T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Đọc Rớt xuống tuổi thơ, tôi của Trần Yên Hòa

clip_image002

Tìm đọc để có một cuốn viết về tuổi thơ thời buổi này không phải là dễ, càng không dễ nếu tác giả của nó thể hiện những ký ức của mình lại là một nhà văn kiêm nhà thơ. Trần Yên Hòa xem ra anh đủ tiêu chuẩn do sở trường về nhiều thể loại từ thơ, tùy bút, truyện ngắn, truyện dài, bằng hơn chục tác phẩm đã được in và đón nhận (cho từng thể loại) tại hải ngoại gần 20 năm trở lại đây.

Vốn người đất Quảng nam xưa nay được coi như cái nôi của văn học, nhiều nhà văn nhà thơ nhà phê bình danh nhân văn hóa kiệt xuất xuất thân từ đây, lại sanh ra tại đất Tam kỳ, vùng đất nghèo ‘mưa tuôn gió giật’ nằm giữa dẻo đất miền Trung trên quốc lộ 1, tình người thì chân chất, cảnh vật khá nên thơ nhưng không hề được yên nghỉ vì là nơi giao lộ huyết mạch của hai phe thù địch lúc thì Pháp Việt minh, sau là quốc gia cộng sản, từ bối cảnh này chắc chắn cậu bé TYH phải trải qua thời thơ ấu khó khăn, kéo theo những ký ức tuổi thơ mà khi nhìn lại chắc có nhiều điều ray rứt vương vấn.

…đốt đuốc soi cái chỗ em nằm/ và soi lại ta, vùng thơ ấu cũ/ thương quá em ơi anh không đủ chữ/ giảng nghĩa dùm anh cái chữ ân tình (“Cô Gái Tam Kỳ Đất Khổ…”)

Là người có dịp đọc thơ và tiếp cận với lối viết văn xuôi của anh, vừa qua vài ba tác phẩm đã in vừa qua trang web Bạn Văn Nghệ do anh chủ biên, tôi biết Trần Yên Hòa có khiếu văn chương, yêu văn học, thích viết, viết để chia sẻ và dành dụm có tiền là in.

Anh cũng có thuận lợi là đi nhiều, trải nghiệm nhiều trong tư cách người lính (xuất thân Đại Học CTCT Đà Lạt), biết nhiều, hiểu sâu sắc về những người phía bên kia (qua cảnh tù cải tạo và xã hội sau 75), thông hiểu cảnh đời tha hương trên đất Mỹ (do làm báo và tiếp cận với con người và sự việc), cùng có thời là cựu học sinh Trần Cao Vân, nơi được kể là ngôi trường có nhiều cây bút gốc Việt thành danh đang sống ở hải ngoại.

Thật sự vốn khiêm tốn anh ít nói và viết về anh, nhưng khi nghe một cuộc trò chuyện của anh với Nhã Hương, trên một băng tần Việt ngữ (57.5) mới đây, tôi và độc giả thấy mến anh về sự bình dị và bộc trực của nhà thơ cùng giọng nói nụ cười qua dáng dấp rất đỗi Tam Kỳ của nhà văn. Cái quan trọng là anh bộc bạch nhiều điều từ cuộc sống đời thường đến cái duyên văn bút, cùng những ký ức khó quên về con người và bối cảnh quê hương, giúp tôi có góc nhìn cận cảnh về mối liên hệ tác phẩm & tác giả và cụ thể những gì Trần Yên Hòa muốn gửi gấm cho độc giả qua tác phẩm mới nhất của mình.

Một tác phẩm khác với những lần ra mắt trước, lần này là hai mươi sáu mẩu truyện viết theo thể loại truyện ngắn nhằm kể lại những ký ức sâu sắc, trong sáng của một thời thơ ấu ở một vùng quê nơi anh sanh ra và gắn bó với nó tròn 16 năm cho đến khi khói lửa chiến tranh và những bất trắc của cuộc sống nông thôn buộc anh phải rời xa nó.

Sách có tên Rớt xuống tuổi thơ, tôi khá ngộ nghĩnh vì cái dấu phết (,) xen giữa. Sách dày 300 trang, do một nhà xuất bản cùng tên trang web của anh, ấn phí nhẹ nhàng $18, in trên giấy láng, bìa màu, trình bày trang nhã, cứ nhìn hình thức với hình bìa in đậm ánh mắt và nụ cười của cậu học trò xứ Quảng năm xưa người xem cũng đã tò mò muốn mua, còn thích hay không do tùy khẩu vị sau khi thưởng lãm.

Ai mà chẳng có lần muốn nhìn lại những năm tháng tuổi thơ mà trong lời Bạt, Trần Yên Hòa đã tâm sự,

Ai cũng có một nơi chốn sinh ra. Dù ở nhà quê hay phố thị, thì đó là nơi cất dấu những kỷ niệm của đời mình nhiều nhất…Đến một lúc, những vật lộn cuộc đời đã qua, nằm gác tay trên trán trong những đêm trằn trọc ngủ không được mới thấy nỗi nhớ nhung khôn nguôi về một thời thơ ấu…Bây giờ thi quá xa, có với tay níu bắt cũng không được, nó trở thành bóng hình của ký ức…Tôi đã có một thời thơ ấu như thế.

Tâm trạng này như nói hộ nhiều người, những người cũng có một thời thơ ấu như thế nhưng hồi tưởng lại chỉ là bóng hình của ký ức, níu bắt không được thôi đành nhung nhớ khôn nguôi.

Ký ức tự thân nó thuộc về quá khứ, quá khứ lại là giai đoạn đầu đời viết lại cho sinh động là điều khó, càng khó khi không để sự vật được nhìn qua lăng kính và góc nhìn của người lớn, mà phải nhìn nó hóa thân trong đôi mắt trẻ thơ, chính là điều Trần Yên Hòa trăn trở và trong tư cách nhà văn dùng ngòi bút có bề dày năm tháng anh cố thể hiện cho bằng được. Nhưng lực bất tòng tâm, anh thú nhận đôi khi vẫn bất lực khi có nơi có lúc trong một vài mẩu truyện, kỷ niệm trong sáng của một thời thơ ấu khi hồi tưởng lại chưa phản ánh đúng mức theo cách nhìn và tâm lý tuổi thơ.

Đi vào cụ thể, trong vai người đọc tôi cố vận dụng tâm lý tuổi thơ và cách nhìn của một người cũng có thời thơ ấu sanh ra ở miền quê vùng châu thổ sông Hồng, buộc phải xa quê khi đất nước chia đôi ở tuổi 14, thử nhìn lại chính mình cũng độ tuồi TYH ngày ấy xem có sự tương đồng nào trong ký ức tuổi thơ mà vì đưa đẩy khắc nghiệt của số phận chưa một lần dám ngó lại do hệ lụy những ám ảnh kinh hoàng trong nhưng tháng năm cuồng nộ một thời trên quê hương của thế hệ tôi.

Cầm tập sách trên tay, lòng phân vân không biết bắt đầu từ truyện nào, vì tác giả không xếp nó theo một trình tự xảy ra theo độ tuổi hay thòi gian cùng sự việc, cũng chẳng mách bảo độc giả là nhân vật nào kỷ niệm nào thời điểm nào để lại những ấn tượng sâu sắc nhất cho tác giả trong những năm tháng đầu đời. Tốt hơn là lướt qua các tựa của mẩu truyện và không khó khăn nhận ra dụng ý của tác giả nhằm khắc họa những nhân vật, trong nhà ngoài ngõ, thôn trên xóm dưới, từ cha mẹ anh chị trong cái nôi đầu đời đến họ hàng xa gần con cô con chú, từ bạn bè thầy cô trường lớp đến các nhân tố khác họ người dưng…tùy mối quan hệ hữu cơ, tùy cơ duyên gắn bó, tùy tình huống đẩy đưa, truyện kể từ các nhân vật được chọn sẽ được viết dài hay ngắn.

Nói dài thì chẳng phải dài, cao lắm là chin mười trang đa phần dành cho những nhân vật xoay quanh Cái nôi ngọt ngào, Cha với Mẹ, anh Tư, chị Hai là những khuôn mặt chủ đạo, ngắn thì có khi ba người gộp lại mới được …ba trang (hai Nhơn, ba Tình, tư Nhỏ). Cho nên gọi là những ‘mẩu truyện’ cũng đúng và chính danh thì phải kể những ‘truyện cực ngắn’ nếu cho đăng riêng rẽ từng kỳ.

Tôi đã đọc hai truyện dài một tập truyện ngắn đã in của Trần Yên Hòa, phải nói anh là người kể chuyện rất hay, hay không phải là văn hoa bay bướm nhưng hấp dẫn ở chỗ anh có một trí nhớ tuyệt vời, anh thuật lại những gì như nó đã có từ bối cảnh nhân vật thời gian tình huống…cho nên khi rớt xuống tuổi thơ anh không bi hụt hẫng, vận dụng hết cỡ sở trường vốn có thâu lại trung thực những ký ức của mình mà thú thật tôi và nhiều độc giả muốn quay lưng nhìn lại đời mình không thể nào làm được như anh.

Anh khiêm tốn ‘tuổi mười lăm ta đâu biết mô tê’ nhưng thử hỏi có ai nhớ nổi hàng trăm khuôn mặt lớn bé già trẻ không chỉ với cái tên mà gần như nhân thân, vóc dáng, việc làm và bối cảnh liên hệ với cậu học trò tiểu học được rành rọt khắc họa trong khung cảnh của miền thơ ấu dù thời gian phủ mờ cả nửa thế kỷ? Chính nhờ kỹ xảo này anh vận dụng vào văn học, một phạm trù anh đam mê đến Khan cổ gọi tình đã đưa anh trở thành nhà văn và người đọc đón nhận anh rất sớm so với nhiều bạn bè đồng môn đi từ ngưòi lính trước chiến tranh quay sang người cầm bút sau ngày mất nước, dù năm 1971 anh có in chung và phát hành một tập thơ.

Trở lại những mẩu truyện của một thời xa vắng, phải nói ký ức đậm đà nhất TYH đã dành cho Mẹ và Cha. Anh không như chúng tôi vẫn gọi người cha qua lối xưng ba, bố, thầy, cậu tùy miền mà anh lại kính phục hết lòng bằng chính tiếng thiêng liêng mà hồi nhỏ tôi hay xem trên những tuồng dã sử khi các tiểu thư chỉ dám gọi đấng sinh thành mình là CHA. Kiểu xưng hô này không ‘quê’ không ‘dị’ như anh tưởng mà chính những ký ức của anh khi viết về cha, chúng tôi lại càng khâm phục mẫu người sống ở nông thôn thuộc thế hệ trước trong vai người chồng, người cha, người chủ gia đình, người có chữ nghĩa, người phục vụ cộng đồng làng xã, người thích đãi bạn bè, người biết làm ăn, chịu thương chịu khó, gầy dựng được một cơ ngơi bằng mồ hôi nước mắt nhưng cuối cùng ngôi nhà chắt chiu xây cất lại bị ‘xe thiết giáp của lính quốc gia ủi sập’ mà người con của ông sau này khi đi lính cộng hòa, chỉ viết đến đây và không đả động gì thêm. Cái giá phải trả cho những số phận ở nông thôn khi cuộc chiến không còn chiến tuyến và điều này làm vẩn đục tuổi thơ của thế hệ TYH và anh em chúng tôi.

Tôi mất mẹ sớm, ký ức về mẹ không nhiều nên đi mượn ký ức của nhà văn. Là con út ai cũng hiểu đều được mẹ chiều chuộng, thương yêu hết mực. Trần Yên Hòa có diễm phúc mười tuổi vẫn nhai vú mẹ dù nguồn sữa đã cạn kiệt vì sức lao động và bao nỗi lo toan. Mẹ anh là điển hình của một bà mẹ quê, một bà mẹ Quảng nam (chẳng phải vì anh hùng đã nuôi dấu cán bộ, đẩy con ra chiến trường) mà thật sự chân lấm tay bùn, một nắng hai sương, quanh năm bương chải chỉ vì chồng vì con vì tổ ấm gia đình đến nỗi ban đêm giã gạo lót rơm sáng sớm bới cơm ra đồng chẳng còn nghĩ chuyện chăn gối, coi là điều ‘dị hợm’ khi tuổi đời chưa đến 40!

Nhưng phải nói bên trên những lo toan đời thường mà gia đình nào trong vùng khu 5 cũ đều phải đối mặt, TYH đã thừa hưởng về mặt tinh thần khi có cha là một ‘bồ thơ’ từ cổ đến kim, và mẹ là một ‘vựa ca dao’ ngôn ngữ dân gian, cùng bà chị những buổi trưa hè mắc võng ‘rót’ vào tai em những bài thơ tiền chiến, anh vô tình nhiễm vào tiềm thức vốn ngôn ngữ Việt mà sau này giúp anh theo đuổi nghiệp văn chương.

Nhắc đến tuổi thơ không thể không nhắc đến bóng hình những người đàn bà, dù già như mẹ như dì như cô, nhưng những người chị Hai, chị họ, chị Linh, chị Khương…đã để lại nhưng kỷ niệm khá ấn tượng về thân phận phụ nữ vừa nhan sắc nết na nhưng chịu đựng quá nhiều nghịch cảnh giữa dòng đời ngang trái đất nước điêu linh khi phe nào cũng nhân danh chính nghĩa. Tôi chú ý chuyện Chị Linh, TYH khắc họa khá hay làm tôi nhớ lại mùi hương bưởi vương trên tóc mới gội của một bà chị họ, bầu vú căng đầy hớ hênh một đêm hè khi vô tình cho cậu em họ ngủ chung, kỷ niệm đầu đời mới biết thế nào là hương của tóc, mùi của da, vẻ đẹp của đôi vú dù còn thơ ấu chưa biết gì để nghĩ xa hơn.

Còn nhiều điều thú vị, xin độc giả tự đọc những chuyện còn lại mà nếu kẻ viết cứ dông dài e mất ý nghĩa và trở thành ‘kẻ đọc thuê’. Cũng cần nói hai trăm trang đầu đơn thuần là truyện, số trang còn lại trở thành Phụ Lục. Dụng ý của tác giả muốn lồng trong ấn bản lần này những trao đổi với Bạn văn, trong đó có cả đồng hương toàn là những nhà thơ, nhà phê bình uy tín trên các mạng truyền thông hải ngoại về những trải nghiệm vui buồn trong chuỗi dài sáng tác, đặc biệt bộ môn Thơ cũng là sở trường và đam mê của anh. Phần phụ lục 1 mang tính chuyên nghiệp, phụ lục 2 kết thúc bằng cảm nhận từ bạn bè làm người đọc hiểu nhiều về con người & tác phẩm của Trần Yên Hòa trong tinh thần khách quan, trong cách nhìn nồng ấm, chẳng hề ‘áo thụng vái nhau’ mà có sao nói vậy như bổn tính của những người vừa hỏi vừa nói vừa nghe.

Xin độc giả tìm mua và đọc tác phẩm mới nhất của người học trò xứ Quảng để biết đâu cũng tìm thấy bóng dáng mình về một miền thơ ấu tuy đã quá xa nhưng lại quá gần khi mỗi người theo qui luật tự nhiên đều trở về miền viên miễn.

Gửi TYH như một lời cám ơn bản đề tặng

Đỗ Xuân Tê

Cali, Tháng 9/2014

 

 

 

©T.Vấn 2014

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search