T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Bên rổ rau muống

clip_image002

 

Mới sáng bảnh mắt ra đã có tiếng kính coong gọi cửa…

Ngọ vừa đi ra cửa vừa lẩm nhẩm: chạy trời không khỏi nắng, không ai ngòai ông thầy cúng đây. Cuối tuần nào cũng vậy, cứ bẩy tám giờ là ông ta đã lừng khừng có mặt trước nhà, tay tờ báo, tay điếu thuốc lá. Và chậm rãi giật chuông như điểm hồi chuông chiêu mộ, vang vọng cứ như gọi đò sang sông ấy.

Khách của bố đi qua gian bếp. Ngọ quơ cào rổ rau muống, ba mớ cà leo lên sân thượng sửa sọan bếp núc trong ngày. Nếu tiện tay thì tưới thửa rau ở trên đó, cô nghĩ thầm vậy. Mà sân thượng nhà cô nào có gì, toen hỏen một khỏang trống nhỏ hẹp, thu vén chỉ loe ngoe dăm mớ rau thơm, lèo tèo vài khóm ớt trồng trong mấy bệ gạch. Rõ ra thua đứt mấy nhà ông bà hàng xóm có cả cây leo cho giàn bầu, giàn bí. Nhưng cái khỏan riềng, lá mơ thì không thể thiếu với bố cô. Trái nắng trở trời bố cô vẫn thường hòai đồng vọng là gỏi cá sống phải đầy đủ một đĩa lá bứa, lá ổi, lá quất, lá dái mít…Mỗi lần mẹ cô mây mò với món đồ nhắm trên, thể nào bố cũng chêm một câu vớt vát: Gỏi cá sống phải có lá sung…và ăn tùng tục mới ngon”. Nhưng đó là chuyện năm xửa năm xưa.

***

Các cụ ta vào trong Nam, tứ tán tám hướng mười phương, nhớ nhà nhớ quê nên mang theo cả vườn tược vào đây. Rau mùi, tía tô cũng theo chân các cụ chọn mảnh đất eo sèo này để sinh sôi nẩy nở với sáng nắng chiều mưa. Đất lạ quê người, các cụ có thể đổi cách ăn mặc, đổi tính đổi nết, nhịn ăn như nhịn cơm sống nhưng món nào ra thức nấy, không thể thiếu và cũng chẳng đổi thay, như ăn trầu phải quét tí vôi cho cay lưỡi đỏ môi. Vàng bạc có giá, rau cá theo buổi chợ nay còn rơi rớt lại là mớ rau muống nằm trong rổ ngay trước mặt cô đây. Cô vẩn vơ tiếp, dẫu gì các cụ hay ngay cả bố mẹ cô cũng vẫn còn một chuỗi quá khứ với cây đa bến cũ con đò xưa để hòai cổ. Riêng cô, thu vén cho lắm tối nằm không, cũng không ngoài một tấm chồng. Chồng cô là người tình đầu đời: Gặp. Yêu. Rồi lấy…Như xỏ chỉ luồn kim nên chẳng lẽ rỗi hơi hòai cố nhân mãi ở tận chân trời góc biển nào đó…

Dậu đổ bìm leo, cô mượn bóng mát dưới mái hiên của cái sân thượng với cái ý nghĩ tuềnh tòang, ngày đi đêm lại, cuộc sống cứ vật vờ nổi trôi tẻ ngắt…Thế nhưng cô hay ai đấy, một ngày nào đó gặp nhau ở bên đường…Cô và họ cùng vấp ngã, lom khom đứng dậy nhìn lại thì chỉ là một hòn đá thô meo mốc, để rồi quãng đời của cả hai, sau đấy có những lao xao đổi thay:

Nhớ ai nhớ tận cuối tuần

Nhớ quay nhớ quắt, bần thần nhớ ai

Cái kim nằm chết dí trong cái bị cói lâu ngày cũng lòi ra…Như một khúc phim trắng đen quay chậm, hình ảnh rời rạc khi ẩn khi hiện…Với cô, như cuộn chỉ rối đang được tháo gỡ trong một ngày nhạt nắng với buổi sáng hôm nay đây…

Nếu như trước kia, Ngọ lắm bận bực dọc với người này lắm, nhưng tính Ngọ hay cả nể. Vả lại ông là bạn thâm căn cố đế của bố cô, cũng là con mòng “cúng” tiền nước, tiền điện cho cả nhà nên mới có cái tên thầy cúng trên. Ngọ tủm tỉm cười thầm vì học mót các cụ câu…đen nghĩa là không đỏ. Lại nữa, không có ông thì canh tổ tôm cũng sập sùi. Nhà bé bằng lỗ mũi, khách chơi bài ồn ào như cái chợ, vì vậy Ngọ phải trốn lên cái sân thượng, riết rồi thành quen. Ấy cũng là thế giới riêng của Ngọ để ẩn thân, dấu mặt từ ngày lấy chồng. Nhưng nhờ có khách chơi bài nên bố mẹ cũng khuây khỏa được ngày cuối tuần…Như Ngọ lúc này vậy.

Ngọ hồi tưởng lại những ngày mới lớn, ngồi chồm hổm bên chiếu các cụ chia bài thoăn thoắt…Gừng càng già càng cay chả biết đúng không, nhưng Ngọ phải công nhận là các cụ cũng bát nháo lắm, thì nó sờ sờ ra cả đấy như bánh đúc bày hàng có gì phải nói ngoa. Số là có “cụ” tuổi thọ mới lóp ngóp bốn mươi đã bày vẽ lễ tứ tuần đại khánh. “Cụ” khác chớm năm mươi đã ậm ừ với ngũ thập tri thiên mệnh. Giỗ tết mấy cụ trịnh trọng khăn đống áo dài, đầu môi chót lưỡi “bẩm cụ” với “kính ông”. Bỗng cô cười tủm với câu chào hỏi mà cả mà rập “thưa chị” với “thưa cô” của ông dở hơi nghe ngứa cả ruột! Bỗng dưng không đâu hai chữ “thưa cô” với “thưa chị”, thêm một lần…người ta lại đi guốc nhẩy bổ vào đầu Ngọ để mà ngọ nguậy đến nhức nhối.

Với ổ rau muống này, làm ù cái là xong, nhưng cô vẫn nhởn nha đợi, đợi gì cô cũng chẳng biết nữa. Bỗng dưới nhà lại có thêm tiếng chuông rộn rã, Ngọ đóan thầm khách tổ tôm đã tới đông đủ. Ngọ lại thả hồn theo mấy cụ với một thuở hoàng kim nào là tậu ruộng sâu giữa đồng, trong nhà sập gụ chân quỳ, trải chiếu hoa cạp điều, ngòai vườn thì chuồng rậm rịch lợn đàn trâu nái.

Sẵn cái mạch quê hương bản quán vạn kiếp tha hương nghìn đời thê thảm ấy, cùng cái gạch nối giữa cô và bố mẹ chẳng qua là chuyện nắng mưa, là ruộng vườn ở mảnh đất Bắc Ninh chìm khuất nào đó. Hóng chuyện, cô cũng thấy nao nao, càng nhớ nơi chốn bỏ đi của bố mẹ, càng thương những giậu mồng tơi quanh năm xanh lá, cùng rặng tre cuối vườn. Nghe kể lại thì nhà bố mẹ Ngọ ở quê hình chữ môn. Cô chẳng biết chữ môn ra sao, chỉ biết ba gian hai chái. Giữa là sân, một bên là kho chứa, chật ních với bừa, cuốc, cào, bên kia là chuồng trâu, chuồng lợn. Hông nhà là ao cá, vườn sau um tùm với bòng, nhót, ổi. Gặp ngày mưa dầm dề, làm biếng đi chợ, nhặt nhạnh ít rau sau vườn, cả nhà cũng có bát canh rau dền. Lười chẩy thây ra thì quều cào nắm rau đay vài nụ mướp. Ngày rộng tháng dài, cô lại bồi hồi đến mẹ cô những ngày còn con gái quanh quẩn bên cái sân đuợc lát gạch Tàu đỏ nâu gan gà, hòn nào hòn nấy vuông vức, chắc nịch. Đâu đây đằng góc vườn, vết chũng lờ mờ của mấy phiến đá xanh, viên nào viên ấy to bằng gần nửa cái bàn mộc chất một đống ở góc vườn. Sau mấy bác lực điền ì ạch khuân ra dựng đứng ở ven sân, cô mới biết đó là mấy tảng đá để đập sảy này kia.

***

Không chỉ có bấy nhiêu, vì rằng còn nhiều nữa đang ngập đầy trong cô, nhếch nhác cùng những ngày tháng qua mau…Là ngày chạm mặt ông bạn vong niên của bố cô với gọng kính đồi mồi như hai cái cái quai chảo, là Ngọ thấy ngứa mắt. Người gì mà mặt mũi hâm hâm, gà gà mắt lên như người say thuốc lào, mở miệng ra trịnh trọng giống ông lão với thưa gửi. Mà ông ta…già gì cho cam, ngót nghét thua tuổi bố Ngọ một con giáp là hết đất. Vậy mà với bố Ngọ, một già…”một trẻ” làm như tương đắc lắm. Riêng với Ngọ thì chả tương đắc tương bần gì sất cả, ngòai cái bộ vó như ông từ giữ đền…Nói phải tội, cân, đo, đong đếm cho đầy, người ta chỉ được một cái là chỉn chu mực thước. Vậy mà Ngọ lại mát lòng mát dạ với tiếng.. ”cô” tiếng “chị”, nghe chẳng xa lạ mấy. Nhưng cô nghĩ mình cũng rắc rối tệ, nghĩ lại cái lúc một tay chia bài tổ tôm 120 quân, trong đó một quân bài có ông râu dài được làng gọi là…ông cụ. Từ thầy cúng, cô gọi người ta là…”ông cụ non” như gọi tên bốn mùa lúc nào cô cũng chẳng hay.

Với quá khứ vị lai, lùi lại nhăm năm về trước, bạn cô dậy khôn rằng chuyện tình của cái tuổi ô mai cũng chỉ lẩn quẩn ở anh bạn hay…ông hàng xóm. Anh bạn thì còn đang mải mê chơi bi, đánh đáo nên cô phải chui qua hàng rào bên kia vườn tìm kiếm và nỗi buồn chạm mặt là gặp ngay anh Nam kỳ giá sống. Cứ vậy theo năm tháng, có ai nắm tay được đến đến tối, gối tay được đến sáng đâu, cho đến cái tuổi…lấy chồng để cứ ngỡ ấy là tình yêu. Gần ngày cưới, mẹ Ngọ thở dài thườn thượt: Mẹ bố cô nhá, chồng còng thì lấy vợ còng, nằm phản thì chật, nằmh long thì vừa và mặc nhiên như chuyện đã rồi với tình Bắc duyên Nam.

Mải mê nhặt bỏ những cọng rau héo, cô loay hoay với chuyện mới đây, nghe hơi nồi chõ ông cụ non ấy vừa thửa được một bà nạ dòng về hầu…Nghe các cụ kháo nhau, rõ khéo: Chuyến này tậu bò lại được cả bê. Hay: Ối dào, trò đời đàn ông như cái nơm, chòm chọp úp xuống cầu may đấy mà. Cụ khác góp chuyện: Cá mè một lứa, cái ngữ ấy trước sau gì cũng được chim bẻ ná, được cá quăng nôm ấy thôi. Nghe lóang thóang cô cũng chẳng bận tâm, vì chuyện trâu buộc ghét trâu ăn là chuyện của các cụ. Hoặc giả con trê cũng tiếc con diếc cũng ham là chuyện của ông cụ non, nào đâu có dây mơ rễ má gì đến cô. Ấy vậy mà…

Ấy vậy mà lây lất từ chuyện này qua chuyện kia những ngày rau lụi, cô liên tưởng đến một lần ông cụ non ngồi ăn cơm với bố cô. Bố cô nói với ông…bạn già: Chú biết bói toán, chú chấm cho cho nó một quẻ.” Cô chỉ nghe ông đáp: “Dạ vâng”. Rồi thôi. Thấy cánh lá mồng tơi tươi tốt, bố cô nháy nhó với ông cụ non và thơ thẩn nếu đừng có giậu mồng tơi, thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng. Cô thấy ông ngồi rung đùi và gật gù, từ rau mồng tơi ông cụ non bắt qua rau muống. Nào là phải cắt ngắn từng hai đốt ngón tay, nào là luộc rau cho tái lên, trộn với khế thái mỏng. Rồi bỏ vào mấy con tép, rắc mè rang, phủ nhăm ba lá húng chũi, kinh giới và chấm với mắm tôm chanh đường. Khế thì phải thái xéo, trước khi ăn, phải dốc nghiêng đĩa cho bớt nước. Giời ạ, mục ăn uống thì chém chết ông khảnh ăn và hợp với bố cô ở cái khoản này.

Một lần cả nhà về Cái Sắn thăm ông bà ngoại, có ông Tần đi theo, rồi hình như mẹ cô hỏi về cái tên của ông. Nhìn bè rau muống nhấp nhô, lững lờ cùng những bông hoa tím nhạt hay trắng, ông bảo rau muống còn gọi là…rau tần, dựa vào hai câu thơ của một ông thi sĩ nào đó nhìn ra cánh đồng thấy đầy những rau muống và làm thơ mưa bay trắng lá rau tần, thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa. Ông lơ đãng nhìn lên trời xanh, mây trắng, nắng vàng và nói một ngày nào đó, ông sè viết về…rau muống của đất quê. Cô lững lờ nhìn ông, thóang đôi mắt già nua hanh hao sương khói, lại ra dáng có…tạng văn sĩ như hớp hồn cô. Đất quê vật vờ trong tâm tưởng bấy lâu nay cô bắt gặp qua ông cùng bờ mương, ao cá, ruộng vườn, và cô như lịm dần trong âm hưởng hồn quê cùng cái giọng rất….Bắc kỳ rau muống của ông.

***

Dâu là con, rể là khách cũng…đúng thôi như mẹ cô vẫn hay nói. Chả là chồng cô những ngày mới quen trước kia ít nói, nói theo kiểu người Nam là không rườm rà “màu mè ba lá hẹ”, lại lù khù như cu cườm ấy. Ấy vậy mà cô thấy dễ thương bao nhiêu, nay về làm rể Bắc càng đụt bấy nhiêu. Mẹ cô chỉ lào thào “cóc đòi đi guốc” với nồi nhà ai quai nhà nấy. Riết rồi cô cũng mặc, hồn ai nấy giữ. Nói cho ngay tính cô lật đật nên chuyện lấy chồng sớm cũng lật đật như ma trật đám quải. Nặng nợ với chữ nghĩa thì nay nào có khác gì với…tôi vẫn đi bên lề cuộc đời, ái ân lạnh lẽo của chồng tôi. Lúc đầu cô chót chét nghĩ đời con gái một lần, lựa chỗ chắc chắn…ngay bên cạnh nhà cho chắc ăn. Chồng cô lại hiền như Bụt, lành như đất, lao xao mờ ảo khổ thân một đời. Vậy mà chả ra làm sao cả, ngô không ra ngô, khoai chẳng ra khoai. Để rồi mặc ai nấy sống cho riêng mình như cá bỏ rỉ cho mãi đến tận cái ngày cô tìm ra cái mái hiên trên sân thượng này để nấp bóng.

Đó là chửa nói đến cái tuổi cập kê gần đây chứ đâu, cô vẫn chả biết chuyện vợ chồng nó méo như củ ấu ra sao…Cho đến một tối, cô đang chong đèn học bài, đêm đã khép cánh. Bố đi khuya về tắt, cô dấu mẹ ra mở cổng thì cả xóm nhà cô họ đã đi ngủ từ chập tối, “tv”, “ra-di-ô” đều ắng tiếng. Nhưng dẫu có họ cũng chẳng xem, chẳng nghe. Giờ này là lúc họ làm khổ tai nhức óc láng giềng và họ đây là cặp nhân tình nhân ngải ngay sát cạnh nhà…Giữa khuya đèn lu dầu kiệt, tối bức như lò than, bỗng bên kia bờ tường thấp, như khéo trêu ngươi, văng vẳng vọng qua tiếng đú đỡn. Họ cấu chí nhau. Họ nghịch ngợm nhau. Họ thở rít lên như tiếng bễ. Rồi thỉnh thỏang dóng lên những tiếng chối tai: “Cắn chó gì mà đau thế, bố ai mà chịu được”. Rồi có tiếng chửi đổng chen chét như dao liếc trên đá: Tiên sư thằng nhãi, bà đã mệt phờ rồi mày con hành bà à”. Tiếp: Sư cha mày, bà truyền đời báo danh cho mày biết, không có bà nằm ngửa ra thì lấy chó gì đổ vào nồi à. Nói cho mà biết…”. Ngừng một chút, tiếng chanh chua lại rõ hơn: “Mày nữa, mày còn liếc ngang liếc dọc con mắt xanh đỏ mỏ nào nữa tao cho một nhát xong đời đấy, hiểu chưa, chó nào chủ ấy chứ. Cái hạng mày cứ sấp mặt xuống…”.

Cô thuỗn ra không hiểu với…”sấp mặt xuống” đế….”ngửa mặt lên” là gì. Khi không cô liên tưởng đến ông cụ non với bà nạ dòng đang ở đâu đó. Cô nhìn bố. Bố nhìn cô lắc đầu và ngần ngừ nói: “Gần nhau chẳng hẳn là cứ ăn nằm với nhau”.

Ôm nhẹ vai cô, bố đằng hắng và tiếp: “Lớn lên con sẽ hiểu”.

***

Với cái tâm thái liêu xiêu như thế, cô lan man về cái hôm khách tổ tôm neo người. Cô đang ngồi nhặt rau trên sân thượng, bỗng cô thấy ông ở đằng sau lưng cô hồi nào không hay. Người cô đuỗn ra như con cá rô đực và tảng lờ làm như không biết, vẫn cắm cúi bấu, ngắt những cọng rau già. Thấy cô nhặt rau, ông vừa đứng vừa đẩy đưa bằng cách nói chuyện…rau muống. Rằng cứ chân quê theo các cụ ta thì không gì thấm thía, ngọt ngào hơn câu ru con trong buổi trưa hè, võng đưa kẽo kẹt còn ai còn đó còn đây, còn ao rau muống thì còn chum tương. Ông nghiệm ra một nhẽ, rau cỏ hình như đều chắt lọc từ cái hồn của đất, cái tinh khiết của hương trời. Như rau muống có từ tháng chín ta, nhưng đến lúc đó chưa hẳn là ngon, phải qua những ngày rét đậm, rét ngọt, cây rau muống mới trắng, mới mềm. Qua cái rét của tháng giêng, tháng chạp, rau muống vừa ngon vào mùa xuân. Sang tháng hai, tháng ba có mưa rào, trứng cóc nở đầy ao rau, rau ăn cứng quèo, nhạt thếch. Rau muống cấy trên nước cạn quanh bờ ao, sâu khỏang hơn gang tay, lá xanh mỏng và cọng mềm trắng, nên gọi là rau muống trắng. Còn rau nổi trên mặt nước thành từng bè, cọng dài lá to là rau muống đỏ. Và có khác là cách nấu nướng, như ông chỉ thích gỏi rau muống, hay nham rau muống, mà ít lâu nay chỉ riêng…”cô” mới làm vừa ý ông thôi.

Cô vẫn lui cui với rổ rau, vẫn váng vất với tháng ba có mưa rào, trứng cóc nở đầy ao rau như nhời ông nói. Rồi ông lững thững quay đi, ngỡ đi đâu, hóa ra ông ngắm nghía hòn non bộ to gần bằng cái bể nước mưa. May mà hôm nay, cơn mưa bóng mây vội vã đến, rồi đi, mấy con chẫu chuộc ễnh ương không u ơ…”gọi tình”. Cô chỉ sợ ông nhòm thấy con cái…“dính chặt” với con đực thi ê mặt, thì cô chả biết trốn vào chỗ nào.

Tiếp đến, ông tẩn mẩn nhìn cái chuồng chim bồ câu, hôm nay lũ chim lại đi bay đi xa kiếm ăn, chẳng còn con nào ở lại. Cô lại sợ ông dòm thấy con trắng…“tỏ tình” với con xám thì cô chỉ có nước độn thổ. Cô chợt nhớ đến bố cô và ông vào cái năm nào bàn chuyện lấy chồng của cô với bói tóan rồi ông tịt mít. Và cô đợi dịp này chỉ có hai người để hỏi cho ra nhẽ. Vừa lúc ông quay lại, cô ngượng ngập ngẩng đầu lên tính hỏi thì rõ chán như cơm nếp nát…Vì ông lại lẩn mẩn tiếp câu chuyện còn dở dang là…đất quê năm nào giời dở chứng, gặp trận mưa sập sùi, mấy ngày mấy đêm. Tuần sau đất quê lại nắng nong, nắng hanh nữa thì ôi thôi, cái giống này ngập ao, ngập vườn, chỉ tổ béo cho đàn lợn sề, lợn ỉn, vì vậy mới có…rau muống lợn.

Khi không ông thở ra như bò thở nào là gặp những trận mưa sụt sùi cả tuần, cả tháng thì đất quê sục bùn nhão, moi lên hạt cơm, hạt gạo khổ như trâu. Ấy vậy mà đất quê gieo gì lên nấy, cam chịu và biết nghe lời. Một cành đào tận đất Bắc xa xôi, sau khi đã ngắm xong ba ngay Tết, ném vào đất, đất vẫn nhẫn nại nuôi cây. Đào không hoa nhưng bung xòe chồi non, lộc biếc. Vất một hột xòai cát từ miền Nam, đất quê lại nhẫn nhục vun xén. Trái chua, ừ làm sao ngọt được như đất người, nhưng cứ là trái. Xoài chua loét nhưng vẫn là xoài. Đào không hoa nhưng cứ là cây. Nghe thủng xong, cô cúi mặt, vì chả hiểu ông muốn nói gì với đào Bắc, xoài Nam. Cô chợt nhớ ra bà vợ ông người Nam. Ừ thì chua loét nhưng có gì lạ đâu, ấy là chuyện của ông chứ chả nhúc nhắc gì đến cô. Mà nếu có thì ông bóng gió gì đây với đào ném xuống đất, đất vẫn nhẫn nại nuôi cây? Hay là ông muốn ám chỉ cô với chồng cô. Dám lắm ạ, lại còn xa xôi với đào không hoa nhưng bung xòe chồi non, lộc biếc. Nghĩ tới các cụ ta nói gái một con trong mòn con mắt, mà cô đã có gì đâu, lại đang…đào không hoa.

Nghĩ đến con cái, cô ngập ngừng hỏi trống không, như hỏi người dưng nước lã: “Ông là thầy bói hở”. Ông tủm tỉm cười và ngồi xuống cạnh cô, ông cầm bàn tay cô mò mẫm, đường gia đạo chi chít như khu Bàn Cờ. Ông đăm đăm nhìn vào lòng bàn tay và chậm rãi nói cung mệnh có thiên việt, thiên khôi, thêm cát tinh hợp chiếu nên cô thích ẩn dật, cung này có thiên đức, nguyệt đức nên có sức thu hút, quyến rũ, có duyên và đa tình nên…hợp với văn chương chữ nghĩa…Cô nhủ thầm, cái này thì chém chết là bố cô chỉ đường cho hươu chạy để ông hươu vượn đây. Chợt cô chột dạ…Ủa mà xem chỉ tay sao lại có…sao sẹt, sao chiếu hay ông tính dở trò chăng? Liếc nhìn ông thăm chừng, mặt ông cứ lặng như nước ao tù, trong khi mặt cô đỏ như quả mận chín. Ông lại mân mê tay cô, trong cô có một chút giao động lâng lâng khó tả.

Như thấy cô đang rối rắm, ông không nói chuyện sao hôm, sao mai nữa, mà ngó chăm chăm rổ cà, với tinh thần ăn uống, ông nhì nhằng hỏi cô nấu cơm Bắc hay Nam. Chẳng đợi cô trả lời, ông tiếp chuyện…ông đầu rau. Ăn vẹt ở mòn thì đã là người Bắc mình ai mà không xiêu lòng với miếng cà muối chua chua, nhai cứ giòn sồn sột, thêm lá ớt đỏ tươi cay xé lưỡi. Hôm nào có bát canh rau đay, canh mồng tơi, thì thế nào cũng phải có được dăm quả cà muối quen thuộc. Thế rồi chẳng hỏi mà khai, ông quya quả bắt qua chuyện tình cũ sì từ cái thuở tám kiếp nào. Nào là mỗi buổi chiều đi dậy học về, ngồi bần thần nhìn mâm cơm, nhớ những ngày tháng mầu tím hoa cà, miên man hòai niệm dai dẳng về người tình vừa bỏ ta đi…như những dòng sông nhỏ…

Hết chuyện, cô nhòm chẳng thấy mặt mũi dòng sông nhỏ với người tình vớ vẩn của ông ở quanh đây. Nhưng cô biết dưới sân thượng đằng kia là cái mương, cuối ngõ là cống rãnh có cả trăm con lăng quăng. Có một dạo, cô vớt chúng lên sân thượng nuôi cá vàng trong cái hòn non bộ, rồi lũ lăng quăng thành con nòng nọc và sinh nở ra cóc nhái thế thôi. Chẳng phải vì nghe đến “người tình bỏ ta đi” mà cô eo sèo với mấy chẫu chuộc, cóc nhái.

Rõ ra từ ông, bắt quàng qua mẹ cô, mỗi lần nói chuyện bếp núc thì mẹ cô lại than thở là đám con của bà như lũ vịt chống gậy. Nào có gì đâu, cà thì phải gọt sạch nuốm, ngâm vào vại, mà vại cà nào chẳng có nước, có dấm, nêm chút muối, chút đường. Chỉ khác một nhẽ là cà muối sổi thường là cà pháo, nếu là cà bát thì cắt ra từng miếng, cho thêm mấy nhánh tỏi dã dập để cho cà trắng. Cà phải trắng phau, ròn tan mới ngon mắt, sướng mồm, nhớ đậy bằng cái vỉ tre, ba, bốn ngày sau thì lấy ra ăn. Còn cà nén thường là cà bát. Mẹ vẫn nhắc chừng chị em cô, đừng quên cho thêm vài củ riềng giã nhỏ để có mùi thơm. Sau đấy dùng cối đá nén khỏang dăm tuần để trái cà dẹp lép, vì vậy các cụ ta vẫn thường hành ngôn, hành tỏi ví von là cà riềng, cà tỏi là thế.

***

Thế đấy, từ…mắm, tỏi, ớt, đường, cô nói vãi thì hay nói vơ …qua cay, đắng, ngọt, bùi. Nhìn cái màng nhện giăng giăng trong chậu cây, cái đầu cô đẩy đưa đánh bạo hỏi ông về chuyện gia đạo. Ông hóng mắt vào chú nhện đang giăng tơ và dường như ông cũng đang giăng một mảnh lươi tình với một mai. Ông trầm giọng về cung mệnh cô có sao đào hoa…chiếu mệnh, vì đang có người ấp ủ hình bóng cô với thương và nhớ. Ông khẽ khàng như để mình cô nghe: Một mong, hai đợi vấn vương tình. Ba thương, bốn nhớ, cô mình ngẩn ngơ. Năm chờ, sáu tưởng đường tơ. Dù không quen cũng bẩy, tám, chín mơ, mười tìm.

Đầu óc cô vấn vương rối mù, bất giác cô ngẩn ngơ nhìn lên bầu trời có những gợn mây kéo về qua những sợi dây điện cuối ngõ. Đảo mắt qua cái chuồng bồ câu, hai con cái con đực cũng vừa bay về chuồng. Cô lại căm cúi xuống nhặt hai quả cà trái mùa, cô vân vê và chẳng nói chẳng rằng một tiếng. Lờ đờ như cá ngộp nắng, thóang như cô chớm cảm ông thì phải, cô cũng chẳng biết nữa. Cô chỉ biết rằng hình ảnh của ông với đôi kính cận mà cô đã ấp ủ từ cái tuổi ô mai nay theo thời gian ẩn hiện qua ông thật rõ nét. Bỗng dưng mặt cô như lá chuối hơ lửa vì khi không cô bắt gặp ông qua hình ảnh bố với cái khỏan đào hoa lăng nhăng, cứ như theo cô, cũng chẳng kém gì bố cô bao nhiêu. Bất giác cô thở dài, khác hẳn với…chồng cô, như đôi đũa lệch. Lúc này cô mới thấy cay như vã ớt.

Nghe tiếng thở ra như một cơn gió thỏang của cô, như đọc thấu tâm can cô. Ông chậm rãi bâng quơ với ai đó: Trong người đàn ông bao giờ cũng có hai người đàn bà, một là người vợ và một là người tình”. Cô nín lặng nuốt từng chữ, chẳng dám ngửng đầu lên. Trong người cô như chùng xuống, như có tiếng nói trốn chui trốn nhũi trong tâm khảm, bây giờ mới rủ rê nhau mò mẫm chui ra. Cô thầm nói trong vô thức cùng buông lơi: “Đàn ông như anh nói thì dễ, còn đàn bà như em thì…”. Cô chợt bắt gặp với chính cô, cô vừa thầm gọi ông bằng “anh” và cô lại xưng “em” với ông…Đồng cảm như cô, ông nói thật nhỏ như gửi gấm với chính ông: “Đến cuối đời, tôi vẫn còn đang đì tìm một người người tình cho riêng tôi, chỉ mình tôi. Bây giờ và mãi mãi…“.

Bóng “tôi” khuất chìm sau cầu thang, nhưng tiếng ông còn rơi rớt lại xóay vào đầu vào tim cô. Và cô buông một tiếng thở dài. Người cô như tê dại, cô lẩm nhẩm trong tâm tư chìm khuất: “Anh làm em khóc bây giờ”. Cô như phân bua với “tôi”, người vừa vắng mặt quanh đây. Cô bám víu, níu kéo: “Đã bảo đừng nói mà” và cô cũng chẳng biết mình nói với ai, với ông hay chính mình. Cô như bừng tỉnh giấc mơ hoang, cô chẳng giấu giếm với chính cô: “Vậy là điều em lo sợ nhất cũng đã tới làm em chống đỡ không nổi”. Cô đang muốn khóc và cô đang sợ.

Như một cái gì không tên ngủ quên trong ngõ ngách của tâm thức với cả một thời gian dài ẩn khuất, dấu mặt. Bây giờ nó đánh thức cô dậy và cô thầm khóc vì hạnh phúc có thật đang chan chứa trong cô. Cô lặng nhìn mớ rau muống trong rổ, cô vẩn vơ đến những ngày tháng mầu tím hoa cà, miên man hòai niệm dai dẳng về người tình vừa bỏ ta đi…như những dòng sông nhỏ. Cô sợ những hợp tan, những mất mát. Cô nhìn lên chuồng chim bồ câu và ước gì mình có một đôi cánh dang rộng, cô thốt lên trong khỏang không với mây trắng giăng giăng cuối ngõ: “Em lại bay bổng rồi nữa rồi anh ơi”.

Như một chuyện tình có thật ẩn nấp trong cô bấy lâu nay…

***

Loạy nhoạy mấy tháng rồi, vậy mà cô thấy như mới hôm qua.

Sáng nay ông vừa mới đến và đang ở dưới kia nói chuyện với bố cô. Thấy ông mang tới túi sấu xanh miền cao nguyên đất đỏ, cô cười mỉm chi loay hoay với ý nghĩ tinh nghịch, với ông Bắc kỳ rau muống này, hay là nấu canh rau muống với sấu chua cho ông ấy…”xơi”. Cô lại đổi ý, hay là muối sổi cho ông ta một hũ dưa chua, thêm chút rau cần, nhoáy một nhát là xong ngay ấy mà. Cũng dễ thôi, thêm ít giá sống, rau răm và hẹ. Thường thì theo mẹ cô, muối rau muống với rau ngổ trâu vì hai cái giống này hay mọc chung với nhau ở ao nhà. Nhất là mới sau cơn mưa đầu mùa kéo dài cả tuần lễ, lại gặp nắng hanh. Những cọng rau to bằng cái đũa, lá ra mơn mởn xanh mầu cốm giót, dài như lá tre, ngoi ra khỏi bờ và bò lổm ngổm trên mặt cỏ, cứ như rau muống đỏ vậy. Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa, cắt thái mớ rau muống, rửa sạch, ngâm hũ dưa chua một cái roàng là xong, cô ngồi thừ người và dùng dằng chẳng biết mình thẩn thơ gì nữa.

Nhóang một cái đã giữa năm, ngày tháng vẫn đủng đỉnh đi qua…Lúc này là tháng sáu, tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt, cô nhìn lên bầu trời xanh như đi tìm những đám mây báo hiệu cho cơn mưa đầu mùa nhưng chẳng thấy. Dường như cô đã đậm đà với…”ông bạn già” của bố cô thì phải. Cô lại được dịp tủm tỉm cười thầm qua khuôn mặt ma mãnh của ông, khuôn mặt cổ lỗ rị mọ những chuyện nửa thật nửa hợm nhắm khi chả ra làm sao cả, vậy mà có duyên. Cô chúa ghét khuôn mặt như khỉ ăn gừng của chồng cô, với bộ mặt choành hoảnh lúc nào cũng ủ dột, bẩy ngày chỉ thấy trời mưa…

Nhớ lại cái buổi sáng hôm nào trên sân thượng…Ngón tay ông táy máy nghịch ngợm trong lòng bàn tay đầy da thịt non của cô, sao cô thấy “ngứa ngáy” với bần thần thế nào ấy. Sau này trong cô, mỗi đêm, mỗi ngập tràn những nhớ và mong, buồn buồn nôn nao khôn tả…Tối tối cô thao thức chập chờn, thóang như cô đang bước những bước chim di, thóang như ông đang khuấy động cuộc sống bình lặng một ngày như mọi ngày của cô. Trong bóng tối trống vắng, cô nhìn cô trên vách cùng những nhạt nhòa thầm nhớ. Và cô thiếp vào giấc ngủ với mộng mị chẳng bình yên chút nào cùng những cắn rứt khôn nguôi của một người lạc vào bến vắng để chẳng thấy đâu là bờ với bến. Để thêm một lần, cô chẳng thể chạy trốn với một hình bóng…

***

Lúc này, cô lẳng lặng lên sân thượng và ngồi ở đấy đã lâu với những bâng quơ, bâng khuâng. Với cô những cọng rau muống như những bám víu hòai mong, vừa nhặt rau vừa vẩn vơ, thì vơ vẩn thế nào chẳng biết nữa… Đột nhiên ở hòn non bộ, trong những ngõ ngách hang sâu ngập nước, có tiếng kêu ồm ộp của con cóc ở một hóc hẻm nào đó cất lên, xa vắng rời rạc. Được một nhát lại có tiếng kêu của một con khác đáp lại ở rãnh nước dưới sân thượng văng vẳng vọng lên. Cô lắng tai nghe thì hình như một con đực, một con cái, ngừng một lát như thăm dò, rồi chúng lại giục giã gọi nhau đứt quãng.

Tiếng con dưới rãnh nước thanh và ngắn hơn, e dè hơn và cô đóan chừng chắc là con cái. Còn con ở hòn non bộ mà cô nhẩm chừng là con đực thì ve gái như giã chầy giã cối, lúc khoan thai, lúc dồn dập “ộp…ộp…” như thôi thúc, mời gọi “ộp…ộp…”. Trời sau cơn giông, ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước, các cụ dậy cấm chả sai tí nào. Mà cũng lạ, chả hiểu sao chúng cứ tậm tịt vào những lúc mưa gió, cứ nhao nhao lên như chào mào ăn dom, cứ như tháng bẩy mưa ngâu ấy. Giống vật muôn lòai cũng đa tình cả đấy, cứ như người vậy, nào ai biết. Ngu lâu đần dai cách mấy, cô cũng hiểu ra rằng cái đẹp của con cóc đực là…là…con cóc cái.

Và cô cứ lửng lơ như người mất hồn qua những ngày còn bé, ngay dưới cái cột chuồng chim bồ câu là hòn non bộ nuôi cá vàng. Ở đấy sau mỗi lần mưa bão, chẳng hiểu lũ ễnh ương chẫu chuộc rủ rê, một bầy con đực cõng con cái bơi lóp ngóp dưới nước. Trong khi con đực ngụp lặn lấy hơi, cả thân mình chìm sâu dưới nước, ngóc đầu lên lấy khí trời, chỉ thấy mắt và mũi, bốn chân thi nhau đạp lấy đạp để, để cõng người tình đến một nơi cao ráo. Trong khi người tình cóc ngồi trên lưng nhởn nhơ ôm vai bá cổ, thảnh thơi ngắm trời ngó mây…Như thể chẳng có chuyện gì sẩy ra, như chuyện thường tình của đất trời.

Ngày ấy cô hỏi bố…Bố vò đầu cô nói: “Lớn lên con sẽ hiểu…”. Một lần khác trước ngày lấy chồng, cô lại hỏi bố sao đám cóc nhái cứ giục giã nhau sau cơn mưa. Bố cô nhìn vào khỏang không, trầm ngâm: “Ít nữa cô sẽ hiểu”.

 

***

Hình ảnh gắn bó không rời của cóc con đực, con cóc cái ấy lại ám ảnh cô với cái chuồng chim với “chung thủy như chim bồ câu”. Cô được ông bà bảo thế, lớn lên đọc sách cũng thấy như vậy, rồi sau này cũng không ra ngoài cái khuôn thước đó. Cho đến một buổi sáng đang lóng ngóng phơi quần áo trên sân thượng. Nhìn thấy tận mắt, cô mới ngớ ra. Điều được nhìn thấy rõ rành rành, vì nó trái ngược quá, đầu đuôi xuôi ngược như thế này:

Chuyện là bố cô nuôi chim bồ câu hai ngăn. Sau khi nuôi được một đôi xám, bố nuôi thêm một đôi trắng nữa, không may con mái trắng chết. Mẹ nhiều lần phải nhắc mua ngay một con mái khác để ghép đôi, cho anh góa trắng khỏi bay mất. Nhưng bố cứ chần chừ mãi, cũng may anh góa vẫn lủi thủi sống một mình.

Hôm đó, tình cờ nhìn vào chuồng anh góa thì thấy không phải một mà là hai, đang quấn quýt, chõ mỏ tỏ tình với nhau: Chắc là con mái nhà ai lạc vào”, cô nghĩ thế và định lại gần để xua đuổi nó đi. Chưa kịp nhấc chân thì từ ngăn trong, con xám đi ra: Đúng là chị chim mái lông mầu xám nhà mình, lúc này anh chồng đang vắng mặt. Cô sững sờ và nghĩ mình trông lầm, để cho rõ trắng đen…Thóc ở đâu bồ câu theo đó, nhà thành phố đào đâu ra thóc, thế là cô quây quả xuống nhà lấy một nắm đậu tương mà chúng thích, và cho vào cái máng ăn chung đặt trước hai cửa chuồng. Anh góa trắng lò dò chui ra cùng ăn với chị mái xám, vui vẻ lắm, chẳng có chuyện ai giành giật ai. Bỗng anh chồng xám quay về, cũng sục vào ăn. Lạ chưa, chị vợ bỗng nhẩy bổ vào anh góa, mổ lia lịa vào đầu vào cổ. Cô nghĩ chòen chọet: Có thế chứ, đúng là mình nhìn lầm và hình tượng chung thủy của họ nhà chim bồ câu, lại trở về ngự trị trong đầu óc. Và cô thở phào nhẹ nhõm.

Ăn xong, anh xám lại bay đi. Anh góa trắng toan quay vào thì chị xám tới gần chàng và lần này thì việc tỏ tình, diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, chẳng cần dấu diếm. Cô không hé răng, mân mê một nắm đậu tương nữa, chờ anh chồng quay về. Anh chồng vỗ cánh phành phạch bay về thật, nhưng trước đó mấy giây, chị vợ đã có mặt ở trước cửa để đón. Cảnh chị vợ mổ anh góa tới tấp lại diễn ra, chuyến này có phần hăng hơn. Đến khi anh xám bay đi thì việc tình tứ lại tiếp tục.

Ngay trưa hôm đó, cô tạt qua Chợ Cũ trên đường Hàm Nghi, chợ bán chó mèo và chim chóc và mua một chị mái khác để ghép đôi cho anh góa trắng. Nhưng vì hấp tấp và lơ đễnh, cô mua phải chị mầu nâu và tệ hại hơn nữa là mỗi bàn chân chỉ còn có hai ngón, bước đi cứ khập khiễng. Cô bỏ chung vào chuồng anh góa trắng rồi lấy các thanh nứa ken cửa lại. Cô chắc mẩm chỉ vài hôm sau, chuyện sẽ ổn. Không ngờ anh góa mổ chị nâu rất dữ, buộc cô phải mở cửa giữ nó trên tay, chờ cho anh góa nguôi nguôi mới lại thả vào. Tưởng chuyện ghép đôi của chim là đơn giản, chỉ cần ghép trống với mái là xong, ai dè! Anh góa không chịu sự có mặt của chị mái nâu trong “lều tranh” của nó, chiều đến, con mái nâu phải ngủ trên thanh gỗ đầu hồi…

Tuần sau, chị xám sang hẳn bên “tổ ấm” của anh góa trắng, ngày cũng như đêm. Còn anh chồng lông xám, ngày ngày đi kiếm ăn xa, tối về nằm chèo queo một mình…

***

Sau đó, cô như trong giấc mơ hoang có tiếng cóc nhái gọi nhau râm rả nhau trên sân thượng. Như người mộng du, cô thấy mình thơ thẩn ở cái ao trước nhà bố mẹ mãi tận làng Nội Duệ, Bắc Ninh, mò mẫm khơi mấy cọng rau muống, như tìm một cái gì cô đã đánh mất. Để rồi lững lờ ra vườn sau, lẩn thẩn vén luống cà, như tìm tòi một cái gì mà cô vừa đánh rơi. Trong sương chiều, cô thóang thấy đôi chim bồ câu, một con xám, một con trắng, đang mập mờ, ẩn hiện bên kia hàng giậu.

Giấc hương quan luống lẫn mơ canh dài, qua đồng chiều cuống rạ. Từ dạo ấy, cô hay buồn vớ vẩn, nhớ vẩn vơ. Buồn, chỉ là buồn vô cớ. Nhớ, thường chỉ nhớ xa xôi…

Trúc gia trang

Phí Ngọc Hùng

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search