T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 56)

clip_image001

Ai lên thú Lạng

Ạ ời ơi…

Thứ nhất thì bầu Chi Lăng

Thứ hai cây khế Đồng Đăng Kỳ Lừa

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em

Tay cầm bầu rượu, nắm nem

Mải vui quên hết lời em dặn dò

Gánh vàng đi đổ sang Ngô

Đêm nằm tơ tưởng đi đò sông Thương

Ạ ời ơi…

Theo một tác giả biên khảo dòng họ Nguyễn Gia, tứ đại đồng đường ở Lạng Sơn thì bài ca dao cổ Ai lên thú Lạng diễn tả tâm sự người lính thú ở biên thùy vùng mạn ngược và kể lể vụ nộp cống người vàng:

– “Gánh vàng”: đời Lê-Mạc (1428-1788) Tầu bắt ta mỗi 2 năm mỗi phải triều cống 2 tượng người bằng vàng y ròng (đại thân kim nhân). Để thế mạng cho Liễu Thăng và Lương Minh bị Lê Lợi giết chết ở ải Chi Lăng (lệ này được bãi bỏ thời Quang Trung).

– “Sang Ngô”: chỉ Đông Ngô của Tôn Quyền thời Tam Quốc.

– “Sông Thương”: lính thú mơ tưởng ngày về được xuôi dòng sông Thương đổ vào sông Lục Nam trở về với gia đình.

– “Ạ ời ơi…”: câu đầu và câu cuối với ba chữ Ạ ời ơi…

(Nguyễn Gia Liên – Văn hóa truyền thống Việt Nam)

Tục ngữ Ta và Tầu

No cơm ấm cật rậm rật mọi nơi

Bảo noãn tư tâm dục, cơ hàn khởi đạo tâm

(Ấm no lại tưởng dâm tà, đói rét sinh trộm cướp)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Tiếng Việt Tiếng Mường

Xét về ngôn ngữ văn phạm của Mường và Việt giống hệt nhau:
Ăn ra khói nói ra lửa
Ăn za khuê nói za lửa
Ðể cho quỉ xa ma sợ
Tê co kwi sa ma đượi
Vía lúa ơi, về đụn về nhà mà ở
Piái ló ơi, vên tun vên nhà ma ở!
Cơm như vàng ròng
Kơm như yang rong
Danh từ Vua, thì họ nói là Bua. Trời, thì họ nói là Blời. Các cố đạo ngày xưa tại Việt Nam cũng viết là Bua, Blời, không phải vì các ông không biết âm Tr, mà bởi vì thuở đó ta cũng giống dân Mường đều không có âm Tr. Trái cây họ đọc là Tlai kây, Trái ngang họ nói là Plái ngang, Trâu họ kêu là Tlu vv…

(Tĩnh Túc – thanh.nguyen@student.uni-ulm.de)

Ta khác Tầu

Ta gọi “an phận thủ thường”, Tầu kêu “an phận thủ kỹ”.

Ta kêu “thượng lộ bình an”, Tầu đọc…”nhất lộ bình an”.

Tác phẩm đầu tay

Khoảng cuối thập niên 50, nhớ là buổi trưa rảnh rỗi, tôi (Mai Thảo) ghé vào thăm một diễn đàn bạn. Người bạn đang cắm cúi bận làm việc, tôi kéo ghế ngôi hút thuốc lá, thấy ở cạnh mình có cái rỏ rác đựng đầy những bản thảo gửi, không đăng và liệng bỏ đi. Buồn tay tôi nhặt những bản thảo ấy lên coi. Cuối cùng, và ở tận đáy cái sọt rác là một bản thảo truyện ngắn.

Tôi đọc mấy dòng đầu và giật mình vì lối vào truyện mạnh dạn, mới lạ…Đọc tiếp mấy trang nữa, tôi hỏi người bạn: “Bỏ đi tất cả đây à?”. Người bạn không ngẩng đầu lên: “Ừ đã đọc và không đăng”. “Moi lấy đi được không?”. “Đẻ làm gì vậy”, người bạn ngạc nhiên hỏi: “Mặc moi”, tôi nói và cất cẩn thận cái truyện ngắn bị vứt đi vào túi áo. Tôi trở về đăng ngay nguyên văn trên tờ Sáng Tạo.

Ấy là truyện ngắn đầu tay, truyện ngắn thứ nhất Rượu chưa đủ của Dương Nghiễm Mậu.

Sau Rượu chưa đủ đến tìm tôi và đưa thêm những truyện ngắn mới, với nụ cười tuơi tắn, nụ cười hóm hỉnh. Mậu khoan thai đi bộ trên hè phố về, tay cầm cái ô đen. Lần sau cùng, thời gian này Mậu được thả ra từ trại giam Phan Đăng Lưu Gia Đình cùng với Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Hiệu và Nhã Ca. Tôi nhìn thấy cây dù hiền triết trước bên kia rạp chiếu bóng Trương Minh Giảng.

Lần đó, kẻ bên này đường, kẻ bên kia đường, tôi đang bị truy lùng ráo riết, nên chỉ nhìn nhau gật đầu, vẫy tay chào, không ai đứng lại. Khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng tôi nhớ vừa đi vừa còn nhìn lại, nhìn cây dù đen văn chương xa dần, lòng đầy quý mến…

(Mai Thảo – Con đường Dương Nghiễm Mậu)

Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử

Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam cho rằng bút danh của Nguyễn Trọng Trí Hàn Mặc Tử chứ không phải là Hàn Mạc Tử.

“hàn mặc” là bút mực, còn “hàn mạc” thì vô nghĩa.

(Nguyễn Cẩm Xuyên – Lá trúc che ngang mặt chữ điền)

Dấu chấm không đơn giản

Dấu chấm phẩy (;) là tín hiệu tương tự dấu chấm lửng (. . .):
Sau dấu này (;), có khi viết thường, có khi viết hoa. Nhiều tác phẩm, ta thấy các phần độc lập trong câu được ngăn cách bằng dấu chấm phẩy, chữ tiếp theo vẫn viết thường.

Thế nhưng, ở nhiều văn bản hành chính, nhất là phần “căn cứ”, “chiếu theo”, “xét đề nghị”… nêu đầu tiên, thì sau các dấu chấm phẩy lại là xuống dòng và viết hoa.

(Nguồn: e-cadao.com)

Chữ nghĩa thập niên 20

Chuốc chuốc – Bên Tầu có giống chim đỗ quyên, đỗ vũ, tử quy.

Ở nước ta, có một thứ chim cứ đến mùa hè kêu cả đêm rồi chết rạc, người Bắc gọi là chim cuốc.

Người Trung gọi là chuốc chuốc.

(Tôn Thất Lương – Xuân Mộng)

Giai thoại làng văn

Về giới phê bình, được nhắc nhở nhiều nhất chắc là một câu nói tương truyền của Nguyễn Tuân: “Khi tôi chết, hãy chôn theo một vài thằng phê bình để tiếp tục cãi nhau.”.

(Nguyễn Hưng Quốc – Sáng tác và phê bình)

Hội nhà văn III

Ngoài việc đánh giá và tặng thưởng cho một số tác phẩm văn học trong năm, Hội Nhà văn còn tổ chức được một số trại sáng tác và các cuộc hội nghị về văn học. So với cái hệ thống tổ chức cồng kềnh như vậy, những thành tích đạt được quả là khiêm tốn. Trong chiều hướng nói thẳng, nói thật để phê bình và tự phê bình, nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh phát biểu:

“Lâu nay Hội có đấy mà cũng như không. Chẳng có mấy ai có ý thức về sự tồn tại của nó trong đời sống xã hội… Hội không có bất kỳ một tí quyền hành nào. Sách, báo, bài vở của hội viên do những nơi nào duyệt kia, chứ Hội không được “ý kiến” vào đấy. Ngay cả công việc tổ chức của Hội, hội viên cũng không được quyền quyết định. Phải một thời gian dài, hai mươi năm liền (từ 1962 đến 1982) mới họp được Đại hội lần thứ ba, nhưng lại mất dân chủ trầm trọng”.

Đại hội lần thứ tư của Hội Nhà văn, nhà thơ Diệp Minh Tuyền viết:

“Đảng lãnh đạo Hội Nhà văn bằng đường lối, phương hướng, chủ trương, chỉ thị. Nhà văn phục tùng sự lãnh đạo của đường lối Đảng, khác với kiểu “gọi dạ, bảo vâng” đối với người phụ trách”.

Cuối cùng, ý của Diệp Minh Tuyền và Nguyễn Đăng Mạnh giống nhau: “Lâu nay Hội có đấy mà như không”.

(Nguyễn Hưng Quốc – Hội nhà văn Việt Nam)

Nét đặc biệt trong tiếng Huế

Tiếng Huế không phải chỉ đơn giản tê mô răng rứa như vẫn xuất hiện trong thơ văn với những nét chấm phá dễ thương nói về người Huế, xứ Huế; mà nhức đầu, phức tạp, nhiêu khê, đa dạng và phong phú hơn nhiều. Tùy vào từng địa phương của Huế, cách phát âm có chỗ nặng nơi nhẹ; lúc thanh tao khi khó hiểu.
Xin được đơn cử một câu rất Huế, một tâm sự kín đáo giữa hai o đang tuổi lấy chồng: “Tau noái với mi ri nì, en còn ở dôn, rứa mà bữa tê tề, en chộ tau phơi ló ngoài cươi, en kiêu tau vô, bồn tau lên chờn, cái ba . . . en đẩ . Mi quai chướng khôn?”

Sở dĩ tâm sự kín đáo vì đây là chuyện riêng của hai người, nói bằng thổ ngữ, nhưng ý nghĩa thì như vầy:

“Tao nói với mày như vầy, ảnh còn ở rể, vậy mà hôm kia kìa, tao đang phơi lúa ngoài sân, ảnh kêu tao vào, bồng tao lên giường, rồi ảnh…Mày coi có kỳ không ?”.

(Nguồn ĐatViet.com)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tái dê chấm với tương bần

Ăn vào một miếng bần bần như dê

Đêm về vợ…lạy tỉ tê

Tối mai ta lại tái dê tương bần

Thêm bớt

Trong Tiểu thuyết thứ bẩy, Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng thêm vào 4 câu cuối bài Tống biệt hành của Thâm Tâm.

Đưa người ta không đưa sang công

….

Em thà coi như hơi rượu say

Và 4 câu thơ lạc điệu thêm vào là:

“…Mây thu đầu núi, gió lên trăng

Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thâm

Ly khách ven trời nghe muốn khóc

Tiếng đời xô đọng, tiếng hờn câm…”

(Xuân Đẩu – Vài nét chấm phá trong thơ)

Làm giàu tiếng Việt

Ta thường thấy trên sách báo trong nước chữ “bị áp lực”. Tại sao không dùng chữ “cưỡng ép”? Tiếng Việt còn chữ mạnh hơn nữa là “ép buộc”. “Bị áp lực” còn có hi vọng lọt ra khỏi vòng chứ đã bị “ép” lại thêm bị “buộc chặt” thì đố chạy đâu cho thoát!

Bây giờ chữ thời thượng là “kiếm sống” chắc dịch từ chữ Pháp “gagner sa vie” hay từ tiếng Anh “to earn one’s living”, người ta không dùng đến “kiếm ăn” nữa (Kiều : “Vay thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi”) phải chăng vì ngày nay đời sống cao hơn, “kiếm ăn” không không đủ phục vụ nhu cầu thường nhật, còn phải có những nhu cầu khác như giải trí chẳng hạn nên phải dùng “kiếm sống” cho đầy đủ ý nghĩa hơn?

Song hiển nhiên ta đang “sống” cần gì phải “kiếm” nó? Thế là không lô-gích!

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – “Bách Việt” nói tiếng “Bách ngữ)

Chữ nghĩa làng văn

Chữ Nôm của Ta, người Tầu gọi là Tự Nam.

Ngộ Không

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search