T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 213)

clip_image002

 

Câu đố dân gian

 “Cái gì không mắt, không tai

Cổ đeo hai bị, tóc dài ngang lưng

Của nhà thấy cứ lừng khừng

Hễ thấy của lạ bừng bừng ngổng lên”

 

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Tác giả Phanxipăng trong bài biên khảo về Hàn Mạc Tử đã đề cập đến đầu đề bài thơ :

Điều nhầm lẫn nằm ở… tiêu đề bài thơ! Nguyên tác, Hàn Mặc Tử viết “Ở đây thôn Vỹ Giạ” chứ không phải ” Đây thôn Vỹ Dạ” như trong sách giáo khoa Ngữ văn cấp Trung học phổ thông hiện hành –  Địa danh có thể chỉnh sửa về chính tả: Vỹ Dạ thay vì Vỹ Giạ.

Còn chữ Ở hà cớ gì bị lược bỏ? Nhà văn Trần Thanh Địch nhận xét: Chữ “Ở” được Hàn Mặc Tử dùng có chủ đích. Đọc kỹ bài thơ mới thấy chữ đó nhấn mạnh đến thôn Vỹ: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh…Tùy tiện “biên tập” cả “tựa đề” mà không được tác giả ưng thuận là chuyện tối kỵ.…

(Nguyễn Cẩm Xuyên – Lá trúc che ngang mặt chữ điền)

 

Chữ nghĩa biên khảo: Địa danh Sài Gòn

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc địa danh này: (1) Trước tiên, có tên là Sài Côn, tiếng phiên âm của tiếng Prei-kor (rừng cây bông gòn) hoặc của tiếng Prei-Nokor (đô lâm, thành lâm hay hoàng lâm), nguyên là tư dinh của Phó vương Cao Mên, thuộc vùng Chợ Lớn, lối chùa Cây Mai. Nơi đây, năm 1778, người Minh hương từ Cù lao Phố (Biên Hòa) rút về, xây bờ gạch cao dọc theo kinh Tàu Hủ để ngăn nước, nên được người Tàu gọi là Thày Ngòn (tức Ðê Ngạn); do tiếng Thày Ngòn nầy, người Pháp phiên âm ra Saigon, lại gọi cách sát nhập cả phía Gia Ðịnh thành; còn chỗ có tên Sài Côn hay Thày Ngòn (Ðê Ngạn) lại gọi là Chợ Lớn.

Thuyết này cho Sài Côn hay Sài Gòn là tiếng phiên âm của chữ Tây Cung là vòng thành của Phó vương Cao Mên, đối chiếu với Ðông Phố là tư dinh của quan kinh lược Việt Nam. Sài Côn hay Sài Gòn cũng đều là tiếng phiên âm của hai chữ Tây Cống, có nghĩa là nơi nhận cống lễ của các đời vua Cao Mên dâng cho vua Việt Nam.

Như vậy, dầu do tiếng nào phiên âm ra, Sài Gòn khi xưa là Chợ Lớn ngày nay. Còn Sài Gòn (ý nói chỗ sau này là Sài Gòn) từ năm 1789 tới 1861 là Gia Ðịnh thành. Tên Sài Gòn có từ năm 1861 là năm Pháp đặt nền hành chánh tại đó để khống chế cả miền Nam. Ðến năm 1931, Pháp mới nhập thành phố Chợ Lớn về Sài Gòn và gọi chung là Ðịa phương Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1954, do dụ Bảo Ðại ngày 30 tháng 5, Ðịa phương Sài Gòn – Chợ Lớn đổi ra Ðô thành Sài Gòn – Chợ Lớn. Từ năm 1956, do sắc lịnh ngày 22 tháng 10 của Tổng thống Ngô Ðình Diệm, Ðô thành Sài Gòn – Chợ Lớn được đổi lại là Thủ đô Sài Gòn.

(Việt Nam tự điển, Lê Văn – Lê Ngọc Trụ Khai Trí, Sài Gòn, 1970)

 

Hẻm Hồ Biểu Chánh

 Con đường hẻm Hồ Biểu Chánh bắt đầu từ ngoài đường Công Lý ngang qua đường Nguyễn Huỳnh Đức. Tôi (Dương Ngiễm Mậu) hiểu tại sao tên Hồ Biểu Chánh lại được đặt cho con hẻm nhỏ bé và khiêm tốn đó, vì chính tại đây có quán Lá, một quán nhậu nổi tiếng về món cá trui, tôm nướng….Chính tại đây, cách quán Lá không bao xa, sau vài căn nhà, sau vài lùm cây là biệt thự Hồ Biểu Chánh, nơi Hồ Biểu Chánh đã sống, và đã qua đời ở đó.

Bây giờ nhớ lại, nếu tôi không tới đó trong một lần nhậu nhẹt thì nào tôi có biết nằm ở đâu đó, trong khu nhà yên tĩnh, trên con đường thường qua lại là nơi Hồ Biểu Chánh đã sống, đã viết và đã chết.

(Từ đó đến nay – Dương Nghiễm Mậu)

 

Văn học cổ (2)

Sự vay mượn qua văn chương tàu thuộc vay mượn hình thức, nhờ văn tự của người để sáng tác, để bày tỏ quan điểm hoặc tâm sự. Các nhà Nho Việt Nam không ngừng lại ở hình thức mà vay mượn luôn cả nội dung. Đoạn Trường Tân Thanh mà người ta quen gọi Truyện Kiều là truyện mà tác giả đã mượn nội dung của một truyện Tàu. Các truyện Nhị Độ Mai và Hoa Tiên… cũng là những truyện Tàu được viết lại bằng chữ Nôm.

Truyện Nhi Độ Mai và truyện Hoa Tiên cũng là những truyện viết lại từ truyện Tàu, gần như nguyên văn. Nhị Độ Mai dựa theo truyện Trung Hiếu Tiết Nghĩa Nhị Độ Mai, kể lại cuộc đấu tranh chống bọn gian thần Lư Kỷ và Hoàng Tung đời Đường. Truyện Hoa Tiên dựa theo Đệ Bát Tài Tử Hoa Tiên Ký, kể lại mối tình trắc trở giữa nàng Dương Dao Tiên và Lương Sinh. Cuối cùng Lương Sinh có hai vợ chính thức là Dao Tiên và Lưu Ngọc Khanh và hai người thiếp là Vân Hương và Bích Nguyệt (hai người này vốn là hai thị tì của Dao Tiên, có công liên lạc giữa cô chủ và chàng họ Lương). Các truyện này đều có kết cục tốt đẹp. Người phải xa nhau được sum họp trở lại (Kiều và Kim Trọng được tái hồi trong Đoạn Trường Tân Thanh), kẻ bị vu oan được phục hồi danh dự và trả được thù nhà (Mai Lương Ngọc trong Nhị Độ Mai), những người yêu nhau gặp trắc trở lấy được nhau và sống cuộc đời hạnh phúc (Lương Sinh và nàng Dao Tiên trong Hoa Tiên). Có lẽ ít ai được hưởng nhiều hạnh phúc bằng chàng Lương Phượng Châu vì một lúc cưới những bốn vợ.

Ngoài sự lệ thuộc vào văn tự và nội dung, các nhà nho của ta còn lệ thuộc cả về điển cố. Chính vì những điển cố này mà người bình dân ít học không hiểu thấu đáo được truyện, dù viết bằng văn nôm. Mỗi câu là một điển cố, có khi một câu có tới hai ba điển cố. Nhưng điển cố cũng có một ưu điểm là nói ít mà hiểu nhiều, vì thế lời văn trở nên súc tích. Có lẽ Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn nặng phần điển cố nhất.

(Văn học cổ VN – Tạ Quang Khôi)

 

Ghép chữ Nôm (2)

Đặc-biệt nữa là một chữ mà đem ghép với nhiều chữ khác để hàm ý-nghĩa thật mạnh như chữ “trắng”: trắng bạch, trắng bệch, trắng bóng, trắng dã, trắng hếu, trắng mởn, trắng muốt, trắng mướt, trắng nõn, trắng ngà, trắng ngần, trắng phau, trắng tinh, trắng toát, trắng-trẻo, trắng xóa…, còn Đỏ thì có: đỏ au, đỏ chét, đỏ choét, đỏ chói, đỏ gay, đỏ lòm, đỏ rực, đỏ tươi, đỏ thắm,…và Vắng thì ta có: vắng bặt, vắng lạnh, vắng ngắt, vắng tanh…

(Tiếng Việt hồn Việt – Lê Thương)

 

Nhân Văn – Giai Phẩm (2)

Việc hạ bệ Stalin

 Ngay sau khi Stalin nhắm mắt thì những mâu thuẫn nội bộ đã phát sinh từ ngay trong bốn bức tường của điện Kremlin. Nào thanh trừng Beria, lật đổ Malenkov, rồi đến hạ bệ uy tín của mồ ma Stalin.

Phần lớn các nhà quan sát quốc tế cho rằng Khrushchev muốn làm khuây khoả lòng dân Nga giữa lúc những nỗi khổ cực của họ đã chồng chất tới một mức họ không thể chịu nổi. Đổ tất cả tội lỗi lên đầu một kẻ đã quá cố là một diệu kế để xây dựng uy tín của người mới kế nghiệp và tạo cơ hội để thanh trừng nội bộ.

Các đại biểu dự cuộc Hội nghị lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Sô quả đã giật mình khi thấy Khrushchev kể ra nào Stalin đã lưu đầy các dân tộc thiểu số, thủ tiêu hàng vạn đảng viên đối lập. Khrushchev vạch ra nào là sự u mê của Stalin, sự ngu độn trong những sai lầm và tội lỗi mà Nga-sô đã mắc phải trong triều đại Stalin là bệnh sùng bái cá nhân. Khrushchev định nghĩa sự sùng bái cá nhân là: đề cao một vị lãnh tụ thành một thánh sống có tài triệt thấu mọi việc trong thiên hạ, giải quyết được mọi việc cho mọi người mà không hề mảy may sai lầm.

Hội nghị lần thứ 20 thay vì chính sách “quá tả” của Stalin, Khrushchev đưa ra một chính sách mềm dẻo hơn. Đợi mãi không thấy Khrushchev ban bố một biện pháp gì, các nhà văn Nga bắt đầu lên tiếng đòi hỏi. Người cầm đầu phong trào là Dundinsev. Ông viết một loạt bài báo lấy nhan đề là “Cơm áo không đủ”, trong đó ông trình bày những bất công của chế độ, nhưng khi xin phép xuất bản thành sách thì nhà cầm quyền Nga không cho. Quyển sách này phải gửi sang Anh xuất bản.

(Trăm hoa đua nở trên đất Bắc – Mạc Đình giới thiệu)

 

Chữ nghĩa không hay…chết liền

Báo Tuổi Trẻ Sài Gòn có nhặt ra một số hạt sạn của các báo ở trong nước. Xin mượn vài hạt sạn trình làng:

“Báo Nhân Dân ra số 77 viết trong bài Cảm Nhận Phú Quốc:

Ngày đầu khi mới tới tham quan Phú Quốc, tôi bất ngờ trước cảnh đông vui tấp nập thuyền ken thuyền của cửa biển An Thới. Có lúc lại se lòng trước chứng tích nhà tù Côn Đảo …nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc”.

Đến Phú Quốc sao lại đi se lòng nhà tù Côn Đảo?! Tác giả có tài phân thân đáng sợ như Tôn Hành Giả thật!

(Báo Ngày Nay – Chữ nghĩa ngày nay)

 

Thay đổi ngữ nghĩa

Có những từ Hán – Việt lại mang mầu sắc trái ngược so với từ gốc Hán. Như:

Thủ đoạn chỉ có nghĩa “phương pháp, kỹ pháp”, ta chỉ “mưu mẹo, mánh khóe” theo nghĩa xấu.

Dã tâm trong tiếng Hán chỉ mang nghĩa “tham vọng”, Việt thì có nghĩa “lòng dạ hiểm độc”.

(Võ Ngân Vương – Tạp chí Tài hoa trẻ)

 

Tiếng Việt với điện thư

 Nàng gửi chàng cái điện thư:

– Anh khong len mau, em thay bo ngay chang tiec.

Chàng hiểu là:

– Anh không lên mau, em thay bồ ngay chẳng tiếc.

Nhưng nàng muốn nói là:

– Ảnh không lên mầu, em thảy bỏ ngay chẳng tiếc.

 

Hồ Xuân Hương tân biên bản mục

Chồng bà Hồ Xuân Hương là Trần Phúc Hiển mất năm 1819, ở Yên Tử, bà vào tu ở chùa Giải Oan (Yên Tử). Người cũ của bà là Nguyễn Du mất năm 1820. Bà mất năm 1822, thân nhân đưa hài cốt bà về Nghi Tàm. Tùng Thiện Vương con vua Minh Mạng trong Thượng Sơn thi tập có bài thơ viếng mộ chí bà ở đây.

Cả ba nữ sĩ thời danh, bà Hồ Xuân Hương, Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm đều được chôn cất ở Tây Hồ. Riêng mộ chí bà Đoàn Thị Điểm mới tìm được gần đây, dưới một đống rác.

(Trần Nhuận Minh – Tạp chí Tân Văn)

 

Góp nhặt sỏi đá

 Có người hỏi Đức Dalai Lama:
“Điều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại?”
Ngài trả lời:
” Con người … bởi vì con người phung phí sức khỏe để tích tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe.
Và vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống với hiện tại lẫn tương lai.
Con người sống như thể sẽ không bao giờ chết … Nhưng rồi sẽ chết như chưa từng sống bao giờ.”

 

Hỏi nhẹ, ngã nặng

Phan Văn Hùm nổi tiếng về hoạt động chính trị, nhưng ông cũng là một nhà nghiên cứu nghiêm túc. Ý kiến liên hệ thanh với nghĩa được Phan Văn Hùm diễn giải:

Vì giọng hỏi là một giọng gãy, nhưng mà dịu, nên chỉ những tiếng nào nó đã ghi là có nghĩa nhẹ, hoặc ngắn, hoặc nhỏ, hoặc dễ v.v.

Còn giọng ngã, vì gãy mà chìm, nói phải ráng đưa hơi từ trong ngực ra, nên chi những tiếng nào nó đã ghi là có nghĩa nặng, hoặc dài, hoặc lớn, hoặc khó, hoặc bền v.v.

Thí dụ, hai chữ mỏng mảnh không thể có dấu ngã được; còn những chữ nặng trĩu, dài nhẵng, phải đánh dấu ngã.

(Nguyễn Hiến LêKhảo luận về ngữ pháp Việt Nam)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search