T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 162)

 

Cải tạo

Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải nghĩa rất đơn giản:

Cải tạo: Đem cái cũ đổi lại làm mới.

Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý dài dòng hơn:

Cải tạo: Làm cho thay đổi một cách căn bản, cho tốt hẳn lên Ví dụ: Cải tạo cơ sở vật chất. Cải tạo nền sản xuất.

Tự điển Tiếng Việt tái bản có nhiều chữ mới:

Cải tạo: Biến đổi Ngụy quân, Ngụy quyền từ thành phần ăn bám xã hội, có nợ máu nhân dân trở thành con người mới, công dân tốt, hữu ích cho Xã hội chủ nghĩa.

(Trần Thanh Ty – báo Sài Gòn Nhỏ)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngọng thường xuất phát từ (địa) phương ngữ, thổ ngữ có nghĩa là chỉ chi phối, chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong một miền, vùng, địa phương nào đó. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là “phát âm khác biệt theo vùng” và “ngọng,” xét cho kỹ, là hai vấn đề khác nhau. Nói ngọng là đặc thù của địa phương, là chuyện bình thường. Không phải bất cứ ai sống trong một vùng có người nói ngọng thì họ cũng đương nhiên phải nói ngọng. Những ghi chép sau đây chỉ có tính cách tượng trưng điển hình, không phải là tuyệt đối.

Như một số dân ở địa phương Thái Bình thì lại ngọng chữ “r, d” một cách khác nghe rất lạ tai. Như bà hàng xóm của tôi (gốc Thái lọ) là dân di cư 1954 ở Sài gòn cứ gọi con ơi ới:
“Rương ơi Rương! Ra đây mẹ cho miếng rưa.”
(Dương ơi Dương! Ra đây mẹ cho miếng dưa)

(Văn hoá ngọng – Trần Văn Giang)

 

Chữ nghĩa làng văn

Tùy bút – tùy hứng là phóng bút, gặp gì chép nấy, nghĩ sao nói vậy: Một cơn mưa, một giọng hát, một hớp trà, một trang sách, một tiếng ve rỉ rả trong rừng... bất kỳ một sự việc nào, hễ gợi hứng cho ta cũng có thể là đề tài một thiên tùy bút.
Nó phóng túng như vậy nên ta tưởng là dễ, nhưng có viết thử mới thấy khó. Trước hết nó phải thanh thoát, nhẹ nhàng như ngồi bên giàn hoa hay một ấm trà. Nó không dài, trung bình mươi trang trở lại, nhưng lời phải tự nhiên, có duyên, nội dung phải có ý vị.

Quan trọng nhất vẫn là nghệ thuật. Tiểu thuyết mà dở thì người ta vẫn gọi là tiểu thuyết; thơ mà dở thì cũng vẫn là thơ – thơ con cóc. Còn tùy bút mà thiếu nghệ thuật thì không có tên để gọi vì lẽ không ai thèm biết tới.

Cho nên lựa thể tùy bút là làm một công việc chỉ có thành công hay thất bại, không thể nhùng nhằng được.

(Nguồn: Nguyễn Hiến Lê)

 

“Bốn ngàn năm văn hiến”

Vấn đề dân tộc Việt Nam có “bốn ngàn năm văn hiến” như các nhà văn hóa hiện nay đã tuyên bố khiến cho trong giới thanh niên trí thức thắc mắc và nghi ngờ, không biết hai chữ “văn hiến” có ý nghĩa gì, và căn cứ vào đâu để nói với cả một tin tưởng. 

Nguyễn Trãi, khi giúp Lê Thái Tổ đánh đuổi quân Minh, xây dựng lại nền độc lập, tự trị của nước nhà cũng chỉ tuyên cáo (Bình Ngô đại cáo) với quốc dân:

“Thử xét nước nhà Đại việt.
Vốn thật một nước văn hiến.
Núi sông khu vực đã khác biệt,
Phong tục phương Bắc, phương Nam không giống.
Từ Triệu, Đinh, Lý Trần dựng nên nước ta,
Với Hán, Đường, Tống, Nguyên ai nấy làm chúa một phương.” (1)

Đấy là Nguyễn Trãi, muốn cổ võ cho tinh thần quốc gia dân tộc mà cũng chỉ dám kể từ nhà Triệu, tự xưng là Nam Việt vương đóng đô ở Phiên ngung ngày nay là Quảng châu tỉnh Quảng đông vào năm 237 trước T.L.  Tính đến ngày nay 1973 thì mới được 1980 năm. Như vậy thì lấy đâu ra 4.000 năm văn hiến?

Nói đến Văn Hiến là ngụ ý có văn chương bút ký và ngưới hiền tài, có công trình xây dựng cho nước, cho dân mà đời sau còn tôn thờ làm Anh hùng Dân tộc. Nói “Bốn ngàn năm văn hiến” của Vịệt Nam chẳng hoá ra ngoa ngôn cuồng tín hay sao?

(Bốn ngàn năm văn hiến – Nguyễn Đăng Thục)

 

Sui

Sui: bố mẹ vợ hay chồng

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Một đi không trở lại

(nhất khứ bất phục phản)

Thành ngữ nói lên sự mất mát vĩnh viễn, không thể tìm thấy lại được có xuất xứ từ bài Hoàng Hạc lâu bất hủ của Thôi Hiệu.

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ 
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu 
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản 
Bạch vân thiên tải không du du 
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ 
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu 
Nhật mộ hương quan hà xứ thị 
Yên ba giang thượng sử nhân sầu. 

(Người xưa đã cỡi hạc vàng bay đi mất, chỉ còn trơ lại Lầu Hoàng hạc tại mảnh đất này. Hạc vàng một đi không trở lại, ngàn năm mây trắng vẫn bay dằng dặc, hàng cây đất Hán Dương rực rỡ bên dòng sông tạnh, cỏ thơm bãi Anh Vũ vẫn tốt tươi. Lúc trời chiều đứng trông về làng cũ tự hỏi : Quê hương ở chốn nào ? Khói sóng mịt mờ trên sông nước Khiến cho người nổi mối ưu sầu) .

Nếu hiểu được bài thơ trên thì ta thấy thành ngữ Một đi không trở lại không đơn thuần chỉ là sự lên sự mất mát vĩnh viễn, không thể tìm thấy lại được mà nó còn nói lên tâm trạng cảm hoài trước quy luật của trần hoàn tạo vật là không có gì tồn tại mãi mãi…..

(Đào Thái Sơn – Một số thành ngữ từ những bài thơ độc đáo)

 

Họ Trần qua họ Trình

Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) được sử sách đánh giá là một minh quân, nhưng lại đi vào vết xe của nhà Trần. Vừa cầm quyền được hai tháng, Lê Thánh Tông hạ chiếu ra lệnh đổi tên những họ nào đã phạm vào chữ huý của Cung Từ hoàng thái hậu. Bà nầy tên huý là Phạm Ngọc Trần, vợ của Lê Thái Tổ, mẹ của Lê Thái Tông, tức bà nội của Lê Thánh Tông.

Vua cho rằng bà nội mình tên Trần nên yết thị khắp nước, nơi nào có họ “Trần” đều phải đổi chép thành chữ “Trình”.

(Trần Gia Phụng – Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử)

 

Nguồn gốc tộc Việt (10)

  1. Alberto Piazza

Khuynh hướng 3: Một tác giả nổi tiếng khác ủng hộ và làm sáng tỏ thêm kết quả nghiên cứu của GS. Chu là GS. Alberto Piazza ở Đại học Torino, Ý Đại Lợi, ông nhắc lại ba mô hình được các học giả trước đây đưa ra về nguồn gốc người Trung Hoa là:

Mô hình 1: Chủ trương nguồn gốc người Trung Hoa ở Hoa Nam là từ Hoa Bắc di xuống rồi hợp chủng với những người Australoid đã có sẵn ở đó.

Mô hình 2: Chủ trương ngược lại cho người Hoa Nam đã di cư lên Bắc và người phía Bắc Trung Hoa chỉ là hậu duệ của người Phương Nam di cư lên.

Mô hình 3: Chủ trương hai giống người ở Hoa Bắc và Hoa Nam tiến hóa và phát triển độc lập với nhau qua ba trung tâm chính Yang-Shao, Ching Lien Khang và Ta-Pen-Keng.

Ông kết luận: mô hình thứ hai (Bắc là hậu duệ của Nam Trung Hoa), người phương Bắc có sau và do từ người phương Nam di cư lên sinh ra, phù hợp với các dự kiện về di truyền học theo khảo cứu của GS. Chu và đồng nghiệp hơn. Những sự nghiên cứu khác dù về di truyền (Cavalli-Sforza), hay về khảo cổ như nghiên cứu về răng (Turnen C. G.); về sọ ( Hanihara T.) của người cổ ở Trung Hoa cũng hậu thuẫn cho mô hình hai này. (Alberto-Piazza – Human Evolution: Towards a genetic history of China – Proc. of Natl. Acad. Sci. – USA, Vol 395, No 6707, 1998).

(Nguồn: Cung Đình Thanh)

 

Chữ Nôm

Chữ Nôm không giản dị như nhiều người lầm tưởng. Cách diễn đạt nôm na thì đơn giản. Thay vì nói “nhất nhân hành” ta nói“một người đi”. Nhưng cách viết chữ Nôm rất rắc rối vì nó đòi hỏi người học phải biết chữ Hán. Thế kỷ 8 dân chúng tôn Phùng Hưng là Bố Cái Đại Vương. Vào thế kỷ 10 Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Danh hiệu Bố Cái Đại Vương hay quốc hiệu Đại Cồ Việt đánh dấu sự kết hợp của chữ Nôm và chữ Hán ngay từ thế kỷ 8 và 10.

Vào thế kỷ 13 Nguyễn Thuyên, thượng thơ bộ hình dưới triều vua Trần Nhân Tôn (1225–1258), là người đầu tiên làm thơ bằng chữ Nôm. Ông được vua nhà Trần cho đổi sang họ Hàn sau khi làm một bài văn tế khiến cho con sấu trên sông Phú Lương bỏ đi.

(Tiếng Việt – Phạm Đình Lân)

 

Chữ quốc ngữ

Năm Nhâm Tuất 1862 Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ gồm 3 tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa.  Năm Đinh Mão 1867 Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.   Hòa ước năm Giáp Tuất 1874 công nhận chủ quyền của Pháp trên toàn thể lãnh thổ Nam Kỳ.  Nam Kỳ trở thành thuộc địa (colonie) của Pháp.
Hai hòa ước năm Quí Mùi 1883 và Patenôtre năm Giáp Thân 1884 công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.  Bắc Kỳ và Trung Kỳ trở thành đất bảo hộ (protectorat) của Pháp.  Ở miền Bắc, trên danh nghĩa, triều đình Huế còn quyền hành nhưng trên thực tế mọi việc do người Pháp điều khiển.  Trung Kỳ do triều đình Huế cai trị nhưng được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Pháp (1).

Khi đô hộ Việt Nam, nhu cầu cấp bách của người Pháp là phải hủy diệt nền Nho học và thay thế bằng một hệ thống giáo dục phục vụ cho guồng máy cai trị.  Do đó, chiếm được Nam Kỳ xong là người Pháp lập tức khai tử nền giáo dục Nho học.  Năm 1864 là kỳ thi Hương cuối cùng ở Nam Kỳ (tổ chức ở ba tỉnh miền Tây trước khi bị Pháp chiếm).  Từ  1878 chữ Hán trong giấy tờ công văn các cơ quan hành chánh được thay thế bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ.
Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, dưới quy chế bảo hộ, sự thay đổi về giáo dục chậm hơn.  Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc là năm Ất Mão 1915, và ở Huế năm Mậu Ngọ 1918.  Chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thực sự cáo chung với khoa thi Hội chót năm Kỷ Mùi 1919 ở Huế.  Tuy vậy mãi đến năm 1932 bộ máy quan lại của triều đình mới bỏ việc dùng chữ Hán và thay thế bằng chữ Pháp hay chữ quốc ngữ.

(Nền giáo dục VN dưới thời Pháp thuộc – Trần Bích San)

 

Nhớ món ngon Sài Gòn

Phở Tàu Bay

Con cháu của một số gánh phở nổi tiếng Hà Nội đã vào Nam lập nghiệp năm 1954, trong cơ hội lịch sử này có phở Tàu Bay. Vốn là quán phở do ông nội mở vào 1950 ở Hà Nội, khi di cư vào Nam, ông chủ quán được người bạn thân tặng cho chiếc mũ bay. Ông thường xuyên đội nó, khách thấy lạ, gọi ông “Tàu bay” rồi chết tên thành tên quán. Phở Tàu Bay ở đường Lý Thái Tổ ngày nay vẫn bán và khách quen ngày nào vẫn chịu khó mò đến đây để tìm lại hương vị đặc thù. Phải nói Phở Tàu Bay rất… hiếu khách. Gọi thêm nước béo, nhà phở đem ra cả tô chứ không bằng chén nhỏ như những tiệm khác. Tô đặc biệt của Tàu Bay lại là tô “Xe Lửa”, bánh và thịt trên mức hậu hĩnh.

(Hồi ức một đời người – Nguyễn Ngọc Chính)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngày xưa…ngày nay…Ngày xưa tánh nóng hung hăng,
Ngày nay ai chửi cũng nhăn răng cười.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Tôi xin mượn bài viết ngăn ngắn nầy nhắc lại một vài tiếng nói quen thuộc miền Nam. Tiếng mình nói khi còn thơ ấu đến lúc trưởng thành, nó tiềm tàng trong cốt não, khi có dịp dở lại trang sách cũ hay vào trang mạng ngày nay, tiếng nói đó nó gợi lại đời sống kỷ niệm năm nào, khơi dậy cái đạo lý, tập tục dính liền với lời nói hàng ngày đó. Qua nhiều năm sống trên đất lạ quê người mấy ai mà đôi khi không cảm thấy mình lạc loài, bơ vơ hơn Hạ Tri Chương trong “ Hồi Hương Ngẫu Thư”: “cười rằng ông đó mình ên. Quê ông đâu hả? lênh đênh xứ nầy!”:

Xa nhà từ lúc thanh sơ
Già đầu râu tóc lơ thơ mới về.
Nói cười không đổi giọng quê
Trẻ con nhìn ngó không hề biết quen
Cười rằng ông đó mình ên,
Quê ông đâu hả, lênh đênh xứ nầy?
Lìa quê đã lắm thu chầy,
Gần đây làng bạn hao gầy xác xơ
Hồ Gương trước cửa còn trơ,
Gió xuân nào có đổi dời sóng xưa
(Nam Mai Trinh Quốc Thuận diễn thơ)

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh – Trịnh Quốc Thuận)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search