T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 49)

clip_image001

Nhà văn, nhà báo

Không ai bẩm sinh là nhà văn, nhà báo. Họ trở thành nhà văn, nhà báo là vì viết nhiều. Nhà báo Mỹ Henry Lewis Mencken, tác giả cả chục cuốn sách đã nói:

– Viết văn cũng như làm tình.

Tất cả chỉ là công việc thường ngày, làm nhiều thành quen. Và không làm không được: Viết là viết. Viết. Viết. Viết. Viết.

(Vũ Thụy Hoàng – Múa bút)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trái măng cụt tiếng Hán là “Giáng châu”.

Nghĩa là viên ngọc từ trên trời rớt xuống…

(Phụ chú: Bên Tầu cũng có trái măng cụt?)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mõ

Thiền sư đang ngồi không, thiền sinh vào đun bếp châm trà. Thiền sư nhìn thấy trong túi học trò mình có quả trứng. Ông hỏi:

– Con mang quả trứng để làm gì?

– Con muốn tìm hiểu con gà có trước hay quả trứng có trước.

Thiền sư từ tốn lấy quả trứng đập vỡ lên cái đĩa nhỏ. Ông hỏi:

– Con có thấy con gà không?

– Thưa thầy, không.

Thiền sư bưng đĩa lên húp một hơi. Ông lại hỏi tiếp:

– Thấy quả trứng không?

– Thưa thầy, không.

Xong, thiền sư vừa thưởng trà vừa ngâm nga:

Không có có

Có có không

Trước là không hay trước là có?

Gật đầu dấu nghĩa có hay không?

Lắc đầu muốn nói không hay có?

Làm thinh không có có hay không

Tiếng Việt vừa khó vừa dễ

Tiếng Việt miền Nam nè:
– Heo lang : heo đen có xen đốm trắng.
– Heo voi : heo nhà loại lớn con
– Heo bông : heo đốm đen trắng lẫn lộn.
– Heo nưa : heo vàng mỡ.
– Heo lứa : heo choai choai mới lớn..

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Bản thảo

Theo Tầu là sách ghi chép các vị thuốc.

Theo Ta là bản viết tay, bản đánh máy của một tác phẩm trước khi mang đi in ấn.

(À ra thế!)

Chữ

Nếu chữ là yếu tố căn bản của ngôn ngữ thì câu là yếu tố căn bản của văn chương.

Chữ, trong văn chương không có chữ hay hay chữ dở, chữ thanh hay chữ tục, chữ cũ hay chữ mới: Chỉ có những chữ “đắt” hay không mà thôi. Chữ “đắt” sẽ không còn là những cái xác nằm bẹp dí trên trang sách, như chúng vốn nằm vậy, trong các cuốn từ điển, mà chúng trở thành những sinh vật biết ngọ nguậy khiến người đọc nếu không ngạc nhiên một cách thích thú thì ít nhất cũng chú ý, từ đó, ghi nhớ.

Như Đỗ Phủ đã từng nói: “Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu” (Chữ dùng không làm thiên hạ giật mình thì chết không an tâm).

(Nguyễn Hưng Quốc – Chữ: Cần nhất là biết gây ấn tượng)

Chữ nghĩa làng văn

Bản thảovăn bản do tác giả viết ra trong quá trình sáng tạo ra tác phẩm.

Bản thảo là nguồn văn bản quan trọng nhất trong việc xác định văn bản chuẩn của tác phẩm, là tư liệu có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử hình thành tác phẩm văn học, quá trình sáng tác của nhà văn, là đối tượng của các bộ môn khoa học như văn bản học.

Theo ý nghĩa chặt chẽ nhất của khái niệm, bản thảo là bản viết tay của chính tác giả. Tuy nhiên nội hàm khái niệm cũng bao gồm cả những văn bản tác giả đọc cho người khác viết hoặc đánh máy (trên máy chữ hoặc máy vi tính). Một tác phẩm có thể có nhiều bản thảo khác nhau do có sự sửa chữa, bổ sung nhiều lần của tác giả.

Chữ nghĩa trong sử Việt

Thời Lý Bí lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Cồ là “”. tiếng Hán chỉ loại chim ưng mắt sáng, đuôi cụt.

Thời Hồ Qúy Ly lấy quốc hiệu là “Đại Ngu”. Ngu đây không phải là ngu dốt mà là…vui.

Tam phủ

Từ tín ngưỡng “tam phủ” với “trời, đất, nước”, “con người, thời gian, không gian”, trong truyền thống văn hóa Việt Nam, quan hệ của con người với tự nhiên, với quan hệ tay ba, những mối tình tay ba qua truyền thuyết, qua truyện cổ tích:

– Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mỵ Nương,

– Truyện trầu cau với vợ-chồng-em chết đi biến thành “trầu-cau-vôi”.

– Chuyện ba ông đầu rau biến thành bộ ba “thần đất-thần bếp-thần chợ búa”.

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Cái quan…áo quan

“Cái quan luận định” nghĩa là đợi đến lúc đậy nắp quan tài lại rồi hãy bàn

“Sáu tấm” là cái áo quan. Một lối gọi khác là “bốn dài hai ngắn”. Thêm “sơ mi gỗ” từ chữ áo quan mà ra. Từ áo chuyển qua “sơ mi”. “Sơ mi” bằng gỗ là cái quan tài.

(Việt Tide)

Tương lai từ vựng tiếng Việt

Tiếng Việt hết sức giàu từ cụ tượng hữu cảm và từ trừu tượng cảm xúc. Cảm, bất kể do ngũ quan hay do tâm hồn, không thể giải thích.
Ví dụ: “Lạnh” là từ cụ tượng vô cảm, tức từ đặt ra để gọi tên cảm giác lạnh. Lạnh chỉ là cái tên gọi. Trong khi, chẳng hạn, “gây gấy” là một âm thanh có gói ghém trong nó một cảm giác của nhiệt độ bên ngoài đối với cơ thể. Nó là từ cụ tượng hữu cảm: nó có chứa cảm và nếu người nghe nó là người Việt thì nó có gợi cảm. Nhưng nếu người nghe nó là người nước ngoài thì gây gấy không gợi gì hết và dù ta có hết sức dài dòng cắt nghĩa thì người nước ngoài cũng không thể nào thực hiểu được…gây gấy!
Ví dụ: “Nao nao” trong “nao nao dòng nước uốn quanh” là từ cụ tượng hữu cảm chứa cảm xúc của Kiều khi nhìn dòng nước chảy gần mả Ðạm Tiên. Cảm xúc ấy thế nào, làm sao cắt nghĩa được cho người ngoại quốc!
Ví dụ: Kiều ở lầu xanh tiếp Thúc Sinh, lòng Kiều “đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh”. Buồn tênh là từ trừu tượng cảm xúc chứa tâm trạng Kiều khi nghĩ đến hoàn cảnh “hoa đã lìa cành” của mình. Buồn là buồn, nhưng “buồn tênh” thì dịch ra tiếng người nước ngoài thế nào đây hở trời?!
Nghe từ cụ tượng hữu cảm và từ trừu tượng cảm xúc, Tây với Tàu dù có quý tiếng Việt đến đâu cũng đành… ngẩn tò te. Khắp mặt đất bao la không một giống người khác nào tri kỷ, cô đơn lắm có phải không, hỡi những nhấp nhô, róc rách, ngạt ngào, gây gấy, chua lè, nao nao, nho nhỏ, đìu hiu, man mác, se sắt, bẽ bàng, chống chếnh, xao xuyến, xốn xang, ngỡ ngàng, ngẩn ngơ, buồn tênh, bịn rịn ..v..v.. của ta ơi!

(Thu Tứ – Gocnhin.net)

Dấu phẩy trong tiếng Việt‏ !

Chữ Việt “đa dạng” khi chúng ta viết không dấu, nay lại được chỉ dẫn cách dùng dấu phẩy một cách tài tình, như dươi đây.
Toà xử vụ án ngoại tình, phán với người chồng:
Ở với vợ lớn, không được ở với vợ nhỏ”.
Ông chồng đưa bản án về nhà cho vợ lớn, chỉ sửa lại dấu phẩy:
Ở với vợ lớn không được, ở với vợ nhỏ”
Hoặc giả như:
Mỗi gia đình có 2 con, vợ chồng hạnh phúc”
Chỉ sửa lại dấu phẩy là thành:

Mỗi gia đình có 2 con vợ, chồng hạnh phúc”.

Tầm chương trích cú

Chinh phụ ngâm bản chữ Hán có câu:

Kiêm kiêm dã vô tình

Tỵ dục tương tùy quá nhất sinh

Kiêm kiêm là một loài…chim một mắt.

Con trống có mắt bên trái, con mái có mắt bên phải.

(Phụ đính: Nam tả nữ hữu, chim này chỉ bên…Tầu mới có!!!)

(Hoàng Hải Thủy – Chín tầng gươm báu trao tay)

Sừng sỏ

Trong bài Hàn nho phong vị phú có câu “Túng đường mang quyết chí cùng tư – Phép nước chưa nên gan sừng sỏ”.

Do chữ “đầu giác” với đầu là đầu, giác là sừng. Nghĩa rộng người còn trẻ hãy tranh đấu với đời sống.. Người ta thường dùng “sừng sỏ” để chỉ kẻ ngang ngạnh.

Ta gọi là…“đầu bò đầu bướu”.

Những hình dạng mới của chữ nghĩa

Một giáo sư ngữ học dậy khoa Văn tại Đại học tổng hợp ở Hà Nội cho biết nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh đã phạm những lỗi ngữ pháp kếch sù đó là cái lỗi có tên là trùng ngôn (tautology) một lỗi rất nặng cả về tiếng Việt, về tư duy lôgích, như:

“ánh nắng mặt trời” không hiểu rằng ánh nắng chỉ có thể là ánh sáng trực tiếp của mặt trời, chứ không thể có thứ ánh nắng nào khác (nếu thay mặt trời bằng mặt trăng, sao, đèn, lửa, chớp, ai cũng sẽ thấy ngay là hết sức vô lý).

Thiết tha

Thiết: cắt. Tha: mài. Chinh phụ ngâm khúc có câu “Cánh buồm người thiết tha lòng”.

Nguyên nói về thợ làm rừng lấy dao để cắt, lấy đá để mài dũa. Sau dùng để nói bạn bè trau dồi học vấn với nhau hay tình thân giữa hai người.

Chữ nghĩa với chữ “thiên”

Thân hình vợ, như…thiên thể.

Chữ viết của vợ, như…thiên văn.

Ngộ Không

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search