T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ Nghĩa Làng Văn (121)

clip_image001.jpg

Một số từ Việt miền Nam gốc Triều Châu

Ảnh hưởng văn hóa mà người Minh Hương để lại sâu đậm nhất trong đời sống miền Nam là ngôn ngữ. Tiếng Việt miền Nam được lưu dân Minh hương bổ xung cho tiếng Việt thêm phong phú. Theo Bình Nguyên Lộc, những từ sau có nguồn gốc Minh Hương.

Lẩu: Có nguồn gốc từ lẩu là một món canh của Triều Châu, đựng trong một thứ bát đặc biệt bằng Laiton. Từ “Lai-ton” ta đọc là…lẫu

Tía: Chính các chú rể Triều Châu, lưu vong nhà Minh đã đưa ra danh từ “tía” vào Nam, và bị ta hiểu là…”cha”.

Hên: Triều Châu đưa vào và họ đọc là “hinh” thì đáng lý ta phải viết là “hênh. Rôi..hên.

Xui: Tiếng nầy đất Bắc có nhưng vay mượn lâu đời hơn và nói là…xúi quẩy. Do chữ “suy” mà ra, đọc theo Triều Châu, “hên xui” hiểu là…may rủi.

(Vài nét về lịch sử người Minh Hương – Nguyễn Đức Hiệp)

Đường cái quan

 Đường thiên lý là tên gọi cũ của Quốc Lộ 1A (QL1A) ngày nay. Thời nhà  Nguyễn còn có tên là “đường cái quan”, chạy dài từ Lạng Sơn  từ cây số 0 ở Ải Nam Quan  (nay gọi là “Hữu Nghị Quan”) đến mũi Cà Mâu (thị trấn Năm Căn). Đường thiên lý được thiết lập và xây dựng qua nhiều triều đại. Đường cái quan (hay đường thiên lý) vượt 5 con đèo hiểm trở là đèo Tam Điệp, đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cù Mông và đèo Cả.Đèo Cù Mông: Là con đèo thứ tư trên QL1A từ Bắc vô Nam (thứ tự là đèo Tam Điệp giữa Ninh Bình & Thanh Hóa, đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cù Mông và Đèo Cả).

Đèo Cù Mông cao 245 m, dài 7 km, dốc 9% rất hiểm trở, nằm giữa tỉnh Bình Định (địa phận Quy Nhơn) và tỉnh Phú Yên (địa phân Tuy Hòa).

Đây là biên giới Đại Việt và Chiêm Thành thời nhà Lê (Lê Thánh Tông). Ngày nay đã có đường Quy Nhơn Sông Cầu qua lại Bình Định và Phú Yên nên không qua đèo Cù Mông nữa. Từ năm 1471 đến thời chúa Nguyễn Hoàng (1600-1613), đèo Cù Mông là biên giới Việt Chiêm.

(Nguồn: Vương Sinh)

Sắc, không

(*) Năm 1072 vua Lý Thánh Tông mất, con trai Ỷ Lan là thái tử Càn Đức lên ngôi lấy hiệu là Lý Nhân Tông mới 6 tuổi, do đó cần có Thái hậu Ỷ Lan buông rèm nhiếp chính. Năm 1075, triều đình (dưới sự đóng góp của Thái hậu Ỷ Lan) cho mở khoa thi tam trường để lấy người văn học ra làm quan. Đây là kỳ thi đầu tiên ở nước ta chọn được hơn 10 người mà thủ khoa là Lê Văn Thịnh. Ngay năm sau, 1076 triều đình lập Quốc tử giám, được xem là đại học đầu tiên của nước nhà. Nền Nho học bắt đầu từ đó.

Trong giai đoạn này, vua Lý Nhân Tông chỉ độ 10 tuổi, Lý Đạo Thành lo việc nội chính, Lý Thường Kiệt lo việc ngoại chính, trên thì có Thái hậu Ỷ Lan lo việc triều chính.

Năm 1096, bà cho tu bổ lại chùa Khai Quốc (tức Trấn Quốc sau này) và dựng chùa: chùa Giạm (Quế Võ, Bắc Ninh), chùa Một Mái (Quốc Oai, Sơn Tây), chùa Phật Tích (Tiên Sơn, Bắc Ninh), chùa Bảo Ân (Nông Sơn, Thanh Hóa), chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội). Bà mất năm 70 tuổi, bà được thờ tại chùa Linh Nhân Từ Phúc Tự mà dân gian gọi là chùa Bà Tấm.

Sách Thiền Uyển Tập Anh có bài kệ của bà luận về “sắc, không” :

Sắc là không, không tức sắc

Không là sắc, sắc tức không

Sắc? Không? Thôi mặc cả

Mới thấu được chân tông

(Lê Phước – Thái hậu Ỷ Lan)

Văn học Việt Nam hải ngoại trước hết là văn học.

Ðánh giá một tác phẩm văn học hải ngoại, câu hỏi đầu tiên là giá trị văn học của nó (nó có đáng là một tác phẩm văn học không?), không mấy ai đặt câu hỏi về tính chất hải ngoại của nó, hoặc đó chỉ là một câu hỏi phụ. “Văn học Việt Nam hải ngoại trước hết là văn học” có nghĩa là như vậy.
Ðã có sự thảo luận về cách gọi tên: văn học di tản, văn học lưu vong, văn học ngoài nước… Nếu như văn học di tản trước hết là văn học, văn học lưu vong trước hết là văn học, văn học hải ngoại trước hết là văn học… thì sự khác biệt giữa những tên gọi không đến đỗi quan trọng như ta nghĩ.

Trong văn học Việt Nam hải ngoại có mảng văn được gọi là “chống cộng” đối lập với mảng văn được gọi là “thân cộng”. Tưởng chừng như có một vực thẳm giữa hai mảng văn học này. Nhưng nếu như sự đối sánh được đặt ra trên quan niệm: văn học chống cộng cũng như văn học thân cộng trước hết là văn học, thì sự đối lập vẫn còn nhưng nó bị lu mờ bên cạnh sự thống nhất của phẩm giá “đáng gọi là văn học”.

Giữa một tác phẩm “thân cộng” hay và một tác phẩm “chống cộng” dở, độc giả “chống cộng” hẳn là sẽ chọn tác phẩm “thân cộng” hay (để đọc cho mình).

Ngược lại, trong thâm tâm độc giả “thân cộng” vẫn thích đọc một tác phẩm “chống cộng” hay hơn là một tác phẩm “thân cộng” dở.

Ðấy là nói một cách rạch ròi. Vấn đề ở đây thực ra phức tạp hơn rất nhiều. Ðọc cũng như sáng tác văn học thuộc lĩnh vực mỹ học là đất của tâm xả (tôi mượn chữ của nhà Phật), đó là tâm thế buông bỏ những thành kiến và cố chấp, những sự phân biệt cứng nhắc và giả tạo thiện /ác, xấu/đẹp, cấp tiến /bảo thủ…

 (Hoàng Ngọc Hiến – Đọc văn học Việt Nam hải ngoại)

Gia phả

Theo các kết quả nghiên cứu khoa học của hơn thập niên gần đây (khảo cổ, genes, di truyền học, v.v.), dân tộc Việt Nam hình thành từ người Việt sinh sống trên phần đất nước hiện nay và từ các dân tộc khác trong khu vực gọi chung là chủng Cổ Mã-Lai (Indonésien) thiên cư đến từ châu Phi và từ các cao nguyên Tây Tạng, Người Cổ Mã Lai thiên cư lên hướng Bắc ở vùng sông Dương-Tử; về phía Tây tới Ấn-Độ, về phía nam tới các đảo của Nam Dương, về phía đông tới Phi-luật-tân. Trong số các chủng Nam-Á (austro-asiatique) này, nhiều thế kỷ sau xuất hiện chủng Bách Việt trong đó có Lạc Việt sinh sống từ vùng Nam sông Dương Tử cho đến miền Bắc Việt-Nam. Nhân số bành trướng, lãnh thổ Bách Việt (chữ dùng của sử Tàu) cũng thiên di xuống đồng bằng sông Hồng, hội nhập văn hóa và đồng hóa người Mường và các sắc dân địa phương.

Tuy nhiên văn hóa nông nghiệp nền tảng của Việt tộc vẫn luôn trội bật. Do đó hơn hai ngàn năm trước, tổ tiên ta đã nghĩ lập ra “sổ điền” cốt để nhà vua kiểm kê nhân và dân số hàng năm hoặc theo một thời hạn cố định, mục đích nhằm phân chia ruộng nương thời đó thuộc về nhà vua. Việc phân chia này đòi hỏi một sự hiểu biết tường tận từng nóc gia. Với họ và tên gọi, quan chức triều đình có thể ấn định số người trong mỗi gia đình. Về sau thêm “sổ đinh” hoặc “sổ bộ”, ghi họ tên chính thức về hộ tịch từng cá nhân và gia đình . Rồi từ “sổ bộ”, mỗi gia đình lập một sổ riêng, ghi chú tất cả những việc cưới hỏi, sinh đẻ và tang ma. Đó là nguồn gốc của gia phả.

(Văn hóa người Việt qua tên họ – Nguyễn Vy Khanh)

Trò chơi chữ nghĩa

Sau đó, Trần Văn Thủy đã hỏi Nguyễn Thị Hoàng Bắc…

Trần Văn Thủy (TVT): Thế theo chị thế nào là “ngụy”?

Nguyễn Thị Hoàng Bắc (NTHB): Theo từ điển Hán Việt nghĩa là dối trá, nghĩa là giả, nghĩa là nói một đằng làm một nẻo. Theo phong kiến Minh Mạng thì ngụy nghĩa là bọn làm phản, làm loạn, chẳng hạn Mả Ngụy, ở đó chôn bọn làm phản Lê Văn Khôi chống lại chính quyền phong kiến Nguyễn. Theo tự điển nhà nước XHCN Việt Nam thì ngụy quyền là chính quyền lập ra để chống lại chính quyền hợp pháp của nhân dân (Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1996).”

NTHB đưa ra định nghĩa chữ “ngụy” bằng cung cách của “phe chính” định nghĩa về kẻ thù, về kẻ chống đối lại mình là “phe tà”! Như vậy, chữ “ngụy” có nghĩa là “tà”, là “xấu”, là “dối trá”, là “giả”, là “nói một đằng, làm một nẻo” đúng như tự điển Hán Việt đã ghi ra. Những thói tật, cá tính, bản chất như “tà”, “xấu”, “giả”, “nói một đằng, làm một nẻo”, đó là những nền tảng căn bản của con người chủ nghĩa! Những thành tích bắt con đấu tố cha mẹ, cải cách ruộng đất, tuần lễ vàng rồi sau đó là nhân vật tiêu biểu uy tín Nguyễn Hữu Đang bị tù đày trên ba mươi năm, những kế hoạch “năm năm” hứa một đằng để sau hơn một phần tư thế kỷ thống nhất đất nước, đất nước càng phân hóa và trì trệ là do chính quyền và Đảng Việt Cộng đã làm một nẻo! Những chuyện vừa “tạm kể” trên, nếu không “tà”, không “xấu” không “giả” thì là gì?

TVT nghe qua những định nghĩa về “ngụy” của NTHB, NTHB chỉ vô tình lanh chanh muốn chứng tỏ sự quảng bác và “vui tính” của mình thôi, nhưng nó làm TVT “nhột nhạt”. Và mỗi khi TVT nhột nhạt, TVT bèn phe lờ và hướng câu chuyện về những cái mà TVT muốn người đang “bị” TVT phỏng vấn nói..v..v..

(Phụ chú: Trần Văn Thủy, người ở Hà Nội, đạo diễn phim,  tác giả cuốn Nếu đi hết biển rồ… chẳng biết đi đâu)
(Trần Nghi Hoàng – Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Trò chơi chữ nghĩa)

Những tờ báo quốc ngữ đầu tiên (6)

 Tờ báo phụ nữ đầu tiên

Báo Nữ Giới Chung (tiếng chuông của nữ giới) xuất bản vào thứ Sáu hàng tuần tại Sài Gòn trong năm 1918. Đây là tờ báo đầu tiên chuyên về phụ nữ, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Tầm ảnh hưởng của tờ báo này khiến mật thám Pháp e ngại. Tháng 7/1918, tờ Nữ Giới Chung bị đình bản.

Nhà thơ, nhà báo Sương Nguyệt Anh (1864 – 1922) là chủ bút tờ báo này. Bà là con gái thứ tư của nhà văn Nguyễn Đình Chiểu.

 (SNg Paris – Một tài liệu hiếm)

Những cái cũ & xưa nhất của Saigon
Người kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên

Ông Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) người làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Gia đình ông theo đạo Thiên Chúa, ông giỏi chữ Nho, thông hiểu Ngũ Kinh Tứ Thư, học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp với các giáo sĩ. Ông được giám mục Gauthier đưa sang Paris năm 1858. Ông am hiểu chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, pháp luật. Năm 1861 ông trở về nước, tàu ghé Sài Gòn thì nơi đây đã đổi chủ, ông buộc phải làm phiên dịch cho người Pháp.

Trong lúc ở Sài Gòn, ông đã đứng ra xây cất tu viện dòng thánh Phao lô (số 4 Tôn Đức Thắng). Đây là công trình xây dựng theo kiến trúc Châu Âu do người Việt Nam thực hiện tại Sài Gòn. Công trình được xây dựng từ tháng 9/1862 đến 18/7/1864 hoàn thành gồm nhà nguyện với ngọn tháp nổi bật trên cao xây theo kiểu Gôtic, một tu viện, một nhà nuôi trẻ mồ côi và một tháp chuông. Công trình xây dựng này là kết quả nghiên cứu kiến trúc châu Âu của Nguyễn Trường Tộ khi ông ở Hồng Kông. Qua nhiều lần sửa chữa trùng tu, ngày nay tu viện thánh Phao Lô vẫn giữ được đường nét kiến trúc xưa, chứng tỏ tài năng kiến trúc của Nguyễn Trường Tộ không thua gì các kiến trúc sư người Pháp.

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search