T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đặng Xuân Xuyến: NGUYỄN HOÀNG ĐỨC – QUA MẤY BÀI VIẾT TÔI ĐÃ ĐỌC

Soi Bóng – Tranh: Hoàng Thanh Tâm

1.

Trên blog Trang Đặng Xuân Xuyến giới thiệu 2 bài viết về “chân dung”: nhà Thơ, nhà Văn, nhà Triết học “số 1 châu Á”,… Nguyễn Hoàng Đức. Đó là bài “Nguyễn Hoàng Đức: Kẻ mộng du giữa đời thường” của nhà văn Sương Nguyệt Minh và bài “Anh hề triết học, chàng Đông Ki Sốt văn chương” của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Có lẽ, trong nhìn nhận của Đỗ Minh Tuấn và Sương Nguyệt Minh thì Nguyễn Hoàng Đức chỉ là một “cậu bé” to xác nhưng rất “ngây thơ”, rất “đáng yêu” và cũng rất “tội nghiệp” nên 2 nhà văn đều chọn cách viết hài hước để kẻ vẽ diện mạo, bồi đắp chân dung cho thật rõ nhân diện “nhà Triết học (tự xưng) số 1 châu Á” Nguyễn Hoàng Đức.

Đọc “Nguyễn Hoàng Đức: Kẻ mộng du giữa đời thường” thấy sự lém lỉnh pha chút khinh khỉnh của Sương Nguyệt Minh sau những nụ cười thân mến thân với “chàng” triết gia tự phong là số 1 châu Á.

Đọc “Anh hề triết học, chàng Đông Ki Sốt văn chương” thấy nụ cười mỉm của Đỗ Minh Tuấn trong những trang viết dí dỏm, hài hước nhưng vẫn đậm chất văn chương và tính triết luận của nhà đạo diễn tài hoa về những bi kịch cuộc đời của Paul Nguyễn Hoàng Đức căn nguyên từ ý thức tự tôn giáo hóa bản thân: Bi kịch về số phận, bi kịch về đam mê, bi kịch về nhận thức… thì ít hay nhiều, vẫn ấm cái tình người, cái chân, cái thiện của Đỗ Minh Tuấn trong bài viết.

Tôi có đọc Nguyễn Hoàng Đức nhưng chỉ đọc lướt ít bài vì thế không để lại chút ấn tượng nào về văn chương của ông cả. Nhưng thật oái oăm, những bài viết về Nguyễn Hoàng Đức thì tôi lại nhớ rất lâu, có lẽ vì cách viết của các tác giả, vì chân dung của ông được các tác giả tạc khéo quá, ấn tượng quá. Ví như nhà văn Sương Nguyệt Minh viết về ông cứ như vừa xoa tai búng mũi Nguyễn Hoàng Đức, vừa bông đùa trêu chọc Nguyễn Hoàng Đức nhưng nhà văn vẫn rất ngạo nghễ ý thức buông giọng ngôi trên. Đọc “Nguyễn Hoàng Đức: Kẻ mộng du giữa đời thường” tôi cứ tủm tỉm hình dung cảnh Sương Nguyệt Minh thi thoảng thơm trán Nguyễn Hoàng Đức âu yếm nhẹ một cái rồi thuận tay đét hai, ba cái rõ mạnh vào mông Nguyễn Hoàng Đức và chỉ chờ thế là cả Nguyễn Hoàng Đức, cả Sương Nguyệt Minh cùng ngửa cổ cười ngặt nghẽo.

Đọc Sương Nguyệt Minh vẽ Nguyễn Hoàng Đức mà thấy thương, thấy yêu, thấy tội tội Nguyễn Hoàng Đức. Chữ danh làm con người ta đẹp lên, sang lên, thơm lên và chữ danh cũng làm con người ta xấu đi, hèn mọn đi, nhơ bẩn đi. Nhưng với Nguyễn Hoàng Đức thì lại khác, chữ danh khiến ông ngây thơ như một đứa trẻ, đạo mạo như một quý bà…

Trong số những bài viết về Nguyễn Hoàng Đức tôi đã đọc, có lẽ bài viết của nhà văn Sương Nguyệt Minh là hay nhất – Hay không phải vì Sương Nguyệt Minh viết kỹ, viết sâu… về Nguyễn Hoàng Đức mà là khoảng lặng “Nguyễn Hoàng Đức: Kẻ mộng du giữa đời thường” để lại trong lòng bạn đọc là khoảng lặng day dứt về chữ TÌNH.

 

2.

Tôi cũng đã theo dõi Nguyễn Hoàng Đức một quãng thời gian khá dài trên facebook để hiểu thêm những gì mà đạo diễn Nguyễn Minh Tuấn và nhà văn Sương Nguyệt Minh chưa viết nhưng tôi không tìm thêm được vì hai ông quá giỏi, đã kẻ vẽ Nguyễn Hoàng Đức vừa đủ, không thừa, không thiếu những gì (cơ bản) thuộc về Nguyễn Hoàng Đức.

Ngoài 2 bài viết về chân dung Nguyễn Hoàng Đức đã điểm qua ở trên thì trong số các bài viết của nhà giáo Chu Mộng Long, nhà văn Nguyễn Thế Duyên…. phản bác lại bài viết: “Thơ Và Truyện Kiều Phát Sinh Trong Giới Mù Chữ Và Ít Học” của Paul Nguyễn Hoàng Đức (nhà giáo Chu Mộng Long hài hước gọi là Phao Lồ Nguyễn Hoàng Đức) thì bài viết “Lại Phải Vài Lời Trao Đổi Với Anh Nguyễn Hoàng Đức...”, của nhà văn Nguyễn Thế Duyên gây nhiều ấn tượng với tôi.

Với bài viết “Lại Phải Vài Lời Trao Đổi Với Anh Nguyễn Hoàng Đức…”, nhà văn Nguyễn Thế Duyên hừng hực nhảy vào cuộc bút chiến bằng tâm thế “bất chấp”, lôi cả chuyện đời tư của Nguyễn Hoàng Đức: “già yếu, ốm đau, không gia đình, không có nguồn thu nhập ổn định, chỉ còn mỗi một niềm vui là lên mạng tự sướng” để ăn thua, để hả hê… với Nguyễn Hoàng Đức – Người đã được giới chữ nghĩa mặc định là “anh hề Triết học”, là “kẻ mộng du giữa đời thường.”.

Nửa phần trên của bài viết, có lẽ còn sung sức, vốn chữ còn nhiều, tâm trí vẫn ổn nên nhà văn Nguyễn Thế Duyên có những luận cứ hợp lý, thuyết phục khi ông dẫn luận về truyện Kiều của Nguyễn Du để phản bác “những lập luận vô cùng xằng bậy” và “bịa đặt trắng trợn” của Nguyễn Hoàng Đức “muốn lật đổ truyện Kiều, một trong những áng văn thơ đỉnh cao hiếm hoi của nền văn chương trung đại của dân tộc Việt” nhưng đến nửa phần sau bài viết thì hình như sức ông đã đuối nên loạng choạng, có chút lảm nhảm, lôi cả số like, số comment ra để làm vũ khí…. Thật tiếc, hành động này chứng tỏ tâm – tầm của ông chưa thể là “đối thủ ngang cơ” với Nguyễn Hoàng Đức. Nói kiểu “tưng tửng góp vui” thì với hành động đếm like, đếm comment làm vũ khí để hạ gục “đối thủ”, nhà văn Nguyễn Thế Duyên đã vô tình vào vai anh hề để tôn “anh hề” Nguyễn Hoàng Đức cao thêm vài bậc hoang tưởng.

Chắc nhà văn Nguyễn Thế Duyên cũng đã quá rõ ma mãnh trong tranh luận của Paul Nguyễn Hoàng Đức là đánh vào niềm tin của người nghe, người đọc ở những con số cụ thể, mà những con số cụ thể đó lại không có nguồn trích dẫn cụ thể, nó được “anh hề” bất chợt nghĩ ra để “anh hề” “chơi” kế sách “cả vú lấp miệng em”, ví như “anh hề” nói 60% nhà thơ miền Nam là đạo thơ hay dân miền Trung thích thơ nhất vì nghèo đói. “Anh hề” cứ nói hú họa bừa như thế mà “nhồi nhét vào đầu những người lười suy nghĩ và ít chịu đọc những lập luận vô cùng xằng bậy” (Nguyễn Thế Duyên). Lạ là cũng không ít người lại hùa theo ý thức tự tôn giáo hóa bản thân của Nguyễn Hoàng Đức, rồi tán thưởng, tụng ca Nguyễn Hoàng Đức lên ngang với thánh thần, coi Nguyễn Hoàng Đức như một tượng đài bất khả xâm phạm. Tôi nghĩ, nếu nhà văn Nguyễn Thế Duyên xoáy sâu một chút về đặc trưng “chất Chí Phèo” trong “phương pháp tranh luận” của Nguyễn Hoàng Đức: Không giống Chí Phèo chỉ khi say bí tỉ, khi thiếu tỉnh táo để làm chủ nhận thức mới chửi bất cứ ai, bất cứ thứ gì Chí Phèo bất chợt nghĩ đến, còn “anh hề Triết học” – “kẻ mộng du giữa đời thường” Nguyễn Hoàng Đức chả cần thế, cứ không vừa ý là “anh hề Triết học” ỏm tỏi chửi, chửi bất kỳ ai dù vô tình chạm vào sợi dây thần kinh tự ái của “kẻ mộng du giữa đời thường” theo kiểu “chửi bất chấp” không cần lĩnh vực đấy “anh hề” có biết hay không, cũng chẳng cần chứng cứ mà “anh hề” chỉ cần lấy chửi để thắng người,…. mà “lựa chiêu ra đòn” thì bài viết “Lại Phải Vài Lời Trao Đổi Với Anh Nguyễn Hoàng Đức…” của ông rất đáng đọc.

————-

Hà Nội, ngày 17 tháng 12-2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search