T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: VẪN THÁNG BA, BUỒN MUỐN CHẾT!

clip_image001

Tháng ba năm xưa, hết gãy súng đến không cho dùng súng*, cái tháng ba ôn dịch mất Đà Nẵng rồi mất Gạc-ma.

Giờ đến chặt cây và sụp giàn giáo!

Cây ở Hà Nội, cũng như ở Sài Gòn, được trồng từ những trăm năm trước. Trên những con phố chân dài, những hàng cây lá xanh gần với nhau, tạo nên những vòm xanh dịu mát cho bao thế hệ, bất ngờ bị đốn ngã không thương tiếc. Cứ như năm 1979, anh hàng xóm anh anh em em ngọt xớt bỗng dưng tát vào mặt sáu cái liên tiếp nảy đom đóm, bảo là để “dạy cho một bài học”.

Bị dân la ó (có cả khóc than), người ta bảo chặt cây cũ oằn ẹo xấu xí, già si cốc đế để thay đồng loạt cây mới thẳng thóm hơn, cao ráo hơn, nghiêm chỉnh như những hàng quân danh dự dàn chào. Đó là chưa muốn nói, cây là tàn tích để lại của thực dân phong kiến, cũng như trí phú địa hào, phải đào tận gốc trốc tận rễ. Xã hội mới, thì phải có con người mới và cây cối mới.

Có biết đâu rằng, sau cái ngụy biện đó là cả một đống tiền. Những khối gỗ sưa có giá đến hàng trăm tỷ, chính là động cơ chính đáng cho những quyết định không ngu chút nào của các cấp chủ quản.

Bỗng nhớ tới thủ tướng Lý Quang Diệu người vừa mới nằm xuống, đã coi cây là tài sản quốc gia. Cây cũng như người, được chăm sóc và được luật pháp bảo vệ. Muốn đốn hạ một cây nào, phải có cả một hội đồng xét duyệt, chứ không phải lệnh miệng của một anh Tư anh Năm hay một đồng chí nào cả.

Thì ở ta, cây cũng như người, khác chăng là chẳng những không được luật pháp bảo vệ mà còn bị bỏ quên, để mặc cho người nước ngoài muốn cho sống thì sống, muốn bảo chết là phải chết. Những cái chết được báo trước!

Tôi muốn nói tới cái vụ sập giàn giáo ở Vũng Áng. Nghe đâu, đây là khu công nghiệp Formosa, tuy đứng tên Đài Loan, nhưng ông chủ chính là Trung Quốc. Cái anh củ sâm Samsung vang danh bốn cõi là thế, không ngờ cũng đến làm công cho anh ba Tàu, đủ biết cái tiềm lực của anh ba nó hùng mạnh đến cỡ nào.

Giàn giáo sụp, làm chết tươi hơn chục nhân mạng và làm què quặt, rồi chết dần chết mòn trong đói nghèo thất nghiệp thêm vài mươi mạng nữa. Thế nhưng chỉ có quân đội và những người tình nguyện Việt Nam, dưới mưa như trút, lao vào tháo gỡ từng thanh sắt, moi trong bùn đất để tìm kiếm nạn nhân, còn các giám đốc này, trưởng phòng nọ thì biến đâu mất tiêu, gọi là đi công tác.

Vài ngày sau mới thấy anh củ sâm Samsung gửi lời xin lỗi và cũng thêm vài ngày nữa mới nói tới dự tính bồi thường mỗi mạng người chưa tới hai mươi ngàn đô. Giàn giáo đổ lúc 8 giờ, trước đó hàng giờ tự nó run lập cập, khiến công nhân trên cao mấy chục mét sợ xanh mặt, nhưng các ngài kỹ sư củ sâm bảo cứ làm, đứa nào xuống coi như bị đuổi việc. Thế mà đến nay, đã 10 ngày, vẫn chưa biết giàn giáo vì sao sụm bà chè!

Trong khi, vụ máy bay Đức rơi ở Pháp, chỉ trong hai ngày, đã biết được do cơ phó tự sát. Rồi máy bay trực thăng bay như chuồn chuồn, những chuyên cơ, những xe buýt ngược xuôi đưa thân nhân đến gần hiện trường, và hàng ngàn ngọn nến tiếc thương được thắp lên.

Ở ta, thì những xác chết vẫn chưa được chôn vì còn cãi nhau về bảo hiểm xã hội đóng rồi hay chưa đóng. Trên gốc cây còn ướt nhựa cây đỏ như máu, một em bé cắm mấy nén nhang ngồi khóc một mình.

Chỉ có thế, trong khi một ngôi miếu hoành tráng thờ một anh công nhân Tàu bị chết trong vụ xô xát giữa công nhân Tàu và Việt hồi năm ngoái, lại khói hương nghi ngút.

Đúng là cái tháng ba quỷ ám, buồn muốn chết!

Khuất Đẩu

30/3/2015

* Những người lính hải quân đóng ở Gạc-ma được lệnh không được nổ súng, nên phải lội ra biển nắm tay nhau để bảo vệ đảo! Và tất cả bị bắn hạ trong chớp mắt.

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search