T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(2) – Fur Elise (Khi tình yêu tới) – BEETHOVEN

clip_image002

 

Ludwig van Beethoven (1770-1827)

Sau thời kỳ phát triển vào thế kỷ thứ 16, 17, với “ngũ đại tiền bối” Corelli, Vivaldi, Scarlatti, Handel và Bach, bước sang thế kỷ thứ 18, nền nhạc cổ điển tây phương đã đạt tới đỉnh cao, với danh sư Haydn của Áo và hai thiên tài Mozart (Áo), Beethoven (Đức).

Một cách chính thức, nền nhạc cổ điển tây phương (Classical Musics) được chia ra làm ba thời kỳ (era, hoặc period) là Baroque era, Classical era, và Romantic era.

“Baroque era” là thời kỳ phát triển, chúng tôi đã trình bày trong bài dẫn nhập, còn “Classical era”, tạm dịch là “thời kỳ cổ điển”. Theo sự phân chia của các nhạc sử gia, “Classical era” là thời gian từ năm 1750 tới 1830. Việc sử dụng chữ “Classical” để gọi MỘT THỜI KỲ trong nền nhạc cũng được gọi là “Classical”, đã gây nhức đầu cho nhiều người, kể cả người tây phương, vì thế trừ những trường hợp bắt buộc, người ta thường sử dụng hai chữ “thời kỳ vàng son” (Golden era) một cách bán chính thức thay cho “thời kỳ cổ điển”.

* * *

clip_image003

Joseph Haydn (1732-1809)

Tên tuổi nổi tiếng thứ nhất của thời kỳ vàng son là Joseph Haydn. Đúng ra, tên của ông bằng tiếng Áo là Franz Joseph Hayden, nhưng vì người Đức gọi ông là Joseph Haydn, cho nên hậu thế cũng gọi theo. Sinh năm 1732 và mất năm 1809, Joseph Haydn được xem là “Cha đẻ của nhạc giao hưởng” (Father of the Symphony), “Cha đẻ của tứ tấu đàn dây” (Father of the String Quartet). Ngoài ra ông còn có công lớn trong việc phát triển thể loại tam tấu “piano trio”, gồm dương cầm, vĩ cầm và cello.

Bước sang thời hiện đại, các sáng tác của Joseph Haydn ngày càng ít được phổ biến, nhưng vào những năm cuối thế kỷ thứ 18 đầu thế kỷ thứ 19, ông là nhà soạn nhạc được ái mộ nhất ở Âu châu.

Joseph Haydn có người em trai cũng là một nhà soạn nhạc nổi tiếng, Michael Haydn. Đồng thời, ông còn là bạn già của Mozart và sư phụ của Beethoven.

* * *

clip_image004

Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791)

Tới đây viết về thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart. Ông sinh năm 1756, sau Haydn một phần tư thế kỷ, nhưng lại qua đời trước vị danh sư 18 năm! Mozart được hậu thế xem là nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất và tạo nhiều ảnh hưởng nhất của thời kỳ vàng son trong nền nhạc cổ điển. Bên cạnh đó, ông còn là một nhạc sĩ dương cầm xuất chúng.

(Phụ lục: Audio (1)

“Elvira Madigan” – Piano Concerto No. 21, MOZART

Mozart qua đời tại thành Vienne khi mới 35 tuổi, nhưng đã để lại một sự nghiệp vĩ đại, gồm trên 600 tác phẩm thuộc đủ các thể loại: giao hưởng, đại hòa tấu, thính phòng, opera, hợp xướng, hòa tấu, và độc tấu cho nhiều loại nhạc cụ khác nhau.

Chỉ tính thể loại giao hưởng, Mozart đã viết 41 bản có đánh số thứ tự từ 1 tới 41, và ít nhất là 10 bản không đánh số.

Về thể loại “serénade” (dạ khúc), Mozart viết tới 13 bản, mà bản quen thuộc nhất, sống ở xã hội tây phương, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nghe qua ít nhất một lần trong đời. Đó là bản Serénade số 13, cung Sol trưởng, viết cho ban nhạc thính phòng, có tựa đề bằng tiếng Đức là “Eine Kleine Nachtmusik”, nghĩa là “tiểu dạ khúc”.

(Phụ lục: Audio (2)

02- Mozart

Nhận xét về Mozart, Joseph Haydn đã viết như sau: “Đây là một tài năng mà có lẽ trong vòng 100 năm sắp tới, không thể tìm ra một người thứ hai”.

Về phần Beethoven, chính thiên tài âm nhạc này đã nhìn nhận những sáng tác của mình trong thời gian đầu là ” viết dưới cái bóng của Mozart!”.

* * *

Nói về Beethoven, một số tác giả đã xưng tụng: trong nền nhạc cổ điển tây phương có ba chữ “B” lớn: BACH của thời kỳ phát triển, BEETHOVEN của thời kỳ vàng son; và BRAHMS của thời kỳ lãng mạn.

Thực ra, nếu chỉ xét tính cách đa dạng, phong phú của các sáng tác, Beethoven không thể sánh với Mozart. Nhưng với không ít người yêu nhạc, các sáng tác của Beethoven lại độc đáo hơn. Bên cạnh đó, ông còn được xem là người đã khởi xướng một sự chuyển đổi từ khuynh hướng cổ điển sang khuynh hướng lãng mạn, và đã để lại ảnh hưởng sâu đậm nơi các tài danh của thời kỳ lãng mạn như Schubert, Mendelssohn, Liszt, Wagner…

Ludwig van Beethoven ra chào đời ngày 16 tháng 12 năm 1770, tại thành phố Bonn, vương quốc Cologne, ngày nay thuộc Tây Đức.

Beethoven là một dòng họ của âm nhạc. Ông nội của Ludwig van Beethoven từng giữ chức Giám đốc âm nhạc trong triều đình Cologne, cha của ông là ca sĩ tenor trong ban nhạc nói trên, ngoài ra cha ông còn dạy dương cầm và vĩ cầm để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Năm lên 5 tuổi, Beethoven bắt đầu được cha dạy nhạc, và qua năm sau, cùng một lúc đã được 3 nhạc sĩ khác – đồng nghiệp của cha hoặc họ hàng, kèm dạy 4 loại nhạc cụ: đại phong cầm, dương cầm, vĩ cầm và trung vĩ cầm (viola).

Năm 7 tuổi, Beethoven bắt đầu trình diễn trước công chúng. Năm 13 tuổi, Beethoven sáng tác những bản nhạc đầu tiên, gồm 1 bản cho đại phong cầm, và 3 bản cho dương cầm.

Năm 17 tuổi, nghe danh Mozart, Beethoven rời Bonn tới thành Vienne để xin bái sư. Nghe Beethoven đàn thử, Mozart hết lời khen ngợi. Nhưng chỉ 3 tuần lễ sau đó, được tin mẹ đau nặng, Beethoven phải bỏ Vienne trở về Bonn. Ít lâu sau, mẹ ông qua đời; cha ông trước đó vốn đã có tật nghiện rượu, nay càng nghiện nặng hơn, và Beethoven đã phải trở thành người kiếm tiền về để nuôi hai em trai.

Trong thời gian 5 năm sau khi mẹ chết, công việc chính của Beethoven là qua sự giới thiệu của bạn bè, làm người dạy nhạc cho con cái các nhà quý tộc.

Năm 1792, Beethoven lại bỏ Bonn để tới Vienne tìm đường tiến thân. Khi ấy, Mozart đã qua đời, nên Beethoven vừa thọ giáo danh sư Joseph Haydn về nhạc lý, vừa trình diễn dương cầm tại phòng khách của các nhà quý tộc, và trở nên nổi tiếng. Không còn phải bận tâm về sinh kế, tài năng thiên phú nơi Beethoven bắt đầu phát triển.

(Phụ lục: Audio (3)

(Phụ lục: Audio (3)

* * *

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, xét về tính cách đa dạng, phong phú của các sáng tác, Beethoven không thể sánh với Mozart. Thế nhưng những người ái mộ Beethoven cũng có quyền đặt một câu hỏi ngược lại: nếu Mozart cũng bị điếc vào tuổi 26, 27 như Beethoven, liệu sau đó Mozart có còn khả năng sáng tác như Beethoven hay không? Không ai có thể trả lời!

Nguyên từ năm 1796, hai tai của Beethoven bắt đầu mất dần khả năng nghe, gây nhiều khó khăn trong việc trình diễn và giao tiếp hàng ngày. Nhưng khả năng sáng tác thì không hề bị suy giảm. Cũng nên biết tất cả mọi bản giao hưởng, và hầu hết các “piano concerto” của Beethoven đều được ông sáng tác từ năm 1801 trở về sau. Có nghĩa khi sáng tác, Beethoven đã sử dụng trí tưởng tượng nhiều hơn là thính giác.

Người ta kể lại rằng, trong buổi trình diễn bản giao hưởng số 9 của ông – bản giao hưởng được xưng tụng là hay nhất của nền nhạc cổ điển – khi bản nhạc chấm dứt, không nghe thấy tiếng vỗ tay, ông vô cùng thất vọng. Tới khi quay xuống phía cử tọa, nhìn thấy mọi người đang vỗ tay nhiệt liệt, ông đã khóc. Vừa khóc vì thành công của bản giao hưởng sau cùng của mình, vừa khóc vì sực nhớ lại mình đã bị điếc hoàn toàn.

* * *

Trong tổng số 9 bản giao hưởng của Beethoven, các bản số 3, số 5, và số 9 nổi tiếng nhất.

Bản số 3 nổi tiếng vì được Beethoven đề tặng Napoléon Bonaparte nhưng sau đó lại đổi ý. Nguyên vào thời kỳ hỗn loạn sau cuộc Cách mạng Pháp 1789, tướng Bonaparte từ Ai-cập trở về ổn định tình hình và lên làm Đệ nhất Tổng tài (First Consul) của nền Cộng hòa Pháp.

Với Beethoven và những người có tư tưởng cấp tiến, chống chế độ quân chủ chuyên chế, thì Bonaparte là một người hùng. Vì thế, mặc dù được ông Hoàng Franz Joseph Maximillian Lobkowitz đề nghị trả một số tiền khá lớn để đề tặng bản giao hưởng số 3 cho ông ta, Beethoven vẫn quyết định đề tặng “free” cho Tướng Bonaparte.

Nghe kể lại, sau khi được tin Bonaparte dẹp bỏ chế độ cộng hòa và tự xưng hoàng đế – tức Nã-phá-luân đệ Nhất, Beethoven đã đùng đùng nổi giận, tiến tới bàn làm việc và xét nát trang đầu của bản giao hưởng trên có ghi lời đề tặng vị tướng anh hùng!

Còn bản giao hưởng số 9 thì được xưng tụng là bản giao hưởng hay nhất của nền nhạc cổ điển. Tuy nhiên, bản này khá “cao”, muốn thưởng thức hay trình diễn cũng đều phải có trình độ tương đối cao.

Còn nhớ vào cuối thập niên 1980, khi chế độ cộng sản Trung Hoa “trình làng” dàn nhạc giao hưởng thành phố Bắc Kinh, để chứng tỏ mình đã đủ trình độ quốc tế, dàn nhạc này đã trình diễn bản giao hưởng số 9 của Beethoven.

Tuy nhiên, với người yêu nhạc cổ điển nói chung – tức là thuộc đủ mọi trình độ, thì bản giao hưởng số 5 của ông mới chính là bản phổ biến nhất, được ưa chuộng nhất, được nhiều dàn nhạc trình diễn nhất. Điểm độc đáo của bản giao hưởng số 5 là chỉ cần qua 4 nốt nhạc đầu tiên, Beethoven đã cho thấy ông là một thiên tài, và các nhà phê bình đã xưng tụng đó là bốn nốt nhạc tuyệt vời nhất trong cả nền nhạc cổ điển.

(Phụ lục: Audio (4)

(Phụ lục: Audio (4)

* * *

Sự nghiệp âm nhạc của Beethoven lạ thường như thế nào, thì cuộc sống tình cảm của ông cũng lạ lùng như thế. Khác với đa số nghệ sĩ cùng thời, thường biết yêu rất sớm, hoặc ít ra cũng có một nàng thơ (muse) để tìm nguồn cảm hứng, chẳng hạn Chopin vào năm mới 16 tuổi, riêng Beethoven mãi tới năm 30 tuổi, mới rung động lần đầu tiên trước một người con gái, dẫn đưa tới một chuyện tình éo le, sẽ theo ông suốt một đời.

Nguyên vào giữa năm 1799, Beethoven được mời dạy dương cầm cho hai cô con gái của Nữ bá tước Anna Brunsvik. Mặc dù thời gian dạy đàn cho các cô chưa đầy một tháng, giữa Beethoven và cô chị Joséphine đã nảy sinh một tình cảm đặc biệt. Nhưng lúc đó, Joséphine đã được hứa gả cho ông Bá tước già Josef Deym, và mấy tháng sau về làm vợ ông. Từ đó, Beethoven thường lui tới nhà vị bá tước, khi thì dạy đàn cho Joséphine, khi thì trình diễn trong các dịp tiệc tùng do hai vợ chồng Bá tước tổ chức.

Mặc dù sau này người ta được biết Joséphine không tìm được hạnh phúc trong cuộc hôn nhân sắp đặt và quá chênh lệch tuổi tác ấy, nàng cũng sinh năm một, lần lượt cho ra chào đời bốn người con. Chỉ tới khi Bá tước Josef Deym qua đời sau 5 năm chung sống, chuyện tình giữa Joséphine và Beethoven mới trở nên thắm thiết.

Điều oái ăm là 4 năm trước đó, tức năm 1800, chính chị em Joséphine lại đã giới thiệu Beethoven với tiểu thư Giulietta Guicciardi. Chuyện tình của Beethoven với Giulietta đã được chính ông kể lại trong lá thư viết cho một người bạn thân vào năm 1801.

Tuy nhiên, cuộc nhân duyên giữa Beethoven và Giulietta Guicciardi đã không thành vì bị ông bố của nàng kịch liệt phản đối, bởi ông cho rằng một người xuất thân từ hàng thứ dân như Beethoven không xứng với cô con gái cành vàng lá ngọc của ông.

Hai năm sau, Giulietta lấy Bá tước Wenzel Robert von Gallenberg. Mười chín năm sau, cuộc hôn nhân tan vỡ, Giulietta đề nghị Beethoven nối lại tình xưa nhưng ông đã lạnh lùng từ chối.

Nhưng dù không thành, chuyện tình của Beethoven với Giulietta Guicciardi cũng đã để lại cho đời một nhạc khúc bất hủ, mà ông đã đề tặng nàng khi tình còn đẹp. Đó là bản sonata số 14, soạn cho dương cầm, có tựa đề là “Ánh trăng” – tức “Clair de Lune” trong tiếng Pháp, “Moonlight” trong tiếng Anh.

Bản này, cùng với bản “Fantaisie Impromtu” của Chopin mà chúng tôi sẽ giới thiệu trong nay mai – một bản êm đềm chậm rãi, một bản réo rắt dồn dập, là hai bản cổ điển được những người đàn dương cầm ưa chuộng nhất.

(Phụ lục: Audio (5)

Phụ lục: Audio (5)

* * *

Trở lại với mối tình đầu của Beethoven, năm 1804, Bá tước Josef Deym qua đời, Joséphine trở thành góa phụ. Thế là 5 năm tình cũ, giờ đây mới được thỏa nguyện. Nhưng Joséphine chỉ muốn làm người tình của Beethoven chứ không muốn chung sống chính thức như vợ chồng. Theo lời kể lại của những người biết rõ câu chuyện, ngày ấy Beethoven đã tha thiết ngỏ lời cầu hôn, nhưng bị Joséphine khước từ.

Để rồi 3 năm sau, 1807, Joséphine đã phải nuốt lệ chấm dứt hẳn với Beethoven. Nàng đem bổn phận của một người mẹ với bốn con thơ dại làm lý do để viện dẫn, nhưng người ngoài thì hiểu nguyên nhân chính là vì Joséphine thuộc dòng dõi quý tộc, còn Beethoven xuất thân chốn dân dã, nàng cần giữ thanh danh vì tương lai của các con.

Ngoài Joséphine Deym và Giulietta Guicciardi, còn có thêm một bóng hồng đặc biệt khác trong đời Beethoven – mà hậu thế tin rằng đã được ông đề tặng nhạc khúc bất hủ “Fur Elise”.

clip_image005

Thérèse Malfatti

 

Bóng hồng ấy là Thérèse Malfatti, một nữ nhạc sĩ dương cầm ở thành Vienne, vừa là bạn vừa là học trò của Beethoven, kém ông 22 tuổi.

Thérèse là con gái của một thương gia giàu có, sau này được triều đình Áo phong tước. Nàng và cô em gái Anna rất yêu nhạc; năm 1811, Anna kết hôn với Ignaz von Gleichenstein, một người bạn trẻ của Beethoven.

Về phần Thérèse, trước đó 1 năm, tức 1810, đã được Beethoven ngỏ lời nhưng nàng khước từ. Có điều lạ là tuy từ chối lời cầu hôn của Beethoven, Thérèse vẫn duy trì một “mối tình văn nghệ” với nhà nhạc sĩ mãi cho tới năm 1816, khi nàng trở thành vợ của một nhà quý tộc kiêm chính khách người Áo.

Gần một nửa thế kỷ sau, vào năm 1865, tức là 38 năm sau ngày Beethoven qua đời, và Thérèse cũng đã yên giấc nghìn thu được 14 năm, nhạc sĩ Ludwig Nohl mới khám phá ra trong số di sản về âm nhạc mà bà để lại cho người thừa kế, có bản thảo viết tay tựa đề “Fur Elise” của Beethoven, đề tặng Thérèse ngày 27 tháng Tư năm 1810 – tức là thời gian Beethoven ngỏ lời với Thérèse. Ludwig Nohl liền xin sao chép bản thảo này và 2 năm sau (1867) cho xuất bản.

Có điều đáng nói là từ đó cho tới nay, không một ai được nhìn thấy bản thảo nguyên thủy của Beethoven đề tặng Thérèse. Nghĩa là nếu bản thảo ấy có thực, nó đã bị thất lạc vĩnh viễn.

Tạm thời tin vào tất cả những gì nhạc sĩ Ludwig Nohl kể lại, một câu hỏi cũng phải được đặt ra: tại sao tựa đề nhạc khúc ấy lại là “Fur Elise” – có nghĩa là “cho nàng Elise”.

Elise là ai?

Vì “Elise” là một cách gọi thân mật của “Elisabeth”, cho nên có giả thuyết cho rằng Beethoven viết nhạc khúc này để tặng Elisabeth Rockel, một nữ ca sĩ giọng soprano nổi tiếng của Đức đương thời, và cũng là một người bạn trẻ của Beethoven; nếu thế, tại sao bản này lại được ông đề tặng cho Thérèse Malfatti?!

Không ai có câu trả lời, để rồi lâu lâu lại có thêm một giả thuyết, một huyền thoại mới. Giả thuyết ra vẻ ly kỳ nhất cho rằng chính người thừa kế của Thérèse Malfatti đã giả chữ viết và chữ ký của Beethoven để ghi lời đề tặng “tưởng tượng” ấy (cho Thérèse) lên bản thảo.

Gần đây nhất, trong luận án tiến sĩ âm nhạc của mình, nhà nhạc học người Ý Luca Chiantore còn đi xa hơn khi cho rằng, bản thảo “Fur Elise” mà Thérèse Malfatti để lại cho người thừa kế, không phải là bản thảo nguyên thủy của Beethoven, mà là do người khác sao chép lại.

Nhưng nói cho cùng, dù Beethoven sáng tác bản “Fur Elise” để tặng nàng ca sĩ trẻ Elisabeth Rockel hay tặng người tình Thérèse Malfatti, hoặc chẳng tặng ai cả, giá trị để đời của nhạc khúc ấy cũng như sự yêu thích của người thường ngoạn, cũng không thay đổi.

Cũng xin viết thêm, “Fur Elise” thuộc thể loại “bagatelle”, có nguồn gốc từ Pháp, là những nhạc khúc ngắn, đơn giản, vui tươi, thường được viết cho dương cầm.

(Phụ lục: Audio (6)

Phụ lục: Audio (6)

* * *

Ludwig van Beethoven qua đời ngày 26 tháng 3 năm 1827, hưởng dương 56 tuổi. Đúng vào lúc ông tắt thở, một cơn giông tố sấm sét chưa từng thấy đã ập xuống thành Vienne. Kết quả giảo nghiệm cho thấy Beethoven chết vì xơ gan, có lẽ do hậu quả của việc uống rượu quá độ trong những năm cuối đời.

Hơn 20.000 người dân thành Vienne đã tiễn đưa Beethoven tới nơi an nghỉ sau cùng. Trong số những người khiêng quan tài của ông có Franz Schubert, tác giả hai bản Ave Maria và Dạ Khúc bất hủ. Để rồi một năm sau, chính Schubert cũng qua đời, và yên nghỉ bên cạnh Beethoven trong nghĩa trang Wahring ở ngoại ô thành Vienne.

* * *

Trở lại với bản “Fur Elise”. Bản này được Beethoven soạn cho dương cầm, nhưng vì được quá nhiều người yêu chuộng, sau này đã được soạn hợp âm cho cả tây-ban-cầm, mà hầu như những ai chơi đàn ghi-ta classic cũng đều nhuần nhuyễn!

Tới năm 1959, “Fur Elise” được đặt lời bằng tiếng Pháp với tựa đề “Tout l’amour” – Trọn tình em trao anh – và được nữ danh ca Dalida trình bày theo thể điệu Mambo, đã trở thành ca khúc ngoại quốc được ưa chuộng bậc nhất trong suốt mấy năm liền tại Hòn ngọc viễn đông.

(Phụ lục: Audio (7)

Phụ lục: Audio (7)

Về sau, ca khúc này đã được đặt lời Việt với tựa đề “Khi tình yêu tới”, và được Kiều Nga trình bày thể điệu New Wave.

Sinh thời, Beethoven được mô tả là người rất khó tính. Tuy nhiên có lẽ giờ này dưới suối vàng, ông cũng mỉm cười bao dung, thậm chí mãn nguyện, trước việc một tác phẩm cổ điển của mình lại được cả thế hệ trẻ ngày nay yêu chuộng.

(Phụ lục: Audio (8)

Phụ lục: Audio (8)

Nhưng vinh dự lớn nhất trong những vinh sự dành cho Ludwig van Beethoven phải là việc một đoạn trong bản giao hưởng số 9 của ông đã được sử dụng làm nhạc thiều chung cho cả Âu Châu (European anthem).

Đó là đoạn thứ tư và cũng là phần kết của bản giao hưởng này, có tựa đề là “Ode to Joy” (Bài hoan ca).

Vào năm 1985, các vị nguyên thủ quốc gia thuộc Cộng Đồng Âu Châu (European Community – tới năm 1993 trở thành Liên Hiệp Âu Châu, European Union) đã quyết định chọn bản “Ode to Joy”, với ý nghĩa: Tự do, Hòa bình và Đoàn kết.

(Phụ lục: Audio (9)

Phụ lục: Audio (9)

PHỤ LỤC:

(1) “Elvira Madigan” – Piano Concerto No. 21, MOZART

(1) “Elvira Madigan” – Piano Concerto No. 21, MOZART

2) “Eine kleine Nachtmusik”, MOZAR

(2) “Eine kleine Nachtmusik”, MOZART

(3) “The Tempest” – Piano Sonata No. 17, BEETHOVEN

03- Beethoven

(4) Symphony No. 5, part I, BEETHOVEN

04- Beethoven Symp 5

(5) “Moonlight” – Piano Sonata No. 14, BEETHOVEN )

05- Beethoven Moonlight

(6) “Fur Elise”- Bagatelle, BEETHOVEN

06- Beethoven Fur Elise

(7) “Tout l’amour”, DALIDA

07- Dalida tout lamour

(8) “Khi tình yêu tới”, KIỀU NGA

08- kieu Nga Khi tinh yeu toi

(9) “Ode to Joy”, Symphony No.9, BEETHOVEN

09- Beethoven Symp 9

Hoài Nam

 

© T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search