T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Nón lá áo tơi ra quán chợ…

clip_image002

( Đây là bài 3 trong lọat bài về Rượu của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.Bài 1 là “ Tửu Sư “, bài 2 : “ Cái nồi ngồi trên cái cốc “, bài 3: “ Nón lá áo tơi ra quán chợ “, và bài 4 : “ về Bài thơ Hồ Trường “.)

Lần đầu về thăm quê nhà, bụng dạ cứ lao nhao làm như thiếu vắng giấc hương quan mẫn luống canh dài. Vừa lúc thằng bạn mèo mả gà đồng biết thừa bứa tôi có căn tu, chiều chiều ngồi không…tu tới những hai, ba chai lận. Nên nó gọi điện thoại gửi gấm một gã bạn Văn Khoa của nó thuộc diện hẻm nào cũng biết, ngõ nào cũng hay, bảo đảm chẳng ế độ.

Cứ theo lời nó kể lể riêng khoản lỳ một lam, làm một ly gã thuộc dạng sáng say chiều sỉn, hiểu theo nghĩa là nhậu tới bến. Ấy là chưa kể gã là dân Hán học, chữ nghĩa ngập răng nên chuyện…chó gì cũng biết. Như khuyển với cẩu khác nhau cái khổ nào, gã ấy luận với thằng bạn tôi rằng: “Khuyển là chó, không phân biệt kẻ quen, người lạ, gặp là sủa, nên chữ Hán, chữ khuyển tượng hình là con chó đang ngồi lè lưỡi. Cẩu là chữ Nôm, cẩu sủa có bài bản câu cú rõ ràng, gọi là sủa có văn. Vì thế chữ Nôm về con cẩu, cạnh bộ khuyển, còn thêm chữ “cú”, ngụ ý sủa ra câu cú có vần, có vận”. Thế đấy, thưa bạn đọc.

Thế nên với tôi như vậy là quá đủ cho một chuyến đi. Nếu có túc duyên gặp anh nhiêu, anh khóa nho phong sĩ khí đầy người mà ngộ chữ với có tức là…không, không tức là không …có, thì đi nhẹ về nặng, biết đâu gánh về được một bồ chữ cũng là cái hay. Số ruồi, chẳng may vớ phải ông hủ nho, hủ nút nát chữ như trấu chát với…vô chăng, hữu có, khuyển chó, dương dê thì như thêm đũa thêm bát vậy thôi. Nói cho ngay, tôi chẳng nho nhe gì, chỉ biết vài mặt chữ chi, hồ, giả, dã đủ để đọc dăm quân bài mạt chược. Đất sinh cỏ, già sinh tật, cái tật của tôi đã dốt lại hay khoe mẽ nên mới thành chuyện. Bạn đọc rên rẩm rằng gì mà nhiễu sự quá thể? Cần người đối ẩm trong đám nhân sinh này ư? Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu, cứ rủ nhau nón lá áo tơi ra quán chợ , chén rượu men lành, lạnh ngón tay là xong. Nhưng thưa với bạn đọc rằng thói đời lắm khi cũng gặp vạn sự bất như ý…Chuyện là về đến nơi, điện thoại mới chớ phở ra là gã hành nghề…chạy taxi nên tôi có hơi…chuếnh choáng. Nhưng nghĩ lại cũng tốt thôi, vì Sài Gòn đầu đường cuối ngõ gã là thổ công thì ăn chắc. Vì vậy tim gan phồi phẻo tôi được thể lại rối rắm khôn tả.

Đón tôi trước cửa khách sạn, ngồi trong xe tôi ngó chừng gã, thực mục sở thị gã cũng bình bình, thuộc dạng gặp một lần là quên ngay. Nói vậy chứ cũng chẳng ngon sơi cho lắm, bởi lẽ mới sơ giao không nhẽ hỏi đưa đi…ăn thịt chó chẳng tao nhân mặc khách cho mấy. Cây giống bóng của giống người, dòm bên đường thấy mấy tiệm “nhét dô răng”, tôi lâm râm vừa đủ cho gã nghe: Trăm năm sông núi cũng mòn, nghìn năm bia rượu vẫn còn như xưa. Gã chỉ ậm ừ. Tôi bèn…văn dĩ tải đạo, bằng cách buông xả dăm khoẻn lơ mơ lỗ mỗ với gã như thế này đây:

“…Hai thiền sư, một già một trẻ, thiền sư già Unsho phóng khoáng không bao giờ để ý đến giới luật. Thiền sư trẻ Tazan khắc kỷ, luôn luôn giữ giáo luật của nhà Phật. Một hôm Tazan từ Tokyo về nhằm lúc Unsho đang nhắm rượu với thịt chó. Sư già chào đón sư trẻ: ”Thầy làm một miếng mồi đưa cay chăng?

Tazan nghiêm giọng đáp: “Tôi không bao giờ ăn thịt chó”.

Unsho cười đáp: ”Một người không ăn thịt chó, không uống rượu, không phải là người”.

Sư trẻ nổi sùng lên: “Thầy nói tôi không là người thì tôi là gì?”

Ông sư già cười tủm: “Một ông Phật…”.

Gã cũng cười tủm rằng gã không phải là…Phật. Và lái lụa tiếp. Một lát sau ngừng ở chân cầu Thị Nghè, nhìn bảng ““nhét dô răng” có tên Quán Lá Mơ. Tôi thở phào một cái, quẳng gánh lo đi nhẹ lấy mình và ung dung tự tại nhập thế tục một chiều trên bến nước…

***

Thò đầu vào quán tôi choáng ngay, bộp vào mặt là trên kệ sát cửa, bày hàng một dàn năm bình bự sự. Bình nào cũng to đùng bằng cái nồi ba mươi có “thương hiệu” theo tứ tự với nhất xà, nhị xà, v..v.. Vừa để cái bàn tọa va vào ghế, mắt vướng víu vào cái tam xà, chôm chỉa chữ nghĩa báo chợ, báo chùa bấy lâu. Tôi lêu bêu với gã ắt hẳn là ba con mang bành, cạp nong, hổ trâu chi đây. Gã im thin thít. Chỉ cho gã cái ngũ xà, tôi khua môi múa mép chém chết là một mang bành, một cạp nong, một hổ trâu, một rắn ráo, một mai gầm…Gã lặng như tờ. Tôi lăng ba vi bộ với Kim Dung rằng Lam Phụng Hoàng cầm bát rượu Ngủ bảo tửu đưa Lệnh Hồ Xung. Rượu có ngâm năm con trùng độc là một con rắn đen, một con rít, một con nhện, một con bọ cạp và một con trăn nhỏ bằng đầu ngón tay.

Gã hủ nho, hủ nút làm như không nghe vì quán xá đang ầm ào, buông xả với thịt chó như một di sản văn hóa lâu đời. Gã vẫy tay ới người phục vụ lo chuyện hậu sự…Thấy gã không mặn mà mấy con rắn cho lắm. Chợt nhớ hồi này ở trong nước đổi mới tư duy với cao trào mang công án Thiền vào quán nhậu. Vì cần thuyết phục nhau, thì "dùng công án Thiền dễ hiểu hơn nhiều”. Như "Lấy đũa quơ trăng", "Thiền sư qua sông", "Quẳng dao giết lợn xuống là thành Phật" cùng "vô minh", "vô ngôn", "vô thường", "vô ngã", "vô sở đắc", "vô sở trụ" rất rõ ràng, sáng tỏ. Như hỏi một nhà văn rằng vì sao anh ta cứ mài óc ra mà viết bài cho báo lá cải. Đáp: Phật cũng chỉ là que cứt khô thôi mà! Hỏi tiếp: Sao Phật lại là que cứt khô? Đáp: Anh không biết công án Thiền à? Thế là người hỏi cứng họng. Trao đổi với một nhà phê bình văn học khác: Bài viết này của anh nội dung chả nói được điều gì. Đáp: Nói được cũng bị ba mươi hèo, không nói được cũng bị ba mươi hèo thôi ông ạ. Bèn hỏi tiếp: Ba mươi hèo ở đâu ra thế? Đáp: Thế là ông không đọc công án Thiền rồi!". Là xong.

Không nói chuyện rắn thì “khảo luận” về…chó với "vô sở đắc", "vô sở trụ". Nhìn ra con sông Thị Nghè đang lặng lờ trôi…Chuyện thuyền trôi theo nước là tôi có ý đồ muốn khuấy mái chèo về con cún nhà tôi không ăn thịt mà chỉ ăn rau. Món khoái khẩu của nó là rau muống nên tôi chắc mẩm kiếp trước nó là Bắc kỳ. Sau nó nhai giá sống rau ráu, tôi chắc như bắp luộc nó là Nam kỳ. Với khoản đậu rán thì nó hỉ xả trông thấy, nên tiền kiếp nó là một ông Phật chăng. Gã lắc lắc cái đầu. Tôi hỏi: Thế là ông không đọc công án Thiền rồi. Được thể tôi khủng khỉnh cọ đít nhồi với gã qua một công án về một ông tăng hỏi sư Triệu Châu: “Con chó có Phật tính không”. Triệu Châu đáp: “Không”.

Gã trầm ngâm, làm một hơi thuốc từ tốn thở ra…mây, và kể chuyện hoa rơi cửa Phật cùng nhang đèn hương khói như dưới đây và tôi cứ căng tai ra mặc sức mà nghe:

“…Tôi không nhớ ông già tôi đã nuôi con chó Đốm con từ hồi nào. Chỉ biết mang máng là ông đã xin nó về nuôi từ lúc mới đẻ, báu vật của một ông bạn già ở xa nhà tôi khoảng mươi cây số hương lộ. Vậy mà ông bạn cố tri ấy đành cắt khúc ruột của mình ra tặng cho ông già tôi. Thế đủ biết cái tình bạn nhậu giữa hai ông già thâm sâu, thắm thiết biết là dường nào.

Đúng là bợm nhậu theo kiểu giang hồ, ông già tôi quả là một dân nhậu khét tiếng từ Hóc Môn đến Bà Điểm với rượu đế Ông Già Ba Tri. Nếu không nổi danh như vậy ông đã không đến nỗi bán vợ đợ con để về chui rúc dưới mái tranh vách đất xập xệ, trông chẳng khác nào cái chòi nhỏ. Mái tranh cũ rạt không che kín đủ bên trong, lúc nào cũng như chờ đợi những cơn mưa dột ướt cả người ngợm. Còn cái tình cảm giữa ông bà già tôi mới thật là éo le. Chính vì ông già tôi là bợm nhậu nên bà già tôi không thể nào chịu được cái cuộc tình giãy chết này nữa. Bà đành một mình cự tuyệt ông già và lặng lẽ dắt hai đứa con thơ kéo nhau về cắm dùi ở cái thôn Quảng Phước xa xôi hẻo lánh để làm lại cuộc đời…”.

Vừa lúc người phục vụ xuất hiện, như thân quen từ trước, gã rì rầm nói cho cái bình da lươn và hai cái chén Tống. Tôi nghệt ra hỏi gã mình vào đây uống ruợu rắn chứ…lươn lẹo gì? Gã lươn khươn rằng ấy là cái bình đất nung cho tới màu da lươn, để lâu lạc tinh thành mầu gan gà nên còn gọi là ché. Ché đựng Thập nhị xà nhất điểu gồm 12 con rắn là hổ mang, hổ lửa, rắn ráo, mai gầm, cạp nong, hổ hành, hổ hèo, rắn lục, liu điu, ri voi, ri cá, bông súng và nhất điểu là…con bìm bịp. Như trên đã thưa gửi, tôi không có tướng lại có tính, tính hay khoe mẽ ấy mà. Nên tôi chộp giựt với chén Tống rằng cứ theo cụ Vương Hồng Sển, trước dùng để uống rượu, đến đời Thanh vì…tửu lạc vong bần nên để uống trà.

Lại làm như điếc đặc, gã cứ quấn quýt với con chó nhà gã:

“…Vậy mà ông cũng tìm ra được tông tích của ba mẹ con tôi rồi cũng rút binh về theo. Tuy nhiên cái tình mặn nồng ngày xưa không còn nữa. Cái nhà là của bà già tôi mua nên trên nguyên tắc ông già không có quyền ở chung. Túng quá ông phải tự làm lấy một cái chái nhỏ che đỡ mưa nắng, núp dưới bóng cây xoài to, sát bên bờ giếng làm chỗ trú ẩn, coi như tạm cắm dùi chung trên cùng mảnh đất, ở ngay sau cái chòi má con tôi ở.

Hai người như hai cái tai của cái cối xay, người ở đằng trước thì kẻ ra đằng sau, người ở trong nhà thì kẻ phải ở ngoài hoặc ngược lại. Cũng chính vì cái nỗi buồn đơn độc này mà ông già tôi phải tìm cách nuôi một con chó làm bạn. Thoạt đầu ai nấy đều lắc đầu bởi ông già tôi ngoài cái chuyện nhậu nhẹt, ông còn là một tay mần thịt cầy nổi tiếng nên không ai tin tưởng vào lòng tốt của ông một khi con chó bắt đầu lớn. Ấy vậy mà mối tình thủy chung này lại kéo dài đến suốt cuộc đời của hai "người" còn hơn là mối tình lớn của ông với bà già tôi. Con Đốm hiện diện trong nhà tôi từ ngày ấy ở Trung Chánh Bà Điểm quê tôi này…”

Vừa lúc người phục vụ mang ra đầy đủ đồ nghề với “cái trước để uống rượu, sau cũng để…uống rượu”. Thôi thì thượng điền tích thủy, hạ điền khan, gã nhắm món chả chìa trước cái đã. Chỉ cái bình tam xà chẳng con rắn chết tiệt nào nằm trong, gã râm ran tam xà không như tôi…hoang tưởng mà gồm “hổ mang, hổ lửa, hay mai gầm hoặc cạp nong”. Còn ngũ xà gồm ba loại trên thêm hổ hành và hổ hèo. Ấy là rượu rắn Phụng Hiệp ở đất Phong Dinh. Rắn được mổ bụng, bỏ hết, chỉ giữ lại mỡ và mật vì đây là hai vị thuốc trị liệt dương, đau nhức, táo bón và…phong thấp như ông già gã.

Và gã rắn ráo về chuyện…ông già gã:

“…Từ hôm ông già tôi âu yếm ôm con Đốm về nuôi đã gây ra một bầu không khí chộn rộn trong gia đình không ít. Má tôi vốn có tính không ưa chó mèo nên khi thấy vậy bèn hứ cho một câu chí tử "Cơm không có mà ăn còn đem chi cái ngữ ấy về nuôi, giỏi lắm được năm ba bữa nửa tháng là vô bụng". Bà thường nói trổng từ trong nhà vọng ra cốt cho ông già tôi nghe cho bõ tức. Riêng anh em tụi tôi thì đặt nhiều dấu hỏi to tổ chảng là không biết con Đốm con sẽ ăn uống thế nào khi con mắt còn nhắm rít.

Cơn lo lắng của ông già kéo dài mấy ngày trời thì đột nhiên bữa nọ, cả nhà bỗng thấy con chó mẹ không biết từ đâu lòi ra với bộ lông đen ngòm đang nằm xoải mình ra bên cạnh gốc xoài, thò mấy cái vú dài ra cho con Đốm con bú. Thế là vấn nạn trước mắt được giải quyết ngay tức khắc nhưng sau đó ai nấy đều cảm thấy có một cái gì không ổn!…”.

Nghe đến mỡ và mật vì đây là hai vị thuốc trị liệt dương. Quên khuấy gã là anh nhiêu, anh khóa, mồm mép tôi như tép nhảy về rượu chữa bá bệnh, tôi như mắc bệnh từ ám Hán tự với chữ “y” là thuốc, trong chữ “y” có chữ “tửu” là rượu đứng trước. Tôi hú họa gã bài cao đơn hoàn tán về thuốc rắn: Ai bị phong thấp, ngâm sẵn hổ mang. Ai bị da vàng, tìm rượu hổ lửa. Đàn bà không chửa, chuốc lấy mang bành. Đàn ông hoạt tinh, đừng quên rắn ráo…. Tôi sơn đông mãi võ rằng con bìm bịp…có võ, nó bay xuống cắp rắn con bay lên cao thả xuống là rắn…chết tươi. Tôi hươu vượn là hai loại kỵ nhau như nước với lửa, lấy liệt hỏa mà khu trừ hàn tà để chữa bệnh…phong thấp. Tôi múa may thêm âm với dương là chân âm toàn thịnh, chân dương hữu khuy…là để chữa bệnh…hoạt tinh.

Gã nhìn tôi bằng nửa con mắt rùa và nhẹ nhàng lất phất rằng bìm bịp là chim rừng nhỏ hơn gà, lông nâu, đầu đen, đuôi dài, kêu…“bịp bịp”. Khi bị gẫy chân, nó tự chữa trị lấy bằng cách đi kiếm lá bìm bìm hình chân vịt hay lá bìm bìm…xẻ ngón về đắp chân.

Gã lắc đầu, ngỡ gã lắc đầu về con bìm bịp bị gãy chân. Hóa ra không, gã lại âm ỉ:

“…Không bất ổn sao được khi cả nhà tôi từ ông già cho đến má tôi đều tỏ vẻ ngạc nhiên là không biết tại sao với hơn mươi cây số hương lộ, không chỉ đường cho con chó mẹ đi mà nó tìm ra được căn nhà nơi đứa con của nó bị "bắt cóc". Chẳng lẽ nó đánh hơi mũi tài tình đến như thế? Kế tiếp là nó phải vượt ruộng, vườn, khe rạch mỗi sáng cả đi lẫn về để cho con Đốm con bú, thử hỏi sức người cũng phải tiêu điều huống hồ là súc vật. Thế mới biết cái tình mẫu tử con vật cũng thật là thảm sầu thâm sâu! Sau đó nó chạy ngược về thôn trong. Được mấy ngày, một buổi sáng, anh em tôi ra gốc xoài nhưng không còn thấy bóng dáng con chó mẹ đâu nữa. Người chủ cũ cho hay là nó đã biệt vô âm tín! Chúng tôi biết nó đã thật sự gặp chuyện chẳng lành ở…quán thịt chó đâu đó…”.

Không thông hanh lắm về ông bạn mới cáo cạnh này nên tôi phun ra chuyện chó Bắc, chó Nam, đến con rắn chữa bệnh…hoạt tinh. Qua những chuyện ấy tôi mới ngớ ra gã là Nam Kỳ miệt vườn, tạng người nhạt hoen hoét như nước lã ao tù như đã diễn tả ở trên. Nhưng cung cách uống rượu rất…nhất cổ nhì quái.

Gã bày hai cái chén Tống trước mặt. Cái cổ ché có hai cái tai là cái quai. Hai tay gã bưng…hai cái tai lên. Vô tửu bất thành lễ, gã rót cho tôi trước, cho gã sau. Cái chén Tống “ngồi” trước mặt gã. Gã khẽ cúi đầu xuống cái chén hít nhẹ. Một động tác gần như, thoáng như có một chút nào trang nghiêm, kính cẩn của một tửu đồ đi tìm vô ưu, vô thường của tửu đạo. Sau đấy, cũng hai tay, gã đưa cái chén ngang miệng, mặt mày trầm ngâm, đầy rẫy tĩnh không, tĩnh lặng. Đang đăm chiêu qua chén rượu. Bất chợt gã ngửa cổ ực một cái nhẵn thín như voi uống thuốc gió, như nghi lễ uống trà của trà đạo, của thiền sư. Rồi…

Rồi khà một cái, vẫn khuôn mặt vô ưu, vô minh ngập u u minh minh, và trầm ngâm:

“…Con Đốm con bây giờ lâm vào cảnh mồ côi. Nhà nghèo nên đụng gì ăn nấy, càng ngày càng đèo đẹt nhỏ thó, trong khi các con chó hàng xóm cùng bầy lớn lên phổng phao thấy rõ! Thiếu tình thương của mẹ, Đốm càng ngày càng bị ăn hiếp, càng quắt lại không sao lớn nổi. Không được mẹ liếm láp cho thường xuyên, lưng nó bị đốm ghẻ nhỏ biến thành lác. Tháng ngày qua đi, chó con hàng xóm chúng bắt đầu ăn cháo thêm bù vào ngoài khoản cai bú sữa mẹ. Nhưng thảm thương cho Đốm chẳng bao giờ nó được bữa no, vì bị lũ đồng loại lớn con đẩy bắn ra ngoài khi Đốm len vào xin ăn. Những lúc ấy nó hận lắm, rít lên trong cổ những điều nguyền rủa, nó thề rằng nó sẽ trả thù…”

Nói cho cùng, tôi cũng là thằng mềm môi uống rượu mẻ bát thiên hạ, nhưng thú thực chưa được nếm cái thứ rượu quái quỷ này đây bao giờ. Gã hỏi tôi uống…đạt không? Tôi gật gừ. Và gừ gật tiếp là gã nói chuyện rắn trong lỗ cũng phải bò ra. Gã im ỉm. Lặng im.

Chơi vơi trong cảnh chiều, cái đầu tôi bồng bềnh trên sóng nước của con sông trước mặt với trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu, cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu. Buồn buồn tôi nhấp từng ngụm nhỏ. Gã bê cái ché rót vào chén, vừa rót từ từ gã vừa liu điu tiếp:

“…Sau nhiều ngày, nằm gác mõ buồn hiu suy nghĩ, Đốm bèn "ngộ" ra rằng, muốn trả thù thì phải lớn con. Nhưng sữa mẹ không được bú, cháo chó cũng chẳng được ăn, thì ăn gì mà lớn!? Đốm lang thang trong sân, thấy cu Tí em tôi đang làm việc bài tiết, đói bụng quá, Đốm làm liều, làm tới xơi trọn chỗ cu Tí vừa thải ra. Đó là lần đầu tiên Đốm ăn bẩn, người ta bảo cái gì lần đầu cũng khó khăn, còn những lần sau thì quá dễ. Miệng Đốm đã quen ăn bẩn, thế là từ đó, Đốm xục sạo khắp nơi, chỗ nào có người bài tiết là Đốm làm nhiệm vụ dọn bãi, tranh thủ cho đầy ruột. Mà không hẳn là phân người, đến phân gà, phân heo Đốm cũng không từ. Vì ăn bẩn quá, bụng Đốm càng phưỡn ra với cả núi giun sán. Có nhiều ngày Đốm ói ra mật xanh nanh vàng, kinh khiếp không thể chịu nổi…”.

Kể đến đây, gã khuân chén rượu làm cái “chóc” sạch banh như uống nước rau luộc. Rồi gã mới hừ một cái rằng kiến trong lỗ cũng phải bò ra vì…rắn không có tai. Mặt tôi như bát tiết canh sũng nước và vểnh tai ra nghe chuyện rắn rết bò vào, cóc nhái nhẩy ra:

“…Thân thể Đốm hôi hám, lông xơ xác bờm xờm, lũ chó hàng xóm càng tránh xa. Mỗi khi Đốm đến bên bà già tôi, nó bị bả xua đuổi dữ dội. Đốm hận đời, hận cả loài người hận cả loài chó…những mặc cảm thua thiệt từ thuở thiếu thời đi sâu vào tiềm thức nó. Nó quẩn quanh với dự định báo thù, nhưng một mình sức yếu, Đốm chẳng làm gì được ai trong gia đình tôi cả. Mỗi khi ai trong gia tộc Đốm đi ngang qua ả, ả nhe răng trợn mắt ra gầm gừ đe doạ…ngày tháng trôi qua, mặc cảm cũng đi theo Đốm vào tuổi xuân thì cùng hoa lá cành.

Dù gì thì Đốm cũng vẫn là động vật bình thường, nó vẫn mơ về một anh chó đực đẹp trai để cùng nhau mơ mộng duyên đầu. Nhưng anh chó đực nào cũng xa lánh vì cái thân thể nhỏ thó gầy gò và hôi hám vô cùng tận của Đốm. Những khát khao xuân tình không được thoả mãn, Đốm càng hận đời đen bạc, hận kẻ bạc tình..”.

Vừa lúc đĩa chả chìa vàng ươm, thơm điếc mũi đưa ra. Chẳng thiếu lá mơ xanh tím, lát củ riềng thái mỏng trông thật bắt mắt, làm lục phủ ngũ tạng cứ nhiễu nhương cả lên, vì là trông đĩa thịt thấy đẹp một cách…điêu đứng. Tôi thầm nhủ nào có ăn không thì bảo nhưng nghĩ sao lại thôi vì dẫu gì gã cũng là khách nhậu của tôi hôm nay thuộc diện chó đen quen ngõ. Cứ như thằng bạn đời tôi tiến cử thì trời nắng chó trắng, trời mưa chó vàng gã làm tuốt luốt. Thảo nào gã chẳng vội gì, nhón một lá húng thật tươi bỏ vào miệng nhóp nhép. Gã nheo mắt nhìn tôi ra cái điều trước sau…chó nào chẳng ăn cứt, ốc nào chẳng ăn bùn. Và rì rầm cứ như tụng kinh trước khi trai tịnh:

“…Ở đầu thôn có một con chó già, đã bị xà mâu lâu năm, nay nó đã yếu lắm, mắt luôn đổ ghèn và đi cà nhắc. Có lần Đốm ghé qua thấy vậy, bèn nhủ lòng là: "Có lẽ duyên phận mình buộc vào chỗ này đây!" Và quả như vậy thật, khi có những dấu hiệu của giống cái xuất hiện, Đốm đã đến nằm bên lão chó già kia gạ gẫm dâng hiến. Lão chó già lâu ngày bị bỏ rơi, cô đơn tận cùng, nay của "giời cho" nên rất vui mừng đón nhận cảnh giới ấy. Đốm tự dưng mượt mà hẳn ra, còn lão chó già thì dường như trẻ lại, lão thương Đốm vì Đốm đã đến cứu nguy đời sắp tàn phai của lão! Đốm lớn lên và trông "đẹp gái" ra trông thấy.

Ông già tôi cưng nó hơn cả tôi với thằng Tý vì khi ông say sưa chỉ có nó làm bầu bạn. Nó quấn quít bên ông như hai cha con, còn tụi tôi phải ngủ với má vì không chịu nổi cái mùi rượu nồng nặc đến chết người. Ác thay một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày thì ông say đến hết một nửa, bữa say bữa tỉnh khiến ba mẹ con phải ra bờ rào trải chiếu ngủ mặc cho gió sương, mưa bão hoặc rắn rít, bò cạp đêm hôm có bò tới làm thịt nên cũng đành chịu!…”

Chòm chèm qua “rao” đầu. Gã rót cho cả hai. Bắt chước gã, tôi cũng hai tay thành khẩn bế cái chén Tống ọc một quả ra trò như cụ Phan Thanh Giản uống thuốc độc. Gã hỏi tôi sao cứ uống mà không nói chuyện gi sất cả. Như gãi đúng chỗ ngứa, tôi ực tiếp cữ thứ ba. Quả có khác, tôi thấy cái say lừ đừ từ chân tóc bò xuống tận gót chân. Xong, mượn dịp này tôi ư hử sổ nho: tửu phùng tri kỷ thiên bôi tửu, thoại bất đầu cơ, bán cú đa ra cái điều gặp bạn như gã rượu uống bao nhiêu cũng thiếu và nếu tôi có nói nửa câu cũng là nhiều. Sợ gã hiểu ra là túy ông chi y bất tại tửu, tôi nói chữa tửu vô lượng, bất cập loạn.

Mà gã hiểu lầm thật, ngỡ tôi nhắc khéo là …hết rượu, gã ới thêm cái Cửu xà nhất điểu. Mắt tôi tròn dấu hỏi vì bộ rắn chùa hay sao mà nhiều quá thể, lại thêm chín con nữa. Gã bâng quơ rằng cứ bỏ ba con của thập nhị xà là xong ngay. Và rắn rết như thế này đây:

“…Một năm, ruộng lúa bị mất mùa, chẳng ai gặt hái được gì nên cái nghề sửa xe đạp trong làng của ông già tôi cũng sa sút theo, ít ai còn muốn sửa xe đổi lúa nữa. Ông già tôi phải chịu đựng bữa đói bữa no, có lúc ăn cháo thay cơm, có lúc ăn rau thay cháo. Cuộc đời của con Đốm cũng thăng trầm theo cái vận mạt của chủ nhưng không bao giờ thấy nó thở than, tru tréo. Ngược lại ông già tôi dù đói cách mấy vẫn không có ý nghĩ làm thịt con Đốm mặc dù nó đã lên hai tuổi và dư đủ cho ông già tôi có một tuần xẻ thịt nhắm rượu. Đủ để biết cái tình thương ông là dường nào, có khi ông còn nhịn đói chừa cơm cho nó ăn nữa là khác!…”

Gã ngừng kể lể…Tôi thấp thỏm đợi vì cứ ngỡ khi gã kể lể đến khúc “dư đủ cho ông già tôi có một tuần xẻ thịt nhắm rượu “ thì thể nào gã cũng làm vài miếng chả chìa vàng ươm, đang ngậy thơm điếc mũi. Thế nhưng không, gã nhẹ nhàng nhấc chén cửu xà nhất điểu lên với một phong thái rất ư Lão Trang: Khoan thai xoay xoay cái chén, đưa lên từ từ và cúi đầu xuống nhẹ hít hà…Đợi hơi rượu lởn vởn, thảnh thơi chui tọt vào lục phủ ngũ tạng, tim gan tì phế rồi điềm đạm từng ngụm nhỏ. Mép khẽ nhếch câu nho phong: tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu. Gã thong thả đưa cái chén xuống. Cùng lúc mồi điếu thuốc, lờ đờ nhả khói và nói xa gần, xa vắng với tôi là “thiên bôi thiểu” chứ chẳng là “thiên bôi tửu”.

Tiếp, khaon thai đưa cái chén Tống lên ngang miệng và cũng từng động tác chậm chạp ấy, không thừa không thiếu. Gã uống lặng lờ như một cái bóng, càng uống càng tỉnh, mặt không hề đổi sắc. Gã vật vờ uống, càng về chiều, hình như càng đắm chìm trong khói thuốc lá dầy đặc và chẳng quên câu chuyện dở dang:

“…Nhưng với thời gian, tính Đốm càng ngày càng hung hãn, nhất là khi nó thai nghén và sắp sửa ở cữ, nó cắn răng nguyền rủa lão chó già vô cùng độc địa. Với tính khí thất thường của Đốm, lão cũng không chịu nổi, mấy lần lão tính bỏ đi, nhưng nghĩ tình xưa nghĩa cũ nên ráng cắn răng chịu đựng. Đốm dù bụng mang dạ chửa, song vẫn thúc lão chó già gây hấn củng bạn bè gần xa của Đốm. Con Khoang là kẻ đã từng bị vợ chồng Đốm bề hội đồng cắn gẫy chân, toạc cổ, may mà có cu Tý cứu kịp. Bầy chó hàng xóm kiềng mặt vợ chồng Đốm, không muốn nhận vào làng chó, vì chúng đi đến đâu là nơi đó có chiến tranh!…”

Nghe gã kể lể “ông già tôi dù đói cách mấy vẫn không có ý nghĩ làm thịt con Đốm” tôi để cái đầu đẩy đưa: Rằng tôi là thằng ăn thịt chó lờn môi với mưa nắng làng nhàng chó nào cũng được. Vừa lúc nhà hàng bầy lên đĩa sườn nướng từng miếng bằng ngón tay, vừa nạc vừa mỡ, thịt như còn xèo xèo cháy chín vàng như nghệ, mỡ giỏ xuống bốc khói thơm điếc mũi. Ấy vậy mà gã cũng chưa chịu đụng đũa cho. Tôi đành bấm bụng ngồi đợi gã…nhai xong chuyện. Gã thả rong chuyện chó cũng giận hờn, cũng tham, sân, si này kia. Tôi thở ra nghĩ quấn rằng gã chỉ là tên uống rượu bát nháo, rượu vào lời ra rồi bốc nhằng cho sướng miệng thế thôi và gã vén môi chuyện ghen tương của chó mới ngược đời:

”…Một bạn gái của Khoang, Mực là một mụ chó nạ dòng thì nghĩ khác, mụ cũng đã từng bị Đốm đuổi theo cắn một lần vào mông nên mụ hận Đốm lắm, mụ rắp tâm triệt hạ Đốm cho bằng được. Chuyện trớ trêu là lão chó già kia có thời là…”người” tình của mụ Mực, mụ bèn dùng mưu "rút củi đáy nồi", nên tìm cách đến gần lão chó già khi có thể được. Ngày kia, lão chó già cãi vã với Đốm bỏ ra ngoài xóm rong chơi, được thể Mực bèn làm quen và quyến rũ lão. Lão mừng rỡ theo Mực. Sau cơn giận, Đốm tức tưởi đi tìm chồng, thì than ôi "kim rơi đáy bể biết tìm nơi đâu?", Đốm chạy lồng lộn đầu sân cuối xóm, bày chó làng nhìn Đốm như con chó biết ghen tương với cặp mắt long sòng sọc, rãi rớt chảy hai bên khóe miệng.

Cái cảnh đầm ấm giả tạo giữa vật như người này kéo dài hơn hai năm. Một bữa nọ sư cụ chùa làng cách nhà tôi dăm cây số quá bộ đến thăm, thấy con Đốm xơ xác bèn đem lòng trắc ẩn muốn xin về nuôi. Tôi nghĩ con Đốm được ở giữa cảnh chùa thanh tịch, nhưng đầy ắp tình thương của sư cụ, cũng như được chăm sóc cơm nước no đủ mỗi ngày, con Đốm thế nào cũng được hưởng một cuộc sống ngon lành, thế nhưng ông già tôi không chịu…”.

Tôi nhấp nhổm định gắp một miếng thịt nướng thơm nhẫy trước mặt, kèm theo lá mơ chấm với mắm tôm chanh đường vừa chua vừa mặn, thì giời đất ạ, tôi nghĩ là ngon quên chết. Vậy mà gã vẫn nhịn như nhịn cơm sống, vẫn chưa chịu khua đũa đụng bát.

Ngồi đồng đã lâu, tôi nhấc chén rượu hỏi gã 12 con rắn với 9 con rắn thứ nào ngon hơn. Gã gật gật cái đầu nhấc chén lên. Tôi nghĩ thầm gã Nam Kỳ này hơi…Không để tôi nghĩ tiếp, gã thủng thẳng với chuyện con chó nhà tôi…“ăn chay” nào có hay ho bằng chuyện con chó ở chùa của ông già gã qua Tết Mậu Thân:

“…Sau Tết Mậu Thân, giặc cộng tràn về làng và đánh nhau với quân đội quốc gia. Chòm xóm cho hay con Đốm bị đạn lạc nằm sau gốc cây xoài, khi cả nhà đi di tản xuống Sài Gòn. Cuối cùng nó bị ném ra bờ sông, hơi nước bốc lên khiến Đốm hồi tỉnh lại, nó nằm rên lên những tiếng bi ai, cuộc đời của nó như khúc phim quay qua đầu, nó oán hận loài người đã đẩy nó vào bước đường làm ma không chồng. Nhưng nó chỉ bị thương và cái thai bị hư được đẩy ra ngoài. Nó ứa nước mắt nhìn dòng sông, dòng đời lững lờ trôi qua mõm nó.


Chợt có tiếng bước chân rất nhẹ đi đến bên Đốm, nó thấy một người mặc áo nâu nhìn Đốm, và ẵm nó lên. Lần đầu tiên trong đời Đốm thấy có cảm giác không phải hận thù, mà là ấm áp trong lòng! Đốm không biết cảm giác gì! Vì cả đời nó chưa biết thương yêu bao giờ đâu?


Người ẵm Đốm không ai ngoài sư cụ chùa làng, sư cụ mang Đốm về Tự Viện. Sư cụ tự tay mổ vết thương và gắp đạn ra cho Đốm và băng bó khâu lại vết thương cẩn thận…”.

Đảo mắt ra ngoài bờ sông, gió sông hiu hiu thổi…Tôi ung dung tự tại hết nhìn đến ngắm những lát thịt cháy vàng mỏng, cắt xéo như miếng chuối xanh, ngào ngạt thơm phức. Thấy cả nạc, mỡ, sụn, gắn bó với nhau những nồng ấm, thân thương của một cõi đi về.

Bốc lên, tôi nói chữ với gã uống kiểu chén thù chén tạc là uống hai người: chủ và khách. Bên chủ là bên "tạc" có nghĩa là…chúc mừng. Bên khách là bên "thù". Chẳng thù hằn gì nhau đâu mà…bắn nhau để con chó của ông già gã bị thương, mà có nghĩa là…uống đáp lại. Thế là tôi…thù ngay. Ực thêm dăm chén, thấy ngất ngây những khoảnh khắc của tang bồng hồ thỉ. Hết chén này qua chén khác, mặt tôi như quả mận chín, khổ một nỗi gã vẫn chưa chịu gắp mồi đưa cay. Sau vài cữ nữa, thật sự tôi đã thấy hơi men bốc khói trên đầu. Gã thì không, đôi mắt lặng lờ nhìn vào cái chén Tống hồi lâu rồi làm một hớp hết nhẵn ba vạn thế giới một đáy cốc, vạn kiếp luân hồi một sát na.

Xong, gã da diết chuyện tang thương ngẫu lục của con Đốm nấp bóng thiền môn:

“…Mười ngày sau Đốm khỏi, nhờ tâm từ bi của sư cụ. Nó chẳng còn chỗ nào để về, nên ở lại chùa, hàng ngày sư cụ ăn gì thì chia cho nó một phần…Kể từ khi con Đốm bị đổi chủ thì ông già tôi lại đâm ra mắc bệnh tương tư. Không phải ông tương tư người đẹp nào trong thôn để thay má tôi vì chẳng ai thèm để ý đến ông già say, mà thật ra là ông tương tư con chó. Ông nhớ thương nó như người ta thương nhớ một người yêu, mặc dù quanh ông còn có hai anh em tôi quấn quít hàng ngày nhưng ông vẫn cảm thấy hết sức cô đơn.

Ông không là một nhà tu nhưng y hệt một nhà tu, thường ngồi xếp bằng trông như…”thiền”. Có khi tụi tôi thấy ông khóc một mình, không biết vì ông nghĩ ngợi cái tình cảnh dở khóc dở cười của gia đình hay vì ông quá thương con chó. Nhưng tôi nghĩ chắc ông nhớ con Đốm vì nhiều lần tôi thường nghe ông nói "Phải chi tao còn con Đốm, tao sẽ đỡ buồn hơn".

Từ đó ông sinh ra cái tật đi câu cá để giải sầu. Mỗi lần ông xách cái cần với cái giỏ đi câu là tự nhiên ông thơ thới hân hoan mặc dù có lúc về với cái giỏ không. Tụi tôi ban đầu lấy làm lạ nhưng sau đó hỏi ra mới biết ông đã gặp được…con Đốm…”.

Nghe đến câu…ngồi xếp bằng trông như…”thiền” , cái miệng tôi nhóp nhép rằng gã kế chuyện như…vẽ rắn thêm chân ấy. Gã khựng lại. Lại lơ đãng nhấp một ngụm nhỏ. Khứa đây diễn xuất hơi nhiều, lúc thì ực, khi thì nhấp, chỉ thiếu cái ho khan là có bài bản. Nếu gã có phải vén môi dường như có một chút nào lơ là, buông thả. Tôi vừa nghĩ vậy và cũng vừa định chấm miếng thịt nướng vào bát mắm tôm ngập ớt đỏ…Chưa cầm cái đũa lên nhét miếng thịt vào kẽ răng ba ngày vẫn còn thơm…Vì…

Vì tôi lại bù đầu tóc rối chuyện con Đốm về chùa:

“…Số là con Đốm từ ngày về ở với nhà sư, nó quen với cảnh chùa nên không về lại nhà tôi nữa. Ông già tôi tìm cách đi câu bên dòng sông ở phía sau chùa để có cớ nhìn mặt được con Đốm. Con Đốm quyến luyến chủ cũ nên quấn quít bên ông gìa tôi, nó hôn, nó liếm, nó nhảy phóc vào lòng ông già như đứa bé con tìm vú mẹ. Thế là ông già tôi tự nhiên tìm lại được niềm vui. Ban đầu, mỗi lần đi câu ông thường về nhà sớm nhưng về sau ông ở lại câu khuya hơn, nhất là những đêm trăng thanh gió mát, với bầu rượu bên cạnh và con chó cưng, ông thấy đời không còn gì đẹp bằng. Ngồi thỉnh thoảng móc mồi câu, quăng cái tủm xuống nước, đàn cá đua nhau giựt giựt cái phao, lúc nổi lúc chìm, con Đốm phụ họa nhảy lởn vởn, sủa cá sủa trăng, trông cả hai chẳng khác nào đôi bạn thân tình nhất.

Lúc đầu con Đốm sợ sư cụ nên chỉ tìm cách trốn ra bờ sông mỗi chiều rồi lại trở về chùa. Sau đó nó bạo gan hơn, mon men theo ông già tôi về đến tận nhà, chơi qua loa với tụi tôi chừng nửa tiếng đồng hồ rồi quay về, để lại nỗi vui mừng hụt nơi anh em tôi. Mấy ngày sau đó, nó bất kể sư cụ với cơm lành canh ngọt ở chùa, về nhà tôi ở luôn. Báo hại sư cụ mỏi mắt đi tìm mới gặp nó. Nhìn thấy sư cụ, nó có vẻ thẹn thùng cúi gầm mặt xuống, chẳng tỏ vẻ gì mừng rỡ cả. Về sau ông già tôi thấy áy náy nên đành phải mang con Đốm trả lại chùa. Sư cụ vui vẻ nhận, nhưng mấy chú tiểu muốn cho chắc ăn nên xích con Đốm lại để canh chừng ở một góc bếp, sát bên cây thị quanh năm nở hoa trái vàng óng thơm lừng…”.

Gã thò tay vào cái đĩa mồi và miệng thả rong là…vẽ rắn thêm chân là của Tầu, còn Ta là …vẽ rết thêm chân. Tôi cũng khựng lại như gã vừa rồi. Nhưng mắt còn bận bịu theo ngón tay gã nhúm…cái lá mơ và để đó không chịu chém to kho mặn ngay.

Tay tung tẩy cái lá mơ, giọng gã đều đều:

“…Bẵng con Đốm không được về thăm nhà nữa. Ông già tôi ngày càng già, không đi câu xa ở bờ sông nên không còn gặp nó. Có thể vì bị giam lỏng nơi cảnh chùa u tịch nên nó chẳng thể nào về, có thể nó biết thân phận nó là của chùa nên chẳng dám làm phiền ai. Cũng có thể nó đã già như ông già tôi và chết rồi không chừng. Riêng anh em tôi bây giờ tôi đi học ở Sài Gòn, em tôi đi lính, ít có dịp về lại quê xưa chỉ trừ khi Tết nhất đến, nên cũng chẳng để ý gì chuyện con Đốm nữa. Một trang tình sử tưởng đến đây đã hết, nào ngờ…

Xuân năm ấy, đúng mồng một Tết, trong lúc anh em tôi đang quây quần trong nhà đón xuân lúc đất trời vừa ửng nắng mai, bỗng nhiên con Đốm già từ đâu tung cổng vườn khép kín đi vào ngoe nguẩy đuôi mừng rỡ. Vẫn bộ lông mềm mại nhưng không dấu nổi màu sắc tàn phai vì mưa nắng. Gương mặt con Đốm tuy vẫn còn khuất trong đám lông rậm rịt nhưng vẫn không che kín được lớp da nhăn, nhất là ánh mắt không còn tinh anh như ngày trước nữa. Ông già bà già tôi bảo nó xông cửa đầu năm chắc là may mắn. Cả nhà ai cũng ngạc nhiên vì không ngờ nó chọn đúng ngày mồng một Tết mà về sau hơn mấy năm xa vắng…”.

Đêm khuya thoi thóp, khách khứa lác nhác vắng dần. Cạn lưng chén, đầu tôi như bốc khói. Khi bốc lên rồi mỗi thằng một thói, thằng thì nhè, thằng thì thăng. Riêng tôi thường để hồn đi hoang phiêu phiêu một cõi. Quán vắng nên trống trải, ánh đèn trở nên ấm cúng. Nhìn xuống chén Tống chỉ còn một nửa, lắc lắc cái chén, rượu óng ánh như sương khói. Trống vắng đến xe lòng, ai chẳng có những giây phút lướt khướt, liêu xiêu…Làm như thân thiết, tôi cảm hoài, cảm khái với gã viễn ly vô lượng kiếp, bất xích nhất sát na, và ngứa mồm giảng cho ông đồ nát chữ là bằng hữu dù xa cách nhưng thật gần. Gã cũng đăm đăm với cái chén, tay xoay xoay. Làm như muốn tránh né cái cảnh tương kiến thời nan biệt diệc nan, là gặp nhau đã khó, giã biệt nhau còn khó hơn. Thế nên gã xuội lơ trông thấy:

“…Tôi ôm con Đốm già vào lòng vuốt ve, và qua nó, biết được cuộc đời đã đổi thay nhiều lắm. Nó ở nhà tôi chơi hết một ngày mùng một Tết rồi lại trở về chùa suốt năm ở đó.

Xuân năm sau, anh em tôi bị kẹt không về thăm nhà được. Bà già tôi cho hay mồng một Tết, con Đốm lại xông cửa về thăm chủ cũ thêm một lần nữa. Tôi thấy lòng bâng quơ rung động, tự nghĩ như con Đốm có mối liên hệ tiền kiếp nào với gia đình tôi, sao không nó cứ đợi đến ngày mồng một Tết lại về? Ông già tôi ngày càng già, bệnh tật liên miên vì chứng xơ gan do rượu hoành hành nên lúc nào cũng tưởng nhớ đến con Đốm. Con thú già bí ẩn, mỗi năm chỉ gặp mặt nó có một lần vào ngày Tết.

Nghe nói hàng đêm con Đốm nằm nghe sư cụ tụng kinh Địa Tạng, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa …Lời kinh như thấm vào trong não tuỷ của nó, những mặc cảm của nó từ xưa dường như tiêu tan hết. Đốm say tiếng kinh, mê ngửi mùi hương trầm thoảng nhẹ trong gió. Đốm thường nằm sấp trên đất, hai chân trước chấp lại đưa ra trước mõm như người ta lạy Phật. Khách lễ chùa đồn nhau về con chó nghe kinh, một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng mấy chốc cả vùng Trung Chánh, Bà Điểm đều biết chuyện, biết tên Đốm!

Tôi há hốc mồm ra nghe. Trong khi gã bình thản đưa cọng lá mơ vào miệng nhay nhay. Gã hớp thêm ngụm rượu như cá riếc tớp bong bóng nước. Tôi trộm nghĩ phong cách gã uống rượu đúng là một thiền nhân, đưa nho ẩm như một cái thú tiêu daọ của trà đạo vào tửu đạo. Lúc trầm mặc khi hào sảng tửu trản với bồ đoàn linh nhân dã, hay tửu uyển với tửu linh nhân viễn.

Trong khi ấy mặt gã như nước ao tù và ậm ừ:

“… Cho đến một đêm, Đốm nằm mơ thấy có tiềng nói với nó rằng: "Nghiệp làm chó của ngươi đã trả hết rồi, mai ngươi xả bỏ thân súc sanh để hoá kiếp làm con người tử tế! Có điều khi làm người ngươi phải tiếp tục tu hành, đừng ăn càn nói bậy gây nên khẩu nghiệp, thì sẽ được hạnh phúc tự tại. Vì kiếp trước ngươi gây nghiệp quá nhiều nên kiếp này quá nhiều khổ ải! Nhưng nhờ có được sư cụ trụ trì tụng kinh rồi hồi hướng cho ngươi, nên nay ngươi hết nghiệp chó rồi!".

Sáng hôm sau, mọi người thấy con Đốm nằm chết ở trước bàn Phật thật thanh thản! Mộ của con Đốm được người làng đắp ngay tại vườn chùa với hàng chữ trên bia: "Văn Kinh Đốm Khuyển Chi Mộ", nghĩa là “Mộ con chó Đốm biết nghe kinh”.

Năm sau, ông già tôi cũng theo nó về suối vàng! Anh em tôi mồ côi cha kể từ dạo đó….”

Khi không bụng dạ cứ lao nhao làm như thiếu vắng giấc hương quan mẫn luống canh dài với…sườn chó nướng hay chả chìa thì sướng mê tơi ngày. Chả nhẽ nhong nhóng ngồi ăn một mình, tôi đợi gã cầm đũa…Trong khi chờ đợi, tôi định ngâm nga bằng hữu thôi thà như mưa bay, thì chuốc cho vơi chén rượu đầy.. Nhưng nghĩ lại chưa đủ thân nên quẳng hai câu thơ trong đầu ấy đi và định hỏi gã một câu hỏi, Cũng chỉ vừa định thôi… Thì…

Thì cũng vừa lúc gã cạn chén và cầm đũa lên gõ nhè nhẹ vào cái chén và thở ra…

Gã thở ra một tiếng dài: Kể từ ngày ấy, gã không…

***

Cũng đến lúc phải tương kiến thời nan biệt diệc nan. Ra đến cửa cả hai chụm đầu vào nhau đốt thêm điếu thuốc cho bằng hữu thôi thà như mưa bay. Que diêm lóe lên. Thôi thì cũng một lần nón lá áo tơi ra quán chợ, chén rượu men lành, lạnh ngón tay: tôi ghi lại dấu ấn về gã thì chỉ biết đó là một khuôn mặt như mọi khuôn mặt và không giống bất cứ một khuôn mặt nào đã gặp. Lửa tắt. Tất cả những gì tôi ghi nhận chìm vào bóng tối….

Xoẹt que diêm thứ hai. Tôi hình tượng lại khuôn mặt gã uống rượu thoáng như có vẻ thảnh thơi, nhàn nhã của một thiền nhân, một tửu đồ đi tìm vô ngã, vô ưu của tửu đạo. Và gần như trong tĩnh không, tĩnh lặng của thiền sư với trà đạo. Tôi hỏi gã câu hỏi vừa rồi, nhưng chỉ vừa định thôi thì gã cầm đũa lên gõ nhè nhẹ vào cái chén…Rít một hơi thuốc, nhả ra khói, tôi thắc mắc là cớ sự gì gã lại dùng…chén Tống uống trà để…uống rượu.

Ánh sáng tắt ngúm. Quán xá vắng tanh vắng ngắt, gió máy heo hút ngoài sông gây gây lạnh. Búng que diêm xuống mặt nước…Gã quay qua hỏi tôi cũng vừa đủ nghe là làm sao tôi biết gã uống…rượu?

Và đầu óc tôi cứ rỗng rễnh thế nào ấy!

Thạch trúc gia trang

Đông chí, Kỷ Sửu niên

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Ghi chú : Bài viết được dựa dẫm vào những tác giả

Nguyễn Sĩ Nam, Nga Mi, Mường Giang,

Vũ Khắc Khoan, và Phan Tấn Hải.

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search