T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: CHIỀU CHIỀU…

Giới thiệu:

Nhà văn Khuất Đẩu , tác giả “ Những tháng năm cuồng nộ “, không còn trẻ nữa. Ông đang bước vào giai đọan “ẩn tàng” của đời người, giai đọan chiều rơi chầm chậm trên mái tóc muối che phủ hết cả tiêu. Đây cũng là lúc ông ngó về quê mẹ. Lạ lùng thay không làm dâu xứ lạ mà ruột vẫn cứ đau chín chiều. Tôi gọi đó là cảm thức lưu vong ngay trên chính quê hương mình.Đời ta tha hương ngay trên quê hương. . .

Những trang viết ngắn của Khuất Đẩu sẽ là những cô đọng khỏanh khắc ngỏanh lại của một người biết mình đã đến lúc về thu xếp lại. Vì là viết ngắn, nên chữ ít.Có lẽ vì người già thường hay kiệm lời ? Hay sau những tháng năm cuồng nộ của đất nước, ngán ngẩm vì chưa thấy có gì thay đổi, ông để nỗi buồn chảy ngược vào trong, như một phản ứng xuôi tay bất lực ?

TV&BH trân trọng giới thiệu những trang viết ngắn nhưng nặng trĩu suy tư của nhà văn Khuất Đẩu. Kính chúc ông sức khỏe và cảm hứng để có thể trụ lại lâu trên Những trang viết ngắn này.

Tháng 10 năm 2014

T.Vấn & Bạn Hữu

 

 

Khuất Đẩu : CHIỀU CHIỀU

clip_image002

Quê Nhà – Tranh : Trần Thanh Châu

Đó là lúc không còn tiếng gà trưa gáy não nùng. Là lúc mà:

Chiều chiều quạ nói với diều

Ở trong đám bắp có nhiều gà con!

Cái ác ở đâu cũng có và lúc này nó đang thập thò rình rập trên cao. Nhưng trong đám bắp kia, nơi có một mẹ gà lúc nào cũng tỉnh táo, cần mẫn, sẵn sàng xù lông để bảo vệ các con, thì quạ với diều cũng chỉ bảo nhau một cách thèm thuồng mà thôi. Một buổi chiều hết sức yên bình là vậy.

Chiều, cũng là lúc mà cô dâu mới về nhà chồng, len lén ra ngõ sau, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều!

Một lần ngó đến những chín lần đau, đủ biết các cô dâu ngày xưa vất vả và cô đơn biết chừng nào. Ta có thể tưởng tượng cô vừa giã xong cối gạo, hay vừa bắc nồi cơm lên bếp, lấy cớ ra sau bờ mương bẻ một vài bẹ môn, hay xé một miếng lá chuối. Cô chỉ loáng thoáng nhìn về những bờ cây xanh xanh đó, ngọn đồi nho nhỏ đó, nơi mẹ cô cũng đang lặng lẽ đi xách nước tưới rau hay đang vo gạo nấu cơm. Nơi có con chó già trung hậu lúc nào cũng ngúc ngoắc đuôi khi thấy cô về. Nơi cha cô đang nằm trên võng hát nghêu ngao chờ bữa tối.

Đó cũng là lúc những thửa ruộng trước nhà vừa bừa xong, mặt ruộng phẳng như gương lênh láng mây trời. Chín hay mười người quần đen nón trắng, xếp thành một hàng dài nghiêng nghiêng vừa cấy vừa hế hò hê. Tiếng hò của bà già trầu thợ cả, của các mẹ các thím nheo nhóc con cái đùm đề, của các cô học việc mười lăm, mười bảy…không qua một trường lớp thanh nhạc nào, vẫn trong vắt, cao vút.

Là lúc, khói thổi cơm chiều từ các mái nhà tranh lơ lửng bay lên, mang theo mùi rơm rạ, sau đó là mùi cá kho đậm đà hay mùi mắm cua chua dịu nhỉu.

Là lúc, mẹ đặt gánh hàng lên thềm nhà, hối: lấy cho mẹ gáo nước, đi con. Rồi nghe mẹ uống ừng ực, nước chảy qua hai hàng răng đen, chảy xuống cằm trước khi rơi xuống cái áo đang ướt đẫm mồ hôi.

Là lúc ở chân trời tím nhạt, tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên ngã màu nâu thẩm, đột nhiên trở nên cao lớn hùng vĩ. Đâu đó vọng lại tiếng ru hời hời nghe như tiếng buồn vang trong mây của một dân tộc mất nước.

Chiều lên. Chiều xuống. Chiều về. Chiều nào cũng gợi cho ta một nỗi buồn nhè nhẹ. Nhưng hai tiếng chiều rơi, nghe rất tây, lại cho ta thấy vẻ đẹp vĩnh cửu của đất trời. Cái màu vàng của nắng lúc này nhạt dần, mỏng và nhẹ, nhưng vẫn là một màu không phai như màu hồng của hoa anh đào khi lả tả rơi.

Những buổi chiều không một tiếng còi xe, không một tiếng máy nổ ấy, giờ đây không còn ở chốn làng quê yên ả.

Vẫn biết không cứ mãi đi sau cái cày, không cứ lọc cọc với chiếc xe bò, không cứ giậm chân một chỗ nhìn cuộc tiến hóa ầm ầm lướt qua, nhưng sao vẫn cứ thấy tiếc. Tiếc mùi khê khê của rơm rạ khi dùng đun bếp, tiếc mùi bùn của thủa ruộng đang cấy. Và nhất là thấy tiếc cái tiếng hế hò hê mênh mang. Như Trần Tế Xương thấy tiếc con sông Lấp ở Nam Định mà thèm nghe một tiếng gọi đò.

Cái tiếc ấy đúng là đứt ruột khi tuổi đã xế chiều.

Khuất Đẩu

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search