T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Hòn bi và ông Từ

clip_image002

Tranh: Trần Thanh Châu

Mở:

Bài viết được gợi ý qua ca khúc Tôi sẽ đi thăm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

“Khi đất nước tôi không còn chiến tranh…, tôi sẽ đi thăm bạn bè mấy đứa còn xanh nấm mồ…Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng, Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam, tôi đi chung cuộc mừng và mong sẽ quên chuyện non nước mình…”.

***

Chuyện là ông chẳng…quên chuyện non nước mình, vì trên đường từ Hà Nam về Phủ Lý. Trong túi ông có một hòn bi…

Mà khổ nỗi hòn bi đâu còn lành lạnh gì cho cam, vì đã có những lỗ lấm tấm cáu bẩn nên càng vàng ố thêm. Một ngày vô tình ông tìm hòn bi này trong hộp tế nhuyễn của bà cụ ông. Để rồi từ đấy, ngày là gió tháng là mây, mỗi lần ông nhìn thấy hòn bi là ông lò dò chống gậy tìm về quá khứ. Hình ảnh quê nhà nằm ẩn sâu trong ký ức, tưởng rằng đã quên, lại rủ rê kéo nhau về, nào là lũy tre xanh, bờ mương ao cá, đến mồ mả gia tiên, nhà từ đường, qua họ hàng làng nước…Lại còn đèo bòng thêm thằng bạn thuở thiếu thời của ông nữa.

Và ông tự nhủ thầm, trước sau gì cũng xập xoài về thăm quê nhà một chuyến. Thế là ông thủ hòn bi trong túi quần, qua Nam Định, ông thò tay vân vê, gần tới Phủ Lý, ông nhón tay mần mò…Nhìn ra ngòai cửa kính xe, ông thấy bến sông bồng bềnh, sóng nước nhấp nhô với những chiếc thuyền thúng gật gừ lắc lư…lắc lư…gật gừ…

Trong hoang vắng, ông nổi trôi, bồng bềnh về một bến nước.

***

“…Đất quê tôi có con sông Đáy, mà cứ theo già làng thì xưa kia nước trong có thể trông thấy đáy vì vậy mới có cái tên ấy. Với bao năm tháng, con sông cứ cuốn theo dòng từ đời này qua đời khác, mòn mỏi chẩy qua ruộng vườn, làng mạc với mé sông có bến bãi thì bên kia là bên đồng, cách nhau bằng một con đê. Để có thôn đồng, xóm bãi, có làng tôi là làng Ngọc Động, thuộc Phủ Lý. Làng cũng có lũy tre xanh bao quanh làng phòng trộm cướp như bao làng khác. Riêng cây đa trong sân đình dây mơ rễ má đến ông Thành hoàng Trịnh Phúc. Cũng nghe già làng kể lại, xưa thật là xưa, ông là ăn mày ngòai chợ huyện, nhưng có chí học hành nên cũng lều chõng thi Đình. Vì tránh phạm húy với họ Nguyễn Phúc của vua Minh Mạng nên phải đổi ra tên Phước. Vậy mà cũng chỉ đỗ thám hoa, trên tiến sĩ một bậc, không mũ áo cân đai, nên không được dân làng mang ô che lọng chắn đón rước có lẽ vì là ăn mày cũng nên. Có vậy thôi mà ông treo cổ ở cây đa và nguyền rằng sau ông: “Làng này không một ai đỗ Thám Hoa nữa”.

Vì chết vào giờ linh, làng lập miếu thổ địa thờ ông là Thành hòang. Từ ông Thám hoa, đất quê ông được gọi là đất Kim Bảng.

Làm như vì ông thần hòang ăn mày trù yểm, tôi cứ mụ và đụt ra nên ăn mày chữ nghĩa cũng không xong. Năm lên mấy không nhớ, tôi được cõng tới trường làng. Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật, khổ một nỗi tôi lại có cả hai: Ấy là cái tật ỉa đùn và cái nết đái dầm ngay giữa ban ngày ban mặt. Nhắm mắt nhắm mũi nuốt mấy con nhện nướng cũng đâu vào đó. Đâu đó ba bẩy hai mươi mốt ngày tôi bị tống cổ về…làm ruộng. Mấy năm sau, thầy tôi quen với một ông đồ “muộn màng”, tha phương cầu thực về đây và được thầy tôi thỉnh về dậy tại nhà, để tôi ê a với “Thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn – Tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba”. Để tôi nhiễu sự thân quen thằng con thầy tên Quy, “Quy về, tẩu chạy, bái lạy, qụy quỳ”, cái thằng không khá hơn tôi chẳng là bao, suốt ngày ăn roi mây và bị…quỳ. Nhưng đó là chuyện sau…

Trở về chuyện ”làm ruộng”, vì nhà neo người nên tất bật quanh năm, canh một chửa nằm canh năm đã dậy thổi cơm nấu nước ra đồng. Mặt trời chưa ngang con sào, lớn tồng ngồng thế đấy nhưng tôi được đeo bị theo u tôi ra trông thợ hoặc canh chừng mót lúa trộm. Vừa nhẩy xuống khỏi cái địn bằng vải đay là tôi lon ton theo con của mấy bác thợ vồ cào cào, châu chấu. Lớn lên một tí, sâu đậm nhất là những đêm trăng đập lúa, đám trẻ tụi tôi háo hức đợi muôm muỗm, bọ ngựa văng ra là hè nhau chụp như vồ ếch. Tối khuya chầu chực bên bếp, lúc củ khoai ngậy mùi cháy của vỏ khoai. Khi bắp ngô non phính sữa ngọt lừ vùi sâu trong tro. Hương đồng cỏ nội ẩn khuất cả một thời thơ ấu nên không thể không nhớ đến con đường sống trâu, đây một đống, kia một bãi, phảng phất mùi phân nồng nặc hăng hắc. Cũng có ngai ngái đấy, nhưng lâu ngày thiếu vắng, lại nhớ. Nhớ chiều chiều ngồi bên hè, canh lũ gà vịt về chuồng, lơ đãng ngắm khói bếp âm ỉ qua mái rạ, xa xa có tiếng chuông chùa vọng lại, tất cả quyện vào nhau đi vào ký ức, quấn quýt với tôi cho mãi đến lúc này…

Chuyện lúc này hồi nhớ lại khi thầy tôi rước ông đồ về dậy, tôi mới gặp thằng Quy. Nó cao lớn phổng phao quá đỗi, nên tôi chơi với nó để được chơi trò người nhớn. Trước đấy tôi chỉ biết mấy mấy cái trò nhãi ranh như lấy đất sét nhồi nước bọt cho dẻo quánh, nặn thành cái nồi, rồi dang thẳng cánh đập vào tường kêu một cái “bẹt”, thủng một lỗ, lại lè lưỡi rễu nước bọt đắp với vá. Hoặc chơi súng thụt làm bằng ống tre nhỏ, đầu nhét hột đay, có cái cần bằng que đũa, cán là khúc tre ngắn, rồi thụt cái “bụp”. Trong khi nó hơn tôi tới năm sáu tuổi, thay vì chơi ống thụt, nó dậy tôi thổi ống xì đồng để bắn chim, đạn là mấy viên bi xe đạp. Tết đến, nó làm pháo lệnh, cục đèn khí đá trộn với vôi sống bỏ vào ống tre đực, đầu ống tre chụp một long sữa bò. Nó khóet một lỗ cho nước vào ống tre, rồi châm lửa qua cái lỗ, nghe nổ một cái “bùng”, cái loong bay vù cả mấy thước. Tôi phục nó sát đất, nó vênh mặt khoe nhằng: “Đằng ý cứ lõ mắt ra mà xem, ít nữa tớ còn chế súng cà-nông để bắn Tây cơ đấy”.

Một tuổi, tôi lêu bêu qua nhà nó câu cá, câu tôm ở cái ao bèo Tây. Nhìn mấy con chuồn chuồn kim đảo qua đảo lại, nó giơ ngón tay nhắm chừng, chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm. Sau đấy là nó đào giun, rang cám rồi vác cần câu ra bờ ao. Ngồi một lát, mặt ao dìu dịu sóng, có tiếng cá quậy, nó chép miệng: “Cá vật đẻ”. Tôi ngớ ra, nó vén môi cười: “Ai đẻ cũng vật ra như chúng, bu tớ nói vậy, đằng ý lớn lên lấy vợ thì hẵng biết”. Chưa kịp nói hết câu thì bố nó gọi về đi bắt…lợn.

Kẻ sĩ bách vi, ông đồ lỡ thời là bố nó hay nói vậy, nên đèo bòng thêm nghề phó cạo. Đến quá trưa, tôi lại lò dò qua nhờ bố nó xén cho cái tóc để ăn Tết, tôi mới nhìn thấy tận mắt bố nó xắn tay áo ngả con sề nặng cả tạ ra “đụng thịt” với cắt tiến lợn, thấy mà phát khiếp. Cái đầu tôi cũng vừa được sởn xong, nghĩ tới cái cảnh máu me mà tởn nên tôi hỏi nó: “Đằng ý có hãi không”. Nó khè cần cổ ra: “Sợ đếch gì”. Rồi lôi trong túi ra một hòn bi, không đợi tôi hỏi, nó nói là vừa tìm thấy trong bụng của con sề vừa rồi. Ngồi bệt xuống thành cầu ao, vừa kỳ cọ, vừa nheo mắt ư hử: Giã ơn cái cọc cầu ao – Nửa đêm gà gáy, có tao có mày. Xong, nó lẳng lặng đưa cho tôi và gục gặc cái đầu hỏi: “Ừ nhẩy…Đằng ấy có chén tiết canh lợn bao giờ chửa?”. Sau này tôi còn giữ mãi hình ảnh cái đầu húi cua gật gật, cặp môi đỉa trâu và hai tiếng đầu môi chót lưỡi của nó luôn luôn là: “Ừ nhẩy”.

Lại trở về ông đồ bố nó…Vì nó học dốt, bố nó hay nhiếc nó và mượn câu học kinh bất minh, bất như quy canh, hàm ý là học sách không thông, không bằng về đi cày. Vậy mà nó không chịu đi cày cho. Vì mấy năm sau từ Phát Diệm, tôi được tin nó giã ơn cái cọc cầu ao và bỏ nhà đi làm…cách mạng. Đó là giữa năm 1950 với 1951, cho mãi gần đây, tìm thấy hòn bi tôi lại ngẩn ngơ với nửa đêm gà gáy với…ừ nhẩy…”.

***

Khi rày lớn bộn rồi, tôi nghe lõm bõm hiểu ra thế nào là hậu phương với vùng tề. Thì cũng vừa lúc quê tôi bắt đầu có tiếng súng cà-nông tắc bọp, cắc bụp từ trên tỉnh câu về vu vơ trong đêm, có tiếng chó sủa khan đầu xóm cuối ngõ. Rải rác mấy làng bên Việt Minh lập ủy ban này, hội đồng kia. Làng tôi trở thành làng xôi đậu, trước kia ban ngày có mấy anh lính dõng, nay thay vào là lính Bảo An đóng ở cầu tre đầu làng, đến chiều họ rút vào quận. Tối đến du kích về tuyên truyền, họ lập tóan nhi đồng đánh trống ếch nhịp ba, nhịp sáu ròn rã lòng vòng ngoài phố chợ. Ít lâu sau, nghe tin Tây nhẩy dù xuống Phát Diệm, thầy u tôi tản cư về nhà dì tôi đang làm chiếu ở đấy.

Lần đầu được về quê ngọai, thấy phong cảnh bên đường cói mọc như rừng lau vì là đất đồng chua nước mặn, nên họ trồng cói để dệt chiếu. Qua phố của thị xã chiếu hoa, chiếu cói phơi đầy hai bên vỉa hè. Thị xã cũng con sông chẩy ngang, nhưng trông không êm đềm như quê tôi. Nhất là cái cầu cong cong, có mái ngói kiểu Tây, thấy làm sao ấy. Nhưng nhìn thấy nó, tôi lại nhớ đến cái cầu tre, lại nhớ đến thằng Quy, không biết bây giờ nó đang ở đâu. Vì nghe phong phanh thỉnh thỏang nó về làng, tay quấn băng đỏ, lưng đeo lủng lẳng trái lựu đạn nội hóa. Rồi xảy ra chuyện thầy u tôi đảo về quê thăm chừng nhà cửa. Ở nhà mãi cũng bó chân bó cẳng, một hôm tôi theo dì ra chợ ngoài bìa làng. Tới nơi tôi thấy ba cái đầu lính Bảo An cắm trên ba cột tre ngay đầu chợ. Cái thì mắt nhắm, cái thì mắt mở trắng dã, đầu tóc rũ rượi, máu me đầy mũi đầy miệng. Tối về tôi lên cơn động kinh, ói mửa suốt đêm và nghe dì tôi kể lại thì tôi cứ khóc sướt mướt và kêu tên thằng Quy.

28 tháng 6 năm 54, nghe đồn nguyên một sư đoàn Việt Minh tấn công Phủ Lý, lại nghe phong phanh Tây sắp bỏ Phát Diệm, hai dì cháu mất liên lạc với thầy u tôi. Trong cơn túng quẩn, dì không biết làm sao hơn là dẫn tôi lên Hà Nội để đợi tin tức bằng cách thuê một căn gác của người quen ở ngõ Tạm Thương. Đó là con ngõ hẹp và ngắn, chỉ dài khỏang một trăm thước, từ phố Hàng Bông đi vào. Từ nhà quê lên tỉnh ngao ngáo như mán nghe kèn, nên nháo nhác với kỷ niệm không có mấy. Nhưng tôi chẳng thể nào quên được tiếng rao “Ai kem một xu đ..i..i..” của kem Cẩm Bình đựng trong cái “phích” to bằng cái đùi. Hoặc giọng rao “Bánh giầy, bánh gi..ò…o..” của mấy bà hàng rong, ngồi ở ngã ba cuối ngõ Tạm Thương và ngõ Yên Thái cắt ngang, vang vọng tiếng “tùng”, tiếng “chát” của mầy nhà hát cô đầu ngay đầu ngõ.

Đùng một cái ngày 7 tháng 5 Điện Biên Phủ thất thủ, tiếp đến ngày 7 tháng 7 năm 54, hiệp định “Giơ-Neo” chia đôi đất nước, Việt Minh sửa sọan tiếp thu Hà Nội. Hai dì cháu tôi chần chừ chưa di cư vì thầy u tôi còn kẹt ở quê mãi chưa lên được. Mặc dù rối rắm, nhưng vì ngồi không ăn chực nằm chờ nên suốt ngày hai dì cháu lang thang ngoài chợ trời ở bờ hồ Thiền Quang xem người ta mua bán. Họ bán rẻ bán tháo, được đồng nào hay đồng nấy, nào là lư đồng, xe đạp, nào là xập gụ, giường phản. Cho đến lúc thầy u tôi nhắn tin đã đi bằng phi cơ C-47 từ sân bay Phúc Nhạc của Tây cách Phát Diệm năm cây số và tới Hải Phòng rồi.

Dì tôi âm thầm khóa trái cửa, tay bị, tay nải, dẫn tôi ra ga Hàng Cỏ xuống Cảng Phòng. Nghe thì xuôi xả đấy! Nhưng nhiêu khê lắm chứ không phải là ít vì nghe tin đồn dọc đường đi, Việt Minh chặn những người xuống Cảng Phòng để họ tuyên truyền ở lại. Vì dì tôi là người buôn bán, quen tháo vát nên giả bộ đi buôn gà, dẫn tôi lên tầu rồi nhét tôi vào toa chở súc vật để nấp.

Trời xâm xẩm tối tới Hải Dương, lúc này tỉnh lỵ đã bị Việt Minh tiếp thu, tôi ngại bị bắt lại nên thu mình nằm co ro ở một góc. Bỗng có tiếng chân, tiếng người lao xao và ngừng ngay ở toa chở súc vật, tiếp đến tiếng mở cửa lách cách…Tôi điếng người nín thở vì ánh đèn pin đảo một vòng từ từ tìm kiếm, đến ngay tôi thì ngừng lại. Bị lóa mắt, phản ứng tự nhiên là đưa tay che mặt. Nhưng qua những kẻ hở bàn tay, tôi khựng lại và bất chợt nhìn thấy…thằng Quy. Miệng tôi ú ớ định gọi nó, nhưng không hiểu sao lại thôi. Ngay lúc ấy, tôi có linh tính thằng Quy cũng nhìn thấy tôi qua mấy cái cũi lợn, bu gà vì ánh đèn ngừng lại ở ngay ở góc toa cả mươi giây có hơn. Hơn nữa, theo tôi nghĩ nó chẳng quên được cái đầu húi cua mà bố nó cắt cho tôi dạo nào…Kiểu cọ ấy, tôi vẫn giữ mãi trong những ngày từ quê lên Hà Nội.

Có tiếng chân người đi lại. Nó tắt đèn, có tiếng ai hỏi gì đó tôi nghe không rõ. Mà chỉ nghe nó trả lời: “Không…” cộc lốc.

Rồi thằng Quy kéo cánh cửa sắt một cái rầm và bỏ đi.

Cả gia đình gặp nhau lại ở Hải Phòng và đeo tầu di cư USS Bayfield vào Vũng Tầu đúng ngày mùng một Tết dương lịch 1955. Đúng hai mươi năm sau, ấy là cái năm 75, chưa kịp đến tuổi: Ai ra bến nước trông về Bắc – Chỉ thấy mây trôi chẳng thấy làng. Thì đâu đó vào cuối năm, trời yên biển ắng, tôi lại lặng lẽ táp bãi xuống thuyền vượt sóng, vượt biển nương tạm sống nhờ ở mảnh đất Viễn Tây quê mùa, hoang dã như quê tôi ngày nào. Nhưng thiếu vắng hẳn những bến sông, bến nước. Cả thời niên thiếu, tôi hầu như chỉ gắn bó với những bến bãi, những dòng sông thì phải.

Cái năm vượt biên, vượt biển này nhằm vào cái tuổi nhá nhem với ông chẳng ra ông, thằng chẳng ra thằng, để chẳng biết sẽ đi về đâu. Bỗng dưng thuyền bị hư bánh lái, lềnh bềnh nổi trôi trên sóng nước, tôi ra đứng mũi thuyền nhìn mây bay gió thổi, trong cõi mụ mị, bèn âm ỉ: Bể vô tận xá gì phương hướng nữa – Thuyền ơi thuyền xin ghé bế cô liêu. Và dường như mỗi chuyến đi, tôi đều mỗi có một dấu ấn nhớ đời.

***

Mấy chục năm sau nữa, từ miền đất tạm dung, khi tóc đã ngả mầu với muối nhiều hơn tiêu nay “tôi” trở thành “ông” và trở về thăm quê nhà. Chuyện là một ngày tạt vào nghĩa trang thăm bạn già vừa về với cõi. Thì gặp ngay một mộ bia không tên, không năm sinh ngày mất cũng chẳng thổ ngơi bản địa. Mà chỉ một chữ “Trịnh”. Chẳng hiểu gốc gác với Trịnh Kiểm hay Trịnh Bồng đây. Để rồi cái đầu được thể “Tưởng tượng ta về nơi bản trạch – Con còng ẩn nhẫn bò quanh quẩn” để ôm giấc mộng quá khứ lai từ “Ta về tắm lại dòng sông cũ – Truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên”. Ấy vậy mà cứ khất lần mãi, mấy tháng sau, mới có mặt ở quê nhà.

Ghé Hà Nam, sắp tới Phủ Lý, ngày về ông nôn nao bao nhiêu thì càng gần đến quê nội, ông càng hờ hững bấy nhiêu. Từ Phủ Lý bắt vào vào Quốc lộ 21, qua cầu Quế khoảng một cây số, khi nhìn thấy núi Ngọc là vừa lúc tới chùa Bà Đanh nằm bên bờ sông Đáy, chùa thuộc thôn Đanh, xã Ngọc Sơn. Ngay chân cầu xe rẽ vào con lộ nhỏ cách núi Ngọc khoảng một trăm thước là tới làng Ngọc Động quê ông, cũng thuộc xã Ngọc Sơn như chùa Bà Đanh.

Dọc theo con rạch đầu làng ông thấy khác lạ, nhiễu sự là khúc cầu tre không còn nữa, thay vào bằng cái cầu gỗ, vì cái rạch nay là con kênh đào. Gần đến nhà ông cậu với thằng cháu, như ông đã mường tượng từ trước, qua những người thân thuật lại sau những lần thăm nhà. Để ông chẳng thấy bồi hồi với cảm xúc, mà chỉ thấy trống vắng, như đánh mất một cái gì để chẳng bao giờ tìm lại được. Hỏi là gì, ông cũng chỉ cảm nhận u hòai xa vắng. Ông dự trù theo thằng cháu ra mả đồng làng thăm mộ phần ông bà, tạt qua nhà từ đường cũng là ngôi đền của gia tộc. Tiếp đến gặp họ hàng gần xa và thằng bạn cũ là xong chuyện. Chuyện ông về thăm nhà theo ông thì cũng chỉ có bấy nhiêu và không hơn.

Nhưng không có gì hiu hắt và thê lương bằng vào một cõi đi về, ông biết vậy, nên từ xa, ông đã cảm thấy lặng lờ và trống trải trong cánh đồng chiều. Để khi đến gần, ông cảm thấy bực bội vì có dăm ba ngôi mộ chung quanh mộ phần ông bà của ông mới được tô hồ vữa non, sơn vôi sống nhòe nhọet. Nhìn ngôi sao đỏ vẽ trên bia liệt sĩ của họ, chẳng phải dị ứng gì…Nhưng vì liệt sĩ với tử sĩ, ông lại nhớ đến vợ ông, bà cứ mè nheo sao lại chọn cái ngày đổi đời 30 tháng Tư này mà về, vội năm vội tháng chứ ai vội ngày. Mặc dù bà hay biết tháng này giá vé máy bay hạ nên với tiền già ông mới kham nổi. Mà vợ ông nghĩ đúng cũng nên, vì rằng từ đầu làng đến nhà thằng cháu ông bắt gặp cờ quạt với mưa sa trên mầu cờ đỏ hơi nhiều. Thế nhưng vợ ông đâu có hiểu cho rằng sông có khúc người có lúc, ông cậu ông ở cái tuổi chuối chín, cũng chỉ nay mai thôi và ông về thăm nhà với một công đôi chuyện là vậy. Ngay khi ở đất khách quê người, ông cũng vật vờ trong cái tuổi vào thu, nghĩ cho cùng thì mộ phần ông bà, không ngoài là cái gạch nối của cội nguồn, của lá rụng về cội là ông đây.

Vậy mà vừa thóang nhìn thấy ngôi mộ gia tộc, ông thấy có phần tươm tất và gọn gàng, làm như có bàn tay của ai đó chăm sóc qua cái lễ tảo mộ tháng ba vừa rồi. Hỏi thằng cháu thì nó láo ngáo là hình như có ông cụ nào ấy ăn nói trọ chẹ ngòai đền, tên tuổi gì nó cũng mù tịt. Quanh quẩn một lát, ông ghé thăm nhà thờ tộc Trịnh, nhân tiện ông cũng muốn cám ơn “ông cụ nào ấy” một tiếng cho phải nhẽ. Thằng cháu cũng vội về nhà để lo cơm nước, vì có một số họ hàng làng nước tới thăm…Ông không quên dặn thằng cháu làm gì thì làm nhưng cố kiếm cho ông bát tiết canh. Một phần vì từ tấm bé đến giờ, ông chưa khi nào ăn tiết canh lợn.

Một nhẽ nữa là trong đám “làng nước” đó, còn có thằng bạn cũ của ông tên Quy.

***

Vào nhà bái đường thờ tộc Trịnh mà thời cụ cố nội ông được dân làng gọi là đền vì thờ ông Thám Hoa thuộc chi hay phái gì đó trong gia tộc ông. Vừa thấy bài vị gia tiên của dòng họ, vừa cúi xuống tìm thẻ nhang, bỗng ông nghe có người từ sau lưng:

– Nhà bác họ Trịnh…

“Vâng…”. Quay lại, ông bắt gặp một cụ ông trong bộ cánh nâu, khuôn mặt thật đôn hậu. Về tuổi tác ắt hẳn là hơn ông cũng năm, sáu tuổi gì đó nên ông gọi là “Cụ”. Cụ ông nói gọi “ông” được rồi. Tiếp là lẫn đẫn với tên họ, cụ ông điềm đạm:

– Tôi họ Nguyễn.

Và hỏi tiếp:

– Vậy chứ quê quán nhà bác đây ở đâu ta.

Mải nhìn cái bát nhang mốc meo cũng đến mấy đời, ông đáp:

– Thưa…Làng Ngọc….

Không để ông hết lời, cụ ông xóng vả ngay:

– À ra thế đấy, làng Ngọc Động, biết ngay mà.

Thế là ông được dẫn sang nhà trung đường để hỏi thăm người này người kia, kể chuyện trong làng ngoài xã. Chuyện qua lại một lát thì hóa ra cụ ông là…ông từ, người huyện Bình Lục. Được thể trong đầu ông cứ lây lất với ông từ ở cái tuổi xế chiều, lại họ Nguyễn, khi không bỏ làng bỏ quê về cái đền của họ Trịnh này để làm ông từ…quét lá đa. Nên ông hỏi cho có chuyện?

Ông Từ đắn đo, suy nghĩ rồi chậm rãi với vật đổi sao rời:

– Tôi với nhà bác cùng một gốc gác…Xưa kia Nguyễn Kim gả con gái cho Trịnh Kiểm. Các cụ theo thói lạt mềm buộc chặt, sau có một số họ Trịnh kết nghĩa phu thê với họ Nguyễn. Rồi xẩy ra chiến tranh Nam Bắc, để tránh xáo trộn, cả hai họ gồng gánh về đất này, người ghé Ngọc Động, kẻ chọn Bình Lục là thế đấy…

Nhấp ngụm trà thấm giọng, ông Từ tiếp:

– Họ Trịnh chỉ có hai chữ như Trịnh Bồng, Trịng Sâm…. Trôi sông lạc chợ đến đây, mới mượn tên làng gốc gác làm chữ đệm, con người dính liền với đất quê là vậy.

Rồi ông Từ nhướng mắt thăm dò:

– Hỏi khí không phải, họ đệm nhà bác là Ngọc. Trịnh Ngọc…

Ông nào có biết gì hơn chuyện ông ăn mày làng Ngọc Động đỗ Thám Hoa. Chuyện này quàng qua chuyện kia thì lưu lạc qua xứ người, từ đất Kim Bảng, ấy vậy mà ông cũng lưỡng quốc cử nhân như ai, xênh xang với mũ giây áo thụng. Hóa ra lời nguyền của ông Thám Hoa dường như đúng với ông thì phải.

Nên ông đành ậm ừ và cười cười:

– Dạ, thưa vâng.

Thấy ông cười, ông Từ cũng cười theo với miệng nở hoa. Tay với cái bát điếu, tay chỉ cái tấm giấy bồi treo sô lệch trên tường với dăm hàng chữ thảo còn mới, nét viết còn thô vụng, nhưng cụ vồn vã với âm giọng đầy tự hào:

– Thơ cụ Nguyễn Khuyến đấy, tôi cùng huyện Bình Lục với cụ.

Vừa vân vê bi thuốc lào, ông Từ vừa xuống giọng ngâm nga: “Non nước đầy vơi có biết không”. Vừa cười đấy, bỗng ông Từ thừ ra bâng quơ: “Tất cả chỉ vì con sông Gianh, hợp rồi tan, như một cái nghiệp”. Vừa nhả khói, giọng trầm trầm: “Vận nước muôn đời là vậy, để rồi tan lại hợp”. Ngừng lại một chút, như nói cho riêng mình: “Đất nước mình chẳng may chỉ phát triển được bề dài, nên lòng người cần phải rộng đủ để giữ được cái đạo quân bình, có thế mới mong giữ được sự vững bền”. Chưa nắm bắt hết ý, nhưng ông cũng chỉ nghĩ ông Từ như con ve sầu nằm trong cái kén, ẩn mình sâu dưới lòng đất, chỉ đợi một mùa hè nào đó để râm rả với những chuyện xưa và nay. Xưa thì có con sông Gianh cùng Đàng Trong, Đàng Ngòai. Nay thì có dòng Bến Hải cùng kẻ Bắc người Nam. Thế nhưng ông Từ chỉ có dòng sông rộng, nhưng lại thiếu bề dài. So với ông, ông có cả một đại dương bao la cách biệt giữa người trong nước, người ngòai nước, cùng mang nặng một quá khứ đổ vỡ với những phân hóa hạn hẹp. Trách móc nhau cho lắm thì cũng chỉ tốn giấy mực, trăm tội chẳng qua cũng chỉ vì ở cái vận nước, ở cái lòng người, cuối cùng thì ông cũng đã đi hết biển, nay cũng vừa hết đất. Mà có đi hết đất thì cũng quay trở về quê nhà như ông đấy thôi…

***

Đang lan man chuyện non nước mình cũng vừa lúc thằng cháu chạy sang nói ông Trưởng gọi về để “làm việc”. Quái, giờ này còn làm việc gì nữa đây, ông nhủ thầm vậy, nhưng đóan chừng là thằng Quy. Ông nhướng mắt ngầm hỏi, ông Từ ngậm tăm một lát rồi đon đả: “Để tôi đi với nhà bác”. Trên đường thả bộ qua nhà thằng cháu, ông Từ râm ran: “Trưởng sở gì nó! Nó bị cho về vườn từ lâu rồi. Bây giờ nó như nhà bác, như tôi vậy thôi”. Nghe vậy ông cảm thấy cũng vui vui vì cái thằng vẫn tính nào tật ấy, chỉ cái nước huyếch là không ai bằng. Ấy vậy mà vì hai chữ “làm việc”. Ông lại nhếch nhác lời vợ ông hú họa là khi không về thăm nhà vào cái ngày đứt phim, không chừng lại mang cái họa vào người đến rõ khổ. Nghe vậy, ông chỉ biết lươn khươn với vợ nhà là với thế sự thăng trầm quân mạc vấn, trước họ thế đó, giờ họ thế đấy với đổi mới tư duy này kia, kia nọ. Nói cho ngay trăm sự ở ông, ông không kể cho vợ ông chuyện cái tối năm nảo năm nào. Ông ngối thu lu trong góc tối của toa tầu, ánh đèn pin chiếu vào mặt ông, mặc dù lóa mắt. Nhưng đã bao năm rồi, ông vẫn giữ khuôn mặt thằng Quy, vẫn còn những nét rất người. Tất cả những hình ảnh ấy, ông gói ghém trong cái rương kỷ niệm đã bao năm và một lát nữa đây, cả hai sẽ mặc sức moi móc lại những ngày xưa tháng cũ như…cái cầu ao chẳng hạn. Như một thói quen trong mấy ngày nay, bỗng ông thò tay vào túi mân mê hòn bi.

Hai bên vệ cỏ, thóang có những bóng người qua lại tay cầm que cờ đỏ sao vàng bằng giấy to bằng bàn tay, khuôn mặt họ thật bình thản, như không có chuyện gì sẩy ra sau khóm tre làng. Trên con đường đất khô nứt nẻ, thóang có ngọn gió heo may se lạnh, ngai ngái mùi cứt bò cứt trâu. Thêm tiếng guốc mộc của ông Từ lóc cóc từng tiếng một ròn rã như tiếng trống cơm, trống ếch của mấy chú nhi đồng ngòai phố chợ đêm nảo đêm nào…Với những hân hoan rộn ràng mãi tận từ đẩu từ đâu kéo về…Nói cho ngay từ câu nói của ông Từ: “Nó bị cho về vườn từ lâu rồi…”. Hốt nhiên, ông hình dung đến nó cũng như ông có khối chuyện để nói…Như tối nay chẳng hạn, ngủ lại nhà ông cậu, hai thằng sẽ gác chân lên nhau để tha hồ chuyện nổ như gạo rang, chuyện dai như giẻ rách, chuyện đổ bốn chân giường, chuyện long ba bức vách.. Và mai này có khối thì giờ đi đây đi đó…Ông sẽ bảo nó dẫn ông đi thăm thắng tích với lăng này đền nọ, động ấy, hang kia ở Ninh Bình, ở Hoa Lư. Trong những giây phút lắng đọng của một buổi chiều tàn, ông như trẻ ra như nó qua tiếng trống cơm, trống ếch…Để bỗng khi không ông cất tiếng âm ử vừa đủ cho mình ông nghe: “Khi đất nước tôi không còn giết nhau, trẻ con đi hát đồng dao ngòai đừơng, tôi sẽ đi thăm. Tôi sẽ đi thăm…”.

Từ đằng xa ông đã nom thấy nó đứng đợi ở trước cửa tự lúc nào, không phải thằng Quy ngày xưa đeo băng đỏ với trái lựu đạn nội hóa. Mà là thằng Quy của hôm nay với dáng dấp có vẻ bồn chồn, mặt đăm đăm ngắm mấy con con gà con đang kiếm mồi bên hàng hiên để giết thì giờ. Như đang chờ đợi, như đang trông ngóng thì phải. Ông thóang nghĩ: “Ừ nhẩy, ít nhất cũng phải như vậy chứ”. Chứ chỉ với hai chữ “Ừ nhẩy” không thôi của cái tuổi ấu thời, cũng trên dưới năm mươi năm rồi, ông chưa một lần được nghe lại. Và ông nôn nao rảo bước đến gần hơn trong những lao xao thì…thì cùng vừa lúc nó ngửng đầu và đưa tay lên, không phải để…chào ông mà để vuốt tóc. Thật tình mà nói, nếu không có cái đầu húi cua, gặp nó ngòai đường, ông nhận nó không ra. Ông bước tới gần hơn nữa cho gần gũi, nó cúi xuống nhìn đàn gà con, làm như cả mấy chục năm không gặp lại nên vẫn còn ngại ngùng với một khoảng cách nào đó. Nào ông có hơn gì, vì trong đầu ông đang có những suy nghĩ vơ vẩn về những người kẹt lại năm 54, làm thế nào được khi mà ý thức hệ, thể chế và hai mươi năm chiến tranh đã để lại cho hai bên những cái nhìn phiến diện và lệch lạc giữa kẻ đi, người ở. Ông và nó, trong cuộc chiến chẳng có gì để mà chọn lựa, không đứng bên này thì cũng ở bên kia, và vô hình chung đành chịu trận giữa hai lằn đạn.

Ấy là ông vẩn vơ vậy thôi. Nó ngẩng đầu lên hỏi ông:

– Mới về.

Ông hơi khựng lại, thoáng nghe có phần hờ hững bằng vào câu “mới vê” gần như xa cách. Cùng lúc ấy, ông Từ cũng lễnh đễnh nhìn đàn gà…Nhóng mắt theo, ông bắt gặp hai chú gà con, một đen, một trắng đang dùng mỏ giành nhau xác con chuồn chuồn kim mầu đỏ. Qua đàn gà nhởn nhơ, cả một quá khứ của cái buổi thiếu thời như bỗng ẩn hiện qua bờ ao cũ: Nó lôi trong túi ra một hòn bi vừa tìm thấy trong bụng của con sề bị làm thịt. Ngồi xuống thành cầu ao, kỳ cọ, ngâm nga: “Giã ơn cái cọc…. Xong, nó lẳng lặng đưa cho tôi và gục găc cái đầu hỏi: “Ừ nhẩy…Đằng ấy có chén tiết canh lợn bao giờ chửa?.

Cùng quá khứ đẩy đưa, ông bước thêm một bước và rì rầm:

Giã ơn cái cọc cầu ao…

Rồi ông đưa đẩy chậm rãi với từng chữ của quá vãng: “Nửa đêm gà gáy…”. Tiếp, ông chờ đợi. Ông chờ đợi nó tiếp nối với: “…Có tao có mày”. Nhưng chỉ thấy nó lắc đầu cười nửa miệng:

– Cọc cạch gì, già rồi.

Vào trong nhà, ngó mâm cơm, nó quay sang ông Từ:

– Cũng biết ăn tiết canh cơ à?

Chưa ăn mà ông nghe như muốn nghẹn vì ông biết nó hỏi ông chứ không phải hỏi ông Từ. Ngồi xuống, không khí còn gượng gạo hơn nữa. Ông muốn nói chuyện với nó. Nói nhiều với nó, với…chuyện nổ như gạo rang. Nhưng mồm miệng ông cứ lấn cấn vì miếng tiết canh lợn gờn gợn ở kẽ răng nên không biết nói năng gì. Trong khi tay nó cầm cái quạt rình rình con ruồi đang là là bay và sắp sửa sà vào bát tiết canh.

Không ngẩng đầu lên, mắt vẫn nhìn con ruồi…Nó bâng quơ:

– Chúng ta bắt đầu làm việc.

– …

Muốn…“Ơ” một tiếng cũng không thành tiếng. Ông liếc mắt sang bên cạnh ngầm cầu cứu. Ông Từ đang ngó lên trần nhà đuổi bắt con ruồi vừa bay lên. Vẫn không nhìn ông và làm như không có ông ở đấy. Vẫn dán mắt vào bát tiết canh mặc dù không có con ruồi. Không ngẩng đầu lên, nó đủng đỉnh tiếp:

– Chúng ta bắt đầu làm việc thôi anh.

Vì ngồi xếp bằng trên chiếu cói, hòn bi trong túi quần cồm cộm làm như muốn nhắc ông hỏi nó về cái đêm trong toa xe hỏa ở Hải Dương. Ông chưa kịp hỏi để…vớt vát, thì… thì bất ngờ nó cất giọng lõng bõng như bát tiết canh bị lỏng chân:

– Anh về…một ngày nhưng mai cũng phải đăng ký tạm trú.

Cả chiếu ăn lặng như tờ, con ruồi không vo ve nữa vì vừa đậu xuống bát tiết canh đỏ ối. Đỏ đến nhức mắt. Làm như ngày có đám, nó không ăn cũng chẳng uống chỉ ngồi không. Bỗng có tiếng khua bát đũa lách cách của ai đó. Im ắng. Ắng lặng mươi giây. Có tiếng nhai nhóp nhép của ai đấy thật nhẹ, như cầm chừng, như chờ đợi…

Đột nhiên nó lấy quạt đập con ruồi cái chát và lụng bụng:

– Ngày mai là ngày vui của chúng tôi. Tôi nghĩ anh về Hà Nội thì hay hơn.

Và ông quên bẵng mất ngày mai là ngày trời sập…

***

Ông lẫn đẫn trông thấy, ngồi lâu cũng chướng. Làm như đi guốc vào bụng ông, ông Từ ghé tai nói nhỏ là về đền có chuyện muốn nói. Chiều tối, về lại phòng ông Từ nói chuyện vãn một hồi. Ông thấy ông Từ thay áo nâu sòng để sửa sọan tụng kinh…

Vào giường nhưng trằn trọc không ngủ được, ngòai trời đang mưa rơi rả rích. Lắng nghe tiếng mưa lả tả đập lên tàu lá chuối bên mái hiên…Chợt ông có ý nghĩ đến những người lớn tuổi như bạn bè ông, thường gần thì quên, xa thì nhớ. Ngược lại với ông, cũng chỉ cách đây mấy ngày ghé qua con ngõ Tạm Thương, Yên Thái. Vậy mà ông vẫn cảm thấy gần gũi với Hà Nội hơn là quê nhà…Hay là ông gắn bó nơi ấy ở cái tuổi mới lớn cùng tiếng rao hàng văng vẳng hơn là với những ngày bắt dế, thả diều, dường như đã chìm sâu trong quá khứ. Thóang nhớ đến bài thơ nào đó hợp với những vẩn vơ lúc này: “Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương – Ngõ bẩy thước mà lòng muôn dặm…”. Ông đang lòng muôn dặm với sương giăng mờ cùng những ngẫn ngẫn với “Mưa bay trắng lá rau tần – Thuyền ai nhạt khói xa dần bến mưa”. Ông đang xa dần bến mưa, về đây ông hụt hẫng chẳng tìm thấy gì, không ngòai mồ mả gia tiên, họ tộc. Vậy thôi. Để rồi ông nghĩ quẩn, trở lại nhà ông sẽ ngủ quên, ông sẽ cất quá khứ vào một ngăn kéo nào đó và khóa kín nó lại. Để chẳng bao giờ…

 

Cũng vừa lúc ngòai kia ngưng tiếng mõ, cùng những hòai cảm lênh đênh như bèo dạt mây trôi, ông nhỏm dây lần mò ra ngòai và kể cho ông Từ nghe những gì đang vất vưởng trong ngõ ngách của tấm khảm…Ông Từ đăm chiêu nhìn ông, chậm rãi:

– “Ai trước khi có hiện tại đều có quá khứ, quá khứ nhiều lúc muốn cửi bỏ nó không phải là dễ. Như chuyện con ốc nhỏ sống cô quạnh trong một vũng đầm lầy với chuỗi tháng ngày, cứ day dứt nó mãi. Cứ mỗi một ngày, trả một ngày cho quá khứ, quá khứ vì thế chồng chất nặng nề trên lưng con ốc. Một hôm nó nhất định mang quá khứ đi chôn, nó nghĩ chỉ có thế mới có được những nhẹ nhàng thanh thản. Khi con ốc chở quá khứ đến mé đường, bên kia là nghĩa địa, nó thấy băng qua bên kia không phải là dễ. Dòng xe như mắc cửi, không chừa một khỏang trống để chậm như nó có thể vượt qua. Cuối cùng con ốc tự thấy rằng, nó sẽ bị bánh xe nghiền nát trước khi đào được cái lỗ. Vì thế nó đành cõng quá khứ trở về nơi đầm lầy nước đọng xưa kia, nó cũng thầm nhủ là suốt quãng đời còn lại, đành lẩn quẩn ôm những quá khứ của riêng mình và chờ…chết”.

Kể xong, ông Từ điểm nhẹ dùi gỗ vào cái chuông một tiếng:

– Coong…

Đứng dậy, ra đằng góc phòng để uống trà, ông Từ với trên kệ đưa ông quyển Con ngựa già của chúa Trịnh. Bây giờ ông hiểu cớ sự ông Từ kéo ông về đền để…nói chuyện. Nhưng ông không hiểu ông Từ muốn gửi gấm gì qua quyển sách của Phùng Cung. Ông chưa đọc vội vì còn đang bận ngắm trên mặt bàn, ngổn ngang những bức tượng bằng đất sét đang nặn dở dang với ông tướng, ông quan. Ngồi xuống, ông Từ tẩn mẩn cấu véo, đắp tượng này vá tượng kia. Ông thầm nhủ bằng cái tuổi này rồi mà ông Từ còn rị mọ với mấy thứ như con giống này, giống như ông khi trước nhồi nặn mấy cái nồi đất rồi đập vào tường một cái “bẹt”.

Ông đắn đo rồi cũng hỏi, ông Từ không trả lời ngay, lơ đãng trầm ngâm đọc nho nhỏ hai câu thơ: Có những kẻ không yêu người đang sống – Mà yêu người đã chết tự nghìn xưa. Xong, ông Từ chỉ vào mấy bức tượng, say mê giảng giải, này là sứ quân Trần Minh Công chiếm Bố Hải, kia là Nguyễn Thủ Tiệp chấn Tiên Du, nọ là Đỗ Cảnh Thạc giữ sông Đỗ Đậu. Tiếp, ông Từ xuống giọng: “Đánh nhau mãi không xong rồi hợp nhất, rồi để phân hóa”…Và thở ra: “Đến như Hà Nam, Ninh Bình đất cũ của nhà Đinh, xưa cắt ra, nay ghép lại là Hà Nam Ninh. Vá víu như bức dư đồ rách, đất đai còn như vậy huống chi lòng người”.

Vào đến giường, giọng ông Từ vẫn đều đều như nói chuyện với khỏang không qua chuyện thế chiến quốc thế xuân thu cùng thời thời thế thế thời phải thế…Ông thiếp đi lúc nào không hay, văng vẳng bên tai tiếng ông Từ chép miệng: “Cứ như phường mù dở ấy…Được như mấy ông tượng câm điếc này, thế mà đâm ra lại hóa hay….”. Bỗng có tiếng con thạch sùng trên trần nhà tặc lưỡi bâng quơ một cái “tách” trong đêm vắng…

Như ông Từ vừa chép miệng vậy.

***

Chẳng cần ai nói, ông cũng hay biết được một điều, không ai về tắm lại hai lần cùng một dòng sông. Với ông, cũng tùy theo một nắng hai mưa, vì vừa bước ra khỏi cửa đền, mới chỉ qua một đêm không thôi cũng đã thấy đổi thay với sau cơn mưa trời lại sáng. Ông mường tượng trên đường về lại Hà Nam, dọc theo sông nước đất quê ông vẫn bình di và an phận như ngày nào với bên đồng, bến bãi. Tuy nhiên cũng không thể không có những bến đục, bến trong. Lúc này đây với ông, chỉ là lẽ tất nhiên của trời đất với bên bồi, bên lở, với ba trăm năm sông mới đổi dòng một lần.

Từ đầu làng, xe chạy một quãng ngắn, ông quay lại thấy ông Từ trong bộ áo nâu sòng, đứng lặng lẽ trên cầu gỗ, vật vờ trong nắng hanh vàng lặng gió. Rời khỏi làng, ông không thấy lạc lõng như hôm qua, lúc này ông cảm thấy gần gũi, thân quen từng đụn rơm, từng ụ rạ bên đường. Qua cầu Quế, nhìn xuống con sông Đáy với bến bãi, sau cơn giông hồi đêm ngập đầy nước trong lành với những chiếc thuyền thúng bồng bềnh như mời gọi…

Như mời goi…Như thấy thiếu vắng một cái gì, ông thò tay vào túi quần mần mò tìm kiếm, ông nhón tay vân vê để tiếc nuối.

Nhưng hòn bi không còn nằm trong túi quần ông nữa…

Trúc gia trang

Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

 

 

©T.Vấn 2015

 

 

 

 

Phụ đính:

Hà Nam – Ninh Bình

Hà Nam:

 

Vì bài viết liên quan đến Ninh Bình, nên lấy thời Thập Nhị Sứ Quân làm cái mốc thời gian, con sông có tên cổ xưa là Đỗ Động (nay là sông Đáy) chẩy từ Sơn Tây qua Hà Đông qua cửa Căn, tới châu Ái (Thanh Hóa). Phía nam sông Đỗ Động là châu Đại Hòang (Ninh Bình) thuộc Đinh Bộ Lĩnh, và phía bắc là Kỳ Bố Hải Khẩu (Thái Bình) thuộc sứ quân Trần Lãm. Hình dung đất đai của nhà Đinh thời này, trải rộng từ biển đông, dọc theo bp+` sông Đỗ Động và ngừng lại ở Hòa Bình, 600 năm trước còn thuộc Ai Lao với một cái tên khác là Lão Qua.

 

Nước Nam ta xưa kia được chia làm 4 trấn là trấn Kinh Bắc (gồm Bắc Ninh, Bắc Giang), trấn Sơn Tây, trấn Hải Dương và trấn Sơn Nam. Sau đời Lý, trấn Sơn Nam được coi là đất dựng nghiệp của nhà Trần ở vùng hai bên bờ sông Đáy được chia làm hai trấn nhỏ khác nữa là Trấn Sơn Nam Thượng (Hưng Yên), Trấn Sơn Nam Hạ (Thái Bình). Riêng trấn Sơn Nam, đến đời vua Gia Long thì được đổi tên là Nam Định.

Nam Định là một phần đất châu Đại Hòang cũ của Đinh Bộ Lĩnh, phần còn lại nay là Ninh Bình. Nằm giữa ba trấn Sơn Nam có một làng nhỏ là làng Lý Nhân, sau phát triển rộng lớn để thành phủ Lý Nhân. Hà Nam là tên mới, tỉnh được thành lập năm 1890, thời cụ cụ Nguyễn Khuyến 1835-1909.

Nếu sau thì có thể vào thời kỳ người Pháp đô hộ, theo một số người lớn tuổi kể lại thì ngay từ những ngày đầu, người Pháp lập một căn cứ quân sự tai đây để kiểm sóat ba tỉnh chung quanh là Hưng Yên, Thái Bình và Nam Định. Và họ nghĩ rằng, khỏang thời gian nào không rõ, người Pháp đã đổi “phủ” Lý Nhân thành “tỉnh” Hà Nam. Vì với ba chữ “phủ Lý Nhân”, khi không mất chữ “Nhân” để còn lại cái tên Phủ Lý ngày nay. Vua quan ta xưa kia không làm như vậy, nhất là với tên làng nước, có thêm chứ không có bớt. Nhất là người trọng chữ Nho như vua Minh Mạng.

Trong nhữnh lúc trà dư tửu hậu, nếu có người nói: “Tôi ở Nam Định” thì người nghe cũng nên ngầm hiểu rằng đằng sau, họ muốn níu kéo một thuở hòang kim với làng Hành Thiện, chợ Viềng của trấn Sơn Nam. Dân cư sông Đáy ở phía trên thì có khác, nếu được hỏi về thổ ngơi trú quán, gần như họ luôn luôn thản nhiên, dung dị với câu: “Tôi người…Phủ Lý”. Hàm chứa một chút nào hòai cổ về một cái tên bình thường để…chẳng có gì để mà nói.

Hoặc giả nói một cách khác, nằm trong tâm thức tự trăm năm, họ gắn chặt với cái

địa danh “phủ Lý Nhân”, mặc dù chữ nhân rơi rớt, nhưng người Phủ Lý vẫn còn và gần như họ vô tình quên đi cái tên mới là…Hà Nam.

Ninh Bình

 

Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước, lên làm vua vào năm 968, lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt, tự xưng đế là Đại Thắng Vương Hòang Đế. Ngài chọn quê mẹ là Đàm thôn để lập kinh đô, nhưng vì thế đất hẹp, sau nghe lời khuyên của cận tướng Lê Hòan nên đóng đô ở Hoa Lư. Năm 978, sứ thần Trung Hoa tên Song Hào qua thăm thành này và viết trong ký sự như sau: “Ngòai vòng thành không có dân chúng, chỉ có vài ngàn nhà tranh dùng làm trại lính. Trong thành có nhiều cung điện nhỏ và một tháp canh cao bằng gỗ để quan sát. Thành trông giản dị và không được hùng vĩ lắm”/

 

Ngài mất, con là Đinh Liễn còn nhỏ, vừa lúc quân nhà Tống xâm lăng nước ta, nên triều đình tôn Lê Hòan lên làm vua. Tức Vua Lê Đại Hành, khởi nghiệp cho nhà Tiền Lê. Năm 982, vua thân chinh đi dánh Chiêm Thành, bắt sống được nhiều tù binh mang về tu bổ lại thành Hoa Lư. Trong đó có một thầy tăng người Thiên Trúc (Tây Tạng) nên biểu tượng Phật giáo phát hiện qua những viên gạch trạm nổi hình bông sen. Còn có 100 cột đá khắc kinh Phật gọi là Kinh Tràng hoặc kinh Lăng Nghiêm khắc trên trụ đá 8 cạnh, cao 3 thước từ đời vua Lê Đại Hành thứ 16. Vì vậy có thể nói, Phật giáo có mặt ở nước ta vào thời kỳ này với thiền sư Khuông Việt và vào năm Thiên Phúc thứ 8 với Vua Lê Đại Hành, sau khi đánh đuổi nhà Tống, sứ giả đầu tiên nước ta qua Trung Hoa cầu hòa, ấy cũng là Thiền sư Đỗ Thuận.

Đạo Phật hưng thịnh qua đời Lý, đời Trần, có thịnh có suy, ngay bên cạnh là Thanh Hóa, đất khởi nghiệp của nhà Nguyễn với Nho học đang lên. Nói một cách khác, hai mảnh đất Nho học (Thanh Hóa) và Phật pháp (Ninh Bình) vô hình chung lại năm sát bên nhau. Cũng chính khỏang thời gian này, để quay về một thuở hòang kim, người Hoa Lư lập những đền chùa thờ những vị vua nhà Lý, nhà Trần có công gây dựng Phật giáo như Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông..

Theo Đại Nam nhất thống chí: Trấn Thanh Hoa (sau vì ký húy với mẹ vua Thiệu Trị tên Hoa nên đổi ra là Thanh Hóa) chia làm hai là trấn Thanh Hoa ngọai (Thừa Thiên) và đất Hoa Lư trấn Thanh Hoa nội. Năm 1806, Gia Long thứ 5 đổi là đạo Ninh Bình. Năm 1829, Minh Mạng thứ 10 gọi là trấn Ninh Bình. Sang đến năm 1831, Minh Mạng thứ 12, với tên là tỉnh Ninh Bình…

Năm 1989 mới đây, Hà Nam và Ninh Bình, cả hai một lần nữa lại thay áo đổi tên, nay chỉ là thị xã thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Cả hai địa danh có nhiều thắng tích với lăng này đền nọ, động ấy hang kia. Nhưng không đâu nói lên bằng câu ca dao mộc mạc với đất lề quê thói, như ở dưới đây:

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng

Ước gì anh lấy được nàng

Hà Nội, Nam Định dọn đàng đưa dâu

Hưng Yên quạt nước hỏa lò

Thái Bình thời phải giã giò, gói nem

Ninh Bình trải chiếu bưng mâm

Hải Dương vót đũa, Hà Nam đúc nồi

( Bài viết được góp nhặt qua Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Khắc Ngữ, Phan

Lạc Tiếp, Vũ Bằng, Nga Sơn, Đỗ Thúc Vịnh và Quan Dương).

Bài Mới Nhất
Search