T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 120)

clip_image001

Thơ vô thức (4)

Đối với việc trước tác, khi muốn dựng lên một hình ảnh nào đó, điều trước tiên, ta cần chứng minh tài năng và bản lãnh của mình. Dư luận sẽ công bình phán xét. Ta không nên theo thói thường, phải “đạp đổ” một cái gì đấy xuống… Điều gì thật sự hay đẹp, tự nhiên sẽ được chấp nhận. Gần đây, một số người cố tạo ra những cuộc “gây hấn” lớn. “Gây hấn” là một điều cần thiết để cải thiện. Nhưng, không phải vì thế mà chúng ta, để tạo sự chú ý, cần chăng, ví dụ, đem truyện Kiều… và cụ Nguyễn Du ra ‘tra tấn’.

Cũng gần đây, tôi (Nhược Trần) thấy trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam, không ít người chạy theo một trào lưu mới đề cao và ưa chuộng thể “thơ vô thức” (?). Trong dư luận đa số độc giả biết thưởng thức thơ đều cảm thấy ngột ngạt khó chịu, mỗi khi bắt gặp những thể loại thơ này đăng nhan nhản trong các tạp chí Việt ngữ. Những sự ghép chữ gượng gạo. Những câu văn xuôi bị cắt ra từng đoạn, phẩy, chấm xuống hàng. Những bài thơ không thật, vô nghĩa và trống rỗng.
Thơ giống với hội họa ở ý nghĩa và tác dụng nghệ thuật nội tại, nhưng khác ở cách thể hiện. Tranh trừu tượng, tranh biểu tượng… có thể được thực hiện bởi vô thức hay tiềm thức. Nhưng trong thơ không thể có những thứ ngôn ngữ hỗn loạn được gọi là vô thức hoặc bí hiểm siêu hiện thực. Ý tứ của câu thơ có thể chuyên chở những tư tưởng lớn, những ẩn dụ, những ý nghĩa tiềm tàng của tiềm thức hay vô thức thông qua ngôn ngữ nhiều hình tượng, nhưng ở một người có tâm lý “bình thường”, khi sáng tác không thể ít nhiều không chú tâm đến những qui luật về ngữ pháp. Nói tóm, tôi khuyến khích những tìm tòi, những thể nghiệm siêu thực, nhưng hoàn toàn phủ nhận những thái độ làm dáng ngụy tạo và những sự lạm dụng quá đà. Trò chơi chữ nghĩa thật bao la vô tận, ta không nắm bắt được nó, nó sẽ hốt hồn ta mất.

(Nhược Trần – Về chuyện mới cũ)

Bút ký, ký sự đầu tiên

Có thể nói Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác là người đầu tiên viết ký sự hay bút ký đầu tiên trong văn học nước nhà. Là danh y đất Hương Sơn, Hà Tĩnh, năm 1782 thời vua Lê chúa Trịnh, ông nhận được lệnh triệu về kinh đô Thăng Long chữa bệnh cho Trịnh Cán con của Trịnh Sâm gần một năm.

Năm 1783, ông viết xong “Thượng kinh ký sự” ghi lại tỉ mỉ chuyến đi. Tập ký ấy là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá cho sử học, xã hội học thời bấy giờ.

(Hải Thượng lãn ông: Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương (quê nội) và phủ Thượng Hồng, xã Bầu Thượng (quê ngoại). Còn “lãn ông” là “ông lười”, ngụ ý…lười biếng với phú quý công danh)

(Thành Viên – Vietpen.net)

Trẻ già chốn chốn đều nghe lệnh

Làng nước ai ai cũng cứ lời

(Lê Thánh Tôn)

Đầu thế kỷ 20, thằng Mõ còn mang tên là mộc đạc, rồi đạc phu.

Mộc đạc nguyên nghĩa là cái chuông bằng đồng, có quả lắc bằng gỗ. Ngày xưa dùng “mộc đạc” để đánh hiệu vào học. Do đó người ta gọi thầy học là mộc đạc (Đào Duy Anh), hoặc đạc tư (Thiều Chửu), thầy giảng đạo gọi là đạc đức (Huỳnh Tịnh Của).

Ta có thể suy ra rằng ngày xưa mõ làng còn dùng chuông, trước khi dùng mõ.

Đầu thế kỷ 20, trong sách vở chưa có tên thằng Mõ. Ngược lại chữ mõ (chuông mõ) đã có mặt và được định nghĩa là đồ dùng làm hiệu lệnh, bằng bộng cây hoặc bộng tre. Chuông mõ là tiếng gọi chung đồ dùng của thầy chùa (Huỳnh Tịnh Của).

Cái mõ xuất hiện trước thằng Mõ. Nhưng có thể nào cho rằng gọi là thằng Mõ vì nó gõ mõ không ? Chắc chắn là không vì chẳng có ai dám gọi nhà sư là thằng mõ.

Muốn tìm nguồn gốc chữ Mõ chúng ta hãy tìm hiểu chính thằng mõ.

Phần đông mõ làng là những người tha phương cầu thực, từ chỗ khác tới làng kiếm ăn. Bị mọi người khinh rẻ. Chỉ cần nói thằng mõ, ai cũng biết nhân vật được nói tới.

Sách vở xưa dùng chữ “mỗ” để gọi những người không biết tên. Chữ mỗ là đại danh từ không chỉ rõ cái gì, người nào. Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, đưa ra một loạt các ông bà Mỗ : ông liệt sĩ Mỗ (họ tên chưa thể tra xét được). Thầy địa lý Tả Ao là ông Mỗ, người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ông thượng thư Nguyễn Văn Giai thuở nhỏ học ông Thái học sinh Mỗ.v.v..

Có thể cho rằng chữ Mõ, chỉ một người không tên tuổi, là từ chữ Mỗ mà ra.

Mời ai, tìm ai, tiếng Hán việt là “Mộ”. Chữ “mộ” có thể chuyển qua chữ nôm thành “mõ”.

Mõ là người đi mời (mộ) làng nước. Về sau các đồ vật được mõ dùng, hoặc các đồ vật được dùng để làm hiệu lệnh, để rao gọi, đều được gọi là mõ. – điếm làng có cái mõ cá làm bằng đá tạc hình con cá. Tấm sắt cầm canh (chữ Hán Việt là thác) cũng được gọi là mõ canh. Nhà sư lúc tụng niệm chú tâm dùng mõ làm hiệu lệnh, giữ nhịp.

Bài thơ Vịnh cái mõ của Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu: Điêu đẩu thiên cao dạ chuyển canh”. nghĩa là Trời cao, tiu kẻng, đêm dời canh”. Và được chú thích rằng: “Điêu là cái kẻng (xưa gọi là cái tiu), đẩu là cái đấu dùng trong quân binh để đong gạo nhưng cũng dùng để gõ làm hiệu lệnh. Điêu và đẩu đều dùng như kẻng và mõ trong quân binh”.

Tóm lại, thằng Mõ, người đi mời mọi người trong làng, là do chữ mộ (mời) hoặc chữ mỗ (không tên tuổi) mà ra. Và đồ nghề của Mõ thì được gọi là cái mõ. Cái mõ có thể được làm bằng gỗ, bằng tre, bằng gạch đá hay bằng sắt.

(Nguyễn Dư – Chim viêt.free.fr)

Ca dao, thành ngữ lịch sử

Thời Tây Sơn, hai anh em Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc suýt đánh nhau để tranh quyền, Nguyễn Nhạc yếu thế, mượn ca dao để khóc và nói với em:

Lỗi lầm anh vẫn là anh

Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em

***

Thời nhà Nguyễn, vua Tự Đức giết anh là Hồng Bảo để củng cố ngai vàng của mình, quan triều Nguyễn là Nguyễn Hàm Ninh mượn câu thành ngữ “răng cắn lưỡi” làm một bài thơ tiếng Hán. Trong bài thơ quan không nhắc đến “răng” và “lưỡi”. Nhưng vì trong bài thơ có câu: “Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình”. Vua Tự Đức vì thấy bài thơ…hay.

Nên mỗi chữ thưởng cho…một roi.

(Nguyễn Tử Quang – Điển hay tích lạ)

Chữ đại hay chữ thái?

Tương truyền thuở nhỏ, một hôm cậu bé Lê Quý Đôn cởi truồng đi tắm với các bạn. Có một vị quan Thượng thư đồng liêu với cha (là Lê Trọng Thứ) tới thăm, hỏi đường đến nhà. Cậu liền đứng dạng chân và dang tay ra bảo quan Thượng:

Nếu ông biết được cháu đang ra dấu chữ gì, cháu sẽ chỉ nhà cho.

Quan Thượng bực mình nói:

Trẻ con đừng hỗn láo. Mày mới học lỏm được chữ “đại” mà đã dám đi trêu chọc người rồi.

Cậu cười to:

Thế thì ông không biết chữ thật! Có cái chấm ở dưới nữa thì là chữ “thái” chứ sao lại chữ “đại”!

(Phụ chú: Chữ thái, chữ đại giống chữ nhân, hình tượng chữ nhân là người có 2 nét xổ dang ra như 2 cái chân.

Chữ thái cùng nghĩa với chữ đại là lớn, nét giống chữ đại nhưng có một dấu chấm ở chỗ dang ngang như 2 cái chân người)

Chữ Việt gốc Tầu

Chữ Việt gốc Tầu là một đặc thù của văn hóa Đồng Nai – Cửu Long, là những chữ, mà ta dùng thẳng từ của người Tầu và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại.

Như những từ ngữ trong canh bài xì phé (bài tây) :

Tẩy – Con bài úp

Pha – Nghĩa là sợ, không thêm tiền vào nữa.

Tố – Thêm tiền vào. Hán Việt là “đa”.

Thấu cấy – Dân xì phé gọi là thấu cáy Hán Việt là “thâu kê”, diễn nôm là…ăn cắp gà.

(Lê Ngọc Trụ – Tầm nguyên tự điển Việt Nam)

Hà Nội 36 phố phường

Các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều kết luận khác nhau về phố phường của Hà Nội.

Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi viết về kinh đô như sau: Từ Lý đến nay, có 2 huyện, 36 phường. 2 huyện là Thọ Xương và Quảng Đức, mỗi huyện có 18 phường.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” Kỷ nhà Trần: năm 1230 định các phường về hai bên tả hữu kinh thành, bắt chước đời trước chia làm 61 phường

Sách “Làng xóm Việt Nam” Ngày xưa, ở Hà Nội có rất nhiều phường, và mỗi phường ở một khu, sau biến thành phố, và những phố này thường chỉ gồm những người cùng làm một nghề hoặc cùng bán một loại hàng. Hà Nội trước thời Pháp thuộc có 36 phố phường, với 36 nghề.

Hoàng Đạo Thúy viết trong “Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội” Thăng Long đời Lý đã có tới 61 phường. Đến đời Nguyễn, trước thời Pháp thuộc, Hà Nội gần giống ngày nay: Tuy gọi là ba mươi sáu phố phường nhưng thật ra thì có nhiều hơn.

Tác giả đưa ra một danh sách hơn 60 phố.

Trễ nhất là từ đầu thế kỷ 20, hai tiếng “phố phường” được hiểu, được dùng để chỉ phố xá (Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị).

Cụm từ “Hà Nội băm sáu phố phường” được nhiều tác giả mà điển hình là Thạch Lam dùng để chỉ thành phố Hà Nội.

(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Chính sử, ngoại sử

Sử Việt chia làm hai phần:

Phần chính sử hay là bản kỷ.

Phần ngoại sử hay là ngoại kỷ.

Trong phần ngọai kỷ gồm những chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, huyền thoại. Tất cả đều là hư cấu, hoang đường.

(Lê Đình Châu – Thần tổ kép của dân tộc Việt Nam)

Ca dao

Thành ngữ điển tích của Trịnh Văn Thanh định nghĩa ca dao:

Ca: câu hát có khúc điệu.

Dao: câu hát không thành khúc điệu.

“Có khúc điệu” với “Không thành khúc điệu” ?!?!

Tục ngữ Ta và Tầu

Khôn cũng chết, dại cũng chết

Thân đầu nhất đao. Xúc đầu nhất đao

(Vươn cổ, cho một dao. Rụt cổ cũng một dao)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

Bài Mới Nhất
Search