T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: MẸ KHÔNG ANH HÙNG (3)- Trần văn Quy Nhơn

clip_image002

 

Kỳ 1        Kỳ 2

1

“Nó là đứa nào?”, người đàn ông hỏi.

“Là con tôi”, người đàn bà nói.

“À ra là vậy. Thảo nào thằng Bùi văn Liên Xô chết!”

“Ông đừng nói với tôi cái giọng như vậy”

“Thế thì giọng nào. Con bị thương mà rửng mở với thằng lính ngụy, bảo sao nó không chết”.

“Ông câm cái họng lại. Nó chết là do ông và cái đảng đáng nguyền rủa của ông. Sao ông không đi giải phóng mà bắt nó đi?”

“Tôi cấm bà nói thế. Tôi cũng cấm bà và cái giòng giống Mỹ ngụy kia không được ở trong nhà này nữa”

“Ông không cần phải đuổi. Cái nhà này là của mẹ ông mua mặc dù đã làm giấy cho tôi. Khi thằng Bùi văn Mỹ chết rồi thì tôi và ông chẳng còn là gì với nhau nữa”.

Đó là những lời đối đáp của những người đã xa nhau trên hai mươi năm, giờ gặp lại.

Đó cũng là buổi tối mà cái quạt máy trên trần nhà quay 360 độ, cứ nghiêng qua nghiêng lại như máy bay sắp thả bom, khiến hai mẹ con của một người đàn bà khác cứ nép vào nhau, sợ sợ làm sao ấy!

“Đồ của tụi Mỹ, cái gì cũng như muốn giết người”, người đàn bà thầm thì với chồng.

Hai người rù rì với nhau, ước tính giá trị của những vật dụng đang bày biện trong nhà: cái T.V, cái radô, cái máy hát đĩa, cái tủ lạnh, bộ xa lông trắc cẩm lai…dù đã cũ, vẫn là một tài sản khổng lồ, cứ như trong nhà của bộ trưởng.

Người đàn bà, lặng lẽ xếp áo quần bỏ vào trong túi xách. Đến trước bàn thờ bà lấy khung ảnh của một người đàn bà tóc bạc trắng, bọc giấy báo, buộc dây thun, nói với người đàn ông:

“Đây là ảnh của mẹ ông. Cũng là mẹ tôi. Tôi xin giữ lấy để thờ. Ngoài ra không lấy thứ gì khác”.

Bà bước ra khỏi nhà, dắt con theo.

Đằng sau vọng lại những tiếng nói, tiếng cười của người đàn bà giọng Bắc, vui còn hơn khi nghe miền Nam được giải phóng.

 

2

Đạn bom trong những ngày tháng tư tăm tối thực ra không tàn phá bằng những bàn tay của con người. Bọn hôi của làm chủ thành phố khi quân miền Nam rút đi trong khi quân miền Bắc chưa kịp tới. Bọn chúng bắn vào các ổ khóa, mở toang các cửa sắt những căn phố mà chủ nhân đã di tản, khuân hết gạo thóc, bột mì, nước ngọt, bia rượu, vải vóc, tủ giường, chăn nệm…Chúng cũng mở toang các sạp hàng ở chợ, vơ vét hết hàng hóa rồi châm lửa đốt chơi.

Cái sạp quần áo cũ của bà cũng giống như xương thịt của người chồng thượng sĩ, không còn lại một chút gì.

Hai mẹ con lầm lũi đi về phía ngoại ô. Nơi đây không có được cái ang lúa như ngày nào. Cũng không có được cái giường ngập trong bóng tối của mẹ. Nhưng có hai cái tháp đứng cạnh nhau gọi là tháp Đôi. Họ chui vào đó, ở chung với dơi, chuột.

Thế cũng xong.

Bà trở lại nghề cũ: bán bánh canh. Nhưng là bánh canh giả cua, vì người bán không mua nổi cua và người mua cũng không đủ tiền mua. Dù vậy, cái gánh hàng rong chỉ bán trong buổi sáng sớm cũng đủ tạm nuôi sống hai mẹ con.

Chiến tranh đã qua đi nhưng những người chiến thắng vẫn chưa thôi đánh những người chiến bại. Hết đánh tư sản mại bản đến đánh những tàn dư của Mỹ ngụy. Lại khám nhà, lại kìn kìn từng đoàn xe chở hàng bị tịch biên. Lại đốt sách, phá những miếu âm hồn trên khắp nẻo đường quốc lộ.

Đánh xong đến xây.

Xây dựng đời sống mới, nghĩa là không được mặc quần ống loe, cắt áo dài thành áo cụt để dễ lao động. Từng đoàn thanh niên xung phong (thực ra là bắt buột) đi đào kênh, đắp đập không công. Từng đoàn tù không mặc áo tù đi vào chốn rừng thiêng nước độc, gọi là học tập cải tạo. Và cũng từng ấy đoàn trẻ già trai gái lếch thếch bồng bế nhau lên núi, gọi là xây dựng kinh tế mới.

Trôi đi, trôi giùm cho mau những tháng năm dài không biết sống để làm gì!

Và mười năm trôi mau để cho con bà trở thành một thanh niên.

Giờ là lúc những người chiên thắng cao giọng. Mỹ còn đánh được thì Campuchia và Thái Lan là cái thá gì. Đặng Tiểu Bình bênh đàn em Pôn Pốt thì chơi luôn.

Chiến tranh lại nổ ra.

Con bà tuy không đi thi vẫn trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.

Buổi tiễn đưa rộn ràng cờ xí, khẩu hiệu. Một màu đỏ nặng nề đang cố sức thổi bùng ngọn lửa cách mạng mùa thu đã tắt ngúm từ lâu. Hàng chục cái loa phóng thanh đang mở hết công suất để át đi những tiếng gào tiếng khóc. Của mẹ, của cha, của anh, của chị.

 

3

Thư viết vội của Trần văn Qui Nhơn:

Mẹ ơi, con đang ở trên đất giặc. Trời rất nóng. Chúng con thiếu nước uống. Thiếu cả lương thực. Thiếu cả đạn. Bọn giặc cởi truồng bôi lọ nghẹ, đợi đến đêm bò vào trại, gặp ai có áo quần là cắt cổ. Con sợ lắm. Lén viết mấy dòng gửi mẹ.

Thư được dấu trong một cái tượng con cóc nặn bằng đất sét.

Người đàn bà ngửa cổ nhìn lên đỉnh tháp. Ở đó có một khoảng trống hình vuông. Một chút da trời xanh thẳm.

Trời hỡi, làm sao cứu được con tôi, hỡi Trời!

Tiếng thét của bà vọt thẳng lên như một ngọn lao. Một bầy dơi bay qua, rải phân xuống đỏ như máu.

 

4

Lời kể của một người sau hai năm làm nghĩa vụ, cụt một tay, trở về:

“Bạn ấy chết thật rồi, thưa bác. Bọn cháu bị bao vây, nhưng chúng rất khôn, không tràn vào trại mà cố tình để ngỏ một đường rút. Chúng cháu trốn ra, bị chúng giết gần hết.”.

“Thế cậu có giữ được chút gì của em nó không?”

“Chỉ có một tấm hình hai đứa chụp chung, cháu xin tặng bác”

Người đàn bà nâng tấm hình trên hai tay. Hình đã cũ, nước thuốc ố mờ. Một tấm hình rất giống với hình của thằng anh đã chết. Hai đứa cùng một kiểu chống nạnh, rất chi là nhà quê. Nhưng đẹp xiết bao, quý xiết bao!

“Tôi xin cắn cỏ cắn rơm cảm ơn cậu”

Năm ấy là năm 1990, hãy nhớ lấy!

 

5

Lại mười năm sau.

Tháp Đôi đã trở thành di tích lịch sử. Và là điểm tham quan du lịch của thành phố. Những người tá túc vật vạ như bà, tuy thần không đuổi nhưng người đuổi, phải tìm chỗ khác. Trên lưng chừng một ngọn núi đối diện, bên cạnh những người thợ làm nghề đá chẻ, bà dựng một căn lều bằng những thứ nhặt nhạnh được trong các kho đồng nát.

Có hai con đều chết trong hai cuộc chiến tranh, nhưng bà không được cấp nhà “tình nghĩa”. Dĩ nhiên cũng không được phong tặng “bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Bà lại sống trong tăm tối và cô đơn như hơn sáu mươi năm trước đây trong căn buồng của mẹ. Chỉ còn một chút an ủi, là từ đây, sáng trưa chiều tối, ngay cả những đêm không trăng, lúc nào bà cũng nhìn thấy hai ngọn tháp đứng cạnh nhau như hai anh em.

Bà nghĩ, chúng là con của bà. Chúng đỏ rực một màu khi nắng lên và vàng óng khi chiều xuống. Chúng đẹp xiết bao, rực rỡ xiết bao, cho dù một ngàn năm nữa sẽ trôi qua.

Khuất Đẩu

Viết lần 1, 2008

Viết lần 2, 2013

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search