T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngộ Không (bài Một)– Lão Điên Chữ

clip_image002

( Ngộ Không trước bàn viết)

1.

Tôi biết Ngộ Không Phí Ngọc Hùng trong một dịp hết sức tình cờ. Mùa hè năm 2010, tôi đưa con gái đi thăm trường Rice University ở Houston để chuẩn bị cho năm đầu tiên nhập học. Ở thành phố ồn ào bụi bậm này, ngòai vài người bạn cùng xuất thân ở một quân trường trên Đà lạt năm xưa, tôi còn biết có anh bạn tù chung trại Vĩnh Quang ngòai Bắc hồi đầu những năm 1980s. Đó chính là nhà thơ Ngọc Tự quen thuộc của chúng ta kể từ ngày trang T.Vấn trở thành sân chơi chung T.Vấn & Bạn Hữu. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở một quán cà phê trong khu phố Việt Nam. Vừa tay bắt mặt mừng, vừa hỏi thăm nhau đôi câu về gia đình, công ăn việc làm, Ngọc Tự vừa lôi con di động cũ mèm ra bấm số lia lịa. Anh bảo “có ông bạn già điên chữ này hay lắm, mình muốn Vấn làm quen!”. Chỉ vài phút sau, ông bạn già điên chữ của Ngọc Tự xuất hiện. Chẳng là nhà ông ở ngay trong khu dân cư trước mặt , bước qua một con đường là tới quán cà phê quen thuộc của nhiều người Việt ở Houston. Tôi được biết tên ông là Phí Ngọc Hùng, ngọai hiệu Ngộ Không. Đó là lần đầu tiên tôi nghe đến cái tên Ngộ Không. Nhìn ông, mặt tôi hẳn là “cứ đực ra như ngỗng đực” (chữ của Ngộ không). Ông già trước mặt tôi kia trông không có vẻ gì là “điên chữ” cả. Ông nhanh nhẹn, họat bát, tay móc thuốc, tay khuấy ly cà phê một cách hết sức tỉnh táo và điệu nghệ. Ông vốn là một người tốt nghiệp và làm việc trong ngành kiến trúc (cùng lớp với nhà văn nữ Trùng Dương). Bỏ của chạy lấy người dạt đến Mỹ năm 1975. Sau mấy chục năm làm việc, nay ông về hưu, suốt ngày ông ăn với chữ, “tửu lạc vong bần” (lại chữ của Ngộ Không) với chữ, suốt đêm ông ngủ với chữ , hễ mở miệng ra là nói chữ, nên con “trâu chậm uống nước đục” Ngọc Tự (mới đến Mỹ chỉ được vài năm) vốn vẫn còn phải đánh vật với cơm ăn áo mặc hàng ngày bèn độc mồm độc miệng gọi ông là “lão điên chữ”.

Chỉ vài phút gặp gỡ, cái cởi mở họat bát của Ngộ Không đã chinh phục ngay được tôi. Và câu chuyện giữa những người bạn có chút lòng với chữ với nghĩa không thể tránh khỏi không nói đến chữ đến nghĩa. Ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên đó, tôi đã nhìn thấy trước mặt tôi một con người không phải chỉ gặp một lần rồi quên.

Thế nên, vào mùa hè năm sau, khi trang Web cá nhân T.Van.Net trở mình thành sân chơi chung cho nhiều bạn hữu, tôi đã trịnh trọng gởi đến Ngộ Không lời mời tham dự. Với phong cách rất đáng yêu của một người coi trọng nghĩa bằng hữu hơn bất cứ thứ hư danh, hão danh nào, ông mau chóng nhận lời.

2.

Từ cái mốc sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, về lãnh vực văn học nghệ thuật ở hải ngọai, chúng ta được biết đến rất nhiều những cây bút mặc dù tuổi không còn trẻ nhưng lại chưa hề được nghe nói đến ở miền Nam hồi trước biến cố lịch sử nói trên. Nói theo nhà văn quá cố Mai Thảo, chúng ta phải gọi những cây bút này là “những người viết mới”. Mới theo nghĩa so sánh với “những người viết cũ”, tức những người ít nhiều đã thành danh trong bối cảnh văn học nghệ thuật miền Nam trước năm 1975. Tuy mới viết, nhưng tuổi đời không còn trẻ, lại đã kinh qua nhiều thăng trầm cùng với đất nước, nên những tác phẩm của “những người viết mới” này mang vóc dáng khác hẳn với tác phẩm của những cây bút trẻ (cả tuổi nghề lẫn tuổi đời) sau này (phần nhiều là ở trong nước). Có thể nói, khó mà so sánh sự “hơn thua” giữa tác phẩm của “những người viết mới” và tác phẩm của “những người viết cũ”. Mặt khác, những tác giả đã thành danh từ trước biến cố lịch sử 1975, sau này, dù đã ra sinh sống ở hải ngọai, phần lớn đều không có những họat động viết lách đáng kể, cụ thể là những tác phẩm được phổ biến, nên bộ mặt văn học nghệ thuật Việt Nam hải ngọai có sự hiện diện của nhiều tên tuổi “Mới” hơn là “Cũ”.

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng, người chưa hề có bất cứ một tác phẩm nào xuất bản nhưng lại sở hữu một gia tài chữ nghĩa đồ sộ hơn rất nhiều nhà văn đã từng thành danh, là một trong “những người viết mới” ấy.

Hơn mười năm nay, kể từ ngày về hưu, “ông già điên chữ” quay qua làm việc “tòan thời gian” (fulltime) với chữ. Ông viết ngày viết đêm, viết không ngày nghỉ, viết không ngày lễ, viết như chưa bao giờ được viết, viết như sợ ngay ngày mai cái chết sẽ đến bắt ông đi .

Hơn mười năm tích lũy, gia tài chữ nghĩa của ông khiến người đọc (tôi – T.Vấn), mới chỉ lướt qua đã muốn ngộp thở.

Chỉ với sơ sơ những gì tôi “thu họach” được ở lần gặp gỡ mới đây, lợi dụng lúc chén ông chén tôi chuyếnh chóang, tôi đã “dụ” ông bỏ vào thanh nhớ (memory stick) của tôi những bài ưng ý nhất và đã được gọt dũa xong xuôi. Về nhà, mở ra coi, tôi tá hỏa tam tinh. Không kể những sưu tầm đầy tính bác học về “Chữ Nghĩa Làng Văn”, về “Tác Giả Tác Phẩm”, chỉ riêng những bài viết (tạm gọi là truyện), nếu in ra trên khổ giấy 11×8, cỡ chữ 10, cũng phải trên ba ngàn trang. Đó là chưa kể những bài vở dành riêng cho trang TV&BH. Bài cho năm 2013, ông đã hòan tất từ cuối năm 2012. Mỗi năm ông chỉ gởi bài cho người chủ biên một lần vào dịp cuối năm. Tất nhiên, trong năm, nếu có những nhu cầu, theo đề nghị của người chủ biên, ông vẫn luôn luôn đáp ứng nhiệt tình và . . . nhanh chóng. Mới đây, ông thông báo đã hòan tất xong tòan bộ bài vở (của riêng ông ) năm 2014, 2015 cho trang TV&BH.

Hèn gì anh bạn Ngọc Tự gọi ông là “lão điên chữ”. Còn người bạn trẻ Lưu Na thì gọi ông là lão Khọm (theo tên một . . . con khỉ, nhân vật trong Bản Lai Diện Mục Ký, mà nhiều phần người đọc nghĩ là chính tác giả Ngộ Không). Khọm theo nghĩa đen là khòm. Ngồi gõ máy hàng ngày từ mười năm nay, lưng ông đã khòm theo sức nặng của những con chữ lúc nào cũng háo hức tuôn ra trên đầu các ngón tay .

Ông còn ngồi như vậy được bao lâu nữa? Thất thập cổ lai hy. Ngộ Không Phí Ngọc Hùng đã vượt qua ngưỡng cửa “cổ lai hy” rồi. Thời gian đâu phải là . . . bạn ông để đùa cợt mãi được.

Ở cái tuổi quá lão này, ông viết để làm gì? Chắc chắn không phải là phương cách mưu sinh. Ông đâu cần phải mưu sinh bằng chữ nghĩa. Vả lại, dù muốn, ông – cũng như hầu hết người viết ở hải ngọai – chẳng thể mưu sinh bằng chữ nghĩa. Hình như cũng không phải lấy cái danh hão “nhà văn”, hay nhà này nhà nọ. Cho đến nay, chính thức, ông chưa từng có tác phẩm nào được in thành sách, được xuất bản bày bán trên các kệ nhà sách hẳn hoi. Có người bảo, chưa có văn, chưa có thơ in thành sách, chưa thể thành nhà văn nhà thơ. Có lẽ vì vậy nên có nhiều người viết cố gắng bằng mọi cách in cho được một tập văn, một tập thơ, rồi hì hục gởi biếu hết ông nhà văn này, bà thi sĩ kia, mãi mà đống sách in ra chưa vơi đi được một nửa, làm chật cả nhà để xe.

Vậy thì động cơ nào thúc đẩy Ngộ Không Phí Ngọc Hùng cặm cụi từ hơn mười năm nay bên cạnh chiếc máy tính, quên hết tất cả mọi sự trên đời, ngọai trừ tủ rượu lúc nào cũng đầy ắp và lòng nhiệt tình với anh em bằng hữu xa gần?

Thì đây, chúng ta đã có Bản Lai Diện Mục Ký, bản “tự thú trước bình minh” của lão điên chữ Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.

Trong bản (tạm cho là hòan chỉnh nhất, vì Ngộ Không chưa bao giờ ngừng hòan chỉnh những bài đã viết của mình) đã giới thiệu trên T.Vấn &BH hồi tháng 10 năm 2011 có đọan mở đầu như sau:

“ . .. Tôi bắt đầu chuyện viết lách như cái nghiệp dư vào cái tuổi có hơi trễ nải. Vào cái lúc những người khác đã bẻ bút cáo lão về hưu, thong dong với ngày trời tháng Bụt thì tôi lực đực với cái bàn gõ và gõ lóc cóc như…mõ sớm chuông chiều. Chẳng phải là nhà văn, không dây dưa với những câu hỏi cùm nụm cùm nựu là viết cho ai? Viết để làm gì?. Thú thực một điều, tôi viết để dối già và tự cảm thấy thích viết vậy thôi. Vậy mà bạn bè vẫn hay nắc nỏm hỏi là chuyện có thật không? Nói cho ngay, tôi lấy cái thật của mình để làm cái giả và lộng giả thành chân là thế. Hoặc như gặp bằng hữu trong lúc tửu lạc vong bần, rồi góp nhặt sỏi đá qua những chuyện họ kể lể, hiểu theo nghĩa chẳng là như thị ngã văn . . . “ (Ngộ Không – Bản Lai Diện Mục Ký).

Thế là chúng ta có câu trả lời từ chính cửa miệng ông: tôi viết để dối già và tự cảm thấy thích viết vậy thôi.

Nhưng chữ nghĩa Ngộ Không không đơn giản như cái cách chúng ta thường hiểu. Chỉ trong một đọan văn ngắn, ông đã manh nha cho thấy đó chưa hẳn là câu trả lời . . . đích thật.

Chúng ta đọc tiếp, ngay sau đó là: Vậy mà bạn bè vẫn hay nắc nỏm hỏi là chuyện có thật không? Nói cho ngay, tôi lấy cái thật của mình để làm cái giả và lộng giả thành chân là thế.

Nếu đọc hết Bản Lai Diện Mục Ký (có thể gọi là Tự Truyện như ông đã xác định đó là truyện có thật), chúng ta sẽ thấy không phải ngẫu nhiên mà ông có bút hiệu Ngộ Không. Và bút hiệu ấy bộc lộ thêm một điều: ông viết không phải chỉ để dối già.

Hãy đọc một đọan:

“. . . Một ngày như mọi ngày, đến bữa ăn có chú tiểu đem một phần cơm rau tập tàng bỏ trước cửa cốc, lấy đũa gõ nhẹ lách cách rồi lặng lẽ bỏ đi. Cơm chay đạm bạc nhưng cũng chẳng đến nỗi nào như ăn cá bị chứng hóc xương. Tôi cố gắng nuốt một ngày một bữa như sư, nếu ăn cơm không hết thì để ở cửa. Ở đấy có cả một bầy khỉ, nào ông nội, bà ngọai, chú dì cô bác, họ hàng hang hốc nhà khỉ dành ăn kêu chí choé. Trừ một con khỉ đã già, đã khọm, lần mò tới ngồi bên cửa chăm chú dòm tôi đang đọc sách. Nó là giống khỉ đít đỏ mầu nâu sẫm, chứ không phải là…mầu xám u ám của cảnh chùa.

Tả chân về nó cũng dễ thôi: Nó có cái mặt ốc tiêu thu lu trong đám lông lưa thưa, khiến ai cũng thấy thấy đôi mắt tinh anh của nó với cái mũi chun chun rất…khỉ. Cái đuôi ngắn ngủn như cái chổi cùn, lúc nào cũng khoe khuẩy một cách tháo động. Nói chung thì với bộ lông thưa thớt, không che dấu nổi lớp da mốc bạc vì mưa nắng cùng cái tuổi…lá vàng với rừng lá thay chưa. Cũng có thể vì vậy, nó lười biếng không dành ăn với đám trẻ, thản nhiên dòm…tôi, rồi từ từ tới sát và đưa tay ra khều tôi làm quen. Quen rồi nó đưa tay khỉ của nó lên tóc tôi, mầy mò tìm chấy, rận và bỏ vào miệng nhóp nhép. Bá ngọ nó chứ…Chẳng lẽ có chấy rận thật. Tôi cũng thò tay lên đầu…như nó.

Xế trưa hôm sau, chú tiểu lên cốc nhắn sư bác thỉnh tôi xuống thọ trai và tụng kinh chiều. Tôi dựa theo dốc đá, bám theo các thân cây lò dò xuống. Nó nhảy qua nhăm nhánh cây để dẫn đường, đến một mõm đá, ngồi gãi đầu, gãi cằm, chờ tôi. Khi đến cửa chùa, sư đã chờ sẵn, nó chạy tới nắm tay sư trụ trì lắc lắc ra cái điều xập xoài chào hỏi. Sư gọi nó là…“Ngộ Không”. Bản lai diện mục, thấy mặt đặt tên, tôi gọi nó là…Lão khọm.

Tôi hỏi cớ sự gì nó có cái tên nghe ngộ, sư cho biết trước nó ma lắm. Từ ngày thửa được cái tên đầy…thiền tính, nó như…thuần tính hẳn ra, ai nó cũng kết thân, lại thích làm quen với…”ngộ nhân” mới đến chùa…như tôi. Ngộ tiếng Bắc kỳ cũ còn có nghĩa là dở người, chẳng giống ai. Thế nên mặt tôi bẹt ra như bánh đa nhúng nước, hay tôi cùng giuộc với giống…khỉ. Sư làm như không hay, vì còn đang bận bịu với tích xưa.

Chuyện Tu Bồ Đề tổ sư hỏi con khỉ dẫn đường cho thầy Tam Tạng đi thỉnh kinh, lúc ấy còn là hầu vương, rằng: “Ngươi ở đâu mà ra”. Hầu vương thưa: “Nguyên nơi núi Hoa Quả có hòn đá lớn, kết tinh nhật nguyệt lâu ngày, rồi một đêm mưa vang lên tiếng nổ, đá nứt hai và sinh ra tôi”. Nghe nói sư tổ tiếp “Vậy là thiên địa sinh ra ngươi, thôi để ta đặt tên cho”. Sư tổ gật gù “Ta đặt cho ngươi họ là Tôn, bỏ bộ khuyển, còn chữ tử, chữ hệ, tức còn trẻ, còn khôn”. Sư tổ chép miệng: “Phật pháp có trí, tuệ, chơn, như, hải, đĩnh, “ngộ”, v..v..Trong 12 chữ đó, tính tới tính lui thì ngươi nằm vào chữ Ngộ, thôi thì ta đặt tên ngươi là…Ngộ Không”.

Chả hiểu ăn mắm ăn muối gì, cái lưỡi tôi đá cái miệng với sư rằng ắt hắn Ngộ Không là…không ngộ chăng. Vừa cãi chày cãi cối xong thì có tiếng chày…” (Ngộ Không – Bản Lai Diện Mục Ký)

Ngộ Không là . . . Không Ngộ.

Tôi ngờ rằng cái lẽ “không ngộ” cũng có liên quan đến “câu hỏi cùm nụm cùm nựu là viết cho ai? Viết để làm gì?” của ông. Cuối đời, người ta hoặc tìm đến tôn giáo để được an ủi vì sống bao nhiêu năm mà vẫn không hiểu tại sao mình sống chỉ để đợi chết, hoặc tìm đến sách vở chữ nghĩa để tham khảo suy nghĩ của nhân lọai tân cổ về ý nghĩa làm người.

Mười năm sống “tòan thời gian” bên bàn máy, nghiền ngẫm đã thiên kinh vạn quyển, bằng con mắt của kẻ đã kinh qua biết bao những thăng trầm vinh nhục của một đời người, vui cũng lắm mà khổ cũng nhiều, thế mà vẫn . . . không ngộ, nên ông vẫn còn mê mải lặn ngụp trong mớ chữ nghĩa . . . chết tiệt, thì không gọi là “lão điên chữ” thì gọi là gì?

T.Vấn

(Kỳ sau: Ngộ Không – (Gã) Thiền Giả)

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search