T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (19)-THOSE WERE THE DAYS (Tình ca du mục – Như lá thu vàng) – Boris Fomin

clip_image001

Hiện nay, nếu chúng ta tìm hiểu trên Intenet những ca khúc của Nga nổi tiếng quốc tế, sẽ thấy có nhiều danh sách khác nhau, và thứ hạng của những ca khúc ấy trong mỗi danh sách cũng khác nhau, tùy thuộc danh sách ấy thuần nghệ thuật hay có thêm dụng ý tuyên truyền. Nhưng nếu chỉ tính mức độ phổ biến ở các nước không cộng sản, thì ca khúc dân gian Dorogoj Dlinnoyu (Dọc con đường dài), được đặt lời Anh với tựa Those Were The Days (Những ngày xa xưa ấy) là bản phổ biến nhất, được ưa chuộng nhất.

Trước và sau năm 1975, Those Were The Days đã được nhiều tác giả đặt lời Việt với những tựa khác nhau, như Tình Ca Du Mục, Nhớ Lúc Yêu Nhau, Như Lá Thu Vàng, Tuổi Thanh Xuân…

Trước khi bản lời Anh Those Were The Days chinh phục thính giả khắp nơi trên thế giới vào năm 1968, mọi người ở ngoại quốc và hầu hết dân chúng trong Liên bang Xô-viết đều tin rằng Dorogoj Dlinnoyu là một ca khúc dân gian Nga, hoặc của dân du mục (gypsy) sống tại Nga. Nhưng hiện nay, dù không có bất cứ bản thảo hay giấy tờ nào để chứng minh, mọi người đã nhìn nhận Dorogoj Dlinnoyu là một sáng tác của nhạc sĩ Boris Fomin (1900–1948), với lời hát của thi sĩ Konstantin Podrevskii. Câu hỏi còn lại chỉ là: khi sáng tác phần nhạc của Dorogoj Dlinnoyu, Boris Fomin có chịu ảnh hưởng hoặc vay mượn giai điệu của một ca khúc dân gian Nga, hay của dân du mục nào không?

clip_image002

Boris Fomin (1900-1948)

Cuộc đời của Boris Fomin là một điển hình của những nghệ sĩ có tài bị các chế độ cộng sản liệt vào thành phần mang nặng tư tưởng “tiểu tư sản”. Ông ra chào đời tại cố đô St. Petersburg (dưới thời cộng sản Liên Xô bị đổi tên thành Leningrad), con của một sĩ quan cao cấp trong quân đội Sa hoàng. Tỏ ra có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, Boris Fomin được gia đình cho theo học tại Nhạc viện St. Petersburg. Năm 1918, ông tới sống ở Mạc-tư-khoa. Năm 1919, khi cuộc nội chiến xảy ra, ông tình nguyện gia nhập Hồng Quân và trở thành một nghệ sĩ trình diễn cho các đơn vị ở tiền tuyến.

Trở lại Mạc-tư-khoa năm 1920, ông hoạt động mạnh trong lĩnh vực kịch nghệ, sáng tác nhiều vở opera ngắn, ballet cho thiếu nhi, và nhiều bản hòa tấu, tuy nhiên nổi bật nhất vẫn là sáng tác ca khúc, phần lớn mang âm hưởng dân ca Nga. Ông đã viết khoảng 200 bản, trong đó có những bản rất được các ca sĩ đương thời ưa thích, như Only Time, Sasha, Your Green Eyes, The Guitar, My Friend, Last Letter…, và dĩ nhiên không thể không nhắc tới Dorogoj Dlinnoyu.

Nhưng tới năm 1929, tại Hội nghị Âm nhạc toàn quốc Nga, thể loại trữ tình bị gán cho nhãn hiệu “tiểu tư sản” và bị cấm. Boris Fomin bị thất sủng và chìm vào bóng tối.

Năm 1937, trong đợt thanh trừng các thành phần văn nghệ sĩ “phản động”, Boris Fomin bị bắt với tội danh “chế nhạo xã hội Xô-viết”. Tuy nhiên, ông may mắn không bị đưa tới các trại lao động khổ sai (gulag) như các văn nghệ sĩ khác, mà chỉ bị giam giữ 1 năm. Dư luận ngày ấy cho rằng sở dĩ Boris Fomin được nương tay là vì chính trùm đỏ Josef Stalin cũng ưa thích những ca khúc của ông – dĩ nhiên, một cách kín đáo.

Tới khi Đệ nhị Thế chiến xảy ra, chế độ cộng sản Liên Xô đã phục hồi địa vị cho Boris Fomin với mục đích sử dụng tài năng của ông vào mục đích tuyên truyền trong cuộc chiến tranh Vệ Quốc. Ông được trao phó chức vụ Giám đốc Nhà hát Tiền tuyến ở Mạc-tư-khoa, là nhà hát duy nhất vẫn tiếp tục hoạt động vào thời gian thủ đô bị áp lực nặng nhất của quân Đức. Trong cương vị này, Boris Fomin đã sáng tác những ca khúc tình cảm thời chiến rất được ưa chuộng như I Wait, Silence in the House, Letter from the Front…

Sau khi thế chiến chấm dứt, Boris Fomin lại bị gạt sang bên lề, bạn bè đều xa lánh vì sợ bị liên lụy. Ông sống trong nghèo khổ và tới năm 1948, qua đời vào tuổi 48 vì lao phổi.

Trở lại với ca khúc Dorogoj Dlinnoyu (Dọc con đường dài), bản này có lẽ đã được Boris Fomin viết vào khoảng năm 1917, 1918, với lời hát do chính ông đặt, có nội dung nuối tiếc những ngày tháng cũ. Bản này được ông đề tặng cô bạn học Mania Nebolsina, sau trở thành người bạn đời của ông…

Nếu không kể lời hát mà chỉ xét về phần nhạc, Dorogoj Dlinnoyu có giai điệu và nhịp nhảy tương tự một vũ điệu hoang dại của dân du mục (gypsy) sống ở Nga.

Tới năm 1924, thi sĩ Konstantin Podrevskii đã dựa vào ý tưởng trong nguyên tác của Boris Fomin để đặt lời hát mới, phong phú và có giá trị văn chương cao hơn, cũng là lời hát được sử dụng hiện nay. Lời hát (mới) của Dorogoj Dlinnoyu diễn tả nỗi tiếc nhớ tuổi thanh xuân của một người khi nhìn về quá khứ. Dĩ nhiên, đẹp và buồn – nét đẹp và điệu buồn muôn thuở trong văn học nghệ thuật Nga.

Dorogoj Dlinnoyu được dịch sát nghĩa sang tiếng Việt như sau (tác giả: khuyết danh):

Trên con đường dài

(1)

Thời xưa bọn mình thường cỡi xe tam mã *, có tiếng chuông kêu lanh canh
Xa xa ánh lửa bập bùng.
Ôi, ước gì tôi có thể rong chơi cùng các bạn một lần nữa
Trái tim phiền muộn của tôi sẽ một lần nữa vui tươi.

ĐIỆP KHÚC:

Trên con đường dài ấy, hỡi bạn bè
Dưới ánh trăng, những bài hát của chúng ta đã từng bay xa
Tiếng chuông kêu trong vắt
Tôi thường chơi cây đàn guitar cũ
Và chúng ta thường cười và hát,
Tới lúc trái tim tôi bật khóc.

(2)

Giờ đây cuộc đời tôi không có niềm vui, cũng chẳng có nỗi buồn
Tôi hồi tưởng lại những năm tháng xa xưa
Một lần nữa, tôi thấy bàn tay các bạn
Trên cái xe ngựa mà chúng ta sẽ không bao giờ còn cỡi nữa

(ĐIỆP KHÚC)

(3)

Giờ đây cuộc đời tôi trôi đi thoăn thoắt, trong ưu phiền
Tôi chẳng còn gì ngoài những ký ức
Cũng sớm thôi, hỡi bạn bè,
Ngày con đường dài này dẫn tôi đến nấm mồ của mình

(ĐIỆP KHÚC)

* xe tam mã: troika, do ba con ngựa kéo.

clip_image003

Năm 1925, Dorogoj Dlinnoyu được thu đĩa lần đầu tiên qua tiếng hát của nữ ca sĩ Tamara Tsereteli, tuy nhiên phải đợi qua năm 1926, sau khi được đệ nhất danh ca Alexander Vertinsky thu đĩa, Dorogoj Dlinnoyu mới thực sự nổi tiếng – dĩ nhiên là chỉ giới hạn trong nước Nga Xô-viết. (Video: Alexander Vertinsky – Dorogoi Dlinnoyu – YouTube)

Sau đó, Dorogoj Dlinnoyu đã theo đoàn lưu dân (chạy trốn chế độ cộng sản) ra nước ngoài. Với những con người phải biệt xứ ấy, lời hát của ca khúc hoài niệm quá khứ tươi đẹp này càng thêm thấm thía. Vào quán rượu, nhà hàng, phòng trà ca nhạc nào của di dân Nga ở Âu Châu, nhất là ở Paris, người ta cũng nghe hát bản Dorogoj Dlinnoyu. Cho nên cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi trong các thập niên 1920, 30 và 40, Dorogoj Dlinnoyu phổ biến và được ưa chuộng trong tập thể người Nga tại hải ngoại hơn là ở mẫu quốc.

Như đã viết ở các đoạn trên, xét về phần nhạc, Dorogoj Dlinnoyu có giai điệu và nhịp nhảy tương tự một vũ điệu hoang dại của dân du mục (gypsy) sống ở Nga, cho nên sau khi được người Nga lưu vong đem theo ra hải ngoại mà chẳng mấy ai biết, hoặc nhớ tên tác giả, dần dần Dorogoj Dlinnoyu đã được xem là một ca khúc dân gian Nga, hoặc Ukraine; thậm chí còn có một số người Do-thái vong quốc tin rằng Dorogoj Dlinnoyu là một ca khúc dân gian của người Do-thái sống ở Nga!

– Phụ lục (1): Dorogoj Dlinnoyu, hợp ca

01-Dorogoj Dlinnoyu (Tinh ca du muc) – khong biet [NCT 9154342437]

Tới thập niên 1950, cùng với “chủ nghĩa xét lại” ở Liên Xô, thể loại nhạc tình cảm dần dần hồi sinh, và tới thập niên 1960, nhiều ca sĩ Nga đã thu đĩa ca khúc Dorogoj Dlinnoyu, trong số đó có nữ danh ca Nani Bregvadze. (Video: Nani Bregvadze – Dorogoj Dlinnoyu – YouTube)

clip_image005

Tuy nhiên, phải đợi tới năm 1968, Dorogoj Dlinnoyu mới thực sự trở thành một ca khúc mang tầm vóc quốc tế, với lời hát bằng tiếng Anh, có tựa đề Those Were The Days, qua sự trình bày của nữ ca sĩ Tô-cách-lan Mary Hopkin.

Tác giả lời Anh Those Were The Days là nam ca nhạc sĩ Mỹ Eugene Raskin (1909-2004).

Eugene Raskin, thường được người Mỹ gọi tắt là “Gene Raskin”, có nguồn gốc di dân Nga, ra chào đời tại Nữu Ước. Ông tốt nghiệp ngành kiến trúc tại Đại học Columbia University rồi giảng dạy bán thời tại trường này trong suốt 40 năm trời (1936-1976). Song song, ông còn là một thi sĩ, văn sĩ, kịch tác gia, và ca nhạc sĩ du ca.

Từ những năm đầu thập niên 1960, Gene Raskin và người vợ của ông thường xuyên trình diễn du ca tại các quán rượu ở khu văn nghệ sinh viên Greenwich Village, dưới cái tên đôi song ca “Gene & Francesca”.

clip_image006

Sau khi được nghe bản Dorogoj Dlinnoyu lần đầu tiên do nữ diễn viên quốc tế gốc Đức Maria Shell hát trong phim ”Anh em nhà Karamazov” (lấy cốt truyện từ cuốn tiểu thuyết cùng tựa của văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky) thực hiện năm 1958, Gene Raskin đã có ý định gửi gấm tâm tình của mình vào dòng nhạc.

Nguyên từ ngày còn là sinh viên, Gene Raskin thường lui tới quán rượu White Horse ở khu Greenwich Village, một địa danh có thể so sánh với “con đường Duy Tân, cây dài bóng mát” của Sài Gòn trước năm 1975. Trong suốt 3, 4 chục năm lui tới quán này, Gene Raskin đã chứng kiến bao thế hệ sinh viên đến rồi đi, bỏ lại sau lưng những năm tháng hoa mộng, để rồi một ngày nào đó có dịp quay trở lại, bỗng thấy quá khứ hiện về, nhìn lại mình: tuổi đời chồng chất bao nhọc nhằn, đắng cay mà tâm hồn thì vẫn ngây dại. Bởi trong tim, khát vọng của tuổi thanh xuân, ước mơ của một thời hoa mộng, vẫn mãi mãi còn đó.

Gene Raskin viết lời hát của Those Were The Days vào năm 1962, và cùng Francesca thu đĩa; tuy nhiên vì “Gene & Francesca” chỉ là một đôi song ca tài tử cho nên Those Were The Days cũng chỉ được biết tới trong khuôn viên đại học và giới hát du ca ở Mỹ. Tới cuối năm đó, Those Were The Days được ban tam ca Limelighters nổi tiếng của Mỹ thu đĩa, nhưng cũng chỉ đạt thành công tương đối.

Phải đợi tới năm 1968, sau khi được Mary Hopkin, một “mầm non” gốc Tô-cách-lan do Paul McCartney khám phá, thu đĩa, Those Were The Days mới thực sự nổi tiếng quốc tế và làm mưa gió trên các bảng xếp hạng khắp năm châu.

Theo nhận định của cá nhân chúng tôi, tiếng hát của Mary Hopkin cùng lắm cũng chỉ góp một nửa vào sự thành công của đĩa nhạcThose Were The Days , một nửa còn lại chính là là nghệ thuật hòa âm & phối khí của Paul McCartney và nhạc trưởng Richard Hewson.

clip_image008

Paul McCartneyMary Hopkin

Tiếng đàn balalaika (quốc hồn quốc túy của Nga), tiếng đàn banjo trong bản Dorogoj Dlinnoyu nguyên thủy đầy chất hoang dã, đã được Paul thay bằng một dàn nhạc quy mô với nhiều nhạc cụ như guitar thùng, kèn tuba, trumpet, clarinet, vĩ cầm, trung vĩ cầm, và đặc biệt là cây đàn cimbalom – một loại đàn dây nhưng không “gảy” mà “gõ” (loại nhạc cụ này gọi chung là “hammer dulcimer”).

Tiếng đàn cimbalom độc đáo trong phần intro và trước mỗi điệp khúc của Those Were The Days chính là tiếng đàn của Gilbert Webster, một vị giáo sư âm nhạc tại trường Guildhall School of Music ở Luân-đôn, trường nhạc nổi tiếng bậc nhất thế giới.

– Phụ lục (2): Those Were The Days, Mary Hopkin

02-Those were the days – Mary Hopkin Nh c Anh(2)(2)(2)(2)(2)

Those Were The Days:

(1)

Once upon a time there was a tavern
Where we used to raise a glass or two
Remember how we laughed away the hours
And dreamed of all the great things we would do

REFRAIN:

Those were the days my friend
We thought they’d never end
We’d sing and dance forever and a day
We’d live the life we choose
We’d fight and never lose
For we were young and sure to have our way.
La la la la…

(2)
Then the busy years went rushing by us
We lost our starry notions on the way
If by chance I’d see you in the tavern
We’d smile at one another and we’d say

REFRAIN:

Those were the days my friend
We thought they’d never end
We’d sing and dance forever and a day
We’d live the life we choose
We’d fight and never lose
Those were the days, oh yes those were the days
La la la la…

(3)
Just tonight I stood before the tavern
Nothing seemed the way it used to be
In the glass I saw a strange reflection
Was that lonely woman really me

REFRAIN:
Those were the days my friend
We thought they’d never end
We’d sing and dance forever and a day
We’d live the life we choose
We’d fight and never lose
Those were the days, oh yes those were the days
La la la la…

(4)
Through the door there came familiar laughter
I saw your face and heard you call my name
Oh my friend we’re older but no wiser
For in our hearts the dreams are still the same

REFRAIN:
Those were the days my friend
We thought they’d never end
We’d sing and dance forever and a day
We’d live the life we choose
We’d fight and never lose
Those were the days, oh yes those were the days
La la la la…

Tạm dịch:

Những ngày xa xưa ấy

(1)

Ngày xửa ngày xưa có một quán rượu,

Nơi ấy chúng ta thường cùng nhau nâng một vài ly.

Còn nhớ chúng ta đã cười đùa quên cả thời gian,

Và nghĩ về tất cả những điều lớn lao chúng ta sẽ làm.

ĐIỆP KHÚC:

Những ngày xưa ấy, bạn của tôi ơi,

Chúng ta nghĩ rằng sẽ không bao giờ kết thúc,

Chúng ta sẽ mãi hát và nhảy và rồi một ngày,

Chúng ta sẽ sống cuộc đời mà mình chọn,

Chúng ta sẽ phấn đấu và không bao giờ thất bại,

Vì chúng ta còn trẻ và chắc chắn sẽ sống theo cách của mình.

Lalala lah lala, lalala lah lala…

(2)

Rồi tháng năm bận rộn ập đến.

Trên đường đời, chúng ta đã đánh mất những ý niệm trăng sao.

Nếu tình cờ tôi gặp lại bạn trong quán rượu,

Chúng ta sẽ cười với nhau và nói rằng:

(ĐIỆP KHÚC)

(3)

Đêm nay đây tôi đứng trước quán rượu xưa,

Chẳng có gì còn giống như ngày cũ.

Nhìn vào ly rượu, tôi thấy phản chiếu một bóng hình xa lạ,

Phải chăng người đàn bà cô độc ấy chính là tôi.

(ĐIỆP KHÚC)

(4)

Qua cánh cửa vẳng tiếng cười quen thuộc.

Tôi thấy khuôn mặt bạn và nghe tiếng bạn gọi tên tôi.

Ôi, bạn của tôi ơi, chúng ta già đi nhưng vẫn ngây dại,

Vì chưng trong tim chúng ta, những giấc mơ vẫn là giấc mơ thuở trước.

(ĐIỆP KHÚC)

Nguyên nhân đưa tới việc một nữ ca sĩ gốc Tô-cách-lan hát một ca khúc dân gian của Nga do một người Mỹ đặt lời, để rồi một sớm một chiều nổi tiếng quốc tế, là một sự tình cờ khá thú vị.

Nguyên vào năm 1966, cặp du ca “nửa chừng xuân” Gene & Francesca sang Anh quốc, trình diễn tại Blue Lamp Club ở Luân-đôn. Một đêm nọ, trong số khán giả có chàng Paul McCartney của “Tứ Quái” The Beatles. Paul nghe bản Those Were The Days một lần là thích ngay, và sau đó đã giới thiệu ca khúc này với một số ca sĩ chuyên hát du ca ở Anh, trong số đó có chàng trẻ tuổi Donovan – một “Bob Dylan của Anh quốc” – nhưng không có người nào quan tâm.

Hai năm sau (1968), The Beatles thành lập hãng đĩa riêng cho mình, lấy tên là Apple Records, và cũng vào thời gian này Paul McCartney khám phá ra một mầm non là cô bé Mary Hopkin 17 tuổi, mà chàng muốn lăng-xê qua đĩa hát số 2 của hãng (Apple 2). Thế rồi trong lúc bắt tay vào việc sáng tác một ca khúc thích hợp với tiếng hát của Mary, Paul chợt nhớ tới bản Those Were The Days của Gene Raskin. Và kết quả – viết theo cách viết của các nhà báo Anh, Mỹ – “the rest is history”!

Đĩa nhạc này được phát hành vào mùa thu năm 1968, và lập tức lên No.1 tại Anh quốc trong 6 tuần lẽ liên tục, còn tại Hoa Kỳ, Those Were The Days cũng đứng hạng nhất trong thể loại nhạc nhẹ (easy listening của Billboard), và hạng nhì trong bảng xếp hạng toàn quốc cho tất cả mọi thể loại.

Trước sự thành công vượt bực ấy, Paul McCartney đã cho dịch lời hát của Those Were The Days sang các ngôn ngữ Tây-ban-nha, Ý, Đức, Pháp và Do-thái, tất cả đều do Mary Hopkin hát, và đã bán được tổng cộng 8 triệu đĩa.

Riêng bản dịch sang tiếng Pháp có tựa đề Le Temps des Fleurs (Thời hoa mộng) – một bản dịch rất trung thực với nguyên tác của Gene Raskin, sau đó được nữ danh ca Pháp Dalida hát lại, đã đạt thành công rực rỡ, không chỉ lên “Top” ở các quốc gia nói tiếng Pháp như Gia-nã-đại mà còn được nồng nhiệt đón nhận tại Hy-lạp và Nhật-bản.

clip_image010

 

– Phụ lục (3): Le Temps des Fleurs, Dalida

03-Le Temps Des Fleurs – Dalida Th lo i kh+íc (2)(2)(2)(2)

Le Temps des Fleurs

(1)

Dans une taverne du vieux Londres
Où se retrouvaient des étrangers
Nos voix criblées de joie montaient de l’ombre
Et nous écoutions nos cœurs chanter

REFRAIN:
C’était le temps des fleurs
On ignorait la peur
Les lendemains avaient un goût de miel
Ton bras prenait mon bras
Ta voix suivait ma voix
On était jeunes et l’on croyait au ciel
La, la, la…

(2)

Et puis sont venus les jours de brume
Avec des bruits étranges et des pleurs
Combien j’ai passé de nuits sans lune
A chercher la taverne dans mon cœur

REFRAIN:
Tout comme au temps des fleurs
Où l’on vivait sans peur
Où chaque jour avait un goût de miel
Ton bras prenait mon bras
Ta voix suivait ma voix
On était jeunes et l’on croyait au ciel
La, la, la ……

(3)

Et ce soir je suis devant la porte
De la taverne où tu ne viendras plus
Et la chanson que la nuit m’apporte
Mon cœur déjà ne la connaît plus

REFRAIN:
C’était le temps des fleurs
On ignorait la peur
Les lendemains avaient un goût de miel
Ton bras prenait mon bras
Ta voix suivait ma voix
On était jeunes et l’on croyait au ciel
La, la, la…

* * *

Those Were The Days không chỉ là thành công lớn nhất trong sự nghiệp ca hát của Mary Hopkin (bản Goodbye của cô sau này chỉ thành công tương đối), là thành công lớn nhất của hãng đĩa Apple Records, mà còn trở thành một hiện tượng ca nhạc không thua gì bản La Paloma của thế kỷ trước và bản Que Sera Sera của thập niên 1950.

Trên bách khoa tự điển Wikipedia, ngoài danh sách ca sĩ khắp năm châu hát lại bản Those Were The Days, người ta còn ghi lại những sự kiện thú vị, thậm chí có khi vô lý, liên quan tới ca khúc này, chẳng hạn:

– Tại Ba-tây, trong khi dân chúng không mấy người biết tới xuất xứ của Those Were The Days thì điệp khúc của bản này (Those Were The Days My Friend…) đã trở nên quen thuộc với hàng chục triệu khán giả của chương trình tuyển lựa tài năng mới “Show de Calouros” trên truyền hình, qua đó lời hát đã được sửa lại để giới thiệu các vị giám khảo và thí sinh.

– Tại Anh quốc, Those Were The Days đã được sử dụng làm ca khúc bán chính thức của câu lạc bộ bóng tròn Hudderfield Town, với điệp khúc “Those Were The Days My Friend…” trở thành “We won the league three times…”

– Phần nhạc của Those Were The Days đã trở thành một hành khúc (march) quen thuộc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Riêng tại Guinea Xích đạo, tức Equatorial Guinea, vào đúng ngày lễ Giáng Sinh năm 1975, Tổng thống Francisco Marcias Nguema đã cho xử bắn 150 người tham gia cuộc đảo chính hụt tại vận động trường quốc gia, trong lúc ban quân nhạc trổi bản Those Were The Days.

* * *

Tại miền nam Việt Nam trước năm 1975, Those Were The Days được giới trẻ yêu nhạc ngoại quốc biết tới qua làn sóng điện đài phát thanh và đài truyền hình của Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Vì Bắc – Nam cách trở, vì thiếu sách báo ngoại quốc và các phương tiện thông tin khác, đa số khán thính giả miền Nam ngày ấy không hề biết về xuất xứ đích thực của Those Were The Days, thậm chí có người ra vẻ hiểu biết còn quả quyết đây là một sáng tác của Paul McCartney viết riêng cho Mary Hopkin!

Mãi tới sau năm 1975, khi tất cả mọi ca khúc của miền Nam cũng như của các nước tư bản, không cần biết có lời hát bằng tiếng Việt hay tiếng ngoại quốc, bị chế độ mới cấm hát, và Dorogoj Dlinnoyu với lời Việt có tựa đề Tình ca du mục, được ghi chú “dân ca Nga”, trở thành “ca khúc nước ngoài” phổ biến nhất, giới yêu nhạc tại miền Nam mới có dịp tìm hiểu nguồn gốc đích thực của Those Were The Days.

Hiện nay, trong tất cả mọi bài viết về Dorogoj Dlinnoyu – Tình ca du mục đều không ghi tên tác giả lời Việt. Riêng bách khoa tự điển Wikipedia thì ghi là “Trần Tiến” kèm theo một dấu hỏi. Trong khi đó, cũng trên Wikipedia, phần viết về sự nghiệp sáng tác của người nhạc sĩ du ca nổi tiếng này, chỉ ghi một bản nhạc ngoại quốc lời Việt duy nhất của ông là bản Donna Donna (mà chúng tôi đã từng nhắc tới). Cho nên tạm thời, tác giả lời Việt của Tình ca du mục vẫn được ghi là “khuyết danh”.

Bản lời Việt này cùng với lời Anh Those Were The Days đã trở thành ca khúc “cầu chứng” của Bảo Thy, một nữ ca sĩ kiêm diễn viên trẻ rất được ái mộ trong nước hiện nay.

clip_image011

Bảo Thy

– Phụ lục (4): Tình ca du mục, Bảo Thy

04 – Tinh ca du muc- Bao Thy

Tình ca du mục

Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời

Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng

Tìm em năm tháng thấy đâu hình bóng nàng

Em thân yêu ơi, biết em giờ đây nơi đâu

Nhắn giúp cho ta chim ơi

Nhắn giúp cho ta mây ơi

Thảo nguyên bát ngát đem giấu em ta nơi nào

Lần theo dấu vết em đi

Tìm đâu cho thấy em yêu

Tình yêu đốt cháy, trong tim phút giây nào nguôi

Tháng tháng năm năm trôi qua

Bão tuyết mưa rơi sương sa

Tình anh vẫn xanh như lá cây đang mùa xuân

La la la la…

(Lời 2)

Dù cho năm tháng phôi pha hình bóng nàng

Dù thời gian có xóa tan bao ước vọng

Hàng mi đen láy như nhung vì nắng chiều

Trên vai em tôi, nỗi buồn dài theo mái tóc…

Nhắn giúp ….

Về những phiên bản lời Việt khác, chúng tôi được biết có ít nhất là 3 phiên bản của những tác giả tên tuổi, gồm Phạm Duy với tựa “Nhớ lúc yêu nhau”, (ca sĩ) Thanh Lan với tựa “Tuổi thanh xuân” trong album “Trong nắng trong gió” của cô, thực hiện năm 2008; và “Như lá thu vàng” của Nguyễn Quốc Trí, được nữ ca sĩ Ngọc Hạ trình bày trong DVD Asia 49 “Những bài hát hay nhất thế kỷ thứ 20”, thực hiện năm 2007. Hiện nay, “Như lá thu vàng” cũng rất phổ biến ở trong nước, và thường được gọi là Tình ca du mục (2).

– Phụ lục (5): Như lá thu vàng, Ngọc Hạ

05-NhuLaThuVangThosewerethedays-NgocHa

Như lá thu vàng

(1)

Thuở mình yêu nhau quán xinh là chốn xưa
Hẹn hò bên nhau, say mối duyên đầu
Cười đùa bên nhau biết bao niềm ấm nồng.
Và mơ tương lai lứa đôi dệt mộng xa xôi.
Đã lỡ duyên tơ anh ơi; Tan mơ ôi đau ngày nào
Mình còn dìu nhau, ca hát bên nhau nồng nàn
Cùng chọn cuộc sống yêu thương
Dù đời nhiều nỗi chua cay
Tình yêu đôi lứa vẫn không bao giờ nhạt phai.
La la la la… la… La la la la… la…
La la la la… La la la la la la…

(2)

Rồi thời gian trôi cuốn theo bao niềm ước mơ
Chuyện tình ta úa như lá thu vàng
Bồi hồi gặp nhau, quán xưa chuyện chúng mình
Nhẹ trao đôi câu lòng buồn khẽ nói:
Đã lỡ duyên tơ anh ơi; Tan mơ ôi đau ngày nào
Mình còn dìu nhau, ca hát bên nhau nồng nàn
Cùng chọn cuộc sống yêu thương
Dù đời nhiều nỗi chua cay
Tình yêu đôi lứa vẫn không bao giờ nhạt phai.
La la la la… la… La la la la… la…
La la la la… La la la la la la…

(3)

Vào một đêm nao, cây xanh vườn quán buồn
Chuyện tình xưa đó nay đã tan rồi
Nhạt nhòa trong đáy ly in hình dáng người
Trong mưa đêm thu vắng gió hiu tình xưa.
Đã lỡ duyên tơ anh ơi; Tan mơ ôi đau ngày nào
Mình còn dìu nhau, ca hát bên nhau nồng nàn
Cùng chọn cuộc sống yêu thương
Dù đời nhiều nỗi chua cay
Tình yêu đôi lứa vẫn không bao giờ nhạt phai.
La la la la… la… La la la la… la…
La la la la… La la la la la la…

* * *

Điều đáng tiếc nhất là trừ phiên bản của Phạm Duy, tất cả mọi phiên bản lời Việt còn lại đều không thể hiện được tinh thần hoài niệm tuổi thanh xuân nói chung trong nguyên tác Dorogoj Dlinnoyu & Those Were The Days, mà chỉ chú trọng tới tình yêu nam nữ.

Đáng tiếc, bởi vì tương tự bản La Paloma đã được xem là biểu tượng quốc tế về tính cách bất tử của tình yêu đã mất, Dorogoj Dlinnoyu & Those Were The Days cũng thế, với bất cứ dân tộc nào, ở bất cứ nơi nào trên trái đất, cũng có tác dụng gợi tưởng một thời hoa mộng đã qua của đời người, không bao giờ có thể tìm lại được nhưng cũng không bao giờ bị lãng quên. Cho nên, có thể viết mà không sợ quá lời, Dorogoj Dlinnoyu & Those Were The Days là ca khúc tuyệt vời nhất viết về sự hoài niệm (nostalgia), ít nhất cũng là tính cho tới nay.

– Phụ lục (6): Those Were The Days (guitar), Francis Goya

06-ThoseWereTheDays-FrancisGoya

– Phụ lục (7): Those Were The Days (hòa tấu), Mantovani Orchestra

07-ThoseWereTheDays-Mantovani

Hoài Nam

 

 

PHỤ LỤC:

Phụ lục (1): Dorogoj Dlinnoyu, hợp ca

Phụ lục (1): Dorogoj Dlinnoyu, hợp ca

Phụ lục (2): Those Were The Days, Mary Hopkin

Phụ lục (2): Those Were The Days, Mary Hopkin

Phụ lục (3): Le Temps des Fleurs, Dalida

Phụ lục (3): Le Temps des Fleurs, Dalida

Phụ lục (4): Tình ca du mục, Bảo Thy

Phụ lục (4): Tình ca du mục, Bảo Thy

Phụ lục (5): Như lá thu vàng, Ngọc Hạ

Phụ lục (5): Như lá thu vàng, Ngọc Hạ

Phụ lục (6): Those Were The Days (guitar), Francis Goya

Phụ lục (6): Those Were The Days (guitar), Francis Goya

Phụ lục (7): Those Were The Days (hòa tấu), Mantovani Orchestra

Phụ lục (7): Those Were The Days (hòa tấu), Mantovani Orchestra

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search