T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Lạc: VỀ NGƯỜI BẠN TRI ÂM THI VĂN SĨ PHẠM HỒNG ÂN

ngat nguongthien co                                                   

Chiều ngất lạnh thấu hồn luân lạc

Nâng chén sầu ta lại mời ta.

Lạnh.

         buốt lạnh!

                      động bao nỗi nhớ

Tháng tư nào khóc hận can qua! 

(Chiều Nghiêng Chén – NL)

 

I.DUYÊN GẶP GỠ

Tính cờ một hôm vào trang Sáng Tạo, tôi đọc được một truyện tên Nét Xuân của tác giả Phạm Hồng Ân. Đọc xong, tôi vội đọc lại thêm lần nữa vì truyện hay quá, nhân bản quá! Tôi xin được tóm tắt như sau (xin tác giả cho phép) :

Truyện đại khái như thế này: Có hai vợ chồng già người Việt đã nghỉ hưu, người vợ khuyên ông chồng lượm vỏ lon bia để kiếm thêm chút tiền còm.

– Ông ơi, mấy cái lon này mình lượm, đem về bán ve chai, có lý lắm nha! Nhất cử lưỡng tiện. Tích thiểu thành đa. Tăng thêm thu nhập gia đình, Ông không muốn sao?…

Thế là mỗi buổi sáng, vợ chồng tôi mang theo cái túi nhựa, phòng khi lượm được cái lon hay cái chai thì đựng vào đó…

… Tôi đinh ninh, chỉ có vợ chồng tôi là người bộ hành đầu tiên trong ngày. Nhưng không, trước mặt tôi, cách khoảng vài chục thước, hai vợ chồng người Mỹ đang lêu khêu đi với một con chó to lớn. Vợ tôi buột miệng.

Ông có thấy hai người đi đằng trước không? Họ đang xách một túi nhựa lớn hơn túi của mình. Chắc họ cũng lượm ve chai?  Ngày mai ông phải thức cho sớm, sớm hơn bữa nay. Nhất định ra đường thật sớm. Ông cứ chậm như rùa thế này, thà dẹp tiệm, sướng hơn.

Người vợ ganh ghét hai vợ chồng người Mỹ già vì nghĩ là h “giành mối” minh. Nhưng đây kết cuộc câu truyện như sau:

Khoảng hai mươi phút sau, tôi đã thấy bóng dáng vợ chồng người Mỹ và con chó bên gốc khuynh diệp. Họ bê một túi nhựa nặng trĩu trên tay, vừa bước lên vỉa hè, ung dung đi thẳng về phía chúng tôi. Dưới ánh đèn sáng choang của đại lộ số 9, vợ tôi hậm hực ngó chăm bẳm vào túi nhựa của ông Mỹ. Trời ơi! Bên trong lớp nhựa trong vắt của túi, chúng tôi chỉ thấy vô số những tấm giấy lau miệng nhơ nhớp, những bịt ny-lon nhàu nát, những hộp đựng thức ăn bẩn thỉu cùng hàng đống những thứ linh tinh dơ dáy khác. Chúng tôi chẳng thấy hình thù của bất cứ vỏ lon hay vỏ chai nào nằm chung trong đó.

Không kềm nổi ngạc nhiên, tôi gượng cười, chào hai vợ chồng người Mỹ.

– Chào ông bà. Ông bà khỏe không?

– Cám ơn. Chúng tôi rất khỏe. Sáng nào cũng đi bộ một vòng. Vui lắm.

Vợ tôi lại ngó túi nhựa trên tay ông Mỹ, tò mò.

– Ông đựng cái chi mà lềnh kềnh trong túi vậy?

– Ồ, đó là rác ông bà ạ! Sáng nào chúng tôi cũng đi bộ, thuận tay lượm rác luôn.

Tôi ngỡ ngàng, ngó vợ tôi. Bà đang cúi mặt xuống đất như muốn lẩn tránh ánh mắt của tôi. Để che đậy nỗi xấu hổ, tôi cố dịu giọng, ca ngợi.

– Có ông bà tình nguyện lượm rác như thế này, thành phố chắc chắn sạch. Dân ở đây sẽ biết ơn, nghĩ đến ông bà.

Ông Mỹ lắc đầu.

– Đây là thói quen của chúng tôi, từ xưa tới giờ. Nó như một cái thú, một sở thích. Đâu cần ai phải ghi công hay biết ơn.

Nghe đến đó, tôi chợt bối rối, nắm tay bà vợ lôi đi một hơi, sau khi cố lịch sự chào từ giã ông bà Mỹ.

Trong lúc người ta tự nguyện, quên đi lợi ích cá nhân, đem sức lực và tinh thần cống hiến cho xã hội – thì hai vợ chồng tôi chỉ lo chuyện riêng tư. Đã vậy còn muốn tranh chấp, tị hiềm với người ta nữa.”  (Nét Xuân – Phạm Hồng Ân)(1)

Chính truyện ngắn đầy nhân bản này đã đánh động tâm, thúc hối tôi phải tìm hiểu anh thêm. Vào trang Facebook anh, tôi giật mình, sững sờ khi gặp bài “Đọc Kiều, ở rừng Xuyên Mộc”,biết bao kỷ niệm vui buồn dâng trào trong tôi! Xin được ghi ra đây bài này:

 Đọc Kiều, ở rừng Xuyên Mộc

(kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du)

ngồi buồn mở sách Nguyễn Du

chuyền nhau đọc giữa hoang vu núi rừng

thương Kiều nước mắt rưng rưng

tội cho phận gái cùng chung kiếp sầu

thương thi hào gánh nỗi đau

tuổi thanh niên sớm lao đao cuộc đời

thương ta góc bể chân trời

chưa tang bồng đã nằm phơi bụng tù

thương người bộ tịch lù khù

bán linh hồn quỷ ngồi tu trong chùa

thương em dưới cội tình xưa

khóa tim ta bởi lá bùa sở khanh

thương hồng nhan số mong manh

mệnh sao thoát lưới trời xanh khéo bày?

thương loài ma quái sơ khai

từ trong tiền sử về đây làm người

thương non sông rách tơi bời

mảnh rơi khắp biển mảnh rời khắp nơi.

ngồi buồn ta bói Kiều chơi

thân tàn ma dại mơ đời lên mây

cám ơn giữa cõi lưu đày

ta ôm Kiều nhớ thiên tài Nguyễn Du.

Có những điều làm tôi sững sờ chú ý đến bài thơ là Xuyên Mộc,  Kiều và “cùng chung kiếp sầu”

. V Xuyên Mộc (*): vùng đất đỏ mà tôi từng biết khi đến Tiểu khu Bà Rịa trong chiến dịch giành dân lấn đất năm 1973, và các bạn tôi, trong đó có Phạm Hồng Ân, đã kinh qua những thời gian khủng khiếp trong cái gọi là ” Trại Cải Tạo”, hay “Đại Học Máu” như thi sĩ Hà Thúc Sinh đã gọi. Tại tiểu khu Bà Rịa, tôi đã có những  kỷ niệm tuyệt vời với bạn bè những buổi sáng sớm, bên ly cà phê nóng, trên tay “Tương tư thảo”, thả hồn vào bài hát tuyệt vời:  “Xin cảm ơn thành phố có em / Xin cảm ơn một mái tóc mềm / Mai xa lắc trên đồn biên giới / Còn một chút gì để nhớ để quên”(2)

. Về Truyện Kiều: Truyện thơ tuyệt vời của Nguyễn Du chúng tôi đã nhớ nằm lòng trong  những năm Trung học thời niên thiếu (trước 1975) và đã từng rơi lệ theo nỗi truân chuyên của Thúy Kiều:

“Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Vâng, những điều trông thấy thật sự rất đau đớn lòng cho các “Chàng Kiều” sau ngày “gãy súng, tan hàng”.

Kiều hả, những chìm nổi, truân chuyên “nhầm nhò gì” so với những “Chàng Kiều” thời đại chúng tôi:

– Nàng Kiều tan vỡ giấc mộng tình đầu, ngậm ngùi bán mình vào Thanh Lâu, còn kiếm được  vàng chuộc cha. “Chàng Kiều” tan vỡ giấc mộng bảo vệ và xây dựng một xã hội tự do, nhân bản; bị lừa ép vào “Thanh Lâu Cải Tạo” chẳng kiếm được gì ngoài xa cách cha mẹ, vợ con!

– Nàng Kiều ở Thanh lâu nhàn nhã, ăn no mặc ấm, nếu không nói ăn ngon mặc đẹp. Chàng Kiều “chém tre, đẵn gỗ trên ngàn”(**),  ăn đói, mặc rét; nếu không nói là trần truồng và ăn luôn cả thức ăn dính cứt (Hãy đọc các hồi ký về trại Cải Tạo nếu các bạn không tin)

– Nàng Kiều làm đĩ chỉ ô nhục về thể xác, Chàng Kiều “làm đĩ ” ô nhục cả tâm hồn! (Không dám nói những điều mình muốn nói, nói những điều mình không muốn nói, ca tụng những điều mình biết là sai trái, không phải là làm đĩ sao? Vì sợ, vì muốn bảo toàn sinh mạng, nên bắt buộc phải làm, nhưng dằn vặt không nguôi. Ai mà không vậy! ).  Đĩ thể xác và đĩ tâm hồn cái nào nhục hơn?!

Này nhé, các bạn thử đọc trích đoạn này:

“…Công việc chăn heo của bác già (cụ Tr/ tá nhà văn Thảo Trường trong trại Cải Tạo – NL chú thích) không được lâu vì bác phạm sai lầm nghiêm trọng. Một hôm vợ trại trưởng dắt một con lợn cái đến đội chăn nuôi xin heo nọc nhảy đực. Chuồng lợn có một con heo nọc rất lớn, thuộc giống tốt. Cô phó tiến sĩ bảo ông lão mở cửa chuồng cho con cái của trại trưởng phu nhơn vào. Hai người đàn bà cầm gậy đứng ngoài chuồng lùa con cái đến gần con nọc. Cũng chẳng cần phải đợi lâu, anh heo đực vốn đang sung sức lại thiếu cái lâu ngày, nó sấn sổ nhào tới gầm lên như cọp, hai chân trước chồm lên lưng lợn của trưởng trại phu nhơn khiến con cái ngã dúi dụi muốn bỏ chạy, hai người đàn bà dùng gậy ấn đầu con cái xuống bắt nó khuất phục, bà trại trưởng còn dịu dàng vỗ về con heo của mình:

– Ngoan đi con, chịu khó tí đi con.

Cô phó tiến sĩ thì thét người tù già:

– Anh vào hẳn trong chuồng phụ với con cái bắt nó phải quì xuống… chổng mông lên cho con đực nó dễ nhảy.

Nhớ đến lời căn dặn của “thằng em”, nó bảo phải chịu khó nhẫn nhục, nín thở qua sông, bác già vội vã trèo vào chuồng. Con heo nọc đang ngon trớn chợt thấy người thì nổi ghen, giận dữ kêu rống lên xông tới bác già, sợ quá người lại tháo chạy, phóng bay ra khỏi chuồng. Hú vía! Người đàn bà và cô phó tiến sĩ cười ngặt nghẽo:

– Anh thua con lợn à?

Bác già gật đầu:

– Thua! Tôi thua giống lợn!

…….

Bác già đóng cửa chuồng rồi đi xuống bếp nấu cám. Lát sau cô phó tiến sĩ xuống đưa cho bác tù già hai quả trứng gà, cô nói:

– Trứng bồi dưỡng. Anh coi “lô”, không được đi đâu nhá, tôi đi có tí việc một lát về, “ban” có tới báo cáo là tôi đi liên hệ rau lang cho lợn ở đội nông nghiệp.

Bác già báo cáo “rõ”.

Bác già thả hai quả trứng vào trong cái ca, bác chế đầy nước sôi, canh giờ cho vừa chín tròng trắng, bốc vài hạt muối, bác ăn hai trái trứng bồi dưỡng theo đúng kiến thức sách vở mà bác đã đọc xưa kia, để đạt được độ bổ béo nhất mà không có hại gì cho lá gan vốn đang rất yếu. Thiếu thốn nhiều ngày, cơ thể chứa toàn khoai sắn, vị giác lâu không được thứ gì kích thích, đưa trứng gà vào miệng, sao mà nó thơm, sao mà nó béo, sao mà nó ngậy, sao mà nó ngon? Đến thế! Cơ chứ? Hở Trời?

Công việc xong xuôi thì cán bộ về, cô đi thẳng xuống bếp:

– Anh cho lợn giống bồi dưỡng chưa?

– Báo cáo xong hết cả. Tôi phân phối cám nấu cho các chuồng như thường lệ.

– Thế còn hai quả trứng gà?

– Cám ơn cán bộ bồi dưỡng cho, tôi đã ăn…

Cô phó tiến sĩ nhảy dựng lên, hai chân cô dậm bành bạch trên nền sân đất đã quét sạch lá:

– Tôi biết ngay mà. Ra đi một lát tôi chột dạ sinh nghi, trở về không kịp, thế anh đã… nuốt vào bụng rồi à?

– Dạ, tôi tưởng cán bộ cho tôi.

Cô phó tiến sĩ nói như hét:

– Đưa anh để anh cho vào chậu cám con lợn giống, tiêu chuẩn bồi dưỡng của nó sau mỗi lần nhảy đực. Anh ăn tranh của nó là anh bóc lột nó. Các anh bóc lột nhân dân quen rồi, bây giờ lại bóc lột của lợn nữa!

Người tù binh già ngay đơ chết đứng, lắp bắp:

– Tôi tưởng cán bộ bồi dưỡng cho tôi.

Cô cán bộ lại thé thé:

– Nó nhảy, chứ anh có… làm gì đâu mà bồi dưỡng.

– Tôi… xin lỗi…

– Xin lỗi, tư sản các anh có cái trò xin lỗi, xin lỗi là xong à? Thế còn hai quả trứng? Vấn đề là hai quả trứng chứ không phải là xin lỗi.…”(Đá mục- Thảo Trường)(3)

Thấy chưa, sự ô nhục đánh đĩ của “Chàng Kiều”!

– Nàng Kiều, sau khi gặp Từ Hải, ra khỏi Thanh lâu, làm “Bà”, ân đền oán trả…cuối cùng rồi cũng đuợc tái hợp. Chàng Kiều ra khỏi “Thanh Lâu” được gì? Không phải là con người (Ngụy, không có quyền công dân), bị cô lập, nhiều khi vợ con ly tán, gia đình tan vỡ.v.v ..Ôi, biết bao cảnh sầu đời!

Cũng may nhờ “tụi Tư Bản giãy chết” đưa tay đón, nên không chết trước ngày thấy “Thiên Đường Cộng Sản”. Anh Phạm Hồng Ân là một trong những “Chàng Kiều” đã được Mỹ đón nhận cưu mang!

Bài thơ Kiều, Xuyên Mộc này, cùng truyện ngắn nhân bản trên thôi thúc tôi tìm hiểu rõ anh Phạm Hồng Ân thêm, mới vỡ lẽ tôi và anh gần như cùng quê và có nhiều điều trùng hợp.

. Về cùng chung kiếp sầu:

– Anh ở Cà Mau, tôi ở Đại Ngãi (Long Phú) rất gần nhau theo đường bờ biển. Đại Ngãi (Vàm Tấn), cũng như Cà Mau, là địa điểm nổi tiếng cho những người vượt thoát bằng đường biển. Nơi có Cù Lao Dung (dãi đất dài nổi lên giữa sông, bắt đầu từ Đại Ngãi chạy ra tận cửa biển Trần Đề, dài khoảng 20 cây số (10 – 12 miles) ngang độ 1/2 cây số ( 1/4 mile)), với “Thanh Lâu” nổi tiếng dành cho các sĩ quan “Ngụy” và những người vượt biên bị bắt. Cũng nơi này, bao người muốn vượt thoát đã bị đập đầu, chặt cổ, thây bị vùi dưới bãi bùn, do bàn tay của “chiến sĩ can cường” Công An Huyện tổ chức vượt biên giả, để lấy vàng của những người dân vô tội muốn ra đi để tìm nơi sống an lành. Đây cũng là nơi gia đình tôi “chém vè” chờ nửa đêm không trăng, lên chiếc ghe con đi sông dài khoảng 10 mét (30 ft), thả  theo giòng nước ròng trôi ra cửa biển để trốn chạy. (Nếu chạy máy, Công An biên phòng nghe tiếng động sẽ bắn xả không nương). Bảy ngày lang thang trên biển, rồi cũng tơi tả đến được đảo Bidong (Malaysia). Cũng may không đến nỗi ăn thịt người chết như những ghe đến đảo sau. Mô phật! Amen!

– Anh có người cha thân yêu đã mất, tôi cũng có người cha yêu đã mất trong ngục tù CS, qua cuộc đàn áp Tôn Giáo sau tháng 4 /1975.

– Anh có người anh Pham Hữu Nghĩa (nhà văn Hiền Giang) đã mất tích trên chiến trường Quảng Ngãi, trong những ngày cuối cùng tháng 4 /1975. Tôi có người anh, Trung úy HQ Nguyễn Văn Yên, vượt trại Cải Tạo ở Chi Lăng (Châu Đốc) mất tích tháng 01 /1976 vì không chấp nhận “Thiên Đường CS”

Đồng cảm dễ làm người gần lại với nhau. Chúng tôi đã trở thành bạn nhau.

  1. VÀI CẢM NHẬN VỀ THƠ PHẠM HỒNG ÂN

Hôm nay, tôi xin phép được ghi ra vài cảm nhận sơ sài của mình về thơ Phạm Hồng Ân.

Điều đầu tiên có thể xác định thơ anh là thơ hoài niệm, bùi ngùi nhớ v. Nhớ về gi? Quê hương với mẹ cha, anh em, với những mối tình thời trẻ… Quê hương với chiến tranh cùng với những hệ lụy của nó: Chiến Hữu, Bạn Bè, Rượu, Người Nữ…Và cuối cùng… Tù Tội, Ly Hương!

Thơ anh phản ánh chính nội tâm anh theo những thăng trầm của đời mình, của quê hương nhiễu nhương. Là nỗi cô đơn của thân phận người lưu xứ, với những đổi thay đen trắng, những buồn vui về thói đời…

Đây, chân dung tự vẽ của anh:

chân dung ta – một kẻ trôi sông

và lạc chợ từ khi thua trận

từ thuở thanh niên đã mang lận đận

mất cửa, tan nhà, vỡ mộng, bay mơ.

chân dung ta – một đứa làm thơ

lúc đi học hiền như cục bột

thơ bắt ta làm người thật tốt

lỡ yêu ai, dùng chữ để ngợi ca.

nghe theo thơ, ta hết sức thật thà

đem mộng đắp thành non thành núi

rồi có ngày mộng rơi như suối

chảy xuôi dòng ra cửa sông chơi.

ta hóa thân tên lính chọc trời

khuấy nước thách nghịch thù ngạo mạn

tánh cọc cằn nhưng vẫn còn lãng mạn

vẫn yêu thơ và cũng vẫn yêu em.

(chân dung )

 

III. THƠ PHẠM HỒNG ÂN

Trước tiên, xin cho tôi được ngõ vài lời: Tôi muốn dùng chính thơ anh để dựng lại cuộc đời của người bạn qua bao nỗi thăng trầm của cuộc thế, của quê hương buồn thảm. Đây chỉ là những cảm nhận, những đồng cảm, vì thấy hình như có cuộc đời mình trong đó, chứ không phải BÌNH THƠ,  xin các bạn hiểu cho!  Tôi không phải nhà PHÊ BÌNH và cũng không có khả năng đó.

Chúng ta bắt đầu bước vào thơ Phạm Hồng Ân. Hãy đọc bài thơ Thi Sĩ hoài niệm QUÊ HƯƠNG trong  “Tiếc Thương”:

Quê hương là điều đã mất

Là điều còn lại trong tim

Quê hương là điều rất thật

Là điều hàm xúc thiêng liêng.

 

Quê hương là men rượu đắng

Cụng ly say khướt một đời

Quê hương là vành khăn trắng

Tháng tư che kín một thời.

 

Quê hương là người lính trận

Nằm đây xương cốt chưa tan

Quê hương là trang sử hận

Thiên thu thương tiếc vô vàn…

(Tiếc thương)

Anh viết về người CHA của mình trong bài thơ “Dâng hương hồn ba”. Người cha thân yêu  khắc khoải đợi chờ đứa con trở về từ ngục tù “cải tạo”, và cuối cùng chắc chết trong vô vọng, thảm sầu, trong mong đợi con v. Khi người con về thì:

Tôi trở lại ngôi nhà xưa lặng lẽ

Nhin phù vân in bóng nước đôi bờ

Vẫn bến cũ con đò trôi quạnh quẽ

Vẫn góc trời nhàn nhạt khói bơ vơ

 

Vẫn con đường dẫn vào sân xanh cỏ

Bên hiên kia còn dăm chậu hoa tàn

Ba vĩnh viễn trở thành người thiên cổ

Bình hương tro nằm đựng xác thân tan

 

Ba để lại gốc bách tùng ngoài cổng

Cậy bao năm – tôi bao tuổi thăng trầm

Cây bao giờ cũng vươn cành hy vọng

Che đời tôi khỏi nắng dữ mưa thâm

 

Tôi trở lại ngôi nhà xưa dột nát

Bình trà thơm vỡ vụn nét hoa văn

Gốc bách tùng gục ven sân trụi lá

Dòng sông trong ô uế bụi nhân gian

(dâng hương hồn ba)

Con trở về ngôi nhà xưa dột nát

Bới tàn tro để tìm lại dư hương

Chỉ còn đây di ảnh ba nhòa nhạt

Ôi mất rồi một mái ấm yêu thương

(Trở về mái nhà xưa)

Nhà xưa dột nát, bách trụi hoa tàn, dòng sông ô uế…và buồn ơi “Bình hương tro nằm đựng xác thân tan”!

Bây giờ chúng ta hãy nghe tác giả nói về người MẸ:

Ngày xưa má dắt tôi về ngoại

Trên chuyến xe ngang mấy bến phà

Nhà ngoại lá vườn che kín mái

Đường trơn mây rắc bụi mưa qua.

Bữa cơm đạm bạc canh rau má

Mà thấy đau đau dáng ngoại còng

Ơi là rau thơm bình dị quá

Nhắc lòng tôi nghĩ tới quê hương.

Hôm nay nắng hạ trời ly xứ

Nhớ má, nấu canh rau má tươi

Ôi, lá rau người thân lữ thứ

Không làm canh ngọt vị quê tôi.

(Rau má)

Hoài niệm, bùi ngùi nhớ thương mẹ và quê hương: Rau má nơi đây cũng vẫn là rau ấy, nhưng vị sao không ngọt bằng canh rau mẹ nấu cho con!

Và đây, những lời buồn thương cho số phận chua cay của thằng EM thân mến, lâu rồi không gặp:

hằng chục năm anh không gặp mày

tưởng đời chiêu đãi kẻ hiền tài

tưởng mày đã lót tình thành tổ

nào biết giờ đây mây vẫn bay.

ôi non sông một dãy quê hương

anh đau thương đành phải tha phương

tội nghiệp mày như thân lá rụng

bám gốc mà sao lạ cội nguồn?

thương quá thằng em miền cuối việt

dòng đời vẫn ngược chuyến trôi êm

vẫn đau giọt máu xưa oanh liệt

chảy ướt bờ môi sông núi đêm.

hằng chục năm cũng nỗi buồn này

cũng khuân quá khứ nặng lên vai

cũng nhớ thằng em môi ngậm thuốc

ngạo đời qua nét mặt chua cay.

(Gặp lại thằng em trên “phê bút”)

Thơ Phạm Hồng Ân cũng là thi ca của tình yêu. Hãy xem anh viết về những mối TÌNH:

mùa hạ cho tôi lá xanh thơ mộng

dù hiên trường thút thít cuộc chia tay

dù dáng em như một bầu rượu nóng

lãng mạn nhìn, hồn vội chợt muốn say.

 

em đứng dưới cội tình khoe áo mới

làm rụng rơi từng chiếc lá xanh xao

một chùm phượng chở thơ tôi vừa tới

ửng hồng trong tim giẫy gọi tên nhau.

(Phượng và em)

Sáu giờ chiều ta chờ em tan học

Hình thì buồn bóng thì rụng quanh đây

Ta thấy em về đường xa áo đổ

Thành phố nghiêng mưa tạt tóc bay dài.

(Lời xin lỗi những giọt nước mắt người tình)

Ối đẹp quá mối tình thời học trò, thời phượng đỏ!

thơ anh đứng bên trời mưa tầm tã

chờ ghe em xuôi nước đổ ra sông

phù sa đó, tình anh như ngọn mạ

cắm sâu vào lòng đất, đợi đâm bông.

 

hạnh phúc là nụ hôn còn bỏ lửng

là đôi môi chưa đỏ dấu yêu thương

là đầu lưỡi tê vị tình chập chững

thèm cuồng điên mộng mị cõi thiên đường.

(Tạ ơn những mối tình)

Tình anh như ngọn mạ cắm sâu vào lòng đất… đợi đâm bông. Có ví von nào đẹp hơn?

Em về khua tiếng guốc đêm.

Dẫm trong ta triệu dấu êm tình đầu.

Chao ôi, đôi gót hồng đào.

Nghiêng nghiêng năm ngón đi vào tim ta.

Ðất nằm nhớ bước chân qua.

Nhớ con bướm lượn mù lòa đường bay.

Nhớ sao, áo lụa trang đài.

Thơm hương mật cúc, vườn ai, đầu mùa.

(Tám – Lục Bát)

“Chao ôi, đôi gót hồng đào, Nghiêng nghiêng năm ngón đi vào tim ta” Lời thơ đẹp và mượt mà biết bao nhiêu!

Nhất là những bài thơ viết về CHIẾN TRANH, về NGƯỜI LÍNH, và hệ lụy của nó đương nhiên là RƯỢU  và ĐÀN BÀ, TÌNH CHIẾN HỮU, chuyện trước sau, mất còn…phải không các bạn?

Bắt chước người xưa…quân mạc tiếu

Vui cười quên tuốt bóng chim bay

Đánh trận xong rồi về động liễu

Tìm nàng tiên dắt cõi thiên thai

(Tháng Tư Giữa Chiến Trường Long – Khốt)

Ngủ ở Hòn Thơm ta lụy mãi

Mùi khô ngai ngái vịnh Dương Đông

Có cô giáo đảo tay mềm mại

Rót rượu đưa ta đến cõi hồng

(Từ sông ra biển)

Buổi sáng buồn tình ta uống rượu

Hình như có nắng ở trên cao

Bạn bè ngồi ghế chưa đông đủ

Không lẽ mời em thế chỗ sao?

(uống rượu với duyến ở thạnh-phú-đông)

ĐÀN BÀ và RƯỢU hòa trộn nhau trong cuộc đời của LÍNH. Tửu Sắc mà (Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi / Dục ẩm tì bà mã thượng thôi / Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu / Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi –  Vương Hàn)

Đêm ngửa nghiêng con sóng bạc đầu

Gõ bầu rượu hát suốt canh thâu

Bởi em như nhạc rơi trên đảo

Làm nhói tim ta buổi tiễn nhau

 

Rượu đầy ly nhấp nửa phương trời

Một nửa chờ em uống chung môi

Độc ẩm tang bồng hề đọc ẩm

Bến cũ say mèm giấc mộng trôi

(Độc ấm trên đảo)

CHIẾN HỮU càng đậm tình thêm qua chén RƯỢU

Gặp mi giữa chiến trường Long – Khốt

Bụi bám đầy râu, lộ nụ cười

Khói súng khét hơi người, mặc kệ

Khề khà ta vội cụng ly chơi.

Tàu ủi bãi nằm im kích giặc

Gò cao rải lính phục từng khoanh

Yên chí ngồi nhìn mưa trút thác

Rượu dư ta cạn suốt đêm tàn.

(Tháng Tư Giữa Chiến Trường Long – Khốt)

Tưởng đâu mày nát biển tan sông

Hồn đã bay theo men rượu đế

Tưởng đâu mày ngã ngựa rơi cương

Chân bước một hơi xa nghìn dặm.

 

Mày hãy ngồi đây chơi rượu đế

Nền đất, chiếu rơm, trời sáng trăng

Không ai ca sĩ, ta hò hét

Ðời vui đâu thể thiếu âm thanh.

(Mừng bạn)

Và cũng chính RƯỢU mới có thể làm vơi đi được nỗi buồn mất mát!

Hôm nay nhận được tin mi ngã

Trên đỉnh Cô -Tô nắng chói chang

Đù má, quân thù chơi xỏ lá

Rình mi bắn lén lúc dừng quân.

Tau ở đầu sông ôm vết nhức

Ực bình toong rượu khóc hu hu

(Tháng Tư Giữa Chiến Trường Long – Khốt)

Tôi đồng ý với thi sĩ Lê Mai Lĩnh: “Một điểm giống nhau giữa thi sĩ người lính NGUYỄN BẮC SƠN và người lính thi sĩ PHẠM HỒNG ÂN: Đó là những tiếng CHỬI THỀ RẤT LÍNH, RẤT LÃNG MẠN, RẤT DỄ THƯƠNG. Tiếng chửi không làm ai giận, ghét, mà nó toát ra vẻ THẬT THÀ, CHÂN CHẤT, CỤC MỊCH”:

Đù má, quân thù chơi xỏ lá

Rình mi bắn lén lúc hành quân

(Tháng Tư Giữa Chiến Trường Long – Khốt)

Chinh chiến tạm quên đi thằng bạn

Mềm môi đù má cuộc đời chơi

(Uống rượu với duyến ở thạnh-phú-đông)

Vâng, tiếng CHỬI THỀ của người lính miền Nam rất độc đáo, rất dễ thương và…rất nhân bản, nhân hậu! Và cũng chính vì nhân bản nên mới là “Bên Thua Cuộc”. Nhớ lời một ông tướng CS đã nói với tướng VNCH Lê Minh Đảo rằng:  ” Các anh có biết tại sao các anh thua không? Không phải vì Mỹ bỏ rơi hay gì, mà vì các anh không dám cầm súng bắn vô đồng bào, còn chúng tôi sẽ làm khi có lệnh”  (Tướng LÊ MINH ĐẢO)(4)

Ba mươi tháng tư với bao đau thương đổ ập xuống với bao tan vỡ, chia lìa, mất mát…

Tháng tư chiến trường vang dội

Bão tố mờ mịt đất trời

Ta như bèo bọt rã rời

Lạc nhau giữa dòng nước chảy

Giặc về đồng khô cỏ cháy

Mẹ nằm còi cọc trơ xương

Em đành bán phấn buôn hương

Nuôi cha rừng sâu tù rạc

Tháng tư hoa trôi bèo giạt

Gặp nhau bên rào trại giam

Một vạt nắng rớt vội vàng

Trên mắt em hoe hoe đỏ

“Ái phi” ngày xưa còn đó

Trơ vơ tấm thân đã tàn

Tháng tư như lưỡi dao sắc

Bạo tàn cắt nát tim ta…

(Nhật ký tháng tư)

Xé tờ lịch cũ, tháng tư

Dường như lòng chợt nát nhừ dấu dao

Dường như sông nước ba đào

Từ âm hư bỗng ào ào bão giông

Xé tờ lịch cũ, khóc ròng

Nổi trôi vận nước triệu dòng lệ tang

Xé tờ lịch cũ tan hoang

Tháng tư, lịch sử bàng hoàng sang trang.

(Tháng tư, xé tờ lịch cũ)

Về cảnh đày đọa lao tù thì tôi đã nói ở phần trên qua bài thơ “Đọc Kiều, ở rừng Xuyên Mộc”, tôi chỉ xin ghi thêm vài hàng thơ anh ở đây.

Sáu năm tù ứ hự

Tau thành kẻ bất tri

Hàn nhân phong vị thú

Giận đời, tiếu hi hi!

Mười năm thề bỏ rượu

Gặp bạn bỗng hóa cuồng

Rượu như dòng nước lũ

Trào dâng – lệ tuôn tuôn.

(Sáu năm rồi cố xứ)

Thơ anh cũng phản ánh nỗi cô đơn của chính anh qua thân phận người lưu xứ, với bao đổi thay đen trắng, bao buồn vui về thói đời…

Ðêm Cali nhớ Sài Thành

Rượu Sài Thành nhớ bài hành phương xa

Hành phương xa nhớ trăng tà

Ôi, thân viễn xứ còn ta nhớ người

Xin nhau một chút môi cười

Ðể đưa vui giữa cuộc đời lao đao.

(Hai-Lục bát tình)

“Xin nhau một chút môi cười, Ðể đưa vui giữa cuộc đời “…lưu lạc! Được không khi lòng người đã đổi thay vì đồng tiền, vì danh vọng?

Những Dũng, những Hoàn, những Lê, những Cửu

Mỗi đứa một phương trôi nổi như mây

Từ lúc lui quan, tau thề bỏ rượu

Bỏ rượu…mới hay tau thất lạc bây.

Nhớ thời chiến tranh gặp nhau Mộc Hóa

Tan trận về kinh bữa mắm bữa chao

Uống ngụm nước sông chợt cười khoái trá

Hút hơi thuốc “chùa” để thấy thơm râu.

Nhớ bậu sang sông bậu về bến lạ

Một đứa thất tình, cả bọn như điên

Lít đế cưa đều chửi thề tá lả

Hận kẻ bạc tình: đứa ngã đứa nghiêng.

Nhớ lát mì khô trại giam Xuyên Mộc

Nuôi vạn tù binh phá núi trồng rau

Nhân phẩm thua xa cục đường tán mốc

Thằng đói nuôi thằng lỡ vận ốm đau.

Nhớ lúc ra tù đời lăn đời lóc

Ðứa bán cà rem, đứa đạp xe ôm

Gặp nhau đói meo choàng vai bật khóc

Nắm tay nhắc thầm: giữ chút danh thơm.

Bây giờ tụi bây cửa rộng nhà cao

Quên mất một thời quá khứ thương đau

Vỗ ngực xưng danh anh hùng mã thượng

Tửu hậu trà dư thóa mạ lẫn nhau.

(Tau thất lạc bây)

“Bây giờ tụi bây cửa rộng nhà cao/Quên mất một thời quá khứ thương đau” và rồi “Tửu hậu trà dư thóa mạ lẫn nhau”. Ối thói đời, Thi sĩ cô đơn là cái chắc!

Cái sự đời chẳng khác cuộc chơi

Thằng mạt rệp như tau lại khơi khơi qua Mỹ

Nhớ bạn bè tìm tri âm tri kỷ

Đốt đuốc mười năm vẫn chỉ mình ta

Tau biết bây giờ tụi bây đỏ thịt thắm da

Uống sữa riết thân hóa thành kẻ lạ

Thằng nào cũng muốn làm cha thiên hạ

Nên kéo đời tư nhục mạ lẫn nhau

Tụi bây quên năm tháng thương đau

Quên đồng đội nằm chưa yên mồ mả

Một lần nữa…ta thêm lần quỵ ngã

Giống như lần thất trận ngày xưa.

(Thất trận)

Thôi thì “Rót ly sảng khoái. Ta cười với ta”. Ta lại mời ta!

Rượu dư. Ghế trống. Ðêm dài.

Bạn vơi. Tình cạn. Ðời đầy vết đau.

Ðếm mưa. Giọt trước. Giọt sau

Ðếm ta. Chợt nhớ bạc đầu sáu mươi.

Ừ thì…Mừng tiếp cuộc chơi

Rót ly sảng khoái. Ta cười với ta.

Rượu dư. Ghế đợi bạn già

Tình ngao du

Cõi ta bà nào xa?

Ở đây. Trơ trọi mình ta

Xuân sau. Xuân trước. Vẫn là xuân ta…

(lục tuần xuân)

Và cuối cùng “thắng cuộc / thua cuộc”. Được gì?!

Thắng chỉ để làm thằng nô bộc

Còn thua thì…lạc mất quê hương.

 

III. KẾT

Để kết bài “cảm nhận” này, tôi xin được dẫn ra đây lời tâm sự của chính Thì Sĩ Phạm Hồng Ân:

“Goethe viết: ” Những thi nhân cận đại đã hòa quá nhiều nước lã vào mực.” (Modern poets mix too much water with their ink.).Tôi không đến đỗi kiêu căng đổ nước lã vào ngòi bút, làm nhợt nhạt đi nét đẹp của thi ca. Tôi làm thơ với tất cả tấm lòng, trái tim. Chữ nghĩa đẫm ướt từ máu, từ nước mắt của nỗi đau nhân th, và của chính mình. Hãy để thơ tôi tự do, bay bổng theo ý thích ngôn ngữ

Có ai làm thơ mà không có một lần cô đơn bao giờ? Có ai lên đỉnh cao, dù đỉnh “hy vọng” hay “tuyệt vọng” mà không cảm thấy lẻ loi bao giờ? Tôi ở trạng thái đó trong thời làm thơ với bạn học, trong thời quá vãng của cuộc chiến, trong thời bị bỏ rơi, bị hành hạ nơi lao tù…

Trong “cái cô đơn” còn có “cái mạo hiểm” gắn bó. Thời Tản Đà, ông đã từng thốt “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Biết vậy, gần năm mươi năm qua, tôi vẫn lì lợm nhào lộn trong thế giới văn chương rẻ rúng đó. Thê thảm hơn, THƠ là loại văn chương ít người đọc nhất, cũng không phải là một nghề mưu sinh, thế mà nó vận vào thân như mệnh số trong gần suốt một đời người. Như vậy, có phải mạo hiểm chăng? Trong “chốn hạ giới” này, TRI KỶ TRI ÂM dễ có mấy ai? Tôi cứ lì lợm nhào lộn trong thế giới chữ nghĩa của mình.

Thơ là ngôn ngữ tuyệt đỉnh của văn chương. Nó chuyên chở tình yêu. Bộc trực, hào khí. Thử thách sự thủy chung. Ngạo nghễ trong ngục tù. Nó xót đau niềm vong quốc. Dày vò kiếp tha hương, Nó tiếp cái hùng tráng thiên cổ…ngậm ngùi cho tới nghìn sau.

Tôi muốn viết về những điều này, hơn mấy chục năm qua, nhưng… khi viết lên, lại chẳng phô bày được điều gì. Thơ tôi chỉ là những mảnh vụn của sỏi đá, là giọt nước của ao tù, là tia nắng mỏng manh cuối ngày, là viên đạn lép trong nông súng đã ri, là thư ngôn ngữ bất lực của một thế hệ chịu lắm đọa đày.

Trong nỗi tột cùng thất vọng đó, may mắn thay, tôi còn ghi lại được dăm kỷ niệm ngọc ngà, vài hình ảnh vàng son đã qua…bằng một rung cảm chân thật của thi ca,

Xin bạn hãy thân tình xem tập thơ này là một thứ tiêu khiển trong giây phút nhàn nhã, tựa như bạn nhấp một chén trà hay chiêu một cóc rượu cùng bằng hữu cố tri ” (PHẠM HỒNG ÂN)

Sau cùng, xin được vài lời cùng Thi Sĩ: Thi hào Nguyễn Du trong Độc Tiểu Thanh ký có hai câu cuối:

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Chẳng hiểu rồi ba trăm năm nữa,

Thiên hạ còn ai khóc Tố Như ?(Nguyễn Ngọc Bích dịch)

Ba trăm năm sau (thiên cổ) ai là người hiểu, khóc cho Nguyễn Du.

Phạm Hồng Ăn có một thi tập “Thiên Cổ Bùi Ngùi”, thơ hoài niệm, bùi ngùi thương về chuyện xưa , chuyện quê hương của thời “dâu bể”. Ý của tác giả chắc cũng mong cho người sau này, khi đọc lại, sẽ bùi ngùi khóc thương. Khóc thương gì?

Khóc thương theo những áng thơ và… cũng khóc thương cho AI làm ra nó!

Chẳng hiểu rồi ba trăm năm nữa,

Thiên hạ còn AI khóc AI đây?

Phải không Thi Sĩ?

Nguyên Lạc     

    4/ 2017

—————————————————————————————————————–

Ghi chú:

(*): Xuyên Mộc là một huyện có diện tích lớn nhất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khoảng 642,18 km², phía đông giáp huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận; phía tây giáp huyện Châu Đức và Đất Đỏ; phía nam giáp biển Đông, phía bắc giáp huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.(Wikipedia)

(**) Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn

Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai!

Miệng ăn măng trúc, măng mai

Những giang cùng nứa biết ai bạn cùng?

(Ba năm trấn thủ lưu đồn – Khuyết Danh)

Nguồn:

(1)Thơ Phạm Hồng Ân trích từ hai Thi Tập : Ngất Ngưởng Một Đời Mây , Thiên Cổ Bùi Ngùi – Sáng tạo.org:

https://vanhocnghethuat.files.wordpress.com/2013/05/ngat_nguong_mot_doi_may-pham_hong_an.pdf

https://sangtao.org/2017/01/17/pham-hong-an-net-xuan/

https://sangtao.org/category/tac-gia/ph%e1%ba%a1m-h%e1%bb%93ng-an/

(2)  “Còn Chút Gì Để Nhớ”: Thơ Vũ Hữu Định – nhạc Phạm Duy- Khánh Ly:

https://www.youtube.com/watch?v=5A6QyN0JhHM

(3)Thảo Trường http://vietmessenger.com/books/?title=dda%20muc

(4) Tướng Lê Minh Đảo kể về 17 năm cải tạo sau 30/4/1975 và hát tặng khán giả BBC:

https://www.youtube.com/watch?v=IwvAHxa25Ek

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search