T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: Những ca khúc ngọai quốc lời Việt (6)- Dòng Sông Xanh và Sóng Nước Biếc

clip_image002

 

Johann Strauss II (1825-1899)

 

Blue Danube (Dòng Sông Xanh), STRAUSS – Waves of the Danube (Sóng Nước Biếc), IVANOVICI

Trong bài kỳ trước, chúng tôi đã viết về bản Célèbre Valse của Johannes Brahms. Kỳ này xin được viết về hai bản “valse” nổi tiếng khác, mà một trong hai tác giả cũng chính là bạn thân của Brahms: Johann Strauss II, người đã để lại cho hậu thế bản Blue Danube bất hủ (tựa tiếng Pháp: Le Beau Danube Bleu, tựa tiếng Việt: Dòng Sông Xanh), và được tặng danh hiệu “Ông vua của điệu valse” (The Waltz King).

Trước khi viết về bản Blue Danube, thiết tưởng cũng nên có đôi hàng về thể điệu nhạc valse và thể điệu khiêu vũ valse.

“Valse” (tiếng Pháp, còn tiếng Anh viết là “waltz”) là điệu nhạc được viết theo nhịp 3/4 (đôi khi 3/8 hoặc 3/2), nhấn mạnh ở phách thứ nhất. Đây là điệu nhạc phổ biến nhất trong nền nhạc cổ điển cũng như nhạc dân gian ở các nước Âu châu, và đặc biệt sau này ở Hoa Kỳ.

Một trong những nguyên nhân khiến thể điệu nhạc valse được phổ biến là vì nhịp của nó có thể rất chậm, có thể vừa phải, mà cũng có thể thật nhanh; chậm thì êm ái khoan thai, chẳng hạn bản Célèbre Valse, nhanh vừa thì dặt dìu lả lướt, như bản One Day, thật nhanh thì vui tươi sống động, như bản Blue Danube.

Còn nói về thể điệu khiêu vũ, valse đã được ghi nhận là điệu “khiêu vũ ballroom” (ballroom dance) đầu tiên trên thế giới (ballroom dance được định nghĩa là “hình thức khiêu vũ với nhiều cặp tham gia, và tuân theo những nguyên tắc, quy luật chung của điệu khiêu vũ đó”).

Điệu khiêu vũ valse bắt đầu được phổ biến tại Đức vào giữa thế kỷ thứ 18, gọi là “Waltzer”, được biến cải từ điệu vũ “Lander” của dân du mục Bohemian. Tới đầu thế kỷ thứ 19, các chàng lính viễn chinh của Nã-phá-luân đệ Nhất khi trở về Pháp, đã mang theo điệu nhảy này, rồi từ Paris, valse được du nhập sang Anh Quốc, sau đó vượt Đại Tây Dương sang Hoa Kỳ.

Tới thập niên 1830, người Mỹ đã sáng tạo một điệu khiêu vũ mới để nhảy theo nhịp valse chậm, và được phổ biến một cách mau chóng. Đó là thể điệu “American Waltz”, còn được gọi là “American Slow Waltz”, hoặc đơn giản hơn là điệu “Boston”, tên thành phố xuất xứ của điệu khiêu vũ này.

Còn tại Âu châu, trong những năm đầu thế kỷ thứ 19, điệu khiêu vũ valse vẫn chưa mấy phổ biến trong giới thượng lưu, quý tộc, chưa kể còn bị các nhà đạo đức và những người có đầu óc bảo thủ kịch liệt đả kích, vì khi nhảy điệu này, một bàn tay của người đàn ông phải ôm lấy cái eo của người phụ nữ – một sự “tiếp xúc thể xác” không thể chấp nhận ở nơi chốn công cộng!

Hai người có công đầu trong việc phổ biến, và đưa điệu valse vào cung điện của các ông hoàng bà chúa là hai công dân Áo Joseph Lanner (1801-1843) và Johann Strauss I (1804 – 1849).

Joseph Lanner là một nhà soạn nhạc chuyên biệt cho các điệu vũ; ông đã cải biến valse từ một điệu nhạc, điệu vũ dân gian đơn giản thành một một điệu nhạc lôi cuốn, một điệu vũ lả lướt, cầu kỳ, rất được các thành phần thượng lưu trong xã hội ưa chuộng.

Trong khi Joseph Lanner có công cải biến, thì Johann Strauss I, một nhạc trưởng nổi tiếng của thời kỳ Lãng mạn (Romantic era), có công phổ biến.

Tới khoảng năm 1830, thể loại nhạc valse và điệu nhảy valse với nhịp thật nhanh do Joseph Lanner và Johann Strauss I khởi xướng bắt đầu làm mưa gió khắp nơi, và được gọi là Valse Viennoise (tiếng Pháp, còn tiếng Anh là Viennese Waltz), mà người Việt chúng ta thường gọi là Luân vũ thành Viên.

Phụ lục (1) Tales of the Vienna Woods (hòa tấu)

01-Tales Of The Vienna Woods – Mantovani

clip_image004

Johann Strauss I (1804 – 1849).

 

Johann Strauss I – còn được gọi là Johann Strauss Sr., hoặc Johann Strauss “Cha” – chính là thân phụ của Johann Strauss II, tức Johann Strauss Jr., hoặc Johann Strauss “Con” – tác giả của bản Blue Danube – Dòng Sông Xanh bất hủ.

Ngoài Johann Strauss “đệ Nhất” và Johann Strauss “đệ Nhị” nói trên, dòng họ Strauss còn có một tên tuổi khác đi liền với thể loại Luân vũ thành Viên là Johann Strauss “đệ Tam”, (tức Johann Strauss III), cháu gọi Johann Strauss “đệ Nhị” bằng “chú”.

Tuy nhiên, với hậu thế, mỗi khi nhắc tới cái tên “Johann Strauss” là mọi người nghĩ ngay tới Johann Strauss II (đệ Nhị), tức Johann Strauss “Con” – người được xưng tụng là Ông vua của điệu luân vũ (Waltz King).

Johann Strauss II ra chào đời năm 1825 tại thành Vienne, kinh đô đế quốc Áo và cũng là thủ đô âm nhạc của thế giới. Cậu bé yêu âm nhạc ngay từ ngày bắt đầu có trí khôn, nhưng cha cậu – tức Johann Strauss I – khi ấy đã là một nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng nổi tiếng, chỉ muốn trưởng nam của mình học hành để trở thành một vị giám đốc ngân hàng. Bởi thế, Johann Strauss II đã phải lén lút học vĩ cầm với Franz Amon, một nhạc sĩ trong ban nhạc của ông bố. Một ngày nọ, ông bố bất thần về nhà, nghe được tiếng con trai đang tập kéo vĩ cầm, thế là Johann Strauss “Con” bị một trận đòn nên thân. Khi bà mẹ can gián, Johann Strauss “Cha” đã trả lời rằng ông phải quất roi cho tới khi “con quỷ âm nhạc” ra khỏi người cậu bé!

Sau này, khi Johann Strauss II đã nổi tiếng, không ít người đã suy diễn: sở dĩ ngày trước Johann Strauss I cấm cản Johann Strauss II theo đuổi âm nhạc chỉ vì ông ta đã nhận ra tài năng thiên phú nơi cậu trưởng nam, nếu để cậu theo cùng một “nghề” thì chắc chắn sẽ xảy ra cảnh “con hơn cha”! Viết một cách đơn giản là Johann Strauss “Cha” ganh tị với Johann Strauss “Con”!

Tuy nhiên, theo các tác giả viết tiểu sử dòng họ Strauss thì Johann Strauss “Cha” cấm cản Johann Strauss “Con” theo đuổi âm nhạc chỉ vì ông không muốn con trai bước vào cái nghề cơ cực, bạc bẽo mà ông đang làm!

* * *

Trở lại với tuổi niên thiếu của Johann Strauss II, cái “rủi” của bà mẹ lại là cái “may” cho cậu bé. Nguyên vào năm Johann 14, 15 tuổi, ông bố khó tính (nhưng đa tình) của cậu đã bị cô nhân tình trẻ Emilie Trampusch ra tối hậu thư: một là bỏ nhà tới chung sống với cô ta, hai là chấm dứt!

Dĩ nhiên, Johann Strauss “Cha” đã nghe theo tiếng gọi của ái tình! Nhờ vậy, Johann Strauss “Con” mới được tự do theo đuổi âm nhạc với sự khuyến khích của bà mẹ.

Từ đó, Johann Strauss II theo học lý thuyết về hòa âm và đối điểm với Giáo sư Joachim Hoffmann, và thực tập hòa âm với nhà soạn nhạc Joseph Drechsler. Về vĩ cầm, cậu được nhạc sĩ Anton Kollmann của Nhà hát Cung đình thành Vienne (Vienna Court Opera) chỉ dạy.

Với sự đỡ đầu và giấy giới thiệu của ba vị thầy nói trên, vào năm 19 tuổi, Johann Strauss II, lúc ấy đã là một nhạc sĩ vĩ cầm xuất chúng, làm đơn xin giới hữu trách thành Vienne cấp giấy phép hành nghề. Thoạt tiên, Johann Strauss II thành lập một ban hòa tấu nho nhỏ để trình diễn các sáng tác của mình, cũng như các tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc khác, tại quán rượu (tavern) Zur Stadt Belgrad.

Mặc dù nhận biết và cảm phục tài nghệ của Johann Strauss “Con”, nhưng vì uy thế của Johann Strauss “Cha”, đã không có chủ nhân hí viện nào ở thành Vienne dám mời ban hòa tấu của Johann Strauss “Con” tới trình diễn, trừ Dommayer’s Casino ở quận 13.

Ngay sau lần trình diễn các sáng tác đầu tay của mình trong buổi ra mắt giới mộ điệu tại Dommayer’s Casino vào tháng 10 năm 1844, Johann Strauss II đã được các nhà phê bình không tiếc lời ca tụng, và khẳng định “con hơn cha”!

Tuy nhiên cũng phải đợi 5 năm sau (1849), sau khi thân phụ đột ngột qua đời vì bệnh thương hàn vào tuổi 45, Johann Strauss II mới được hoàn toàn tự do, thoải mái thi thố hết tài năng. Ông sát nhập ban nhạc của mình và ban nhạc của bố thành một dàn hòa tấu đại quy mô để đi lưu diễn, và nổi tiếng một cách mau chóng, không chỉ ở Đế quốc Áo – Hung, mà còn được mời sang Đức, Ba-lan, và tới tận kinh thành Petersburg của đế quốc Nga, nơi mà ông được mời trở lại trình diễn hàng năm trong suốt 10 năm, từ 1856 tới 1865.

Cuối thập niên 1870, Johann Strauss được mời sang trình diễn tại Hoa Kỳ. Tại đại hội âm nhạc Boston Festival, ông đã được mời điều khiển dàn đại hòa tấu và ban đại hợp xướng gồm trên 1000 người, có tên là “Monster Concert”, để trình bày các sáng tác của ông, trong đó có bản Blue Danube, sáng tác năm 1867.

Phụ lục (2) Blue Danube (hòa tấu)

02-Blue Danube – Johann Strauss [

* * *

Về cuộc sống tình cảm cá nhân, Johann Strauss kết hôn tương đối khá muộn (năm đã 37 tuổi) nhưng lại có tới ba đời vợ. Lần thứ nhất với nữ ca sĩ Jetty Treffz vào năm 1862. Mười sáu năm sau, Jetty qua đời vì bạo bệnh, Johann Strauss bước thêm bước nữa với nữ diễn viên Angelika Dittrich. Tuy nhiên, chẳng những hai tâm hồn đã không “đồng điệu”, Angelika lại còn có tật vô ý tứ, thiếu kín đáo, nên chỉ hơn 1 năm sau, Johann Strauss xin ly dị.

Sau đó, Johann Strauss chắp nối với Adele Deutsch, góa phụ trẻ của ông Hoàng Von Meyszner. Cuộc hôn nhân thứ ba này tuy không được Giáo hội Công giáo thừa nhận (vì người vợ trước – Angelika – vẫn còn sống), nhưng lại là cuộc hôn nhân hạnh phúc, tốt đẹp nhất của Johann Strauss. Chính nhờ sự khuyến khích, nâng đỡ tinh thần của Adele mà tài năng, óc sáng tạo của Johann Strauss đã được phát huy tới mức tối đa trong những năm cuối đời.

Về phần các đồng nghiệp, một trong những người ngưỡng phục Johann Strauss là Johannes Brahms. Mặc dù hai người hai khuynh hướng sáng tác khác biệt, họ rất quý mến nhau.

 

clip_image006

Johannes Brahms Johann Strauss

 

Trong cả tiểu sử của Johannes Brahms lẫn Johann Strauss đều ghi lại giai thoại thú vị sau đây:

Một ngày nọ, bà vợ Adele của Johann Strauss có dịp gặp Johannes Brahms và xin ông ký tên trên “cái quạt xin chữ ký” của mình.

Cũng nên biết vào thời ấy, giới phụ nữ quý tộc có cái “mốt” sưu tầm chữ ký của các nhà soạn nhạc tên tuổi, và theo thông lệ, nhà soạn nhạc bao giờ cũng ghi lên đó vài khuôn nhạc trích từ một tác phẩm nổi tiếng của mình, rồi mới ký tên. Vì thế, các bà các cô luôn luôn thủ sẵn một cái quạt giấy gọi là “quạt xin chữ ký” để chờ cơ hội.

Nhưng Johannes Brahms, khi được bà vợ Adele của Johann Strauss xin chữ ký, thay vì ghi nhạc của mình, ông lại ghi mấy khuôn nhạc trích từ bản Blue Danube của Johann Strauss, rồi viết ở phía dưới “Thật đáng tiếc, đây KHÔNG PHẢI là sáng tác của Johannes Brahms” (Unfortunately, NOT by Johannes Brahms) rồi ký tên… “Johannes Brahms”!

* * *

Về mặt sáng tác, Johann Strauss viết trên 500 tác phẩm đủ loại, trong đó có nhiều vở ca nhạc kịch ngắn (operetta) và những bản vũ ballet. Tuy nhiên, nổi tiếng nhất vẫn là thể loại Luân vũ thành Viên, trong đó có bản Blue Danube.

 

clip_image008

 

Cho tới nay, Blue Danube vẫn được ghi nhận là bản hòa tấu phổ biến nhất của nhân loại, nhưng xưa kia nó lại ra đời dưới hình thức một ca khúc.

Johann Strauss viết phần nhạc của bản này vào năm 1866, được thi sĩ Joseph Vey đặt lời, và đã được Ban đại hợp xướng thành Vienne trình diễn lần đầu năm 1867.

Hiện nay, Blue Danube (hòa tấu) được xem như “quốc thiều bán chính thức” của Áo quốc. Vào các đêm giao thừa dương lịch, đúng 12 giờ đêm, trong khi các nơi khác trên thế giới người ta hát, hoặc hòa tấu bản “Auld Lang Syne” (Au Revoir), thì tại Áo, theo luật định, tất cả các đài phát thanh, đài truyền hình sẽ đồng loạt phát đi bản Blue Danube.

Ngoài Blue Danube, Johann Strauss còn viết nhiều bản Luân vũ thành Viên bất hủ khác, như Tales from the Vienna Woods (1868), Roses from the South (1880),Voices of Spring (1883), và Emperor Waltz (1889) nhân dịp Hoàng đế Franz Josef của Áo công du nước Đức quốc.

Ngày nay, các buổi hòa nhạc tân niên theo truyền thống tại thủ đô Áo quốc, do dàn đại hòa tấu Vienna Philharmonic Orchestra trình diễn, luôn luôn được mở đầu bằng bảnVoices of Spring, và kết thúc với Blue Danube.

Phụ lục (3) Voices of Spring (hòa tấu)

03-voices of spring waltz

Riêng bản Blue Danube, ngày ấy do ảnh hưởng sâu đậm của ngôn ngữ và văn hóa Pháp tại Việt Nam, đã được phổ biến tại Hòn ngọc Viễn đông dưới tựa tiếng Pháp là Le Beau Danube Bleu (Dòng sông Danube xanh, đẹp). Sau đó đã được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Dòng Sông Xanh.

 

clip_image010

Dòng Danube xanh lơ

 

Theo ký ức của chúng tôi, vào những năm giữa thập niên 1960, “thần đồng” Thiên Hương đã hát bản này rất đạt. “Thiên Hương” nhắc tới ở đây là cô em út của ba chị em ca sĩ Hồng Thiện, Đăng Lan, Đặng Đức Hiếu, chứ không phải “nữ ca sĩ Thiên Hương” (Tôn Nữ Thị Thiên Hương) sau này thành danh ở Pháp với cái tên nửa Anh nửa…Tàu “Tiny Yong”.

Rất tiếc, mặc dù có một giọng thiên phú cao vút, Thiên Hương cũng giống như bà chị cả Hồng Thiện, chỉ ca hát tài tử. Cho nên trước năm 1975, trong số các nữ ca sĩ nổi tiếng ở miền Nam, hình như chỉ có Thái Thanh – người có một giọng cao vút – thu băng ca khúc bất hủ này.

Phụ lục (4) Dòng Sông Xanh (Thái Thanh)

04 – Dong song xanh

Johann Strauss II qua đời tại thành Vienne năm 1899, thọ 73 tuổi. Theo di chúc, ông được an táng bên cạnh Johannes Brahms, qua đời trước ông 2 năm, tại Nghĩa trang Trung ương (Zentrafriedhof) thành Vienne, cũng là nơi an giấc nghìn thu của Beethoven, Schubert, và… Johann Strauss I – ông bố ngày xưa đã thất bại trong cố gắng tống khứ “con quỷ âm nhạc” ra khỏi người cậu trưởng nam!

Mộ bia của Johann Strauss II là một công trình điêu khắc tuyệt vời. Phía trên là chân dung nổi của ông, rồi tới các thiên thần đàn hát, và phía dưới là tượng nữ thần âm nhạc với cây đàn lia (lyre).

Ba mươi mốt năm sau (1930), Adele Deutsch (người vợ sau cùng của Johann Strauss II) qua đời và được an táng chung một huyệt mộ với chồng.

Ngoài bia mộ, còn có pho tượng mạ vàng nổi tiếng của Ông vua Luân vũ (Waltz King) đang kéo vĩ cầm, đặt tại công viên Stadpark của thành Vienne.

* * *

Tới đây, chúng tôi viết về bản valse nổi tiếng thứ nhì trên thế giới, cũng viết về dòng sông Danube. Đó là bản Waves of the Danube (tiếng Pháp: Flots du Danube – Những con sóng trên sông Danube), được nhạc sĩ Phạm Đình Chương đặt tựa tiếng Việt là Sóng Nước Biếc.

 

 

clip_image012osif Ivanovici (1845 1902)

 

Tác giả của bản valse này là Iosif Ivanovici, một nhà soạn nhạc kiêm trưởng ban nhạc nổi tiếng của Romania (Lỗ-mã-ni). Ông sinh năm 1845 và mất năm 1902.

Ivanovici tự học nhạc từ nhỏ, khởi đầu với cây sáo được tặng làm quà sinh nhật. Sau khi gia nhập Trung Đoàn 6 Lục Quân, ông học thổi kèn clarinet. Tuy tự mò mẫm nhưng nhờ có khiếu, Ivanovici đã trở thành tay kèn số 1 của Trung Đoàn. Từ đó, ông đã được nhạc sư Emil Lehr, một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của hậu bán thế kỷ 19, chỉ dạy thêm.

Sau khi xuất ngũ, Ivanovici thành lập một ban nhạc để đi lưu diễn khắp nơi. Năm 1900, Ivanovici được trao chức vụ Trưởng ngành Quân nhạc Romania, và giữ chức vụ này cho tới khi qua đời.

Mặc dù sự nghiệp của Ivanovici gồm trên 350 nhạc khúc viết cho các điệu vũ, được 6 nhà xuất bản trên thế giới ấn hành, nhưng chỉ cần một bản Waves of the Danube cũng đã đủ để ông lưu danh kim cổ.

Với người yêu nhạc, một khi nhắc tới Blue Danube, không thể không nhắc tới Waves of the Danube; đến nỗi không ít người đã lầm tưởng hai sáng tác này là của cùng một tác giả (Johann Strauss)!

Johann Strauss và Iosif Ivanovici – một người ở đầu sông, một người ở cuối sông, cùng viết về một dòng sông – dòng sông đã gắn liền với sự hình thành và lịch sử thăng trầm của hàng chục quốc gia Âu Châu, đã ăn sâu vào tâm tư tình cảm của bao thế hệ – dòng sông mà Nã-phá-luân đệ Nhất đã xưng tụng là “vua của các dòng sông” (the king of rivers).

Bắt nguồn từ rừng Hắc Lâm (Black Forest) ở Đức và đổ ra biển Hắc Hải (Black Sea) qua cửa Thiết Môn (Iron Gate) ở biên giới Romania-Serbia, Danube là dòng sông giới tuyến của 10 quốc Âu châu, gồm Đức, Áo, Slovakia (trước kia thuộc Liên Bang Tiệp Khắc), Hung-gia-lợi, Croatia, Ukraine, Bảo-gia-lợi, Moldavia, Romania, và Serbia.

Với chiều dài gần 3.000 cây số, sông Danube chảy qua hàng trăm lâu đài, thành quách, tu viện, thánh đường cổ kính, 14 thành phố thơ mộng, trong đó có 4 kinh đô: Vienne (Áo), Bratislava (Slovakia), Budapest (Hung-gia-lợi), và Belgrade (Serbia).

 

clip_image013

Black Forest – Thượng nguồn sông Danube

 

Một trong những điểm khác biệt giữa hai bản valse nổi tiếng viết về dòng sông này là: khi chảy qua thành Vienne, dòng sông còn êm trôi cho nên nét nhạc của bản Blue Danube cũng êm đềm, dìu dặt; sau gần 2 nghìn dặm, gần tới cửa Thiết Môn ở biên giới Serbia-Romania thì cuồn cuộn sóng, cho nên tiếng nhạc của Waves of the Danube cũng réo rắt, dồn dập theo…

Waves of the Danube được xuất bản lần đầu vào năm 1880, với lời đề tặng của Ivanovici cho Emma Gebauer, vợ của nhà xuất bản nhạc Constantin Gebauer ở Bucharest, thủ đô Romania.

Năm 1886, Waves of the Danube được nhà soạn nhạc Emile Waldteufel soạn hòa âm cho dàn đại hòa tấu, và tới năm 1889 tham dự cuộc thi hành khúc (march) tại Hội chợ quốc tế Paris (Paris Exposition) với tựa tiếng Pháp Flots du Danube, đoạt giải nhất trong số 116 nhạc khúc dự tranh, và lập tức trở thành một hiện tượng tại Kinh thành Ánh sáng.

Mấy năm sau (1896), khi hãng đĩa hát Pathé của Pháp được thành lập, bản Flots du Danube dưới dạng hành khúc (march), do dàn nhạc của Vệ binh Cộng hòa Paris (Garde Républicaine de Paris) hòa tấu, đã được thu vào “đĩa 120 vòng”, là loại đĩa hát xưa nhất, trước khi có đĩa 78, 45 và 33 vòng.

Phụ lục (5) Flots du Danube (Garde Républicaine de Paris, 1896)

05-les flots du Danube

Phụ lục (6) Waves of the Danube (André Rieu, 2011)

06-waves of danube-andre-rieu

Cũng trong 1896, Waves of the Danube được xuất bản tại Hoa Kỳ, và sau đó trở thành bản valse được ưa chuộng nhất tại quốc gia này, thường được gọi một cách đơn giản là “Danube Waves Waltz”.

Bước sang thế kỷ thứ 20, tới năm 1946, Danube Waves Waltz được nhà soạn nhạc Saul Chaplin cải biến phần nhạc và đặt lời với tựa “The Anniversary Song” do nam ca sĩ Al Jolson thu đĩa. Vì thế, The Anniversary Song đã được người Mỹ xem là “của riêng”, được nằm trong danh sách “di sản” tại Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ, và trở thành ca khúc không thể thiếu trong những dịp kỷ niệm ngày cưới, được hầu hết các danh ca như Bing Crosby, Rosemary Clooney, Frank Sinatra, Andy Williams… thu đĩa.

Phụ lục (7) Anniversary Song (Andy Williams)

07-Anniversary Song – Andy Williams

Nhân tiện cũng xin lưu ý độc giả ở Hoa Kỳ không nên lẫn lộn The Anniversary Song (mở đầu bằng câu: Oh, how we danced on the night we were wed…) với một ca khúc khác cũng của Mỹ có tựa là The Anniversary Waltz.

Trở lại với nhạc khúc Waves of the Danube nguyên thủy, đây là một bản hiếm hoi của thời kỳ Lãng mạn mà về sau được cả tới những ban nhạc “rock” khai thác. Trong số này, độc đáo nhất phải kể tới bản do ban hòa tấu Takeshi Terauchi & The Bunnys của Nhật trình bày. Takeshi Terauchi là một tay đàn ghi-ta điện nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực sử dụng kỹ thuật điện tử để đem lại cho cây ghi-ta điện những âm thanh độc đáo, lạ thường.

Phụ lục (8) Danube Waves Waltz (Takeshi Terauchi & The Bunnys)

08-Danube_Wave_Waltz

Riêng tại Việt Nam xưa kia, Waves of the Danube đã được giới yêu nhạc ngoại quốc biết tới với tựa tiếng Pháp Flots du Danube, và tới cuối thập niên 1950 đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương đặt lời Việt với tựa Sóng Nước Biếc.

Phụ lục (9) Sóng Nước Biếc – Hải Lý

09– Les Flots du Danube

 

 

PHỤ LỤC:

 

(1) Tales of the Vienna Woods Mantovani Orchestra

https://t-van.net/wp-content/uploads/2012/04/01-Tales-Of-The-Vienna-Woods-Mantovani.mp3

(2) Blue Danube (original version) Vienna Philharmonic Orchestra

https://t-van.net/wp-content/uploads/2012/04/02-Blue-Danube-Johann-Strauss-.mp3

(3) Voices of Spring (original version) Vienna Philharmonic Orchestra

https://t-van.net/wp-content/uploads/2012/04/03-voices-of-spring-waltz.mp3

(4) Dòng Sông Xanh (Phạm Duy) – Thái Thanh

https://t-van.net/wp-content/uploads/2012/04/04-Dong-song-xanh.mp3

(5) Flots du Danube – Garde Républicaine de Paris (1896)

https://t-van.net/wp-content/uploads/2012/04/05-les-flots-du-Danube.mp3

(6) Waves of the Danube André Rieu (2011)

https://t-van.net/wp-content/uploads/2012/04/06-waves-of-danube-andre-rieu.mp3

(7) Anniversary Song – Andy Williams

https://t-van.net/wp-content/uploads/2012/04/07-Anniversary-Song-Andy-Williams.mp3

(8) Danube Waves WaltzTakeshi Terauchi & The Bunnys

https://t-van.net/wp-content/uploads/2012/04/08-Danube_Wave_Waltz.mp3

(9) Sóng Nước Biếc (Phạm Đình Chương) – Hải Lý

https://t-van.net/wp-content/uploads/2012/04/09-Les-Flots-du-Danube.mp3

Hoài Nam

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search