khi nằm xuống, cũng đã để lại bao đau xót cho những người vợ trẻ, cho những người tình đầu đời chưa kịp một lần đến với nhau trọn vẹn. Và dù chúng tôi là những kẻ chiến bại, nhưng điều đó cũng không thể làm giảm đi tính cách cao quý trong sự hy sinh của người đã nằm xuống và lòng can trường của kẻ sống sót, như lời tâm huyết của một người lính già vừa kể lại câu chuyện đời mình trong nỗi thăng trầm của vận nước điêu linh.

Nỗi đau của chiến tranh thì vô tận. Bởi vì lịch sử nhân loại được viết bằng máu và nước mắt của con người trải qua nhiều thế hệ, với những lỗ hổng chỉ được lấp đầy bởi hằng hà sa số xác người nằm xuống trên chiến địa. Bao lâu còn lịch sử nhân loại, sẽ vẫn còn những cuộc chiến tranh, vì đó là hoạt động tất yếu và cách thức chứng minh sự tồn tại duy nhất của mọi quần thể chủng tộc. Và tất nhiên, đội ngũ những oan hồn tử sĩ chập chờn trong cõi vô hình sẽ ngày một thêm đông đảo.

Không tôn trọng và tưởng nhớ những người lính đã nằm xuống cho sự tồn tại của một tập thể, một quốc gia, một dân tộc, thì tập thể ấy, quốc gia ấy, dân tộc ấy chỉ là một đàn thú hoang tụ tập nhau lại nhằm mục đích đi kiếm mồi mà thôi.  (T.Vấn – Chiến sĩ trận vong)

Tôi mượn những dòng viết cũ, như nén tâm hương hàng năm gởi đến những anh linh đồng đội của tôi đã nằm xuống cho lý tưởng mà chúng tôi đã một thời cùng nhau theo đuổi.

T.Vấn

_______________________________________________________________

* Xưa nay chiến địa dường bao
Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu.

(Chinh Phụ Ngâm – Đặng Trần Côn)

(1) Can Trường Trong Chiến Bại – Hành trình của một thủy thủ. Hồ văn Kỳ-Thọai. Trang 18

(2) Sách đã dẫn, trang 18

(3) Sách đã dẫn, trang 323.

© T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search