T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(56) – NHẠC PHÁP – La plus belle pour aller danser (Em đẹp nhất đêm nay) Garvarentz & Aznavour – La Maritza (Dòng sông tuổi nhỏ), Renard & Delanoe

la_plus_belle_pour_aller_danser-2

“Bông hoa biết hát” thứ hai của nền ca nhạc hiện đại Pháp thuộc thế hệ “baby boomers” chúng tôi giới thiệu tới độc giả TV&BH là Sylvie Vartan, với hai ca khúc nổi tiếng nhất của cô được đặt lời Việt là La plus belle pour aller danser (Em đẹp nhất đêm nay) và La Maritza (Dòng sông tuổi nhỏ).

Nổi tiếng cùng thời gian, trong khi Françoise Hardy là nữ hoàng của phòng thu âm thì Sylvie Vartan là công chúa trên sân khấu trình diễn, được ghi nhận là nữ nghệ sĩ yé-yé (yeah yeah) thành công nhất về mặt thương mại trong thập niên 1960; Sylvie Vartan cũng là nữ ca sĩ Pháp đầu tiên có sáng kiến trình diễn với các nữ vũ công phụ diễn (backup dancers), tương tự Claude François bên nam giới.

Ngày ấy, Sylvie Vartan cùng với nam thần tượng nhạc trẻ Johnny Halliday (đời chồng thứ nhất của cô) đã trở thành cặp nghệ sĩ nổi tiếng và ăn khách nhất của Pháp; các buổi trình diễn “thường niên” của hai người tại đại hí viện Olympia và Palais des congrès de Paris không bao giờ còn một ghế trống.

Một cách ngắn gọn, có thể viết Sylvie Vartan hội đủ ba yếu tố để thành công của một nữ ca sĩ trình diễn: tài – thanh – sắc. Về sau, tên “Sylvie Vartan” đã được lấy để đặt cho một loài hoa hồng mới, và hãng búp-bê Mattell nổi tiếng của Mỹ đã lấy khuôn mặt và thân hình của cô để làm mẫu cho một búp-bê của họ.

* * *

Sylvie Vartan nguyên là một di dân gốc Bảo-gia-lợi (Bulgaria) mang một nửa dòng máu Armenia trong huyết quản và cô luôn luôn hãnh diện về điều này.

[Như chúng tôi đã viết trong một bài trước đây khi nhắc tới nam ca sĩ kiêm diễn viên Pháp gốc Armenia Charles Aznavour và ca khúc Et Pourtant, Armenia là một quốc gia ở vùng Caucase, nằm giữa Đông Âu và Trung Á, từ thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên đã là vương quốc theo Thiên chúa giáo đầu tiên trong khu vực, có nền văn hóa rất cao, có ngôn ngữ và chữ viết riêng; hiện nay Giáo hội Armenia cũng là giáo hội duy nhất trong vùng theo Công giáo La-mã chứ không theo Chính thống giáo.

Trước Đệ nhất Thế chiến, Armenia bị đế quốc Thổ (Ottoman Empire) chiếm đóng và tiến hành một cuộc diệt chủng, tàn sát gần một nửa dân số của đất nước bé nhỏ này – mà sử sách gọi là Armenian Genocide, hoặc Armenian Holocaust, Armenian Massacres… Trong số hàng trăm nghìn người Armenia đào thoát, khoảng một phân nửa định cư tại Pháp, trong số này có cha mẹ của Charles Aznavour và ông bà nội của Sylvie Vartan]

George Vartanian, ông bố của Sylvie, ra chào đời tại Paris năm 1912, sau này kết hôn với Ilona Mayer, ái nữ của kiến trúc sư thời danh gốc Hung-gia-lợi Rudolf Mayer.

Sau Đệ nhất Thế chiến, hòa bình được vãn hồi, gia đình Vartanian trở về Bảo-gia-lợi, lúc đó còn là một vương quốc; ông nội trở thành giám đốc công ty điện lực quốc gia, còn ông bố làm việc cho Sứ quán Pháp tại thủ đô Sofia.

Sylvie Vartan ra chào đời ngày 15/8/1944 tại vùng Iskrets thuộc tỉnh Sofia.

Một tháng sau, Bảo-gia-lợi bị Hồng quân Liên Xô xâm lược, thiết lập một chế độ độc tài cộng sản, căn nhà của gia đình Vartanian bên dòng sông Maritza thơ mộng bị “cách mạng” tịch thu. Cả nhà phải lên thủ đô Sofia sống.

Vì cuộc sống ngày càng khó khăn về vật chất và bị bóp nghẹt về tinh thần, tới năm 1952, nhờ sự giúp đỡ của Sứ quán Pháp, gia đình Vartanian đã đào thoát chế độ cộng sản. Tới Paris, họ “Vartanian” đã được ông bố rút ngắn lại thành “Vartan”.

Tại kinh thành ánh sáng, cô bé Sylvie 8 tuổi đã phải mất 2 năm trời mới thông thạo tiếng Pháp. Cô rất thông minh và chăm chỉ, lên trung học được vào trường danh tiếng Lycée Victor Hugo, nhưng ước vọng của cô trước sau vẫn là trở thành diễn viên màn bạc.

Nguyên vào thời gian còn ở Bảo-gia-lợi, năm lên 7 tuổi, Sylvie Vartan được đạo diễn Dako Dakovski, một người bạn của bố, cho thủ vai một cô bé học trò trong cuốn phim lịch sử Pod Igoto, nói về cuộc nổi dậy của dân chúng Bảo-gia-lợi chống lại ách thống trị của đế quốc Thổ; từ đó, cô bé đã nuôi “giấc mộng minh tinh”, và sau khi sang Paris đã năn nỉ mẹ cho tham dự các lớp đào tạo diễn viên.

Tuy nhiên, vì là “con nhà nề nếp”, Sylvie Vartan đã bị bà mẹ ra lệnh phải lấy cho được cái bằng Tú Tài rồi tính sau.

Thế nhưng, trong khi chờ đợi ngày trở thành diễn viên, Sylvie Vartan lại bị ảnh hưởng của ca nhạc. Nguyên nhân: Eddie, người anh trai của Sylvie có khiếu đàn địch, thường tham gia vào các ban nhạc tài tử, từ đó quen biết nhiều người trong giới ca nhạc sĩ, rồi trở thành một nhà sản xuất đĩa nhạc.

Chịu ảnh hưởng của anh, Sylvie Vartan dần dần yêu thích ca nhạc, từ jazz cho tới rock ‘n’ roll – thể loại bị cấm nghe tại trường trung học nổi tiếng khắt khe của cô. Trong số các thần tượng của Sylvie Vartan có Brenda Lee, Bill Haley, Elvis Presley.

Thế rồi một ngày nọ, khi Eddie Vartan đã chuẩn bị phòng thu xong xuôi để thu âm ca khúc “twist” Panne d’essence (Run our of gas – Hết xăng) do anh bạn ca sĩ nhạc rock Frankie Jordan song ca với một cô ca sĩ nọ, thì vào giờ chót cô này không tới. Không biết tìm đâu ra người thay thế, Eddie cấp tốc gọi cô em gái Sylvie tới phòng thu âm để điền vào chỗ trống.

Không ngờ Sylvie lại quá xuất sắc, và mặc dù tên của cô không được hãng Decca Records ghi lên vỏ đĩa hát, sau đó Sylvie Vartan đã được đài truyền hình TF1, đông khán giả nhất Âu châu, mời xuất hiện trên màn ảnh nhỏ để hát bản Panne d’essence (và nhảy twist) với Frankie Jordan; qua màn trình diễn xuất sắc này, cô bé 16 tuổi đã được báo chí tặng biệt hiệu “la collégienne du twist”  (the twisting schoolgirl – cô nữ sinh lắc tuýt).

Nhưng vì nội quy nghiêm ngặt (vào thời bấy giờ) của Lycée Victor Hugo không cho phép học sinh hành nghề ca sĩ, Sylvie Vartan đã phải đợi tới mùa thu năm 1961, học xong bậc trung học, mới được tự do ký hợp đồng với hãng đĩa Decca Records; và hãng đĩa này đã dồn hết nỗ lực vào việc thực hiện một đĩa hát cho Sylvie Vartan để kịp tung ra vào mùa Giáng Sinh năm đó.

Kết quả, đầu tháng 12/1961, đĩa hát đầu tay của Sylvie Vartan mang tựa đề Quand le film est triste (trong đó có bản Quand le film est triste, phiên bản lời Pháp của ca khúc Sad Movies (Maky Me Cry) do Sue Thomson thu đĩa mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây) được phát hành và đã bán sạch trong vòng hơn một tuần lễ, đưa tới việc cô ca sĩ 17 tuổi mới bước chân vào nghề đã được mời trình diễn tại đại hí viện Olympia của Paris vào ngày 12/12/1961. Đường danh vọng của Sylvie Vartan bắt đầu…

Phụ lục 1: Quand le film est triste, Sylvie Vartan

Ngày ấy, Quand le film est triste  đã được Vũ Xuân Hùng và Nguyễn Duy Biên “dịch” sang lời Việt với tựa Chuyện phim buồn, được nhiều nữ ca sĩ nhạc trẻ như Vy Vân, Thanh Lan, Kiều Nga… thu băng; và sau này tại hải ngoại, rất được ưa chuộng qua tiếng của Ngọc Lan.

Phụ lục 2: Chuyện phim buồn, Ngọc Lan

Vừa bước sang năm 1962, hãng đĩa Decca Records đã tung ra đĩa hát thứ hai của Sylvie Vartan, đó là bản Est-ce que tu le sais? – phiên bản lời Pháp của ca khúc What’d I Say nổi tiếng của nam ca nhạc sĩ da đen mù Ray Charles, từng đứng No.1 trên bảng xếp hạng R&B của Billboard ở Hoa Kỳ.

VIDEO:

Sylvie Vartan Est ce Que Tu Le Sais (Scopitone)

Tiếp theo ngay sau đó là Le Locomotion, phiên bản lời Pháp của The Loco-Motion, một sáng tác mới của cặp vợ chồng ca nhạc sĩ Mỹ Gerry Goffin & Carole King do nữ ca sĩ Mỹ da đen Little Eva thu đĩa, đang đứng No.1 tại Hoa Kỳ.

Cũng trong năm 1962, hãng đĩa Decca Records đã thực hiện album đầu tiên cho Sylvie Vartan có tựa đề “Sylvie”. Tới cuối năm, cùng với việc xuất hiện trên màn bạc qua vai trò “người lớn” đầu tiên của mình trong cuốn phim hài kịch Un clair de lune à Maubeuge, Sylvie Vartan đã thu đĩa ca khúc Pháp 100% đầu tiên được viết riêng cho cô, đó là bản Tous mes copains của ca nhạc sĩ Jean-Jacques Debout.

Tous mes copains cũng là ca khúc đầu tiên của Sylvie Vartan được phổ biến tại Sài Gòn ngày ấy, cùng khoảng thời gian với bản Tous les garçons et les filles (Những nụ tình xanh) của Françoise Hardy.

Phụ lục 3: Tous mes copains, Sylvie Vartan

VIDEO:

 Sylvie Vartan “Tous mes copains” (live officiel) | Archive INA

Johnny Hallyday- Sylvie Vartan trong ng+áy c¦¦ß+¢i

Sylvie Vartan và Johnny Halliday trong ngày cưới

Trong buổi trình diễn lần thứ hai của mình tại đại hí viện Olympia Paris vào năm 1962, Sylvie Vartan gặp gỡ và lọt vào mắt xanh của đệ nhất nam thần tượng nhạc trẻ Pháp quốc Johnny Halliday; trở thành cặp tình nhân sáng  giá nhất (golden couple) trong làng nghệ sĩ.

Qua năm 1963, Sylvie Vartan tiếp tục làm mưa gió với nhiều ca khúc Anh Mỹ được đặt lời Pháp, trong đó có bản En écoutant la pluie (Nghe tiếng mưa rơi).

En écoutant la pluie nguyên là bản The Rythm of Rain của ban nhạc pop The Cascades của Mỹ, tung ra vào cuối năm 1962, đứng No.1 hai tuần liền trên bảng xếp hạng thể loại Easy Listening của Billboard, và đứng hạng 4 toàn năm 1963. Tuy nhiên, đa số người yêu nhạc ngoại quốc ở miền Nam VN ngày ấy chỉ biết tới ca khúc này sau khi Sylvie Vartan thu đĩa phiên bản lời Pháp En écoutant la pluie.

VIDEO:

YouTube En écoutant la pluie # Rhythm of the rain – Sylvie Vartan (1963)

Ngày ấy, En écoutant la pluie được Trường Kỳ đặt lời Việt với tựa Tình buồn đêm mưa, được thu vào băng nhựa qua tiếng hát của Kiều Nga.

Phụ lục 4: Tình Buồn Đêm Mưa, Kiều Nga

Cũng trong năm 1963, nam ca nhạc sĩ Mỹ gốc Gia-nã-đại Paul Anka đã sáng tác riêng cho Sylvie Vartan ca khúc I’m Watching You, và bài hát có lời bằng tiếng Anh này của Sylvie Vartan đã trở thành ca khúc đầu tiên của cô được biết tới, và lên Top tại Nhật Bản và Đại Hàn.

Mùa đông năm đó, Sylvie Vartan lưu diễn chung lần đầu tiên với Johnny Halliday và đóng chung với chàng trong cuốn phim D’où viens-tu, Johnny?. Sau đó, hai người loan báo tin đính hôn trên đài phát thanh rồi “ra mắt” người ái mộ qua một buổi trình diễn tại
Quảng trường Quốc gia (La Nation Square) ở Paris trước 200.000 khán giả trẻ.

Qua năm 1964, cùng với việc phát hành cuốn phim ca nhạc hài kịch Cherchez l’idole (Hãy đi tìm thần tượng), đĩa hát La plus belle pour aller danser, ca khúc mà Sylvie Vartan trình bày trong cuốn phim này, đã lên No.1 tại Pháp, bán ra hàng triệu đĩa tại Pháp, Ý, Tây-ban-nha, Nhật Bản, Đại Hàn…

Phim Cherchez l’idole do nữ diễn viên sexy Mylène Demongeot thủ vai chính, với sự xuất hiện và trình diễn của hàng chục tên tuổi nổi tiếng trong làng nhạc Pháp, mà ngoài Sylvie Vartan ra còn có Charles Aznavour (Et Pourtant), Johnny Halliday (Bonne Chance), Les Chaussettes Noires & Eddy Mitchell (Crois-moi mon cœur), v.v…

Tại Sài Gòn ngày ấy, vào khoảng năm 1965-1966, cả cuốn phim Cherchez l’idole lẫn ca khúc La plus belle pour aller danser đã trở thành hiện tượng; các cô gái trẻ đi xem phim rồi đua nhau bắt chước mái tóc của Sylvie Vartan (“kiểu tóc Sylvie Vartan” bắt đầu thịnh hành từ đó), và không ít người đã quên mất rằng làng nhạc Pháp còn có một bông hồng nổi tiếng khác là Françoise Hardy!

Một chi tiết thú vị về La plus belle pour aller danser là ca khúc này do hai “đồng hương Armenia” của Sylvie Vartan sáng tác: Georges Garvarentz viết nhạc, Charles Aznavour đặt lời.

Georges Garvarentz sinh năm 1933 tại Athens, Hy-lạp, cha mẹ là người Armenia tỵ nạn. Sau khi di dân sang Pháp và gặp gỡ đồng hương Charles Aznavour vào năm 1956, hai người bắt đầu hợp tác, Georges soạn nhạc, Charles đặt lời cho trên 100 ca khúc, trong đó có hai bản Et Pourtant La plus belle pour aller danser trong cuốn phim Cherchez l’idole.

Tuy nhiên, với làng âm nhạc nói chung, tên tuổi của Georges Garvarentz được biết tới, và ngưỡng phục, nhiều hơn qua tư cách một nhà soạn nhạc phim quốc tế, với trên 150 cuốn phim.

George Garvarentz v+á Charles Aznavour

Georges Garvarentz và Charles Aznavour

La plus belle pour aller danser

Ce soir, je serai la plus belle
Pour aller danser
Danser
Pour mieux évincer toutes celles
Que tu as aimées
Aimées
Ce soir je serai la plus tendre
Quand tu me diras
Diras
Tous les mots que je veux entendre
Murmurer par toi
Par toi

Je fonde l’espoir que la robe que j’ai voulue
Et que j’ai cousue
Point par point
Sera chiffonnée
Et les cheveux que j’ai coiffés
Décoiffés
Par tes mains
Quand la nuit refermait ses ailes
J’ai souvent rêvé
Rêvé
Que dans la soie et la dentelle
Un soir je serai la plus belle
La plus belle pour aller danser

Phụ lục 5: La plus belle pour aller danser, Sylvie Vartan

VIDEO:

 Sylvie Vartan – La plus belle pour aller danser (1965)

Ngày ấy, La plus belle pour aller danser đã được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Em đẹp nhất đêm nay, và được Thanh Lan trình bày song ngữ trong Băng vàng Nhạc Trẻ – 6 “Tiếng hát Thanh Lan”.

Có thể nói đây thành công điển hình nhất của cả Phạm Duy lẫn Thanh Lan trong thể loại nhạc Pháp lời Việt trước năm 1975.

Em Đẹp Nhất Đêm Nay

 A ha ! Ðêm nay ai cũng cho em là xinh nhất nơi đây
A à ạ a, đẹp xinh
A ha ! Trong đêm khiêu vũ em như vừng sao sáng xa khơi
A à ạ a, sáng ngời
A ha ! Ðêm nay em muốn nghe những lời ân ái êm êm!
A à ạ a ! Êm êm
A ha ! Em nghe anh nói yêu em dài lâu nhé anh ơi
A à ạ a ! Lâu dài
. . . . . .
Em mong cho chiếc áo, chiếc áo tươi mầu em đã chọn kỹ
Một chiếc áo rực rỡ em vừa thêu
Em mong cho chiếc áo đó cũng như là mớ tóc mềm rũ
Ðược mơn trớn dưới tay người
A ha ! Khi đêm buông xuống
Em thường hay mơ ước xa xôi ! A à ạ ơi ! Em mơ
A ha ! Em mơ em sẽ mang lụa là
Eem xinh em tươi nhất, ôi nơi trần gian
Cho em khiêu vũ trong đêm thần tiên.
Ư ư, em xinh em tươi vui nhất nơi đây.
Ư ư, em xinh, em khiêu vũ trong cuộc đời tiên
Anh cho em hơi sức, sức sống trong đời em đã từng thiếu
Một tiếng thét hạnh phúc trong tuổi yêu.
Ðêm nay em xin biếu hết, cõi Xuân nồng
Em cho người yêu, và cho luôn trái tim này.
. . . . .
A ha ! Ðêm nay em muốn quen một nụ hôn trước tiên
A à ạ a ! Nụ hôn
A ha ! Ðêm nay em biết em phải là
Em xinh em tươi nhất ôi nơi trần gian
Cho em khiêu vũ trong cuộc đời tiên
Ư ư, em xinh em tươi nhất nơi đây
Ư ư, em xinh em khiêu vũ trong cuộc đời tiên.

Phụ lục 6: La Plus Belle pour aller danser / Em đẹp nhất đêm nay, Thanh Lan

Sylvie Vartan v+á Tß+¬ Qu+íi (1964)

Sylvie Vartan và “Tứ Quái” The Beatles

Hai năm 1964-1965 là thời gian bận rộn và thành công nhất (ít ra cũng là về mặt thương mại) trong sự nghiệp của Sylvie Vartan. Ngoài buổi trình diễn lần thứ ba tại Olympia Paris cùng với “Tứ Quái” The Beatles của Anh quốc, Sylvie Vartan còn xuất hiện trên các chương trình truyền hình The Ed Sullivan Show, Shindig! (ABC), Hullabaloo (NBC) của Mỹ, đi lưu diễn Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Á châu – Thái bình dương. Chỉ tính trong 12 ngày ở Nhật Bản, Sylvie Vartan đã trình diễn 13 buổi.

Sylvie Vartan cũng trở thành khuôn mặt quảng cáo cho hiệu thời trang “Renown”, và được trao một vai phụ trong cuốn phim Patate.

Tháng 4/1965, vào tuổi 20, Sylvie Vartan kết hôn với Johnny Hallyday tại giáo đường Loconville, một làng nhỏ cổ kính, thơ mộng ở miền bắc nước Pháp. Qua năm 1966, bé trai David Halliday ra chào đời.

[Cuộc hôn nhân được xem là “lý tưởng” giữa Sylvie Vartan và Johnny Hallyday tan vỡ vào năm 1980. Nguyên nhân, như Johnny Hallyday đã công khai nhìn nhận, là vì anh chàng “thích đàn đúm với bạn bè hơn là ở nhà thay tã cho con”. Về sau, Sylvie Vartan bước thêm bước nữa với nhà sản xuất đĩa nhạc Tony Scotti của Mỹ; hai người nhận một bé gái Bảo-gia-lợi mồ côi làm con nuôi]

 Trong 2 năm 1967-1968, cùng với việc truyền hình màu trở nên phổ biến ở Âu châu, Sylvie Vartan, với sự phụ giúp của người anh trai Eddie Vartan, bắt đầu thực hiện những chương trình truyền hình tạp lục (variety) với các nam nữ vũ công phụ diễn (backup dancers), ăn khách không thua gì các chương trình cùng thể loại của đàn anh Claude François và ban vũ sexy Les Clodettes.

Cũng trong thời gian này, Sylvie Vartan đã có thêm nhiều ca khúc lên Top khác, như 2’35 de bonheur, Comme un garçon, tuy không mấy phổ biến tại miền nam Việt Nam nhưng đã đứng No.1 tại Pháp, Ý, Bỉ, Nhật Bản và Đại Hàn.

Đầu tháng 4/1968, Sylvie Vartan bị thương khá nặng trong một tai nạn giao thông, phải ngưng lưu diễn trong thời gian 4 tháng. Tới mùa Giáng Sinh năm đó, Sylvie Vartan đã trở lại với khán giả truyền hình qua hình ảnh một ca sĩ phòng trà (cabaret) vô cùng sexy trong show “Jolie poupée” (Con búp-bê xinh đẹp), từ đó trở thành nữ nghệ sĩ trình diễn (perfomer) ăn khách nhất, không chỉ ở Pháp mà còn ở cả Ý.

Dĩ nhiên, khán giả truyền hình miền nam Việt Nam ngày ấy làm sao được thưởng thức những show này, nhưng ít ra qua sự “trở lại” của Sylvie Vartan, giới trẻ yêu nhạc Pháp ở Sài Gòn cũng được thưởng thức một ca khúc bất hủ: La Maritza, ca khúc chủ đề của album “La Maritza” phát hành năm 1968.

La Maritza do Jean Renard soạn nhạc và Pierre Delanoe đặt lời.

Jean Renard, sinh năm 1933, là tác giả của những ca khúc êm đềm vào thời nhạc trẻ, chẳng hạn bản Le premier bonheur du jour (Niềm hạnh phúc đầu ngày) viết cho Françoise Hardy.

Pierre Delanoe (1918-2006), như chúng tôi đã có lần nhắc tới, là nhà viết lời hát nổi tiếng bậc nhất của Pháp trong thế kỷ 20, đã viết lời hát cho hàng trăm ca khúc của ba thế hệ ca sĩ, từ Édith Piaf tới Charles Aznavour, từ Gilbert Bécaud (bản Et maintenant) tới Michel Polnareff, từ Mireille Matthieu tới Sylvie Vartan…

La Maritza là một ca khúc đẹp và buồn. Dường như bất cứ tác phẩm văn học nghệ thuật nào viết về dòng sông kỷ niệm cũng đẹp và buồn.

Maritza, đúng ra theo tự điển phải viết là Maritsa, là một dòng sông nhỏ (rivière) ở bán đảo Ba-nhĩ-cán (Balkans).

[Tiếng Anh gọi chung “sông” là “river”, tiếng Pháp thì phân biệt giữa sông lớn (fleuve) và sông nhỏ (rivière)]

Maritsa bắt nguồn từ Bảo-gia-lợi, dài 480 km, hai phần ba chảy trên lãnh thổ Bảo, phần còn lại trở thành biên giới thiên nhiên giữa Thổ-nhĩ-kỳ và Hy-lạp trước khi đổ ra biển Aegean Sea. Tuy nhỏ, tàu bè không thể lưu thông từ thượng nguồn tới hạ nguồn, nhưng Maritsa đóng một vai trò rất quan trọng, thậm chí mang tính cách “sinh tử” trong đời sống của người dân trong vùng. Nguyên nhân: Maritsa là con sông chính ở bán đảo Ba-nhĩ-cán, nguồn cung cấp nước cho mọi sinh hoạt, đặc biệt là nông nghiệp.

Vì thế, Maritsa đã có tên trong sử sách từ thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, được người cổ Hy-lạp (Thracian) gọi là Evgos, sau đó người La-mã đổi thành Hebros. Còn tên “Maritsa” – mà nhiều người tin là một biến thể của “Maria” – có từ bao giờ, không ai biết đích xác.

Năm 1371, bên dòng sông này đã diễn ra trận đánh lịch sử “Battle of Maritsa”, qua đó quân Serbia bị đại bại trước quân Đế quốc Thổ (Ottoman Empire).

Gần đây nhất, con đường thiên lý dọc bờ sông Maritsa đã trở thành lộ trình chính của người tỵ nạn từ Bắc Phi và Trung Đông đổ vào các quốc gia Tây Âu.

* * *

LaMaritza3

Trở lại với Sylvie Vartan và ca khúc La Maritza. Chỉ một tháng sau khi cô ra chào đời (1944), Bảo-gia-lợi bị Hồng quân Liên Xô xâm lược, căn nhà của gia đình bên dòng Maritsa thơ mộng bị “cách mạng” tịch thu, cả nhà phải lên thủ đô Sofia sống, rồi sau này sang Pháp tỵ nạn, thì không thể gọi Maritsa là “dòng sông kỷ niệm” của cô. Suy ra “mười năm ấu thơ” (mes dix premières années) trong lời hát chỉ là do óc tưởng tượng của tác giả Pierre Delanoe.

 Lời hát của La Maritza như những lời thơ buồn – nỗi buồn của tuổi âu thơ thời chiến chinh tao loạn:

La Maritza là dòng sông của tôi, như La Seine là dòng sông của bạn, nhưng mười năm ấu thơ của tôi đã mất, kể cả con búp-bê… Những con chim bên dòng sông ngày ấy líu lo hát khúc tự do, nhưng tôi chỉ thấy khói lửa chiến tranh… Tới khi chân trời ngập một màu tang tóc, lũ chim bỏ đi, còn chúng tôi, trên con đường tuyệt vọng, đã vượt thoát, và tới Paris…”

 La Maritza

La Maritza c’est ma rivière
Comme la Seine est la tienne
Mais il n’y a que mon père
Maintenant qui s’en souvienne
Quelquefois

De mes dix premières années
Il ne me reste plus rien
Pas la plus pauvre poupée
Plus rien qu’un petit refrain
D’autrefois :
La la la la…

Tous les oiseaux de ma rivière
Nous chantaient la liberté
Moi je ne comprenais guère
Mais mon père, lui, savait
Ecouter

Quand l’horizon s’est fait trop noir
Tous les oiseaux sont partis
Sur les chemins de l’espoir
Et nous on les a suivis,
A Paris

De mes dix premières années
Il ne reste plus rien… rien

Et pourtant les yeux fermés
Moi j’entends mon père chanter


La la la la…

 

Phụ lục 7: La Maritza, Sylvie Vartan

VIDEO:

 La Maritza – Sylvie Vartan Lyrics & Translation

Năm 1990, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu, Đảng Cộng Sản Bảo-gia-lợi tự nguyện giải tán để đất nước chuyển sang chế độ tự do dân chủ, Sylvie Vartan đã trở về thăm nơi chôn nhau cắt rốn, dòng sông Maritsa vẫn còn đó, nhưng căn nhà xưa không còn một dấu tích… Dĩ nhiên, trong các buổi trình diễn của Sylvie tại thủ đô Sofia, không thể thiếu ca khúc mang tên dòng sông ấy…

VIDEO:

 Sylvie Vartan – La Maritza (Sylvie en bulgarie)

Trước năm 1975, La Maritza được Vũ Xuân Hùng đặt lời Việt với tựa Dòng sông tuổi nhỏmột trong những phiên bản lời Việt thành công nhất của anh, mặc dù công việc hoàn tất chỉ trong hai tiếng đồng hồ. Sau này, anh hồi tưởng:

 “…Khi gặp phải nội dung mà cuộc đời mình từng trải nghiệm thì tiến hành rất nhanh như là Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza/Sylvie Vartan), do giai điệu quá hay và ca khúc đã khiến tôi nhớ về dòng sông tuổi thơ của tôi ở Ninh Hòa – Nha Trang. Tôi hoàn thành ca khúc này trong hai tiếng đồng hồ. Cũng có không ít ca khúc “ngậm nhấm” từ 3 ngày đến 1 tuần…”

S+¦ng Maritsa, Bߦúo-gia-lß+úi

Dòng Sông Maritza, Bảo Gia Lợi

Dòng sông tuổi nhỏ

 Nhánh sông thân yêu ngày chưa biết buồn
Đã ru tôi trọn ngày thơ ấu
Ngỡ quên đi cùng năm tháng dài
Sao giờ bỗng hồn đầy nhớ thương
Dòng sông cũ …

Những thân yêu trong mười năm bé dại
Bỏ tôi đi tựa mùa xuân cũ
Búp-bê xinh ngày xưa nát rồi
Riêng còn sót một giọng hát thôi
Ngày mới lớn …

(La … la … la …)

Những con chim bên dòng sông êm đềm
Hát cho nghe bài ca phiêu lãng
Rất thơ ngây nào tôi biết gì
Khi chợt thấy người ngồi lắng nghe
Thật say đắm …

Đến khi đêm đen dần buông xuống rồi
Những chim kia cùng nhau cất cánh
Đến phương xa hồng tươi hy vọng
Gia đình cũng về thành phố xưa
Đầy ánh sáng …

 Trước cũng như sau năm 1975, Dòng sông tuổi nhỏ là một trong những ca khúc ngoại quốc lời Việt được trân trọng, được ưa chuộng nhất, mặc dù không phải nữ ca sĩ nào cũng đủ khả năng diễn đạt.

Phụ lục 8: Dòng sông tuổi nhỏ, Thanh Lan (trước 1975)

Phụ lục 9: Dòng sông tuổi nhỏ, Ngọc Lan (sau 1975)

Phụ lục 10: Dòng sông tuổi nhỏ, Kiều Nga  (sau 1975)

 

Hoài Nam

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search