T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 59)

clip_image001

Chữ nghĩa làng văn

Chính sự giao lưu giữa các nền văn hóa ở miền núi đã sản sinh ra những loại từ như “chó “, “tre pheo“, “vườn tược“.

“Chó”, “tre”, “vườn” là tiếng Việt,

– “” là tiếng chỉ “chó” của người Tày (to ma).

– “pheo” và “tược” là tiếng chỉ “tre” và “vườn” của người Mường.

Cũng như “hằm bà lằng” là xuất phát từ tiếng Ba Na mà ra.

(Trần Quốc Vượng – Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm)

Văn hoá chửi !

Lời bà mất gà trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan:
” Làng trên xóm dưới, bên sau bên trước, bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng, mà thằng nào con nào, đứa ở gần mà qua, đứa ở xa mà lại, nó dang tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi, thì buông tha thả bỏ nó ra, không thì tôi chửi cho đó!
Chém cha đứa nào bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn nó hãy còn, sáng hôm nay con bà gọi nó nó hãy còn, mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha thả bỏ nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mả thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại, lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ; nó mổ chồng mổ con, mổ cả nhà mày cho mà xem! Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh nó rút ruột ra…

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Tục ngữ Tầu và Ta

Cát kê yên dụng ngưu đao

(Cắt tiết gà há dùng dao mổ trâu)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Chia xẻ, chia sẻ

Có một người bắt bẻ một nhà văn viết “chia xẻ” với chữ “x“ mà ông ta cho là sai. Một người khác dẫn chứng nhiều từ điển thì cũng có cuốn viết là “chia sẻ” với chữ “s “.

Để đóng góp phần nào thống nhất cách viết trong khi chưa ai có thẩm quyền về chính tả riêng tôi không câu nệ sách Hà Nội, Sài Gòn xưa hay hải ngoại mà khi phân vân vẫn dựa theo hai cuốn “Việt Ngữ Chính Tả Tự Vị” của Lê Ngọc Trụ và cuốn “Từ Điển Chính Tả Thông Dụng” của Nguyễn Kim Thản. Tôi không tuyệt đối theo hai tác giả này vì có khi họ cũng mâu thuẫn nhau.

Trong trường hợp đó đành dùng theo cách quen dùng từ xưa như một truyền thống.

(Đặng Trần Huân – Chữ nghĩa bề bề)

Tiếng Việt mới tại Ba Lan

Tắc-xi : Những người làm nghề kéo xe chở hàng thuê ngoài chợ.
Soái : Ám chỉ những chủ hàng người Việt ở Nga, Ba Lan.
Khu PKS hay “đường tầu” : Tên chợ của người Việt tại Vac-sa-va.
Câu thần chú “Uwaga” : Chú ý, cẩn thận (tiếng Ba lan)

Chú Sứ : Cách gọi chung cán bộ, nhân viên sứ quán.
Phun thuốc sâu : Cách gọi lái đi của chữ “Phó tiến sĩ”

(…trích từ những truyện ngắn ở Đông Âu của Trần Hoài Văn)

Chữ nghĩa làng văn

Ăn sung nằm gốc cây sung,

Lấy nhau thì lấy, nằm chung không nằm.

Câu này phát xuất từ xứ Huế, miền Trung. Câu sau có một chữ khác biệt: Lấy anh thì lấy, nằm chung không nằm.

Sung là một loại cây có trái mọc từ thân, từ gốc tới ngọn. Người ta không cần đứng, không cần với, mà nằm ở gốc cây cũng có thể hái được trái sung. Không với tay mà hái, thì chờ nó rụng vào mồm! Đó là thái độ của những người lười biếng, được diễn tả trong câu: Chờ cho sung rụng nằm dài gốc cây!

Cây sung có nhiều liên hệ với cụ Phan Bội Châu (1867-1940) kể từ tháng 7.1925, cụ bị Pháp bắt cóc tại ga Bắc Trạm, gần Thượng Hải, rồi đưa cụ về giam lỏng tại Huế. Từ đó, cụ Phan sống những ngày tàn trong một ngôi nhà nhỏ ở xóm Bến Ngự, cụ đã sống nơi đây, chia thì giờ giữa căn nhà nhỏ với con thuyền đậu bến nhà vua xưa, núp bóng cây sung già cỗi, cho nên có lẽ từ nơi này đã phát xuất câu phong dao nói trên.

Ngoài ra, cây sung cỗi và chiếc thuyền nan của ông già bến ngự trong mười mấy năm trời vẫn là hình ảnh cổ điển dính liền với sông núi thần kinh. Cây sung tượng trưng cho ấn sĩ là vì: hoa ẩn núp bên trong trái, cho nên gọi là giống ẩn hoa, thấy trái mà chẳng thấy hoa, phải chẻ làm đôi mới thấy, cho nên người Trung Hoa gọi là vô hoa quả, ngược lại với các giống hoa khác, có hoa trước rồi mới thành quả sau, gọi là hiển hoa.

(nguồn Wikipedia)

Tự điển tiếng Việt đóng hộp

Con gì hay la mắng, la hét?

– Con la.

Con gì về già hay nhăn nhó, khó chịu?

– Con…vợ.

Tiếng Việt trong sáng

Thực ra “Tiếng Việt trong sáng” ở trong nước bây giờ có một số chữ họ dùng lại đã có trong tự điển cũ như “cải tạo”, “sự cố”..v..v..

Chỉ có điều dường như họ muốn dẹp bỏ bất cứ từ ngữ nào mà phe Ta đã sử dụng và thay vào những chữ ghép Tầu tầu…đôi khi không cần thiết (hoành tráng) và sai bét (động thái)…

Và nếu có dùng chữ Việt thuần túy thì dài dòng, tối nghĩa và ngô nghê như “tên lửa đất đối không” hoặc “tàu sân bay”…

Vậy chứ “bóng thám không” là cái của nợ gì đây?

Xin thưa: “bóng thám không” là…khinh khí cầu!

(Nguyễn Thiện Ân – Việt Tide)

Điệp ngữ mầu sắc

Tiếng Việt rất phong phú về điệp ngữ mà tiếng nước khác không có. Tiếng Tầu diễn tả nét đậm lợt của mầu sắc chỉ có một vài như “hoàng hoàng”, “âm âm”.

Trong khi tiếng Việt đầy rẫy, như…

Xanh thì xanh lơ, xanh biếc, xanh um, xanh lè, xanh rờn, xanh non, xanh ngắt..v..v..

Đỏ thì đỏ hồng, đỏ chói, đỏ chót, đỏ rực, đỏ lòe, đỏ lòm..v..v..

(Chữ nghĩa của Ta hay thật)

(Nguyễn Triệu Việt – tạp chí Tân Văn)

Dủ học dủ ngu III

Nằm trên võng, chưa ngủ được, tình cờ mà tôi học được thế nào là “ăn giấy bỏ bìa“.
Ngồi trên bộ ván ngựa, bà Ba Thời trải rộng tờ giấy quyến, lớn bằng tờ nhật trình khổ lớn. Bà cẩn thận xếp đôi chiều dọc của tờ giấy, bà xếp đôi nữa, rồi lại xếp đôi nữa. Bà dùng dao rọc theo những lằn xếp. Tờ giấy, như vậy, được rọc ra thành tám mảnh, chiều dài vẫn giữ y nguyên. Tự nhiên, bà nói :
– Rọc giấy như vậy kêu bằng ăn giấy. Miếng giấy, tao rọc làm 8 vụn, kêu bằng ăn 8, nhiều người thành 16 vun, kêu bằng ăn 16, điếu thuốc ngắn ngủn, kéo chưa đủ 3 hơi đã hết. Tao thà chịu tốn giấy, ăn 8, đặng vấn điếu nào đáng điếu nấy, hút mới đã.
Tôi còn mừng hơn là khi không bắt được vàng thoi bạc nén vì bỗng dưng, bà ngâm nga : “Trách ai ăn giấy bỏ bìa – Khi thương, thương vội, khi lìa, lìa xa”.

Bà cắt nghĩa liền :
-Thằng Tám, mày thấy không ? Giấy quyến đâu có bìa, hổng có cái gì đáng mà phải bỏ hết. Vậy mà có những kẻ ăn giấy, bày đặt bỏ trên, bỏ dưới. Những kẻ ăn giấy bỏ bìa này chánh thị là ba cái quân điệu bộ lỏng nhách, phí phạm bạc hẳn không ai bằng.

Bà ngậm ngùi ngang: “Tao khổ gần 1 đời cũng vì ba cái quân “ăn giấy bỏ bìa” này đây … Bị, hồi đó, tao nghèo quá …”
Té ra, giấy ở đây là giấy quyến để vấn thuốc, và ăn giấy là như vậy đó, chớ giấy không lẽ bỏ vô miệng mà ăn được. Và, có nghe bà Ba Thời giải thích như vậy, tôi mới hiểu được tại sao cái kẻ “ăn giấy bỏ bìa” lại “khi thương, thương vội, khi lìa, lìa xa”.

(Nguyễn Ðức Lập – Góp nhặt trong điện thư)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngu không phải là cái tội

Cái tội là không biết mình ngu

(Người ven đô Hà Nội)

Câu cú

Giáo sư dậy văn, đồng thời cũng là nhà phê bình văn học, ông đã phê bình văn học miền Bắc những câu cú què quặt, ngược nghĩa, ngô ngọng như sau:

Có lẽ cũng nên nhớ lại rằng trước kia, khi chưa tiếp xúc với văn minh, văn hoá và ngôn ngữ Pháp, rồi chịu ảnh hưởng của tiếng Pháp, trong tiếng Việt, cái đại từ nhân xưng số nhiều chúng hiếm khi được dùng hoặc nếu có, thì thường chỉ dùng cho người và loài vật, chứ không cho đồ vật. Và nhiều khi đại từ nó được dùng cho cả số ít lẫn số nhiều. Cụ Tú Xương nghe thiên hạ chúc nhau:
Lẳng lặng mà nghe chúc con
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn
Phố phường chật hẹp người đông đúc
Bồng bế nhau lên ở non…

Xin lưu ý: chứ không chúng, mặc dù rõ ràng đó là số nhiều.

Thằng với…ông

Chữ Hán “thượng” là trên, qua chữ Nôm có một, hai nét ngang, dọc để gọi là “thằng”.

“Thượng” đi với “thằng” ít lâu, người Việt ta gọi là…”ông”. Chỉ người…đàn ông.

(Trần Quốc Vượng – Văn hóa Việt Nam)

Văn chương truyền khẩu

Trước khi có dòng văn học chữ viết, người bình dân ta đã biết diễn tả tính tình và tư tưởng dưới dạng truyền khẩu (tục ngữ, thành ngữ, ca dao, truyện cổ tích..v..v..).

Văn chương bình dân tuy không có qui luật, phép tắc nhất định, nhưng rất hay và phong phú, biểu lộ tính tình, phong tục của ta một cách phóng khoáng, chất phác và chân thực. Văn chương chữ viết chỉ là một phần của văn học Việt Nam, văn chương truyền khẩu gồm tục ngữ, ca dao và truyện cổ tích mới chính là nguồn gốc của nền văn học nước ta.

Di sản văn hóa đẹp thì nhìn dưới nhãn quan nào cũng đẹp, đó là những vẻ đẹp khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu và tìm hiểu nền văn học Việt mà thiếu cái nhìn nhất quán về nguồn gốc của nó thì sẽ dễ lầm lẫn giữa phương tiện và cứu cánh, đưa đến hậu quả tai hại là chỉ nhìn từng mảng, từng phần mà không thấy được bức tranh tổng thể tinh thần của nền văn học Việt Nam.

(Trần Gia Thái – Nguồn gốc văn học Việt Nam)

Ngộ Không

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search