T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Đức Nhì : Những bài thơ về . . . Thơ

 

Mở – Tranh : Trần Thanh Châu

HOA DẠI

(  Tâm sự một nhà thơ )

Tôi là loài hoa dại

mọc bên đường

tỏa sắc hương

dịu lòng những ông bố trên đường đến xưởng

những bà mẹ đi thăm ruộng

trở về

tôi thêm nét vui tươi cho cô gái quê

xách làn đi chợ

các cô cậu học trò

mặt mày hớn hở

cười với tôi mỗi buổi đến trường

tôi đứng đây

mở lòng đón gió bốn phương

để thêm sắc thêm hương

cho người đời thêm đẹp dạ

 

bạn đừng tưởng đời tôi êm ả

như mặt nước hồ

tôi đã bao phen nghiêng ngả

trước những trận gió to

 

có lúc thân tôi xác xơ

tả tơi từng cánh

lá rụng phấn bay

lịm dần trong đêm lạnh

nhưng nghĩ đến ngày mai

tôi gượng dậy mỉm cười

 

nhưng nếu lúc này bạn ngỏ ý mời tôi

đến ngôi nhà sang trọng

dành cho tôi chỗ ngồi ấm cúng

có kẻ chăm lo trẩy lá tỉa cành

tôi vẫn lắc đầu nhìn dưới chân mình

mảnh đất nhỏ tôi vô cùng yêu mến

 

tôi sống không phải để riêng ai âu yếm

sắc hương này tôi muốn sẻ chia

cho tất cả mọi người

từ em bé ngây thơ

đến các cụ già trăm tuổi

 

và nếu nơi đây nước dâng bão nổi

tấm thân này tan nát

cuốn muôn nơi

tôi vẫn vui bởi phấn nhụy của tôi

sẽ mọc lên

trăm ngàn cây hoa mới

(Thi sĩ, ngoài kiến thức về văn học, kỹ thuật thơ ca còn cần phải có lòng dũng cảm – dám viết thật lòng mình bất kể bạo quyền hay danh lợi.) (Phạm Đức Nhì)

CHÈ  ĐƯỜNG

( Vị ngọt của thơ ca )

Tôi thích chè

chè ngọt bởi có đường

đường ít, chè không đủ ngọt, không ngon

đường nhiều, ngọt lợ, ăn gắt cổ

 

nấu chè ngon do đó,

cũng cần có tài

ngoài việc phải biết chọn các thứ đậu, dừa, bột, nếp,

các thứ khoai

( thứ nào nấu với thứ nào

liều lượng bao nhiêu thì hợp )

còn phải biết nêm đường cho vừa ngọt

 

chè có món có thể nêm đường kha khá

có món ít đường một chút cũng không sao

nhưng đã là chè thì phải có đường

nấu chè nếu không nêm đường

thì chè sẽ không còn là chè nữa

mà thành món khác.

( Vần và (hoặc) nhịp điệu tạo nên vị ngọt của thơ ca. Nó là những cái “móc” để giúp nối những chuỗi hình ảnh, sự kiện tạo nên cảm xúc của tác giả và – qua bài thơ – trở thành một thứ “thuốc dẫn” giúp những chuỗi hình ảnh, sự kiện ấy đi vào tâm hồn đọc giả một cách dễ dàng hơn.

Trong những bài thơ thành công cái “thuốc dẫn” này giúp cảm xúc vận chuyển thành một dòng chảy, chảy trong tâm hồn người đọc. Nhấm nháp được chút vị ngọt này người đọc sẽ bỏ bớt sự cẩn trọng thái quá (như khi đọc một hợp đồng, một án quyết), tạm thời gác lý trí qua một bên, để có thể tiếp cận bài thơ một cách nhẹ nhàng thoải mái, cho trái tim trần trụi của mình đối diện với hồn thơ của tác giả.

Tuy nhiên, cũng như đường trong chè, ít quá thì không đủ ngọt, nhiều quá thì ngọt lợ ăn gắt cổ; ngoài ý tứ, ngôn từ, hình ảnh, việc xử dụng vần điệu đúng liều lượng để thơ ca có vị ngọt vừa phải cũng là một tài năng của tác giả.)( Phạm Đức Nhì )

 

COI  CHỪNG LẦM  TO    

Thái tử Charles ôm công nương Diana

trên chiếc giường nệm êm ái (1)

Chí Phèo làng Vũ Đại (2)

chẳng cần giường

mà đè Thị Nở ngay bên gốc chuối

nếu chỉ dựa vào độ hiện đại

của chiếc giường

để đoán cô gái nào sướng hơn

có khi bạn lầm to.

(1) Trong nhật ký của mình công nương

Diana chê thái tử Charles “làm”  không đã.

(2) Chí Phèo (Chí Phèo, Nam Cao) thì ngược lại.

(Không phải cứ làm thơ theo trào lưu văn học mới

là thơ hay hơn, có giá trị hơn. Thơ hay còn tùy thuộc

vào những yếu tố khác. ) (Phạm Đức Nhì)

 

ĐỪNG  ĐỂ  CƠM  ÔI

Chị Cả sợ cơm ôi

chờ nước sôi

mới đổ gạo vào nồi

rồi chị khơi lò, trở củi

để ngọn lửa cháy đều, cháy mạnh

cho đến lúc nồi cơm cạn nước

“Cơm sôi cả lửa thì ngon”

câu ca dao mẹ dạy

chị vẫn còn ghi nhớ

 

qua chuyện ái ân chồng vợ

chị với anh đã ăn ý rõ ràng

phải đâu đó sẵn sàng

mới cho chốt nhập cung

và rồi tấn công dồn dập, tưng bừng

cho đến lúc gạo thành cơm vừa chín tới

 

bài thơ anh đang viết

chị nhắc anh đoạn kết

đừng như nồi cơm ôi.

(Mỗi chữ, mỗi câu trong bài thơ phải đóng một vai trò nào đó, phải có một nhiệm vụ nào đó và phải hoàn thành cái nhiệm vụ đó của mình – giống như mỗi thanh củi trong bếp phải cháy, phải góp lửa để tổng hợp lại, có sức nóng cần thiết nấu đến lúc nồi cơm cạn nước. Đừng cho vào bếp những thanh củi không bắt lửa, không thể cháy, hoặc cháy mà tỏa nhiệt ít. Hãy chọn những thanh củi khô, dễ bắt lửa, cháy đượm và tỏa nhiệt nhiều. Hơn thế nữa, phải khơi lò, xếp củi như thế nào để thông gió, lửa từ thanh củi này bắt sang thanh củi khác, cháy đều để cùng tạo nhiệt nấu sôi nồi nước hoặc chín nồi cơm. Câu chữ trong bài thơ phải chọn lựa thế nào để có thể khơi gợi tối đa cảm xúc trong lòng đọc giả, phải nối kết nhau để lượng cảm xúc khơi gợi được ở câu trước có thể cộng chung với lượng cảm xúc khơi gợi được ở câu sau và cứ “sóng sau dồn sóng trước” nối tiếp cho đến câu cuối cùng của bài thơ.

Nấu cơm đừng để cơm ôi.

Làm thơ đừng để hết hơi cuối bài.) (Phạm Đức Nhì)

BỆNH  NAN Y

Bác sĩ khám tổng quát

cho nhân viên một công ty

thấy đa số mắc một chứng bệnh lạ kỳ

bệnh Teo Hòn Dái

người bệnh ăn ngủ ỉa đái

vẫn bình thường

không nhiễm trùng, không sốt, không nhức xương

không đau bắp thịt

đi đứng nằm ngồi

cũng giống như bao người khác

chỉ thỉnh thoảng trong lúc làm ra và giới thiệu sản phẩm

mặt lại tái xanh

tim đập nhanh

mắt nhìn quanh lấm lét

lúc ấy hòn dái teo đét

chỉ bằng hạt tiêu

trên người

mồ hôi

vã ra như tắm

công ty ấy không sản xuất hàng công nghệ

không kinh doanh hàng ăn

mà chỉ làm ra tượng, tranh

và nhiều mặt hàng liên quan đến chữ viết

đó chính là Hội Nhà Văn

nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

 

trên đường giao lưu thơ văn

gặp những cây bút hiện ở Việt Nam

các bạn tôi

bắt tay người này khen chữ dùng sang cả

vỗ vai bác kia khen ý hay tứ lạ

có sáng kiến trong làm mới thể thơ

riêng tôi gặp họ

chỉ thích nắn sờ

hai hòn dái.

(Thi sĩ mà mắc bệnh Teo Hòn Dái thì rất nhiều lúc, trong rất nhiều thi tứ, không dám viết thật lòng mình. Muốn làm thơ hay, có hồn, thì ngoài kỹ thuật thơ ca điêu luyện, thi sĩ phải hoàn tất việc chữa trị chứng bệnh Teo Hòn Dái của mình để những lúc thi hứng ập đến có thể viết ra những vần thơ chân thật.) (Phạm Đức Nhì)

Phạm Đức Nhì

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search