T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 81)

clip_image001

Câu đối thách đố

Người ta còn nghĩ ra những câu đối oái ăm, cầu kỳ rồi người ta tự đối lấy hoặc thách người khác đối. Lối đối này thường sử dụng nghệ thuật chơi chữ, đồng âm dị nghĩa…

Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già

Con công đi qua chùa kênh, nó nghe tiếng cồngkềnh cổ lại

(Câu đối có bốn chữ : cóc, cách, cọc, cạch đối với bốn chữ công, kênh, cồng, kềnh)

(Trích từ Wikipedia)

Chữ nghĩa làng văn

Cụ Tú Xương cảm khái về con sông Lấp ở Nam Định:

Sông kia rày đã lên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

(Phụ đính: Nam Định còn có sông Đào. Ngoài ra: Sông đã lấp rồi,

đã làm nhà cửa, đã trồng ngô khoai sao còn gọi là…sông Lấp)

Thằng bán tơ

Một buổi, trong bữa rượu lạc thanh bần, Hữu Loan bỗng hỏi:
– Truyện Kiều có thằng bán tơ thật không?
Mọi người ngớ ra. Cái tai nạn của cuộc đời Kiều, khởi nguyên là ở thằng bán tơ.
Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ
(Câu 588 – Đoạn trường tân thanh)
Hữu Loan tủm tỉm:
– Kiều lấy Từ Hải, hùng cứ một phương trời, có cảnh báo ân báo oán làm hả hê cuộc đời Kiều. Cảnh báo oán trừng phạt đầy đủ những người đã gây tai họa cho Kiều. Nhưng không thấy thằng bán tơ. Thế là sao?
Hữu Loan ngừng một lúc, nhấc chén rượu lên môi, rồi lại đặt xuống. Một khoảng im lặng đủ để mọi người suy nghĩ, rồi ông nói nhẹ nhàng:
– Tôi bị cái họa Nhân văn – Giai phẩm, bị vu cho là phản động, lật đổ chính quyền, về Nga Sơn nằm dài, nhân đọc lại Kiều, mới thấy cụ Nguyễn Du nhà ta thánh thật.

Thằng bán tơ là nhân vật bịa ra, nhân vật vu khống, không có thật, thì làm sao mang nó ra xét xử được. Cụ Nguyễn Du giả vờ quên thằng bán tơ là cụ cao tay lắm trong nghệ thuật bút pháp. Kẻ hậu sinh đọc Truyện Kiều, suy ngẫm để nhận ra điều ấy, là nhận ra cái xã hội thối nát truyện Kiều, đến công lý cũng vin vào một lời khai vu vơ làm tan nát cả một đời Kiều. Cái xã hội thiếu nhân tính, thiếu tôn trọng con người, gây oan khuất cho những người lương thiện, đáng nguyền rủa biết bao! Cái thâm thúy của cụ Nguyễn Du là ở đấy!
Chúng tôi cùng giật mình, thấy lạnh xương sống về nhận xét của Hữu Loan. Ngẫm ra, cụ Nguyễn Du thánh thật, và cụ Hữu Loan nhận ra được điều ấy trong bút pháp cụ Nguyễn Du, thì cụ Hữu Loan cũng thánh thật.

(Hoàng Tiến – Thi sĩ Hữu Loan: Một năm đã xa vắng trần thế)

Những câu thơ sau cùng của Bút Tre

Chim khôn chim đậu cành cao
Bướm khôn bướm đậu ngay vào… đầu chim

Từ Hán –Việt được nho hóa

Tao = sợi dây, một tao, quai thao biến thể của tao.

Thí dụ: Năm tao thành một sợi, năm sợi thành một thừng lớn.

Nói láy

Hồi nhỏ, lúc chúng tôi khoảng 3 tuổi, mỗi lần vú chúng tôi muốn dỗ chúng tôi nín khóc thường bảo : “Ngày mai, ngày mốt, ngày kia, ngày kía, ngày kỉa, ngày kịa, ngày kìa, vú sẽ mua cho con một con mèo bé cón cỏn còn con “.

Vú tôi là một người đàn bà miền quê, không biết đọc, không biết viết nhưng đã vận dụng được một cách phong phú khả năng về thanh điệu của tiếng Việt để làm tăng dần khoảng cách giữa thời điểm này với thời điểm khác.

Bây giờ thử tìm trong các từ điển, nhiều nhất tôi chỉ thấy được 3 từ mà thôi : kia, kìa, kỉa. Còn cón cỏn còn con thì theo tuổi tác héo hẻo hẽo hẹo hèo heo tôi tìm không ra.

(Nguyễn Phú Phong – Về vấn đề láy từ trong tiếng Việt)

Hồ Xuân Hương tân biên bản mục

Trong “Lời tựa” tập Lưu hương ký của Tôn Phong, bà viết:

– Đây là toàn bộ thơ của đời tôi

Hoàng Xuân Hãn năm 1952 và Trần Thanh Mại năm 1964 đều cho là “toàn bộ” thơ Nôm khoảng gần 100 bài, tất cả không phải của bà. Tất cả là “thơ dân gian” của một “ông đồ” nào đó nhận sắc cùng thời với Trạng Quỳnh, Trạng Lợn.

(Trần Nhuận Minh – Tạp chí Tân Văn)

Hoa lài

“Con vợ khôn lấy thằng chồng dại – Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”.

Nhớ đừng lầm với hoa lài ướp trà, hoa trắng nhỏ thơm lừng, người Ấn Độ thường dùng xỏ xâu đeo cổ. Thực ra người Nam gọi gardenia tới ba tên, mẫu đơn, dành dành, bông lài trâu. Cây nhỏ, lá láng mọc đối và chùm ba, hoa trắng thật thơm, có nhiều tai.

(Võ Kỳ Điền – Thảo mộc trong cổ văn Việt Nam)

Bát ô tô và cái tô

Theo Giáo sư Kiều Thu Hoạch thì thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế không chỉ ảnh hưởng đến thơ Việt mà còn ảnh hưởng đến cả đời sống văn hoá – ngôn ngữ của người Việt. Số là cái bát canh mà ở Bắc Việt hiện nay vẫn gọi là “bát ô tô”, Nam Việt gọi là “tô” thì Đại Nam Quốc Âm tự vị (Sai Gon – 1895) của Paulus Của giải thích là “bát thành Cô Tô làm ra, bát lớn mà khéo”.Tuy nhiên ý kiến của Paulus Của chỉ đúng một nửa.

Theo ý kiến của giới ngôn ngữ học thì đó chỉ là cái bát có vẽ cảnh Cô Tô theo ý thơ “Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự”. Người Bắc Việt nhân đó gọi là bát Cô Tô , rồi gọi chệch là “bát ô tô”, còn dân Nam Việt gọi tắt là “bát tô”, rồi “tô”.

(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Truyện cực ngắn: Chuyện tình

Nàng ngửa mặt lên, chờ. Mắt nhắm nghiền, hơi thở gấp, đôi môi he hé, đỏ mọng. Tôi cúi xuống, cúi xuống, cúi xuống… Tôi cúi xuống mãi. Bao nhiêu sợi tóc bạc đã rụng. Bao nhiêu cuộc tình đã qua. Các con tôi cứ lần lượt ra đời và ngày một lớn. Mà môi tôi vẫn chưa đụng tới được môi nàng.

Nát bàn

Cũng đọc là “niết bàn” (Nirvana: tiếng Phạn). Người phàm tục, và ngay đến cả người xuất gia tu theo Phật, đắc quả vào một cõi bất sinh bất diệt gọi là cõi hằng hay nát bàn.

Trong Quan Âm thị kính có câu “Lại xin theo đến Nát bàn là đây”.

Bằng hữu kim kỳ phú

Bài phú của Nguyễn Đôn Phục, ông đỗ cử nhân khoa quý dậu năm thời Tự Đức là một kho ngôn ngữ dân gian gồm những tục ngữ, thành ngữ, phương ngôn cúa một vùng đất, hàm súc về nhân sinh, tình yêu, tinh bè bạn ..v..v.. Nguyễn Đôn Phục xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, chọn lọc từ khó tàng văn học dân gian đem sắp xếp hệ thống lại một cách công phu trong  bố cục của một bài phú có vần điệu, có đối xứng theo luật bằng trắc vừa kết hợp được tính cổ  điển và tính dân gian phóng khoáng từ thời Tự Đức thứ 26 (1873).

Đừng quen trục lợi, tham ván bán thuyền; phải nghĩ thân duyên, liệu cơm gắp mắm.

Lịch sự đủ điều lich sự để lỗ đeo hoa; đàn bà ba thứ đàn bà, mặt dường nào ngao dường ấy.

Tai nghe mắt thấy, chớ như ốc nọ mượn hồn; ăn ham chắc, mặc ham bền, mựa học mua trâu vẽ bóng.

Dẫu khoe cả vú lấp miệng em, cả hèm lấp miệng hũ; song cũng làm thầy đất ta, làm ma đất người.

Cảm là cảm gà nuôi con vịt, nào kẻ nâng niu; thương những thương cá bỏ giỏ cua .

Dễ chẳng muốn lời kia cặn kẽ, nóng súng – sung phải nổ, đau gỗ – gỗ phải kêu; song chi bằng lẽ nọ êm đềm, cơm mình ăn ngon, con mình dễ khiến.

Rượu chẳng say, chè say quá mức, môn không ngứa, ráy ngứa nỗi gì ?

Nói ra là sự vân vi : ấu sao tròn mà bồ hòn sao méo ?

Thiệt vậy chớ phòng khi dễ, lành làm thúng mà lủng cũng làm mê. Bảy mươi chưa què, chớ khoe rằng trọn. Ba mươi đời đĩ bợm thì mắc điếm thầy.

Sao cho lèo lái phân minh, giỏ có quai, chài có chóp, chớ để tôm cá, lộn xộn, quân vô tướng hổ vô đầu.

Chữ nghĩa làng văn

Hai câu thơ cấu tứ rất hay, rất sáng tạo vào đầu thế kỷ 15 qua bài Văn xuân trong Nguyễn Trãi toàn tập tân biên:

Cướp thiến niên đi, thương đến tuổi

Ốc dương hòa lại, ngõ dừng chân

Ốc: tiếng Việt cổ, nghĩa là gọi.

Ngõ: tiếng Việt cổ, nghĩa là để.

Nghĩa hai câu thơ trên là thời gian đến rất nhanh, nó cướp tuổi trẻ của ta, nghĩ mà thương mình. Ta muốn gọi tuổi xuân trở lại để dừng chân trên dòng thời gian.

(Trần Lê Văn – Xưa nay)

Trâu chậm uống nước đục
Ta có thành ngữ “Trâu chậm uống nước đục” tuy lối nói có khác, nhưng ý nghĩa thì tương đồng với thành ngữ của Tàu “Tiệp túc tiên đắc” (nhanh chân thì được trước). Các thành ngữ này được dùng để nói về trường hợp người nhanh chân sẽ đạt được mục đích trước, kẻ chậm chân tất phải thiệt thòi.
Trong lịch sử Tàu, các anh hùng hào kiệt trong thiên hạ nổi lên khắp nơi, chống lại nhà Tần và tranh giành thiên hạ. Lưu Bang có một tướng là Hàn Tín, đã bình định được đất Tề. Mưu sĩ của Hàn Tín là Khoái Thông khuyên Hàn Tín nên phản lại Lưu Bang, rồi liên lạc với Hạng Võ, chia ba thiên hạ, Hàn Tín không nghe. Về sau, Hàn Tín bị giáng xuống làm Hoài Âm Hầu, lúc đó mới ngầm liên lạc với bộ hạ lật đổ Lưu Bang. Nhưng âm mưu bại lộ, Hàn Tín thì bị vợ của Lưu Bang bắt sai đem giết. Lúc sắp bị hành quyết, Hàn Tín than rằng:”Ta hối hận không nghe lời Khoái Thông, để đến nổi ngày nay phải chết về tay một con đàn bà tầm thường”.
Lưu Bang biết chuyện, bèn sai bắt Khoái Thông để đem chém. Khoái Thông kêu oan và nói rằng: “Lúc đó tôi chỉ biết có Hàn Tín mà không biết có chúa công. Nhà Tần đã sụp đổ, anh hùng trong thiên hạ đang tranh đoạt nhau, người nào có tài và hành động mau chân lẹ tay thì người đó được thiên hạ vậy (“Ư thị cao tài tật túc giả tiên đắc yên”). Thiên hạ đại loạn, ngươi nào cũng muốn làm công việc mà chúa công làm, thì tại sao chúa công lại định giết tôi?”. Lưu Bang ngẫm nghĩ rồi cho là đúng, bèn tha.
Tích trên chép trong Sử ký của Tư Mã Thiên. Từ câu nói “Cao tài tật túc tiên đắc yên” (có tài cao mà nhanh chân thì được trước vậy) của Khoái Thông, người đời sau rút ra thành ngữ “Tiệp túc tiên đắc (nhanh chân thì được trước) để nói về trường hợp một người làm việc mau lẹ, quyết định sớm sủa, thì đạt được mục đích trước những người khác.

Ngộ Không

(sưu khảo)

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search