T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: MẸ KHÔNG ANH HÙNG (1)- Người đàn bà trong ang lúa

clip_image002

1

Lần đầu thấy kinh nàng khóc suốt 3 ngày đêm. Nàng cứ tưởng mình sắp chết đến nơi. Không một ai nói cho nàng biết, đó là chuyện bình thường của một người con gái đã đến tuổi dậy thì. Người đầu tiên có thể nói là mẹ, nhưng từ khi bập bẹ cho đến lúc thấy kinh nàng chưa hề một lần được gọi cái tiếng mẹ như những đứa bé khác. Nàng chỉ thấy cha nàng hốt hoảng đuổi những người đàn bà lúc nào cũng cầm một cái mo cau mệt mỏi bước đi giữa đám ruồi nhặng muốn bước vào nhà. Ông gọi đó là những người “gãy cẳng”. Nó vừa dơ dáy vừa xui xẻo, có thể làm nổ tròng mắt của những người đang đau mắt.

Nàng nằm khóc trong cái buồng của mẹ. Nó tối đến nỗi nàng tưởng mình cũng đã tan ra thành bóng tối. Trên trần là một cái lẫm đựng lúa, nơi lũ chuột ngày đêm rúc rích hết cắn lúa lách tách lại cắn nhau chí choé. Bên phải nàng là cái vách bằng gỗ ngăn cách chỗ ở tối tăm của người đàn bà với cái giường của người đàn ông. Mỗi đêm nàng đều nghe tiếng cha trở mình, tiếng rên và tiếng ngáy.

Chỉ một tấm vách thôi, nhưng khoảng cách giữa cha và nàng trong đời sống sao mà xa cách quá. Cứ như một người họ hàng đã phai nhạt đến bao nhiêu đời. Nàng rất ít khi được gặp cha, hay nói đúng hơn là không dám gặp. Chẳng phải vì ông đánh mắng mà vì, cũng chẳng hiểu vì sao nữa, nàng thấy trống ngực đập thình thình mỗi khi ông từ nhà trên bước xuống. Đó là chưa nói tới lúc phải đến đứng trước mặt ông mỗi khi có lỗi hay nghe ông dặn dò điều gì. Như lúc này đây, thà giết chết nàng còn hơn bảo nàng mang cái quần ướt đẫm máu đến gặp cha.

Sự xa cách ấy không hẳn dành riêng cho nàng mà dành cho tất cả đàn bà con gái trong nhà. Ngay lúc còn sống mà mẹ nàng cũng chưa bao giờ dám bước qua cái ngạch cửa cao ngang đầu gối, là ranh giới bất khả xâm phạm giữa nơi thờ tự, ăn ngủ của đàn ông. Mỗi khi có khách, nếu phải ra chào, mẹ nàng cũng chỉ đứng bên này cái ngạch cửa, nghiêng một nửa người mà cúi chào rồi lặng lẽ lui xuống bếp. Ngày giỗ tết, họ phải tắm gội sạch sẽ, phải mặc áo dài, phải ngồi bẹp xuống sàn nhà, xếp hai chân qua một bên, trải vạt áo trước ra che hai đùi, kéo vạt áo sau phủ kín mông rồi mới chắp tay kính cẩn vái lạy trước bàn thờ…Nếu lúng túng vụng về, trải vạt áo không ngay ngắn để hở đùi hở mông dù có mặc quần liền bị chê là không biết lễ phép.

Ông có biết đứa con gái út đã 3 ngày rồi không thấy mặt, nhưng ông không buồn lên tiếng hỏi nó đi đâu. Bởi vì cơm vẫn được dọn ra trên cái mâm bằng đồng được lau sạch bóng, đũa vẫn không bị so le, ngay cả bát nước để cho ông súc miệng trước khi ăn vẫn trong vắt. Đĩa rau luộc vẫn xanh và sắp ngọn theo ngọn, gốc theo gốc. Con cá liệt gần như vẫn không mất đi chút nào cái màu bạc óng ánh trên lưng. Nghĩa là vẫn như mọi ngày, vẫn có bàn tay của nó đụng vào hay ít ra cũng được nó để mắt tới.

Bảo rằng ông không biết thương con là nói quá cho ông. Cha sao lại không thương con. Vì thương con nên dù chỉ mới lọt lòng mà mẹ đã chết, ông vẫn không cho bà sơ đứa con gái đỏ hỏn vừa mới cắt rún. Ông phải vất vả tốn kém bao nhiêu mới nuôi được nó sống đến bây giờ. Nào phải kiếm cho ra chị vú, mà phải đến 3 chị thay nhau mới đủ sữa cho nó bú đến thôi nôi. Nào phải tìm đứa ở để bồng bế, phải lo sài đẹn ghẻ chóc. Gà trống nuôi con, mà lại là con mọn, cái khổ ấy ông cho trên đời không gì khổ bằng.

Đến ngày thứ tư, cái thứ nước lạ lùng ấy không còn âm ỉ chảy ra nữa và nàng thấy mình vẫn còn sống. Rồi những lần sau, những tháng sau, nàng vẫn tiếp tục sống như bao người con gái khác. Lúc ấy nàng mới biết hai tiếng “gãy cẳng” là gãy như thế nào. Cũng may, nhờ có chị dâu chỉ cho nàng biết cách giữ gìn để khỏi phải lúc nào cũng mang theo một cái mo cau như những người đàn bà mà cha nàng thường xua đuổi

Cuối năm ấy, sau 3 lần kinh nguyệt , nàng tròn 14 tuổi! Chị dâu may cho nàng một chiếc áo dài bằng lãnh đen. Nàng e thẹn bước qua cái ngạch cửa, lúng túng trải vạt áo ngồi lạy trước bàn thờ dưới cái nhìn nghiêm nghị của người cha. Sau đó, nàng lạy cha để mừng tuổi. Ông hơi mỉm cười, giọng nói cũng có vẻ ấm áp dịu dàng hơn thường ngày, nhưng nàng nghe như có một tiếng pháo nổ trong đầu. Nàng bàng hoàng lo sợ còn hơn cả lúc thấy mình “gãy cẳng”. Ông không nói với nàng mà bảo với chị dâu như ra lệnh:

“ Ráng lo năm nay em nó đi lấy chồng!”

Có một người cha như thế nên dù chưa biết lấy chồng là sao và dù có biết cũng không muốn, nàng vẫn chỉ có hai lựa chọn: một là lấy, hai là chết. Chỉ có vậy thôi, không kêu ca, không than thở gì hết. Nhưng cả hai việc lấy chồng và chết nàng chưa biết là gì thì làm sao chọn lựa được! Chính vì vậy mà nàng khóc mãi đến nỗi thâm quầng như bị ai đánh. Chẳng có ai lau cho nàng một giọt nước mắt, chẳng có người chị nào an ủi nàng một câu. Chỉ có lũ chuột tinh quái trên lẫm lúa là cười rúc rích suốt đêm.

Vừa qua khỏi rằm tháng giêng, đã thấy một ông trạc năm mươi quần cháo lòng ống cao ống thấp, cặp nách một cây dù, theo sau là một chàng mặt đầy mụn bước vào ngõ. Cha nàng chừng như đã biết trước, nên dù là người lạ chưa từng gặp vẫn bước ra chào hỏi ân cần. Họ bước vào nhà, ngồi xếp bằng trên phản gõ. Chàng trai đứng ngoài hiên. Cha nàng bày khay đựng bốn cái tách quý và gọi nàng từ dưới bếp lên nấu nước pha trà. Nàng định đi lên nhưng chị dâu nàng cười bảo để chị đi cho, người ta đến coi mắt đấy, em vào trong buồng mà thay áo quần cho sạch sẽ.

Một lúc sau nước sôi, chị dâu châm nước vào bình trà. Nàng chỉ có mỗi một việc bưng lên nhưng nàng thấy sao mà khó quá. Người ta thường bảo khó như đường lên trời nhưng nàng thấy giờ đây đường lên trời còn có vẻ dễ đi hơn. Một tay nàng cầm cái quai bình một tay nàng đỡ bình, nước sôi mới rót nóng đến bỏng da nhưng nàng cảm thấy tay mình như đang lạnh cóng. Khi bước qua cái ngạch cửa, ngón chân cái va vào gỗ cứng làm nàng lao chao suýt ngã . Cũng may là nàng bước qua được nhưng để giữ cho bình trà khỏi đổ, nàng phải chịu đau để cái vòi rót nước vào ngực. Sau này chỗ lõm xuống giữa hai cái vú nhỏ phồng rộp, khi lành còn kín đáo để lại cái vết sẹo xấu xí như trâu bò bị đóng dấu. Đó là kỷ niệm thấm thía trước ngày đi lấy chồng.

Lúc ấy, chàng trai đã lén vào nhà từ lúc nào đang đứng dựa cây cột. Chàng tuy nhìn xuống nhưng vẫn thấy được khuôn mặt vừa ửng đỏ vừa tái xanh của cô gái. Như thế là chàng đang “coi mắt”. Dĩ nhiên với cái mặt đầy mụn mà so với làn da ửng hồng trên mặt nàng thì với chàng, nàng quả là xinh đẹp. Còn nàng, dù sợ muốn đứt hơi nhưng vẫn lén nhìn chàng nhưng chỉ có thể nhìn hai ống quần trắng thả xuống sát đất che hai chiếc dép da màu đen mà thôi. Chẳng biết chàng cao hay thấp, đẹp hay xấu.

Những việc sau đó diễn ra nhanh đến không ngờ. Cha nàng tưởng là khó nhưng thật ra rất dễ. Hay là ông chỉ khó với con cháu trong nhà còn người ngoài thì không? Ông đã bỏ qua hết năm lễ bảy lễ gì đó, chỉ duy nhất một lễ ăn hỏi và rước dâu mà thôi. Ngay cả chuyện chàng trai phải ở rể đến 3 năm cũng miễn luôn.

Ông Hai Nhẫn, người làm mai của họ nhà trai chưa phải uốn cái lưỡi dài bảy tấc của mình ra, đã được ông thủ bản bỏ qua hết mọi chuyện để việc cưới xin trơn tru khiến cho ông thấy mình đúng là được sinh ra chỉ để làm cái nghề phước đức này.

Thực ra ông gặp may. Mọi sự trở nên dễ dàng đến quá nửa cũng là nhờ bà thủ bản đã không còn sống ở trên đời này. Dù cho người cha có dễ như cho không, nhưng người mẹ vì mang nặng dẻ đau không dễ gì để người ta đem đứa con rứt ruột của mình về nhà họ như thể đi mua một con heo. Bà sẽ đòi nào là kiềng chạm, xuyến ngọc, quần lãnh áo lụa cho con, sẽ đòi “bạc nát” tuy không thấm với công của bà đã nuôi con trong bấy nhiêu năm nhưng cũng đủ làm cho họ nhà trai chóng mặt. Gả chồng, ấy là lúc cái nữ quyền của người mẹ to đến nỗi lấn át cả người cha, là lúc mà không có tôi thì lấy đâu ra con gái để cho ông muốn gả bán thế nào thì gả bán! Là lúc mà tiếng “hứ” của bà đanh gọn còn hơn cả tiếng pháo lệnh. Là lúc mà cái lưỡi của mai dong dù có dài đến ba thước cũng không dễ làm xiêu lòng bà!

Ông Hai Nhẫn mừng rơn khi nghe ông thủ bản nói,” anh về nói với chị bên ấy lo sao cho phải thì thôi, mẹ nó mất sớm, tôi chẳng biết đòi hỏi gì cho nó”. Ông Hai nhẫn khúm núm: “dạ, dạ” “Vậy thì cuối tháng ba này, ngày hai mươi mốt tôi đưa nó về làm dâu bên ấy”. “Dạ, dạ , hai mươi mốt tháng ba, dạ dạ…”

Hai ông vui vẻ uống hết bình trà. Chỉ có nàng đứng núp trong buồng nghe như đất sụt dưới chân mình. Hai mươi mốt tháng ba, chẳng biết ngày ấy mình có bị “gãy cẳng” hay không!

 

2

Tháng ba, lúa chín trĩu hạt. Ruộng vàng ươm như những nong kén. Đã nghe tiếng đập lúa và mùi cơm lúa mới thơm hương đất trời. Chưa bao giờ nhiều sao như những đêm tháng ba. Đêm của những giọng hò, đêm của hát bội. Đêm bình yên của đôi lứa bình yên.

Hai mươi mốt tháng ba, chắc là ngày đẹp nhất trong tháng và trong năm.

Chỉ còn hai hôm nữa là nàng sẽ về nhà chồng. Chỉ còn hai đêm nữa, nàng không còn được nằm trên giường của mẹ. Cái giường khô cứng, vạt đã gãy, chiếu đã sờn dù đã nhiều lần thay vẫn không hết rệp. Cái giường quen thuộc đến nỗi nàng quên mất nó đêm đêm vẫn nâng đỡ thân mình. Cái giường ấy, từ đây trong đời không còn là của nàng. Rồi cái bếp với ba ông táo bằng đất mà chỉ có ông táo chúa ở giữa là có rún. Tại sao là ông mà không là bà mặc dù truyện kể vì bà mà hai ông phải chết cháy. Rồi những gióng, những rế, cái đòn ngồi, cái que cời lửa, những chiếc đũa bếp, những chiếc đũa con, những trã những trách, những nồi đất nồi đồng, những sàng những nia, những thúng những rổ, cái dao phay nhọn mũi, cái thớt gỗ trũng sâu, những chén những bát… những thứ thân quen sẽ không còn gần gũi với nàng.

Hai ngày nữa, sao mà mau quá vậy hở Trời!

Không biết trên đời này có người con gái nào như tôi vừa mới sinh ra là mẹ đã bỏ tôi mà đi. Mẹ phải chết để cho con được sống. Mẹ đâu có phải con rắn lục trong bụi tre tự xé bụng của mình ra để cho lũ con bò đi. Tôi cũng đâu có phải hạt lúa tự nảy được mầm. Tôi lớn lên không có mẹ. Tôi sống bên cha như sống với người dưng. Tôi chưa hề được ve vuốt ẵm bồng. Tôi muốn yêu cha mà yêu không được. Cha tôi không phải là giếng nước trong để cho tôi thấy bóng mình in xuống. Cha tôi là cây cột cái đứng giữa nhà lúc nào cũng nhẵn bóng nhưng không phải để cho tôi đứng tựa đầu. Cha tôi như cái đòn dông cao tít trên nóc nhà với một lá bùa bát quái. Cha tôi chỉ để ngó từ xa chứ không để tới gần. Cha tôi có thể khom lưng xuống cho con trai đứng lên, nhưng không thể cúi xuống để nâng dậy một đứa con gái. Cha tôi là người của xóm làng, của đình miễu, của họ hàng giỗ chạp. Cha tôi tồn tại là để cho tôi khỏi mang tiếng con không cha như nhà không nóc. Và cái tình thương yêu lớn nhất mà ông có thể dành cho tôi, là gả tôi lấy chồng một cách đàng hoàng. Là để tôi làm dâu nhà con trai một. Là biến tôi thành một cái “toi” của cái “đó” giữa đồng. Cha tôi gần như biết tất cả. Biết ai sinh ai mất năm nào, biết ai đỗ ai đạt, ai làm quan, ai làm giặc, ai có vợ hiền ai có chồng dữ, ai nhà ngang dãy dọc, ai chòi tranh cột sậy…ai mồ cao mả đẹp, ai chết không có được chiếc chiếu mà đắp lên mình. Biết hết ngoại trừ biết một đứa con gái mới lớn nghĩ gì, muốn gì!

Vì nhà trai ở xa phải đón dâu trước giờ ngọ, nên mới giờ dần họ đã đến đầy trước ngõ. Một phong pháo nhỏ được đốt nổ đì đẹt để báo tin. Trong sân cũng đáp lại những tiếng nổ đì đẹt. Ông Hai Nhẫn mai dong quần không còn màu cháo lòng mà trắng như bông bưởi, cũng không xắn ống cao ống thấp mà thả xuống đề huề. Ông lấy đôi guốc gỗ móc ở cán dù ra đặt ngay ngắn, cẩn thận cạ chân nọ vào chân kia cho bớt lớp bụi đất trộn với sương đêm dính ướt nhẹp, rồi mới xỏ vào. Ông xăng xái đi vào nhà xin giờ. Được nhà gái thuận tình, họ nhà trai cứ sắp hàng một tiến vào. Đi đầu là trưởng họ Bùi bát phẩm mặc áo tía ngực đeo thẻ bài ngà đu đưa theo mỗi bước chân. Tiếp sau là hai cửu phẩm mặc áo thụng xanh, sau nữa là các ông biện ông câu mặc áo the đen, chú rể mặc áo gấm đỏ đội khăn đóng. Trịnh trọng như đi rước sắc thần.

Hai cây đèn tạ đăng giữa nhà được vặn bấc cao hết mức vẫn không đủ sáng để soi rõ từng khuôn mặt, nhất là chàng rể sau khi xuống ngựa cố tình nghiêng mặt để che những cái mụn đáng ghét. Đồ sính lễ đã được nạp trước gồm một quả sơn đỏ đựng nữ trang, một quả đựng khăn áo, một quả đựng “bạc nát” và một quả đựng trầu cau. Giờ chỉ có một con heo đựng trong cũi, một ché rượu được bốn người trịnh trọng khiêng đặt giữa sân. Chỉ tiềm tiệm thôi mà lo được như thế là quá tươm tất, ông nghĩ thầm. Điều làm ông vừa lòng nhất là những người đi họ bên ấy có cả bát phẩm cửu phẩm cũng tàm tạm ngồi nói chuyện được với ông nghè trưởng họTrần và ông tú em họ. Ông sợ nhất là hai bên không bằng vai phải lứa, một bên thì chữ nghĩa đầy mình còn một bên thì dốt đặc cán mai. Trò chuyện với nhau mà cứ như nói chuyện với đầu gối!

Sau khi trưởng họ nhà trai thưa gửi lễ phép, cụ nghè trưởng họ Trần liền khấn trước bàn thờ: Việt Nam quốc, Bình Định tỉnh, An Nhơn huyện, Thuận Thới thôn a… nhị thập nhứt nhựt…a, Trần gia…hiệp cùng Bùi gia…nhơn duyên ..a…Trong khi đó cô dâu đã được các bà cô bà chị họ dỗ ngon dỗ ngọt đã hết khóc, xúng xính trong hai lớp áo màu đỏ và vàng, tai đeo bông lủng lẳng, cổ đeo kiềng chạm, tay đeo xuyến, chân mang hài thêu đang được dìu đứng ở phía bên này ngạch cửa chờ ra lạy cùng chàng rể.

Rồi đó, chàng rể và cô dâu đứng trước bàn thờ thơm ngát hương trầm. Hai họ đứng hai bên, nét mặt người nào cũng lộ vẻ thành kính trang nghiêm đến độ tưởng chừng như có ông tơ bà nguyệt đang cỡi mây đáp xuống. Chưa bao giờ người ta thấy bốn chữ bách niên giai lão lại có sức mê hoặc đến thế. Cũng chưa bao giờ, con trai con gái lại được nâng niu chìu chuộng như lúc này. Chàng và nàng đã tập lạy và biết lạy từ nhỏ, nhưng vì chàng đứng lạy còn nàng thì ngồi nên dù đã dặn trước cả hai vẫn không thể nào cùng một lúc rập đầu xuống chiếu. Tuy vậy hai họ đều châm chước bỏ qua.

Vừng đông đã phơn phớt hồng, sao mai đã nhạt, giờ đưa dâu đã đến. Lúc này là cuối dần đầu mẹo. Phải đi làm sao cho kịp giờ tị. Cái giờ ngọ đứng bóng kia là giờ của những kẻ khuất mặt, giờ của quỷ ma trốn nắng trên những cây cao bóng cả. Nhập gia giờ ấy là đưa cả quỷ ma vào nhà. Ai cũng chộn rộn, ai cũng vội vội vàng vàng, chỉ có nàng ngồi yên không nhúc nhích. Các cô các chị đều hối nhưng không hiểu sao nàng thấy hai chân cứ nặng như chì. Lúc này mà kêu lên được một tiếng Mẹ ơi thì hay biết chừng nào. Mẹ ơi, mẹ ơi, nàng kêu thầm trong trí. Nhưng giả như Mẹ có linh thiêng trở về ngồi kia thì nàng cũng không biết mẹ là ai. Nàng đã bao giờ thấy được mặt mẹ đâu. Ngay cả một tấm hình cũng không.

Bất chợt nàng nghe tiếng của cha:”bộ nó muốn làm giặc hả?” Tức thì nàng đứng bật dậy, tưởng chừng như được nhấc bổng lên.

Đoàn đưa dâu đều đi bộ, trừ nàng đi cáng và chàng đi ngựa. Nằm trên võng được bốn người thay nhau khiêng, nàng thấy mình như một khúc gỗ. Tệ hơn, có lúc nàng tưởng mình như đang nằm trong hòm để người ta khiêng ra nghĩa địa. Cùng đi với đoàn có lúc là những người ra đồng gặt lúa, có lúc là vài con trâu con bò đủng đỉnh. Con ngựa bị che hai bên mắt nên mặc trâu, trâu cứ đi, mặc bò, bò cứ chạy. Nó gõ những cái móng buồn bã xuống mặt đường. Dây cương buông thõng nên trông nó giống như một con nghẽo. Chàng cũng không được đẹp nên cả người và ngựa đều có vẻ lạc lõng khổ sở. Dù nắng chưa lên, các ông già vẫn giương dù lên che nắng, không quên móc đôi guốc hay đôi giày hạ lên chỗ cán uốn cong. Cứ thế, từng bước một, con đường dù khá xa vẫn cứ ngắn lại dần. Ngắn dần, ngắn dần trong khi quê mẹ thì xa tăm tắp.

Vừa tới đình Đại Hữu đã nghe tiếng pháo nổ vang. Nhà trai trải mấy đời độc đinh, nên cậu Hai cưới được vợ là cả làng đều mừng. Người ta đồn cô dâu đẹp, nên mới tới đầu làng đã thấy có rất đông người đứng xem. Bà Cửu theo tục lệ phải lánh đi, còn cô dâu thì xuống cáng vạch rào mà chui vô. Hai người đàn bà vội dìu cô dâu chạy tuốt vô buồng. Nàng ngồi gục đầu lấy tay che mặt y như một con cù lần bị bắt đem xuống núi.

Giờ đây cái giường này là giường của tôi? Căn nhà này là nhà của tôi? Cái làng này là làng tôi? Người đàn bà xa lạ đứng nép sau cánh cửa kia là mẹ tôi? Lấy chồng là đổi thay? Lấy chồng là đổi mẹ đổi cha? Lấy chồng đau xót như thế sao người ta vẫn cứ lấy? Ai cũng khóc mà vẫn cứ phải đi!

Hai cây đèn sáp ong được trịnh trọng thắp lên thơm phức. Sẽ phải cháy cho đến giọt sáp cuối cùng. Sẽ phải sống cho đến răng long đầu bạc. Nàng được dìu ra lạy chào tổ tiên nhà họ Bùi. Và dù ưng hay không ưng, muốn hay không muốn, nàng cũng đã là con dâu của họ Bùi. Sống cũng họ Bùi. Mà chết cũng họ Bùi. Nàng như một cái cây được ươm cho mọc lên, chăm bón ở Thuận Thới rồi đem trồng ở Đại Hữu. Nàng phải bám rễ ở nơi đây, hút chất màu ở nơi đây, thở khí trời ở nơi đây nếu nàng muốn sống.

Cả chục bàn tiệc đã được bày sẵn. Cả một cái rạp to bằng tranh vẫn không che được hết nắng. Người ta ăn uống, chúc tụng. Ai cũng thấy mình nghiêng ngửa. Khi người ta gọi nàng ra chào từ biệt họ nhà gái, nàng thấy mắt cha rưng rưng. Lần đầu tiên nàng nghe ông nói trong nước mắt:”Thôi cha về!” Ước gì nàng có thể nhào tới ôm chặt ông mà khóc. Ước gì nàng bật ra được hai tiếng Cha ơi! Nàng chỉ biết đứng cúi đầu, nghe hai vai mình rung rung như bị ai giật.

Vậy là xong một cuộc cưới xin. Vậy là tròn công cha như núi Thái Sơn. Vậy là yên nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nàng biết mình đã sang một chuyến đò và đậu vào một trong mười hai cái bến. Chỉ có Trời mới biết nàng vào bến trong hay bến đục!

 

3

Đêm tân hôn nàng ngủ trong ang đựng lúa!

Có lẽ đó là chuyện hi hữu cổ kim. Sau này mỗi khi nhớ lại nàng vẫn thấy hãi hùng.

Khi cha nàng cùng với họ nhà gái ra về, mẹ chồng bước vào buồng giúp nàng thay quần áo. Hai cái áo dài cặp đôi được xếp cất vào tủ. Kiềng chạm, xuyến vàng, bông tai vẫn còn đeo. Nàng được bà dẫn ra chào bà con trong họ. Ai cũng tươi cười chào nàng. Ai cũng thấy nàng xinh đẹp dễ thương. Nhưng trong mắt nhìn, ai cũng thấy ái ngại cho nàng. Mới mười lăm tuổi đầu mà phải đi làm dâu. Biết bao nhiêu nỗi khổ đang chờ đợi.

Bà Cửu lâu nay nổi tiếng là một người khó tính. Bà là người xứ Huế. Tuy không phải con nhà quyền quý, nhưng cung cách ăn ở vẫn phảng phất một chút gì đó của những nhà danh gia vọng tộc. Không chỉ riêng mình bà, dường như cái mùi vương giả ở chốn kinh thành nó lan toả ra khắp nơi khiến những cô gái Huế trở nên đài các, hay cố làm ra vẻ đài các, khác hẳn với những người thô lậu quê mùa ở thôn Đại Hữu.

Thực ra, trước kia bà chỉ là một cô hàng xén ở chợ Đông Ba. Chồng bà, một anh phó mộc khéo tay được tuyển vào làm thợ để chạm trổ những cột những kèo ở chốn cung đình. Những lúc rỗi việc anh thường lượn qua lượn lại trước các gian hàng xén. Chắc hẳn miệng anh khéo nói cũng như anh khéo tay đục đẽo nên đã làm xiêu lòng nàng, mặc dù phải theo anh về tận phía bên kia đèo Hải Vân xa tít. Xong việc, anh được bộ công thưởng cho cái tước cửu phẩm. Vì vậy, anh được gọi là anh Cửu và nàng được gọi là chị Cửu.

Được mấy năm, sau một trận thương hàn nhưng chữa trị bằng nước lã tàn nhang nên ông Cửu mất. Cũng may ông còn để lại cho bà một cậu con trai bốn tuổi. Cha mẹ gọi bà đem con về Huế, nhưng bà không chịu. Bà nói, lấy chồng thì phải gánh giang san nhà chồng, ra ngoài nớ thì cái gánh họ Bùi biết để cho ai. Bà ở vậy nuôi con cho đến tận bây giờ.

Như bao cô dâu khác, nàng không ăn uống được gì trong bữa cơm đầu tiên ở nhà chồng. Ăn làm sao được dưới cái nhìn săm soi của bao nhiêu con mắt. Nhưng làm thì nàng làm được và nàng cố sức làm nhiều hơn ở nhà mình. Bao nhiêu bát đĩa một mình nàng giành lấy rửa sạch. Mãi đến tối nàng vẫn còn loay hoay dọn dẹp trong bếp. Nàng muốn bận tay bận chân để khỏi phải nghĩ đến chuyện làm vợ. Chẳng ai nói cho nàng biết làm vợ là làm thế nào. Ai cũng giục nàng: mợ Hai nghỉ tay đi, mợ Hai tắm rửa còn gặp cậu Hai chớ. Nghe nói gặp cậu Hai là nàng cảm thấy run.

Họ hàng nhà Bùi sau một ngày ăn uống nói cười đã chào bà chủ, ra về. Ngoài sân, nắng đã tắt. Bóng tối chẳng mấy chốc từ mấy lùm tre ùa ra ôm kín căn nhà. Văng vẳng có tiếng ếch nhái từ ruộng xa đưa vào. Thỉnh thoảng, một con cóc coọc ngồi đâu đó nghiến răng nghe thật buồn. Có tiếng mẹ chồng: “con Hai đâu lên mạ bảo”. Nàng hồi hộp đi lên gặp bà. Vẫn giữ cung cách của một đứa bé trước mặt người lớn, nàng đứng vòng tay cúi đầu.” Con ngồi xuống đây đi. Mạ cho phép con không phải vòng tay nữa. Mạ biết là con mồ côi mẹ, tội lắm. Từ nay, mạ là mẹ của con, con cứ ăn uống đi đứng tự nhiên như khi còn ở bên nhà, không việc gì phải cáy náy e sợ. Mạ đã già rồi, con phải lần hồi học cách làm chủ ngôi nhà này, nghe rõ chưa. Thôi con vào buồng của con đi.”

Nàng ngơ ngác đi vào. Một ngọn đèn nhỏ soi không đủ sáng căn buồng. Nhưng nàng thấy nó ngăn nắp sạch sẽ hơn buồng của mẹ nàng. Một cái giường rộng, hai đầu có những thanh gỗ tiện giống chân đèn. Một chiếc chiếu mới còn thơm mùi lát. Hai cái gối màu hồng, một cái mền bông. Và trùm lên tất cả là một cái mùng phơn phớt hồng. Không có một chiếc ghế nào, nàng đành ngồi bên mép giường.

Một lúc sau, chồng nàng vào. Anh chàng cũng ngồi xuống bên mép giường. Nàng dịch sát một góc, cố sức thu mình thật nhỏ. Nàng nghe trống ngực đánh liên hồi. Nàng lặng im. Chàng cũng lặng im. Rất lâu, hai người ngồi như hai tượng gỗ. Bỗng nàng nghe:”thôi nằm xuống đi, xê vào bên trong.” Nàng làm theo, nằm quay mặt vào trong vách. Nàng kẹp tay giữa hai đùi, co gối lên tận ngực, như một con cuốn chiếu.

Nàng nín thở khi chàng tắt đèn. Lần đầu tiên nàng biết có người đang nằm xuống cạnh mình. Người đó nằm im. Nàng nghe người đó thở dài. Rồi mấy ngón tay lạ đặt lên vai nàng. Những ngón tay lóng cóng, vụng về đang cố sức kéo cái vai để lật ngửa nàng ra. Nàng hít một hơi thật dài, sợ đến nỗi muốn hét lên. Có tiếng nói của mẹ chồng. Dường như bà hỏi cậu con trai đã đóng cửa ngõ lại chưa. Và cậu ta hơi bực mình đứng dậy ra khỏi buồng.

Đúng lúc ấy, nàng cũng vén mùng chui ra. Nàng nín thở chạy xuống bếp. Nàng ngồi co ro bên mấy ông táo hãy còn nóng. Nàng muốn được ngồi suốt đêm ở đây. Nàng muốn nấu cơm, nấu nước, muốn rửa bát rửa chén. Nàng muốn làm việc nhà chứ không muốn làm vợ.

Anh chồng đi ra ngõ. Con chó mực quắn quít chạy theo. Anh cài lại cửa, cùng con chó dạo quanh nhà. Khi biết chắc không có kẻ trộm nào đang rình, anh vào nhà, đóng chặt cửa. Anh lại chui vào giường, lại nằm xuống, lại thở dài, rồi đưa bàn tay một lần nữa tìm nàng. Trong bóng tối anh thấy cái giường như rộng hơn, rộng đến nỗi anh đã dịch mình vào cả thước mà vẫn không đụng đến vai nàng.

Ủa, sao mà lạ thế. Anh lăn mạnh một vòng, hai đầu gối đụng vách nghe cái cộp. Vẫn không đụng phải nàng. Anh xoay qua bốn góc, vẫn không đụng nàng. Anh loay hoay một lúc rồi ngồi dậy đi tìm đèn. Anh lấy cây đèn trên bàn thờ cha đi vào. Ánh đèn tuy mờ nhưng vẫn đủ soi cho anh thấy cái giường trống không, bốn góc buồng cũng không có nàng đứng hay ngồi. Chắc nàng đi xuống bếp. Anh để đèn lên tủ, ngồi chờ.

Chờ mãi không thấy nàng lên, anh cầm đèn đi xuống bếp. Vẫn không có nàng. Anh lại đi lên nhà trên. Vẫn không có nàng. Anh đi quanh vườn. Vẫn không có nàng. Vậy nàng đi đâu? Anh gọi nho nhỏ, sợ mẹ nghe:” Hai, Hai ơi”! Anh gọi một tiếng, hai tiếng, ba tiếng. Không nghe đáp lại. Anh gọi to hơn. Cũng không có tiếng ơi hỡi gì hết. Không còn sợ mẹ la nữa, anh gào lên: “Hai ơi, Hai ơi!” Chỉ nghe tiếng mẹ xô cửa tông ra:” Mi la cái gì vậy, không sợ xóm làng người ta cười cho à?” Anh nói như mếu:”nó đi đâu không có trong buồng!” Chừng đó mẹ anh mới tá hỏa cùng anh đi tìm. Giọng mẹ anh nhỏ nhẹ hơn: “Hai đâu con, dại chi mà dại rựa” !

Một con người chứ đâu phải cây kim mà tìm hoài không thấy. Đến nước này đành dựng đầu ông mai dong dậy mà hỏi cho ra lẽ. Có chê chồng xấu thì đừng ưng, chứ sao ưng rồi lại trốn đi đâu mất. Cũng may, nhà ông Hai Nhẫn ở gần. Mắt nhắm mắt mở ông hỏi:” có chuyện gì vậy chị Cửu”? Khi nghe anh kể, ông vỗ đùi đánh bép.”Tao biết rồi, ông nói, mày bộp chộp quá làm nó sợ chớ gì.” Nhưng anh cãi: “đã làm gì đâu mà bộp chộp. Mới tắt đèn mà nó đã biến mất, cứ như ma.” “ Đừng có nói bậy, ông nói, chắc là nó chạy về bển. Thôi để tao qua đó đưa nó về. Thiệt là cực. Cái nghề mai dong đã mấy lần định bỏ mà bỏ không được”. Rồi ông quay sang nói với bà Cửu: “chị kêu giùm thằng Bồng đi với tôi, đêm hôm rắn rít làm sao một mình tôi đi được”. Bà Cửu thở ra một tiếng: ừ!

Cô dâu bé bỏng của chúng ta, thực ra chỉ muốn được ngồi một lúc trong bếp, là nơi dẫu sao cũng không xa lạ gì lắm. Mùi khói vẫn như mùi bên nhà. Hơi lửa vẫn ấm áp. Giống như đi ngoài trời mưa lạnh, được ngồi bên bếp lửa, nàng không còn cảm thấy run sợ nữa. Nàng định, khi chồng ngủ rồi, sẽ lén chui vào một góc giường. Nàng sẽ nằm co quắp đợi sáng ra lại đi nấu nước pha trà như đã từng làm bao nhiêu năm với cha. Nhưng khi thấy chồng cầm đèn đi xuống bếp, nỗi lo sợ lại nổi lên. Nàng hốt hoảng chạy ra sau hè, đứng nép sau một cây cột. Khi chồng cầm đèn đi lên nhà, nàng cũng tưởng chàng sẽ tắt đèn đi ngủ. Không ngờ chàng lại đi tìm quanh vườn, rồi lại gọi, lại la lên, lại gào… khiến nàng quá khiếp phải chui vào trốn trong một cái ang đựng lúa bỏ không. Nàng hãy còn quá bé, ngồi lọt thỏm trong cái ang lạnh ngắt. Mấy con kiến nhỏ đang ngủ bị nàng đánh thức bò lung tung, leo cả lên mình nàng. Cũng may là kiến hôi nên nàng không bị cắn.

Ông Hai Nhẫn cùng thằng Bồng đến nhà ông lý đúng nửa đêm. Sau một ngày mệt mỏi ông ngủ say như chết. Tiếng ngáy của ông rồ rồ như xay lúa. Phải mấy lần nắm chân ông lay mới đánh thức được ông. Chuyện ông mai dong đến nhà ông vào giờ này là chuyện lạ. Chẳng lẽ tới mắng vốn nó không còn trinh à. Làm gì có chuyện đó. Mà dẫu có chăng nữa thì cũng phải đợi đến ngày nhị hỷ mới cắt cụt cái tai heo mà ném vào nhà chớ. Có đâu lại dựng đầu ông dậy lúc đang ngủ ngon. Mấy cái thằng cha mai dong thật đáng ghét. Ông không còn nhỏ nhẹ như ngày thường mà đâm ra gắt. Ông gằn giọng hỏi trống không: “Chuyện gì vây?” Ông mai dong cũng dấm dẳng:” con Thãi có về đây không?” “ Nó đâu có về đây, mà ai cho nó về?” “ Vậy chớ nó đi đâu?, ông mai nói, chẳng lẽ nó bỏ theo thằng nào. Tôi chưa thấy đứa con gái nào hư như con gái ông.” “ A, coi chừng tôi vả vào miệng ông bây giờ. Sao ông dám bảo con gái tôi hư?” “Không hư, sao lại bỏ chồng mà đi?” “ Tôi đánh chết cha ông bây giờ, đừng có nói tầm bậy. Được rồi, tôi cũng đi sang bên đó ngay bây giờ đây. Làm mất con tôi là ở tù rục xương đó chớ không phải chuyện chơi đâu”. “ Thì ông cứ qua mà tìm”.

Hai người không nói không rằng đi suốt đêm qua Đại Hữu. Sinh con gái thiệt là cực, ông nghĩ. Chẳng lẽ cứ nuôi báo cô mãi trong nhà. Gả chồng thì khóc lóc làm như thể đem đi cống Hồ. Rồi lại chê chồng không chịu ăn nằm. Đang đêm mà phải lặn lội như vầy thà đừng sinh nó ra còn hơn. Càng lúc ông càng giận con. Phải như còn ở nhà, tóm được ông sẽ quật cho một trận tơi bời.

Đến nơi, trời vẫn chưa sáng. Khi hỏi ra cớ sự ông cũng chỉ biết dậm cẳng kêu trời. Biết nó trốn núp ở đâu, hay là dại dột nhảy xuống sông xuống giếng. Lúc này ông lại thấy thương nó quá. Mới có mười lăm tuổi đã phải đi lấy chồng, ai mà không sợ. Ba bà vợ của ông, bà nào cũng sợ chết khiếp khi thấy ông lần đầu leo lên giường. Đàn bà mà, cái khó nhất là lần đầu. Phải như có mẹ nó còn được dặn dò chỉ bảo chút đỉnh. Đàn ông làm sao nói được với nó chuyện khó nói ấy. Ông thở dài, mong cho trời mau sáng.

Trong ang lúa nàng đã ngủ tự lúc nào. Nỗi sợ hãi của một đứa bé con dù to lớn đến đâu cũng không làm cho nó thức suốt đêm được. Vả lại, sau bao nhiêu ngày đêm mệt mỏi, nàng không thể nào chống chọi được với giấc ngủ. Chồng nàng cũng vậy, sau một hồi đập tay đập chân, thở vắn than dài rồi cũng nằm ngủ chèo queo ở một góc giường. Cái đêm tân hôn kỳ lạ này chắc chắn hai người nếu sống được đến đầu bạc răng long vẫn không thể nào quên.

Trời sáng. Mọi người lại quanh quất đi tìm. Có người ra tận bờ sông, có người leo xuống giếng. Vừa tức vừa sợ, ai cũng chỉ biết nhìn nhau thở dài. Đang lúc tuyệt vọng thì chính bà mẹ chồng tìm thấy nàng dâu ngồi ngủ trong ang lúa. Bao nhiêu tức giận trong người bà đều tiêu tan hết. Không còn than ạc chi mô rựa mà bà kêu lên tội nghiệp quạ con ơi. Bà vuốt tóc, xoa má nàng. Mọi người ai cũng mừng chảy nước mắt. Ông lý Bản và ông hai Nhẫn lại làm lành. Sẵn rượu cưới hãy còn, hai ông lại khề khà coi như không có chuyện gì vừa xảy ra..

Đêm thứ hai chính bà Cửu nằm cùng giường với nàng. Bà rủ rỉ kể chuyện ngoài nớ cho nàng nghe. Dù không hiểu gì mấy nhưng cái tiếng trọ trẹ đều đều như ru khiến nàng ngủ thiếp lúc nào không hay. Cứ như ru con mọn ngủ xong, bà nhẹ nhàng đi ra ngoài để con trai bà sẽ lén vào nằm bên vợ. Và mọi sự sẽ diễn ra êm thắm như lúa mọc trên đồng, như hoa nở trên cây.

Nhưng nàng đâu có ngủ. Nàng chỉ giả bộ ngủ thôi. Nằm bên cạnh bà nàng lại càng sợ và càng không sao ngủ được. Nàng biết bà sẽ đi ra khi nghe có tiếng ngáy. Nàng cũng biết người đó đang rón rén đặt lưng xuống bên cạnh. Dù có biết mình sắp chết, đêm nay nàng cũng không bỏ trốn đi đâu được. Nàng đã làm khổ bao nhiêu người, nhất là cha. Hơn bảy mươi tuổi mà giữa đêm khuya phải chống gậy sang tìm. Con gái như thế là bất hiếu. Nàng đâu có muốn làm đứa con bất hiếu. Thôi thì đành vậy, người ta chỉ muốn nằm bên nàng chứ có muốn giết nàng đâu.

Bây giờ nàng lại tò mò muốn biết làm vợ là làm như thế nào. Không như đêm qua, lần này nàng cảm thấy anh ta vuốt nhè nhẹ tóc, rồi lần xuống ngực, xuống bụng. Những ngón tay anh như chân rắn mối. Nó sục vào cái giải yếm rồi lần tới giải rút. Trời ơi, nàng muốn la lên, gào lên. Nhưng miệng nàng như bị ai khóa chặt, nàng đành trân mình ra mà chịu đưng. Đàn bà sinh ra là để chịu đựng. Nhỏ thì chịu đựng tính khí ngang trái của cha. Lấy chồng thì chịu đựng những trò kỳ cục của chồng. Mai sau có con chắc cũng phải chịu đựng con! Thế rồi cả thân nàng giống như bị xẻ ra làm đôi. Đau buốt tận óc. Nàng tê điếng rồi mê man trong giấc ngủ chập chờn với nhiều lần bị cưa xẻ. Sáng ra, bên người lạ đang ngủ say như chết, nàng thấy một vệt máu khô trên chiếc chiếu mới. Nàng bàng hoàng, còn khủng khiếp hơn là “gãy cẳng”.

 

4

Giữa lúc cái tấm thân bé nhỏ của nàng có những đổi thay xé lòng như thế thì cả thế giới cũng nát tan vì đại chiến. Những lò thiêu người của Đức quốc xã ngày đêm nhả những đám khói nghẹn uất lên bầu trời châu Âu. Máy bay Mỹ gầm thét trên biển Thái Bình. Hai chiến hạm Nhựt bị đánh đắm ở biển Quy Nhơn. Người ta kéo nhau ra biển vớt sáp nổi lều bều. Có cả những thùng đựng đầy đường của Nhựt. Đường cát trắng nén chặt đến cứng như đá. Người ta dùng búa đập cho vỡ để chia nhau ăn. Không ngờ đó là những thùng ướp đầu của lính Nhựt tử trận! Bao nhiêu người lỡ ăn đều phải móc họng mà nôn ra.

Không hiểu sao nàng cũng đang thèm đường. Đường tán mà nàng cứ bỏ vào miệng nhai cộp cộp vẫn chưa đã thèm. Suýt chút nữa, nàng cũng đã ăn phải một cục đường to của Nhựt. Chưa ăn, nhưng nàng đã ụa mửa suốt ngày. Nàng trốn mẹ chồng ra ngồi ngoài bụi chuối. Cứ nghĩ tới cái đầu trọc ấy là nàng rùng mình. Nàng mửa đến ói cả mật xanh mật vàng. Nhưng mẹ chồng lại rất vui vì nàng đã ốm nghén. Thường thì người ta thèm chua. Me sống, xoài xanh, cốc ổi, ăn suốt ngày thay cơm. Nhưng cũng có người thèm ăn đất sét, thèm hít mùi ống nhổ bã trầu, thèm những thứ lạ lùng mà khi còn con gái chẳng ai nghĩ sẽ thèm như thế.

Bà Cửu đem tất cả kinh nghiệm sinh đẻ của mình ra truyền lại cho con dâu. Bà dặn nàng không được bước qua võng, không được nhảy ào xuống tam cấp, không được ăn thịt bò đen, không được ngủ ngày, không được mang vác vật gì nặng, nói chung là phải hết sức cẩn thận nâng niu cái hạt mầm bé xíu trong bụng. Bà nói, con thèm ngọt chắc sẽ sinh con trai và bà đi mua hai cái trứng ngỗng to như hai quả đu đủ bắt nàng ăn để cháu trai bà sẽ được thông minh học giỏi.

Còn anh ta ư? Suốt ngày anh ta nói chuyện Mỹ Nhựt đánh nhau. Anh đi bộ lên tận Bình Định mua nhựt trình để theo dõi tin tức. Anh đang lưỡng lự không biết sẽ đặt tên con là Mỹ hay Nhựt. Mỹ thì mạnh hơn, nhưng Nhựt thì gan dạ. Nhiều người trong làng đặt tên Đức, tên Nga. Nghe cũng hay hay, nhưng anh có vẻ thích Mỹ hơn. Nó đang đổ bộ đâu đó trên đất Pháp.

Sáng ba mươi tháng chạp chưa kịp lo cúng rước ông bà, nàng đã đau bụng. Lúc đầu râm ran, đến trưa thì đau đến nỗi phải cắn cả một con găng võng để khỏi phải la lên. Một bà mụ già đến những bảy mươi tuổi được mời đến. Người ta nói bà mát tay, sinh cho ai cũng mẹ tròn con vuông. Bà lụm cụm đi vào nhà, cái túi đựng ống ngoáy và trầu cau buộc lủng lẳng trước bụng.

Đúng giao thừa nàng sinh một cái bọc màu đỏ. Bà mụ luýnh quýnh chưa biết làm sao thì mẹ chồng đã la lên:”xé bọc ra, xé ra không nó ngộp”. Cái bọc như một cái bong bóng lợn, loay hoay một lúc bà mới xé được. Một đứa bé được lôi ra với cái dây nhau lòng thòng. Tuy mệt đứt hơi nhưng nàng vẫn nghe được tiếng reo mừng của hai người đàn bà: “con trai! đẻ bọc điều là khôn lắm đây”! Anh chồng ở bên ngoài cũng reo lên: “con trai hả, sướng quá! đặt tên cho nó là thằng Mỹ, Bùi văn Mỹ!”

Nàng nằm trên chiếc chõng tre mà sau khi đầy tháng sẽ đem đi đốt. Tục lệ không cho phép nàng sinh trong nhà nên phải nằm ở hiên sau. Có người phải làm chòi ở bụi tre để sinh. Dù được che chắn cẩn thận, nhưng giun dế vẫn rên rỉ suốt đêm. Thỉnh thoảng con cắc kè núp đâu đó trên mái nhà buông những tiếng to và khô vào đêm tối sâu thẳm. Nàng được bôi nghệ đầy mình, mỗi sáng phải uống một bát nước đái của thằng bé hàng xóm. Một bà nuôi đẻ được thuê để săn sóc hai mẹ nàng. Bà nghèo, cũng già khú, mỗi buổi tối lại mang một chậu lửa hừng hực, cởi tuột quần áo nàng ra hơ háp như người ta nướng thịt.

Suốt một tháng, nghệ và mồ hôi trộn lại thành một lớp dày như mo, trông nàng như một mụ ăn mày giữa chợ, nhưng mẹ chồng bảo phải chịu đựng như thế sau này mới chống chọi được với nắng mưa, sương gió. Chồng nàng thì không thèm tới mà cũng không ai cho bén mảng tới. Đây là nơi ố trọc chỉ để dành cho những người nằm nơi. Một nhánh xương rồng được treo trước cửa buồng, chỉ khi nào khô thì chồng mới được gần vợ. Cái lệnh ngộ nghĩnh ấy nàng thấy thế mà hay, biết bao giờ cho nó khô. Nửa năm hay một năm, càng lâu càng tốt. Nàng đã có đứa con bên cạnh, chẳng còn cần ai nữa.

Khi thằng cu Mỹ biết bò lổm ngổm thì trống đình thôn Đại Hữu muốn vỡ tung vì Việt Nam đã giành được độc lập. Bà mẹ trẻ hơn mười lăm tuổi bồng con ra trước sân xem người ta rầm rập đi biểu tình. Chồng chị ta lăng xăng chạy tới chạy lui. Cây cờ đỏ trên tay anh quơ qua quơ lại như đang đuổi gà. Ba ngày sau anh nói khào khào trong cổ họng như vịt đực vì mãi hoan hô, đả đảo. Anh nói,” độc lập rồi sướng quá”! Bà mẹ hỏi ”có ăn được không mà sướng.” Anh nói, “ăn được chớ. Lúa gạo từ đây không cho thằng Pháp đốt nữa. Ai đời nó tàn nhẫn quá sức. Ngoài Bắc không có gạo mà ăn, còn trong nam thì nó đem đốt coi chơi”! Từ đó anh lăn vào diệt giặc đói và giặc dốt.

Nàng mặc kệ anh ta, có con là có tất cả. Nàng thường áp môi mình lên mặt con lay lay cho thằng bé cười. Mùi thịt da thơm ngọt của nó khiến nàng đê mê. Như con ong say mật, nàng uống từng chút, từng chút.

Tôi đang có một đứa con, ơn Trời. Tôi cũng rất biết ơn cha, biết ơn mẹ. Như người ta nói, đúng là có con rồi mới biết ơn cha mẹ. Còn ơn chồng ư? Tôi coi anh ta một kẻ chèo đò giúp tôi qua sông. Cái việc mà anh làm hằng đêm ấy là để cho anh chứ không phải cho tôi. Tôi chẳng thích thú gì trong chuyện ấy. Nỗi lo sợ lúc nào cũng như muốn làm tôi ngạt thở. Tôi không dám nói xấu anh, nhưng anh xộc vào tôi cứ như con heo đang đói xục vào cái máng đựng đầy cám. Tồng tộc, tồng tộc rồi nằm dảnh cẳng ra ngủ. Giờ đây anh có bỏ nhà đi theo ai cũng kệ anh. Tôi không theo ai hết. Tôi theo con tôi. Con tôi là tất cả.

Nhờ cái bằng yếu lược, nhờ hăng hái đi đầu trong mọi công tác nên anh được làm cán bộ xã. Anh liền mua một chiếc xe đạp cũ và với cái chuông kính coong, đạp từ làng này sang làng nọ. Một đôi khi anh lên huyện đóng ở Phù Cát. Có lần anh chở một nữ cán bộ xuống tận Cách Thử. Trời tối, đường còn xa, không dám chở về nhà, anh gửi tạm một nhà đầu xóm. Không ngờ có người mách lẻo, bà Cửu liền tốc thẳng đến tận nơi kêu mụ chủ nhà ra chửi bắt đuổi đi. Về nhà, bà lại lôi anh đang trốn trong bồ đựng lúa ra vừa chửi vừa phết vào mông anh cả chục cán chổi. Nàng nằm trên võng đưa con, biết hết cả nhưng chỉ mỉm cười.

Bà Cửu chẳng ưa gì cái cuộc cách mạng mà anh đang chìa lưng ra đỡ. Khi không nổi trống nổi mõ, khi không kéo nhau đi như giặc dậy ma dương, khi không phá đình phá miễu mà bảo là xây dựng đời sống mới. Đau xót nhất là anh đã đem hết cả bao nhiêu vòng vàng của vợ ra nộp để được khen là gương mẫu. Những hai lượng vàng Kim Thành có đến ba hòn núi chứ ít sao. Cả một gia tài mà đem cho không. Trong khi chẳng cách mạng nào cho đứa con anh được một cái áo chứ nói gì đến nhà cao cửa rộng. Khi nghe Bảo Đại bị xuống ngôi, anh đã định ném cái thẻ bài ngà trên bàn thờ cha ra ngoài bụi tre. Anh rất khó chịu vì đó là tàn tích của phong kiến. Anh không còn cho người ta kêu mẹ anh bằng bà Cửu mà phải kêu bằng bà Hai Bang. Chính vì mới cũ xung khắc nhau mà ít khi hai mẹ con ngồi ăn chung trong một mâm cơm. Anh lại còn rằng rực con mụ vợ vì nó có vẻ như theo mẹ anh. Cái trận đòn mười cán chổi cứ bị nó nhắc lại rồi tủm tỉm cười hoài. Bầu máu nóng cách mạng trong anh cứ sôi sùng sục trước bao nhiêu người, nhưng khi về đến nhà thì lại nguội lạnh vì gặp phải hai người đàn bà. Thật là xấu hổ. Cả nước cùng một lòng chỉ có nhà anh là hai, ba lòng!

Thằng cu Mỹ đã biết gọi ba. Nghe tiếng chuông leng keng nó đã biết chạy ra chờ ba về. Nó rất thích được anh ôm trước ngực chở đi lanh quanh. Nó có vẻ thông minh. Không thông minh sao biết đòi bấm chuông. Anh rất mong nó mau lớn để vào đoàn thiếu niên nhi đồng cứu quốc. Nó sẽ đội mũ ca lô, sẽ hát những bài ca cách mạng. Nó sẽ được anh dạy dỗ để trở thành một công dân mới. Nó sẽ không lạc hậu như bà nội thấy cách mạng làm được cái gì cũng chê. Nếu không có cách mạng thì anh cũng chỉ biết theo nghiệp cha mà cầm cái dùi đục vậy thôi, có đâu được vẻ vang như bây giờ.

 

5

Đã đến tuổi thằng bé đi học. Dĩ nhiên đó là một ngày trọng đại. Dù cha nó không tin thánh thần, nhưng bà Cửu nhất định phải cúng khai tâm.” Không cúng thì cái đầu mi có đựng được mấy chữ mà đỗ Yếu lược”, bà nói. Một ông đồ xưa mà tay run đến nỗi cầm đũa vẫn rơi, nói gì đến cầm bút lông, được mời đến. Dù gì ông cũng đã từng biết chữ thánh hiền. Chỉ có dạy chữ nho mới đáng được bà cung kính gọi bằng thầy, còn những người dạy bình dân học vụ thì bà hứ nghe cái cốc không thèm nói tới. Mâm cỗ gồm một con gà trống, một đĩa xôi, một cây bút và quyển vở. Thằng bé được húi carê nhẵn bóng. Thầy khấn lầm rầm xong bắt nó lạy hai lạy. Nó chưa biết lạy, suýt chút nữa làm đổ cả ly rượu. Lạy xong, nó cầm bút vẽ ngoằn ngoèo trên giấy. Sau đó, nó được ăn nguyên một cái đầu gà, mà là phải ăn hai con mắt để cho nó “sáng”.

Hôm sau tới trường. Bà và mẹ đã thức dậy từ sáng sớm. Vì sợ bị zêrô nên bà không cho nó ăn trứng gà mà ăn cháo nếp với mật ong. Nó được mặc áo sơ mi bằng đũi, chân mang giày, lưng đeo cặp của cha nó để lại từ xưa. Trông nó ra dáng một cậu công tử.Bà cửu dặn vói theo: “học giỏi, trưa về bà cho bánh”. Mẹ nó dẫn con đi như chị dẫn em. Hai mẹ con líu ríu chuyện trò. Nhiều người trong làng hỏi: “ủa, dẫn ai đó?” Nàng tươi cười, hảnh diện nói:”con em đấy chứ ai”. “Dẩy na, mới đó mà đã đi học rồi”.

Nàng vừa đúng hai mươi tuổi, gái một con, đẹp đến nỗi cả trường ai cũng muốn nhìn. Lúc gặp hiệu trưởng, nàng bỗng mắc cỡ, lúng túng không biết thưa gửi làm sao. Thầy nói: “con đồng chí Bang hả, dễ thương quá, chắc học giỏi lắm đây”. Thầy vui vẻ dẫn nó vào lớp vỡ lòng. Đến lúc ra về, nàng lại nhớ hồi còn bé, vòng tay cúi đầu khiến ai cũng bật cười.

Thằng bé học ê a nghe rất vui. Nó học rất mau, viết chữ đẹp. Không như nàng và các chị phụ nữ đi học bình dân. Học mãi cả tháng mà đánh vần không xong. Đọc không được thì tụi du kích chăng dây dừa không cho vào chợ. Đó là chưa kể lúc đọc được rồi nó vẫn bảo là chưa. Nó lại bày đặt để dấu lung tung. Nhiều đứa còn viết những chữ tục tĩu làm cho ai cũng mắc cỡ đỏ mặt. Khi tập viết thì chị nào cũng như nằm bẹp trên bàn. Mấy ngón tay cắm lúa xuống ruộng thoăn thoắt nhưng uốn cho cong một chữ U hay chữ O sao mà khó quá.

Nghỉ hè, nàng xin phép mẹ chồng đem con về thăm ông ngoại. Hai mẹ con đi đường tắt cho gần. Chỉ vòng qua khỏi núi Đất, qua Mương Đôi là đã tới chợ Rượu, quê cha.

Ông ngoại đón cháu với chòm râu bạc dài tới ngực. Những giọt nước mắt hiếm hoi của ông lăn tăn trên râu như những hạt sương. Cậu và mợ đã mấy lần sang thăm cháu nhưng không ngờ nó lớn mau và đẹp quá. Hai thằng anh con cậu liền lấy cần câu dẫn nó đi câu cá. Nàng bày ra trứng và cà chua tặng cha để ông ăn cho bổ. Ông cứ ngồi nhìn mãi nàng, không ngờ đứa con út bé bỏng tội nghiệp, mới đó mà nay đã thành một thiếu phụ đẹp. Chị dâu vội cắp rổ đi ra chợ Rượu. Nàng muốn đi theo nhưng cha bảo “mấy khi con về, ở nhà chơi với cha”. Lần đầu tiên nàng nghe mấy tiếng “chơi với cha” sao mà dịu ngọt quá. Nàng rưng rưng muốn khóc.

Chợ đã tan. Chị Thừa chỉ mua được một con cá tràu nhỏ của một bà già. Nhưng ngoài vườn có chuối mốc, măng tre và rau răm nên bát cá ám rất thơm và ngon. Cả nhà ai cũng muốn nhường cho nàng và thằng bé. Cha hỏi chị Thừa, “làm mang kỹ chưa, coi chừng còn lưỡi câu trong đó. Mắc lưỡi câu là chết chứ không có chưn rái nào mà cào ra được”. Chị Thừa nói, “dạ con làm kỹ rồi, cá tuy nhỏ nhưng có trứng, thằng Mỹ không được ăn đó nghe. Dượng Hai bên ấy chắc ăn trứng cá nên mặt nhiều mụn, may mà không bị cô Thãi chê”. Cả nhà ai cũng cười.

Đêm hôm đó thằng bé ngủ với ông ngoại. Nằm bên này nàng nghe nó ngậm đường phèn lộp cộp. Cái buồng của mẹ mấy năm không có ai nằm, ẩm mốc và lạnh lẽo, nhưng nàng cảm thấy rất thích. Nàng nhớ lại những đêm mưa, những lần có kinh nguyệt, những giấc mơ nho nhỏ, những tiếng ngáy của cha và cả tiếng con mèo đực tội nghiệp của nàng. Đã năm năm qua rồi vậy mà nàng tưởng như mới hôm qua. Những trăn trở, hoảng hốt lo sợ trước khi lấy chồng. Chưa khi nào nàng thấy mình hẩm hiu và đơn độc như lúc ấy. Nghĩ lại nàng thấy giật mình. Không hiểu sao mà nàng vượt qua được.

Năm hôm sau nàng khóc xin cha về. Thằng bé nghe về lại nhảy tưng tưng rất thích. Nó nghĩ tới những bông và trái dúi dẻ thơm vàng, những chùm chim chim đỏ như xâu chuỗi. Cả nhà đưa hai mẹ con ra bến chợ Rượu. Nàng cõng con qua sông, nước mắt nhỏ xuống sông long lanh. Nàng đâu ngờ đây là lần gặp cha cuối cùng. Năm tháng sau ông mất. Nàng thì không dễ gì quên cha, nhưng thằng bé sau này chỉ nhớ chòm râu bạc và những miếng đường phèn.

 

6

Khi thằng bé lên tám tuổi, bỗng dưng cha nó đổi tên trong khai sinh. Không còn Bùi văn Mỹ nữa mà là Bùi văn Liên Xô. Bà nội và mẹ đều chưng hửng. Nhưng ông bây giờ đã là cán bộ huyện, nói:”cả nước đang đả đảo can thiệp Mỹ, đặt tên như thế để người ta chửi vào mặt nó à. Lẽ ra đặt Sít ta lin nhưng không ai cho lấy tên lãnh tụ đặt tên con. Liên xô là thành trì của cách mạng thế giới. Liên xô sẽ đánh đế quốc Mỹ để giải phóng giai cấp vô sản!” Bà mẹ hứ nghe còn to hơn pháo nổ. Bà nói: “Tau thì cứ gọi nó là Mỹ, nỏ thèm gọi Liên Xô mô. Tên của nó đã được ghi trong “phái” đeo trước ngực rồi. Tau cứ Mỹ là Mỹ, ai dám chửi tau!”

Nhưng trừ bà và mẹ nó, đúng là cả nước đang chửi Mỹ. Thằng bé mấy lần khóc với mẹ: “cha đặt tên kỳ quá, con bị bạn chọc hoài”. Mẹ bảo, ông ngoại nói Mỹ là đẹp chứ không phải Mỹ là đế quốc. Nhưng hơi đâu mà giải thích với đám học trò. Ngay cả thầy giáo cũng ngại khen nó giỏi, khác gì khen Mỹ giỏi, nên điểm chưa khi nào lên đến bảy chứ nói gì đến mười! Ngược lại, từ khi thay tên bỗng dưng nó tiến bộ nhanh như gió, lúc nào cũng chín cũng mười. Nó nhiều lần được khen dưới cờ, cái tên dài thòng Bùi văn Liên Xô được thầy cô đọc lên một cách trịnh trọng, âu yếm. Thằng bé rất thích, nó bắt đầu cảm thấy yêu cha hơn yêu mẹ. Con chó mực già rụng lông, bắt chước cha, thằng bé kêu là chó mỹ. Hai cha con bây giờ cùng một lòng, ông Bùi văn Bang rất hả hê!

Mấy tháng sau Sít ta lin chết, ông hú hồn.

Chiến tranh đang đến hồi khốc liệt. Đã thấy nhiều người cụt tay, cụt chân. Nhiều nhà bị đốt, đập nước bị phá. Máy bay gầm rú suốt ngày đêm. Pháp đổ bộ lên Quy Nhơn, nhảy dù xuống Sa Huỳnh. Nhưng khắp các mặt trận ta đều thắng. Điện Biên Phủ bị vây. Mấy mươi ngàn tên giặc đang khóc la xin đầu hàng.

Ông Bùi văn Bang được gọi ra Bồng Sơn học lớp chính trị đặc biệt để chuẩn bị Cải cách ruộng đất. Thằng Bùi văn Liên Xô được vào đội thiếu niên tiền phong, cũng bỏ mẹ và bà nội đi tập nhảy xôn đố mì

Nhà vắng. Vườn chuối đã già cỗi rũ xuống. Trong đêm, những tàu lá phất phơ như những cánh tay khiến nàng nhớ tới một đêm kinh hoàng.

Đó là một buổi tối mùa hạ. Trời nóng đến chảy mỡ. Dỗ con ngủ xong, nàng đi ra giếng tắm. Như thường lệ, nàng mặc nguyên quần áo, xách nước từ giếng lên xối qua mình. Mặc dù trời tối nhưng nàng vẫn đứng nép vào bụi chuối. Nàng đang kỳ cọ, bất ngờ có hai cánh tay cứng như thép từ sau vòng ra ôm lấy nàng. Rồi cả một tấm thân to như cái phản áp sát vào lưng. Hai chân hắn cũng quắp chặt chân nàng. Một cái cằm râu lởm chởm cạ vào cổ vào má. Một tay hắn giựt đứt lưng quần. Nàng xấu hổ không dám la lên, chỉ cố vùng vẫy trong tuyệt vọng. Bỗng nàng nhớ tới mẹ chồng, bà đã từng dạy nàng cách dùng cây nhím cài tóc. Nàng liền rút nó ra, nghiến chặt răng đâm thật mạnh vào đùi hắn. Nàng đâm với tất cả sức mạnh và nỗi căm hờn. Hắn rú lên một tiếng như bị đâm vào tim, liền buông nàng ra.

Từ đó không bao giờ nàng ra giếng tắm nữa.

Và, những đêm vắng chồng, nàng cầm đèn run run đi soi khắp nhà. Mẹ bảo phải soi cả gậm giường, lấy chổi mà quơ vì trộm thường đu mình lên nép sát vào vạt giường, qua loa là chết với nó. Nhưng nhà đâu còn gì mà sợ trộm. Nàng sợ những thứ khác kia, sợ những thằng phải gió. Lúc này, ăn uống kham khổ, lại phải đi cấy, đi gặt, nên trông nàng khô đét, già háp. Nhưng với nhiều người, nàng vẫn còn đẹp. Các đồng chí vẫn thường đến hỏi thăm đồng chí Bang. Ai cũng lề mề, dây dưa, con cà con kê ngồi mãi không chịu về. Lấy cớ thằng Liên Xô học giỏi, kẻ cho cây bút máy Caolô, người cho cuốn vở giấy trắng trong vùng bị chiếm…Các bà vợ thấy thế tụm nhau lại nói xấu đủ điều. Ngày mới về làm dâu, bao nhiêu người đổ ra xem đều khen nàng đẹp, dễ thương. Giờ đây nàng là cái gai trong mắt họ, là con hồ ly tinh, mắt liếc mày la rủ rê chồng con họ. Đi tới đâu nàng cũng bị nguýt háy xa lánh.

Đêm nay, trời mưa rả rích. Đồng chí Thanh mang áo tơi đi vào nhà. Con chó già mỏi mệt cũng không thèm sủa. Đồng chí đập nhẹ cửa hỏi đồng chí Bang đi học đã về chưa. Nàng đứng bên trong nói chưa, nhưng đồng chí Thanh vẫn chưa chịu về. Đồng chí nói, “mưa lạnh quá, cho vào nhà uống miếng nước”. Đồng chí cứ năn nỉ mãi, cực chẳng đã nàng mở cửa. Đồng chí Thanh liền ôm lấy nàng, giả bộ run nói “lạnh quá”. Nàng đẩy ra, gắt: “ông làm cái trò gì thế? Tôi la lên bây giờ”. “Có gì đâu, đồng chí nói, lạnh quá mà”. Bất ngờ hai người đàn bà ập vô, một người nắm áo đồng chí Thanh, một người nắm tóc nàng cùng la lớn: “sao mày dám lấy chồng tao?”.

Bà Cửu thức dậy. Khi rõ mọi chuyện bà bảo:”đêm hôm mà đàn ông tới nhà đàn bà là có ý dâm. Ngày xưa thế nào cũng bị quan căng nọc ra đánh đòn. Hai con mụ kia, khép cái mỏ lại mà về ngủ. Còn nếu muốn trị tội thì cứ đè cái thằng cán bộ kia ra mà cắn mà xé, cớ sao lại dám vào làm ầm ĩ nhà tau”? Vừa nói bà vừa cầm lấy cây chổi dựng bên cạnh quơ lên trước mặt vợ và con gái của đồng chí Thanh khiến hai người vội lôi chồng và cha ra khỏi nhà.

Bọn họ đi rồi, bà ngồi thịch xuống giường. Giận con dâu thì it mà giận con trai thì nhiều. Cứ đi theo đảng mãi như thế này có ngày bị người ta lấy mất vợ như chơi. Suốt ngày nghe nó nói leo lẻo: bảo vệ đảng như bảo vệ hai con ngươi của mắt mình. Đảng là cái thằng cha, con mẹ nào mà gìn giữ hơn cả vợ con. Vợ bị làm nhục không lo lại đi lo nước nhục dân nhục. Khéo lo ba cái chuyện bao đồng. Chửi đã, như thường lệ bà hứ một tiếng rõ to rồi mới chịu đi nằm.

Nhưng bà cứ trằn trọc mãi không sao ngủ được. Lúc nhỏ nó là một đứa con ngoan, bảo đâu nghe đó. Giờ bị ma nhập hay sao mà phế bỏ cả nhà cửa vợ con để đi theo mấy cái ông râu xồm. Nghe nó hò hét mà bà thấy tức lộn ruột. Thà nó cầm súng ra mặt trận đi. Đánh nhau với Tây có bị giết thì cũng được cái tiếng chết vì nước vì vua, chứ làm cán bộ thì chỉ có nghe dân chửi hết làng trên xuống xóm dưới mà thôi. Nghĩ mà thương cho con vợ nó. Ngày trước, khi bỏ xứ Huế theo chồng về đây, bà ăn đứt đám đàn bà con gái trong làng. Biết bao con mắt thèm thuồng. Nhưng dẫu có thèm rỏ dãi nỏ có ai dám động đến bà một sợi tóc. Có mà cái dùi đục của ông Cửu nện cho vào đầu. Khi ông mất đi, cũng có nhiều người lảng vảng muốn ghẹo nguyệt thương hoa, nhưng cũng một vừa hai phải chứ có đâu càn ngang phả sét như bây giờ. Rõ đúng là thời loạn. Chỉ khổ cho đàn bà con gái mà thôi!

Nằm ôm con, nàng khóc ướt hết cả vai áo nó. Khóc vì thương mẹ chồng, thương thân mình, khóc vì nhục. Cái nhục của đàn bà không như của đàn ông. Không thể rút súng rút gươm ra mà trả. Nó như một vết chàm trên da thịt không cách gì rửa sạch được.

Sau ba tháng trở về, cùng với những đồng chí khác, đồng chí Bùi văn Bang làm nổ tung xóm làng bằng những cuộc phóng tay phát động quần chúng để tiêu diệt địa chủ. Những đêm học tập, những đêm đấu tố đã xé nát làng quê yên tĩnh cả bao nhiêu đời thành nhiều mảnh. Bần cố nông được đẩy lên ngôi vị ngất ngưởng thay cho phú nông địa chủ bị vùi dập xuống tận bùn. Nhìn thấy cảnh những ông tổng, ông lý bị bắt quỳ giữa sân đình để bao nhiêu người hét hò mắng chửi, bà Cửu không chịu được. Bà cho rằng, ngày xưa, vua còn biết tha tội cho những người ăn năn hối cải, còn biết để họ lấy công chuộc tội, cớ sao bây giờ cách mạng lại hành hạ họ. Từ bao nhiêu năm nay họ đã đóng góp bao nhiêu của bao nhiêu công, đã quyên góp bao nhiêu vàng, ngã hàng chục con heo con bò cho dân quân, bộ đội ăn, lại đóng thuế nông nghiệp nhiều hơn ai hết sao lại đem ra sỉ nhục họ trước đám đông? Họ đáng cha đáng chú sao lại đá lại đạp họ? Đạo lý của con người để ở đâu? Bà rất đau xót, xấu hổ khi thấy con trai của giòng họ Bùi lại đi làm cái việc bất nhân đó, mà lại là kẻ hùng hổ nhất, tàn nhẫn nhất.

Từ đó, sự xung đột giữa mẹ và con trở nên gay gắt đến nỗi bà Cửu nói,” tau coi như không đẻ mi ra. Ai đời mi dám bảo tau là phản động, là cản trở cách mạng”.“Chứ không phải à, người ta ai cũng mẹ cứu quốc, mẹ chiến sĩ, còn bà là mẹ gì? Mẹ mìn thì có! Bà không xứng đáng là mẹ tôi. Đồng chí gào lên. Chính vì bà mà tôi bị phê bình là thiếu năng lực. Người ta nói, không giác ngộ được mẹ và vợ thì giác ngộ được ai. May mà tôi còn có người cha là thợ mộc tức là công nhân nên vẫn còn được đứng trong hàng ngũ tiên phong. Nhưng có một bà mẹ như bà lúc nào cũng chửi cách mạng ra rả, một con vợ ù lỳ như con vợ tôi, cứng cổ cứng đầu không chịu tham gia công tác, nên cũng có ngày tôi sẽ bị đá văng ra ngoài như một con chó ghẻ”. “Thì mi đi đâu cho khuất mắt tau, đừng có mà về cái nhà này nữa”. “Chính bà phải đi ra cái xứ Huế phong kiến của bà chứ không phải tôi”. “Mi câm cái họng thối tha của mi lại, không tau cắn lưỡi chết bây chừ”! Rồi bà bù lu bù loa: “ông ơi là ông ơi, ống chết sớm làm gì để thằng con trời đánh nó chửi tui như thế này”! Bà nằm vật ra giừa nhà, khóc suốt mấy ngày đêm. Năn nỉ dỗ dành bao nhiêu bà cũng không chịu ăn, chỉ có mỗi một việc đòi chết. Thằng bé lại càng làm cho bà bứt đầu bứt tóc kêu gào thảm thiết hơn. Nó nói, “bà không chịu tiến bộ, chỉ làm khổ cha”. Nàng lấy tay bịt miệng con, nhưng nó vùng vằng đứng dậy, đá văng mâm cơm bỏ đi. Nàng thở dài:” Đúng là cha nào con nấy!”

Chiến thắng Điện Biên cũng đem lại thắng lợi trên bàn hội nghị. Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết. Một nửa nước đã được giải phóng. Bao nhiêu cán bộ, bộ đội tập kết ra miền Bắc. Cả hai cha con Bùi văn Bang đều được đi.

Cái tin Bùi văn Liên Xô được tập kết theo cha khiến hai người đàn bà, một già một trẻ không họ hàng gì với nhau, ôm nhau khóc suốt. Còn lờ mờ gì nữa, đi tập kết là mất con mất cháu rồi. Hai năm trở về, ai biết được là hai năm hay hai mươi năm. Mà dẫu cho chỉ hai ngày hay hai tháng cũng đã không thấy yên bụng rồi. Có bao giờ nó xa hai người nửa bước đâu. Giờ đây ai lo cho nó ăn nó mặc. Ai buổi tối đưa nó vào giường ôm ấp cho nó ngủ. Ai thức dậy sớm nấu cháo luộc trứng gà cho nó. Ai hái cho nó cả nón dúi dẻ chim chim. Ai kể chuyện đời xưa cho nó nghe. Ai thức suốt đêm bên cạnh khi nó đau. Ai lo cho nó từng cái mụt ghẻ. Ai gãi lưng cho nó khi nó kêu gãi gãi. Ai ? Buồn như nhà có tang. Nhưng thằng bé thì vui như tết.

Nó hí hửng vì được đưa ra Bồng Sơn, được học tập vui chơi với hàng ngàn trẻ em khác của liên khu 5. Lần đầu tiên được đi camnhông ray nó cảm thấy như được bay lên trời. Khi xe qua hầm nó sung sướng tung mũ lên, cái mũ bay mất. Nhưng không sao, nó sẽ được phát mũ calô đội lệch rất chi là oai vệ. Ngoài những bước nhảy xôn đố , nó còn được học nhảy sạp, được xem bao nhiêu là phim của Liên xô và Trung Quốc, được phát huy hiệu có ảnh Bác Hồ. Nó được các”mẹ“các”chị“may cho những cái túi dết, những chiếc khăn mùi soa có thêu chim bồ câu hoà bình. Nó cùng với các bạn như đang ở trên thiên đường. Nó quên mất hẳn bà và mẹ.

Một tháng sau nó về thăm nhà, trông nó khác hẳn. Nó như cao hơn, rắn chắc hơn. Nó đòi mẹ đan cho chiếc áo len và thương làm sao, nó muốn mẹ chụp với nó một tấm hình. Hai mẹ con đi bộ vào tận Đập Đá. Nó đứng cao gần bằng mẹ, một tay chống nạnh, một tay vịn lưng mẹ, trông đĩnh đạc cứ như một cậu con trai đã lớn.

Rồi đến lúc nó theo đoàn xuống Quy Nhơn để lên tàu ra bắc. Bà nội quá già, chỉ một mình nàng đưa tiễn. Lần đầu tiên nàng đi một quãng đường rất xa, những bốn mươi cây số. Con đường trải nhựa đen từ thời Pháp bị đào xới trong kháng chiến trông như một cái xương cá khổng lồ, bị ngắt ra nhiều khúc vì những cây cầu sập và những hố bom chưa lấp lại.

Không có tàu bay, không có súng đạn nên người ta đổ ra đường đi khơi khơi như để hít thở không khí của tự do và hoà bình. Suốt chín năm, giờ mới có được những ngày bình yên. Ai cũng vui, mặc dù người nào cũng hốc hác teo tóp. Nàng tưởng ai cũng như mình, đi tiễn chồng con đi tập kết. Thực ra họ đi gỡ dây thép gai, lượm lon đồ hộp của Pháp để lại. Ngược chiều với nàng là những người hai vai nặng quằng những khoanh dây kẽm, những đứa bé kéo cả chùm lon loảng xoảng trên đường. Đó là những thứ có thể làm ra gạo ra khoai.

Thành phố Quy Nhơn trong những câu chuyện mở đầu bằng “hồi xưa” của cha nàng với những phố lầu, những ngựa xe giờ chỉ là một đống gạch vụn mênh mông. Chỉ còn sót lại cái nhà thờ họ đạo với tháp chuông cao ngất và nhọn hoắc. Hết bị đập phá để tiêu thổ kháng chiến lại bị Pháp san bằng để chống lại du kích, cái thành phố nguy nga trong trí nhớ của cha nàng cũng đã theo ông đi xuống mồ. Nhưng hai mẹ con rất thích vì lần đầu tiên được thấy máy bay của uỷ hội quốc tế. Nó nằm phơi mình dưới ánh nắng, sáng loáng như một con thuyền sơn màu bạc. Không biết nó to và nặng như thế làm sao lại có thể bay lượn trên bầu trời như chim chèo bẻo. Không dùng để bắn giết, trông nó hiền lành như một con trâu đang nằm nhai cỏ.

Tại bến cảng, một con tàu Ba lan to như hòn núi Đất đang há cái mồm rộng để nuốt những khẩu đại bác nòng dài thòng, những xe tăng nặng chình chịch. Sau cùng, nuốt những đứa bé sắp hàng một trong đó có con nàng! Bọn nhỏ tuy hơi sờ sợ, nhưng khi được đưa lên boong, chúng lại thích thú dùng khăn tay đưa ra vẩy. Đáp lại là những giòng nước mắt, những tiếng gọi ’’ con ơi”thống thiết.

Rồi con tàu ngậm cái miệng đen ngòm lại, rúc lên những hồi còi xé ruột. Nó nhả những cuộn khói xám xịt lên trời, lừng lửng tiến ra khơi.

Nàng và bao người mẹ khác đứng chôn chân rất lâu trên bến cảng. Họ nhìn theo con tàu cho đến khi nó trở thành một cái chấm nhỏ rồi tan biến ở đường chân trời.

Đó là chuyến đầu tiên chở những mầm non ưu tú nhất của cách mạng ra bắc. Bùi văn Bang phải ở lại lo thu dấu tài liệu, chôn vũ khí, sắp đặt bố trí ai đi, ai ở, ai đổi vùng ..cả núi công việc. Mãi đến chuyến cuối cùng tức là mười tháng sau, ông mới đi. Dù cho hờn giận đến đâu thì tình mẫu tử và nghĩa vợ chồng vẫn khiến cho ba người ruột thịt của Bùi văn Liên Xô không khỏi ngậm ngùi trước lúc chia ly. Bà Cửu nước mắt lưng tròng nắm chặt tay con và anh ta đã cúi xuống ôm ngang lưng mẹ rất lâu. Vợ anh dặn phải nhớ chăm sóc con. Anh hứa hẹn: “không sao đâu, mười bốn tháng nữa thôi, cha con anh sẽ về”. Lần đầu tiên ông xưng anh với nàng và cũng lần đầu tiên nàng nghe lòng mình tan ra trong nước mắt.

Khuất Đẩu

(Còn tiếp 2 kỳ)

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search