T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Độc Thoại về Đo mức độ nhiễm xạ

clip_image001

Ảnh: (Courtesy of www.chemistryexplained.com)

Vào cuối tháng 5, độ một tháng sau vụ nổ, chúng tôi bắt đầu tiếp nhận những sản phẩm, đến từ khu vực trong vòng chu vi 30 ki lô mét tính từ tâm điểm là lò hạt nhân, để thử nghiệm. Cơ quan chúng tôi hoạt động liên tục không nghỉ, giống như những đơn vị quân sự. Vào khoảng thời gian đó, cơ quan chúng tôi là đơn vị duy nhất ở Belarus có đủ các chuyên viên và trang thiết bị cần thiết cho công việc.

Người ta mang đến cho chúng tôi các “bộ đồ lòng” của thú nuôi trong chuồng và thú sống hoang dã. Chúng tôi cũng thử nghiệm sữa lấy từ súc vật. Sau những đợt thử nghiệm đầu tiên, chúng tôi có thể kết luận rằng những thứ mà chúng tôi nhận được không phải là thịt thú vật – mà là những phó sản của hạt phóng xạ. Ở khu Cấm, những bầy gia súc được chăm sóc theo ca thay phiên nhau của những nhóm chăn dắt, còn những người thợ vắt sữa chỉ đến để làm nhiệm vụ vắt sữa. Xưởng chế biến sữa hoạt động theo sự chỉ đạo của chính quyền. Số sữa này, khi được thử nghiệm, đã cho thấy cũng chỉ là phó sản của hạt phóng xạ, chứ không phải sữa.

Một khoảng thời gian rất dài sau đó, trong những bài thuyết trình về sự nhiễm xạ, chúng tôi đã dùng những sản phẩm của nhà máy chế biến sữa Rogachev như sữa bột, sữa đặc, sữa nguyên chất đóng hộp làm thí dụ điển hình cho nguồn gốc của sự nhiễm xạ. Lúc ấy, bất chấp sự nguy hiểm, người ta vẫn bầy bán những hộp sữa ấy ở trong các siêu thị. Khi dân chúng ngừng mua những sản phẩm mang nhãn hiệu của nhà máy Rogachev, thì bỗng nhiên trên các quầy hàng lại xuất hiện những hộp sữa không có nhãn hiệu. Tôi không cho rằng đó là vì người ta không còn giấy để in nhãn hiệu.

Lần thứ nhất đến Khu Cấm, độ nhiễm xạ mà tôi đo được ở trong rừng cao hơn 5 hoặc 6 lần độ nhiễm xạ ở trên mặt đường và ngoài cánh đồng. Thực ra, ở đâu cũng có độ nhiễm xạ rất cao.Những chiếc máy kéo vẫn hoạt động, người nông dân vẫn đào xới trên mảnh đất của mình. Ở một số nơi, chúng tôi kiểm tra hạch cổ ở người lớn lẫn trẻ em. Độ nhiễm xạ là 100 lần cao hơn mức an toàn, có khi 200 lần, có khi 300 lần cao hơn. Trong nhóm chúng tôi có một phụ nữ chuyên về X quang. Bà ta tỏ ra rất giận dữ khi thấy đám trẻ con chơi đùa nghịch ngợm trên những bao đựng cát. Khi kiểm tra sữa các bà mẹ, chúng tôi thấy sữa cũng bị nhiễm xạ. Khi vào các cửa hàng, chúng tôi nhận thấy cửa hàng nào cũng bầy biện quần áo và thực phẩm ngay sát bên nhau: bên cạnh áo vét, áo đầm là xúc xích, bơ thực vật. Tất cả đều không được đậy điệm kỹ lưỡng để tránh nhiễm xạ. Chúng tôi kiểm tra xúc xích, trứng – tất cả đều chỉ như phó sản của phóng xạ chứ không phải thực phẩm.

Chúng tôi gặp một phụ nữ ngồi trước nhà đang cho con bú. Kiểm tra sữa của chị, chúng tôi thấy có chất cesium ở trong đó.

Chúng tôi chất vấn cấp trên của mình. Chúng tôi phải làm gì đây? Họ bảo : “Cứ kiểm tra kỹ lưỡng. Rồi xem truyền hình.”. Trên truyền hình Tổng Bí Thư Gorbachev trấn an dân chúng : “Chúng ta đang áp dụng những biện pháp cần thiết.”. Tôi tin điều ông ta nói. Hành nghề kỹ sư đã 20 năm nên tôi rất quen thuộc với các định luật vật lý. Tôi biết rằng tất cả mọi sinh vật phải rời khỏi khu vực nhiễm xạ ngay lập tức. Nhưng chúng tôi cứ từ từ kiểm tra đo đạc và xem truyền hình. Chúng tôi đã quen với việc tin tưởng vào chính quyền. Tôi thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh, lớn lên bằng niềm tin, bằng tâm lý phục tùng. Lòng tin ấy từ đâu mà có? Đấy! Chúng ta đã chiến thắng cuộc chiến tranh khủng khiếp. Cả thế giới đã phải mang ơn chúng ta mà !

Và đây là trả lời cho câu hỏi của bà : tại sao chúng tôi cứ im như thóc không một lời nói lên điều mà chúng tôi đã biết? tại sao chúng tôi không dám bước ra giữa đám đông và nói lớn lên sự thật? Chúng tôi đúc kết các bản báo cáo. Chúng tôi soạn thảo ra những lời giải thích cho mỗi điều được ghi chép. Nhưng chúng tôi lúc nào cũng cứ lẳng lặng thi hành theo lệnh vì đó là kỷ luật đảng. Lúc ấy, tôi là một đảng viên. Tôi không nhớ có người đảng viên nào từ chối lệnh triệu tập làm việc ở Chernobyl không. Tất cả đều răm rắp thi hành lệnh, không phải vì họ sợ bị đuổi ra khỏi đảng, mà là vì họ có một niềm tin mạnh mẽ. Họ tin rằng chúng ta đang hưởng một cuộc sống tốt đẹp và công bằng. Mà với nhân loại chúng ta, đây là điều cao nhất, là thước đo cho tất cả mọi thứ khác. Chính vì sự mất niềm tin này đã đưa nhiều người tuyệt vọng, đến chết vì đau tim hay tìm cách tự tử. Một viên đạn tự bắn vào tim, như trong trường hợp giáo sư Legasov*, là kết quả của sự mất niềm tin, cảm thấy mình không còn vai trò gì trong việc xây dựng xã hội, là kẻ đứng bên lề nên không có lý do để tồn tại nữa. Đó là cách tôi hiểu về nguyên nhân dẫn đến việc ông tự chấm dứt cuộc sống của mình.

 Marat Filippovich Kokhanov, Nguyên Kỹ sư trưởng ngành nghiên cứu năng lượng hạt nhân của viện khoa học Belarus.

Chú Thích :

* Valery Legasov, một quan chức cấp cao của Liên Xô phụ trách về Hạt nhân, đã tự tử ngày 27/4/1988 sau khi được biết rõ cách xử trí tai nạn của các nhà chức trách. Bài viết của ông “Bổn phận cuả tôi là phải nói ra” được đăng trong Pravda 20/5/1988.(Theo TS Tô Lệ Hằng).
“Tiếng Vọng từ Chernobyl”-Mục Lục

“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich.

Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search