T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Hội Ngộ San Jose: Như một lời chia tay . . .

clip_image001

Tại sao lại Hội Ngộ? câu hỏi từ thời tiền Hội Ngộ đã được trả lời một cách dứt khoát. Bây giờ, sau Hội Ngộ, câu trả lời cũng vậy, nhưng đúng hơn, trọn vẹn hơn, vì không qua trung gian của ngôn ngữ. Có ở tại thành phố San Jose tiểu bang California những ngày đầu tháng 8 năm 2003 mới thấy được rằng trên cõi đời đầy những điều phù phiếm này, chỉ có tình bạn – phải, chỉ có tình bạn – mới vượt lên trên hết mọi thử thách của thời gian, của không gian, để mãi mãi  lớn lao và bất diệt. Hãy nhìn vào khuôn mặt của 64 người bạn cùng khóa Nguyễn Trãi 3 trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt – sau ngày chia tay 21 tháng 4 năm 1973 – đã từ khắp nơi trên hành tinh đổ về thành phố Thung Lũng Hoa Vàng (lại nhớ quay quắt những đóa Mimosa vàng và Hoa Quỳ vàng của Đà Lạt năm xưa). Kẻ ở Âu Châu. Người ở Úc Châu. Kẻ ở Bắc Mỹ. Người từ miền Đông- Kẻ từ miền Nam. Người từ miền Bắc. Và những anh em miền Tây chủ nhà. Con số 64 tưởng chừng như nhỏ bé và đơn giản. Nhưng không phải vậy! Có đi sâu vào những cố gắng của từng người, từng gia đình, từng hoàn cảnh trong cuộc chuẩn bị dài gần 1 năm cho ngày Hội Ngộ 30 năm khóa Nguyễn Trãi 3 Ra  trường  mới thấy hết sự lớn lao và thiêng liêng của con số 64. Có nhìn thấy những khuôn mặt nhăn nheo vì tuổi tác – ai  cũng 5 bó trở lên rồi còn gì – những mái đầu sương muối vì khổ đau, nhưng như những đứa trẻ nít, họ ôm nhau, đấm vào lưng nhau, họ  cười hể hả mà mắt đỏ hoe,  chửi thề mà không biết ngượng miệng. Rượu Tương Phùng uống mềm môi trắng đêm nhưng cũng không đủ sức làm cho say vì say làm sao được khi 30 năm mới có được ngày này. Có nhìn thấy những nàng dâu – có người tóc đã chớm điểm sương, có người lưng đã chớm . . . còng, có người mắt đã chớm  . . . sâu, có người làn da đã chớm . . . đồi mồi  – những người có một thời là những thiếu nữ khuynh thành đổ nước lộng lẫy bên những màu áo Worsted, Jasper, bên những màu áo trận lấp lánh bông mai vàng . . . – chưa một lần gặp nhau trước đó, nhưng chỉ một lần gặp gỡ thiêng liêng này, đã đối xử với nhau như những người bạn từ ba mươi năm. Có nhìn thấy những hậu duệ của khóa 3 Nguyễn Trãi, những thế hệ thứ hai, thứ ba, có đứa đã trưởng thành chững chạc, có đứa đang thiếu nữ dậy thì, có đứa mới tập tễnh cắp sách đến trường, có tận mắt nhìn thấy thế hệ tiếp nối ấy mới lần đầu gặp nhau đã đối xử với nhau như anh chị em ruột thịt trong một gia đình mới thấy hết được cái thiêng liêng của một sợi dây vô hình đã buộc chúng ta vào nhau, như một định mệnh.

Đường đời trăm vạn nẻo, nhưng chỉ có một nẻo để trở về cố hương. Mà cố hương là ở trong lòng mình, ở trong lòng bạn hữu.

Cùng với gia đình, một vợ và hai con, chúng tôi đã lên đường trở về cố hương những ngày cuối tháng 7 năm 2003, sau hơn một năm trời háo hức chờ đợi. Chặng đầu tiên là miền Nam Cali, vùng Thánh Địa của mấy triệu người Việt Nam tị nạn trên toàn thế giới. Hơn thế nữa, nơi có nhiều Nguyễn Trãi 3 ngụ cư nhất so với các nơi khác. Ngay buổi tối hôm chạm chân vào Thánh Địa Tị Nạn, Vũ Trọng  Khảo – thằng Emcee to mồm và lưu loát nhất của Hội Ngộ – đã vội lái chiếc xe Van cũ rích đến đón tôi về nhà của nó, không quên kèm theo câu chửi quen thuộc: con mẹ mày !

Không thể quên được buổi họp mặt tại nhà Vũ Trọng Khảo. Đủ mặt anh em vùng little Sàigòn. Cả Lê chí Tường ở mãi tận San Diego cách xa hơn hai tiếng lái xe cũng chạy xuống sau một cú phôn vội vã của Khảo. Lần đầu tiên, sau 30 năm thăng trầm kể từ ngày ra trường, tôi được nâng chai (Heineken) với Trần Ngọc Long, Phạm văn Long, Lê Hồng Khanh, Nguyễn Đình Chương, Dương Danh Dũng, Trương Ngọc Khoa, và Lê chí Tường, Vũ trọng Khảo. Ở chung quanh khu vực Little Saigon còn có Đặng Như Xuýn (tức Xuân), Đoàn văn Hoàng, Trần Ngọc Danh. Ở xa mãi tận bên Los Angeles (từ Little Saigon đi mất khoảng 1 tiếng lái xe) có Hồ Ngọc Thọ, Nguyễn Văn Khuê (mới dọn về đây theo vợ từ miền tuyết giá Colorado). Những người anh em này tôi chỉ được gặp họ một tuần sau đó tại San Jose, Bắc Cali. Trong khu vực Nam Cali còn có Lâm Kim Nở, Nguyễn Tất Đạt, Trần Hoàng, Trần văn Nhựt và Nguyễn văn Nhơn. Nở thì vì hoàn cảnh gia đình không thể tham dự Hội Ngộ được. Nhơn thì vì những lý do riêng tư (đọc Lời Trần Tình của Nhơn trong Đặc San này) ít liên lạc với anh em, Hoàng (Trần) thì bị bệnh phải thay gan 2,3 lần, còn lại Đạt,  Nhựt vì những lý do chưa được biết, vẫn chưa muốn quay về nhìn anh nhìn em. Tôi cũng muốn nhân dịp này nhắc đến 4 người bạn cũ của chúng ta ở khu vực Los Angeles là Phạm Đức Tiến, Trần Hữu Thạnh, Nguyễn Văn Hải và Võ Phi Công. Những người anh em này không tham dự Hội Ngộ do không đồng ý với chúng ta trong cách thức bày tỏ thái độ chính trị.

Dẫu sao, ngày đầu tiên tại xứ Cali nắng ấm, tôi được một bữa say túy lúy. Có lẽ say tình hơn say bia. Cám ơn các nàng dâu Little  Sàigòn, tuy chưa gặp các chị lần nào cả (trừ chị Long và chị Khảo), nhưng các chị đã đón một người bạn của chồng ở cách xa một ngàn tám trăm dặm đường như đón một người thân của chính mình.

Sáng hôm thứ Hai ngày 28 tháng 7, gia đình tôi lên đường trực chỉ Las Vegas. Chúng tôi muốn nhân cơ hội này đến thăm thành phố ăn chơi vào bậc nhất nước Mỹ. Và cũng còn là dịp được ghé thăm hai người bạn là Nguyễn Văn Ngoan và Dương Phúc Ánh. Một cách rất tình cờ, trên đường đi tôi nhận được cú điện thoại của Nguyễn Kim Hoàng (ở Hòa Lan). Hắn cho biết là cũng đang trên đường hướng về Las Vegas. Thật không hẹn mà gặp, thế là đêm đó, tôi, Ngoan và Hoàng được dịp ngồi uống bia trong một quầy rượu của sòng bài La Plaza gần tới sáng (không có Ánh vì nó bận đi làm ca đêm), sau khi cả hai gia đình tôi và Hoàng, cùng với vợ chồng người em Hoàng ở Đức, được vợ chồng Ngoan làm hướng đạo dắt đi thăm hầu khắp các thú vui về đêm của Las Vegas. Đó là một trong những kỷ niệm tuyệt vời của gia đình tôi trong chuyến phó hội này.

Về lại Little SàiGòn ngày hôm sau (gia đình Hoàng tiếp tục theo đường dọc theo bờ biển  về phía Bắc Cali), tôi không có dịp gặp lại các bạn ở đây, cũng như không thể chờ được Nguyễn Ích Hải bay từ New Mexico đến như ước hẹn từ trước, sau một ngày dành trọn cho  hai cháu tại khu DisneyLand, sáng thứ Năm 31 tháng 7, gia đình tôi tiếp tục cuộc hành trình về Điểm Hẹn 30 năm: Thành Phố San Jose, Bắc California.

Đến điểm hẹn chiều thứ Năm tại nhà của Nguyễn Ngọc Thư, mới hay là các nhóm anh em ở xa đã hầu như tề tựu đông đủ. Nhóm Dallas 7 người (khu vực có số người phó hội đông nhất: 7/8 , người vắng mặt là Nguyễn văn Tư) gồm Đặng Hiếu  Sinh, Lý Phước Hồng, Nguyễn Như Thi, Huỳnh Văn Thạnh, Lâm Phi Sơn, Trần Văn Ngãi và Châu Văn Đẳng đã có mặt. Thậm chí họ còn tiếp tay với nhóm chủ nhà Trần Xuân Choai, Nguyễn Ngọc Thư, Võ Văn Màng, Lê Quang Líp, Nguyễn Pháp, Chị Đoàn Chức  và Trần Văn Bảy ra các phi trường đón bạn bè và gia đình.  Ngoan từ Las Vegas, Khảo từ Little SàiGòn cũng đã đến. Trước đó, Diệp Văn Oánh ở Australia là người có mặt sớm nhất, Gia đình Tiêu Khôn Cơ ở Canada, gia đình Nguyễn Kim Hoàng cũng đã nhập bọn, rồi đến Cao Xuân Khải. Nhóm “Early Birds” này đã nhiệt tình tham gia phái đoàn chủ nhà đi đón các bạn  đến sau.

Trong lúc tôi theo chân Trần văn Bảy và các cháu thế hệ thứ hai San Jose ra phi trường San Jose đón Hoàng Kim Thiện và Nguyễn Báu đến từ Pennsylvania, tôi mới thấy hết được sự chu đáo của Ban Tổ Chức. Tất cả các cháu đều mặc đồng phục, áo T-Shirt có Logo Hội Ngộ 30 Năm, quần sậm màu, tay cầm bảng có hàng chữ: Hội Ngộ Nguyễn Trãi 3. Không thể lầm được, không thể không thấy được. Bạn bè lâu không gặp có thể không nhận ra nhau, nhưng nhìn các cháu trong đồng phục như vậy thì phải hiểu ngay là con cháu nó ra đón mình. Và cả những bó hoa tuyệt đẹp. Nhưng đẹp sao bằng những nụ cười rạng rỡ của cả người đi đón và người được đón, dù chưa hề một lần biết đến nhau trước đó!

Buổi tối hôm thứ Năm, theo như đã sắp xếp, tất cả tụ họp tại nhà của Trần Xuân Choai để ăn đám giỗ. Không thể tưởng tượng hàng mấy trăm con người có thể lọt hẳn trong căn nhà nhỏ của vợ chồng Choai. Vậy mà điều ấy đã xảy ra.

Sự ồn ào náo nhiệt cùng với những niềm vui Hội Ngộ vỡ òa ra đến độ không một điều gì có thể ngăn cản nổi những con người này nói, cười, la hét, chửi thề, kể cả lời van lơn của chủ nhà xin hạ nhỏ âm thanh kẻo không thì hàng xóm nó gọi Security cũng vô ích. Tôi nhìn thấy những người anh em của tôi, lúc này đã được Ban Tổ Chức phân phát áo T-Shirt có logo Hội Ngộ cùng với Pin phù hiệu quân trường, chen chúc nhau trong khoảnh sân nhỏ bé của căn nhà. Tôi lặng lẽ điểm danh từng người . . .

Nhóm chủ nhà Bắc Cali Choai, Màng, Líp, Chị Hồng Vân (Đoàn Chức), Bảy, Pháp. Cả Huỳnh văn Phương, Hồ Hoàng Hải. Thư và các con  (cả dâu) đang bận rộn các chuyến đón tiếp tại phi trường. Nguyễn Quý Đoán chỉ có mặt được trong Đêm Hội Ngộ. Nguyễn Văn Mỹ , Ngô Kim Trọng bận công ăn việc làm nên sẽ có mặt hôm sau Đêm Tâm Giao. Huỳnh Văn Liêm, Trần Văn An ở tuốt Sacramento cách 2 tiếng lái xe nên mãi hôm sau mới xuất hiện, và Trần Võ Thúc bận bịu nên chỉ có mặt được vào Đêm Hội Ngộ thứ Bảy.  Không tham dự Hội Ngộ là Lê Công Nghệ (vì lý do gia đình), Phạm Cấn (phải về Việt Nam chịu Đại tang trong gia đình), Nguyễn văn Tám (không đồng ý  với anh em trong cách bày tỏ thái độ chính trị). Ngoài ra còn có Lê Nhung chưa biết vì sao không đến với anh em, Nguyễn Văn Lầu thì dọn về Nam Cali từ lâu không có liên lạc gì nên không biết hiện giờ ra sao. (Khi bài này viết xong, thì Nguyễn văn Lầu ở Nam Cali bằng một duyên may tình cờ, nghe nói về Hội Ngộ đã tìm mọi cách điện thoại cho Hiệp, Sinh và tôi. Kết quả là giờ chót, Đặc San này có thêm hình ảnh và tâm tình của người bạn kém may mắn này cùng với gia đình. T.Vấn)

Nhóm Nam Cali có mặt Vũ Trọng Khảo, Nguyễn Văn Khuê, Hồ Ngọc Thọ tối thứ Năm. Ngày hôm sau, thứ  Sáu – 1 tháng 8 – tại buổi cắm trại ngoài trời, lần lượt các gia đình Phạm văn Long, Trần Ngọc Long, Lê Hồng Khanh, Nguyễn Đình Chương, Dương Danh  Dũng,  Trương Ngọc Khoa, Đặng Như Xuýn, Đoàn Văn Hoàng, Lê Chí Tường, Trần Ngọc Danh và Võ Văn Đông  đã có mặt. Những anh em không có mặt và lý do, tôi đã nêu ở phần trên.

Nhóm Texas, ở Dallas có 7 gia đình Đặng Hiếu Sinh, Lý Phước Hồng, Nguyễn Như  Thi, Trần Văn Ngãi, Lâm Phi Sơn, Châu Văn Đẳng và Huỳnh Văn Thạnh. Nguyễn văn Tư không tham dự. Ở Houston, có Nguyễn Văn Long đến vào hôm sau, thứ  Sáu. Lê Thanh Minh, Nguyễn Văn Điều không tham dự được vì các công việc làm ăn gia đình.

Nhóm Úc Châu có Diệp Văn Oánh, còn Võ Tấn Lộc và Trương Minh Hòa không thể đi được vì đường xá quá xa xôi.

Hòa Lan có một Nguyễn Kim Hoàng, Canada có Tiêu Khôn Cơ  cũng đã đã hiện diện. Ở Pháp, Nguyễn Đức Tín đã chuẩn bị xong mọi thứ, giờ chót phải vào bệnh viện giải phẫu đường ruột nên đành lỗi hẹn.

Miền Đông Bắc nước Mỹ gồm 2 Tiểu bang Massachusettes và New Hampshire có mặt Cao Xuân Khải, còn Vũ Minh Hùng thì phải đợi đến Đêm Tâm Giao mới có mặt. Ở khu vực này có Võ Trọng Cư (không đi được vì còn đang nghỉ dưỡng thương sau một tai nạn xe), Phan Quang Sơn (cùi), Lâm Phúc Chân, Nguyễn Đức Hùng, Phan Bá Thức và Nguyễn Văn Inh đều không về được vì những lý do gia đình.

Nhóm Pennsylvania đã có mặt Hạ Vĩnh Tho, Hoàng Kim Thiện và Nguyễn Báu. Ngô Văn Nhu phải đợi tới sáng hôm sau trong buổi họp mặt ngoài trời mới thấy. Ở PA, còn có Phạm Ngọc Hiệp (tội nghiệp, thân già ốm yếu bệnh hoạn, muốn lắm nhưng đành nằm nhà nghe trực tiếp truyền thanh Đêm Tâm Giao qua điện thoại). Tương tự như vậy là Lữ Sĩ Phùng Sanh. Lương Trọng Dục thì sau đó cho hay lý do vắng mặt là bận vợ trẻ con thơ. Ngoài ra, Trần Minh Châu (đầu bạc) không liên lạc được.

Nhóm Georgia, thành phố Atlanta gồm Lý Bá Phước, Trần Văn Trung (tà)  có mặt ngay đêm nay, dù hơi trễ vì chuyến bay bị hoãn mất mấy tiếng. Lê Nguyên Hùng thì rất đáng thương, chỉ có mặt được vào Đêm Hội Ngộ Thứ Bảy (2-8-03 ), rồi lại phải lên máy bay về lại Atlanta ngay hôm sau chủ Nhật (3-8-03 ). Ở Atlanta, Georgia còn có Lê Tấn Nẫm, Nguyễn Văn Út (đầu bò ), Phạm Ngọc Tiễn, Nguyễn Vân Tạo và Triệu duy Toản. Tất cả đều vì những lý do riêng không thể tham dự Hội Ngộ được, dù rất muốn. Và sau đó, vào tháng 10 năm 2003, nhân dịp đám cưới con trai Lê Nguyên Hùng, các anh em ở Atlanta đã bù đắp sự vắng mặt của mình tại San Jose bằng cuộc đón tiếp nồng hậu các Nguyễn Trãi 3  ở xa về và họ gọi đó là “Tiểu Hội Ngộ” (Xin xem bài “Lại Nghe Thức dậy” của Phạm Ngọc Hiệp cũng trong ĐS này)

Nhóm Louisiana có Huỳnh No, Trần văn Chiêm và Nguyễn tấn Tạo. Cả ba người này đã hiện diện. Riêng Đoàn văn Mã vì lý do mẹ già, vợ con còn trẻ nên không đi dự được.

Nhóm Florida, có Phạm Văn Đắc và Nguyễn Trọng Hoàng, phải đến hôm sau mới có mặt tại Buổi Cắm Trại ngoài trời vì  có nhiệm vụ hộ tống thầy Quỳnh  cũng đến từ Florida. Lê Công Hảo không đi được vì bận bịu con nhỏ đang bị bệnh.

Michigan có gia đình Nguyễn văn Hồ có mặt rất sớm, Nguyễn Lương Bối không tham dự được vì gia cảnh neo đơn.

North Carolina có Bùi Công Khẩn, Minnesota có Nguyễn Minh Ngọc tham dự cùng cả một phái đoàn gia đình vợ con đông đảo nhất. Ở Utah, có Đào Công Thanh. Ở New Mexico có Nguyễn Ích Hải đã ghé Los Angeles trước đó để đi cùng với Khuê và Thọ bằng đường bộ đến San Jose.

Ở Nevada, thành phố Las Vegas có Nguyễn văn Ngoan đã hiện diện. Còn Dương Phúc Anh phải đợi ngày hôm sau, thứ sáu, mới đến và Anh cũng sẽ phải về lại Las Vegas sau Đêm tâm Giao thứ sáu để đi làm.

Nhóm Nebraska có 4  người, nhưng chỉ một mình Hoàng Trọng Đê đơn thân độc mã phó hội. Bùi Ngọc Toàn, Nguyễn văn Hào không nghe thấy hồi âm gì hết. Riêng Trần văn Trung (chùa) nghe nói giờ chót trục trặc vấn đề xin nghỉ phép nên không có mặt được.

Ở Oklahoma có Nguyễn Đỗ Tiến rất muốn có mặt tại Hội Ngộ, nhưng vừa mới xin lại được việc làm nên phải chịu vắng mặt. Ở Washington, thành phố Seattle có Trần Thanh Châu cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Ở New York, thành phố Buffalo có Đỗ Phước Hòa, không liên lạc với anh em nên không biết gì về Hội Ngộ, đến khi biết thì đã quá trễ để chuẩn bị. Ngoài ra, còn Võ Thành Nhơn (cậu) ở Kentucky, thành phố Tennessy, Nguyễn Văn  Đức ở Illinnois, thành phố Chicago không hồi âm với anh em nên không hiểu vì lý do gì hai người này không có mặt tại Hội Ngộ.

Và tất nhiên, không có mặt tại Hội Ngộ còn có những anh em kẹt ở quê nhà. Tôi viết những giòng này để – như một nhịp cầu  thông cảm – nhắc lại với những anh em Nguyễn Trãi 3 nào  ở Việt Nam còn tha thiết được đứng giữa vòng tay thân ái của những người bạn đã cùng với mình ra đi từ ngọn đồi 4648  năm xưa,  rằng chúng tôi – những Nguyễn Trãi 3 Hải Ngoại – không  bao giờ quên các bạn.

Nhân nhắc đến những anh em mình còn kẹt ở Việt Nam, cá nhân tôi hằng nghĩ rằng, không hề có sự phân chia giữa Nguyễn Trãi 3 Hải Ngoại và Nguyễn Trãi 3 ở Việt Nam. Đó chỉ là tên gọi để dễ hình dung ra điều kiện tụ họp sinh hoạt.  Trước sau, chỉ có một tập thể Nguyễn Trãi 3, hay nói đúng hơn, tập thể những người còn tha thiết muốn được nhìn anh nhìn em nhìn bạn bè bằng hữu, dù ở bất cứ nơi đâu.

Cũng trong Đêm Họp Mặt không chính thức này (Thứ Năm 31-7-03), CD Hình ảnh khóa Nguyễn Trãi 3 đã được Nguyễn Ích Hải – anh em gọi đùa là Sinh Viên Sĩ Quan Trực Liên Đoàn – đứng ra phân phối đến các anh em có mặt, kể cả người không có mặt cũng được phần đem về. Sau đó, một cuộc Hội Ý chớp nhoáng đã diễn ra. Tất cả anh em có mặt đồng ý, sau Hội Ngộ, trách nhiệm về việc thực hiện Tape (hoặc DVD)  Hình Ảnh Hội Ngộ và Đặc San Hội Ngộ chuyển về cho nhóm anh em ở Dallas, Texas. Đồng thời, anh em cũng muốn duy trì Bản Tin Khóa 3 – một hình thức thông tin liên lạc trong khóa đã hiện diện từ hơn một năm này với nhiệm vụ chính là vận động cho Hội Ngộ 30 năm khóa 3 – Trách nhiệm này cũng được giao cho nhóm Dallas (mà Đặng Hiếu Sinh là người trực tiếp thay mặt nhóm nhận lời trước anh em) tùy nghi thực hiện, một năm hai hoặc ba Bản Tin theo nhu cầu trong khóa và khả năng tài chánh. (*GHI CHÚ:  Phần lớn anh em Nam  Cali, như đã điểm danh ở phần trên, chưa có mặt tại San Jose tối Thứ Năm 31-7-03 , nên không  tham dự cuộc Hội Ý chớp nhoáng này. Nay, xin được tường trình lại với các bạn Nam Cali và nhờ Vũ Trọng Khảo, người có mặt tại San Jose  đêm hôm đó, xác nhận với anh em dùm.).

clip_image002

Đến khuya đêm Thứ Năm, hầu hết anh em ở xa đã có mặt tại San Jose. Theo như sự sắp xếp trước của Ban Tổ Chức, các anh em và gia đình – trong suốt thời gian Hội Ngộ –  được chia ra về trú ngụ tại nhà Líp, Bảy, Choai, Thư, Màng, Pháp, Hải, Phương và Chị Đoàn Chức. Riêng Hạ Vĩnh Tho, về nhà người đàn em khóa 5 Nguyễn Đình Lê – người được ghi nhận là một trong những thành viên tích cực nhất  trong việc tổ chức thành công Hội Ngộ 30 năm khóa 3.

Sáng hôm sau, thứ sáu 1-8-03, tất cả anh em NT3 và gia đình tham dự buổi sinh hoạt ngoài trời tại một khu công viên rộng rãi mát mẻ của Thung Lũng Hoa Vàng. Buổi sinh hoạt này, theo lời Trần Xuân Choai trong Ban Tổ Chức là dịp để “tụi nó tha hồ la hét, nói chuyện, chửi nhau cho đã!”. Quả đúng vậy, suốt từ 9:30 sáng cho đến 1:30 trưa, các anh em đã có dịp túm năm tụm ba, vừa uống bia vừa được phục dịch các món ăn tay cầm ngon lành bởi các chị trong Ban Tổ Chức, vừa kể lể với nhau những kỷ niệm cũ, nhắc đến những đứa mất, những đứa còn, đứa kẹt ở Việt Nam . . . đồng thời, cũng trong buổi sáng này, lần lượt các bạn Nam Cali  đã tề tựu đông đủ. Nhìn thấy nhau từ xa, anh em đã tha hồ đoán già đoán non, đứa đang đi tới là đứa nào, thằng tóc bạc trắng là thằng nào v..v.. Rồi sau đó là những trận cười như chưa bao giờ được cười của những người ngày thường trông rất là đạo mạo. Đặc biệt, với sự tháp tùng của Nguyễn Trọng Hoàng và Phạm Văn Đắc ,vị Thầy khả kính Nguyễn Quốc Quỳnh đã từ Florida – dù cánh tay trái bị chấn thương vẫn chưa lành hẳn – nhận lời mời của những người học trò cũ đến tham dự Hội Ngộ 30 năm khóa 3. Trong một khung cảnh vừa long trọng vừa thân mật hiếm có, toàn thể NT3 và gia đình có mặt trong buổi Sinh Hoạt Ngoài Trời hôm ấy đã lần lượt được Ban Tổ Chức dẫn đến trình diện với Người Thầy Học Cũ. Thầy đã bắt tay thăm hỏi từng người, từng gia đình không sót một ai.

Đêm Tâm Giao diễn ra từ 7:30 đến 10:30 tối thứ sáu 1-8-03 tại Hội Trường Thánh Đường Tự Do, thành phố San Jose. Xét về mặt tình cảm, Đêm Tâm Giao mới thực sự là đêm chính cho Hội Ngộ. Và đối với tất cả  anh em về tham dự Hội Ngộ, Đêm Tâm Giao đã được ghi nhớ nhiếu nhất với những giọt nước mắt và tràng cười rộn rã. 30 năm sau ngày ra Trường, anh em khóa NT3 đã được dịp đứng trước mặt nhau trình diện, lần này có kèm theo cả gia đình riêng của mình, gồm vợ con và  cháu nữa. 30 năm rồi, đâu phải mới hôm qua!

Cũng trong đêm nay, những anh em không thể về dự Hội Ngộ được đã gói ghém tâm tình của mình trong Bức Thư Gởi Bạn:

Tôi mạn phép thay mặt cho tất cả anh em không thể về Hội Ngộ hôm nay để xin sự cảm thông của các bạn. Xin biết cho rằng, tuy không về được, nhưng chúng tôi luôn luôn hướng về các bạn với tất cả ưu ái mà chúng mình đã từng nâng niu, dành để cho nhau,

“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”

Đúng vậy các bạn ơi, nhánh sen kia dù đã gẫy lìa nhưng vẫn còn hoài những sợi tơ dù rất mong manh.

Các bạn có thấy không, những sợi tơ mong manh trong tâm hồn chúng tôi? (Thư Gởi Bạn – Phạm Ngọc Hiệp)

Bức thư rất cảm động của Phạm Ngọc Hiệp đã được cựu Xướng Ngôn Viên của Chương Trình phát thanh hàng tuần của Trường Đại Học CTCT trên Làn Sóng Đài Phát Thanh Thị Xã Đà Lạt Vũ Minh Hùng đọc trước anh em và đã làm chết lặng 64 khuôn mặt già nua đang ngồi cạnh nhau.

Đặc biệt, Chị  Thoại Anh, nàng dâu Diệp Văn Oánh – không thể theo chồng về dự Hội Ngộ – đã thay mặt tất cả những Nàng Dâu NT3 không có mặt tại Hội Ngộ  gửi đến Hội Ngộ “Lá Thư Từ Phương Xa”:

…Em xin mạn phép thay mặt các chị rất tiếc không về đoàn tụ với Đại Gia đình trong cuộc hội ngộ hôm nay, chân thành cám ơn các anh đã lưu tâm vinh danh các nàng dâu Nguyễn Trãi III chúng em. Chúng em nguyện sẽ luôn là chiếc xương sườn thân thiết, sẽ cùng các anh kề vai sóng bước trên quãng đường đời còn lại với tấm lòng yêu thương trọn tình vẹn nghĩa.

Kính chúc Hội ngộ kỷ niệm 30 năm khoá Nguyễn Trãi III ra trường thành công tốt đẹp, chúc các anh giữ vẹn tình đoàn kết huynh đệ chi binh luôn được bền vững.  Riêng các chị, được dịp thoải mái hàn huyên tâm sự, kết chặt tình thân chị em một nhà ngày càng đầm thắm, đầy nghĩa yêu thương…

(Lá Thư Phương Xa – Thoại Anh, Nàng Dâu Diệp Văn Oánh, Úc Châu).

Bức Thư này đã được chị Thoại Anh gởi gấm cho Kim Oanh, Nàng dâu T.Vấn, người bạn mà chị chưa bao giờ gặp mặt, nhờ đọc hộ trước Hội Ngộ.

Thật là trọn vẹn nghĩa tình, cho cả người có mặt và không có mặt. Nhưng cảm động hơn hết, phải ghi nhận sự có mặt của con gái Nguyễn Ngọc Bình với chiếc bánh mừng các bác Hội Ngộ và khuôn mặt xinh xắn đầm đìa nước mắt nên không nói lên lời khi được dắt ra giới thiệu (dù sau lưng có mặt của mẹ cháu), và kế đó là gia đình chị Đoàn Chức. 3 mẹ con ôm nhau nghẹn ngào trước các bạn hữu  của cha chồng khiến cả Hội trường cũng sụt sùi theo. Đó là những hình ảnh đẹp nhất và được ghi nhớ nhất của Hội Ngộ 30 năm khóa 3.

Nước mắt luôn luôn có mặt cả khi hạnh phúc lẫn khổ đau. Những giọt nước mắt chảy ra trong Đêm Tâm Giao này là sự kết tinh của niềm vui lẫn nỗi buồn. Buồn vì sự ra đi mãi mãi của những người thân, nhưng lại vui vì biết rằng, những người ngồi kia – dù ở bất cứ nơi đâu tụ họp nhau về đây – đều không quên, sẽ không bao giờ quên, những người thân của mình.

Sáng hôm sau, thứ Bảy, 2-8-03, Ban Tổ Chức đã hướng dẫn các gia đình ở xa về đi thành phố San Fransico – cách San Jose khoảng 50 dặm – để thăm cây cầu treo nổi tiếng  Golden Gate Bridge và các thắng cảnh  nổi tiếng khác của vùng Vịnh. Một số khác, đi thăm bạn bè riêng của  mình. Gia đình tôi cũng được dịp gặp lại một người bạn từ thời chúng tôi còn học chung lớp Đệ Thất ở Trường Petrus Ký Sài Gòn. Một người bạn tù khác, nghe tin cũng đã đến tận Thánh Đường Tự Do để tìm. Vì lý do đó, gia đình tôi đã bỏ lỡ dịp đi San Fransico.

Đêm Thứ Bảy, 2-8-03, đêm chính thức của Ngày Hội Ngộ 30 Năm Khóa Nguyễn Trãi 3 Ra Trường diễn ra sau bữa cơm thân mật với sự hiện diện của Thầy Nguyễn Quốc Quỳnh – nguyên Chỉ Huy Trưởng Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt – và gia đình, Giáo sư Hoàng Ngọc Thành, các vị cựu Sĩ Quan phục vụ tại Trường hiện đang sinh sống ở San Jose, Đại Diện của Tổng Hội Ái Hữu cựu SVSQ/CTCT, Các  cựu SVSQ các khóa 1,2,4 ,5 và 6 và gia đình cư ngụ trong vùng Thung Lũng Hoa Vàng và Phụ cận.

Buổi Lễ Hội Ngộ 30 năm khóa 3 đã diễn ra thât long trọng, thật ý nghĩa, với sự đóng góp tuyệt vời của các Nàng Dâu trong Ban Tổ Chức, các cháu thuộc thế hệ thứ hai tại San Jose và của cả các cháu ở các nơi xa về.

Tôi không muốn dài dòng kể lể lại ở đây những diễn tiến của Buổi lễ (vì đã có DVD Hội Ngộ ghi lại trọn vẹn  rồi). Không khí  buổi lễ khiến cho tôi có cảm tưởng của một đứa con đi xa về, được dịp đoàn tụ với gia đình ruột thịt của mình. Có sự hiện diện của Cha già, của anh chị em thân thiết. Tất cả những giây phút xum họp, diễn ra trong  sự trang trọng, nhưng đồng  thời cũng thân mật, tự nhiên.

Và tôi nghĩ rằng, Hội Ngộ 30 năm của Khóa 3 đã đạt được điều mà chúng tôi mong ước.

Sau đêm thứ bảy, một số đông anh em đã như còn nuối tiếc, tụ họp lại tại nhà của Nguyễn Ngọc Thư để được một lần cuối – không biết bao giờ còn có dịp nữa – thức trắng đêm bên nhau.

Đêm ấy, tôi nghe nói rằng, đã là một đêm không bao giờ  quên của những anh em có mặt.

Rất tiếc, tôi vì một số việc riêng với các bạn của tôi tại San Jose, nên không có mặt được.

Sau đó, các anh em ở xa lần lượt ra về. Niềm vui thì đầy ắp, nhưng nỗi buồn cũng nặng trĩu.

Biết bao giờ lại gặp được nhau nữa đây? Đã có những hẹn hò tái ngộ? 5 năm nữa? hay 10 năm nữa? hay 30 năm nữa? hay không bao giờ? Thời gian đã không còn là bạn đồng minh của chúng ta nữa rồi, các bạn ơi!

Gia đình tôi, sau đó còn tháp tùng gia đình Trần Văn Bảy, và cùng với Trần Văn Chiêm đi Sacramento, Thủ Phủ của Tiểu Bang California. Tại đây, tôi có dịp gặp lại một người bạn tù già từ dạo chúng tôi còn ở ngoài Trại Tù Vĩnh Quang, Vĩnh Phú, và khi qua Mỹ, tôi và ông có một số hoạt động văn nghệ chung với nhau.

Về lại San Jose  hôm thứ Ba 5-8-03, tôi còn được dịp gặp lại một số anh em  còn ở lại San Jose và tất cả các bạn trong Ban Tổ Chức. Chúng tôi hội ý với nhau một số việc cần thiết phải làm sau Hội Ngộ, rồi đến sáng thứ Tư 6-8-03, tất cả anh em ở xa đã rời San Jose. Gia đình tôi lên xe về lại khu Little Sàigòn, Nam Cali. Tại đây, tôi còn được dịp gặp lại một số anh em ở khu vực này tại căn nhà xinh xắn của Đặng như Xuýn (tức Xuân) với sự tiếp đón rất chu đáo của Nàng dâu Xuýn và các cháu con của Xuýn. Có cả Tiêu Khôn Cơ ở Canada trước khi về ghé lại đây thăm bạn là Giang Văn Thuật k4, cả Vũ Minh Hùng ở Massachusette còn đang đi chu du miền Nam Cali trước khi về.

Cuối cùng, sáng thứ Sáu 8-8-03, từ Little SàiGòn, gia đình tôi lên máy bay về lại Wichita, sau 2 tuần của một mùa hè rực rỡ nhất trong hơn 10 năm sống tại quê người.

***

Như vậy là đã qua đi Ngày Hội Ngộ 30 Năm Khóa Nguyễn Trãi 3 Ra Trường tại Thành Phố San Jose, Tiểu Bang California, Hoa kỳ. Không muốn dùng những từ ngữ khuôn sáo, tôi chỉ có thể nói rằng, Hội Ngộ đã đạt được những điều mà tất cả anh em khắp nơi khi dắt díu gia đình về dự Hội Ngộ mong ước. Đó là tình cảm bằng hữu từ 30 năm được hâm nóng lại, để cuộc sống lưu vong xứ người  vơi bớt đi cảm thức cô đơn trong những ngày còn lại ngắn ngủi của cuộc đời chúng ta. Hơn thế, tạo cơ hội cho thế hệ thứ hai – tức con cháu chúng ta – có dịp nhìn thấy tận mắt những hình ảnh của chúng ta 30 năm về trước, tạo động lực để chúng tìm hiểu thêm về con đường chúng ta đã đi, và qua đó, nhân cơ hội này, kết bạn với nhau như chúng ta đã từng kết bạn – để, như một cánh tay nối dài – hy vọng chúng sẽ làm được những điều mà chúng ta chỉ khao khát, chỉ hoài bão – dĩ nhiên là theo cách thức của chúng, khả năng của chúng và nhu cầu thời đại mà chúng sống.

Tôi thiết nghĩ rằng, chúng ta chỉ nên mong ước đến như thế. Nhiều hơn nữa, cao hơn nữa, e rằng chỉ là vọng tưởng.

Để có được những điều ấy, đã là công khó của, trước hết, những anh em từ khắp nơi đã hy sinh nhiều thứ – cả tiền bạc lẫn thời gian – để về có mặt tại Thành Phố San Jose những ngày đầu tháng 8 vừa qua. Không có sự tham dự nhiệt tình của các bạn và gia đình, không thể có những ngày vui như lễ hội mà chúng ta đã có.

Cũng nhân dịp này, những người học trò cũ của vị Thầy khả kính Nguyễn Quốc Quỳnh, xin một lần nữa cám ơn thầy, đã không quản ngại tuổi già sức yếu, không quản ngại đường xa ngàn dặm – đúng theo nghĩa của từ ngàn dặm – về hiện diện giữa những tấm lòng học trò luôn hướng về Thầy như một vị Ân Nhân, như một người cha trong gia đình. Nhìn hình ảnh thầy thân thương ngồi trên chiếc xe lăn, quây quần xung quanh bởi những học trò tóc đã đổi màu, mới thấy hết được tình thầy trò đẹp đẽ mãi mãi còn nguyên vẹn với thời gian và không gian. Vật đổi sao dời, nhưng thầy vẫn là thầy, trò vẫn là trò. Cả thầy lẫn chúng ta đều hãnh diện nói lên điều đó, phải không thầy? phải không các bạn?

Xin cám ơn những vị khách, những đàn anh những đàn em đã có mặt và góp công góp của cho ngày Hội Ngộ của khóa 3. Sự có mặt của quý vị trong những ngày này đã làm tăng thêm ý nghĩa thiêng liêng của một dịp đoàn tụ Đại gia đình SVSQ/CTCT sau 30 năm anh em chúng tôi ly tán. Chúng tôi hết sức trân trọng những tấm lòng huynh đệ ấy.

Sẽ là một sự xúc phạm khó tha thứ khi nói lên hai chữ cám ơn với những nàng dâu, với các con cháu – dâu và rể – của thành phố San Jose về những gì họ đã làm. Từ đưa đón, từ chăm chút nơi ăn chốn ở cho các anh em và gia đình ở xa về cho đến tất cả mọi sinh hoạt khác, các công việc chuẩn bị cho Ngày Hội Ngộ. Đó là những con người ở sau hậu trường, đóng góp một cách hết sức thầm lặng, nhưng lại là những đóng góp có ý nghĩa nhất cho sự thành công của Ngày Hội Ngộ. Và cả hai người em Sơn, Hoa (em rể và em gái của Nguyễn Ngọc Bình) đã góp sức như để thay thế cho người anh vắn số của mình.

Xin những người bạn khuất mặt của chúng ta độ trì cách đặc biệt cho những con người đáng nhớ nhất Hội Ngộ này.

Cuối cùng, những nhân tố chính của Hội Ngộ. Ban Tổ Chức 30 Năm Hội Ngộ Khóa Nguyễn Trãi 3. 6 con người chủ chốt ở San Jose, cộng thên bàn tay đắc lực của quả phụ Đoàn Chức và đặc biệt, sự đóng góp – như của một Nguyễn Trãi 3 thực thụ – của Nguyễn Trãi 5 Nguyễn Đình Lê. Có thể nói một cách chính xác rằng: không có những con người này, sẽ không có Hội Ngộ Nguyễn Trãi 3. Họ hội đủ hai thứ để làm nên một sự kiện đáng ghi nhớ không thua Ngày Ra trường 21 tháng 4 năm 1973: Nhiệt Tình và Khả Năng. Phải nói thêm: Sự Hy sinh. Hy sinh cả ngân quỹ gia đình, cả thời giờ đáng lẽ dành cho việc đi làm kiếm tiền nuôi gia đình hoặc nghỉ ngơi. Tất cả cho một mục đích: Hội Ngộ 30 năm Khóa 3 thành công.

Là những người bạn, là những người được hưởng thành quả của Hội Ngộ, chúng tôi nghiêng mình ngưỡng mộ tấm nhiệt tình, lòng hy sinh và khả năng hơn người của các bạn.

Xin Ơn Trên trả công cho các bạn và gia đình.

Chúng tôi cũng xin được gởi đến Nhóm anh em ở Dallas, Texas những lời tương tự. Sau Hội Ngộ, nhận sự ủy thác của anh em, họ đã nỗ lực làm việc quên mình, thu gom hình ảnh, tài liệu, bài vở từ khắp nơi, từ khắp các nguồn để hoàn thành kịp thời và gởi đến anh em – cả người tham dự Hội Ngộ lẫn người vắng mặt – bộ DVD ghi lại tất cả những hình ảnh đáng nhớ của Hội Ngộ 30 năm khóa 3 với chất lượng kỹ thuật có thể sánh ngang hàng những công trình của người chuyên nghiệp. Kế đó, là Đặc San Hội Ngộ mà chúng ta đang có trong tay, mang vóc dáng của một tập Kỷ Yếu Khóa 3 30 năm sau tại Hải Ngoại: Đẹp và trọn vẹn ý nghĩa của Tình  Bằng Hữu muôn thuở.

Một lần nữa, chúng ta hãy cám ơn cuộc đời này đã cho chúng ta có được những người bạn như thế, những con người ở San Jose và Dallas! Ai bảo cuộc sống vật chất xứ người đã làm băng hoại dần đi bản sắc Việt Nam nơi những thân phận lưu vong? Tôi không bao giờ tin như vậy!

***

Hệt như giây phút tôi chào tạm biệt thành phố San Jose những ngày đầu tháng 8 vừa qua với nỗi ngậm ngùi khiến cho bàn chân đạp ga chiếc xe đưa gia đình tôi về trạm chuyển tiếp Little SàiGòn cứ như muốn lơi ra, cứ như muốn dùng  dằng không nỡ, giờ đây, giữa mùa Đông tuyết giá của thành phố nhỏ bé Wichita, khi tôi viết những dòng cuối cùng của Bản Tường trình Hội Ngộ, ngòi bút của tôi cứ lần khân mãi chưa chịu đặt dấu chấm hết! Và mãi đến lúc này, cái tên của bài viết – có lẽ là bài viết cuối cùng cho những người bạn thân thiết 30 năm của tôi – mới chợt hiện ra mồn  một trong hoài niệm còn tươi rói của tôi về những ngày hè rực rỡ: Hội Ngộ San Jose: Như một lời chia tay . . .

Phải rồi! như một lời chia tay! và vì như một lời chia tay, nên tôi hiểu tại sao ngòi bút của tôi vẫn cứ dùng dằng không muốn chấm hết.

Các bạn của tôi ơi! Những ngày vừa qua kỳ diệu quá, đáng nhớ quá, hạnh phúc quá, cho nên tất cả những gì gọi là lấn cấn, gọi là không hài lòng với nhau, hoặc do sự vô tình, hoặc do sự hiểu lầm, hoặc là gì gì đi nữa, sẽ hoàn toàn vô nghĩa, hoàn toàn nhỏ nhoi, hoàn toàn không để lại chút gì vẩn đục trong tình bạn bất diệt của những anh em khóa Nguyễn Trãi 3 trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, những anh em còn nhìn ở nhau qua một lăng kính duy nhất: Tình Bằng Hữu. Vì chỉ có tình bằng hữu, chúng ta mới dễ dàng tha thứ cho nhau về những thiếu sót, mới dễ dàng ngồi lại với nhau để san bằng những cách biệt . . .

Trong nỗi ngậm ngùi phải viết những dòng cuối cùng cho những người bạn mà hình như chúng ta đã chỉ có một cơ hội cuối cùng để gặp nhau, tôi xin được ghi lại những dòng cuối cùng của bài viết đầu tiên tôi đã gởi đến các bạn cách đây hơn một năm – Kẻo Mai Này . . ., những câu thơ của một tác giả tôi không nhớ được tên (Nguyễn Đình Toàn hay Nguyễn Xuân Hoàng?) vì đã thuộc lòng từ những ngày đầu tiên chúng ta gặp nhau – nghĩa là từ lâu lắm rồi – như một lời chúng ta nói chia tay với nhau:

Nào còn gì đâu cầm lấy tay tôi,

Nào còn gì đâu cầm lấy hồn tôi,

Này đây những lời yêu thương thứ nhất,

Chia nhau mỗi người làm vốn sinh nhai !

Wichita, một ngày tuyết đổ trắng xóa của mùa Đông 2003.

__________________________________________________________________

© T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search