T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: QUÊ NGOẠI

Bến Cũ – Tranh: Mai Tâm

Thưở bé, được về ngoại là không gì thích bằng. Mà tôi lại có đến những ba nơi gọi là quê ngoại: một của tôi, một của cha và một của ông nội.

Hai tiếng quê ngoại lúc nào nghe cũng dịu ngọt, ấm áp. Và những chuyện bên ngoại nghe cứ như chuyện cổ tích.

Quê ngoại của tôi ở làng Thuận Thái, một ngôi làng bao quanh những tre là tre nằm dọc phía hạ lưu của sông Kôn, con sông chảy qua thành Đồ Bàn, nơi mà bóng dáng Huyền Trân tưởng chừng vẫn còn thấp thoáng đâu đó bên tháp Cánh Tiên.

Quê ngoại giáp ranh với quê nội, nên tôi có thể chạy một mạch từ nhà nội thẳng đến cổng nhà ngoại, chỉ chừng mười lăm phút. Bà ngoại đã mất sau khi sinh mẹ tôi, nên chỉ có ông ngoại râu trắng và dài tận ngực, ra đón cháu với một miếng đường phèn ngọt lịm.

Tôi nói có thể là sau này lớn lên, chứ lúc ấy tôi mới có bốn tuổi và mẹ tôi phải bồng, tôi mới có thể qua được con đường rẽ vào nhà tối om, đầy gai tre mục.

Nhà ông tôi nằm cạnh nhà ông nghè, là em họ của ông. Ông ấy đậu cử nhân thứ nhì nhưng không ra làm quan, nên vẫn là nhà lá mái lợp tranh, chỉ cửa ngõ xây gạch có đắp hình ông Lã Vọng ngồi câu. Ông là hình ảnh của nạn nhân đấu tố qua nhân vật cụ nghè Nhã của Những tháng năm cuồng nộ.

Làng có một ngôi chợ rất nhỏ lèo tèo vài chiếc lều chỏng chơ, gọi là chợ Rượu, nhưng dạo ấy cấm bán rượu, chỉ nhóm vào buổi sáng và là nơi bà tôi thường đem cau chuối trong vườn nhà lên bán.

Vào dịp Tết, chín cái chòi bé tí mỗi cái chỉ đủ chỗ cho một người ngồi được dựng lên giữa chợ, rồi trống kèn, hò hát, để mọi người từ khắp nơi kéo đến thử vận may. Những ông Ầm, Nọc Đượng, Sáu Cẳng, Bạch Huê …trong trò chơi đánh bài chòi ấy đã in vào đầu óc tôi từ đó. Và cũng không bất ngờ khi nó đi vào tác phẩm Lão tiền bối.

Dân làng, trong một lần đốt rác sau khi dựng chòi xong, đã bị máy bay Pháp trông thấy ném xuống một trái bom giữa chợ. Miểng văng vào tận vườn sau nhà ngoại, giết chết cô cháu gái tám tuổi con dì cùng một tuổi với tôi. Chị ấy mắt đen, da rất trắng, chẳng hiểu sao có tên là Quạ. Đến thời chống Mỹ, một trái nữa lại rơi ngay cạnh nhà, giờ hãy còn một cái hố sâu thẳm không bao giờ cạn nước.

Những ấn tượng đó ít nhiều làm mất dần cái vẻ ngọt ngào đầy yêu thương của quê ngoại, chỉ còn là những vang bóng lạnh lẽo của thương đau mà thôi.

Cái hình ảnh đẹp nhất còn để lại trong tôi, chính là bộ râu dài của ngoại. Trông nó rối rắm nhưng chưa bao giờ làm bối rối những ngón tay bé bỏng của đứa cháu nhỏ, mỗi khi nó được ông cho phép vuốt thử. Cũng may, trong những bài tập làm văn dù đã được nhồi nhét, tôi vẫn không một lần nào đem ra so sánh râu của ông với râu…Bác Hồ!

Quê ngoại thứ hai là của cha tôi. Dù đi bộ phải mất hơn nửa ngày, nhưng tôi vẫn thích theo bà về thăm trong những lần cúng giỗ hay Tết đến.

Mỗi lần như thế, tôi được dịp đi chơi xa, thoát khỏi sự dạy dỗ nghiêm khắc của con trai bà. Tôi lại được những người cháu gọi bà bằng cô chìu chuộng, cho rất nhiều quà bánh và tiền lì xì. Làng tên Lục Thuận, gần ngã ba sông có bắc một cây cầu chữ Y. Bên kia cầu là quê chồng của người chị ruột ông tôi. Ở đó, lính Đại Hàn đã dồn những người đàn ông mà bọn họ nghi là cộng sản vào trong một căn nhà, bên ngoài tưới xăng rồi châm lửa đốt. Một người cháu gọi ông bằng cậu may mắn thoát được nhờ nằm dưới một tấm vách bị ngã đổ.

Con đường đi qua làng của bà là con đường liên xã khá rộng và bằng phẳng, dạo sau này có xe ngựa, đi rất thích. Không gì vui bằng những ngày đầu năm, xúng xính trong bộ quần áo mới, giày mới, được ngồi bên cạnh bác xà ích nhìn cái bờm ngựa vàng hoe phơ phất và nghe tiếng nhạc ngựa leng keng ngọt ngào.

Và càng thích hơn nữa, khi trong xe có một cô bé áo tím kiềng vàng cũng theo mẹ đi chùa hay về thăm quê ngoại. Đừng tưởng lấy cớ xe chật mà đụng tay đụng chân như bây giờ, cả hai ngồi im như pho tượng bằng đất sét, chỉ có trái tim, nếu tượng có một trái tim, là nhảy choi choi như muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Nhưng cũng hơi buồn là chẳng có một cái liếc mắt nào dù là liếc trộm, chứ nếu có thì chắc đã nhớ nhau từ độ lâu rồi.

Quê ngoại thứ ba là của ông nội tôi. Xa, rất xa, tận chân núi Chuông mây phủ, nơi có hai hòn đá một lớn một bé giống hình người mẹ đang ngồi bắt chí cho con. Từ đó phát sinh câu chuyện huyền hoặc: hòn vọng phu. Vẫn là chờ chồng hóa đá, nhưng người chồng lại là người anh ruột bỏ đi sau khi biết mình phạm tội loạn luân!

Câu chuyện ấy khiến quê ngoại của ông trở nên huyền bí và hấp dẫn. Tôi từng ao ước được một lần leo lên, tận mắt ngắm và tận tay sờ thử cái da thịt kia một khi đã thành đá nó như thế nào.

Mãi đến năm đình chiến, ông tôi lần đầu và cũng là lần duy nhất đưa tôi về thăm quê mẹ của ông.

Đứa cháu ngoại già đương nhiên không còn mong gặp ông bà ngoại, cũng không mong gặp cậu mợ, chỉ mong gặp những người anh giờ cũng đã già như ông. Họ đứng mãi bên thềm, xúc động không nói lên lời. Mãi một lúc sau mới bước vào nhà.

Ông tôi khoe đứa cháu trai mười bốn tuổi và họ xem mắt xem mũi tôi thật lâu như thể cố tìm trên đó một chút gì của nhà họ Phạm còn lưu lại ở đứa cháu đời thứ tư.

Rồi đó, hết nhà ông bác này đến nhà ông bác nọ mở tiệc đón mời. Chưa bao giờ tôi được ăn nhiều thịt như thế. Các mâm cỗ đầy ắp thịt, có cả thịt nai và heo rừng.

Trong bữa ăn, họ hỏi nói đủ thứ chuyện, nhất là chuyện cải cách ruộng đất vừa qua. Họ cũng không quên nói chuyện đi săn, chuyện cọp trả thù và chuyện bắt rết rừng trong những cơn mưa đầu mùa để làm mồi nhậu. Không ai nói chuyện hai mẹ con trên núi Chuông, không biết có phải vì quá quen thuộc hay vì đó là nơi linh thiêng có đầy âm khí.

Nhà họ Phạm khá giàu, đã chia một phần gia tài cho cô em, và bà cố tôi đã đem số của cải ấy về tậu ruộng ở quê chồng. Ruộng sát vườn nhà, gọi là đám Ngõ. Lúc bé, mùa lụt tôi thường ra ngồi câu, đến mùa gặt xem thợ gặt và mùa cấy xem thợ cấy. Hình ảnh những cô thợ cấy trên đồng, tuy lam lũ, nhưng theo tôi là dịu dàng và xinh đẹp nhất.

Ruộng vừa bừa xong, nước bùn lênh láng, biến thành một tấm gương thật to in cả mây trời long lanh nắng. Các cô gái mười tám đôi mươi, quần đen xắn lên quá gối, nón trắng nghiêng nghiêng, xếp thành hàng dài như những con thiên nga đen trong vở ballet Swan lake. Khi con đầu đàn dứt một câu hò là cả đám cùng cất tiếng hế hò hê nghe thật êm ái.

Nhưng, giống như quê ngoại của tôi và của cha, quê ngoại của ông cũng không tránh khỏi bất hạnh do chiến tranh.

Một người có cha đi tập kết, mà con lại bị Thượng cộng bắn chết trên đèo Mang Giang, khi bác ấy chạy xe đò trên đường Quy Nhơn An Khê.

Một người nữa, là gái, tôi gọi bằng cô, một mình lái xe jeep đưa mẹ tôi vào Ninh Hòa trước khi chạy vào Sài Gòn, đến Phan Thiết thì bị lính di tản cướp mất xe. Nghe nói cô ấy ngã xuống bất tỉnh dù không bị bắn, vì trong bánh xe secours có chứa đầy vàng!

Quê ngoại buồn như thế đấy! Mà quê nội cũng không ít buồn hơn. Ông tôi đã bị bắn chết bên bờ dậu sau khi ngôi nhà đã bị đốt cháy. Thật không may, thế hệ của chúng tôi, ai cũng có một tuổi thơ ít nhiều ngậm ngùi.

Ngậm ngùi hơn nữa nếu mai đây, chẳng những không còn quê nội quê ngoại, mà cả thành phố cũng trở nên xa lạ, nếu đất nước này biến thành một tỉnh của những con chó sói phương bắc. Đi đâu, dứng đâu, ngồi đâu cũng chỉ thấy rặt một giống tàu, tàu và tàu!

Thì thôi, hãy khóc lên đi hỡi quê hương yêu dấu*!  

 Khuất Đẩu

Đầu năm 2019

* mượn tựa tiểu thuyết nổi tiếng của Alan Paton

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search