T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

HươngKiềuLoan: Chút Bất Thường

clip_image001

Gỗ cũng biết cười

(Tượng gỗ tạo bởi Người điêu khắc)

( Trích Rong Bút : Theo Những Bước Chân)

Một chiều lang thang bên con sông, đi về phía đông, phía này có những ngôi nhà rất đẹp ở ven sông và có hai ba công viên, thấy bức tượng gỗ này, tôi bèn thâu vào ống kính, nhưng chỉ là thu lại làm tài liệu. Tôi không có sự thích thú như khi thâu được những hình ảnh bất thường mà mình nhìn được ra. Như kẻ đi tìm ngọc trong đá, tìm gỗ Trầm trong rừng cây bạt ngàn.

Tôi đã “shot” được bức ảnh ” Thống Khổ” ở triền dốc nơi bờ sông phía tây, là nơi tôi thường đi bộ mỗi ngày, đã mòn cả bao đôi giầy!

clip_image002

(Thiên nhiên điêu khắc)

Khi thâu bức “tượng” này, tôi đã zoom nó từ xa, đứng trên bờ sông, nhìn gốc cây bị chặt đến gần tận gốc, nằm ở triền dốc xuôi xuống gần nơi có nước, không có gì để có thể bám víu được nếu bị trượt chân khi xuống gần đấy, tôi không dám xuống. Nơi này tôi đã đi bộ từ bao năm trước, những năm đó không chơi nhiếp ảnh, tôi đi bộ vì muốn xuống cân, nên thường mang theo cái CD nhỏ, để nghe nhạc cho khỏi nhàm chán. Bên bờ sông, mé xuống dòng nước, những loại cây dại mọc hoang, cao cả gần 2 thước, nhờ chúng che bóng nắng, nên cũng đỡ khi tôi đi bộ về trễ giữa trưa. Thế rồi có một năm, nhân viên của thành phố, chặt hết những cây to này, để lại bên bờ sông toàn là sỏi đá. Những gốc cây “Thống Khổ” khá lâu đời, họ chỉ có thể chặt gần sát gốc, mà không lôi rễ lên được, vì nơi chúng mọc là đất và rất nhiều đá. Nhổ một cây hoa dại đã khó, huống chi những cây đã mọc lâu đời. Thế đất lại dốc, không thể đứng làm việc được, người hay máy sẽ lộn nhào xuống sông thôi. Những năm đó, không hạn hán, mực nước sông dâng cao, mênh mông, nhìn rất đáng sợ.

Thế rồi thời gian và mưa gió soi mòn các gốc cây này. Tôi còn nhớ có một hôm, lúc đi dọc theo bờ để đến cuối chặng đường, vào mùa đông, khung cảnh thật nhàm chán, một bên là những bãi cỏ khô cháy, một bên là bờ đá, chỉ còn những gốc cây chết đã bao năm. Nhưng từ những gốc cây chết đó, tôi đã nhìn ra được rất nhiều hình dáng : người và thú vật. Cây cũng có hồn sao? Sau khi đã bị đốn cụt,lại còn bị rải thuốc độc để trừ khử, không cho cây nẩy mầm non được từ gốc.

Khi “shot” bức Thống Khổ–vì đứng từ xa, tôi chỉ nhìn thấy một hình người kêu than đau đớn. Nhưng khi về nhà, lúc coi hình trên màn ảnh của computer, tôi đã nhìn ra đến 6, 7 người trong gốc cây chết đó. Anh Thanh Hoàng ở Canada khi xem hình, đã kêu lên: “Tôi nhìn thấy ba đầu người trong gốc cây chết đó.” Tôi nhớ năm trước đã nói với anh: “Không phải chỉ ba đâu, mà đến 6, 7 mặt người cơ.”

Nhưng hôm qua, khi xem lại, tôi lại chỉ thấy được có 5, 6 thôi. Không khác chi ngày tôi chụp những gốc cây này. Thật kỳ lạ, hôm đó tôi nhìn thấy rất nhiều hình thù người, vật, qua những gốc cây chết đó, hình tạo vật rất rõ ràng. Chỉ tiếc rằng chụp được ít tấm thì máy hết pin, vì hôm trước đi chơi nơi khác đã “shot” quá nhiều hình.

clip_image003

Khi đi hết một lượt, lúc về, trời đã xẩm tối, tôi không thể đổi máy ảnh để quay lại dòng sông được nữa. Ngày hôm sau, tôi chuẩn bị mang hai máy nhỏ, đi lại con đường vẫn đi, và kỳ lạ, thật kỳ lạ! Tôi không còn nhìn được những gốc cây có linh hồn đó nữa, tôi nghĩ nó có linh hồn, vì hôm trước nhìn chúng là các hình thể có tên rõ ràng: Con thỏ, cái ấm nước, v..v…, vật như có hồn. Hôm sau, chúng vẫn ở đấy, bởi không ai có thể nhổ chúng lên được, và cũng chả ai cần, hay muốn làm điều đó. Tôi cứ chong mắt tìm …, và chúng thì che mắt tôi!

Chặng đường về, tôi bèn đi quay lưng, đi ngược một quãng xem sao, lúc đó tôi mới nhìn ra mấy gốc cây chết có hình thù. Kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên, và đã nghĩ vạn vật, dù là thân củi mục, hay tảng đá bên đường, v…v…, chúng không phải vật vô tri. Nếu giữa người và vật có sự cảm thông nào đó, ta sẽ nhìn được ra chúng với những nét đẹp trời đã ban cho muôn loài.

clip_image004

Với tôi, thu vào ống kính những ngoại cảnh đã đẹp sẵn không có gì là khó, và thử thách, ai đến đấy, chụp nhiều, cũng có thể lọc ra được ít ảnh đẹp, hơn nhau một chút ở máy nhà nghề hay máy kiểu tài tử, và biết sử dụng máy ảnh của mình một tý, nhất là những người may mắn định cư ở những thành phố có nhiều phong cảnh đẹp sẵn như VA, CA, Fl,…thì chắn chắn nếu thích chơi nhiếp ảnh, thế nào cũng có các ảnh đẹp.

clip_image005

clip_image006

Tôi thích ghi lại những thứ thật tầm thường trong đời sống hàng ngày. Chúng như gần gũi với tôi hơn. Những chậu hoa trồng trong vườn, có chậu bị vài cây dại mọc chen lẫn, nhiều lần tôi muốn nhổ chúng, để chậu hoa được tươm tất như ý muốn, nhưng hình như chúng cố khoe cái vẻ đẹp nhỏ nhoi của chúng, để tôi không nỡ xuống tay.

clip_image007

Thế rồi tôi cho cây dại này sống đến tận mùa đông, nó cho tôi thêm mấy bức ảnh nữa. Năm nay tôi xới đất lại, trộn đất mới, không thấy nó bén mảng vào chậu hoa nào nữa.

Chắc đến với nhau một lần như thế cũng đã đủ rồi chăng?

clip_image008

clip_image009

clip_image010

Bức ảnh này cho tôi hai tiêu đề: Thong Manh Một Bên ( mắt). Nhìn một mắt như có màng trắng che, bên kia con mắt coi “khôn” hơn.

Ngoài ra tôi còn thấy cái miệng ăn vụng tèm lem, nên gốc cây chết này có thêm một tiêu đề khác: “Ăn, không chịu chùi miệng“. Chắc nó sẽ oán tôi khi mang nó ra bêu xấu như thế này!?

Còn nhiều gốc cây khác cho tôi những bức ảnh “ma quái”.

clip_image011

clip_image012

Tôi chụp bức ảnh này đã ba năm, ngày mới bắt đầu thú chơi nhiếp ảnh, với chiếc máy nhỏ khiêm nhường, nó theo tôi khắp mọi nơi, và đã cho tôi những bức hình trên. Gốc cây này ở một hồ khá gần nhà, vào ngày gió lớn, tôi bị bay chiếc khăn quàng cổ, lúc đó khăn chưa trôi ra xa. Tôi vội lội xuống nước mong để với lại được cái khăn đẹp và hiếm. Ngày đã gần tàn, áng chiều soi bóng vàng trên nước, dưới là cát, bất chợt tôi nhìn thấy một chồi của gốc cây chết, có nét cuời ma quái, liền vội thâu hình ngay, chắc hồn cây đang cười vì chiếc khăn quàng đẹp của tôi đã bay tới giữa hồ! ?

Thôi đành giã từ chiếc khăn, thời gian đó tôi có một cô bạn khá thân, nhưng cái ngã của người lớn quá, nên tôi xa dần… Bất giác khi nghĩ đến chiếc khăn mỏng nhẹ bay xa, giống như một tình cảm đẹp từ bao năm nay vụt mất. Khi ta “buông” được, tâm hồn lại xanh tươi như một thuở nào. Niềm vui lại lấp lánh sáng.

clip_image013

Thời gian tôi đau ốm, nhìn đâu cũng thấy cảnh buồn. Những người chạy bộ ven sông đã nhìn tôi ngạc nhiên khi thấy tôi chỉa chiếc máy ảnh nhỏ vào bụi cây chết bên đường, có gì đẹp để thâu hình? Nhưng tôi đã thấy chính mình trong đó. Tôi muốn thoát khỏi tử thần, khi bệnh vây hãm. Và tôi thích thú, hài lòng khi nhìn được bức ảnh lúc về nhà.

clip_image014

Tôi không phải là nhiếp ảnh gia, để có các hình toàn hảo về kỹ thuật, lẫn mỹ thuật. Tôi chỉ là người mượn ống kính như một sự nối dài từ tâm, cho góc nhìn của tâm hồn qua vạn vật chung quanh. Hình như giữa tôi và thiên nhiên đã có sự rung cảm đồng điệu để hiểu thấu nhau qua nhiều khiá cạnh. Bức ảnh “Muốn Thoát , còn cho tôi thêm nhiêu tiêu đề, và tuỳ hoàn cảnh để sử dụng: “Những trói buộc” khi đời sống không thoải mái, “Ngộp” khi bị tù túng,, v..v…

Và ai nói đá không biết đau?

clip_image015

HươngKiềuLoan

May 2-2013

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search