T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 74)

clip_image001

Từ điển văn học bộ mới

Vừa được phát hành đầu năm 2005, là tái bản của Từ Điển cùng tên, ra đời trước đây hai mươi năm và có nhiều thay đổi cái nhìn mới, tư duy mới, và cái mới nghiêm túc. Một ví dụ đánh dấu cởi mở, là đề mục Vũ Hoàng Chương. Bộ Mới đã xóa bỏ câu này:

” Tập thơ Hoa Đăng… phụ họa với bộ máy tâm lý chiến của Mỹ Ngụy. Từ chỗ sa dọa trong sinh hoạt, suy đồi trong nghệ thuật, Vũ Hoàng Chương rốt cuộc đã sa đọa cả trong chính trị”, cũng tập thơ ấy, ngày nay được cũng người viết ấy xem như là ” những bài bốc đồng, thiếu chín chắn về mặt chính trị của một người thực chất chỉ biết say, mộng và tràn ngâp một trời sầu” và soạn giả còn viết nhiều đoạn đề cao Vũ Hoàng Chương ” tài hoa, sang trọng… đã diễn tả thật thấm thía, nhức nhối tình cảnh và tâm trạng bơ vơ, lạc loài của những cái tôi không tìm thấy chỗ đứng và hướng đi…”

Soạn giả (Vũ Hạnh) lại tìm  được và trích một đoạn thơ dài ca ngợi cách mạng Tháng Tám, chói lói sao vàng hoa vĩ đại…Vũ Hoàng Chương thừa hưởng được một trang dài ngang phần với… Vũ Hạnh trấn ngay bên cạnh. Để đáp lại thịnh tình, tôi xin mách :

Vũ Hoàng Chương không sinh năm 1916 như đã ghi theo lý lịch, mà sinh nhằm ngày 1 tháng tư năm Ất Mão, tức là 15 tháng 5 năm 1915. Năm 1969 ông có làm bài thơ đùa, mừng mình lên 55 tuổi (ta), vượt Khổng Minh một niên !

Nhân nhắc đến Vũ Hạnh, xin mạn phép nhận xét: soạn giả danh mục này quá ư chăm chút cho thành tích cách mạng của đương sự, nên không còn mấy quan tâm đến sự nghiệp văn học, không biết gì đến những tác phẩm có lẽ là khá nhất của Vũ Hạnh, là các tập truyện Chất Ngọc, Mùa Xuân trên đỉnh Non Cao, và Bút Máu.

(Đặng Tiến – Chimviet.free.fr)

Chữ và nghĩa: Lái Thiêu

Tên Lái Thiêu bắt nguồn từ chuyện ông lái gốm họ Huỳnh đã thiêu nhà vì say rượu.

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

Chữ nghĩa làng văn IV

Văn chương là nghệ thuật ngôn ngữ. Căn bản nhất của ngôn ngữ là từ vựng. Nhà văn nào cũng cần có vốn từ vựng dồi dào và cần có khả năng chọn được những từ ngữ thích hợp, chính xác và độc đáo nhất để diễn tả những gì mình muốn nói. Chuyện đó hầu như ai cũng biết. Dù không phải ai cũng có thể làm được.

Nếu chữ là yếu tố căn bản của ngôn ngữ thì câu mới là yếu tố căn bản của văn chương. Chữ, trong văn chương, bao giờ cũng nằm trong một ngữ cảnh nhất định. Bởi vậy, không có chữ hay hay chữ dở, chữ thanh hay chữ tục, chữ cũ hay chữ mới: Chỉ có những chữ dùng đắc thế hay không mà thôi. Được dùng đắc thế, chữ sẽ không còn là những cái xác nằm bẹp dí trên trang sách, như chúng vốn nằm trong các cuốn từ điển, mà chúng trở thành những sinh vật biết ngọ nguậy hay biết nhảy múa, và người đọc nếu không ngạc nhiên một cách thích thú thì ít nhất cũng chú ý, từ đó, ghi nhớ.

Tài năng chính của một nhà văn, có thể nói, ở khả năng kiến tạo câu văn. Người lười chỉ viết được những câu văn tuy đúng ngữ pháp nhưng câu nào cũng giống câu nào, tất cả đều đầy đặn và bằng phẳng, hàng nối hàng suông đuột, cứ trôi tuột qua mắt người đọc, không để lại một ấn tượng gì cả. Người chịu khó, ngược lại, không ngừng thay đổi cấu trúc câu để mỗi câu có một cái dáng và một cái thế riêng; hoặc nếu không, cũng có một cái vẻ riêng, tuy nằm cạnh nhưng lại không lẫn với những câu khác, khiến người đọc, dù không cố tâm, vẫn phải chú ý.

Nhưng một bài văn hay không phải chỉ hay ở câu. Hay, phải hay toàn bài. Bài hay có thể cứu được những câu dở, nhưng câu hay lại không cứu nổi bài dở. Bởi vậy cách tạo câu, quan trọng bằng cách lập ý, tức cấu trúc chung của cả bài. Lập ý giống như bày trận. Mỗi câu, mỗi ý và mỗi chi tiết được phải được sắp xếp làm sao để chúng có thể hỗ trợ cho nhau, cuối cùng, để lại một ấn tượng thật sâu trong lòng người đọc.

Trận đánh kết thúc ở câu/đoạn/ý cuối cùng. Theo tôi, người không biết kết thúc một bài văn cũng giống như một người chơi cờ mà không biết cách chiếu tướng.

(Nguyễn Hưng Quốc – Kinh nghiệm viết văn…)

Vật lộn với chữ nghĩa II

Bài viết nhắm làm sáng tỏ nguyên nghĩa (sens étymologique) của chữ ”mặc khải” được dịch từ chữ Hy-lạp ”ποκάλυψις”, được đọc là: ”apocalypsis”..Nhiều tiếng như La-tinh, Anh, Pháp, Đức, Tây-ban-nha, Ý… cũng có các chữ tương tự: ”apocalypsis, apocalyse, Apokalyse, apocalipsis, apocalisse …”. Do ý nghĩa này, chữ ”revelatio, revelation, révélation, revelation, revelacióna, rivelazione” là những danh từ của động từ gốc La-tinh ”revelare” có nghĩa đen (nghĩa thật: sens propre) là ”lấy, cất cái màn che đi”! Cho nên, bài viết  ủng hộ ”dụng ý tốt” (bonne intention) của rất nhiều học giả thần học bởi vì chữ ”mặc khải: révélation ” lấy từ nguồn là kinh thánh !

Trò chơi chữ nghĩa I

Sau đó, Trần Văn Thủy đã hỏi Nguyễn Thị Hoàng Bắc…

Trần Văn Thủy (TVT): Thế theo chị thế nào là “ngụy”?

Nguyễn Thị Hoàng Bắc (NTHB): Theo từ điển Hán Việt nghĩa là dối trá, nghĩa là giả, nghĩa là nói một đằng làm một nẻo. Theo phong kiến Minh Mạng thì ngụy nghĩa là bọn làm phản, làm loạn, chẳng hạn Mả Ngụy, ở đó chôn bọn làm phản Lê Văn Khôi chống lại chính quyền phong kiến Nguyễn. Theo tự điển nhà nước XHCN Việt Nam thì ngụy quyền là chính quyền lập ra để chống lại chính quyền hợp pháp của nhân dân (Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1996).”

NTHB đưa ra định nghĩa chữ “ngụy” bằng cung cách của “phe chính” định nghĩa về kẻ thù, về kẻ chống đối lại mình là “phe tà”! Như vậy, chữ “ngụy” có nghĩa là “tà”, là “xấu”, là “dối trá”, là “giả”, là “nói một đằng, làm một nẻo” đúng như tự điển Hán Việt đã ghi ra. Những thói tật, cá tính, bản chất như “tà”, “xấu”, “giả”, “nói một đằng, làm một nẻo”, đó là những nền tảng căn bản của con người chủ nghĩa! Những thành tích bắt con đấu tố cha mẹ, cải cách ruộng đất, tuần lễ vàng rồi sau đó là nhân vật tiêu biểu uy tín Nguyễn Hữu Đang bị tù đày trên ba mươi năm, những kế hoạch “năm năm” hứa một đằng để sau hơn một phần tư thế kỷ thống nhất đất nước, đất nước càng phân hóa và trì trệ là do chính quyền và Đảng Việt Cộng đã làm một nẻo! Những chuyện vừa “tạm kể” trên, nếu không “tà”, không “xấu” không “giả” thì là gì?

TVT nghe qua những định nghĩa về “ngụy” của NTHB, NTHB chỉ vô tình lanh chanh muốn chứng tỏ sự quảng bác và “vui tính” của mình thôi, nhưng nó làm TVT “nhột nhạt”. Và mỗi khi TVT nhột nhạt, TVT bèn phe lờ và hướng câu chuyện về những cái mà TVT muốn người đang “bị” TVT phỏng vấn nói..v..v..

(Phụ chú: Trần Văn Thủy, người ở Hà Nội, đạo diễn phim, tác giả cuốn Nếu đi hết biển rồ… chẳng biết đi đâu)

(Trần Nghi Hoàng – Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Trò chơi chữ nghĩa)

Đề: Tả một loại cây mà em biết.

Hàng ngày chúng em vui đùa dưới bóng cây khoai lang.

Tiếng Việt vừa dễ vừa khó

Hỏi: Ách là chi vậy?

Đáp:
1/ Đoạn gỗ cong mắc lên cổ trâu bò để buộc dây kéo xe, cày, bừa: quàng ách vào cổ trâu.
2/ Gông cùm, xiềng xích: ách áp bức ách đô hộ phá ách kìm kẹp.
3/ Tai hoạ phải gánh chịu: ách giữa đàng quàng vào cổ.
4/ Ngăn, chặn lại, làm cho phải ngừng, dừng lại: ách xe giữa đường để hỏi giấy tờ.
5/ Bị đầy ứ gây khó chịu: no anh ách.

(Nguồn ĐatViet.com)

Khi các cụ ta xưa…xổ nho

Em là con gái có chồng

Mồ cha những đứa đem lòng nọ kia

(Ca dao)

Văn học giải phóng Miền Nam

Những sách biên khảo văn học xuất bản ở trong nước sau 1975, thường không nhắc gì đến nền văn học miền Nam từ 1954 đến 1975, mà thay vào đó là nền văn học được gọi là “văn học giải phóng miền Nam”. Văn học “giải phóng” kê khai rất nhiều tên tuổi, đọc lên thì người miền Nam không biết họ là ai. Trên thực tế, văn đàn miền Nam lúc đó chỉ có vài người như Vũ Hạnh, Lữ Phương… là thực thụ có mặt (chủ trương tờ Tin Văn). Vũ Hạnh là một trong những cây bút chính của tạp chí Bách Khoa, khuynh hướng chính trị đối lập với Võ Phiến. Vì vậy, có thể nói, nền “Văn học giải phóng miền Nam” đã được xây dựng trên những tên tuổi trá hình; là một nền văn học “giả” được “dựng” nên để thay thế một nền văn học thật, đã bị xoá bỏ. Hiện trạng lấy giả xoá thật này, vẫn còn tồn tại trong sinh hoạt văn học chính thức và trong giáo dục học đường hiện nay ở Việt Nam.

Nhưng các tác phẩm của văn học miền Nam, đối với một số đông người đọc trong nước vẫn còn xa lạ, trừ vài trường hợp đặc biệt như sách của Bình Nguyên Lộc được in lại những năm gần đây và trong năm nay một vài cuốn của Dương Nghiễm Mậu cũng đã xuất hiện. Nhưng lại có ngay sự phản hồi: Vũ Hạnh đã viết bài cực lực phản đối sự phổ biến các tác phẩm “độc hại” của Dương Nghiễm Mậu. Như thế, hơn ba mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, việc in những tác phẩm của nhà văn miền Nam vẫn còn gặp nhiều cản lực. Cản lực đến từ phiá chính quyền và từ những cá nhân bảo thủ, đố kỵ.

(Thụy Khuê – Văn học miền Nam)

Phật

Chữ Phật gồm có một bên chữ “nhân” là người, một bên chữ “phất”chẳng.

Như vậy Phật là người chẳng nghĩ đến thế tục (thoát tục).

Trong Sãi vãi của Nguyễn Cư Trinh có câu: “Suy chữ nọ cho chơn – Chữ Phật là “phất trí nhân sự”.

Phất còn có nghĩa là phủi bụi. Tầu lấy “đuôi ngựa” làm vật để phủi bụi và kêu là “mã vĩ”.

Ta dùng lông gà nên gọi là “chổi lông gà”. Hay “cái phất trần”.

Văn ta, văn Tàu

Ta có thể chia các thể văn của ta ra làm hai loại: một là những thể văn mượn của Tàu, hai là những thể văn riêng của ta.Những thể văn mượn của Tàu có thể chia làm hai hạng, Vận văn là văn có vần. Biền văn là văn không có vần mà có đối.

Những thể văn riêng của ta là: lục bát, song thất, nói lối đều thuộc về loại văn vần cả. Còn các lối văn xuôi của Tàu (như tự, bạt, truyện, ký, bi, luận) thì các cụ hồi xưa ít viết bằng quốc âm.
Một điều khiến ta phân biệt được thể văn nào là mượn của Tàu và thể văn nào là riêng của ta là cách gieo vần. Những thể văn vần của Tàu thì bao giờ vần gieo cũng ở cuối câu. Những thể văn của ta thì vần vừa gieo ở cuối câu vừa gieo ở lưng chừng câu.

(Dương Quảng Hàm – Việt Nam văn học sử yếu)

Tiếng rao hàng I

Có những gọing rao hàng giữa trưa nghe không rõ tiếng:

– Ai ngủ hôn?

Đó là tiếng rao của chị bán tàu hũ. Nghe kỹ mới biết là:

– Ai ăn tàu hũ hôn.

Ngộ Không

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search