T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

TV&BH : Giải Nobel Văn Chương 2012 về tay một nhà văn Trung quốc

clip_image001

Mạc Ngôn (Mo Yan ), tác giả một số tác phẩm khá quen thuộc với độc giả Việt Nam ( trong nước ) như “ Báu vật của đời “, “ Cao Lương đỏ “, “ Cây tỏi nổi giận “ v..v.. đã được Hàn Lâm Viện Thụy Điển chọn là người nhận giải thưởng Nobel Văn Chương năm 2012, vì những tác phẩm mang tính “ chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đã kết hợp được những truyện kể dân gian, lịch sử và con người đương thời “.

Ngược hẳn với trước đây khi năm 2000 giải Nobel Văn Chương được trao cho nhà văn Cao Hành Kiện tuy cũng là người Trung quốc nhưng lại sống lưu vong ở Pháp và mang quốc tịch Pháp hay năm 2010 giải Nobel Hòa Bình được trao cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba lúc ấy đang ngồi tù vì tội tuyên truyền chống chế độ, cái tin nhà văn Mạc Ngôn được trao giải Nobel Văn Chương năm 2012 được các giới truyền thông báo chí nhà nước cộng sản Trung quốc hoan hỉ đón nhận và có những phản ứng rất “ trung quốc “, hay đúng hơn “ rất cộng sản”.

Truyền hình nhà nước cộng sản Trung quốc, ngay sau khi thông báo tin về giải thưởng, đã bình luận những câu rất quen thuộc với người dân những nước cộng sản “ Trung quốc đang mỗi ngày tranh thủ được rất nhiều sự kính nể của thế giới. Chúng ta có thể nói rằng giải thưởng ( Nobel về Văn Chương ) không phải chỉ trao tặng cho nhà văn Mạc Ngôn mà là cho tòan thể nhân dân Trung quốc.

Người dân Việt Nam hẳn sẽ liên tưởng ngay đến sự ầm ĩ của guồng máy tuyên truyền nhà nước cộng sản Việt Nam nhân sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu đọat giải thưởng Tóan Học Fields năm 2010 hoặc Dương cầm thủ Đặng Thái Sơn đọat giải nhất cuộc thi piano quốc tế Federic Chopin năm 1980 ở Ba Lan.

Mạc Ngôn còn khá trẻ, năm nay ông mới 57 tuổi. Viết văn từ năm 26 tuổi trong lúc ở quân ngũ. Hiện nay, Mạc Ngôn là phó chủ tịch hội nhà văn Trung quốc , nổi tiếng với thái độ tránh né việc trực diện phê bình chính sách kiểm duyệt, sự đàn áp các nhà văn chống đối chế độ của giới cầm quyền Trung quốc. Ông tên thật là Quản Mạc Nghiệp (Guan Moye), Mạc Ngôn chỉ là bút danh, có ý nghĩa là “ không nói “. Người ta cho rằng sự lựa chọn bút danh của ông hàm một ý nghĩa sâu xa trong cách hành xử của chính ông .

Lựa chọn của Hàn Lâm Viện Thụy Điển cho giải Nobel Văn Chương năm nay đã nhận được sự phê bình của một số người cho rằng “ Hàn Lâm Viện đang cố tìm kiếm sự chiếu cố của nhà cầm quyền Bắc Kinh và khôi phục lại hình ảnh về giải Nobel trong tâm tưởng người dân Trung quốc “.

Ông Peter Englund, Thư Ký Thường Trực của Ủy Ban xét giải, đã biện minh rằng “ Đây là một giải thưởng văn chương, có nghĩa là nó chỉ dựa trên nền tảng văn chương mà thôi. Ngòai ra, chúng ta không thể để những thứ không phải văn chương dính dáng vào.”

Dầu vậy, ngay sau khi giải được công bố, trang mạng chính thức của Ủy Ban trao giải Nobel tràn ngập những “ góp ý “ bằng chữ Tàu, hoặc bằng tiếng Anh, Đức , Pháp nhưng tên người viết cho thấy họ là người Trung quốc, với những nhận xét phần lớn là khen ngợi sự lựa chọn của ủy ban trao giải. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên cả. Có thể là người dân Trung quốc rất hãnh diện về kết quả trao giải, và/hoặc các cán bộ văn hóa của đảng cộng sản Trung quốc đang làm nhiệm vụ một cách cần mẫn.

Về phía nhà văn Mạc Ngôn, khi giải được công bố thì ông đang ở thành phố nơi ông sinh trưởng, Cao Mật, tỉnh Sơn Đông. Mỗi năm ông đều chọn thời gian này về quê an dưỡng, tập trung vào việc đọc và viết, đồng thời thăm viếng người cha già yếu. Trả lời phỏng vấn, Mạc Ngôn nói “ Được giải hay không được giải, tôi thực sự không quan tâm. Tôi vẫn cứ sẽ tiếp tục con đường mình đã chọn, hai chân trên mặt đất, mô tả đời sống nhân dân, mô tả tâm tình nhân dân, từ góc độ của một người dân bình thường”.

clip_image003clip_image005

Những tác phẩm của Mạc Ngôn đã được dịch sang tiếng Anh, Nga, Pháp. Đức và một số ngôn ngữ khác. Khá nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn đã được dịch sang tiếng Việt nên độc giả Việt Nam không xa lạ gì với ông. Đặc biệt, tác phẩm “ Ma Chiến Hữu “ của Mạc Ngôn được xuất bản năm 2008 ở Việt Nam , nói về cuộc chiến tranh biên giới 1979 giữa Việt Nam và Trung quốc đã gây nên nhiều tranh cãi trong giới văn học trong nước .

T.Vấn & Bạn Hữu

Ngày 11 tháng 10 năm 2012

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search