T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Hưng: ÁC MỘNG (Thi tập song ngữ Anh Việt)

Lời nhà xuất bản

Trong cảnh huống nào những bài thơ trong tuyển tập Ác mộng này đã xuất hiện và từng gây xôn xao trong cũng như ngoài văn giới, người theo dõi hẳn đã biết rõ và đã có những nhận định đúng đắn về chúng, không phải chỉ mới gần đây, mà từ hơn phần tư thế kỉ qua. Nó liên quan đến cái-gọi-là “vụ án Về Kinh Bắc” mà theo cái nhìn chủ quan lẫn khách quan của chính người trong cuộc thì chẳng qua chỉ là sự trù giập cho bõ ghét (do lòng thù oán, ganh ghét, căm hận cá nhân) của một nhà thơ nắm quyền sinh sát trong tay (Tố Hữu) đối với một nhà thơ khác, người bị ném ra ngoài lề xã hội gần như suốt quãng đời của ông (Hoàng Cầm). Sự thật như thế nào thì chỉ có Trời biết, bởi nó là một vụ án y như những gì nhà văn Franz Kafka từng cảnh báo nhân loại từ đầu thế kỉ XX mà do vô tâm hay cố tình chúng ta không bao giờ lưu ý. Lúc “vụ án Về Kinh Bắc” mới khởi động thì nhà thơ Hoàng Hưng là con cá đang phấn chấn bơi lội nhởn nhơ vô tư lự giữa dòng nước cuồng nộ, hung hãn mà ông không hề hay biết. Và con cá

bị “cất vó”. Wrong place, wrong time. Ách gia đàng đâm quàng vào c.

Lâm nạn, bị giam trong những nhà giam và trại cải tạo miền Bắc Việt Nam suốt 39 tháng, ông cho ra đời những bài thơ tù (ông gọi là Thơ-Nhật kí hay Thơ-Tình huống). Thời gian bị giam tuy không lâu nhưng sau khi ra khỏi tù ông lâm vào tình trạng hậu chấn tâm lí rất nặng mà theo ông thì cách chữa trị hiệu quả nhất là phải thét lên một tiếng thật to. Ông bảo:

Đọc sách Phân tâm học, tôi được thuyết phục rằng muốn chữa bệnh tâm lý thì phải tự gợi lại những chấn thương từ thuở xa xưa mình đã gặp phải. Nhớ lại được rõ ràng thì sẽ có cơ may khỏi bệnh. Kinh nghiệm thông thường cũng cho rằng những nỗi thương đau một khi kể ra được thì sẽ vơi đi. Vậy thì, muốn tự giải thoát khỏi những cơn ác mộng, một lần cho xong, tôi thấy mình phải kêu lên một tiếng, kêu thật to, cho tỉnh hẳn.

Đó là lí do vì sao nhà thơ Hoàng Hưng cuối cùng đi đến quyết định công bố những bài thơ tù của mình, dù sự công bố là khá rời rạc vì vẫn gặp sự cấm đoán gay gắt của nhà nước Cộng sản Việt Nam.

Dù sao có vẫn hơn không.

Lí do công bố những bài thơ tù của mình có thể là lí do tâm lí cá nhân của nhà thơ Hoàng Hưng, nhưng nếu nhìn vấn đề từ mặt lịch sử nhân văn thì sự công bố là tối cần thiết, không có không được. Lịch sử Việt Nam ở thời hiện đại có những khoảng đen tối mờ mịt, và một trong những khoảng đen tối ấy là chế độ nhà tù, trại giam khổ sai được che giấu, ngụy trang bằng cái áo mĩ từ “trại cải tạo”. Sự cai trị thô bạo của nhà cầm quyền độc tài toàn trị thể hiện

qua những vụ bắt người trái phép, vô căn cứ, tống giam trong bóng tối mà không hề được tòa án xét xử (thậm chí một cái tòa án kangaroo cũng không có). “Vụ án Về Kinh Bắc” thật ra là một trong muôn vàn vụ án tương tự khác. Khoảng đen tối lịch sử ấy còn bị khuếch đại lên nhiều lần với một chính sách tập trung và giam cầm hàng chục ngàn, có thể hàng trăm ngàn quân cán chính miền Nam sau 1975 trong những trại cải tạo khắp ba miền đất nước. Khá may là những khoảng tối này ngày nay phần nào được hé lộ nhờ những lời tâm huyết của nhiều nhà văn, nhà thơ thoát chết chạy ra nước ngoài, viết sách, như cuốn Cùm đỏ của nhà văn Phạm Quốc Bảo, cuốn Đại học máu của nhà thơ Hà Thúc Sinh, cuốn Ánh sáng và bóng tối của nhà văn Hoàng Liên, và nhiều cuốn khác. Lịch sử Việt Nam sẽ không toàn nguyên nếu thiếu những cuốn sách ấy.

Và đó cũng là lí do cho sự hiện hữu của những bài thơ “ác mộng” của nhà thơ Hoàng Hưng trong một tuyển thơ tuy khiêm tốn hình thức nhưng nhiều trọng lượng nội dung.

Trong lời mở đầu cuốn Qun đảo Gulag vang danh

thế giới, một bộ sách cũng không thể thiếu trong lịch sử nước Nga, nhà văn Aleksandr I. Solzhenitsyn có trích dẫn một ngụ ngôn Nga như sau:

Đừng đào bới quá khứ làm gì! Sống với quá khứ bạn sẽ mất một con mắt đấy… Nhưng nếu quên biệt quá khứ bạn sẽ mất cả hai con.

Vâng, chúng ta sẽ mù hẳn cả hai mắt nếu chúng ta bịt mắt, bịt tai, bịt miệng, không màng gì đến quá khứ, dù là một quá khứ đen tối, đau buồn.

Về mặt văn học thì giá trị những bài thơ tù của nhà thơ Hoàng Hưng được đánh giá rất cao bởi giới trí thức, văn

nghệ Việt Nam lẫn nước ngoài. Bài Người v được chọn in trong tuyển Thơ Vit Nam thế kXX của NXB Giáo Dục năm 2004. Nhiều bài khác trong Ác mng cũng đã được dịch và in ở không ít tạp chí văn chương Pháp, Mỹ như Europe, Seatle Review, Poetry International, Gravity, New American Writing, Parthenon West, Hayden‘s Ferry Review… Đặc biệt nhan đề Chó đen và đêm được sử dụng làm tựa sách tuyển thơ Black Dog, Black Night: Contemporary Vietnamese Poetry, NXB Milkweed Editions thành phố St. Paul, Minnesota năm 2008, trong đó có cả thảy 15 bài của nhà thơ họ Hoàng, một vinh dự không nhỏ.

Văn Học Press hân hạnh được cộng tác với nhà thơ Hoàng Hưng trong kì xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2018. Đây là lần đầu tiên toàn bộ thơ tù của ông xuất hiện dưới dạng giấy in. Thêm nữa, trên 30 bài thơ ấy còn được dịch sang Anh ngữ qua nỗ lực dịch thuật của hai nhà thơ kiêm dịch giả Trịnh Y Thư và Nguyễn Đức Tùng. Phần Phụ lục gồm những thông tin, cảm nhận và phát biểu xoay quanh Ác mộng, xuất hiện rải rác từ trước đến nay trên nhiều diễn đàn văn học và văn hóa, của nhiều nhà thơ, nhà văn, giáo sư, học giả… trong cũng như ngoài nước. Rất mong công trình khiêm tốn này được độc giả khắp nơi nhiệt tình đón nhận. Mọi góp ý tích cực đều được quan tâm và thực hiện trong phạm vi có thể để tuyển thơ xứng đáng hơn với chỗ đứng của nó trên kệ sách.

Văn Học Press, 2018

Bài Mới Nhất
Search