T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Doanh : Thoáng một chút Thiền

 

Ma trận

Người từ ma trận vào đời
Quẩn quanh cũng chẳng thoát rời sợi dây
Phải chăng thực thể là đây
Hay ngàn ảo giác giăng đầy thần kinh
Đôi khi ngờ vực chính mình
Có hay không có, tâm linh mịt mùng
Suốt đời mong một tiếng cồng
Rền trong trí não, giải công án này.
Phạm Doanh
_________________________________________________________________
Tà Niệm

Xếp chân làm bộ như thiền
Mà nghe tà niệm còn nguyên đáy lòng
Bóng hồ ly, gió lạnh phòng
Thướt tha áo mỏng ngực trần lả lơi
Bài kinh học mãi quên lời
Vòng tay thèm một thân người mảnh mai
Hình như trời sáng bên ngoài
Nhắm hay mở mắt cũng hoài công tu.

Phạm Doanh
_________________________________________________________________
Ta từ đâu, ta về đâu

Ta từ vô ý đất trời
Ngẫu nhiên cha mẹ, vào đời láo lơ
Năm mươi năm lẻ đến giờ
Trong từng hơi thở nghi ngờ bản thân
Cuối đời viễn mộng phù vân
Ngẫm ra mọi sự chỉ ngần ấy thôi
Bụi tro, tro bụi tái hồi.

Phạm Doanh
_________________________________________________________________

Còn dư chất người

Ngồi đây đếm lại nợ nần
Có phần trả được, có phần còn đeo
Có phần bỏ lại sau đèo
Quay lưng dấu mặt chạy theo ảo huyền
Mây mù che mắt triền miên
Chút tâm tưởng để lạc miền hoang vu
Suốt đời là giấc mộng du
Tỉnh ra nhìn lại còn dư chất người .
Phạm Doanh
_________________________________________________________________

Cần chi

Có băn khoăn cũng thế thôi
Một lần đi lạc, một đời quanh co
Ngổn ngang trăm mối tơ vò
Ngồi đây tháo gỡ trong giờ hăm lăm
Rượu cần đã hết sủi tăm
Bụi tre già đã hết mầm lá non
Những điều ước vọng không tròn
Gom vào một chỗ, tưới cồn …

bật diêm.

Phạm Doanh
_________________________________________________________________

Hội Ngộ và Phân Kỳ

Như hạt mưa trên chiếc lá xanh
Vỡ tan theo ngọn gió rung cành
Một chút tư duyên vừa lắng đọng
Chỉ còn vệt nước thoáng mong manh

Mây vương đầu núi chẳng dừng lâu
Nên lúc chia tay chẳng biết sầu
Trong mây đã chứa mầm ly biệt
Hội tụ rồi phân tán nơi đâu

Trong ngàn bong bóng nước mưa trôi
Có bao nhiêu chiếc hợp thành đôi
Và bao nhiêu chiếc còn đơn độc
Dù có đi chung đến cuối đời.

Phạm Doanh
_________________________________________________________________

Nếu mai từ biệt cõi đời

Nếu mai từ biệt cõi đời
Chẳng cần chi cả, chỉ mồi lửa thiêu
Hành trang cũng chẳng mang nhiều
Áo quan để chứa bao điều đắng cay
Đặt tôi nằm sấp xuôi tay
Để tôi khỏi thấy những bày thú hoang
Đốt xong còn nắm tro tàn
Cho theo ngọn gió ngút ngàn chân mây .

Phạm Doanh
_________________________________________________________________
Giấc mơ hóa bướm
I.

Ừ,
biết trần gian
đã bạc lòng
Ừ,
ta về
tắm ánh trăng cong
Thân hình trần tục
phà hơi khói
Chiếc bóng vô thường
động nước trong
Nhắm mắt
chối xua
ngàn ảo giác
Trầm mình
gột rửa
vạn tà dâm
Tỉnh lai giữa đám người di động
Hồ điệp cơn mơ chợt đứt dòng.

II.

Chập chờn bay,
bướm chập chờn bay
Ngất ngưởng say,
người ngất ngưởng say
Hồ điệp phiêu du đời lãng tử
Triết nhân ngờ vực giấc mơ ngày
Bồn vang trầm vọng
ru hồn lạc
Đàn gẩy tình tang
vỗ dáng gầy
Quên cả lời kinh, quên tụng niệm
Sóng bồi
cát lở,
mỏi bàn tay .

III.

Ánh đèn thoi thóp cạn dầu,
lay
Đom đóm vu vơ
chấm phá thay
Trong cổ quan tài
người
trá tử (*)
Trên bàn hương án
khói
không bay
Người: nằm mộng ngỡ thành thân ấy
Bướm: lạc hồn nghi hóa phận này? (*)
Ta: bỏ không màng công án nữa
Vang rền
tiếng vỗ
một bàn tay .
(*) Trang Tử giả chết và tự vấn

——————————————————————————-

Ta,
Người chưa diệt chữ tình
Mong gì ngộ giác
Giữa thinh không này .

Phạm Doanh
_________________________________________________________________

Bên hồ con vạc kiếm mồi
Lưỡi câu không móc
người ngồi an nhiên
Công danh chẳng vướng muộn phiền

lăn tăn lội
cảnh
thiền như thơ
Nước trong, trong vắt đáy hồ
Một ngày lắng đọng, một giờ quên trôi
Nhạt dần ánh nắng sau đồi
Giật mình,
điếu thuốc trên môi
lửa tàn.
Phạm Doanh

_________________________________________________________________

Thoát

Hình như đời mất thăng bằng
Càng ôm kinh điển càng gần lối mê

Người ơi còn chi nữa mà chưa về ẩn dật
Còn đam mê mải miết mộng công hầu
Đã bao năm dòng nước chảy qua cầu
Và mái tóc trên đầu giờ nhuộm muối

Thành trung nhật tịch ca chung khởi (*)
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền (**)
Năm canh nằm trăn trở giấc không yên
Có chợp mắt lại hoang vu ngàn dị mộng

Người tháo ấn, từ quan, rời ảo vọng
Rồi khuất vào mây núi giữa miền cao
Không màng câu hỏi vì sao.

__________________________________________________
(*) Trong thành ban ngày vắng trống chiêng. Thơ Đường Thẩm Thuyên Kỳ
(**) Nửa đêm tiếng chuông vọng đến thuyền khách. (Trương Kế)

Phạm Doanh
_________________________________________________________________

Hoa viên kiến tuyết tình
Độc ẩm đáo thiên minh
Bắc phong xuy thanh trúc
Lạc diệp há hậu đình.

Phạm Doanh
Dịch nôm

Vườn hoa ngồi ngắm tuyết tan
Một mình uống mãi cho tàn canh thâu
Gió phương Bắc thổi trên đầu
Cành tre, lá rụng phía sau mái đình.

_________________________________________________________________

Haiku

Haiku về Thiền như một viên đá ném (hay không ném) xuống mặt hồ phẳng lặng. Ném là Thiền mà không ném cũng là Thiền, miễn là (không) thấy được vòng đồng tâm.

Hành động cầm dùi đánh vào chuông cũng có cùng ý nghĩa với việc không dùi không đánh vào chân không.

Haiku không phải là một phim bộ dài dòng mà là một tấm ảnh chụp lấy một khoảng khắc, một trừu tượng, một tư duy, nên nhiều khi vài chữ cũng đủ. Cái hay và khó hay của Haiku là ở chỗ đó. Đọc một bài thơ Haiku hay như nghe một tiếng khánh cô đọng thật ngắn gọn nhưng ngân nga, để lại ấn tượng lâu trong tâm hồn người.
1.
Con hạc hồng kiêu sa
Trầm mình trong dòng suối nước nóng
Chỉ còn lại bộ da

2.
Người chiết tự trong đêm
Chữ bình tâm loay hoay xếp mãi
Quên ngày mới vừa lên

3.
Ngư ông không dụng mồi
Con Koi bạc chưa hề sứt mép
Chiều nay về cơm chay
4.
Xếp chân mong thiền tọa
Ruồi đậu bàn tay, vỗ bàn tay
Tâm tịnh mất khi nàỵ
5.
Khua nước xóa tan hình
Dễ hơn đập tấm gương soi mặt
Mình chẳng tự mê mình.
6.
Che mặt trời năm ngón
Có hai tay cũng giống một tay
Chẳng thấy đến lông màỵ

7.
Con chim ưng mỏi cánh
Tạm dừng chân trên ngọn đỉnh trời
Nhìn về phía xa xôi .

8.
Cò trắng đứng một chân
Đại thử thử đại, đại thử dại
Túi trước bụng trống không.

9.
Người Trang Tử vỗ bồn
Ta từ nhỏ một đời nghi hoặc
Cogito, ergo ?

10.
Giá áo và túi phân
Vùng kinh điển đốt hoài chẳng hết
Về đi, tập đánh vần!

11.
Tình như hạt mưa rơi
Rơi trên mặt đất, thấm lòng đất
Có khi thấm lòng người .
12.
Nước chảy đá cũng mòn
Ta góc cạnh từ khi nhập thế
Nay thành viên sỏi tròn.
13.
Nhắm mắt và mở mắt
Nội tâm, ngoại giới tiếp liền nhau
Nơi nào ít khổ đau ?
14.
Tiền thân dù bồ tát
Hậu vận trăm năm vẫn mịt mùng
Bây giờ là túi cơm.
15.
Mùa thu cành thay lá
Con rắn già biết cách lột da
Nhưng Trịnh Công Sơn chết.
16.
Lữ khách đứng trên cầu
Nhìn nước lũ cuốn đi ảo vọng
Hỏi sao bóng không trôi.

17.
Tay khoanh vòng Thái Cực
Chút nhân duyên để lọt ra ngoài
Tình ơi là tình ơi.

18.
Hạt sương trên cánh hồng
Cành Bonsai nghiêng về phía nắng
Giọt nến đọng đêm qua.
19.
Bôn ba tìm cõi Phật
Giữa đường vứt trái tim tên cướp
Chết thành con bìm bịp.

20.
Tượng gỗ chùa Tây Phương
Niềm khắc khoải hằn lên nét mặt
Niết Bàn là thế ư ?
21.
Người lên núi định thiền
Nghe gọi tên vẫn còn quay lại
Khi nào mới vô danh?

22.
Khoanh hai tay bái Sư
Phật đứng tránh sang không nhận lễ
Hai tay bái hư không.

23.
Đến cổng chùa nghe đạo
Sư trụ trì bế môn tiễn khách
Phật cả cười Phật thăng.

24.
Quay nhanh vòng Bát Quái
Muốn hoà tan Lưỡng Nghi thành Thái Cực
Cửa nào là cửa Khôn?

25.
Đi cùng Sư bái Phật
Cửa đóng, Phật từ tâm nhắn nhủ:
“Kiếp sau đến một mình!”

26.
Buổi sáng nhìn sang cạnh
Cám ơn đời vì vẫn có em
Mùi cà phê thơm ngát

27.
Cứ mỗi độ vào thu
Lại cùng Thanh Tịnh đi đến trường
Và ngâm Lưu Trọng Lư
28.
Cư sĩ hỏi Thiền sư
Khi nào là giác, khi nào ngộ
Thiền sư nhổ nước bọt

29.
Cư sĩ hỏi bóng mình
Khi nào là giác, khi nào ngộ
Bóng lập lòe lặng thinh

30.
Một đời nguời tự hỏi
Khi nào là giác ngộ, khi nào ?
Cư sĩ, Cư sĩ ơi!
31.
Khuấy nước trong cho đục
Khi nào không soi thấy bóng mình
Là khi hết nắng trời.
32.
Chờ nước đục thành trong
Để nhận định ra chân bản ngã
Chờ bao giờ mới xong?
33.
Người da trắng, vàng, đen
Năm ngón tay, ngón dài ngón ngắn
Tro bụi chỉ một màu.

34.
Vẽ tranh không nhúng mực
Hoàng hạc bay ngang trời lặng gió
Hoàng hạc bay, mây trôi.
35.
Cứ muốn tả rừng thu
Lại thấy con nai vàng ngơ ngác
Đành thua Lưu Trọng Lư.

36.
Bên ngoài tuyết bay bay
Tình nồng ấm dù trời giá lạnh
Nên tuyết tan trong tay.
37.
Tình thôi hết ân cần
Gặp lại người ánh nhìn xa lạ
Ta về thành phế nhân.

38.
Đôi hài cỏ Basho
Ngàn năm dấu vết chẳng phai mờ
Tạc vào thiền, vào thơ.

39.
Tiếng dương cầm lạc điệu
Ngươì đánh và người nghe câm điếc
Không cần kẻ thứ ba.

40.
Biết cố công mài sắt
Có ngày cũng thành được cây kim
Nhưng nếu mua, nhanh hơn !

41.
Tiếng mưa đều trên mái
Tiếng xịch tắc xe mì bán dạo
Tiếng kinh cầu trong đêm.

42.
Hổ ba chân trên núi
Cất tiếng gầm tiếc thuở dọc ngang
Tiếng thở dài vọng lại .

43.
Gió thì thào lau sậy
Người tìm đạo trầm ngâm bất quyết
Quay gót hay qua sông ?

44.
Quay đầu lại là bờ
Mây ngừng trôi mây tan thành nước
Qua sông cũng đến bờ .
45.
Mấy hôm không còn gạo
Chai thuốc ngủ trên bàn mở nắp
Mắt người buồn như kinh .

46.
Một ngày làm hai ca
Như cây nến đốt cả hai đầu
Giọt nến chảy thành dòng.

47.
Con muỗi bay vu vơ
Samurai chém hai nhát kiếm
Con muỗi vẫn thờ ơ.

48.
Mổ cho sạch túi phân
Mà không sạch tâm hồn nhiễm độc
Khâu lại để làm chi?

49.
Suốt đời trong thung lũng
Sao biết được phía bên kia đồi
Có những điều mới lạ.
50.
Bão đại dương chuyển sóng
Bão sa mạc mịt mùng dậy cát
Bão lòng chuyển hồn tôi.

51.
Người nay đã ngút ngàn
Lúc chia tay đem theo tất cả
Tiếng chuông rền ta mang .

52.
Tay không hề ném đá
Sóng đồng tâm tỏa nhẹ trong hồn
Mặt hồ tựa tấm gương.

53.
Mùa Xuân chừng đến muộn
Cỏ cây chờ, người cũng chờ trông
Hạt lúa sắp nẩy mầm.

54.
Nhắm mắt chói hào quang
Bịt tai vẫn nghe ngàn tiếng động
Lấy gì để tịnh tâm.
55.
Diều ngạo nghễ tung trời
Chiếc sáo làm sai không ra tiếng
Người thả diều cắt dây.
56.
Bình rượu đổ chan hòa
Co quắp như bào thai, run, lạnh
Tiếng sói rú từ xa.
57.
Người lộng ngữ vọng danh
Hay lộng ngữ vì chuyện không thành
Suốt đời cứ quẩn quanh

58.

Trong tâm thiền an lạc
Một cánh hoa rơi xuống mặt hồ
Cũng ngân ngàn tiếng nhạc.
Phạm Doanh
_________________________________________________________________

Ngộ thừa Thích Ca

Thệ hằng chân nguyện Vệ đà
Niệm từ vô lượng tháp ngà chấp nê
Tịnh tâm thiền tọa cội đề
Huệ minh khiến mãng xà về che mưa
Quần ma nhảy múa ngút mùa
Bình thân diệu pháp ngộ thừa Thích Ca
Tiền thân chứng quả thiên hà
Độc tôn vong ngã ta bà độ nhân.
Phạm Doanh
_________________________________________________________________

Hồi tâm, nghiệm cõi ta bà

I. Khắc khoải

Có cuộc tình lẻ loi
Có con đường tăm tối
Những tiếng giầy vang dội
Đi về một mình thôi

Có cô gái bán hương
Tiếp kẻ lạ qua đường
Lấy men say khói thuốc
Mong lấp nỗi chán chường

Có thiếu nữ mồ côi
Khóc tình quân vừa mất
Nấm mộ vẫn mùi vôi
Đời không còn chủ nhật

Có con thuyền vượt sóng
Người lái thuyền chân không
Trên vai đeo một dép
Độ người khổ qua sông .
II. Diện bích

Khoanh tay diện bích vô hình
Lạc vùng không tự ngỡ mình thoát thai
Đẩu vân chẳng vượt ra ngoài
Bàn tay diệu pháp trên đài Thích Ca
Hồi tâm, nghiệm cõi ta bà
Có không?
Không có!
Cũng là có không!
III. Trong ngờ vực ta

Lạc hồn ngơ ngác mù khơi
Cánh buồm không gió về nơi không thiền
Chắn ngoài chân đạo nhất nguyên
Một vùng nhật nguyệt, một miền hoang sơ
Đêm đêm trăng tắm trong hồ
Trần truồng ta tắm trong ngờ vực ta .

IV. Tiếng thở dài nén lại

Cánh lông tơ hoàng hạc
Trận bão cuốn mù khơi
Cuốn đi niềm hoan lạc
Có đến được chân trời ?

Thân cây nằm bên suối
Lá xanh đã úa rồi
Và kiếp người ngắn ngủi
Như lá …
ngập ngừng rơi

Ta ôm đầu nín lặng
Tình cho hết đi rồi
Tiếng thở dài nén lại
Cho đến cuối cuộc chơi

Ta về trầm tích thạch
Quên lòng dạ nhỏ nhoi
Vui cùng loài ốc biển
Và quên cả con người .

V. Có biết trên đời chẳng có ta ?

Có biết trên đời chẳng có ta ?
Xác thân mượn tạm đó thôi mà
Tâm linh khô cạn chờ khai phóng
Trí tuệ mịt mù phủ lối ra
Xe ngựa bạc tiền rồi cũng hết
Công danh sự nghiệp sẽ thành ma
Sao còn bám mãi vào hư vọng
Có biết ngày mai chẳng có ta ?
VI. Hoài công lăn đá ngược đồi

Hoài công lăn đá ngược đồi
Đeo trăm tràng hạt chối lời Nhiếp Ca
Hai tay mười ngón giăng ra
Phủ che mắt dại để mà mị nhau
Ta lần theo vết cỏ lau
Mặt trời đã tắt …
Mặt trời đã tắt
tìm đâu lối về .
VII. Chung

Ngồi đây hát,
ngồi đây hát,
vỗ mạn thuyền
vỗ mạn thuyền

Bóng trăng hư ảo, một miền tiêu dao
Mái chèo khuấy động ánh sao
Vỡ tan,
vỡ tan rồi lại tụ vào lung linh
Sá gì một kiếp phù sinh
Đáng gì là những mối tình lãng du

Mặc thuyền trôi,
Mặc thuyền trôi,
hướng trung lưu
hướng trung lưu

Nào tâm bất định, nào ưu tư cùng
Lụy phiền một túi cho chung
Thả theo dòng nước đến vùng giác minh
Dù không câu kệ lời kinh
Huệ tâm cảm nhận thể hình vô biên

Thoát thân tục,
nhập chân thiền
Con đường là đạo tự nhiên bất cầu
Chẳng mong về đến nơi đâu …
Phạm Doanh
_________________________________________________________________
Lô Sơn yên tỏa Chiết Giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đắc đáo hoàn lai vô biệt sự
Lô Sơn yên tỏa Chiết Giang triều

Tô Đông Pha
Sóng nước Hương Giang khói Ngự Bình
Chưa thăm mang hận cả bình sinh
Thăm rồi về lại lòng không đổi
Vẫn sóng Hương Giang khói Ngự Bình

Phạm Doanh dịch (dùng địa danh Việt Nam)

_________________________________________________________________

Hình như đời mất thăng bằng

Hình như đời mất thăng bằng
Càng ôm kinh điển
Càng gần lối mê
Người ôn lại sử nước Tề
Cười tên thái giám giở nghề quốc sư
Tâm can còn lúc đau nhừ
Còn nghe hồi trống trường thu mất bài
Người về
(xé mảnh Tú Tài)
Đập nghiên, bẻ bút
thở dài …

thở dài …
biệt tăm.

Phạm Doanh
_________________________________________________________________

Ta, người chưa diệt chữ Tình

Bản buôn miền Thượng tìm sư
Trên đường ngửa mặt trầm tư chín lần
Bờ vai bám trắng bụi trần
Muôn ngàn tiếng gọi xa gần cõi ma
Chứng nhân chẳng có,
mình ta
Lần theo vách núi,
xuống phà,
về Kinh
Ta, người chưa diệt chữ Tình
Mong gì ngộ,
giác,
giữa thinh không này.

Phạm Doanh
_________________________________________________________________

Bến Tịch Liêu

Ai có biết bên bờ sông ấy
Dòng nước xanh biêng biếc vẫn chảy đều
Gió vẫn thổi cho rì rào lau sậy
Và con đò đưa khách đã phong rêu

Ngày đó khách dừng chân
Bóng đổ nắng chiều
Đời gặp gỡ có nhiều là mấy
Rồi chia tay cho dậy cơn buồn

Trên bến tịch liêu
Trăng vẫn thế và muôn sao vẫn thế
Và ngàn năm nước vẫn chảy qua cầu

Phạm Doanh

________________________________________________________________

Phù vân hết cõi con người
Bóng trăng sóng nước làm khơi mạch buồn
Người về xứ thượng bản buôn
Tìm trên lối sỏi có nguồn vị tha
Phải chăng dưới cội cây già
Có chân thiền bỏ ta bà thế gian
Ngút ngàn đâu chẳng ngút ngàn
Lần theo dấu cỏ vẫn hoang vu đầy

Phạm Doanh
_________________________________________________________________

Chuyển bước

Người đã buông rời chuyện viễn vông
Hành trang một túi bước phiêu bồng
Khung trời thủy mạc như danh họa
Rừng núi chập chùng tựa bức phông
Làn gió vầng mây mong đến ngộ
Công danh sự nghiệp trả về không
Chiều nay dừng gót trên triền dốc
Vang vọng làng buôn một tiếng cồng.

Phạm Doanh
_________________________________________________________________

Hình & bóng

Mỗi lần ta chuyển động
Chiếc bóng cựa mình theo
Ta ôm ngàn ảo vọng
Bóng thở dài hắt hiu

Quay lưng về phía nắng
Ngỡ thoát được phận bèo
Nghiệp đời còn quá nặng
Hình và bóng cùng đeo.
Phạm Doanh

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search