T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Gã quản giáo bạn tôi

clip_image002

Gió – Tranh: Mai Tâm

Chuyện nghe gã kể cứ như…bịa. Chuyện kể bằng miệng dấm dẳng như chó cắn ma, lại được người nghe viết ra chữ, lại khoắng bút nên càng rối như canh hẹ thêm. Số gã ruồi, số là sau 75, lò dò như cò ăn đêm, gã nhè đi vào trại cải tạo như bất cứ ai. Thêm nữa, người ngợm gã chân tay khủng khoẳng, mặt mũi vêu vao, mồm ngoác tới tận mang tai. Thế nên bạn bè cùng buồng, cùng lán kháo nhau rằng: Thằng này 54 lớ quớ kẹt lại rồi 75 vào Nam, mưa không ướt đất đái không ướt quần lớ quớ thể nào cũng là…quản giáo.

Từ đó gã cứ ngỡ mình là quản giáo thật nên được thể mũi nở to bằng cái gáo, mặt vác lên như con bọ ngựa, và nổ như kho đạn Gò Vấp. Một ngày ít nắng nhiều mây, gã bị cán bộ ới lên làm việc”. Bạn tù kháo nhau rằng cái miệng làm khổ cái thân, cho đáng đời. Thế nhưng chả phải vì gã ăn nói linh tinh mà chỉ vì cái tên cúng cơm của gã có vấn đề nhậy cảm và tế nhị với đảng và nhà nước. Thế mới bỏ bố…Ừ thì truyện viết thế nào đây cho đúng nề nếp, phép tắc trong chốn trường văn trận bút để không bị cái vạ văn chương với làng văn xóm chữ…

Chả là vì gã quản giáo bạn tôi có cái tên tha mộ địa là: Phạm Văn Đồng.

***

Có thể nói gã là thằng lính lạc loài trong buổi chợ chiều vắng khách. Có lệnh di tản chiến thuật, gã kéo pháo đội xuống núi nay đây mai đó một thời gian chưa tàn một điếu thuốc thì đi tù. Chuyện đánh đấm trong chiến trường địa sử ghi chiến tích cũng có nhiều kỳ tích, như một tân chuẩn úy thiết giáp, vừa hết phép mãn khóa ra trấn nhậm đơn vị. Vừa mắc xong cái võng nằm đu đưa bên chiếc M1, võng vẹo thế nào chả biết nữa, bị du kích dí súng vào màng tai bắt làm tù binh. Gã nào thua gì, đang hành trang xuôi Nam đi vào nơi gió cát. Quen thói vô tư ra quán chợ lỳ một lam, làm một ly cùng đám đệ tử với đĩa tôm khô củ kiệu. Chưa ngồi nóng đít, chưa há họng ngâm xong câu hồ trường nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉcả đám ngớ ra hôm nay là ngày 30 tháng Tư nên đành…tan hàng, cố gắng. Ai về nhà nấy khăn gói gió đưa vào trại cải tạo ư hử tiếp hà tất thành sầu đối cỏ cây…

Năm hết Tết đến, gã quản giáo phe ta được ông chú họ phe địch từ Hà Nội vào thăm nuôi. Mặc dù ông chú phục viên đi thăm tù cải tạo ngụy trang tận răng áo đại cán bốn túi mầu vàng đất. Nhưng vì có chung cùng một mặt bằng nên kẻ Bắc người Nam nhận ra…mặt nhau cái chóc. Gã được ông chú dấm dúi cho “cái gio”, nhìn ra là cái giỏ. Bụng dạ gã nghĩ thầm: Thôi rồi, trước sau gì cũng có chuyện cái ”cù-dìa” kêu là cái muỗng đây. Nhìn vào “cái gio”, gã chỉ thấy có nhúm sôi bèo, khúc thịt co rúm. Rồi ông tót lên văn phòng chỉ huy trại tửu lạc vong bần với thủ trưởng. Gã mừng húm vì rượu vào lời ra, chắc mẩm được ông chú gửi gấm là cái cẳng.

Chiều về gã được chú nón cối dẫn lên hội ý với thủ trưởng trại. Nhân bảo như thần bảo, y như rằng có chuyện cái màn kêu là cái mùng. Số là trên đường đi, chú vệ binh lốp bốp chuyện bà vợ tiếp tế chồng “cái con chặt đầu, chặt cẳng” mà bà ta gọi tiếng tàn dư Mỹ Ngụy là…con “rô ti” nên chú ấy đíu biết là…con gì. Thế nên trong tâm tư gã cũng cục cựa ba điều bốn chuyện, chuyện là có anh tù được thăm nuôi cục sôi với cục thịt tròn dài như con đỉa trâu giống gã. Cán bộ ngúc ngắc hỏi: “Con gì vậy”. Bị hỏi cấp kỳ, anh ta lụng bụng là con…lạp xưởng. Cán bộ vạy vọ: “Dào! Con lạp “xưởng” trong cơ xưởng ngoài tớ thiếu giống”. Xong, cán bộ quệch quạc: “Chúng tớ gọi là…con bù loong”. Gã than thầm: ”Úi chà, gay đây”. Vì nếu lát nữa, gã có khả năngdự phóng thời tiết như vậy, gã cũng đíu biết phải trả lời là…con củ cải chi đây!

Cái đầu củ chuối của gã ngọ nguậy thêm vì bất cứ chuyện gì cũng có thể xẩy ra trong trại cải tạo. Gà đoán mò ông chú với trưởng trại đang “lên kế hoạch” để gã đóng “chèo” (ăng ten). Lại tiếng Tây tiếng u nữa, mà làm ăng-ten để được về sớm với vợ con đâu phải là cái tội, miễn là đừng hại bạn bè thì thôi, gã nghĩ vậy. Gã chợt “đề xuất” ra gã chưa có vợ thế mới hốc. Về chuyện thê nhi, gã “liên hệ” đến chuyện rỉ tai ở láng kế cận mới đây, có một chú Ngụy gốc Chợ Lớn được cách mạng tha tào. Chú năn nỉ: “Con dợ ngộ vượt piên dồi, ngộ ở lại trong tại cải tạo có cơm ăn, có pạn pè…phẻ hơn”.

Thêm một lần, gã cứ ngỡ mình sẽ được đóng “chèo” thật, gã phấn chấn vào gặp trưởng trại, miệng há hốc chờ sung rụng. Vậy mà bị bẻ hành bẻ tỏi mới cay:

– Anh khai báo tất cả mưu đồ chống phá cách mạng. Thành thật thì sẽ được giảm tội. Cố tình man trá, cách mạng sẽ xử trị đích đáng, nghe rõ.

Gã lâm râm trong bụng “Mẹ kiếp! Mới hủ hóa với chú gã đây mà đã hoắng lên hù nhau”.

Nhưng ngoài miệng gã cũng miệng lưỡi:

– Dạ, nghe rõ. Báo cáo cán bộ.

Được thưa gửi “cực” chuẩn xác, giọng khứa thủ trưởng “mềm” thấy rõ:

– Cảnh báo anh vi phạm nội quy. Tại sao người ta gọi anh là…Cu?

Bỏ mẹ! Gã chưng hửng đến mấy giây…Nhưng nhờ “chủ đạo” có chất xám tiểu tư sản trong đầu, gã “bảo quản” ngay tức thì. Với sức người sỏi đá cũng thành cơm cách mấy, gã cũng chịu thua cóc “làm rõ” cho người thiếu cơ sở văn hóa này “nắm bắt” được là trong phản ứng hóa học thì “đồng” được gọi là “cu”. Gã “phản ánh” ai chứ người thủ trưởng đây có cặp lông mày dính vào nhau như con sâu róm, nhòm dữ dằn vậy nhưng không đến nỗi “ác ôn” lắm.

Từ hai chữ ác ôn, cái đầu gã lại bắt qua chuyện thằng bạn ký giả chiến trường có nợ máu với nhân dân: Thằng này sau 75 trốn chui trốn nhủi từ nhà ở qua nhà chùa đến nhà thờ. Vì hồi hộp quá mạng, nó tìm ra “phương án” là chỗ…hở hang nhất là chỗ…kín đáo nhất. Thê là nó thành thực khai báo…tên giả, mò vào trại cải tạo để được an bần lạc đạo.

Hóa ra tìm đạo ở đâu xa, ở chỗ thân an tâm lạc chứ còn gì nữa. Vì gã đang yên thân, ngỡ một tháng được tha mà vẫn còn lây lất ở đây. Gã nghĩ nếu có đánh mất “quan điểm”, đánh rơi “lập trường” với khứa thủ trưởng mà phải ăn chay niệm Phật thêm dăm phùa nữa thì có chết thằng răng đen mã tấu nào đâu. Chẻ hoe trắng phớ ra thì ở trong trại cải tạo, gã có đảng “no”, nhà nước “no” sẵn bo bo mỗi ngày, gã chả phải lo đếch gì cả. Cứ như chú Ngụy gốc Chợ Lớn “kinh qua” là trong tù phẻ hơn ở ngoài nhiều, chẳng là cứ như kinh thư Tàu đã dậy khôn ta rằng nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại quả tình…“cực kỳ” đúng.

Gã tự trấn an, khứa thủ trưởng với dép râu dẫm nát đời son trẻ, cuốc bộ nát Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây chỉ vắt vai cái quân hàm thượng úy, ắt hẳn là dưới cơ ông chú thượng tá của gã xa. Vuốt mặt phải nể mũi chứ, thế là gã thun thút làm bản tự khai bằng mồm:

– Cứ theo bố ghẻ tôi thì xưa kia làng nào cũng có truyền thống của làng đó. Có làng chuyên đan mẹt, có làng chuyên đan thúng, có làng mù chữ cả làng, có làng lắm ông nghè ông cống. Làng bố tôi là làng văn học, có trường, có thầy, có học trò. Gần làng bố tôi có một làng không có trường nên cả làng mù chữ. Thưở thiếu thời bố tôi có ông bạn làng bên sang học nhờ. Tên ông ta là Đồng, là con cháu Mạc Đăng Dung chạy lên Cao Bằng đổi ra họ Phạm. Còn trẻ con ấy mà, bố tôi thường ghẹo ông ta: “thằng Đồng làng Mộ Đức cả nòi vác gậy đi ăn mày!” vì thần hoàng là ông ăn mày chết vào giờ trùng nên cả làng mang cái vạ. Cách mạng mùa thu đến, ngờ đâu bố tôi tốt phước, có được ông bạn chữ nghĩa lem nhem, tay bị tay gậy tha phương cầu thực khắp nơi, trời ngó lại thế nào làm tới thủ tướng nhà nước nhân dân. Bố tôi cảm phục quá lắm, là người hay chữ lại thâm nho với mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời bố ghẻ có thương…con vợ nên nhè tôi đặt tên là…Đồng.

Vừa tung tẩy xong gã xanh máu mặt. Vì cái tật nói dài nói dai thành ra nói dại nên gã quên bu mất là vừa tiết lộ bí mật quốc gia về tiểu sử lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước. Y trang, người trưởng trại nhăn mặt lý giải:

– Ở đây anh nói linh tinh vậy. Ở chỗ khác không được đâu ấy nhá.

Nhá nhem xong, người hất mặt một cái thật gọn với chú vệ binh. Chú ta lọng bọng: “Báo cáo đồng chí làm việc” và hí hửng xách súng AK lăm lăm chĩa vào gã dẫn về. Nghe đến hai cụm từ “Ở đây…” với “Ở chỗ khác…” gã bỗng sợ sốt vó, chắc mẻm là mai kia sẽ được tống tiễn xuống tầu ra Bắc. Gã mường tượng dẫy Hoàng Liên Sơn xa tắp mù khơi ở cuối chân trời, gã bâng khuâng ngậm ngùi quê ta xa mãi bên kia biển, chỉ thấy tời bời mây trắng vương.

Đợi mãi không có gì xảy ra, gã quẳng giấc mơ một ngày là “ăng ten”, một ngày không hại bạn bè vào một xó. Cận Tết, gã lại được ông chú thăm nuôi vẫn với “cái gio”, vẫn nhúm xôi ném chó , chó chết, xong tếch lên văn phòng trại trưởng hút thuốc lào xoành xoạch. Chiều đến, chú vệ binh tìm gã nói lên khung bổ túc lý lịch. Gã biết ngay “sự cố”, vì trong lý lịch trích ngang nào có đíu gì…cu. Thế này thì ông cố nội Phạm Văn Đồng răng hô mồm cá ngáo cũng không cứu được gã, mà quê ta xa mãi bên kia biển thì…xa quá. Gã chỉ mộng mơ được chuyển trại lên Pleiku, thành phố có hoa quỳ vàng, mặc dù…đi dăm phút đã về chốn cũ, một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng….may mà có em. Giời ạ, bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, bỗng khi không lại…đi tù! Thế nên gã lạnh cẳng với câu dọa dẫm “Anh đi công tác Pờ Lây – Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra”. Giời ạ, cũng chỉ vì…con cu.

Mới ló đầu vào đã nghe tiếng rít thuốc lào long sòng sọc…Người thủ trưởng như muốn bắt gã đợi lâu thêm tí nữa cho nó phê, người ém khói, nhả ra miệng và hai lỗ mũi từng cụm

khói trắng cuốn xoáy mây bay. Vừa nom nhòm thấy gã, người bèn cách rách:
– Văn hóa anh học đến đâu?

Hơ! Câu hỏi thuộc khâu văn hóa cơ bản chứ còn khỉ gì nữa, khâu này trong hồ sơ lý lịch gã đã bổ sung rồi, ấy là Trường mỹ thuật Gia Định. Nhưng gã cho là người ba đời bần cố nông biết khỉ mốc gì chuyện vẽ rết thêm chân, bây giờ loạn chữ với Mỹ thuật, người chữ cắn làm đôi, chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ đánh chữ quá… quá đà cho hóa thân thành…Mỹ ngụy thì bỏ bố.

Cùng một thổ ngơi với địa linh nhân kiệt, gã trả lời quấy quá cho xong:
– Trường vẽ Lê Văn Duyệt.

– Vẽ chuyện! Anh học vẽ thì chúng tôi tiếp thu rồi. Nhưng…đến đâu?

Mẹ kiếp, đúng là loạn chữ thật. Đột biến va vào mắt gã là cái quân hàm thượng úy một gạch của người thủ trưởng. Có tích mới dịch nên tuồng, gã quanh quéo tới một thời chinh chiến với…đi dăm phút trở về chốn cũ, mai xa lắc trên đồn biên giới, còn một chút gì để nhớ để quên. Để gã…không quên một mảng văn chương cực kỳ về hồi ký chiến trường đi B mà thằng trại viên văn hóa bắt gã…thông suốt trong tù như thế này đây:

“… Năm bảy lăm, tôi cho đại đội khẩn trương rút, nhưng để lại một tiểu đội ở tại hiện trường đề tìm phương án tiếp cận với địch quân là tiến sát, bám sát địch quân và khẩn trương khai thác, tác động triển khai tiếp cận vượt quy định mặt bằng, bằng cách tới Bà Quẹo….quẹo…”.

Thế là gã quíu lên và láo quáo làng quàng:

– Đến…đến…Lăng Ông Bà Chiểu quẹo…quẹo…
– Này, không đùa đâu ấy nhá. Anh học đến lớp mấy?
Không kịp hiểu. Người “phát biểu cho gã không…hiểu luôn:
– Như chúng tôi sau khi học bổ túc văn hóa lớp ba là vẽ được tuốt.

Tiếp, người rất ư “động thái”:

– Anh vẽ liệt sĩ Lê Văn Duyệt được thì…

Hơ! Gã trộm nghĩ người thủ trưởng đây cũng có “văn hóa nổi cộm” đấy chứ, vì với sử thi, sử gia thì cụ Tả quân bị liệt giường, liệt chiếu nên mới nuôi gà chọi, nuôi con nuôi là…Đang thấy ai đánh rắm to ở đâu thì tìm đến, thì người đánh cái “tủm”:

– …Thì anh vẽ…bác được chứ?

Chết mẹ! Gã muốn nhẩy lên như…gà đá, và ục ục như gà mắc tóc:

– Bác…bác…

– Bác thì chúng tôi làm phong phú rồi. Chúng tôi muốn anh cải tạo bác tốt hơn thôi. Như anh biết đấy, Tết nhất ấy mà…

Xong, người lôi ra bọc giấy đưa cho gã, trong đó có ba bốn bao thuốc Vàm Cỏ. Khi không từ bọc giấy rách giời rơi xuống…cái bật lửa. Người vội chụp lấy lại và dấu biến vào ngăn kéo. Tham con giếc tiếc con rô, gã tiếc hùi hụi cái bật lửa Zippo khắc huy hiệu Thủy quân lục chiến.

Chuyện “cải thiện quan hệ” bay về đến buồng, bạn tù bày hàng đợi sẵn, và hỏi bạn ta “quy hoạch” thế nào? Dấu biến mấy bao thuốc lá, kéo điếu cày vài cữ, gã nổ như tạc đạn: “Rất khẩn trương, người anh em dẫn ông sang căn nhà tôn gần đấy, đập chát vào mắt ông là bức tranh đã vẽ sẵn, to bự sự bằng ba, bốn cái chiếu. Leo lên thang mười thước cao nghệu, ông quẹt dăm nét “nâng cấp” bác dăm phùa là xong ngay”. Bạn cùng buồng làm gan hỏi tới rằng bạn ta…làm việt tốt, tranh thủ tốt, công tác tốt, thì…thì có…tốt chăng?. Như lân thấy pháo, gã vung tay đầy thuyết phục với “bài nói” đầy ấn tượng: “Nói chung là tốt, vẽ ma, vẽ quỷ khó, vẽ bác dễ”. Nhấp trà thấm giọng, gã tiếp: “Vì nghệ thuật vị nhân sinh, ông cứ soi mặt ông vào gương mà “phản ánh” ngay bác: Vai so, ngực lép, mặt khói, má lõm, môi thâm thì cũng…tốt thôi”.

Bạn tù láo ngáo nhìn nhau động não: “Ủa, trong tù làm quái gì có gương cà?”.

Sáng hôm sau, ghé hiện trường thăm thú lần chót tác phẩmhơi bị đẹp của mình trước khi khiêng “bác” lên hội trường. Vừa thấy “bác”, gã như Từ Hải chết đứng vì chung quanh chân dung “Bác Hồ chết phải giờ trùng – Nên bầy con cháu giở khùng giở điên” treo một lô bong bóng sơn mầu lòe loẹt. Gã ngây người dòm lom lom chân dung, chân tướng bác…Mẹ ơi, mà đíu phải bong bóng mà là những cái “ca-pốt” tục gọi là áo mưa.

Bỏ bố! Gã sợ phát khiếp, vì rằng cuối cùng thì cái mạng gã cũng khốn nạn như “bác” vì “Hôm qua còn sống sờ sờ – Mà nay bác đã cứng đơ cái mình”. Đầu óc gã hỗn mang với bãi đất trống, cái cột, cái khăn bịt mắt, khẩu AK dí ngay trước mặt. Gã chao đảo với có nên hô hoán “Đả đảo bác” hay không đây? Thì cũng vừa lúc người thủ trưởng lò dò đi tới, ngây ngất ngắm “bác” một hồi lâu. Lát sau, người đưa gã mảnh giấy, miệng oang oang làm như “báo cáo anh, báo chị” cho mọi người đều biết:Ban chỉ huy trại dự kiến và nhất trí chiêu đãi đồng chí giấy phép về nhà cải thiện hai tuần. Hết Tết, đồng chí về lại bổ sung liên hoan với trại ta nhá”. Trở về buồng để ngày mai khăn gói gió đưa, gã quay lại vẫn thấy người đang giường mắt lỗ đáo ngắm nghía “bác” cùng những cái áo mưa cao su đang đong đưa dưới mưa xuân lất phất…

***

Về đến nhà đúng ngày ông Táo về trời nên nhà đã lo cúng kiếng sẵn. Cơm nước xong chưa kịp hàn huyên đã giục gã đi ngủ sớm. Sáng hôm sau, trời còn tối đất, mẹ gã gọi dậy, và sì sầm: “Con phải vượt biên ngay, người ta đang đợi”. Gã dụi mắt, chưa kịp ngậm ngùi với mẹ, với anh chị em thì đã có tiếng xe ôm nổ máy bạch bạch như kéo bễ ở ngoài. Leo lên xe, ngoái cổ lại, gã thấy mẹ gã đứng nép sau cánh cửa. Bên kia con ngõ có một quán cà phê với dăm ba cái bàn, cái ghế chông chênh chốnh chếnh. Quán chưa đỏ đèn, vậy mà có một bóng người ngồi đấy đang lặng lờ cúi xuống mồi điếu thuốc, ánh lửa lóe lên trong tranh tối tranh sáng.

Cảm thấy buồn miệng, gã móc bao thuốc lá Vàm Cỏ, nhưng lại không có…cái bật lửa.

Ra tới Bà Rịa, gặp tên liên lạc là một thằng ôn con đầu trọc lóc đưa gã tới điểm hẹn. Mặt trời chiếu thẳng đỉnh đầu nóng hầm hập, tịnh không một tiếng xào xạc. Bỗng từ trong bụi rậm có một con gà xám đen đập cánh bay là là sang rặng trâm bầu, vừa bay nó vừa cất tiếng gáy lên lanh lảnh “tác tác”. Buổi trưa buổi xế, cái đầu đang ngầy ngà mà nghe gà nó dồn cho mấy tiếng “tác tác”, nó khuấy động lao xao con ngõ nhỏ, hàng xóm láng giềng láng tỏi nhà gã. Lòng dạ đang ngây ngây, khi không thằng sư ôn chửi đổng: “Tiên sư chúng nó chứ, gà gáy trưa thì xui thấy ông tằng bà tổ, không bị chẹt xe thì cũng có đứa chửa hoang”. Gã ngớ ra, chưa kịp hỏi ông tằng bà tổ là khỉ khô gì, thì cũng vừa lúc đến nơi.

Chui vào căn nhà trống không có ai. Thằng sư ôn chỉ cho gã chiếc võng, nói phải chạy taxi đón thêm khách nữa. Gã ngả mình xuống đánh một giấc rồi nghe loáng nhoáng: “Anh đụt này! Vượt biên gì mà cứ như đi đưa đám ấy”. Gã lại nướng tiếp, mở mắt trời đã tối um, nhìn góc bếp có hai bóng người đang co ro quanh ánh lửa. Gã mò tới để sưởi ấm, bắt gặp hai mẹ con đang ngồi cù rũ như hai con cò ốm. Người con mặc cái áo rộng, lùng thùng tới đầu gối, đội cái mũ thùm thụp. Lát sau bỏ mũ ra gã mới biết là thằng con nít, mặt mũi nhem nhuốc như thoa nhọ nồi trông…tang gia bối rối thấy rõ và “đụt” thật. Cả ba chẳng ai nói với ai tiếng nào, lát sau, họ lại đổ thêm người nữa. Rồi tất cả được chuyển ra bãi mua sẵn lên cá con ra cá lớn.

Ra đến biển, ngồi cạnh hai mẹ con, gã cảm thấy bực bội gì đâu vì con gà gáy trưa chết tiệt. Gã nháo nhác xem có…“gái chửa cửa mả” không? Vì rằng nghe nói đi sông, đi biển mà gặp ai “đeo ba lô ngược” thì sui tận mạng. Đến gần sáng, không khí trong khoang bỗng chốc ngột ngạt, mạn thuyền chỗ gã dựa lưng thỉnh thoảng chao qua chao lại. Hay là có bão vì gió bắt đầu đổi chiều, sóng mỗi lúc một mạnh hơn. Bỗng có tia chớp lóe lên ngang bầu trời qua lỗ hổng lên xuống, sấm ầm ầm vang vọng. Nước dưới thuyền đánh lên rần rật, nước ở sàn trên đổ xuống loáng nhoáng. Giữa gió gào, sóng vỗ, bà con âm u gọi nhau, con nít khóc i ỉ , hòa lẫn tiếng ho khục khục đứt quãng như cóc cụ gọi mưa.

Mà mưa thật…Bà mẹ ngất ngư từ hồi nào, còn thằng con cứ ôm chặt cứng lấy gã. Thêm đợt sóng lớn nữa, thằng con lật ra cái đùng, miệng sùi bọt mép, tay làm như bắt chuồn chuồn đến nơi không bằng. Gã có tính thương người thế cô, thế là gã ôm chầm bặp lấy thằng bé khít khìn khịt và vực dậy cho ra ngô ra khoai. Gã choáng người, chông chênh theo sóng, hoa mắt vì chớp nhóa lên một cái như có ai thụi vào mặt. Bỗng dưng không đâu cái áo thơ thới bật ra mấy nút… Giờ ạ, ông giời có mắt xuống đây mà xem: Bố mẹ ơi! Thằng con là..là…con gái.

***

Lên đến bờ, gã như con còng, con cáy chui vào hang chỉ biết con cua, gã cứ bám riết con cua…gái ấy. Số là gã nằm chờ thời trong trại cải tạo, một thằng thầy bói tay ngang thuộc dạng tử vi xem số cho người, số thầy thì để cho ruồi nó bâu đoán mò là gã có…số thân cư thê. Thế là được thể gã đếm cua trong lỗ, lúc này gã ếch vào cua ra là hai mẹ con mới chân ướt chân ráo tới trại tỵ nạn Palawan có cổng chính dẫn ra phố, có vài ba quán bán bia là mở ngay hàng phở tươi. Phở thuộc thể loại văn hóa ẩm thực đa văn hóa, thuyền nhân với nhân tâm tùy mạng mỡ, cứ mặc tình hoang đàng, hoang tưởng mình đang ăn bánh canh giò heo cũng được hay bánh cuốn nhân thịt nhúng nước lều bều cũng chả sao. Một ngày cô con gái vén quần lên tới tận bẹn, đang hở lưng phơi rốn thái bánh phở, bà mẹ răng đen mắng xa xả: “Cha bố cô nhá, đã nàm thì nàm thật, chứ đừng nàm nấy nệ, trông ngứa mắt bà nắm”. Chung cuộc thì gã bắt cua được ếch, thế nhưng ngu lâu đần dai cách mấy, gã hiểu ra “em” là…Bắc kỳ hai nút.

“Tưởng tượng ta về nơi bản trạch – Bãi bùn trơ trẽn thủy triều lui”, thế là con còng chui ra khỏi hang bò quanh quẩn “Truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên…”. Bởi nhẽ có gì đó từ cội nguồn kêu réo gã về cái thời buổi Bắc kỳ 9 nút với “ri cư” có câu dân gian “Bắc kỳ ăn cá rô câyĂn nhằm lựu đạn…chết cha Bắc kỳ”. Gã theo ngọn cỏ gió đùa lớn lên từ mắm tôm qua canh chua nấu với…rau muống. Giá sống ăn với…bún riêu. Đi lính nhậu bia với ché chấm…xì dầu. Hiểu theo nghĩa nhân gian là từ tấm bé, gã tứ bề thọ địch với Nam kỳ nên nhằm nhò chi ba lá hẹ cho mãi đến ngày luân lạc vào đảo hoang, và chuyện dây cà ra dây muống là nghếch ngáo…gặp người, người và gã cùng một lứa bên trời lận đận này đây.

Nói cho ngay em là người muôn năm cũ, tàn dư của cuộc chiến tranh Nam Bắc còn rơi rớt lại. Cứ theo binh pháp thì em thuộc diện ngực tấn công, mông phòng thủ. Không…vật vã như đạn 105 ly, mà chỉ bằng…trái lựu đạn M26. Ấy vậy mà tất cả những dư thừa phía trước rất…xung kích. Những gì bè bè, hây hẩy phía sau rất…đặc công. Cơ bản thì phần ngoại vi có nhiều khiêu khích đáng nể. Hồi tưởng một thoáng mây bay với mưa gió bão bùng, em bị say sóng, lên cơn động kinh đến phát khiếp. Gã ngỏa nguê nhìn xuống ngực em: Chật chội, choáng ngộp. Gã phăm phở với cái buổi ban đầu lưu luyến ấy: Em thô, em khô. Nhưng gã phát hiện em nồng ấm, ướt đẫm nước mưa thật hoang dại và…hoang sơ. Em có kiểu nằm hơ hớ nhiều ái ngại. Lúc em rọ rậy, sặc sừ thấy rõ, người mướp máp, ngực mông thây lẩy. Gã quanh quái, phất tay đuổi ruồi: “Báu gì ngữ đấy, con gái gì đâu mà cái tướng trùi trụi như…con trai”.

Sau này đối tác rồi, gã lôm côm: “Hàng họ gì đâu cứng như…gỗ tạp”. Em nỏ mồm: “Ối giời! Ai bảo liếc. Đây đâu có nhờ ai liếc”. Em chanh chua: “Đây cho liếc là quí đấy”. Em xỉa xói: “Rõ dơ”. Em lộ rõ cái đanh đá cá cầy, cái điêu ngoa của gái Bắc. Ấy là chưa kể thể hiện bàng bạc qua em cái cốt lõi ăn nói tùng tục nhà quê đặc, đi đứng…điêu đứng thấy muốn nổ con ngươi. Vậy mà gã chịu đèn mới đau. Nói chung là tốt, có chuyện tình nào hiện thực hơn là một quản giáo như gã được…quản lý đời em. Và hiện tượng hơn là trông tướng tá em gồ ghề như thế, nếu như em là…cán binh gái thì có thể viết thành truyện tình thời chiến được chứ đâu có bỡn.

Trong thời chiến gã ăn nói năng nổ…nổ như tạc đạn cũng có đấy, nhưng sự thể gã vẫn còn là tân binh. Hiểu theo nghĩa không có kinh nghiệm chiến trường, mà bài học căn bản đoạn trường chiến binh với di hành là mìn bẫy. Lạng quạng nó nổ một phát miểng văng tứ tung từ chết đến bị thương. Nên gã cứ ngó chừng em, mớ thịt bụng cứ bì bì ra chẳng giống như cái bong bóng lợn tí nào. Thế nên một chiều trên bến nước gã và em ngồi bó gối trên đụn cát như bị du kích đắp mô. Chợt có đàn chim biển kêu “quạc, quạc”. khiến gã quay quắt đến tiếng gà gáy trưa “tác tác” qua câu…không bị chẹt xe thì cũng có đứa chửa hoang này kia, kia nọ.

Máu đề-lô pháo binh nổi dậy, gã bắn trái khói đầu tiên điều chỉnh mục tiêu tác xạ:

– Phấn đấu đến đâu rồi?

Em ngay đơ, dĩu mỏ:

– Lính phòng không.

Chết mẹ! Gã dấu biến mặt ra bãi vắng biển xa. Em thăm chừng:

– Ngáo gì thế anh giai?

Gã đờ đẫn như người mất hồn:

– Anh nhớ bố anh.

– Bố anh?

Và gã cũng thăm dò như em, gã tậm tịt xa vời:

– Bố anh dặn dò lỡ khi mai này mà chẳng may gặp đằng ấy. Thì ráng nhớ nằm lòng: “Con ạ, cuộc tình con người ta như canh sóc đĩa, khi lật bát lên mới biết chẵn hay lẻ, sấp hay ngửa.”

Gã gần gũi và bâng quơ với mây trời sóng nước:

– Đằng ấy biết chơi sóc đĩa không?

– Chơi..! Còn phải hỏi, mà hỏi…chơi hay thật?

Gã động não, ỡm ờ động tình:

– Thích sấp hay ngửa.

Im ắng. Tĩnh lặng. Em lặng lờ thả mắt về một bến nước…Nước thủy triều dập dờn. Từng đợt sóng này…đè lên lớp sóng kia. Em như hiểu ra, vả vào miệng gã cái bốp:

– Ôn vật gì đâu! Nỡm ạ.

Với con gái Bắc: “Nỡm ạ” là chịu đèn, là yêu nhau chí chát không biết để đâu cho hết. Buồn ngủ gặp chiếu manh, máu đề-lô rậm rật trong người, ngón tay gã chấm tọa độ kích động tác xạ… Em giẫy nẩy lên như bị cù nách, cười khục khặc như chó gậm xương, kêu toáng lên:

– Rõ khỉ. Hủ nút vừa chứ.

Chưa kịp bú mồm, chẳng kịp đánh chiếm mục tiêu vì chả hiểu hủ nút là khỉ mốc gì nên đành phải vác xác, vác chiếu về. Tối đến ngụp lặn với gái thở dài, trai nằm sấp, thân xác gã vật vã với câu đồng dao của một thời chinh chiến “Hỡi anh xạ thủ đồn xa – Nếu anh rót pháo chừa nhà em ra”. Gã ngất ngư ứ hự tới khuya câu hát: “Chị em du kích giỏi thay – Bắn máy bay Mỹ rớt ngay…cửa mình “. Sáng ra, gã thấy đường mưa ướt đất với cửa ngỏ ướt đẫm…Tỉnh dậy gã dầm dề bức xúc: Gã thấp, lùn. Em mặt dài, cũ kỹ. Gã pháo binh chưa…pháo quả nào. Em phòng không lại…phòng không đơn chiếc. Như có duyên kỳ tích với giầy dép còn có số nên gặp nhau, lấy nhau là đúng chỉ tiêu rồi, còn vớ vỉn chó gì nữa…người ơi.

***

Đêm tới…Hai cái ghế bố bên kia kê sát nhau như hàng rào phòng thủ, đến đặc công muốn bò vào cũng banh xác. Vì bà mẹ đang ôm em như ôm súng sơn pháo ba càng và đang dò la:

– Thằng ấy thế nào vẩy?
– Thằng nào?
– Thằng vẫn tí toáy với mày ấy.
– Làm gì có.
– Mày náo. Tao biết cả dồi.
– U biết, sao còn hỏi tôi?
– Đồ chết bầm! Coi chừng thầy mày gọt đầu bôi vôi đấy.

Em nằm ườn ra. Bà mẹ dỗ dành:

– Nói đi. Nó thế nào?
Em tấm tức:

– Nó nói thương tôi.
– Nói thối inh. Nhà nó kìa?
– Ngụy.

Bà mẹ gắt:

– Biết dồi. Thầy u nó cơ?
– Bắc “ri cư”, năm nhăm tư.
– Tên nó là gì?
– Cu.
– Hả? Tên nghe nạ!

***
Chiều hôm sau, cũng ở cái cồn cát đắp mô, đắp ụ như mả Đạm Tiên. Học mót bà cụ, gã cũng tìm hiểu thêm về em. Kiểu tìm hiểu dấm dớ bờ bụi trong một ngày ngứa ngáy:

– Bố?

– Bố anh hay bố tôi.

– Còn ai trồng khoai đất này. Bố em.

– Dào ôi! Vẽ! Đây gọi là thầy.

– Ừ thì thầy. Ngỏm chưa?

– Hỏi như cứt ấy. Thối mồm vừa chứ.

Rồi em tháo ống cống, thổ lộ tâm tư:

– Cái giống đàn ông gì mà chán cơm nguội chỉ thích ăn phở.

Bỗng khi không cái lưỡi đá cái miệng, gã nuốt…bánh phở không kịp:

– Thích nhể.

Em ba máu sáu cơn:

– Đang điên tiết đây! Đàn ông gì mà nhắm chuyện…

Nghe chua thật, gã vặn óc nghĩ không ra bố em hay gã nhiều chuyện đây. Nhưng gã hiểu là bố em đang ở đâu đó bên kia biển và đang…ăn phở. Gã cũng hiểu mù u là từ giờ trở đi đến trót đời, với em: Gã chỉ được…ăn cơm nguội.

Nhưng ấy là chuyện thương gặm xương chẳng được…mãi tít tìn tịt, tít mù sau này.

***

Sau khi kéo pháo, vác “lính phòng không” sang sông vào một ngày không mưa thì nắng rồi. Rồi thì đũa có đôi nồi có rế, thế nên gã chẳng quên địu theo cái nồi để góp gạo thổi cơm chung. Gặp buổi tửu lạc vong bần, vớ được tôi như xẩm vớ được gậy, gã rỉ rả nhỏ giọt thêm chuyện gia cang, gia thế nhà gã như thế này đây:

“…Năm đầu, nhằm ngày Tết, gã định đóng thùng gửi ít quà cho ông bố vợ. Dẫu gì ông cũng có thằng rể là một pháo đội trưởng, xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài tan vang danh một cõi. Vợ gã cau cảu rằng ông cụ đang khật khừ, nghe tin lấy Ngụy nhỡ lăn quay ra thì đổ nợ. Vì vậy từ ngày qua đây, gã chả liên lạc gì sất, mọi sự trôi theo thời gian vỗ cánh như quạ bay vì cơm áo gạo tiền. Ba sinh hương lửa được ít lâu, vợ gã đột ngột bị bạo bệnh, rồi nhắm mắt buông xuôi từ giã cõi trần cưỡi hạc về trời.

Gã hụt hẫng, buồn vô tư. Ông bố vợ cũng chẳng hay vợ gã không còn có mặt trong chốn dương gian này nữa. Nói cho cùng, muốn liên lạc với ông, gã có nhiều cách. Nhưng chuyện là làm thế nào được với 20 năm chiến tranh, ông và gã chẳng có gì để mà chọn lựa, không đứng bên này thì cũng bên kia. Tàn cuộc binh đao, kẻ Bắc người Nam chưa một lần gặp mặt, một già, một trẻ qua thư hay điện thoại cũng khó ăn khó nói. Trôi theo dòng thời gian, ông cụ cứ thế đi vào tha ma mộ địa, gã cũng cuốn theo chiều gió…theo tiệm phở vợ gã để lại cho gã. Nói xa nói gần chẳng qua nói thật là gã không gần gũi lắm với ông cụ như…bà cụ bây giờ.

Bà cụ mọi ngày bà rằm cũng ừ mười tư cũng gật, ấy vậy mà một hôm vừa bước ra cửa, gã thấy bà lặng lẽ bên mảnh vườn và lâm râm một mình: “Năm nay dám mất mùa cà. Giờ chưa ra hoa mát trời sợ hỏng.”. Gã vun chuyện cho có chuyện: “Hồi trước, lúc nhà con còn sống cũng vậy đó bà.” Bà hỏi lại: “Thế hồi trước cũng mất mùa à? U chẳng nhớ đâu đấy.” Rồi bà râm ran, “Ở cái nhà này đáng nhớ nà con gà, quên nà quả cà, hay nhẩy!”. Gì mà có chuyện gà qué ở đây? Gã lấy ghế ngồi gần, bà cụ với tay cái giỏ mây gần đấy, têm trầu, miệng nhai bỏm bẻm.

Khi không bà âm í nước mắt ngắn dài kể lể…

Chuyện sau này gã kể với đầu cua tai nheo, bà cụ lại ngọng líu ngọng lo. Nên tôi sắp xếp lại vắn hai dài một như thể như thế này đây cho văn vẻ, dẫu gì cũng là truyện viết:

“…Anh không hay đấy chứ, chứ trưa cái ngày ba mươi tháng bốn…cái Gái, vợ anh ý mà, em nó đang ở khẩu đội phòng không bảo vệ tỉnh thì nghe tiếng loa qua đài: “Bộ đội ta vào tới Sài Gòn rồi…”. Em nó kể sau trận đánh Buôn Mê Thuột, lính cơ động phòng thủ tỉnh làm một áp phích nhớn vẽ bản đồ những tỉnh miền Nam ở cổng ra vào. Mỗi khi được tin bộ đội ta giải phóng thêm tỉnh nào thì lập tức được ghim một lá cờ đỏ sao vàng.

Bây giờ nghe rõ mồn một rồi, em nó mừng quá đi. Vậy là hết đánh nhau, thầy cái Gái không còn phải chiến đấu trong chiến trường B dài nữa. Em nó phóng nhanh xe đạp về quê báo tin cho u biết. Nghe thế, u lấy ra tấm ảnh đen trắng chụp thầy và anh của em nó xem lại. Trong ảnh, ông ấy mặc bộ đồ bộ đội đang đóng quân ở Căm Bú Chia. Còn ảnh chụp thằng anh của em nó hồi còn nhỏ đã ố vàng. Năm 54, chả biết vụng tính vụng suy thế nào chả biết nữa, nhà có hai anh em, thầy u lại để thằng anh cái Gái theo gia đình bà sím của u “ri cư” vào Nam bộ. Dào, ngày ấy u nhớ thằng cả đến đứt ruột, đứt gan ra, anh ạ…”.

***

Và tiếp:

“…Từ quê lên Hà Nội rồi vào đến Nam bộ, mẹ con u tìm ra thầy cái Gái chả khó khăn mấy. Chưa hết mừng mừng tủi tủi thì ông ấy cho hay thằng anh cái Gái cũng học trường bộ đội Thủ Đức như anh ý mà. Rồi đi lính thủy đánh bộ Ngụy, đóng đến quan hai, sau mất tích ở đâu chả biết nữa. Ông ấy đi tìm khắp nơi, từ nhà thương, nghĩa trang, viện phục hồi, trại cải tạo…”.

Nhắc đến ông cụ. Gã chỉ biết mù mờ chuyện cơm nguội với phở nên hỏi sao cụ không đi:

“…Anh hỏi, xấu che tốt khoe u cũng chả dấu gì, bóc ngắn cắn dài thì thầy cái Gái chẳng phải phường được chim bẻ ná, được cá quăng tôm hay tham đó bỏ đáy đâu. Xa nhà lâu ngày ông ấy có chim chuột cũng chẳng lạ gì, bóc áo tháo cày thì đàn ông như cái nơm, bạ đâu úp đấy thì anh còn lạ gì nữa, mà u già rồi còn ghen tương gì nữa. Ông ấy ở lại vì hy vọng tìm thấy thằng anh cái Gái còn sống ở đâu đó. Riêng vợ anh chả giận lẫy gì thầy em nó đâu, ai đời nước mắt chẩy xuôi chứ đâu chẩy ngược, thế đấy…

Để u kể cho anh chuyến vào Nam, hai mẹ con quá giang xe tải Molotova qua cầu sập, đường sá bị bóc từng mảng. Thấy người dân thiếu thốn lộ rõ qua quần áo, chợ búa. Miền Bắc như vậy thì miền Nam chắc chắn phải nghèo khổ hơn vì chiến tranh do đế quốc Mỹ để lại. Nhưng vào đến Sài Gòn, hai mẹ con u bấm tay nhau nhìn phố phường, xe cộ nhan nhãn như mắc cửi, nhìn mà chóng cả mặt, hơn hẳn Hà Nội nhều. Bấy giờ mẹ con u mới mở mắt ra, cứ nghe họ tuyên truyền thì cứ đổ thóc giống ra mà ăn. Mươi năm đầu giải phóng, họ đồn đãi đang khó khăn, mẹ con u nghe mà sốt cả ruột gan. Thế là cái Gái xin thầy em nó vượt biên.

Cũng phải nhúc nhắc thôi anh ạ, chứ sống như thế này bao giờ mới mọc mũi sủi tăm lên được. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, cái Gái tính thế cũng phải, phải không anh. Sau gặp anh, em nó vắn số bỏ anh mà đi, u cho là tại ông giời cả. Giời có khi nắng khi mưa, nước có lúc đục lúc trong, có sao u nói vậy, anh còn trẻ hay là anh đi bước nữa, u nói thật đấy. U già rồi, chẳng sống được bao lâu nữa…“

Gã chưa kịp hỏi han thêm vì phải cố sang cái tiệm phở trong ngày hôm ấy. Thế nhưng với câu gở miệng “U già rồi, chẳng sống được bao lâu nữa…“ như có cái điềm báo trước, hay “Anh còn trẻ hay là anh đi bước nữa” như một lời trối trăn. Tuần sau, chỉ một cơn cảm xoàng như mưa bóng mây, bà cụ mất. Vì lu bu công chuyện, gã không nhập tâm chuyện cụ kể cho lắm. Ma chay xong, gã hồi tưởng lại chuyện cụ có khúc ông anh vợ gã học trường bộ đội Thủ Đức.

Gã nói gã quên khuấy không kể cho tôi nghe lúc ông thủ trưởng trại hỏi gã học lớp mấy. Ông còn hỏi gã có quen ai là “lính thủy đánh bộ” không? Gã bắt qua chuyện thằng bạn thủy quân lục chiến viết Tháng ba gẫy súng với bố của bạn gã từ Hà Nội vào tìm thằng con trong tù:

“…Rồi buổi chiều tối, hai bố con ngồi nói chuyện với nhau. Tôi đã hơn 30 tuổi, đây là lần đầu tiên, hai bố con mới thật sự được nói chuyện với nhau. Ðủ thứ chuyện lan man, nhưng tôi nhớ nhất câu hỏi của bố. Ông vừa cười vừa hỏi: “Mày ghét Cộng Sản lắm hay sao mà đi cái thứ lính ác ôn này?” Tôi nói: “Ghét thì con không ghét, có thù oán gì đâu, nhưng gặp đâu thì bắn đó” – “Thế mày bắn cả bố mày à?…”.

Và gã ớ ra: Hai bố con gặp nhau trong trại cải tạo? Như có linh tính, gã vội vào phòng bà cụ lục lọi cái thùng cũ trong tủ quần áo. Gã tìm được cái ảnh trắng đen “thầy của cái Gái”. Nhiều khi cái mũi ngay trước mắt không nhìn thấy, mà chả cần nhìn kỹ vì cái kim trong bị vải lâu ngày cũng lòi ra và lòi tói ra là ông…ông thủ trưởng xưa cũ của gã với cặp lông mày chữ nhất như dính vào nhau. Với cái bật lửa Zippo khắc huy hiệu Thủy quân lục chiến của ai đấy mà bây giờ ông còn giữ như giữ mả tổ. Gã lặng người cả một hồi lâu, tất cả như một cuốn phim quay chậm càng lúc càng hiện ra rõ nét: Ông chú gã lui tới văn phòng trưởng trại nhăm thì bẩy lượt. Gã được về phép ăn Tết. Rồi buổi sáng vượt biên. Khúc phim đen trắng càng lúc càng rõ dần:

“…Sáng hôm sau, trời còn tối đất, mẹ gã gọi dậy, sì sầm vào tai gã: “Con phải vượt biên ngay…”. Gã dụi mắt, …bên kia con ngõ có một quán cà phê…Quán chưa đỏ đèn…có một bóng người ngồi đấy đang cúi xuống mồi điếu thuốc, ánh lửa lóe lên trong tranh tối tranh sáng…”.

Rồi quanh quéo ở đầu sông cuối bãi gã gặp vợ gã. Thôi rồi, chạy trời không khỏi nắng, không ngoài ông bố vợ thủ trưởng gã đan lồng nhốt kiến chứ còn ai trồng khoai đấy này.

***

Gã kể những mẩu chuyện đứt quãng ấy cho tôi nghe trong khoảng trên dưới mười năm.

Ấy là chưa nói đến giữa truyện viết và chuyện kể thường có một khỏang cách không thể tránh là hư cấu và hoang tưởng. Mà dẫu hư cấu thế nào đi chăng nữa, “chuyện kể” vẫn có đó, còn đó. Dù rằng hoang tưởng cách mấy thì “người kể chuyện”…là gã vẫn còn đây với ngày tháng đong đưa. Tôi vẫn gặp gã, thường là rủ nhau nón lá áo tơi ra quán chợ, trơ vơ trên bến nước sông đầy, nhưng chẳng có gì để nói ngoài chuyện mới hôm nào đây gã ậm ừ cho hay sắp về thăm thú quê nhà. Ăt hẳn không ngoài chuyện nón không quai như thuyền không lái đây, thế nên tôi chắc mẩm để…cưới vợ, nên chẳng buồn hỏi. Vì nhẩm chừng chẳng chóng thì chầy, ba bẩy hai mươi mốt ngày là đường ai nấy đi ấy thôi. Nên hỏi làm gì cho rách chuyện.

Và gã trở lại lúc nào tôi cũng chẳng hay…Chợt nhớ ra thằng bạn đời vẫn còn sống nhăn ca/p đất, tôi ghé nhà để ôn lại những ngày mưa gió cũ, những chiều quán trọ, những đêm say. Bấm chuông, mở cửa, dợm bước vào…Từ căn phòng sát đấy: Tôi thoáng bắt gặp một bóng người khuất sau cánh cửa, dáng người lom khom, già lão, quần đùi áo may ô.

Trong một thoáng giây: Tôi có linh cảm ông này đây là…ông bố vợ gã.

Bèn hỏi cho ra nhẽ? Gã đáp cụt ngủn: “Mới qua chơi ít lâu rồi về”. Rồi thôi. Thôi thế nào được, ít lâu sau, tôi kiếm cớ tạt qua xem sao, khi làm một hai hồ trường, lúc dăm điếu thuốc.

Vẫn bắt gặp ông chập chờn sau khe cửa, như không có mặt trong cõi người ta…

***

Bẵng đi một thời gian khá lâu, khi nào không nhớ…Ông trở lại cái đất tạm dung này thăm gã thêm một lần và còn nhiều hơn nữa thì phải…Ghé nhà gã, nhìn mãi thành quen thuộc, ăn như cũ ngủ như xưa vẫn bóng dáng ấy, ông vẫn vật vờ trong căn phòng cô quạnh như một cái bóng…Và tôi chỉ trộm nghĩ trẻ dôi ra, già rụt lại là thế đấy, như thế đó, chả biết có đúng chăng?

Nhằm một ngày giữa năm, tôi lững thững ra phố chợ xem anh em cựu quân nhân về họp mặt. Giữa cờ xí lộng gió, trong cái mênh mang của bóng đêm qua tiếng kèn âm ỉ, âm hưởng u uẩn của bài Chiêu hồn tử sĩ , âm vọng “hồn tử sĩ gió ù ù thổi” mang mang trong một cõi đi về. Dưới bục hội trường, thấp thoáng qua ánh đuốc bập bùng, gã gọn ghẽ trong bộ đồng phục sinh viên sĩ quan Thủ Đức mầu vàng, đầu đội mũ lưỡi trai, vai đeo “an-pha”, tay mang găng trắng.

Trời đất vào khuya, ánh trăng vàng ệch nấp sau áng mây èo uột. Ông ẩn mình sau hàng cột dưới mái hiên, và đang lặng lờ bồi hồi nhìn gã. Dường như u kín trong ông đang có vơi, có đầy về một hình bóng ai đấy đã xa vắng ngày nào qua gã. Trong ông ngập đầy những hòai niệm từ khắp nẻo đường nỗi nhớ. Ông đang đi tìm một khuôn mặt xưa cũ đã qua mau, qua giải mây mầu nước gạo phảng phất như sương khói đang trôi đi. Chỉ còn để lại một mảnh trăng khuyết!

Và ông quyẹt cái bật lửa Zippo đốt một điếu thuốc…

Thạch trúc gia trang

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

(viết xong năm Nhâm Thìn 2012

rà soát lại năm Giáp Ngọ 2014)

Nguồn: Hà Thúc Sinh, Dương Phục, Huỳnh Thạch Thả, Cổ

Ngư, Phạm Thắng Vũ, Nguyễn Hữu Huấn, Phạm Tín An

Ninh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Thị Thảo An, Lâm Chương.

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search