T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Những vết chân di

clip_image002

 

Dẫn nhập:

Đời sống phẳng lặng hàng ngày với nhiều người có một cuộc sống rất bình thường. Quá bình thường đến khó hiểu, đến một lúc nào đó chẳng hiểu nổi.

Như nhân vật của người viết trong truyện sắp bương trải dưới đây chẳng hạn.

Nhớ lại khoảng thập niên 80, với nỗi sầu viễn xứ của người di tản buồn, và đang ngẩn người nghĩ không ra là lúc này mình cũng đang có mặt ở đây, để bỗng chốc thành những người Do Thái da vàng hay hoặc giả như những người Chàm vong quốc với những vu vơ hụt hẫng. Rồi ngày là lá tháng là mây, người viết đọc được một truyện ngắn về nhân vật trên. Truyện viết theo thể loại phiêu lưu mạo hiểm đường rừng đại loại như Đầu lâu máu của Lê Văn Trương hay TCHYA thì phải. Cốt truyện với hai anh em ruột gặp lạc nhau, rồi lại gặp lại nhau. Cả hai cùng đi tìm kho vàng của ông bố người Nhật tên Watanabé với hai bản đồ ráp vào làm một như hai bánh xe răng cưa. Cuối cùng kho tàng bị gài thuốc nổ và…nổ tung.

Dậu đổ bìm leo, thêm một truyện khác và chỉ khác là truyện dài. Gần đây trong Đặc San Nguyễn Trãi Chu Văn An 2009, trang 472, nhà báo kỳ cựu Chính Luận, nhà văn hóa cổ đại Lê Thiệp cho biết với bút pháp bung phá đã bỏ ra 5 năm viết truyện này dày hơn 600 trang về nhân vật vừa đề cập ở trên mà vẫn chưa xong. Khi viết, tác giả tra cứu lịch sử, nghiên cứu về những nhân vật của đảng Đại Việt như Trương Tử Anh, Cả Tề và Đức Thụ phu nhân. Tác giả còn khổ công phỏng vấn các nhân vật đã theo học Trần Quốc Tuấn Lục Quân Học Hiệu như ký giả Nguyễn Tú, tướng Phạm Xuân Chiểu, sứ thần Bùi Diễm, tư lệnh cảnh sát Phạm Văn Liễu để lấy thêm tài liệu.

Chuyện khỉ ho cò gáy gì đâu chẳng biết nữa với kết cục của truyện không thay đổi là kho tàng của ông đại tá Nhật Watanabé vẫn bị gài thuốc nổ và lại…nổ tung.

Chỉ khác một nhẽ, truyện dài khác truyện ngắn khi nổ thì có khói bay mịt mùng.

Với khói bay mịt mùng, trộm nghĩ rằng không có lửa sao có …khói? Với cảm hứng phồn thực, thế nên tôi, tức người viết, ngồi cả buổi sáng vắt sang cả buổi chiều mới lọ mọ có bài viết về “nó” tức nhân vật vừa đảo qua trong phần dẫn nhập.

***

Nó là thằng bạn đồng môn đồng tuế, nói cho ngay không thân thiết gì cho mấy cùng một số ký ức hạn hẹp, đến độ chẳng có gì để mà nhớ với quên. Nhưng có một điều lạ là từ năm 75 qua đây, thỉnh thỏang tôi vẫn hoài đồng vọng về nó, không ngòai cái tên, vóc dáng và nhất là khuôn mặt khi ẩn khi hiện, có một cái gì đó không ổn. Nhưng vì cơm áo gạo tiền tôi chẳng có thì giờ để mà bận tâm vướng víu với khuôn mặt đắng đót ấy cả một thời gian dài.

Nó cũng mới chỉ qua đây ít lâu, nghe bạn bè kể lại nó chẳng giao tiếp với ai, luôn luôn vắng bóng trong những lần họp mặt. Ngay cả những lúc có bạn bè ở xa tới, nó lánh mặt như con đà điểu rúc đầu vào cát ngòai ốc đảo. Tôi vẫn thường gọi những mẫu người này là những thằng chối bỏ dĩ vãng, với một mặc cảm tự tôn hay tự ti nào đấy. Và rồi cùng ngày tháng vỗ cánh như quạ bay, nó là một trong những hình bóng đang khuất nẻo và chìm dần trong bộ nhớ của tôi. Nó như thế đấy, không một dấu ấn rõ nét, để chẳng có gì để vặn vẹo về nó.

Cho đến một ngày, một thằng bạn học cũ cũng là đương kim anh vợ nó từ Việt Nam qua và ghé thăm tôi. Nó bèn điện thọai cho tôi nói chuyện để có chuyện mà nói. Đâu đó hai ba lần qua điện thoại đường dài, lần nào cũng kéo…dài cả tiếng đồng hồ. Nhưng với giọng nói chậm chạp, chậm rãi nhưng thật trầm ấm và đầy ắp giao tình, có thể vì lâu ngày mới gặp lại. Vì lâu ngày không gặp nên tôi được biết ngòai giờ đi làm hoặc cuối tuần, nó hay ra thư viện đọc sách và chỉ chuyên trị một hai thể tài khó nhai, khó nuốt như dân tộc Khờ-me hay Chàm.

Chưa hết, nó còn sắm nắm tôi viết về những người Chàm mất nước này. Nhưng tôi phớt đời vi rằng nào tôi có khác gì họ, cũng đang mang sẵn cái mạch quê hương bản quán, vạn kiếp tha hương nghìn đời thê thảm…Nên chẳng hứng thú gậm nhấm đau thương làm cái thú giải sầu với mấy cái địa danh Châu Ô, Châu Ái này kia. Tôi cũng chẳng có thì giờ lẩm cẩm cho quá khứ với mấy cái tên Chế Mân, Chế Củ này nọ. Tất cả đã thuộc về nhang khói hương đèn với mồ yên mả đẹp. Lại nữa, tôi chẳng dại gì mần mò tra cứu sách vở, còm cõi thức đêm thức khuya để…ma Hời nó đọc, để bạn đọc chửi cho mục mả.

Nhưng trong đầu tôi lúc ấy cứ lựng khựng với câu hỏi:

– Hay thằng này nó là người Chàm chăng?

Ấy vậy chứ sao nó biết tôi đang thủ sẵn mớ sử liệu tam sao thất bản về vương quốc ấy, ắt hẳn từ thằng anh vợ của nó mà ra. Thực tình với một mớ kiến văn hạn hẹp của mình không ngòai: Vua Lý Thánh Tôn và Lý Thường Kiệt, năm 1069 mang quân đánh Chiêm Thành, bắt được ba nghìn tù binh mang về Thăng Long xây cung đình và đền chùa, nay dấu tích tìm đựơc vẫn còn ảnh hưởng văn hóa Chàm…Nói cho cùng tôi chỉ làm cái chuyện gánh bùn sang ao với “sưu tầm”, “sưu khảo”, hiểu theo nghĩa là…của người phúc ta vậy thôi và không hơn.

Để rồi tôi nghĩ quẩn: Cũng có thể nó là hậu duệ của đám nghệ nhân này lắm ạ? Dám có thật chứ chẳng chơi. Nhưng tôi vội sua đuổi ý nghĩ…hoang đàng ấy ngay đi. Vì bài này viết về một thằng bạn cũ, bốn mươi năm không gặp, cũng chẳng nên quơ quào sử sách vào đây cho nặng nề, bạn đọc sẽ nhức đầu mỏi mắt rồi lại chửi cho sói đầu. Thế nên tôi chẳng…dại. Và chuyện là thế đấy…

***

Chuyện kể tiếp là một ngày ghé vùng thung lũng hoa vàng, bạn cũ một thưở một thời lại có cớ để tửu lạc vong bần, để lại có dịp gặp nhau đu đưa với quá khứ vị lai. Vừa dợm bước chân vào cửa thấy nó đã có mặt, dường như nó đến sớm nhất thì phải. Một cái bắt tay, dăm ba câu chào đón giữa đám đông, không gần gũi mà cũng chẳng xa cách lắm. Thực mục sở thị nó không thay đổi nhiều, vẫn có những nét ấy, dáng dấp kia của những ngày cùng chung dưới một mái trường. Có một lúc, nó lững thững tách ra khỏi chốn đông người, tần ngần đứng ngắm mấy bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, như đi tìm những đường nét xa xưa của vang bóng một thời.

Ngồi trước mặt nó, để tạm quên những chập chọang lúc ban đầu, tôi đốt mấy cái pháo chuột cho đậm đà hương khói. Vậy mà nó chỉ cười lủng lẳng như người cõi trên nên tôi cũng hơi e dè. Nhìn kỹ nó hơn một chút nữa để ghim vào bộ nhớ, tôi thấy dáng dấp nó hiền như lá với khuôn mặt nhạt nhạt thôi, nhạt hoen hoét như nước lã ao bèo. Riêng cặp mắt như tiềm ẩn sâu kín…một nỗi sầu vạn cổ muôn kiếp nào đó.

Nói chung là thằng này có “mô típ”…hơi lạ. Lạ hơn nữa là sáng hôm sau nó tới sớm rủ tôi đi uống cà phê. Chưa hết ngạc nhiên, nó lại còn nói sẽ đưa tôi lên thăm phố Tầu, phố Nhật, nếu còn thì giờ, sẽ ghé mấy tiệm đồ cổ. Tôi nhủ thầm: Quái, sao thằng này biết tôi chơi đồ cổ, trăm sự ở thằng anh vợ chẳng biết đếch gì ba cái thứ mốc meo, cũ sì mà ra. Cái thằng đương kim anh vợ bố láo của nó nào có biết chuyện mấy bà vợ già thâm căn cố đế đều thích được sờ mó, vuốt ve, thế nên đều thích mấy ông chồng…chơi đồ cổ như tôi đây. Vậy đấy, thế đó. Được nó đưa đi ăn chơi, ngồi không trên xe, tôi liếc trộm thăm chừng thấy nó dường như thuộc dạng…có tướng lại không có tính, nên tôi chẳng biết nó…tính gì. Trên xe, nó nhắc lại bạn bè xa gần với âm hưởng rất chân tình cùng những dấu ấn của một thời một thưở…Và cũng qua nó tôi được biết, nó không muốn đánh mất những hòai niệm năm tháng ấy cùng thằng này thằng kia. Nên tự nó, nó tạo một khỏang cách với bạn bè cũ. Nghe chung chiêng chống chếnh làm sao ấy, tôi thấy thằng này hơi bị…khó hiểu, nên cũng cần phải…tìm hiểu, kiểu tìm hiểu dấm dớ bờ bụi ấy mà. Nhưng của đáng tội để…“hiểu” nó thì tôi cũng đành lắc đầu chịu chết nghĩ không ra.

Ấy vậy mà nó đưa tôi đi ăn cơm Tây mới…khủng. Quán tên Caffe Treste nằm bên con phố cổ của Pháp, có những xe đẩy bán hoa và trái cây, người đi qua kẻ đi lại nhàn tản…như Tây. Tôi và nó vừa vật nhau với dao, “cù-dìa”, “phóc-sét”, thịt bò trông tươi ron rón, cắn ngập răng, ngon đến bối rối. Nó và tôi vừa thả rong trên đường xưa lối cũ cùng những chuyện mưa không ướt đất, nắng không ấm đầu, để chẳng còn xa cách nữa. Bây giờ ngồi gần, tôi bắt gặp nó có khuôn mặt thật bình thản, an nhiên tự tại, có những lúc đột biến như mây trời mỏng dần lóe sáng như sắp sáng, như hào quang của đức Phật nhìn về bờ mê bến ngộ. Rồi chẳng được mấy nả, lại có những khi tối sầm, tối như xắt ra từng miếng một u sầm, như nét mặt lại u mặc của đức chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập tự giá. Thêm một chút nữa, mỗi lần gặp lại một thằng bạn lâu ngày không gặp, qua làn da mặt chồng chất những nếp nhăn, vết gấp. Giống như soi gương: Tôi tìm thấy cái héo hon của chính mình…

***

Nói vậy cho hoách chứ như trên tôi vừa giải bày, tôi đang mon men tập tễnh chơi đồ cổ. Ngay lúc này đây, cái mà tôi đang…đi tìm là…cái tẩu thuốc phiện. Chuyện có sao kể vậy là một lần tôi thấy một cái tẩu thuốc phiện của người Tầu đến San Francisco làm đường xe lửa khoảng năm 1902 đề giá những…400 đồng. Mẹ kiếp, tôi tự rủa thầm tôi mới chân bước chân ráo qua đây bộ tiền chùa à! Năm sau trở lại thăm thú thấy cái giá nhích lên 1000. Năm sau nữa với dạ quan hoài: Bố khỉ, đột biến nó biến mất tiêu. Bèn hỏi chủ tiệm mại bao nhiêu. Trả lời khỏang 1500, nên tôi ham…

Để rồi chẳng biết cái đầu bịn rịn thế nào, tôi lại lê la đến một đoạn trong truyện dài Lý Hợp Thiết Cương Ký Sự. Nhà báo Chính Luận tên Lê Thiệp viết…

“…Lý Hợp khệ nệ khiêng đồ đạc vào phòng. Cả ba đứa bạn tiếp tay.

– Mẹ kiếp cái va ly gì kỳ vậy.

– A, tao gọi nó là Thiết Hoa Ly. Cái va ly bằng nhôm của ông già tao để lại. Bà mẹ tao bảo cái va ly này là của gia bảo phải giữ gìn cẩn thận. Tao đếch biết tại sao…“

Nên tôi ham và…ham hố rằng với của đi tìm người: Nói dại chứ, biết đâu cái tẩu thuốc phiện của…tướng Lư Hán cùng thời với ông già nó lại chẳng nằm bầy hàng trong cái Thiết Hoa Ly trong truyện của nhà văn hóa cổ đại Lê Thiệp.

Rồi đang mải mê ngoạm ba miếng “dăm-bông”, “xúc-xích” với “phô-ma” đưa cay,khi không tôi phọt miệng hỏi nó dăm câu không đâu…để sau đấy ngụp lặn trong hồ sâu biển rộng, chẳng biết đâu là bến với bờ:

– Này, nghe nói bạn bè…luận nhiều về ông.

Nó khóa miệng tôi lại:

– Tôi cũng có nghe…như ông vậy.

Nó háy mắt cười cười:

– Ông mà nghe thằng Lê Thiệp nó hươu thì có đổ thóc giống ra mà ăn.

Nhấp ngụm vang, giọng lực đực:

– Tôi còn không biết tôi là ai nữa là…

Mắt tôi bè ra như cánh bướm, miệng tôi định lôm côm là “Tôi biết”, thì nó đã trải rộng tới đầu sông cuối bãi:

“…Đầu đuôi xuôi ngược từ những ngày ở cư xá Minh Mạng mà ra: Tôi có cái hòm gỗ sơn son thiếp vàng với khóa đồng có từ thời Nhật đảo chính Tây. Tụi bạn nó kháo nhau trong đó có thanh trường kiếm của trường Chấn Võ Lục Quân Đông Kinh. Và tôi cũng chẳng rỗi hơi cải chính ba cái chuyện tầm phào bá vơ ấy, nhưng đó là chuyện cũ, thưa ông.

Chuyện mới đây là trước năm 75, tôi được bốc từ Pleiku về bộ chỉ huy Không Quân ngồi chơi sơi nước đợi bàn giao mấy cơ xưởng bảo trì cho Mỹ, chưa kịp ký nhận thì miền Nam đứt phim. Trong trại cải tạo, tôi khai vỏn vẹn chỉ một trang là con mồ côi, sĩ quan cạo giấy, không chức vụ, nên tự nghĩ cũng chẳng đến nỗi nào…

Đùng một hôm, có một phái đòan cao cấp bộ nội vụ tới “làm việc” với tôi. Dẫn theo một cô gái người Nhật, nhỏ hơn tôi ba, bốn tuổi, cùng ông phó lãnh sự và tay thông dịch viên. Vừa ngồi xuống, ngay sau khi giới thiệu, tôi bật ngửa người ra…Ông biết không:

– Cô gái Nhật ấy chính là em gái tôi…”.

Im như thóc ngâm, tôi ngẩn người ra nhìn vội khuôn mặt của nó tròn xoay, mắt đeo cái kính tròn vo. Tôi thấy nó đúng là người Nhật thật như bạn bè vẫn thường nói.

Rồi như bị chao đảo, tôi hỏi một câu ngớ ngẩn:

– Ông là người Nhật?

Nó chưa kịp trả lời, tôi lại cật lực hỏi tới:

– Nhưng ông họ Lý mà?

Nó nhấp một ngụm cà phê và cười buồn:

– Họ Lý là họ của bà cụ tôi ở Bắc Ninh.

Và tôi lẩn mẩn tiếp:

– Rồi ông được ra sớm?

***

Nó đặt ly vang xuống và bây giờ mới…vào chuyện:

“…Cũng chẳng sớm sủa lắm, xe chở tôi từ trại cải tạo ra thẳng phi trường. Ghé Nhật ở nhà cô em mấy tháng, vì vậy mới gặp Sư Triệt học lận đận nơi nao với Lê Thiệp, mới thành truyện…Lý Hợp Thiết Chương Ký Sự, thưa ông. Mà “ký sự” của tôi thì dài lắm…Chẳng là cô em tôi là ký giả, trước khi qua đón tôi cô ấy thu thập được ít sử liệu và viết thành một tập Bi Ký Sự, không hẳn là gia phả, thì tạm cứ cho là gốc gác thăng trầm của một dòng họ đi. Chiều rảnh ghé nhà, tôi đưa ông xem. Bây giờ nhớ đến đâu, từ từ tôi kể ông nghe đến đó…

Có thể nói tất cả bằng vào với những móc nối của lịch sử khẩn hoang:

Mạc Đăng Dung là cháu bẩy đời của Mạc Đĩnh Chi, dựa vào tranh chấp của hai dòng họ Trịnh và Nguyễn để sóan ngôi nhà Lê. Khởi đầu lập ra Dương Kinh, kinh đô mới, đấy là thành phố ven biển đầu tiên ở nước ta. Nhà Mạc mở cửa bạch định trường Vân Đồn ở vịnh Hạ Long để thông thương với ngọai quốc. Các nhà khảo cổ gần đây đã tìm thấy rất nhiều đồ gia dụng và tiền cổ của Trung Đông, Hòa Lan và Bồ đào Nha ở đảo Cát Bà, để sau này Đằng Ngoài, Đằng Trong mới có Phố Hiến, Hội An. Có thể nói Mạc Đăng Dung là một Minh Trị Thiên Hòang của nước nhà, nếu không có chuyện Trịnh Kiểm đánh đuổi con cháu nhà Mạc lên tận Cao Bằng, rồi vì quyền lợi đẩy Nguyễn Hòang vào Thuận Hóa mới có nhà Nguyễn, mới có Thủy Chân Lạp…”

Tôi nghe chối tai làm sao ấy vì cái thằng khỉ này mắc chứng gì khi không lại mang Phố Hiến, Hội An, Minh Trị Thiên Hoàng với Thủy Chân Lạp vào đây!?

Rồi cũng bỗng khi không cái lưỡi tôi lại đá cái miệng và lựng bựng:

– Vậy ông họ Mạc?

Như không nghe câu hỏi, nó nắc nỏm:

– Ông biết tôi không phải là thằng bới bèo tìm bọ, nhất là chuyện chữ nghĩa. Vì trang sử đã lật qua, nhưng sử cận đại gần đây, có những khuyết sử cần được tồn nghi, thì qua tập “Bi Ký Sự”, hy vọng sẽ cẩn án được một chút nào chăng, thưa ông.

***

Cái đầu tôi đang căng như dây đàn với “cẩn án”, “tồn nghi”, “khuyết sử” thì may quá là may, vừa lúc nhà hàng mang thêm đồ ăn thức uống ra. Nhưng cũng chẳng may gì, nó lại nhét vào đầy miệng tôi như vầy đây:

“…Trong 9 đời chúa và 13 đời vua của nhà Nguyễn, theo tôi thì chúa Nguyễn Phúc Nguyên là người có có công trong cuộc Nam tiến nhất. Năm 1631, chúa Sãi gả quận chúa Ngọc Khoa cho Chiêm vương Po Romé để đổi lấy tỉnh Phú Yên. Trước đó mười năm, năm 1620 chúa Sãi cũng đã gả quận chúa Ngọc Vạn cho Miên vương Chey Chetta II, đổi lại cho phép di dân người Việt được vào Bà Rịa để khai khẩn đất hoang và tặng chúa Nguyễn Phúc Nguyên đất Biên Hòa làm quà cưới…”.

Bố khỉ! Như trên tôi đã thưa thốt, tôi chả dại mồm dại miệng nhét răng với địa danh, niên kỷ, niên đại này kia để làm phiền bạn bè. Vì nó khoa môi múa mép nên tôi đành phải ghi chép ra đây cho…thành chuyện. Vậy thôi, vậy mà nó làm như tôi không có mặt, lại dùi mài kinh sử:

“…Theo sử của người Miên quận chúa Ngọc Vạn đuợc phong là hòang thái hậu Angk-Mey, sinh được một hòang tử tên Chey Chetta III. Năm 1628 vua Chey Chetta II băng hà, ít lâu sau hoàng tử bị sát hại trong một chuyến đi săn của hòang gia. Nhưng theo sử liệu ta chép là “khuyết truyện”, là không rõ tiểu truyện với sau này bà đi đâu, mất năm nào. Nhưng qua gia phả Nguyễn Phước Tộc mới đây thi sau khi con mất, bà Ngọc Vạn về Bà Rịa, xuống tóc đi tu và được gọi là “cô Chín”.

Nhưng uẩn khúc này, qua tập “Bi Ký Sự” của cô em tôi có một phần nào rõ nét hơn: Bà bị giằng co giữa chúa Sãi và Miên triều: Phía nhà chúa muốn bà ở lại đất chùa Tháp để hai nước giao hảo ít lâu, khi nào sát nhập Thủy Chân Lạp vào nước ta, thì sẽ thu đất Thổ Chân Lạp về một mối. Vì vậy bà vẫn một tay trông nom triều chính, bà mềm mỏng tách ra ngòai tầm ảnh hưởng quyền lực của cha ở Phú Xuân và xem giang sơn nhà chồng như giang sơn của mình. Nhưng phía Miên quốc không muốn có một ông vua gốc Việt theo Phật giáo đại thừa. Chẳng vì ngai vàng mà mất con, nên bà đã mang Chey Chetta III về Bà Rịa, tiếp tục khai hoang vùng đất mới này…”.

Bỗng dưng nó ngừng lại và hỏi tôi:

– Ông nghĩ gì vậy?

Tôi lắc đầu vì có khỉ mốc gì đâu mà nghĩ? Nó nhìn tôi, chậm rãi nói từng tiếng một, âm hưởng như rơi vào chân không, trong một buổi sáng ít mây nhiều nắng:

– Tôi là hậu duệ của thái tử Chey Chetta III.

Tôi muốn nhẩy nhổm lên, mắt tôi trố ra như mắt ếch, nhưng vẫn chưa xong. Xong, nó tháo kinh ra lững lờ nhìn tôi. Tôi hơi khựng lại và ngây người nhìn đôi mắt dài dại, nước da bánh mật của nó. Và tôi nhận ngay ra nó đúng là người Miên thật như nó vừa nói. Rồi nó xin lỗi tôi, kéo ghế đứng dậy lững thững đi vào trong…Ngó từ đằng sau cái lưng gù gù, tôi nhẩm chừng là tướng hầu, con nhà võ…Xin lỗi ông Lê Thiệp chứ! Chứ chẳng cần phải đọc Thiết Cương Ký Sự luận về nó qua tử vi với: “Binh hình tướng ấn, giáp long giáp phượng” thế này thế kia.

***

Nhấp một ngụm vang, qua hàng cây bên kia đường, những giải nắng vàng len lỏi qua tàng cây, sà xuống mặt bàn, bò lên một phần khuôn mặt nó. Nắng hanh lắng đọng qua ly rượu chát đỏ, ẩn chìm nửa an phận, nửa như buông suôi một quãng đời vào một dòng sông định mệnh đang chờ sẵn. Trong khi tôi đang lững lờ bồng bềnh với những địa danh, những cái tên của một thời hoang vắng xa xưa, cùng những người muôn năm cũ. Thì nó đã mênh mang xa vọng:

“…Sau đó không rõ năm nào, hòang thân Nhật tên Araki Shutaro, mang 9 thương thuyền đến Hội An. Ông mang theo quà của vua Nhật gửi tặng nhà Chúa như gươm dài và dao lớn. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên phong cho ông tước hầu, đổi tên là Nguyễn Toro, hiệu Hiển Hùng và gả trưởng nữ là quận chúa Ngọc Liên, chị cả của quận chúa Ngọc Vạn tức bà cố cố nội tôi cho Araki Shutaro để giữ giao hảo với Thiên Hòang đương thời. Quận chúa Ngọc Liên theo ông chồng Nhật về Trường Kỳ và mang cụ cố tổ tôi là thái tử Chey Chetta III theo. Quận chúa Ngọc Liên mang tên Nhật là Anio và rất được người Nhật ở bản quốc mến mộ, khi mất, quận chúa được thờ cúng trong đền Daiongi. Sau khi quận chúa mất, cụ cố tổ Chey Chetta III tôi lưu lạc về làng Asaba tỉnh Iwata gần Tokyo rồi lập gia đình sinh con đẻ cái ở đây.

Với phong trào Đông Du, cụ Phan Bội Châu qua Nhật tạm trú ở làng Asaba trên. Mới đây, cô em gái tôi vận động với thị trưởng Shiyouka tỉnh Iwata để mang những hiện vật của cụ Phan về trưng bầy tại nhà từ đường của giòng họ Phan. Trong đó bộ ảnh chụp nhóm đồng chí trong phong trào Đông Du, tranh truyền thần của cụ cố tổ tôi, và một số văn bản viết tay của ông cụ tôi. Một trong những văn bản ông cụ tôi có là bài thơ Hồ Trường của…”

Ngồi đồng sưng đít đã đã lâu, tôi ngứa miệng len vào:

– Dương Bá Trạc.

Đất sinh cỏ già sinh tật, cái tật của tôi cứ đụng tới rượu là ư hử Hành Phương Nam với Hồ Trường. Thế là tôi lao tứ khổ tâm, vuốt râu nhả thơ:

– Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường

Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương

Tôi chưa ngậm vần nhả chữ xong, mắt nó khinh khỉnh nhìn tôi và miệng nó cọ đít nồi mắng tôi mấy mắng:

– Nguyễn Bá Trác, thưa ông.

Rồi nó vả miệng cắt lưỡi tôi như thế này đây:

– Bẻ cột chứ không phải “bẻ cật”.

Tha hương chứ chẳng phải là “tha phương”.

Thế là tôi đi tướt và ngọng, và ú ớ trông thấy. Vậy mà nó vẫn chưa tha:

“…Năm 1945 ở Quảng Nam, cụ Nguyễn Bá Trác bị Việt Minh mang ra bắn ở sông Trà Khúc. Nhưng vào phút chót, trước mặt đám đông dân chúng tỉnh lỵ, trong những giây phút cuối cùng giữa sự sống và sự chết, thì đuợc ông cụ tôi cho người cứu kịp thời. Trong bài viết Cụ tuần Trác-Duy hữu ẩm giã lưu kỳ danh năm 2003, tác giả có cái tên ngoại quốc Anmomad (người Nhật?), cũng là nhân chứng đã nhắc đến chuyện này, thưa ông…”.

Bây giờ nó mới chịu nhắc tới ông cụ nó. Tôi ngúc ngắc cái đầu:

– Lúc ấy, ông cụ làm gì?

Nó đắn đo một lát, rồi đăm chiêu:

“….Cụ Kỳ Ngọai Hầu Cường Để thuộc dòng dõi của hòang tử Cảnh. Như ông biết đấy, cụ được thủ tướng Nhật Khuyển Dưỡng Nghị và chính phủ Pháp sắp sếp để về kế vị vua Khải Định, vì ông này hâm hâm lại chẳng có con. Chẳng may Khuyển Dưỡng Nghị bị ám sát, nên chuyện không thành…”.

***

Nó lại vào trong ới đồ ăn thức uống ra nữa, cứ đi ra đi vào làm tôi rối cả mắt. Bất chợt có một cơn gió lạ, gió thổi muôn chiều khiến tôi có cái nhìn khác về nó: Nó như cắc kè sáng xanh chiều đỏ, hóa ra nó là người không có tướng mà lại có tinh…đứng ngồi không yên như con lật đật, con đường hoạn lộ ắt hẳn là lên thác xuống ghềnh. Chẳng như tử vi của nó trong Thiết Cương Ký Sự với thiên cơ bất khả lậu qua bạn bè: “Hai mươi mốt tuổi đã hiển đạt, có ấn triện trong tay…” này kia.

Đụng đến hai chữ “ấn triện”, tôi lại mon men làm quen ông cựu hoàng Bảo Đại mà thấy ngán ngẩm: Ông làm vua có cái bảo kiếm và cái bảo ấn, biểu hiệu cho vương quyền cả trăm năm. Vậy mà trước khi mất, không biết hai vật quốc bảo này luân lạc ở đâu để cụ Vương Hồng Sển bổ nháo bổ nhào đi tìm. Chưa hết, mới đây hoàng tử Bảo Long qua Quận Cam, Nguyễn Phước Tộc cũng nêu lên chuyện thanh bảo kiếm ấy với ông ta. Ngay như tôi với với thú chơi đồ cổ cũng đang há miệng chờ sung đây…Nhưng ấy là chuyện sau. Đang cùm nụm cùm nựu về thanh kiếm cổ, vừa lúc nó ra. Vừa ngồi xuống nó đã hì hục chum củi đốt lò hương cũ:

“…Ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp, lúc bấy giờ ông cụ tôi là lá bài của họ, mặc dù bề ngòai mang cái vỏ là đại tá hiến binh Nhật. Nhưng thực sự ông cụ tôi là nhà sử học, vì vậy không muốn đi theo chân của Lê Chiêu Thống cõng rắn gà nhà. Còn đang dùng dằng, ông cụ tôi đa mang với bà cụ tôi rồi sinh ra hai anh em tôi. Nhật đầu hàng đồng minh, ông cụ tôi ở lại giúp Trương Tử Anh của đảng Đại Việt lập ra Trường Quốc Tuấn Lục Quân Học Hiệu.

Vì thời cuộc ông bà cụ tôi mang cô em gái tôi về Asaba để chăm lo mồ mả gia tiên. Chuyện tôi không đi theo cũng dễ hiểu thôi, vì dòng họ tôi là “samurai”, là con trai phải ở lại để sau này tiếp tục con đường của ông cụ. Bàng chứng là ông cụ để cho tôi cái hòm gỗ, để ông Lê Thiệp có cớ nhét vào đấy “cái bình cổ Huyết Bò – Sang du Boeuf – đời Thanh rất hiếm, giá cũng cả nghìn lạng vàng”. Hoặc giả như tụi bạn tôi nó kháo nhau trong đó có thanh kiếm của trường Chấn Võ Lục Quân Đông Kinh. Nếu trong đó có thanh kiếm thật, thì đó là thanh Kenma Inazuma Tou mà ông cụ tôi vẫn mang theo bên mình qua lời bà ngoại tôi kể lại. Và chuyện chỉ có vậy! Thưa ông…”

Bỗng nó nháy mắt với tôi và cười cười:

– Cuốn tiểu thuyết lịch sử Lý Hợp Thiết Cương Ký Sự của ông Lê Thiệp sắp được trình làng ra mắt sách nay mai dầy hơn 600 trang bìa cứng, in ở Đài Loan. Chẳng qua chỉ là truyện hư cấu và hoàng tưởng đấy thôi, thưa ông.

Cái thằng lạ cứ thưa với gửi, cứ như dân qúy tộc không bằng. Mà nó qúy tộc thật mới đau, vừa cầm con dao Tây cắt cắt miếng…thịt bò “Sang du Boeuf” vừa tỉnh như “Ăng lê” buông một câu: “ Và chuyện chỉ có vậy! Thưa ông…”. Nhưng với tôi thì khác, chuyện nó kể thần kỳ như truyện dã sử, có kể lại bằng miệng cũng chẳng ai tin. Vì vậy, ngay lúc ấy trong đầu tôi đang manh nha hình thành một bài viết với lối hành văn “trong sáng, dễ hiểu”, và một bố cục “chặt chẽ, gẫy gọn” về câu chuyện của nó.

Tôi mường tượng truyện này sẽ rất có “kích thước” của chiều dầy 500 năm lịch sử. Với hồn thiêng sông núi, cùng một vũng tang thương nước lộn trời của những vết chân di: Chúa Tiên Nguyễn Hòang đi vào nơi gió cát Thuận Hóa. Quận chúa Ngọc Vạn thân gái dặm trường ở Thổ Chân Lạp. Thái tử Chei Chetta III bôn ba qua Nhật. Ông cụ nó trở về Hà Nội một thời gian, lập gia đình, rồi trở lại quê nhà. Riêng nó sau khi ra tù, dắt díu vợ con qua đây, chọn thung lũng hoa vàng làm đất dung thân và hiện đang ngồi trước mặt tôi lúc này đây.

Từ cái nháy mắt của nó về ông Lê Thiệp, lại học mót từ một nhà văn hào lớn ngoại quốc: “Truyện là hư cấu, nhưng phải dựa vào chuyện có thực, thêm bớt một chút không sao. Nếu không, sẽ là một tác phẩm chết”. Nên tôi trộm nghĩ với tất cả những tư liệu sống ấy, cùng niềm hứng khởi đang dâng tràn của mấy ly rượu vang, như những lớp sóng thủy triều. Rượu thịt đánh thẳng rốn xong, trong cõi mụ mị tôi vén mồm xáo cuội nếu chịu khó gọt bút đẽo chữ, ắt hẳn sẽ gửi gấm được một cái gì đây qua bài viết. Vì vậy tôi xập xoài:

– Hay là ông để tôi vật lộn với chữ nghĩa xem sao?

Nó gật gù vũm vĩm:

– Ừ, ông dầy chữ thì cứ viết gì thì viết…Nhưng đừng dông dài để…lạc đường vào lịch sử đấy!

Vẫn chưa xong, nó đe nẹt tôi:

– Cứ như ông biết đấy, cứ theo giáo sư Nguyễn Văn Trung trong tiểu luận Vấn Đề Nhân Vật Lịch Sử: Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh và Những Cách Tiếp Cận. Ông Nguyễn Văn Trung muốn nhắn nhủ với Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Mộng Giác, Nam Giao, Trần Vũ rằng: Không nên sử dụng lịch sử một các tùy tiện.

Nó tháo kính ra lau lau, miệng vừa thở ra như…con bò thở dài và vừa chèn ngang một câu:

– Ông đừng bóp méo lịch sử mà hãy…vo tròn lịch sử. Xin cám ơn ông, thưa ông.

Nó đeo kính lại. Bố khỉ! Bây giờ nó không còn là Nhật, là Miên nữa. Trông nó y trang như một nhà sử học. Như ông cụ nó vậy.

***

Nhìn đồng hồ cũng quá trưa, nó giục tôi cũng đã đến giờ đi thăm phố Tầu, phố Nhật. Ngồi trên xe, nó trầm ngâm ít nói hơn hồi nãy như có gì suy nghĩ lung lắm. Nó ghé tiệm đồ cổ trước, thực ra không phải là tiệm mà là nhà riêng, có quen biết hoặc được giới thiệu, chủ nhà họ mới tiếp. Bước vào trong, tôi cứ hoa mắt cả lên, vì chủ nhà này có quá nhiều món mang từ Việt Nam qua. Nhiều nhất là đồ đồng, đồ gõ, xó xỉnh nào cũng đầy ắp, từ phòng khách qua hành lang, xuống cầu thang, tới tận dưới tầng hầm sâu hun hút.

Tôi săm soi ngắm nghía, tẩn mẩn sờ sọang từng món, đắm đuối với cái đẹp của lạc tinh, lên nước. Trong khi nó vẫn lờ đờ nhìn đâu đâu, đến cặp trống đồng Đông Sơn, nó sà xuống ngồi gõ gõ một hai cái nghe kêu “bụp, bụp” làm như người sành sỏi lắm. Tôi liếc sơ qua, trong bụng rủa thầm, trống đồng gì mà rẻ như bèo, chỉ có mấy trăm, hay hơn nghìn một cái. Lại không phải nguyên khối, những tấm hoa văn rời rạc, được ráp nối bằng mấy vết hàn, cũng hoen rỉ đồng xanh, nhưng trông nó thô thô làm sao ấy. Thảo nào ở đây, gần như…nhà “đại gia” nào cũng có một, hai cái.

 

clip_image004

clip_image006

 

Cho đến lúc tôi mầy mò được mấy cái triện cổ. Trong đó có một cái triện đầu một người đàn bà bằng đồng. Đầu đội vương miện, trán có cái nốt ruồi. Tai dài và dáy tai dầy như tai Phật nhưng lại đeo khoen. Tôi không rõ là đầu bà Phật hay nữ hoàng. Và hỏi, gia chủ lắc đầu chẳng hay và chỉ biết là cái triện của người Khờ-me. Như cá gặp nước, tôi miên man với chủ nhà cùng những hiểu biết võ vẽ của tôi về triện qua sách vở: Triện vua bằng ngọc hay vàng với rồng năm móng. Triện quan nha bằng ngà voi hoặc đá qúy với rồng bốn móng hay kỳ lân phủ phục. Triện phủ huyện, tư gia bằng đồng hay gỗ cùng ấn khắc với kiểu chữ triện như Khoa đẩu văn, Ngư thư, Tuệ thư…

Được thể tôi lạm bàn với gia chủ về những chiếc “Ấn truyền quốc” của nhà Nguyễn, nguyên thủy và lâu đời nhất là chiếc “Đại Việt Quốc Nguyễn Chủ Vĩnh Ấn chi bửu” của chúa Nguyễn Phúc Chu 1718, “Đại Nam Hòang Đế chi bửu” của vua Gia Long 1804, “Đại Nam Thụ Thiên Vĩnh Mệnh truyền quốc tỉ” của vua Thiệu Trị 1847…

clip_image008

Bám theo tôi nhằng nhằng và nó đứng sau lưng tôi tự lúc nào không biết, mắt nó dán chặt vào mấy cái triện Tầu, triện Việt của các quan lại hay làng xã, chùa chiền mới gần đây. Nó khoanh tay chăm chú lắng nghe, không bỏ sót một chữ và cũng chẳng hở mồm một câu.

Để rồi, tôi há hốc mồm ra. Như ngộp thở vì thèm…một hơi thuốc lá.

***

Mở cửa ra ngòai, vừa thả bộ dọc theo triền dốc vừa suy nghĩ mông lung: Với nó, hình như tôi vừa thấy có một cái gì hơi bị…“khó hiểu” thì phải. Như trên tôi đã mào đầu. Giống cuộn chỉ rối, phải tháo gỡ từng mối, từng nút…Như vừa mới đây, nhắc đến thanh kiếm trong cái hòm gỗ, nó gánh bùn sang ao: Theo bà ngoại nó thì đó là thanh Kenma Inazuma Tou.

Nhưng bây giờ theo tôi đóan chừng…Nói cho đúng ra thì tôi chắc mẩm, chắc như cua gạch là…hình như nó đang có trong tay thanh bảo kiếm của…cựu hòang Bảo Đại.

 

clip_image010

clip_image012

Với thanh bảo kiếm này có khắc hàng chữ “Minh Mạng niên chế”, đúc ngày mùng 4 tháng 5 năm 1823. Kiếm sắt, cán dạn ngọc, lưỡi kiếm mạ vàng, trọng lượng vàng ròng nặng 4 lạng 7 chỉ 5 phân. Năm 1945, người Pháp tìm thấy thanh bảo kiếm của cựu hòang dấu trong thùng thiếc dầu hỏa, một phần bị rỉ sét, lưỡi kiếm đã bị gẫy làm đôi, sau phải hàn lại.

Khỏang thời gian này, ông cụ nó lại đang là đại tá hiến binh Nhật.

Với chuyện người chuyện ta, tôi lòi ra cái ý nghĩ mang chuyện tôi để…thăm dò nó cho ra nhẽ. Chuyện này tôi đã viết tinh tươm thành bài bản như thế này đây:

“…Chưa hết đâu bác, trước khi ra phòng ăn, tôi còn một chuyện nữa, chỗ bác đang ngồi ngay đấy, trên tường có treo cặp kiếm của Nhật. Bác ngước đầu lên, cũng chẳng có gì đặc biệt. Bác đúng, chẳng có gì đặc biệt thật, chỉ là cặp kiếm để trưng, hiểu theo nghĩa trang trí không hơn không kém. Và nếu tôi có vui miệng tản mạn một chút về thanh bảo kiếm của cựu hòang Bảo Đại, có khắc “Khải Định niên chế” thì bác cũng nghe như gió thỏang mây bay. Nhưng thôi, đó không phải là chuyện tôi muốn dông dài với bác, vậy thì bác nghe cho kỹ nhá:

Nhà tôi bị cướp hai lần, lần đầu thằng ăn cướp nó vồ lấy bộ gươm Tầu mà tôi mua ở tiệm cầm đồ cũng khá bộn bạc. Sau tôi tậu bộ kiếm Nhật khác đã hoen rỉ ở chợ trời. Lần thứ hai nó viếng nhà tôi nữa và cũng chỉ xách bộ gươm nặng ký ấy đi, ngòai ra không thuổng một thứ gì khác…Ắt hẳn là tôi không có duyên với kiếm cung chi đây, nên lần này tôi phải treo cặp kiếm Nhật…giả. Như bác đã thấy đấy.

 

Cũng chẳng dấu gì bác, mặc dù nghĩ là không có túc duyên với gươm đàn nửa gánh, giang sơn một chèo. Nhưng mỗi lần lạng quạng vào tiệm đồ cổ, thấy thanh kiếm nào lạ, tôi lại loay hoay xoay tới xoay lui đi tìm ba chữ “Khải Định Niên Chế” vì ai biết đó là đâu. Biết đâu của lại chẳng đi tìm người…”.

Với đoạn văn trên đọc lên đã thấy…“hoàn cảnh”, gần xa với quý hồ tinh bất qúy hồ đa, chẳng qua tôi có ý đồ muốn khàn khàn tịt tịt là có tới hai thanh kiếm Bảo Đại lận. Vậy chứ nó đang có thanh bảo kiếm nào? Nghe xong chuyện của đi thay người với ruột gan như xát muối ấy, nó cứ lờ tịt làm nên tôi đâm ra nghi tợn. Nhưng ấy lại là chuyện sau. Thôi thì hãy trở lại chuyện “Bi Ký Sự” ở trên, mười năm rồi nó chẳng tung hê với ai, hay là nó tung hỏa mù để sửa sọan dư luận nào đấy, chuyện này thì xưa như trái đất. Cuối cùng nó còn…ẩn dụ tôi “Viết thì cứ viết…”. Vậy mà tôi làu bà lẩu bẩu “Ừ thì viết…” để dám bạn đọc đay cho u đầu lắm ạ.

***

Đi mấy bước nữa xuống cuối con dốc, tất cả dây mơ rễ má của câu chuyện làm cái đầu tôi…u u. Bất chợt tôi nhìn thấy xa xa có một hồ nước như cái đầm, cạnh là cụm cây thưa như một khu rừng nhỏ. Gió thổi nghe rì rào như âm vọng từ đất Bắc Ninh với hai câu sấm truyền trong dân gian “Bao giờ rừng Báng hết cây – Đầm Long hết nước Lý nay lại về”. Ấy vậy mà khu rừng Báng ở trong nước vừa được khai quang để dựng cơ xưởng làm máy vi tính. Tôi bất giác liên tưởng đến tướng De Gaulle với lá bài Duy Tân. Bắt qua thời buổi mãnh lực kim tiền với ôn cố tri tân: Xưa có Lã Bất Vi buôn vua. Nay đến Bill Gates, ông này dám đưa nó về làm vua một cõi cũng không chừng, ai biết đó là đâu vì chuyện gì cũng có thể xẩy ra dưới ánh sáng mặt trời này. Nhưng tôi lắc đầu sua duổi cái ý tưởng…sở cuồng ấy ngay đi.

Làm xong điếu thuốc, đang định bước một quay về lại cái nhà sưu tập đồ cổ. Bỗng tôi khựng lại vì trong cái đầu củ chuối của tôi bật ra cái ý nghĩ:

Hay là nó đang đi tìm chiếc ấn “Hòang Đế Chi Bửu”, chiếc ấn này được đúc dưới thời vua Minh Mạng. Đó là chiếc ấn lớn nhất của nhà Nguyễn, ấn hình vuông mỗi cạnh đo được 137 mm, nuốm là con rồng cuốn hai tầng. Ấn được đúc ngày mùng 4 tháng 2 năm 1823, bằng vàng nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân.

Tất cả ấn triện triều Nguyễn đều bị Việt Minh chất đống ngoài sân đại nội để đốt tiêu hủy. Trừ chiếc ấn trên và được Trần Huy Liệu mang về Bắc Bộ Phủ. Theo tôi thì ông cụ nó phải biết. Vì khoảng thời gian này, tôi nhớ ra ông cụ nó đang ở Hà Nội.

Tôi vội rảo bước vào nhà. Ấy vậy mà mới nhãng một chốc: Cái triện đầu nữ hoàng Khờ-me nhoáng một cái đã biến mất.

***

Đực mặt ra nhìn cái kệ trống, tôi lại lan man tiếp rằng từ chiều tối hôm qua đến trưa nay, tôi vẽo vọt xem trộm tướng nó âm âm, nào là “lặng lờ, chìm sâu, khó diễn tả”, tới “khuôn mặt tự tin tự tại, sáng như hào quang của đức Phật, u mặc như đức chúa Giêsu”. Thế nhưng không phải…Với y ma thần tướng, bỏ vóc dáng Khờ me, vất khuôn mặt Nhật Bản của nó đi:

Rõ ra nó có ẩn tướng của…một bậc minh quân.

Bây giờ thì đã rõ như ban ngày ban mặt, theo quẻ dịch với bát tự tứ trụ, năm nay là năm Giáp Thân “khỉ hú trời Nam cá hóa rồng”, sang năm là năm Ất Dậu “gà kêu Nam Bắc hội Hoa long”, ắt phải có chuyển biến chi đây. Và tôi ngẩn ngơ đến câu “Lý đi rồi Lý lại về”. Đại nghi đại ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, bất nghi bất ngộ. Tôi ngộ ra rằng:

Giời ạ! Hay là nó sắp làm…vua!

 

Thạch trúc gia trang

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Viết xong năm Giáp Thân 2004,

hiệu đính năm Canh Dần 2010,

thêm bớt năm Canh Thìn 2012

 

Phụ chú: Trước khi mất ở Paris, cựu hoàng Bảo Đại

làm giấy tờ với chưởng khế trao bảo ấn của ông cho

bà vợ người Pháp, còn thanh bảo kiếm cựu hoàng giao

cho hoàng tử Bảo Long cất giữ.

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search