T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: HAI TẤM HÌNH NHÂN ÁI VÀ MỘT TÂM HỒN NHƯ HOA SEN NỞ

Cuộc chiến tranh giữa hai miền nam bắc Việt Nam đã đi qua gần nửa thế kỷ. Những tấm  hình đầy  mỹ thuật của các  phóng viên chiến trường, của các nhà nhiếp ảnh kỳ cựu, phản ảnh  nhiều mặt của cuộc chiến đã được công bố, đã được tôn vinh, đã được giải thưởng cũng đã chìm vào dĩ vãng. Thỉnh thoảng những tấm hình ấy được đăng lại như sờ vào vết sẹo của một thời đau thương đến  nay vẫn chưa lành hẳn.

Thế nhưng, đâu đó trong quần chúng nhân dân, vẫn còn  những tấm ảnh của người không tay nghề, ghi lại rất ấn tượng, một vài  khoảnh khắc nào đó tại một góc nhỏ của cuộc chiến. Những tấm ảnh nầy được giữ âm thầm trong tập lưu ảnh để làm kỷ niệm mà bất kỳ ai, tình cờ  nhìn thấy cũng  không thể nào không xúc động.

Tôi đã hân hạnh  nhìn được hai tấm ảnh như thế trên trang facebook của một người bạn, cũng là nhân vật trong ảnh từ nửa thế kỷ trước. Hôm nay muốn dùng hai tấm ảnh nầy làm tư liệu để kể về một nhân cách đẹp như đóa hoa sen vươn  lên từ bùn.

Hai tấm ảnh dưới đây ghi lại hình ảnh một cô bé còn rất trẻ tuổi, hình như còn  vị thành niên, đã lao vào cuộc chiến không phải để bắn giết nhau mà để hàn gắn vết thương chiến tranh trên thịt da những người dân vô tội.

Tấm ảnh thứ nhất cô bé đang bồng lên một đứa trẻ chỉ còn da bọc xương  trên tay. Đứa trẻ bị cháy bởi xăng bột trong một trận đụng độ bắn giết mà dân lành bị mắc kẹt trong chiến trận. Tấm ảnh thứ hai cô bé đang băng bó vết thương cho một cụ già cũng chỉ thấy xương sườn trên bộ ngực xẹp lép của cụ. Cụ cũng bị thương vì bom rơi đạn lạc.  Điều đáng nói là ở thời điểm nầy, cô bé không phải là y tá, nhưng đã tự nguyên lao vào làm công việc của một thiên thần áo trắng, không ngại cực nhọc, không kể máu mủ tanh hôi, với khuôn mặt  hiện rõ nét thơ ngây và quê mùa còn đọng trên tấm ảnh đã phai màu, ta thấy được hoàn toàn biểu tượng của một thứ tình nhân ái, chơn chất và trong sáng đến vô cùng!

Vâng. tôi biết cô bé nầy, cô bé tên là Bê, sinh ra tại một miền nông thôn tỉnh Bình Định, nhà rất nghèo, cha chết sớm, tuổi trẻ của cô  trải qua mọi gian lao và bất hạnh bởi cái nghèo đem đến. Mười ba tuổi Bê vẫn chưa có quần để mặc, chưa đi học một ngày, nhưng tâm hồn vẫn vô tư vui chơi kéo mo cau, mút cà rem, trèo cây, lội nước bắt cá cùng một người con trai hơn cô mấy tuổi. Chàng trai yêu Bê tự nhiên và thầm lặng mà Bê không hề biết.  Đến  một ngày chiến tranh lan đến quê mình, không sống nổi ở đó, Bê rời quê đi tìm việc ở một miền xa xôi đất đỏ Quảng Nam, thì chàng trai cũng chỉ buồn buồn đứng dưới hàng tre, nhìn theo và  nói với theo một câu chúc tụng. Khi Bê thành thiếu nữ, hiểu biết được mối tình đầu đời sâu đậm kia thì chàng trai đã thành tử sĩ, chết trong cuộc chiến. Nàng chỉ thăm được mộ chàng mấy chục năm sau, khi cuộc chiến đã lùi xa.

Mười bốn tuổi (1968) Bê rời quê, đến miền “An Hòa đất đỏ, mưa bùn, nắng bụi mịt mù” tại huyện Dục Đức (nay là huyện Quế Sơn)  tỉnh Quảng Nam  như Bê viết trong hồi ký của mình. Tại đây cô bé xin vào làm tạp vụ cho  bệnh viện Việt Đức, một bệnh  viện của người Đức chuyên cứu chữa cho đồng bào cơ cực  và  nạn  nhân chiến tranh. Với bản tính chất phác, năng nổ, ham việc,  lòng thương  người và sự thông mình của mình, Bê đã lao vào  phụ giúp bác sĩ, y tá, sai đâu làm nấy, cô bé dần dần thành thạo công việc như một y tá học nghề.

Từ đó, người Đức thương yêu Bê, họ dạy cho Bê học tiếng nước Đức, dạy cho Bê học chữ nước Đức khi cô  còn chưa  viết được một chữ quốc ngữ nào. Thế rồi, Bê như một cánh  hoa sen từ bùn vươn  lên, khoe vẻ đẹp, tỏa hương thơm  cho một vùng mặt nước. Bê được đưa qua nước người tu học, trở thành một y tá, trở về nước phục vụ nghề từ mẫu bằng cái  tên mới của mình: Nguyễn Thị Ngọc Diệp.

Cuộc đời cô y tá Diệp không dừng gian khó tại đây. Cuộc biến  động của đất nước năm 1975  cũng là cuộc biến động  của đời cô. Người  thiếu phụ Nguyễn Thị Ngọc Diệp lại tiếp tục bị vùi dập bởi biết bao bão táp trên cuộc đời mình.  Tuy thế, trong mọi hoàn cảnh, con bé Bê  hay y tá Diệp, hay người mẹ tá túc vỉa hè khổ cực để thăm chồng tù tội, nuôi con  thơ dại, con người ấy vẫn  như cây tùng đứng trước bão táp, kiên trì, nhẫn nhịn, chịu đựng, cương trực, nhân ái,  mỗi ngày mỗi lớn lên giữa xã hội về đời sống và phẩm giá của mình.

Nguyễn Thị Ngọc Diệp viết lại từng đoạn  hồi ký đời mình, đăng trên  facebook tại  trang To Doan, đã làm cho không biết bao người rơi lệ, từ người trí thức đến người bình dân, từ người trẻ tuổi đến người già. Họ rơi lệ không phải  chỉ vì những gian khó mà một đời con Bê gánh chịu, mà còn vì cảm phục  trước lòng nhân ái, trước sức mạnh tinh thần mà con Bê thắp sáng cho dời mình và cho những kẻ chung quanh. Đầu năm 2020, Nguyễn Thị Ngọc Diệp đã xuất bản tập hồi ký của mình với tựa đề là “Chuyện Đời tôi”. Sách chưa được biết đến nhiều vì tác giả chỉ dùng để tặng bạn bè mà thôi. Hy vọng một ngày  rất gần “Chuyện Đời Tôi” sẽ được phổ biến khắp nơi.

Trong khuôn khổ bài nầy, người viết chỉ có mục địch giới thiệu hai tấm ảnh độc đáo, ghi lại góc cạnh của chiến tranh, của tình người trong tâm hồn một cô bé nông thôn nghèo và chất phác năm xưa./.

   Châu Thạch

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search