T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Tình như lá uá

clip_image002

Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

Tôi và Bích Uyên yêu nhau từ lúc Uyên vừa tốt nghiệp trung học và tôi là anh thiếu úy trẻ măng trong binh chủng không quân. Tuy không phải là một cô gái xinh đẹp lộng lẫy nhưng Bích Uyên rất hiền hậu và dễ thương. Ngày đầu tiên đưa Bích Uyên về nhà để ba mẹ và các anh chị của tôi “chấm điểm”, mọi người đều hài lòng và thúc giục tôi phải “rước nàng về dinh” ngay lập tức kẻo có người dòm ngó, phỗng tay trên. Tôi cười với vẻ tự tin khi bảo rằng Bích Uyên là một cô gái chung tình và đoan trang, nên dù thế nào tôi cũng không sợ Bích Uyên thay lòng đổi dạ. Tuy vậy, tôi cũng nghe lời ba mẹ tổ chức đám cưới vào tháng hai năm bảy mươi lăm.

Chỉ có với nhau vỏn vẹn chín mươi tám ngày hạnh phúc thì tôi đã khăn gói vào trại cải tạo khi đất nước thân yêu sa vào tay bọn giặc đỏ. Lúc ấy, Bích Uyên đã mang thai được hai tháng. Trong ngục tù, tôi sống với tâm trạng thấp thỏm, lo âu khi Bích Uyên còn quá trẻ mà tôi thì lại mang thân phận kẻ bại trại với một tương lai mịt mù, đen tối. Trải qua hai mươi tháng cùng cực khốn khổ trong cuộc sống đọa đày tôi mới được gia đình thăm viếng. Đó cũng là ngày tôi nhận được tin Bích Uyên đã mang đứa con trai đầu lòng của tôi theo người anh cả đi vượt biên. Mặt đất dưới chân tôi như chẻ đôi trong cảm giác hụt hẫng, bàng hoàng. Trời ơi! tôi đã chờ đợi, nôn nóng biết bao ngày với mong ước được nhìn lại khuôn mặt, vóc dáng của người vợ yêu quý mà tôi vẫn ngày đêm xao xiết nhớ thương. Vậy mà… giờ đây… Mẹ tôi nói trong dòng nước mắt tuôn trào:

“Ba má vợ con muốn Bích Uyên mang thằng cháu nội của mẹ đi. Mẹ thương nó đứt ruột nhưng biết làm sao khi nghĩ đến tương lai của thằng nhỏ. Nếu ở đây, mai này lớn lên nó sẽ thiệt thòi vì lý lịch “cha là lính ngụy”. Có bức thư của Bích Uyên giấu dưới đáy giỏ, con đọc đi rồi sẽ hiểu. Thôi thì… thời thế, thế thời phải thế, con đừng quá đau buồn. Dẫu sao, cũng còn ba mẹ và các anh chị lúc nào cũng thương yêu và lo lắng cho con”.

Như một người hoàn toàn mất cảm giác, tôi ngồi đó, sát cạnh mẹ nhưng không nghe bà nói gì. Tôi cũng chẳng buồn hỏi han những người thân trong gia đình xem họ sống ra sao. Trong đầu tôi cứ lảng vảng tiếng kêu gào của chính mình “Bích Uyên ơi! sao em đành lòng?”… cứ như thế trong một tiếng đồng hồ nặng nề trôi qua. Khi mẹ đứng lên từ giã, tôi mới bật lên câu hỏi thẫn thờ:

“Sao Bích Uyên bỏ con hả mẹ?”

Mẹ ôm đầu tôi, nghẹn ngào lau nước mắt:

“Bích Uyên không bỏ con.. nhưng bắt buộc phải đi vì tương lai của con trai con”.

Tôi trở vào trại, lòng tan nát với câu hỏi đã lặp đi, lặp lại hàng chục lần “Tại sao? Tại sao…?”. Nửa khuya, tôi chồm sang người bạn thân nằm cạnh bên – đã bị vợ bỏ ngay tháng đầu tiên khi vừa vào trại tập trung để theo một tên cán bộ cao cấp- chỉ để lặp lại câu hỏi không lời giải đáp. Với tiếng cười chua chát, anh nói với tôi mà như nói với chính anh:

“Thì tại… từ giờ phút này mình là một thằng trắng tay, “trắng cuộc tình buồn trắng cả tương lai”.

Sự thật phũ phàng đến thế sao? Tôi ngã rạp trên giường bệnh gần ba tuần lễ. Lá thư của Bích Uyên được cất vào một nơi kín đáo nhất và tôi chẳng bao giờ mở ra vì không muốn đọc những lời an ủi, trần tình của một người đã ra đi về miền đất hứa, bỏ lại sau lưng người chồng đầu ấp, tay gối và một tình yêu chưa tròn thời gian trăng mật.

Trong suốt sáu năm miệt mài từ trại tù này đến trại tù khác ở những địa danh xa lạ từ Nam ra Bắc, tôi được các chị thay phiên nhau thăm viếng bằng tiền tiếp tếcủa Bích Uyên. Qua tin tức gia đình tôi được biết Bích Uyên hiện ở Mỹ và đứa con trai kháu khỉnh của tôi đã được năm tuổi, giống tôi y hệt. Bích Uyên nhắn nhủ tôi hãy cố gắng “học tập” sao cho sớm được thả về để còn tìm đường đoàn tụ với vợ con và hứa hẹn dù bao lâu vẫn một lòng chờ đợi. Tôi vừa vui mừng, vừa lo lắng trong tâm trạng hoang mang, chỉ sợ một ngày nào đó lại được tin vợ mình đã về với người khác. Chuyện đời… nào ai biết được đoạn cuối của một cuộc tình!!!

Nhưng số phận tôi vẫn còn may mắn nên khi chỉ một tuần sau khi rời khỏi trại tập trung, với số tiền sẵn có do Bích Uyên gửi về tôi đã có mặt trên chiếc tàu vượt biên của người chú họ. Chuyến đi thật suôn sẻ đưa tôi đến trại tỵ nạn Bidong để tám tháng sau tôi được lên đường sang Mỹ đoàn tụ với vợ con.

Không bút mực nào tả hết nỗi vui mừng của tôi khi được ôm xiết lấy người vợ thân yêu và đứa con trai mà tôi chưa hề thấy mặt kể từ ngày nó chào đời. Tôi choáng ngợp trong niềm hạnh phúc mà từ lâu tôi không dám tin mình sẽ có được. Sau một tháng nghỉ ngơi, Bích Uyên khuyên tôi nên cố gắng đi học và Uyên vẫn tiếp tục cáng đáng mọi chi phí trong gia đình cũng như số tiền hàng tháng gửi về để chăm lo cuộc sống của ba mẹ tôi. Bích Uyên quả thật là một nàng dâu thảo khi đã thay chồng chu toàn nhiệm vụ làm con và xứng đáng là một người vợ hiền lúc nào cũng tận tụy lo lắng cho tương lai của chồng không một tiếng than vãn. Uyên cũng không ỷ thế mình là người đến trước đã hòa nhập dễ dàng với cuộc sống mới của đất nước văn minh này mà xem thường tôi. Vì thế, tôi vẫn được đặt đúng vị trí của người chồng trong gia đình Việt Nam. Tôi rất sung sướng và hãnh diện khi được mọi người tấm tắc khen ngợi tôi là người đàn ông diễm phúc nhất trên cõi đời vốn nhiều đổi thay và bạc bẽo.

Sau sáu năm miệt mài đèn sách tôi đã tốt nghiệp với mảnh bằng kỹ sư và tìm được công việc làm tốt đẹp. Một buổi chiều mưa tầm tả, trên đường từ sở làm trở về nhà tôi bị một tai nạn thảm khốc. Phải chi lúc đó tôi chết đi thì tốt biết mấy, đằng này tôi vẫn còn sống và sống bằng một thân thể tật nguyền với nỗi đớn đau vô tận vì một bất hạnh oan nghiệt. Sau hai tuần lễ mê man trên giường bệnh, khi tỉnh dậy tôi mới biết đôi chân và cánh tay phải của mình hoàn toàn bất động. Cả thế giới như sụp đổ trước mặt, tôi bật khóc như một đứa trẻ thơ.

Sau ba tháng nằm bệnh viện tôi trở về nhà với một tinh thần suy sụp, không chút niềm tin đối với cuộc đời. Càng nhìn thấy sự chăm lo, chìu chuộng của Bích Uyên, mặc cảm mình là gánh nặng của vợ càng đè nặng trong tâm hồn tôi. Những đớn đau của thể xác, những tổn thương của tinh thần -với ý nghĩ, người chung quanh, kể cả vợ con, luôn nhìn mình bằng cặp mắt thương hại- cùng những oán giận về sự bất công mà thượng đế đã dành cho tôi tạo nên một sự bất ổn tâm lý. Vì thế, tôi trở thành một con người bất bình thường. Tôi đã dùng những lời nói cộc lốc, thái độ hằn học để đáp lại những săn sóc chu đáo, ngọt ngào mà Bích Uyên đã dành cho tôi. Với bản tính kiên nhẫn, dịu dàng, Bích Uyên không hề tỏ ý buồn phiền đối với những cơn giận rất vô lý của tôi mà luôn dành thời gian để chuyện trò và gần gũi tôi bằng cách kể lể mọi chuyện vui buồn xảy ra hàng ngày cốt ý để tôi vui. Nhưng làm sao có thể vui được khi tôi luôn mang trong lòng nỗi bực tức vì những bất hạnh của mình, nếu không muốn nói là hạnh phúc và niềm vui của những người khỏe mạnh, toàn vẹn ở chung quanh như một mũi tên xoáy vào nỗi đau của tôi từng giây, từng phút.

Đôi lúc tôi lại nghĩ, tại sao người hứng chịu tai họa không là Bích Uyên -tôi độc ác và nhẫn tâm như thế đó!. Bởi vì, dù sao tôi cũng là chồng, tôi có phải đi làm để nuôi vợ con suốt cuộc đời âu đó cũng là chuyện hợp lý. Nhưng thực tế đã đảo ngược. Là một đấng nam nhi mà tôi phải ngồi nhà để vợ ngày đêm vất vả đi làm kiếm tiền, rồi mọi thứ, từ chuyện ăn uống đến chuyện vệ sinh bình thường cũng phải nhờ vào vợ thì còn gì tủi hổ cho bằng. Tôi oán trách số phận và trút tất cả nỗi bực dọc của tôi lên người vợ hiền lành, chung thủy.

Kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn khi phải mất đi một đầu lương khá cao của tôi, nên mọi chi phí trong gia đình đều phải thu hẹp lại. Đó cũng là lý do mà Châu, anh bạn thân nhiều năm của chúng tôi thường đến để giúp sửa chữa những vật dụng trong nhà bị hư hỏng, như xiết lại cái vòi đang bị rỉ nước, thay bóng đèn hoặc đóng vài vạt hàng rào bị ngã sau cơn giông gió…

Lâu nay, tôi vẫn nói với mọi người rằng anh Châu là người tốt, sống với bạn bè có tình có nghĩa, lại thêm tính tình vui vẻ dễ thương. Vậy mà từ khi anh lui tới thường xuyên, bỗng dưng tôi cảm thấy khó chịu, bực bội khi nghe anh nói, nhìn anh cười. Bích Uyên không biết, anh Châu cũng chẳng ngờ tôi thường nổi giận bất thường mỗi khi nhìn anh và Bích Uyên chuyện trò thoải mái, hay ruột gan tôi quặn thắt khi thấy Bích Uyên rót một ly nước mời tận tay anh Châu. Tôi không có lý do gì để bắt bẻ Bích Uyên về hành động này khi cả hai tiếng đồng hồ liền anh Châu leo lên mái nhà để sửa chỗ bị dột giữa buổi trưa hè nóng hừng hực. Tôi chỉ oán trách mình sao không lành lặn như mọi người để tự tay làm công việc ấy mà chẳng phải nhờ cậy ai.

Rồi một hôm anh Châu đến đưa tôi đi bác sĩ vì ngày đó trong hãng đang kiểm kê hàng hóa, Bích Uyên không xin phép nghỉ được. Suốt đoạn đường từ nhà đến phòng mạch bác sĩ, tôi cứ giữ khuôn mặt lầm lì. Anh Châu vẫn vô tình cười nói huyên thuyên. Trong câu chuyện, anh thường nhắc đến Bích Uyên và nói rằng tôi có phúc lớn mới gặp được người vợ tốt và mong ước tôi sẽ giữ mãi hạnh gia đình mà tôi đang có. Nỗi ghen tức trong tôi bùng dậy. Tôi quyết đoán, anh Châu có tình ý với Uyên nên mới hết lời ca tụng, ngợi khen. Còn lời khuyên nhủ đối với tôi có phải chăng là một thách thức ngấm ngầm?

Đưa tôi về đến nhà anh còn lẩn quẩn để sửa lại ổ khóa cửa mà theo suy nghĩ của tôi là anh cố ý chần chờ để gặp Bích Uyên. Tôi cố nén lòng để “bắt quả tang”. Khi Bích Uyên bước vào nhà với hai bao thức ăn nặng trĩu trên tay, anh Châu chạy đến đón lấy và ân cần nhắc nhở -lời nhắc nhở như ẩn chứa sự xót xa:

-Lần sau chị phải chia ra từng bao, chứ xách nặng thế này có ngày bị trặc tay thì khổ.

Bích Uyên vừa cởi áo khoác, vừa cười:

-Anh không biết tôi đã thành “superwoman” từ lâu rồi sao?

Từ lâu! Từ lâu là từ lúc nào? Có phải từ lúc tôi trở thành người tàn phế không? Nỗi đau và cơn giận ứa lên tận cổ khi tôi nghĩ rằng hai người cố tình đùa cợt trên sự đau khổ tôi. Không cần lịch sự, tôi lớn tiếng:

-Tôi mệt quá cần yên tĩnh.

Anh Châu thản nhiên vói tay lấy chiếc chià khóa trên bàn rồi thân mật vỗ vai tôi:

-Tôi về, ông nằm nghỉ cho khỏe. Toa thuốc tôi để đây nghe chị Uyên.

Anh Châu vừa bước ra khỏi nhà, tôi nhẹ nhàng gọi Bích Uyên:

-Anh muốn nằm xuống sofa, em đỡ dùm anh.

Bích Uyên nhanh nhẫu bỏ cái hoa vải mà nàng định cột tóc lên bàn rồi chạy đến bên tôi, cúi xuống, đưa tay choàng ngang lưng tôi. Cố vận dụng hết sức lực vào cánh tay đang run rẩy, tôi đấm thẳng vào mặt Uyên. Mất thăng bằng, Bích Uyên ngã bật ra phía sau, va đầu vào chiếc bàn cạnh đó. Cũng vừa lúc anh Châu trở lại tìm chiếc nón bỏ quên. Anh chạy đến đỡ lấy Uyên, mắt không rời khỏi tôi, miệng liên tục hỏi:

-Chị làm sao vậy?

Dòng máu đỏ ối từ mũi Bích Uyên chảy trào ra làm tôi chợt tỉnh. Tôi nhìn anh Châu bằng đôi mắt thất thần trong cảm giác bàng hoàng vì hành động thô lỗ bất ngờ của mình. Anh Châu đỡ Uyên dậy và định gọi xe cứu thương, nhưng Bích Uyên nhất định ngăn cản. Nhìn khuôn mặt tái nhợt vì đau đớn Bích Uyên, tôi nghe lòng mình buốt đau trong nỗi ân hận. Tại sao tôi có thể nhẫn tâm đối với Uyên, người vợ đã vì tôi mà vất vả cực nhọc và phải liên tục hứng chịu những cơn điên bất chợt của tôi không một tiếng thở than. Đầu óc tôi trống lốc, trái tim tôi đóng băng. Tôi ngồi như thế suốt một tiếng đồng hồ cho đến khi anh Châu đón con trai tôi đi học về. Thằng bé chạy thẳng vào phòng mẹ, một lúc sau trở ra hỏi tôi:

-Mẹ bị té hở ba?

Tôi ấp úng, không dám nhìn thẳng vào mặt con:

-À!…à…

-Bác Châu nói mẹ đỡ ba qua ghế nhưng ba nặng quá nên bị té.

Thằng bé che miệng cười khúc khích:

-Bác Châu nói, may mà mẹ té trên bàn nếu không thì ba bị mẹ đè dẹp lép.

Tôi thẩn thờ trong tiếng cười vô tư của con:

-Bác Châu nói, từ bây giờ con phải tập làm người lớn để giúp mẹ và lo cho ba.

Bằng trực giác bén nhạy có lẽ anh Châu đã hiểu được nguyên nhân của sự việc và quyết định không đặt chân đến căn nhà này nữa nên mới dặn dò con tôi phải cố gắng làm những điều mà anh đã từng làm. Suốt đêm đó tôi ngồi đó lặng yên trong bóng đêm để bình tâm suy nghĩ những gì đã xảy ra. Có phải tôi thật hồ đồ khi nghi ngờ cho người bạn tốt và người vợ ngoan hiền của mình? Có phải tôi thật ích kỷ khi tự trầm mình trong nỗi bất hạnh để đày đọa chính mình và đày đọa cả người vợ khốn khổ của tôi.

Tôi muốn nói với anh Châu lời xin lỗi, nhưng từ ngày ấy anh không một lần trở lại. Tôi muốn bày tỏ với Bích Uyên nỗi ân hận của mình và hứa sẽ thay đổi cách suy nghĩ để cuộc sống gia đình được vui vẻ, hạnh phúc như những ngày tôi còn lành lặn. Nhưng cũng từ ngày ấy, Bích Uyên trở nên im lặng khác thường. Uyên vẫn chăm sóc, lo lắng cho tôi nhưng không còn nữa ánh mắt thiết tha, nụ cười âu yếm.

Tôi đã thả những giọt cuối cùng vào ly nước đầy tràn. Nên chưng, cũng từ ngày ấy tôi sống trong niềm hối tiếc triền miên []

Ngân Bình

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search