T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 75)

clip_image001

Chữ và nghĩa: Gò Vấp

Gò Vấp xưa kia trồng cây vấp (Kraik: vấp), được coi như thần mộc của người Chàm.

(Hồ Đình Vũ – Nguồn gốc một số địa danh miền Nam)

Đề: Em hãy kể lại câu truyện “Thánh Gióng”.

Ngày xửa ngày xưa, đất nước ta sinh ra được một cậu bé Thánh Gióng trông rất là quái nhân vì đã 3 tuổi mà vẫn không biết nói biết cười. Đột nhiên một hôm giặc tới, Thánh Gióng nhảy tót lên mình ngựa, sau khi đã ăn một bữa cơm khủng khiếp với hàng thúng cà muối mặn mà vẫn không khát nước. Thánh Gióng đánh giặc xong không biết đường về nhà vì chưa ra khỏi nhà lần nào. Thánh Gióng không biết đi đâu về đâu nên đành phải bay lên trời.

Chữ nghĩa biên khảo: Cái võng

Bài thơ “Tức sự” của Cao Bá Quát mở đầu:
Nhãn khan cao điểu độc phàn lung
Tự ỷ thằng sàng bất ngữ trung
Thằng sàng là cái giường dây, là cái võng! Như vậy rõ ràng là ở Tàu võng không có tên, không có mặt. Người Tàu khi cần nói đến nó, phải tìm cách phiên dịch tiếng nước ngoài. Thế là cái võng mất quê quán ở phương bắc

(Võ Phiến – Nằm chơi)

Tục ngữ Tầu

Nghệ nhân nan phú

(Nghệ nhân khó giầu)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Đoạn trường

Đoạn trường – đứt ruột.

“Đoạn trường tân thanh” chuyện nghe thương cảm, như đứt ruột nát lòng.

Theo Sưu thần hậu ký có người thợ săn bắt được con khỉ con làm thịt. Ở trên cây, khỉ mẹ thấy vậy khóc lóc thảm thiết rồi ngã xuống đất chết, kẻ ấy mổ ruột ra, thấy ruột đứt từng khúc, từng đoạn. Trong thơ có câu: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.

Giá sách cũ I

Thê thảm nhất là anh Nguyễn Mạnh Côn chết ở Trại Cải Tạo Xuyên Mộc. Anh Côn bị bắt tháng ba 1976. Năm 1977 tôi (Hoàng Hải Thủy) chỉ nhìn thấy anh vài lần khi tôi nằm Biệt Giam – Sà lim số 20 Khu B, Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu. Rồi anh bị đưa lên Trại Xuyên Mộc, Bà Rịa. Năm 1980 khi từ nhà tù trở về lần thứ nhất tôi được tin anh đã mất ở Xuyên Mộc. Anh Côn là người chết tức tưởi, khổ sở, bi thương nhất trong số anh em tôi đã chết sau năm 1975. Thân xác anh nằm lại vùng rừng già Xuyên Mộc.
Năm 1986 anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt chết trong nhà tù Chí Hòa. Anh bị cao áp huyết. Phòng giam quá đông người nên quá ồn ào, rối tinh rối mù như trong ổ kiến. Những ông già bị tù cao áp huyết thường không chịu nổi cảnh loạn xạ bát nháo từ sáu giờ sáng đến mười giờ đêm trong phòng giam chật ních người, các ông thường lặng lẽ ra đi vào lúc nửa đêm.
Năm 1987 Dương Hùng Cường Dê Húc Càn chết trong sà-lim khu B, Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu. Là sĩ quan anh đã đi cải tạo ba năm. Được về năm 1989 anh bị bắt lại – Đêm rạng ngày 2 tháng năm, 1984 – Anh bị khép tội vào tổ chức “Bọn Biệt Kích cầm bút.” Nằm sà-lim một mình, lên cơn bệnh, anh chết trong đêm. Cường nằm ở một nghĩa trang vắng vẻ trên Lái Thiêu.
Những người đã chết như: Tam Lang, Nguyễn Hiến Lê, Vũ Bằng, Chu Tử, Trần Việt Sơn, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hồ Hữu Tường, Hoàng Vĩnh Lộc, Vũ Đức Duy, Thiếu Lang; các bạn tôi: Minh Đăng Khánh, Trọng Nguyên, Hoàng An, Hoàng Thắng, Hoàng Trúc Ly, Huy Cường, Thái Dương, Trần Việt Hoài, Xuyên Sơn, Cát Hữu, Lê Thanh, Mai Anh, Trịnh Viết Thành, Lan Đài, Y Vân, Trọng Khương, Nguyễn Ngọc Tú tức Ngọc Thứ Lang, tác giả Bố Già, Hoàng Trọng Miên, Hồ Điệp mất tích trên biển, Minh Vồ Con Ong, v.v… Còn bao nhiêu anh em tôi đã chết mà tôi không biết, không nhớ, không thể kể hết!

(Hoàng Hải Thủy – Tháng bảy vào thu mưa lạnh bay…)

Truyện chớp – Bài thơ

Ðêm, đang ngủ, hắn chợt nghe ai đó đọc thoảng qua tai một bài thơ tuyệt hay. Hắn vội vã bật ngọn đèn ngủ, với tay lấy xấp giấy và cây bút, chép ngay bài thơ ấy. Xong, hắn tắt đèn, ngủ lại. Sáng dậy, nhìn trang giấy, hắn giật mình thấy chỉ có một bãi nước bọt.

Xe dê

Trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, đoạn nói về nàng cung nữ oán trách vua ghẻ lạnh với mình, có câu :

Phải duyên hương lửa cùng nhau

Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào

Xe dê do chữ dương xa. Theo sách Tân thư chép vua Võ Đế có nhiều cung nhân, mỗi đêm muốn đến cung nào thì ngồi trên xe có dê kéo, tùy dê vào cung nào thì vua vào cung nấy.

Cũng tùy theo cung nữ vì biết dê thích lá dâu. Nên họ trải lá dâu trước cung mình.

(Hay nhỉ…)

(Nguyễn Tử Quang – Điển hay tích lạ)

Khi các cụ ta xưa…xổ nho

Đù cha lũ đi ăn mày

Cả tớ lẫn thầy ăn đếch cho tao!

(Phạm Công Cúc Hoa)

Giai thoại làng văn (IV)

Dưới triều Tự Đức, một ông vua mê làm thơ hơn làm việc nước.

Một hôm vua Tự Đức gọi Tùng Thiện Vương vào hỏi:

– Thi với ca khác nhau thế nào?

– Tâu, thi tức là ca; thi, ca đều là những điệu nhạc cả.

– Sao những điệu nhạc lại có ở trong thi, ca?

– Tâu, vì trong câu thi, câu ca, đều phải dùng chữ Hán đúng với nhạc âm, nên khi ngâm cũng như khi hát vậy.

– Ông đã tinh về âm điệu, tinh về thi ca, ta tuyên triệu vào đây để truyền nghề ấy.

– Tâu, nghề thơ, chỉ những người thanh nhàn, không có cơ tâm mới học được. Chúng tôi vì còn nhiều tục lụy, nên vẫn có muốn học, song đến nay vẫn chưa thành nghề.

– Nghề thơ khó lắm sao ?

– Tâu, không khó, nhưng mà ít người có đủ tư cách để học cho đến thành nghề.

– Như ta đây có đủ tư cách mà học chăng ?

– Tâu không, vì nghề trị nước, trách nhiệm nặng nề, tâm không được nhàn, nên dẫu có làm thơ, là chỉ để tiêu khiển nhất thời. Còn nghề thơ, thì đã không học, mà cũng không nên học.

(Tường Vũ Anh Thy – Cao Bá Quát : Tim vẫn say…)

Chữ hàn lâm

Ngôn ngữ của tôi là thứ ngôn ngữ hơn năm chục năm về trước. Tôi nói :”Tôi đi nhà thương mổ mắt” nhưng bây giờ “người trong nước” nói :”Tôi đi bệnh viện làm phẫu thuật mắt”, nghe văn vẻ hơn khiến tôi có mặc cảm mình “quê một cục” !

Một cháu bé sáu tuổi về nói với mẹ :”Mẹ ơi, con có ảo ảnh, con biết chỉ có một cái cốc mà con nhìn thấy có hai cái”. Bây giờ ai ai cũng dùng những từ ngữ Hán Việt một cách rất chuẩn và rất tự nhiên như tiếng mẹ đẻ, xưa kia những từ ấy chỉ thấy trên sách báo của các nhà trí thức. “Hàn Lâm Viện” đã xuống đường !

(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Câu chuyện “hội nhập”)

Thơ Bút Tre và Hồ Xuân Hương

Chưa đi chưa biết Ðồ Sơn
Ði về mới biết chẳng hơn đồ nhà
Ðồ nhà tuy xấu tuy già
Nhưng là đồ thật hơn là Ðồ Sơn.

Mùi và vị

“Vị” và “mùi “ là hai cách phát âm của cùng một chữ ở vào hai thời điểm khác nhau. “Mùi” là cách đọc ở thế kỷ 6, biến chuyển thành “vị” vào thế kỷ 9.

Sự biến chuyển ngữ âm này đã được bắt rễ trong tiếng Việt hàng ngày từ một thời xa xưa, và tuân theo cú pháp tiếng Việt đến mức mà nguồn gốc Hán của nó bây giờ khó mà nhìn ra đuợc.

Nghi vấn văn học I

Sau khi tập Lưu Hương Ký của bà Hồ Xuân Hương được Trần Thanh Mại tìm thấy năm 1963. Vì trong tập thơ này không có bóng dáng ông Tổng Cóc, ông Phủ Vĩnh Tường. Lại nữa, thơ Lưu Ký ngoài tiết lộ chuyện tình của Nguyễn Du với bà Hồ Xuân Hương ở Thăng Long, thì không phải là những áng thơ hay, hoặc không sắc sảo, táo bạo như thơ bà Hồ Xuân Hương được truyền tụng trước kia.

Nên có một số nhà biên khảo đưa ra bằng chứng và phỏng đoán có hai bà Hồ Xuân Hương. Ngoài cái tên giống nhau. Cùng làm thơ nhưng văn phong và duyên tình..v..v..khác nhau xa.

Mỹ nhân tự cổ…

Giới làm thơ ngày trước ai mà chả thuộc 2 câu thơ cổ :

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

Tạm dịch “người đẹp từ xưa như tướng giỏi, chẳng hẹn chờ ai thấy bạc đầu”. Tuy nhiên ít ai biết xuất xứ 2 câu này ở đâu? Đường thi, Tống thi ư? Tác giả là ai?

Tuy nhiên xuyên qua cuốn Tùy Viên thi thoại của Viên Mai (đời Thanh) thì theo tích tiến sĩ Đồng Duệ có làm bài Điệu vong cơ, khóc người thiếp (vợ lẽ) qua đời sớm. Nhiều người họa lại…trong đó có bài của “Người thiếp họ Đông” , tên là Diễm Tuyết, thì thật là tuyệt diệu. 2 câu kết của bài rằng : “Mỹ nhân tự cổ như danh tướngBất hứa nhân gian…”

(Nguyễn Khôi – Về hai câu thơ…”

Tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu?

Hỏi : Kính chào toàn thể quý cao thủ tiền bói nhà nho: Mình đã nghe rất nhiều câu “tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu” mà chẳng hiểu câu thứ nnì nghĩa gì hết, xin thọ dáo các tiền bói, mình biết mình viết say chính tả nhiều lắm xin các tiền bói bỏ qua cho…

Đáp : Uống rượu (nhậu) mà gặp tri kỷ (bạn đời, bạn tâm đầu ý hợp, bạn tâm giao), thì ngàn chung vẫn còn thấy ít đấy ông bạn à.
Cái này là cách nói cường điệu hoá của người xưa chứ mặc dù là cái chung tuy nhỏ nhưng thực tế ít người uống được ngàn chung.

Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu
Mạc ngộ tri âm bán cú đa
(Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến khứ nhân hồi)

(Nguồn ĐatViet.com)

Chữ nghĩa thời xưa

Chiếu = lời vua ban cho thần dân.
Biểu = bài văn của thần dân dâng lên vua để bầy tỏ điều gì.
Sớ = tờ điều trần dâng lên vua.

Ngộ Không

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search