T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 212)

clip_image002

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngày xưa…ngày nay…

Ngày xưa quán cóc hàng quà,
Ngày nay chỉ mỗi cơm nhà mà thôi.

Chữ nghĩa làng văn (5)

Ý nghĩa thâm trầm ẩn trong câu đối:

Ông tổng đốc Hà Đông mời một vị túc nho ở Nam Định để đề câu đối cho bể non bộ nhà ông. Nhà nho ngắm nghía hòn non bộ rồi viết:

Nam sơn trúc bất tận

Đông hải ba vô cùng.

Và giải nghĩa:

“Bẩm cụ lớn, vế trên có nghĩa cây trúc ở núi Nam không bao giờ hết, nghĩa bóng nói giòng dõi cụ lớn sẽ thịnh đạt mãi; vế dưới có nghĩa sóng biển Đông không bao giờ cùng, ngụ ý ca tụng công ơn của cụ lớn đối với dân mênh mông như biển cả”.

Cụ lớn đắc ý, trọng thưởng nhà nho và mọi người đều tấm tắc khen hay.

Có ngờ đâu nhà nho kia đã chửi ngầm tổng đốc thật độc! Nguyên câu đối xuất phát từ hai câu trong bài hịch đả kích Tùy Dạng Đế của Lý Mật đời Đường:

Quyết Đông hải chi ba, lưu ác bất tận;

Khánh Nam sơn chi trúc, thư tội vô cùng.

Nghĩa là: Khơi hết sóng Đông hải, cũng chưa hết ác; viết đến hết thẻ trúc ở Nam sơn cũng chưa hết tội!

(Khuyết danh – Tiếng Việt lý thú)

 

Chơi chữ

Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long.
Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử. 

Tương truyền, vế ra là của Thị Điểm, vế đối lại là của Trạng Quỳnh. “Rồng”, “chuột” (TV), cùng nghĩa với “long”, “thử” (HV). Vế ra có “rồng”, “rắn”, hai từ cùng trường nghĩa; vế đối lại có “(dưa) chuột”, “(dưa) gang”, cũng là hai từ cùng trường dưa quả.

(Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa – Triều Nguyễn)

 

Chữ và nghĩa (8)

Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ với học sinh. Giới biên soạn sách giáo khoa e dè như thế kể cũng phải, vì khó lòng có thể né tránh được những những trở ngại về ngữ pháp  đến độ từng gây lúng túng cho không ít các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung những gì vừa nêu đó, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của tục ngữ.

Bằng chứng là nếu diễn giải câu Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại được diễn giải như là “Có tư tưởng coi trọng đàn ông, coi thường phụ nữ, ví như thà ẵm con của chồng tuy không yêu quý, thích thú gì nhưng dẫu sao vẫn thuộc dòng họ nội [sic!], còn hơn bế con của con gái mình” (Ðại từ điển tiếng Việt).

Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại là một câu đậm chất nhân bản và hay dùng để phàn nàn về thói ăn ở bạc bẽo của đám cháu ngoại đối với ông bà mình. Vậy mà Ðại từ điển tiếng Việt lại coi đây là lời chê trách “tư tưởng coi trọng đàn ông, coi thường phụ nữ”. Giá chú ý hơn chút đỉnh tới các đặc trưng văn hoá lồng trong ấy, chắc hẳn các nhà biên soạn đã nhận thấy ngay đây không phải là câu đề cập tới thói“trọng nam khinh nữ”, mà là một gợi ý cho các cô gái trẻ sớm bị goá chồng nên ứng xử ra sao khi còn chưa sinh được con trai để nối dõi giống dòng.

Nói cách khác, nội dung của câu Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại có lẽ nên được diễn giải như là: “Thà lấy một kẻ goá vợ làm chồng và chăm bẵm cho lũ con thơ côi cút của anh ta để có nơi nương tựa khi về già còn hơn là cứ ở vậy cùng con gái và chăm bẵm cho lũ con của nó những kẻ vốn chẳng hề ngó ngàng gì tới mồ mả của bà ngoại, như tục ngữ từng ghi nhận”.

Tục ngữ ta có câu: Cháu ngoại chẳng đoái đến mồ [ông bà mình].

(Tạp chí Ngôn ngữ  – Nguyễn Đức Dương)

 

Ranh

Ranh: trẻ em dưới 18 tuổi

(trẻ ranh)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Giai thoại làng văn

 Huy Cận kém Vũ Hoàng Chương ba tuổi và mới có tập thơ Lửa thiêng. Sau khi Vũ Hoàng Chương đã có thi tập Thơ Say, Mây.

Hai người chơi với nhau khá thân, một hôm Huy Cận gặp Vũ Hoàng Chương, nửa đùa nửa thật vỗ vai Vũ Hoàng Chương:

Đã lâu gặp lại “chàng Say”

“Lửa Thiêng” xin đốt chờ “Mây” xuống trần

Vũ Hoàng Chương hơi khựng lại một chút, và đáp lại ngay:

“Mây” kia chẳng chịu xuống trần

Lửa ơi theo khói lên gần với mây

(Tại sao Vũ Hoàng Chương bị bắt – Phạm Công Bạch”

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Theo “Tự điển tiếng Viêt dành cho học sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):

Lấy: lấy vợ lấy chồng

 

Giai thoại làng văn xóm chữ

 Truyện Kim Dung đã trở thành một đề tài phổ thông và hấp dẫn. Truyện của ông cũng chứa đựng nhiều tài liệu dựa trên những nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn hóa, nhân văn … không kiếm thấy trong những pho tiểu thuyết khác. Mặc dù không hiếm những chi tiết ông đặt ra để câu chuyện thêm phần thú vị, hoặc những thay đổi cho phù hợp với tình tiết, Kim Dung đã gói ghém gần như một bộ bách khoa toàn thư trong mười bốn truyện của ông, mà chính ông đã lấy những chữ đầu đặt thành đôi câu đối để cho dễ nhớ:

Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc – Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên – Phi Hồ Ngoại Truyện – Tuyết Sơn Phi Hồ – Liên Thành Quyết – Uyên Ương Đao – Kế Tuyết Sơn Phi Hồ – Bạch Mã Khiếu Tây Phong – Kế Uyên Ương Đao – Thiên Long Bát Bộ – Xạ Điêu Anh Hùng Truyện – Lộc Đỉnh Ký – Tiếu Ngạo Giang Hồ – Thư Kiếm Giang Sơn – Thần Điêu Hiệp Lữ – Hiệp Khách Hành – Việt Nữ Kiếm – Ỷ Thiên Đồ Long Ký – Bích Huyết Kiếm

Kim Dung tên thật là Zha Liangyong, sinh năm 1924 tại trấn Viên Hoa, tỉnh Triết Giang. Theo ông kể lại, gia đình ông ở trong một ngôi nhà lớn, trước nhà có treo một tấm biển nhan đề Đạm Viễn Đường, là ngự bút của vua Khang Hi ban cho tổ tiên ông. Cuối đời Thanh, tổ phụ ông từng làm tri huyện Giang Tô. Ông sở dĩ có được một kiến thức phong phú chính là nhờ trong gia đình chứa rất nhiều sách và ngay khi còn nhỏ ông đã được đọc những tác phẩm nổi danh thời xưa như Tam Quốc Chí, Thủy Hử. Năm lên tám tuổi, ông đọc bộ tiểu thuyết đầu tiên là bộ Hòang Giang nữ hiệp thấy say mê nên từ đó đã có mộng sẽ viết về bộ môn này.

(Nguyễn Duy Chính – Tại sao tôi lại dịch Kim Dung)

 

Hôn nhân 

Hai nhà kết tình thông gia được gọi là hôn nhân. Việc con trai lấy vợ được gọi là “thú” theo thuật ngữ Hán Việt. Thú nghĩa là: lấy vợ. Con gái đến tuổi trưởng thành đi lấy chồng gọi là “giá” . Cheo làng cưới họ, giấy giá thú là văn bản pháp quy, quy định được gọi là khế ước kết hôn..

Cha vợ là hôn, cha chồng là nhân. Nhân là nhà rể, hôn là nhà gái. Nhà trai, nhà gái gọi nhau là nhân.

 (Nhàn đàm về “dâm trường” và “hôn trường” – Lê Quang Thái)

 

Chữ nghĩa làng văn (5)

Ảo thanh?

Nếu đúng như Hoàng Cầm tường thuật, thì cách ông làm thơ hết sức kỳ bí. Bỗng dưng văng vẳng giọng đàn bà đọc hoặc ngâm một vài câu thơ trong tai, thế là ông chép ngay lên giấy, rồi chữ kêu gọi chữ, dòng lôi kéo dòng. Bài thơ Bên kia sông Đuống nổi tiếng là một trong muôn nghìn ví dụ: chợt nghe 3 dòng đầu tiên, thi sĩ vùng quan họ ghi liền, đoạn mải miết sáng tác đến dòng cuối. Tác giả như một cậu học trò viết chính tả, lúc đầu là có tiếng đọc rành rọt bên tai, sau là viết theo tiếng đọc âm thầm từ trong tâm can mình.

Giọng nữ cất lên trong tai Hoàng Cầm loạt bài thơ Bên kia sông ĐuốngĐêm liên hoanTâm sự đêm giao thừa, Nếu anh còn trẻ, Mưa Thuận ThànhGió lông ngỗng, Hội đền tám vua triều LýHội yếm bay, Hoa gạo đầu đình, Xanh xưa, Phía sau thư cầu hôn, Gửi người vợ xa quê hươngTheo dòng mẫu hệ, Lá diêu bông, v.v., với vô số ẩn ngữ như cầu bà Sấm, bến cô Mưa, miếu Hai Cô, v.v., thực chất là gì? Có phải là hiện tượng ảo thanh?

Từ đó, tôi bật thêm thắc mắc khác: trường ca Tiếng hát quan họ, truyện thơ Men đá vàng và các vở kịch thơ Hận Nam QuanKiều Loan, Lên đường, Cô gái nước Tần, Tương lai, Trương Chi cùng các vở kịch nói Ông cụ Liên và Đêm Lào Caicủa Hoàng Cầm cũng khởi phát từ ảo thanh chăng? 

(Phanxipăng – Diêu bông rụng xuống lòng sônd Đuống)

 

La De…ngoại truyện (3)

Bia màu thau đồng : Bière Ambrée -Amber. Màu thau đồng đậm, Nấu với lúa mạch được rang lâu hơn bia vàng. Ngày nay không được chuộng lắm, chỉ được phổ biến ở các xứ anglô – saxons thôi .

Món Ăn hạp : Gan ngỗng, thịt rừng, cá hong khói, phó mát có rau cần tây (persil), tráng miệng có chất caramel. Nói tóm lại những món gọi là có “mùi”.

(Phan Văn Song)

 

Mỹ nhân tự cổ…

Giới làm thơ ngày trước ai mà chả thuộc 2 câu thơ cổ :

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

Tạm dịch “người đẹp từ xưa như tướng giỏi, chẳng hẹn chờ ai thấy bạc đầu”. Tuy nhiên ít ai biết xuất xứ 2 câu này ở đâu? Đường thi, Tống thi ư? Tác giả là ai?

Tuy nhiên xuyên qua cuốn Tùy Viên thi thoại của Viên Mai (đời Thanh) thì theo tích tiến sĩ Đồng Duệ có làm bài Điệu vong cơ, khóc người thiếp (vợ lẽ) qua đời sớm. Nhiều người họa lại…trong đó có bài của “Người thiếp họ Đông” , tên là Diễm Tuyết, thì thật là tuyệt diệu. 2 câu kết của bài rằng : “Mỹ nhân tự cổ như danh tướngBất hứa nhân gian kiến bạch đầu”

(Nguyễn Khôi – Về hai câu thơ…”

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Trăm năm trong cõi người ta

Chồng hay so sánh… vợ ta, vợ người.

Hiện tượng phản ngôn ngữ (2)

Có thể tóm gọn các cách nói mới ấy vào bốn điểm.
Thứ nhất, hiện tượng dùng nguyên cả một cụm từ hoặc một từ ghép hoặc một tên riêng của một người, một địa phương hoặc một nước để chỉ lấy ra một từ tố trong đó. Ví dụ, thay vì nói “lâu”, người ta nói “Hà Văn Lâu” (hay “Hồng Lâu Mộng”); thay vì nói “đông” (đúc), người ta nói “Hà Đông”; thay vì nói “xa”, người ta nói “Natasha” (chỉ lấy âm cuối, “Sha”, phát âm theo giọng miền Bắc là “xa”); thay vì nói “xinh” (xắn), người ta nói “nhà vệ sinh” (âm /s/ bị biến thành /x/); thay vì nói “tiện”, người ta nói “đê tiện”; thay vì nói “cạn” (ly), người ta nói “Bắc Cạn”; thay vì nói “can” (ngăn), người ta nói “Lương Văn Can”; và thay vì nói “chia” (tiền), người ta nói “Campuchia”. Cuối cùng, người ta có một mẩu đối thoại lạ lùng như sau:

“Đi gì mà Hà Văn Lâu thế?”
”Ừ, tại đường Hà Đông quá!”
”Từ đấy đến đây có Natasa không?”
“Không. À, mà hôm nay em trông hơi nhà vệ sinh đấy nhé!”
“Khéo nịnh! Tí nữa, đi về, có đê tiện, mua giùm em tờ báo nhé!”
“Ừ, mà thôi, bây giờ nhậu đi!”
“Ừ, Bắc Cạn đi, các bạn ơi!”
“Thôi, tôi Lương Văn Can đấy!”
”Này, hết bao nhiêu đấy, để còn Campuchia?

(Nguyễn Hưng Quốc – Hiện tượng phản-ngôn ngữ ở Việt Nam)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search