T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 200)

clip_image002

Chữ nghĩa làng văn

Chữ chỉ là một ký hiệu, giống như mũi tên thì chỉ đường đi, đèn đỏ thì xe ngừng lại …Mỗi một chữ tự nó không có nghĩa gì hết. Nó ám chỉ một cái gì khác hơn chính nó. Nhưng khi chúng kết hợp với nhau thì tính cách ký hiệu của chúng dường như thay đổi. Hành vi đọc, không còn là đọc những ký hiệu, mà là đắm mình vào trong một thế giới khác cái thế giới mà ta đang hiện diện. Đọc thì cũng là nhìn, nhưng dường như ta chẳng hề thấy chữ “a”, chữ “b”, chữ “ư”, chữ “ơ”, hay câu ngắn câu dài, hay chữ đẹp, chữ xấu, mà thấy từng chuỗi chữ kết nối nhau. Mà dường như ta không hề thấy. Ngược lại, ta nghe, ta cảm, ta ngửi. Y như những con chữ có thể bốc lên, tỏa ra. Nghe có hơi. Tôi gọi là hơi văn.

Nói chung là hơi chữ.

(Hơi chữ – Trần Doãn Nho)

Tiếng lóng hiện thực

Ngốc như con ốc

Chữ nghĩa làng văn

Đọc mà như lênh đênh bơi trên bờ ảo. Ảo của vật, ảo của ý. Ảo của ảo. Tất cả đều loáng thoáng, mơ hồ, chợt có chợt không. Gợi nên cái mỏng tang của không gian, của thời gian, và của cả…Hơi chữ nghe có vẻ chắc. Nhưng xem ra đầy nghi hoặc!

Những mảng mênh mông, người viết tiếc không thể đưa thêm nhiều hơn nữa! Cũng là những con chữ đó – những ký hiệu – ai cũng có thể viết, có thể sắp xuôi, sắp ngược theo ý, ấy thế mà, mỗi cách hành văn lại có một lối sắp xếp khác nhau, đưa đến những cấu trúc khác nhau và toát ra hơi chữ khác nhau. Nhiều bất ngờ khiến cho khi đọc tưởng mình lạc vào một vùng đất nguyên sinh như chưa từng biết đến bao giờ.

Chữ, lạ thật!

(Hơi chữ – Trần Doãn Nho)

Chữ và nghĩa

Buồn tinh nằm ngửa chình inh,

Không ai nằm úp lên minh cho vui.

 

Louis XIII

 

clip_image004

Chai Louis XIII của hãng Remmy Martin với tuổi rượu 50 năm với giá trung bình trên dưới 1500 USD với vỏ trai làm bằng pha lê. Nguyên vỏ chai pha lê này giá khoảng 300 hay 400 đô la, vì họ đúc pha lê nguyên khối của nhà Baccarat.

Tuy nhiên tuỳ theo “mark” ở dưới đáy chai (như ấm cổ của Tàu) với những ký hiệu khác nhau, có chai Louis XIII từ 3000 đô la và có thể hơn tuỳ theo năm. (Louis XIII mất năm 1643)

 

Nặc

Nặc: đậm đặc

(thơm nặc, nặc mùi rượu)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Rượu trong văn học (3)

Uống rượu nhiều được phong tặng là đệ tử Lưu Linh. Chính vì vậy mà các nhà văn, nhà thơ trước đây của chúng ta thường có những bài nhuốm mùi men rượu là thế.

Như Trần Tế Xương, ông Tú đất Vị Xuyên, trong bài  “Ngẫu hứng”, cũng không kém đệ tử Lưu Linh:
“Được tiền thì mua rượu,
“Ruợu say rồi cỡi trâu.
“Cỡi trâu thế mà vững,
“Có ngã cũng không đau.”

(Ngẫu hứng)
Hay ngậm ngùi cho sự Bất đắc chí của ông trong bài “Say rượu”:
“Đời này thực tỉnh những ai đây?
“Ai tỉnh cho ta chịu tiếng say.
“Buồn ruột cho nên men phải nhấp,
“Dở mồm nào biết giọng là cay.
“Bạn cùng quỉ dẫy chi cho bận,
“Vui với ma men thế cũng hay.
“Ngất ngưởng hai tay vơ đũa chén,
“Đố ai đã được cái say này.

(Khuyết danh – Tết nói chuyện rượu)

 

Tuổi hạc

Bạn có bao giờ ngắm kỹ một con hạc trắng chưa? Nó trông thật mảnh mai, chân dài, người mỏng, trong một bộ lông trắng muốt. Trông nó thanh cao như một người luống tuổi mà vẫn giữ được phong cách ung dung… Con hạc được coi là một con vật sống lâu cho nên người ta gọi tuổi của các cụ là tuổi hạc.

 

Khai tử Thi Sách!?

Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: “Canh Tý nguyên niên, Hán Kiến Vũ thập lục niên, xuân nhị nguyệt, vương khổ thái thú Tô Định thằng dĩ chính, cập thù Định sát kỳ phu, nãi dữ kỳ muội Nhị, cử binh công hãm châu trị” – (Năm Canh Tý năm đầu, năm thứ 16 hiệu Kiến Vũ nhà Hán, mùa xuân, tháng hai Vương đau lòng vì Tô Định lấy chính pháp ràng buộc, lại căm thù vì Tô Định giết chồng, bèn cùng em gái là Nhị, cử binh đánh phá châu trị). Theo trên thì chồng bà Trưng Trắc bị giết trước khi khởi binh.

Nếu sử Trung Hoa không nói đến thì sử gia Việt khó mà có tài liệu để viết lại quá khứ. Vì sử Trung Hoa nói rõ Trưng Trắc cùng chồng nổi lên đánh đuổi Tô Định như sau:

Vào thế kỷ 18, khi hiệu đính Hậu Hán Thư của Phạm Việt, Thái tử Hiền ghi chú nguyên nhân đưa đến cuộc khởi binh của Trưng Trắc. Ông viết: “Giao Chỉ Thái thú Tô Định, dĩ pháp thằng chi, Trắc oán nộ, cố phản” (Thái thú Giao Chỉ Tô Định lấy luật pháp mà ràng buộc, nên Trắc tức giận, chống lại).

Thêm nữa, sách Thủy Kinh Chú của người Trung Hoa viết về ông Thi thì ông chẳng hề bị Tô Định giết mà còn sát cánh với bà, sau khi bị Mã Viện tấn công: Thi và Trưng Trắc chạy về Cẩm Khê, 3 năm sau cả hai vợ chồng bị bắt. Và 8 tháng sau bị hành hình.

Vậy sao sử quan ta lại mượn tay Tô Định…khai tử ông Thi !?

Họ lập luận rằng vì người Việt cổ theo chế độ mẫu hệ. Các sử quan sau này là nhà Nho để ông Thi còn sống mà bà Trưng Trắc làm vua thì ngược lẽ với thánh hiền Khổng Mạnh.

Nhà Nho không làm như vậy!

(Nguyễn Lý Tưởng – Thuyền ai đợi bến Văn Lâu)

 

Chữ nghĩa với ca dao dân gian

Ông lão chống gậy lù khù

Hỏi thăm bà lão “tiệm” mu nơi nào

Bà lão mới sẽ thì thào

Đi qua “quán” rốn thì vào “tiệm” mu

 

Phở xuất hiện lúc nào? (10)

Vũ Ngọc Phan (1902-1987), kể chuyện lúc trẻ khoảng 10 tuổi, tức khoảng 1910, chính người Việt Nam và Trung Quốc rao là “phở”. Ông tả cảnh Hà Nội ban đêm:

“Người bán hàng xách cái đèn đu đưa, bán qua mấy phố rồi rẽ ra bờ sông bán cho khách nằm thuyền. Lại có tiếng rao vang từ đầu phố đến cuối phố “cháo gà”! “cháo vịt”. “Miến gà”, “Miến vịt”! Hai thứ hàng này chỉ bán về đêm Hàng phở thì đi đến phố nào cũng thấy họ gánh gánh. Chốc chốc lại vang lên một tiếng “phở”! Cũng có người Hoa kiều đi bán phở , họ rao dài: “Ngầu nhục phở”! Phở! Những tiếng rao “Tình tằng cẩu bánh bò Tàu”, “Bát bảo lưỡng xà”, “Lục tào xá” (chè đậu xanh)… (1)

(1) Vũ Ngọc Phan. Những Năm Tháng Ấy. Văn Học, Hà Nội,1987.

(Sơn Trung – Lịch sử Phở)

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

Tống Quân Nam-phố

Vùng Nam-hạ, hồi xưa có một ông buôn đồ cổ, sưu tầm được nhiều bộ ấm chén rất quý. Theo đòi ít nhiều bút nghiên, song học đã sôi kinh nhưng chửa chín … May gặp lúc Cognacq là giám đốc y tế nhưng có quyền to lại sành đồ cổ, ông mượn người đánh tiếng, rồi khi cái bát Khang-hy, khi đôi bình Ung-chính, chẳng bao lâu ông được ân sủng đến nỗi một ngày kia có nghị định bổ đi tri huyện miền trung du. Nên đám sĩ phu có người gọi mỉa ông là “huyện chén”, do đó thành tên gọi thường ngàỵ
Vài năm, ông bị sốt rét mà bỏ mình. Khi đưa linh cửu về an táng ở thành Nam, một ông bạn nhà nho viếng bốn chữ: Tống Quân Nam-phố (tiễn đưa ông ở Nam-phố)
Ai đọc cũng phải chịu là hay, vì lấy chữ sẵn trong Sở-từ nói lên được lòng tha thiết tiễn bạn, lại được chữ Nam-phố với thành Nam. Mãi sau mới có người vạch ra cái ẩn ý của người viếng. Bốn chữ này không ham một ý gì tiễn đưa mến tiếc, chỉ là móc cái chỗ xuất thân của ông huyện: thì trong bộ đồ chè nào chẳng có một chén tống và bốn chén quân, mà ông huyện nhà ta vốn lại có tên huyện chén ở khắp phố thành Nam!

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Chơi chữ 1960)

 

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ (2)

Nhạc sĩ Phạm Duy, bạn thân của Hoàng Cầm, đã phổ bài thơ Lá diêu bông thành ca khúc, từng viết Hoàng Cầm trong tôi tại California, Hoa Kỳ, vào năm 1984 nêu cách giải thích:

“…Trước hết chúng ta cần biết lá diêu bông là lá gì? Lá diêu bông (lá bông diêu thì đúng hơn) là thứ lá đặc biệt ở làng Ðình Bảng, Bắc Ninh, phụ nữ thời xưa thường vắt ra nước rồi bôi lên mặt cho da dẻ được hồng hào tươi đẹp.

(Lại Nguyên Ân – Trích Hoàng Cầm tác phẩm – Thơ)

 

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Đốt vàng mã

Theo quan niệm của người đời xưa, người chết cũng cần ăn uống, nhà cửa, quần áo, hút thuốc, ăn trầu, cũng cần tiền xe, cần tiền đi lại và mọi khoản chi dùng như khi còn sống…

Người chết cũng được chia một phần gia tài. ở Sơn La, Lai Châu, nhiều nơi còn dựng các nhà mồ, trong nhà mồ cũng có đầy đủ các nồi đồng, mầm gỗ, ấm đất, bát đĩa, dao rựa, chăn chiếu quần áo, mũ nón…đủ tiện nghi cho một cá nhân. Người chết cũng được chia cả trâu, lợn, gà, thóc, gạo… Sau ba năm, tang chủ làm lễ khấn vái và ra mồ xin lại những đồ vật còn dùng được, và súc vật còn sống, kể cả súc vật vừa mới đẻ ra…

Từ việc cúng tế bằng đồ thật, dần dần mới sinh ra lễ đốt vàng mã, tức là thay thế bằng các đồ vật làm bằng tre, gỗ, rơm, rạ, đất sét hoặc giấy tượng trưng, nhưng kích thước thu nhỏ lại để người cõi âm mang đi, nhờ có “Phép thiêng biến ít thành nhiều”. áo quần của người chết mặc khi còn sống, để lại nhà mồ sau ba năm mục nát, không nỡ dùng vào việc khác, người ta đốt đi dần dần sinh ra được thay thế bằng quần áo giấy.

Vì vậy mới có câu tục ngữ “Đi theo ma mặc áo giấy”.

 

Hát ca trù (1)

clip_image006

Hát ca trù hay nhà trò, hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà tơ, theo nhiều tài liệu văn bia, thư tịch cổ xuất hiện ở nước ta từ thời Lý. Năm Thuận Thiên thứ 16 (1025), vua Lý Thái Tổ đặt chức quản cho giới con hát. Tuy nhiên phải đến thời Hồng Đức (1470–1479), nghệ thuật hát ca trù mới chính thức được hoàn thiện về cơ cấu nghệ thuật, đến không gian trình diễn thường gọi là Hát cửa đình.

Những hát nói, hát ru, hát sẩm từ hát ca trù mà có.

(Nguồn: Bùi Đẹp)

 

Tiếng lóng hiện thực

Phê như con tê tê

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Tương tư chẳng ốm cũng sầu

Con ruồi đậu mép chẳng đau cũng buồn

(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao, thành ngữ)

 

Hát cô đầu (1)

Dù có tinh thần bài Trung Hoa nặng đến đâu chăng nữa, tôi nghĩ ta cũng phải nhận rằng người Việt Nam, từ mấy ngàn năm, đã học tập rất nhiều thứ của người Trung Quốc, trong số có “nghề chơi” là một. Hát ả đào, hay hát cô đầu ở nước ta, là một biến thể của nghề ca kỹ ở Trung Quốc. Hình ảnh đậm nét nhất, gây ấn tượng nhất của những nàng ca kỹ Trung Hoa là hình ảnh và tâm sự người thiếu phụ bến Tầm Dương, do Bạch Cư Dị vẽ lên và để lại, sống mãi trong thơ văn từ hơn ngàn năm trước đến nay.

Hai ông Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, trong quyển Việt Nam Ca Trù Biên Khảo, viết:
“ Lối hát ả đào có từ thời nhà Lý. Năm Thuận Thiên thứ 16 – 1025 – Vua Lý Thái Tổ đặt chức quản giáp cho giới con hát. Trong đời nhà Lý, có Tống Đạo sĩ là người nước Tầu sang ngụ nước ta, dậy con gái nước ta múa hát.
“Cuối đời nhà Hồ (1400-1407) có người con hát họ Đào, quê ở làng Đào Xá, Hưng Yên, lập mưu giết được giặc Minh. Khi nàng chết, dân làng nhớ ơn lập đền thờ, gọi thôn nàng là thôn Ả Đào. Từ đấy, những cô gái đi hát được gọi là Ả đào, hoặc Đào nương.”

(Hình ảnh đàn bà trong thơ xưa – Hoàng Hải Thủy)

 

Chữ và nghĩa

Buồn tình chẳng muốn nói cười,
Bởi thương vợ người không được thì thôi.

 

Nhà văn (1)

Có một lần, một anh bạn mắng xơi xơi vào mặt tôi (Nguyễn Đức Thiện): “ anh là cái gì, là nhà “ dăng “ hả? Nhà “ dăng” là cái quái gì?” Tôi không dám cãi một câu. Thì bởi: nhà văn thì cũng bình thường thôi, như bao nhiêu người bình thường khác.

Có người bảo: văn chương giống như cái chợ. Ai thích thì vào không thích thì thôi. Vào không mua, không bán, thì dạo chơi. Thích thì dạo lâu, không thích thì thoáng qua rồi đi. Không thiếu  gì người đã hăm hở bước vào nghề văn chương với nhiệt huyết cao. Nhưng chỉ một thời gian, có khi vì hoàn cảnh, và cũng có khi lực bất tòng tâm, họ chia tay với văn chương mà không lời từ biệt. Nhưng cũng có người, ngày này sang tháng khác, năm này qua năm khác, lầm lũi một mình viết và cho ra đời những tác phẩm của mình. Cho nên, ai từng những ai đã từng ghé chợ văn chương, từng cầm bút viết thành tác phẩm đều có thể gọi họ là nhà văn, thậm chí, chính họ cũng có quyền xưng danh là nhà văn, nhà thơ nữa mà chẳng ai có quyền bắt bẻ…

Cho đến bây giờ, những nhà văn, nhà thơ hội viên dưới tuổi bảy mươi may lắm ba bốn năm mới được tài trợ sáng tác một lần. Nhà văn nào sung mãnh sáng tác thì vài năm một lần được tham gia trại viết để hoàn thành tác phẩm. Cái mà họ được thường xuyên nhất là một số ấn phẩm do Hội nhà văn chủ trì in ấn.

(Nguyễn Đức Thiện – Danh xưng “Nhà văn”)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search