T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Chuyện những người lính (5) – Anh Ngọc và cô gái Gò Vấp

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Nguyễn Thọ

Trích “Đừng kể tên tôi“ của Phan Thúy Hà:

…Nằm viện một tháng rồi đơn vị không biết. Sau này tôi mới biết đơn vị đã ghi tôi vào danh sách liệt sĩ. May là họ chưa gửi giấy báo tử về quê. Cuối ngày 29 tháng 4 y tá đại đội và ban chỉ huy đại đội nhìn sắc mặt và thể trạng tôi khi đưa lên xe người dân đi cấp cứu họ nghĩ rằng tôi không thể qua khỏi. Khi tôi về đơn vị thì quân trang tôi người ta mang đi. Cuốn sổ giấu trong đáy ba lô mang theo bên mình hơn bốn năm qua cũng bị lấy mất.

Cùng phòng bệnh tôi có anh Lạc người Hà Bắc. Anh bị thương đã bình phục nhưng chưa ra viện. Ngày nào anh cũng đi chơi. Sáng đi tối về. Ra đi tay không nhưng lần nào về cũng mang theo một túi quà. Anh nói bà con ngoài Bắc của anh trong này nhiều. Quen người này họ lại giới thiệu anh cho người khác. Anh đến chơi từng nhà. Tôi chẳng ham quà cáp gì nhưng nhìn anh đi đi về về vui vẻ tôi thèm lắm.

– Anh cho em đi theo với.

– Đi làm gì?

– Ở nhà bồn chồn.

– Ờ, ngoài cổng viện tao có bà đồng hương.

Anh dẫn tôi sang bên kia đường. Hai anh em vào một hàng quán ngồi. Chủ quán là bà cụ nhìn hiền hậu, gần gũi. Anh giới thiệu tôi là bạn điều trị cùng phòng. Ngồi chơi độ chục phút thấy anh nói nhỏ câu gì đó với bà chủ quán và quay sang bảo tôi cứ ở đây chơi chờ anh trưa về.

Gọi là quán nhưng chỉ là bàn ghế đặt ở bên hiên ngôi nhà nhỏ. Trên bàn bày bán một ít kẹo bánh và trái cây xoài, cóc. Bà cụ hỏi chuyện tôi vài ba câu lấy lệ.

Tôi ngồi lặng lẽ. Nhìn ra đường phố. Thằng Pháp rút về để lại nhiều lợi thế cho thằng Mỹ. Thằng Mỹ tiếp tục đầu tư tô thắm cho thành phố này ngày thêm hiện đại để mua chuộc người dân đi theo. Thành phố đẹp nhưng lòng người bị chia cắt. Thật là buồn và đáng tiếc biết bao. Tôi miên man nghĩ.

– Anh ơi vào đây.

Một cô gái ngồi trong nhà, ghé mắt qua cửa sổ vẫy tay tôi. Tôi quay lại. Cô nhìn tôi cười làm quen.

Bà chủ quán giới thiệu đó là cháu ngoại bà.

– Vào đây nói chuyện với em.

Cô gái bước ra kéo tay tôi đi vào không để cho tôi do dự. Cô gái học sắp xong lớp 12. Cô sống với bà ngoại từ khi hai tuổi. Mẹ ở Đà Nẵng với các em. Ba là sĩ quan Cộng hòa.

– Giờ anh ở lại ăn trưa với em và bà. Em nấu cơm xong rồi.

– Anh không ăn. Anh có tiêu chuẩn cơm trong bệnh viện. Giờ em sắp xếp làm sao đưa anh sang đường anh về.

– Em không đưa được. Anh Lạc dặn anh chờ. Em mà tự ý đưa anh về là bị mắng.

Tôi đành phải nán lại chờ anh Lạc. Rời rạc trả lời từng câu hỏi của em. Cô gái ngay lần đầu gặp tôi đã cảm mến. Nhưng lúc này tôi mệt quá, đói hoa mắt.

Đến một giờ rưỡi chiều anh Lạc mới về. Em dọn cơm ra mâm. Anh Lạc bảo tôi ngồi xuống ăn nhanh còn về.

“Có thuốc độc không?”, tôi ghé tai anh Lạc hỏi thầm. “Tầm bậy. Bà già đồng hương. Bà nhận tao là con tinh thần. Tao ăn đây nhiều bữa rồi”.

Lần đầu tiên đi ra ngoài bệnh viện. Cô gái xa lạ mềm mỏng thế kia. Tôi dặn mình không được chủ quan. Nhưng đói quá rồi, tôi đưa bát cho anh Lạc xới cơm…

(Hết trích)

Thế là anh Ngọc và cô bé đến với nhau. Những ngày đầu anh giảng cho cô về CNXH, về hợp tác xã, khuyên cô vào đoàn thanh niên. Tình cảm nảy nở. Hôm nào anh không ra thì cô gửi thư nhắn anh ra. Cô hay rủ anh đi chơi phố Gò Vấp, họ đi dạo các tiệm chụp ảnh, Anh Ngọc mệt quá thì cô bảo anh nằm xuỗng và lấy sách đọc cho anh nghe… cho đến khi…..

(trích tiếp)

…Ngày mai tôi ra viện. Đơn vị đã biết tôi còn sống.

Tôi trở về đơn vị tiếp tục nhận nhiệm vụ lên Tây Nguyên chiến đấu với Fulro.

Bà ngoại nói, cháu đi rồi cố quay trở lại chơi. Quen nhau rồi giờ xa cách buồn.

Em hỏi khi nào anh trở lại?

Anh không biết!

Tôi còn ở Sài Gòn một tháng nữa mới lên Tây Nguyên. Ở cách bệnh viện mười lăm cây số. Tôi muốn tới thăm em nhưng không đi được. Mỗi tuần chúng tôi chỉ được ra ngoài một tiếng đồng hồ vào chủ nhật. Nhưng đó không phải là lý do chính. Lý do là tôi không có xu nào trong người. Không có tiền làm sao dám đi thăm bạn gái.

Tôi lên Tây Nguyên. Muốn viết thư về cho em nhưng không biết viết thế nào. Chữ tôi xấu. Không biết cách diễn đạt. Tôi ngại. Cuối tháng 12 năm 1975 tôi viết thư nhắn qua chị Sâm nhờ chị hỏi tin về em. Chị Sâm viết thư lên báo tin cô gái ấy đã đi dạy học tình nguyện ở Tây Ninh. Nơi cô dạy là một huyện giáp với Campuchia.

Nhận được tin tôi xót xa. Mỗi ngày tôi lại cầu mong em bình yên. Nhớ lại buổi trò chuyện hôm nào lòng tôi day dứt.

Cuối năm 1976 tôi được phép về quê.

Tôi rời nhà đi chiến trường đã năm năm.

Vườn hoang, ngôi nhà trống không ọp ẹp. Em gái đi ra Bắc học nghề. Chỉ còn mẹ già yếu ở một mình. Cảnh nhà thế này sao tôi bỏ mẹ mà đi được. Tôi vào đơn vị làm thủ tục ra quân. Về nhà chặt tranh tre cuốc xới vườn dựng lại nhà cùng mẹ kiếm bữa ăn qua ngày.

Những lá thư của em giờ tôi mới đọc. Em gửi thư về cho tôi qua địa chỉ của mẹ ở quê.

Đêm khuya mẹ đã ngủ giấc bình yên khi con trai nguyên vẹn trở về. Tôi mở từng lá thư. Nước mắt tôi chảy tràn. Tuổi trẻ của tôi đâu? Ai đã cướp đi tuổi trẻ của tôi?

“Sài Gòn ngày 29.7.1975

Anh đi ngót hai tuần rồi mà em không nhận được một lá thư. Em thiệt là khổ tâm khi gửi thư cho anh mà phải nhờ qua địa chỉ của mẹ anh. Thiệt là khó khăn cho em quá. Ở hoàn cảnh của em thì anh nghĩ làm sao?

Anh đang buồn hay đang vui? Buồn hay vui thì cũng quay lại thăm em anh nhé.

Ở đây em buồn nhiều. Bạn bè chỉ có một đứa bạn gái thân. Gia đình thì bị xuyên tạc. Tiền bạc eo hẹp. Bà thì ngày càng già yếu. Em chán đến độ muốn đi tu để dứt hết mọi khổ tâm. Em tin tưởng phật. Phật cứu rỗi ta lúc khổ đau.

Khi em nói chuyện muốn đi tu anh đã khuyên em nên vì gia đình, vì xã hội mà đừng bỏ hết. Gác hết sự đời mà đi tu thì không tốt. Em quý trọng lời anh vô cùng…”

“Sài Gòn ngày 20.8.1975…

Lá thư thứ hai em viết cho anh. Lá thư trước anh đã nhận được chưa mà sao không hồi âm cho em. Em lo lắng quá, không biết anh thế nào. Trả lời gấp cho em anh nhé.

Ở quê anh có mẹ già. Anh thật hạnh phúc khi có mẹ yêu thương. Mẹ đã khóc thương anh khi anh ở xa làm nhiệm vụ người lính. Giờ anh đã về với mẹ, với làng quê nghèo khổ nhưng nhiều tình yêu thương.

Em là con gái thị thành không biết làm ruộng. Gia đình anh có chấp nhận một người như em không?”

“Sài Gòn ngày 15.10.1975

Đây là lá thư thứ sáu em viết cho anh rồi. Anh đã hiểu hoàn cảnh gia đình em. Những lời chê cười, đàm tiếu của thiên hạ không làm em sợ. Em có làm gì xấu đâu mà phải sợ.

Quen một người như em anh có sợ bị ảnh hưởng danh dự không? Bạn bè sẽ nghĩ gì và anh sẽ trả lời với họ ra sao?

Tại sao em và anh quen nhau? Có phải do chiến tranh mà quen nhau không? Chiến tranh đã gây tang tóc cho quê hương anh và quê hương em miền Nam. Giữa hai miền Nam Bắc sau này em mong đừng bao giờ còn cảnh máu thịt tuôn rơi. Lòng em xót xa.

Em biết anh là người tốt. Con người đạo đức không lấy cảnh đau của người khác mà làm vui cho mình.

Quê hương thanh bình anh sẽ bớt cực khổ. Mẹ anh sẽ không phải sống cảnh xa con trai nữa. Những người làng quê anh không còn đau khổ.

Anh khuyên em tương lai là ở tuổi trẻ nhưng bây giờ em thấy cuộc đời mình vô vị. Em muốn dứt xã hội. Em muốn tránh xa loài người độc ác.“

——-

Năm 1982 anh Ngọc vào Sài Gòn. Anh đến khóm 5 Gò Vấp tìm ngôi nhà cũ. Nhà cũ vẫn ở đó, chưa thay đổi gì. Bà ngoại đã mất. Cô ấy đi dạy ở Tây Ninh một năm phải về vì chiến tranh biên giới. Đến năm 1979 có người bảo lãnh cho sang Pháp.

Tiếp chuyện Ngọc lúc này là người mẹ. Ba của cô vẫn đang ở trại cải tạo Tây Ninh. Anh xin hỏi có cách gì để liên lạc với cô ấy. Người mẹ nói, không quen nhau nữa thì thôi, phong tục tâp quán trong này là vậy.

Anh Ngọc ở lại Sài Gòn thêm thời gian nữa tính kế mưu sinh nhưng không dễ dàng, trở về yên phận làm người nông dân.

Ngọc không còn nhớ gì nữa. Những lá thư này. Khuôn mặt ánh mắt này. Chiến trường. Xác chết. Đường số 7…

Chúng ta hãy giúp anh Ngọc tìm lại cô gái, hãy giúp lịch sử tìm lại sự thật. Vì muốn bảo vệ đời tư và hạnh phúc gia đình của chị, tôi sẽ không công bố danh tính cùng bút tích và ảnh chị thời con gái. Tôi mong bạn bè, nhất là ở Pháp hãy phổ biến rộng rãi câu chuyện này để may ra chị đọc được. Khi đó tôi sẽ công bố nhiều chi tiết khác với sự đồng ý của chị.

Ai có thông tin về chủ nhân căn nhà 86/536 Đường 17, Ấp Cộng Hòa 5, Gò Vấp vào năm 1975-1979 (nay có thể đã thay đổi) thì xin inbox cho tôi – Cảm ơn.

Bình Luận từ Facebook
Bài Mới Nhất
Search