T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: Tổ Quốc Lâm Nguy – Người Công Giáo Việt Nam Nhận Trách Nhiệm Lịch Sử

images

Ảnh (Internet)

Tôi sinh ra là người Việt Nam. Sau khi sinh, tôi được bố mẹ ẵm vào nhà thờ để được rửa tội, vì làng quê tôi là xứ đạo gốc, có lịch sử khoảng 200 năm và có một linh mục tiên khởi bị bắt vì đạo năm 1860 tại Hà Thao Ngoại và bị xử trảm ngày 25-3-1860 tại Hà Đông. Bởi vậy, tôi vừa là công dân của một đất nước tại thế vừa là công dân của Nước Trời, thuộc Siêu nhiên.

Vậy hai thực thể này có mâu thuẫn nhau không? Làm thế nào, tôi vừa thi hành bổn phận của một công dân Nước Trời, vừa thi hành bổn phận của một công dân tại thế?

Không! Hoàn toàn không. Tôi không chọn cho mình một tổ quốc, một xã hội để sinh ra. Thiên Chúa đã đặt để tôi tại đây trên mảnh đất hình chữ S, có một lịch sử 5.000 năm, một nước văn hiến, một nền văn hóa nhân bản, thuận hòa. Trên thuận với trời, dưới thuận với đất và con người ở giữa làm mối trung tâm giao hòa giữa trời và đất. Từ nguồn gốc Kitô giáo, tức Kinh thánh và nhất là các sách Tin Mừng còn có tên là Phúc Âm, đã soi sáng tôi hiểu thêm về một giá trị tinh thần khác, đó là nhân bản Kitô giáo, một nền nhân bản hoàn hảo vì nó bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch mọi sự thánh thiện và tốt lành. Khi tôi thực thi giá trị này trong cuộc sống tại thế của tôi, thì tôi thấy những việc làm của tôi, dù là nhỏ bé và tầm thường, nó vẫn có một giá trị không do người đời đánh giá mà do Thiên Chúa nhìn thấu vào tâm can tôi, bởi Người biết tôi làm những việc ấy không phải để phô trương hay vì đồng tiền, nhưng “vì lòng mến”.

Giáo lý của Hội thánh Công giáo nói rằng: “Đời sống xã hội trước hết phải được coi là một thực tại tinh thần. Thực tại này bao gồm việc trao đổi các kiến thức trong ánh sáng chân lý. Thực thi các quyền và chu toàn các bổn phận, cùng nhau tìm hiểu sự thiện hảo luân lý, chung hưởng cái đẹp thanh cao dưới mọi hình thức chính đáng, luôn sẵn sàng chia sẻ cho tha nhân những gì tốt đẹp nhất của mình và mong ước cho nhau được ngày càng phong phú về mặt tinh thần. Đây là những giá trị phải nuôi dưỡng và định hướng cho những sinh hoạt văn hóa, kinh tế, tổ chức xã hội, các phong trào và các thể chế chính trị, pháp luật và mọi sinh hoạt khác nữa của đời sống xã hội trong tiến trình chuyển biến không ngừng của nó.” (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1886)

Tuy nhiên, hiện tại tôi đang sống trong một chế độ không có dân chủ, không có tự do ngôn luận, tôn giáo thì phải chịu những áp chế của chính quyền. Họ phá hủy đền chùa, cưỡng chiếm các cơ sở của các giáo hội, họ triệt hạ các biểu tượng thánh của tôn giáo, như tượng Đức Mẹ Sầu Bi (Piêtà) ở Ninh Bình, Thánh giá trên Núi thờ ở Đồng Chiêm (giáo phận Hà Nội),Thánh giá tại Dòng Thiên An (Huế). Dòng Thánh Phaolô ở Hà Nội, có mặt tại đây từ năm 1883, hiện đang bị chính quyền cướp đất, hành hung, bán đất (số 5 Quang Trung, Hà Nội) của nhà dòng cho chủ đầu tư, khiến một nữ tu bề trên thay mặt các nữ tu ở đây ngay buổi đầu, mấy năm trước, buộc lòng phải lên tiếng thẳng trước mặt nhà cầm quyền, rằng tôi chết thì sẽ có nữ tu khác thay tôi. Lời lẽ này, người ta cũng nghe từ các nữ tu Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, trước việc  chính quyền thành Hồ có dự án xây dựng một đô thị mới, sẽ bán đấu giá khu vực có nhà dòng, cả nhà thờ Thủ Thiêm cùng số phận. Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tồn tại ở đây từ năm 1884.

Tiếng nói của các vị Giám mục

Trước những sự kiện như thế, người ta sẽ nghĩ gì, làm gì? Mà thực ra, đây chỉ là những việc mới nhất. Ở đây chúng tôi không muốn nhắc đến những thách đố, những khủng bố mà nhà nước CSVN đã đối xử với Giáo hội Công giáo, từ những thập niên 1940, 1954 tại miền Bắc, không chỉ xảy ra ngoài xã hội, mà người ta còn khủng bố Giáo hội qua phim ảnh, báo chí và cái gọi là “văn chương hiện thực”. Chỉ cần nhắc qua đến những sự việc xảy đến cho Giáo hội Công giáo Việt Nam, từ sau năm 1975 đến nay thôi, người ta cũng hiểu được Giáo hội Việt Nam tồn tại đến ngày nay, không phân ra làm hai hay làm ba mảnh, cũng là một vấn đề cho những ai có thiện chí và lương tâm ngay thẳng suy nghĩ, đừng vội lên án.

Vì vậy, để trả lời câu hỏi có người đặt ra: Người Công giáo có làm chính trị không? Câu hỏi này hàm ý thắc mắc là các vị lãnh đạo Giáo hội và người Công giáo đang ở đâu trên đất nước này trước tình hình đất nước lâm nguy, có thể lọt vào tay Tàu cộng rất sớm. Nếu theo mật ước Thành Đô, thì Việt Nam sẽ trở thành một khu vực thuộc Tàu cộng, như thể Tây Tạng, Nội Mông vào năm 2020, mà dự luật ba Đặc khu Kinh tế, kèm theo luật An ninh mạng là những biện pháp chuẩn bị cho thời điểm ấy.

Một vấn đề khác cũng cần nói ra, đó là Giáo hội Công giáo không phải là một tổ chức chính trị, một đảng phái tranh đấu. Nhưng:

“Do sứ mạng và thẩm quyền của mình, Hội thánh không tự đồng hóa với cộng đồng chính trị, nhưng Hội thánh vừa là dấu chỉ, vừa là người bảo vệ tính siêu việt của nhân vị. “Hội thánh tôn trọng và cổ võ tự do chính trị cũng như trách nhiệm của các công dân”.

“Hội thánh có sứ mệnh “nói lên nhận định luân lý của mình cả trong những vấn đề liên quan tới lãnh vực chính trị, khi các quyền căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi, bằng cách sử dụng mọi phương tiện và chỉ những phương tiện nào phù hợp với Tin Mừng và lợi ích của thời đại và hoàn cảnh khác nhau”. (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2245, 2246)

Căn cứ vào hai điều trên đây, rút ra từ văn bản chính thức của Hội thánh Công giáo áp dụng trên hoàn vũ, chúng tôi nhận thấy rằng các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, đang cùng lúc với hai cộng đoàn nữ tu, một ở Hà Nội và một tại Sài Gòn, và sau những cuộc biểu tình lớn tại Bình Thuận, Sài Gòn và nhiều nơi khác, số người tham gia lên tới cả 100.000 người diễn ra ngày 10-6-2018 và mấy ngày sau đó, thì tại linh địa Trại Gáo (Giáo phận Vinh) và tại nhà thờ Thủ Thiêm (Tổng giáo phận Sai Gòn), cả triệu người công giáo Việt Nam bất ngờ được nghe hai vị Giám mục đã phát đi tiếng nói của trách nhiệm, của lương tâm trước hai vấn đề trọng đại, ảnh hưởng đến sự sinh tồn và phát triển của đất nước. Đó là dự án ba đặc khu tại Bắc, Trung, Nam (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc).Vị Giám mục tại Sài Gòn là Đức cha Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám mục Giáo phận Kontum, đã nghỉ hưu, hiện cư ngụ tại Thủ Đức. Ngài giảng trong thánh lễ Kính trọng thể Chúa Thánh Thần ngày 20-5-2018 tại nhà thờ Thủ Thiêm. Ngài bảo “đừng sợ”. Chúng ta đấu tranh cho dân tộc, cho đất nước này, đấu tranh cho sự thật, cho sự sống. Tin Mừng của chúng ta có từ thế kỷ 16, tức là trước khi người Pháp đến. “Đừng sợ”!…

Không ngừng lại ở những bài giảng như thế này, Đức cha Hoàng Đức Oanh đã gửi một thư ngỏ cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ngày 16-6-2018. Chúng tôi trích dẫn một vài đoạn trong số 4 trang giấy của Thư ngỏ.

Trước hết, ngài viết:

“Tại sao lại thư ngỏ? Vì vấn đề quá cấp bách, vì hơn một lần chúng tôi gửi thư lên các vị đứng đầu nhà nước Cộng sản Việt Nam, đều không nhận được phúc đáp! Vì quốc hội hôm 12-6-2018 đã biểu quyết vội vàng dự luật An Ninh Mạng không thèm quan tâm ý dân, nên nay chỉ còn tùy thuộc chữ ký của ngài chủ tịch nước!

Tại sao dân xuống đường đông đảo để phản đối hai dự thảo An Ninh Mạng và ba Đặc khu kinh tế? Đơn giản: dân thấy hai dự thảo: một dự luật An Ninh Mạng nhằm ngu dân để thống trị, một dự luật Đặc khu kinh tế mang tính bán nước bằng cách rước giặc vào nhà. Cả hai đều lỗi thời, lạc hậu và nguy hiểm. Đứng trước nguy cơ lệ thuộc, dân yêu nước chống đến cùng! Xin ông chủ tịch cho kiểm tra lại lời phát biểu của một đại tá công an và của một nhà sư. Có đúng như trên mạng phát tán không? Nếu đúng, thì đất nước nguy to rồi! Kẻ thù ở trong nhà rồi!? Xin ông chủ tịch và toàn dân nghe.

Đại tá công an Trần Anh Huy, Long An, dõng dạc chửi: “ĐM chúng mày. Phản động hả? Tụi tao bắt hết thằng nào dám hô khẩu hiệu Tàu khựa cút khỏi biển Đông đấy. ĐM chúng mày, loài vô ơn phản phúc. Đảng và nhà nước cho tụi bay ăn học sao ngu thế. Dù sao Trung Quốc cũng đã giúp chúng ta trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, không có Trung Quốc giúp đỡ mày còn ngồi đấy anh hùng bàn phím chửi bới đảng và nhà nước à. Hai đảng anh em nhà tao sẽ có cách giải quyết. Chúng mày không thích thì cứ cút khỏi Việt Nam đi, đồ chó phản động. Đừng để tao bắt được chúng mày tao bắn vỡ sọ”.

Trong khi ngài Thích Chân Quang, Vũng Tàu? kết án cả tổ tiên: “Với nước Tàu China thì nước Việt Nam chỉ là em nhỏ trong gia đình. Phải kính cẩn đối với người anh China theo phong tục Á Đông là quyền huynh thế phụ, không được hỗn láo. “Lý Thường Kiệt đem quân đánh Tàu là hỗn”.

Ông chủ tịch nghĩ sao? Dân chúng tôi chống Tàu và chống hai dự luật đơn giản là sợ mất nước! Nại lý do phát triển ư? Thời nay có nhiều cách phát triển, không cần tới hình thức đặc khu kinh tế! Nếu muốn phát triển nhanh, cứ bỏ cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, cứ bỏ điều 4 Hiến pháp cũng như không thòng câu “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Luật đất đai năm 2013)… Hiện nay XHCN Việt Nam thua cả thế giới chung quanh cả mấy chục năm. Nếu so với thế giới Tây phương thì còn thua xa gấp mấy trăm năm. Đó là ý kiến của Bà GS Hoàng Ánh nói với đài BBC hôm 12-06-2018!…

Cả đoạn sau đó, Đức cha nhắc đến một số nhà lãnh đạo trên thế giới đã nhận xét về người Cộng sản và về chủ nghĩa Marx và Lênin, như ông Vladimir Putin, đương kim Tổng thống Liên bang Nga, ông Ronald Reagan, Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, và nhà lãnh đạo lưu vong Tây Tạng Đức Đạtlai Lạtma. Đức Đạtlai Lạtma nhận xét: “Cộng sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc, sinh sôi, nẩy nở, trên rác rưởi của cuộc đời.” Sau đó, Đức cha Oanh nhắc đến nhà văn Nguyễn Khải, đại tá quân đội nhân dân, đại biểu quốc hội, phó tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam, được nhiều giải thưởng của chế độ với nhiều tác phẩm phê bình nặng nề giới công giáo, cuối đời đã viết: “di chúc tìm lại cái tôi đã mất”. Ông có viết nhận định đau đớn như sau: “Người cộng sản nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói dối không hề biết xấu hổ và không hề run sợ. Người dân vì muốn sống còn cũng đành phải dối trá theo”.

Ngài chủ tịch khi đọc những nhận định trên có suy nghĩ gì không? Chúng tôi không biết. Nhưng dân chúng tôi thấy mình là nạn nhân của hệ thống truyền thông xã hội hiện nay. Nếu ông chủ tịch nước đặt bút phê chuẩn luật An Ninh Mạng thì dân chúng tôi sẽ càng bị kìm kẹp, nghẹt thở đến chết mất!

Vâng, chúng tôi thiển nghĩ có thể tới đây toàn dân Việt Nam sẽ vấp một lần bị lừa nữa với luật 3 Đặc khu Kinh tế!…

Ông chủ tịch có khi nào nghe dân gian nói: “Nhà nước Việt Nam hèn với giặc, ác với dân” không? Dân biểu tình ôn hòa, cán bộ an ninh ngăn cản, đánh dân, lôi kéo như súc vật, vứt lên xe, đưa về đồn dọa nạt, khủng bố đến chết như ông Nguyễn Hữu Tấn, Vĩnh Long?

Xin ông chủ tịch chỉ đạo các cấp thừa hành thả hết những người bị bắt, mau chóng ra luật biểu tình đã được ghi trong Hiến pháp, tôn trọng ý dân. Vì tổ quốc trên hết, vì dân vi quý.

Sau đó, Đức cha Hoàng Đức Oanh dùng con thuyền và nước để chỉ nhà cầm quyền và dân. Ngài viết trong thư:

“Có thể dùng hình ảnh thuyền và nước diễn tả tình hình đất nước hiện nay không? Nước tượng trưng cho dân, thuyền được ví như nhà cầm quyền. Nước đỡ thuyền, nâng thuyền. Nhưng nếu thuyền không tôn trọng nước, nước sẽ lật và vùi dập thuyền. Vụ một thanh niên bán bánh mì năm nào ở Cairo-Thủ đô Ai cập không được công an tôn trọng, hành hung, bắn chết đã đẩy dân Ai cập nổi dậy lật đổ chính quyền mở ra Mùa Xuân Ả Rập còn đó…”(Hết trích)

Tại Giáo phận Vinh, Đức cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Chính tòa, trong thánh lễ kỷ niệm 100 năm thiết lập Tuần chầu lượt tổ chức tại đền thánh Antôn, linh địa Trại Gáo (xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), Giáo phận Vinh ngày 13-6-2018. Ngài nói: “Chúng ta phải lấy lại những gì đã mất”, như chìa khóa, chiếc xe, con trâu, con bò…Chúng ta đi lại đường lối của tổ tiên…

Và còn nhiều linh mục khác ở nhiều địa phương, như Hà Nội, Sài Gòn, Đồng Nai v.v…đã vào cuộc chiến đấu cùng với toàn dân, phản đối dự án các đặc khu và luật ngu dốt An ninh mạng.

Người Công giáo có làm chính trị không?

Một lần nữa tôi xin trả lời:

-Có. Hai tiếng nói của hai vị Giám mục thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam trên đây và những tiếng nói khác của một số linh mục ở cả ba Tổng Giáo phận trong cả nước, đã là những tiếng nói phản chiếu trách nhiệm và lương tâm của những công dân Nước Trời đồng thời cũng là công dân của trần thế, cụ thể là tại đất nước Việt Nam này. Đó là tính cách và những hành vi của chính trị, phù hợp với Giáo lý Công giáo.

Lúc còn tại thế, Đức Giêsu đã bảo tiểu vương Herode là “tên cáo già” và câu nói lừng danh của Người từ ngày đó, đến nay vẫn được coi như một danh ngôn là: “Cái gì của Caêsar thì trả cho Caêsar. Cái gì của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa”.

Vậy, đâu là những cái của Thiên Chúa qua Giáo hội của Người ở trần thế. Còn đâu là cái của Caêsar qua thế quyền, cụ thể là Chính quyền tại Việt Nam, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đảng Cộng sản theo chủ nghĩa Mác-xít, chủ trương vô tôn giáo, vô gia đình, vô tổ quốc. Phải nói ngay rằng, các giáo hội ở Việt Nam, cách riêng là Giáo hội Công giáo, một khi hiện diện ở đâu trên mặt đất này, như Giáo hội Công giáo có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ 16 cho đến nay, thì chỉ mang lại những công ích cho dân tộc và cho người dân ở đấy, như các công trình về văn hóa, khoa học, giáo dục, nghệ thuật v.v…Còn những gì thuộc về thế quyền, thì Giáo hội Việt Nam không xen vào, không tác động đến công việc quản lý của nhà cầm quyền, trừ phi chính quyền ban hành và thực thi những chính sách không mang lại công ích cho người dân, làm cho người dân quá đau khổ, như dự luật An Ninh Mạng và dự luật về ba Đặc khu kinh tế đang làm bùng nổ những cuộc biểu tình và chống đối nhà cầm quyền, thì lúc đó Giáo hội buộc lòng phải lên tiếng, không vì lợi ích của riêng mình, mà của đa số nhân dân. Còn nữa, như chính sách về việc quản lý đất đai, về giáo dục, về văn hóa và về y tế liên quan đến việc phá thai bừa bãi. Những chính sách của nhà cầm quyền CSVN thực hiện từ sau năm 1954, và một vài khu vực trước đó, tại miền Bắc, cụ thể như Cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm đánh vào các trí thức tiểu tư sản thành thị đã theo đảng trong kháng chiến, khi về thành, họ đã chống lại những gì họ đã thấy từ trong chiến khu; rồi chế độ bao cấp, hợp tác xã nông nghiệp, chính sách ngu dân qua chương trình giáo dục. Còn tại miền Nam sau năm 1975, họ cướp nhà cửa, tiền, vàng bạc, các phương tiện sản xuất của các nhà tư sản và nhiều sách lược đẩy người dân miền Nam Việt Nam đi đến cuộc sống nghèo nàn, cơ cực, nhất là những người trước kia ở tại các thành thị, vì nghe theolời lừa gạt của họ mà bỏ nhà cửa để đến vùng kinh tế mới. Nhiều gia đình chịu không nổi cuộc sống tại đây, đã bỏ về chỗ cũ tại Sài Gòn hay tại các đô thị khác. Nhưng về tới nhà thì nhà đã có người khác ở. Khốn cực vô cùng. Ngoài ra, nhà cầm quyền Cộng sản lúc đó còn đẩy hàng chục ngàn nhân viên trong chính quyền cũ và các thành phần sĩ quan trong QLVNCH vào các trại tù, khiến cho bao nhiêu người chết đói, chết bệnh, chết vì bị tra tấn v.v…đến nay vẫn không biết có bao nhiêu người đã chết và bao nhiêu trường hợp thân nhân những người này, chưa tìm được xác của người thân. Người dân Miền Nam VN cũng không bao giờ quên được cuộc pháo kích vào trường Tiểu học Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) năm 1974,và cuộc thảm sát tại Huế năm 1968. Từ nhiều năm nay, khắp nước, nổi lên tình trạng “dân oan”. Từ nông thôn, người dân bỏ nhà, bỏ công ăn việc làm kéo nhau lên Sài Gòn, kéo nhau lên thành, ra Hà Nội để kêu oan về mảnh đất nguồn sống của gia đình họ bị cưỡng chiếm, giải tỏa. Nhiều người bị công an, côn đồ đánh dập dã man. Có nhà, mẹ và con gái cùng liều thân ra sức bảo vệ mảnh đất của mình, không cho lực lượng cưỡng chiếm hành động thô bạo, đã bị côn đồ, hay công an giả dạng xua đuổi, đánh đập tàn nhẫn, kéo lê họ trên mảnh đất của nhà mình, rách nát áo quần, phơi cả thân thể lõa lồ không miếng vải che thân, thế mà bọn người này vẫn thản nhiên, lạnh lùng, hành hạ họ. Còn đất đai của giáo hội Công giáo, chắc cũng chưa thấy ở đâu, các nữ tu, như Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, quận 2 Sài Gòn, nữ tu Dòng Thánh Phaolô, số 5 Quang Trung, Hà Nội phải ra ngoài đường ngồi, nhằm phản đối việc nhà cầm quyền chiếm đất, buộc họ phải đi chỗ khác. Nhưng cả hai nhà dòng nữ này, cương quyết sống chết tại đây!

Uất ức thay cho họ, tủi nhục cho một loại người mất tính người mà cầm quyền một đất nước có nguồn gốc văn hiến ngàn năm. Một giống người hung hãn lấy bạo tàn cai trị những người văn minh, đạo đức, chỉ sống cho người khác, sống vì người khác, ở thế kỷ cách mạng công nghệ khoa học 4.0!

Chính vì những ức chế bị dồn nén mà một nhà nông là ông Đoàn Văn Vươn, ở Tiên Lãng, Hải Phòng phải nổ phát súng tự chế vào đoàn người hung hãn xông vào khu vực của gia đình ông như xông vào những quân giặc ngoài trận tuyến.

Phải chăng, tất cả những tội ác bạo tàn trên đây, nằm trong sách lược lâu dài, nhằm mục đích biến người Việt Nam thành nô lệ, chuẩn bị cho màn kịch nô lệ lớn hơn. Đó là dâng đất nước này, 90 triệu dân Việt Nam này để đất thì thành một tỉnh, sáp nhập vào cực Nam của Trung Quốc, còn dân thì trở thành nô lệ cho giặc Tàu cộng, dưới triều Hoàng đế Tập Cận Bình! Một triều cống ngoạn mục, chưa hề xảy ra trong lịch sử ngàn nămViệt Nam.

Nhưng đấy là toan tính của nhóm tội đồ ở Ba Đình, còn toàn nhân dân Việt Nam thì “Không”!

Chúng tôi nói “KHÔNG”, vì Giáo hội Công giáoViệt Nam đã nhiều lần từ mấy chục năm trở lại đây đã “biểu dương” lực lượng của mình. Như những lần xuống đường có hàng chục ngàn giáo dân tại giáo phận Vinh tham dự, biểu tình chống lại nhà máy Formosa đã thải chất độc hại ra biển, làm cá chết hàng chục tấn, còn người dân thì không ra biển được. Nhưng đáng kể là những buổi cầu nguyện tại Tòa Khâm sứ cũ ở Hà Nội trong năm 2007- 2009. Tại sự kiện này, lời phát biểu thẳng thắn của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giáo phận Hà Nội tại trụ sở UBND Thành phố Hà Nộitrong ngày 20-9-2008, đã làm cho nhà cầm quyền CSVN giận dữ. Đáp lại những lời phát biểu của ông chủ tịch thành phố Hà Nội, về một vài việc làm thiện ý mà thành phố dành cho giới công giáo, Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đứng lên phát biểu:

Tôi hết sức cám ơn ông Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà nội cũng như là tất cả các ban ngành trong Thành Phố Hà nội đã dành cho chung tôi một buổi tiếp xúc vừa trân trọng vừa cởi mở và chân tình.

Trước hết ông chủ tịch có nói rằng: Uỷ ban nhân dân TP đã tạo rất là nhiều điều kiện cho Giáo Hội Công Giáo trong những năm qua nhất là dịp Lễ Noel… chúng ta phải công nhận trong những năm gần đây có nhiều điều kiện, thế tuy nhiên khi như thế, khi nói tạo điều kiện vẫn còn mang cái tâm lý xin cho: tức là cái này là ân huệ tôi ban cho anh đó.

Nhưng mà cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và nhà nước vì dân cho dân phải có trách nhiệm tạo cái điều đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin. Không có. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “xin cho”.

Cũng trong tinh thần này mà Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921-1988) Tổng Giáo phận Huế bị nghi là “gián điệp” đã qua đời trong một tình thế mờ ám.

Wikipêdia đã viết về Đức cha Nguyễn Kim Điền như sau:

Trước năm 1975, sau khi linh mục Nguyễn Kim Điền làm Giám đốc Chủng viện Sài Gòn, “ ông từ bỏ, gia nhập dòng Tiểu Đệ, lấy đời sống khó nghèo làm mục tiêu. Trong thời gian này, ông làm khuân vác, đạp xích lô. Năm 1960 linh mục Điền được chọn làm Giám mục Cần Thơ rồi thăng Tổng Giám mục Phó Huế 1964, kế vị Chính tòa năm 1968.

“Sau năm 1975, ông nhiều lần lên tiếng đòi hỏi về các quyền tự do, không những trong tôn giáo và còn về nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên ông vẫn bị chính quyền xem là gián điệp của thế lực ngoại bang cắm tại Việt Nam. Ông qua đời ngày 8-6-1988 tại bệnh viện Chợ Rẫy. Việc qua đời đột ngột của ông, nhiều nguồn tin cho rằng ông đã bị đầu độc. Đối với đa số giáo dân Huế, cố Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền là một vị thánh tử đạo. Linh cữu Tổng Giám mục Điền với môi miệng tím bầm, hai tay bị tím thẫm, hai hốc mắt trái và phải đều tím bầm và có hai bong bóng máu đen sẫm rất lớn tại hai lỗ mũi, vỡ rồi lại hiện, làm giáo dân có nhiều nghi vấn, phải cho đóng nắp quan tài.

Linh mục Nguyễn Văn Lý nêu ý kiến cho rằng Tổng giám mục Điền đã bị chính quyền Việt Nam giết hại bằng cách cho thuốc độc thông qua y tá vào ngày 6 tháng 6, và cho uống thuốc xổ đến tận qua đời ngày 8 tháng 6. Cô y tá thừa lệnh cho thuốc độc đã xin lỗi thân nhân, sau đó được đưa sang Đức du học. Các báo đài VOA, BBC, đài Pháp, đài Chân lý Á châu ở Manila đều loan tin và bình luận về cái chết của ông. Dư luận trong và ngoài nước đánh giá chính quyền Việt Nam gián tiếp hoặc trực tiếp giết chết cố Tổng giám mục. (Hết trích)

Kết

Năm 1964, tôi 28 tuổi, đã có mặt trong đoàn biểu tình ngày 7/6 của giới Công giáo thành phố Sài Gòn và các vùng phụ cận, tập trung trước Nhà hát Thành phố, chạy dài từ Chợ Bến Thành, có khoảng 100.000 người tham dự. Lúc nào nghĩ đến cuộc biểu tình này, tôi chỉ nghĩ đó là một cuộc “Biểu dương lực lượng”. Tại sao? Vì sau cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, người Công giáo bị khủng bố bởi những phe nhóm cực đoan, cả phía đảng phái chính trị và Phật giáo miền Trung. Những nhóm này kết án Công giáo là Cần Lao. Một người bạn tôi, tình cờ gặp nhau trên đường Lê Văn Duyệt vào buổi chiều ngày đảo chính, đã nói với tôi: “Diệm đổ thì Vatican cũng đổ”. Nghe bạn nói, tôi chỉ cười. Còn phía quân đội thì chia rẽ và thúc thủ trước những lực lượng chính trị và Phật giáo cực đoan, cho mình là có công lớn trong cuộc đảo chính vừa rồi, giết chết hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm. Cho nên mục đích của cuộc biểu tình không nhằm lật đổ chính quyền lúc đó, nhưng muốn nói với những thế lực thù nghịch với Công giáo, qua mấy biểu ngữ:

-Lột mặt nạ bọn lợi dụng Cách Mạng để đàn áp Công giáo

-Mỵ dân là phản bội dân chủ

-Ủng hộ cuộc đấu tranh của Công giáo miền Trung

và một biểu ngữ khác liên quan tới Mỹ:

-Cabot Lodge cút đi

So ánh với các cuộc biểu tình của Phật giáo năm trước đó để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm, mục đích là lật đổ chế độ này, nên họ đã có nhiều phe phái khác nhau ủng hộ, không lọai trừ chính quyền Mỹ thời đó và bên trong họ là những cán bộ Cộng sản, thì cuộc “Biểu dương lực lượng” của Công giáo này, quả thật là rất trật tự. Các đoàn biểu tình trong nội thành Sài Gòn xuất phát từ các giáo xứ. Mỗi giáo xứ có những thanh niên thuộc lực lượng tự do hướng dẫn giáo dân, già trẻ, thanh niên thanh nữ khoảng vài trăm người, tùy giáo xứ nhỏ hay lớn. Khi đi đường, mục tiêu là tập trung từ chợ Bến Thành, dọc dài suốt đường Lê Lợi đến trước trụ sở Quốc Hội (Nhà Hát Thành phố). Lúc đoàn biểu tình từ giáo xứ ra tới đường lớn, họ đi hàng ba. Người đi hai hàng ngoài đều là thanh niên nam nữ, còn người đi hàng trong là người có tuổi. Người ở ngoài, tay cầm sợi dây kéo dài từ đầu hàng đến cuối hàng. Giáo xứ nào cũng vậy. Lúc đã tập trung ở vị trí đã định, hàng ngũ của họ vẫn duy trì, cho tới phút cuối. Còn những đoàn biểu tình từ các giáo xứ phụ cận Sài Gòn, như Biên Hòa, Hố Nai v.v…, họ đi trên các xe khách, tập trung tại một địa điểm gần trung tâm Sài Gòn. Họ xuống xe và tiến vào vị trí đã ấn định cho họ từ trước.Trật tự này nhằm bảo vệ toàn vẹn lực lượng biểu tình, không để những người quá khích có cơ hội hành động, đồng thời ngăn chặn cả những kẻ cực đoan ở ngoài lợi dụng tình thế để len lỏi vào hàng ngũ biểu tình để gây bất ổn và tạo hình ảnh xấu cho đoàn biểu tình. Bài phát biểu hôm ấy là của một linh mục trẻ thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Trước lúc kết thúc cuộc biểu tình, vị linh mục này cất lên bản nhạc Lời nguyện cho quê hương của Nhạc sĩ Hải Linh:

Mẹ ơi! Đoái thương xem nước Việt Nam, trời u ám chiến tranh điêu tàn. Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an, cho Việt Nam qua phút nguy nan . . .

Bản nhạc vừa cất lên thì cả một khu vực quanh đấy, bỗng nhiên lặng lẽ đến kinh ngạc, có người mắt đẫm lệ.

Dư luận ngày đó cho rằng, vị nhạc trưởng của cuộc “Biểu dương lực lượng” hôm 7/6/1964 tại Sài Gòn, chính là Linh mục Hoàng Quỳnh. Sau năm 1975, Cộng sản nhốt ông tại khám Chí Hòa. Ông chết thê thảm tại đây!

Khải Triều

(Tháng 6-2018)

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search