T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (68)- NHẠC PHÁP – Notre Tango d’Amour (Tango Tình), Leo Leandros & Klaus Munro – Il pleut sur Bruxelles (Tình Đến Rồi Đi), Jeff Barnell & Michel Jouveaux

clip_image001

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc Pháp điển hình của thời kỳ “hậu 1975” được đặt lời Việt, bài này chúng tôi viết về hai bản Notre tango d’amour (Tango Tình) và Il pleut sur Bruxelles (Tình đến rồi đi).

Nhắc tới Notre tango d’amour là nhắc tới nhạc trưởng Leo Leandros, đồng tác giả, và cô con gái Vicky Leandros, ca sĩ thu đĩa ca khúc này.

Tiểu sử và sự nghiệp của Leo & Vicky Leandros trước đây chúng tôi đã viết khá chi tiết khi giới thiệu ca khúc Après toi (Vắng bóng người yêu), trong bài này chỉ xin ngắn gọn:

Leandros Papathanasiou, sinh năm 1926 tại Hy-lạp, được biết tới dưới nghệ danh Leo Leandros và đôi khi Mario Panas, là một ca nhạc sĩ, nhà soạn nhạc kiêm nhà sản xuất đĩa nhạc hành nghề tại Đức từ đầu thập niên 1950.

Trong lĩnh vực soạn nhạc, ông nổi tiếng qua việc phối hợp giai điệu truyền thống Hy-lạp với âm hưởng Tây Âu mà kết quả là những khúc nhạc độc đáo, đầy nghệ thuật. Tới đầu thập niên 1960, ông đã bỏ hẳn nghề ca hát để chỉ còn sáng tác ca khúc và dành trọn thì giờ còn lại để dìu dắt cô con gái 13 tuổi mà ông tin rồi đây sẽ thành công rực rỡ.

Cô con gái ấy chính là Vicky Leandros, sinh năm 1949, sau này sẽ trở thành một nữ danh ca quốc tế, bán được trên 150 triệu đĩa hát bằng 8 ngôn ngữ khác nhau.

Năm 18 tuổi, Vicky được đại diện Đại công quốc Lục-xâm-bảo tham dự cuộc thi Ca khúc Âu châu (Eurovision) 1967 với ca khúc L’amour est bleu của André Popp và Pierre Cour, được đứng hạng tư.

Tới năm 1972, Vicky được mời đại diện cho Lục-xâm-bảo lần thứ hai để tham dự cuộc thi Ca khúc Âu châu, và lần này đã đoạt giải nhất với ca khúc Après toi, một sáng tác do Leo Leandros soạn nhạc, Klaus Munro viết lời hát tiếng Đức, Yves Dessca soạn lời hát tiếng Pháp (lời Việt của Phạm Duy: Vắng bóng người yêu).

Giữa thập niên 1970, trào lưu “disco” bắt đầu làm mưa gió tại Âu Châu, vì thế hai album của Vicky Leandros phát hành trong năm 1975, một hát bằng tiếng Đức, một gồm các ca khúc Giáng Sinh truyền thống, đã chỉ đạt thành công khiêm nhượng.

Trước tình thế ấy, các nhà sản xuất đĩa hát đã khuyên Vicky Leandros nếu không chuyển hướng thì cũng nên “hòa mình” vào trào lưu disco, nhưng cô dứt khoát từ chối, bởi cô tin rằng những ca khúc phổ thông vẫn còn chỗ đứng.

Thật vậy, tháng 1 năm 1976, đĩa 45 vòng với ca khúc chủ đề Notre tango d’amour (Bản tango tình của đôi ta) được tung ra đã làm mưa gió trên các bảng xếp hạng ở Pháp, Hy-lạp, Nhật Bản, và sau khi Vicky Leandros thu đĩa phiên bản tiếng Đức, đã lên Top tại Đức, Hòa-lan…

Xét về giai điệu và nét nhạc, đây là một bản “tango Á-căn-đình” dồn dập, vũ bão mà chỉ có La Cumparsita do dàn nhạc James Last hòa tấu mới có thể so sánh.

Cũng như đa số đĩa hát của Vicky Leandros, đĩa Notre tango d’amour cũng do ông bố Leo Leandros đứng ra sản xuất. Về tác giả của ca khúc này, có khi được ghi là Leo Leandros và Klaus Munro (cũng là đồng tác giả của bản Après toi  do Vicky Leandros trình bày, đoạt giải Ca khúc Âu châu 1972), có khi lại ghi là Leo Leandros và Nick Munro, hoặc N. Munro. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu tới nơi tới chốn, chúng ta sẽ biết “Nick Munro” và “N. Munro” chỉ là hai trong nhiều bút hiệu khác Klaus Munro.

Một cách chi tiết, Notre tango d’amour được gọi là một bản “tango Á-căn-đình lục địa” (continental argentine tango: do người Âu châu sáng tác); trong loạt bài này, trước đây chúng tôi đã từng giới thiệu một bản “tango Á-căn-đình lục địa” nổi tiếng khác là Ole Guapa  (Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Mộng vàng) của Antonio Malando – nghệ danh của công dân Hòa-lan Arie Massland.

Chính nhờ thành công của đĩa Notre tango d’amour mà sau đó Vicky Leandros đã chinh phục được người yêu nhạc ở châu Mỹ la-tinh với những ca khúc hát bằng tiếng Tây-ban-nha.

Về sau, Notre tango d’amour (nhiều ấn bản ngoại quốc ghi ngắn gọn là Tango d’Amour) đã được xếp hạng tư trong số 5 đĩa 45 vòng có số bán cao nhất trong sự nghiệp của Vicky Leandros, gồm:

1- Après toi

2- L’amour est bleu (lời Pháp)

3- Love is blue (lời Anh)

4- Notre tango d’amour

5- L’amore è blu (lời Ý)

Notre tango d’amour

C’est notre danse, c’est la dernière danse

Qui met fin à notre romance

Regarde sur mon visage

Coulent des larmes remplies de souvenirs

Ce soir sur mon corsage, la vague à l’âme vient de m’envahir

 

Rapelle-toi notre tango d’amour

Trois musiciens, nous avaient fait danser

Tu m’avais dit je t’aimerai toujours

Et tu m’avais embrassée

Le temps efface, même les plus belles traces

Comme la buée sur une glace

 

Ce soir, il y a un voile qui nous sépare

Et qu’on ne peut franchir

Ce soir ma main est froide

Il est trop tard pour changer l’avenir

 

Rapelle-toi notre tango d’amour

Trois musiciens, nous avaient fait danser

Tu m’avais dit je t’aimerai toujours

Et tu m’avais embrassée

C’est sur ce tango que j’ai mes souvenirs

Et sur ce tango, notre histoire va finir La,la,la…..

 

Danse avec moi notre tango d’amour

Dans ce café, où l’on s’est rencontrés

Enlace-moi jusqu’au lever du jour

Et fais moi encore tourner

Sur notre tango d’amour

Phụ lục 1: Notre tango d’amour, Vicky Leandros

 

VIDEO (tiếng Đức)

Vicky Leandros – Tango d’amour – YouTube

Notre tango d’amour được nhạc sĩ Anh Bằng đặt lời Việt vào khoảng đầu thập niên 1990 với tựa Tango Tình.

Trong số những nhạc sĩ thuộc thế hệ thứ nhất của nền tân nhạc Việt Nam, Anh Bằng (1926 – 2015) phải được xem là một trong những tác giả tình ca có nhiều tác phẩm nhất (khoảng 650 bản). Không chỉ nhiều mà còn đa dạng, từ những ca khúc thời trang đại chúng trước năm 1975 cho tới những ca khúc phổ từ thơ, những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt sau năm 1975 tại hải ngoại, như Roule s’enroule (Tình nồng cháy), El Choclo (Tình yêu như mũi tên), Notre tango d’amour (Tango Tình)…

Riêng giai đoạn sau năm 1975 tại hải ngoại, có thể viết Anh Bằng là một trong những nhạc sĩ “già” thành công nhất, ăn khách nhất. Hình như tài hoa của ông không mai một theo thời gian.

Riêng với bản Tango Tình, Anh Bằng đã dịch rất sát lời hát trong nguyên tác Notre tango d’amour: một người con gái hồi tưởng lại mối tình xưa, nhớ tới bản Tango Tình mà lúc ôm nàng trong vòng tay, chàng đã thì thầm – Je t’aimerai toujours – Anh sẽ yêu em suốt đời.

Nào ngờ bản Tango Tình ấy không chỉ là bản nhạc cuối cùng của đêm khiêu vũ mà còn là bản cuối cùng của hai người trong vòng tay nhau.

Tango Tình

1.Quên sao đêm đó anh
đêm khiêu vũ bên anh

Đêm tango kết se duyên đôi mình
Anh yêu! Mắt em lệ rơi đầy
Nỗi vui nào hơn kỷ niệm
bên nhau biến thành hạnh phúc
Anh yêu! Nhớ chăng tình đêm đầu
Đó đây ngủ yên suối lệ hồn em rớt bên đời nhau


ĐK:
Kỷ niệm còn đây anh có nhớ tango tình?
Bước chân mơ mộng như đưa lối cho duyên lành
Quyện tròn bên nhau cho tới nắng lên bình minh
Trắng đêm vũ trường em có anh


2. Quên sao đêm đó anh !
Em trong cánh tay anh
Yêu thương ân ái đêm tango tình
Anh yêu, bóng anh rồi xa dần
Nỗi vui ngày nao,
kỷ niệm bên nhau biến thành mây khói
Anh yêu, mắt em lệ tuôn trào
Đó đây hồn ai ngậm ngùi
chờ anh khóc cho niềm đau


Bóng anh dấu yêu dần khuất
trong bóng đêm cuộc đời
Tiếng em nhớ anh hờn dỗi
trong bóng đêm lẻ loi

Khúc tango tình em với anh.

Tango Tình (Notre tango d’amour) đã được nhiều nữ ca sĩ tại hải ngoại thu đĩa, trong số này có Loan Châu, Kiều Nga, Thanh Lan.

CD của Loan Châu và Kiều Nga có phần hòa âm giống nguyên bản Notre tango d’amour, và cách hát cũng giống Vicky Leandros. Có khác chăng là Loan Châu chỉ hát lời Việt còn Kiều Nga hát cả lời Pháp lẫn lời Việt.

Thanh Lan cũng hát lời Pháp và Việt, nhưng với phần hòa âm khác hoàn toàn, không còn những nét đặc thù của tango Á-căn-đình, mà là tango quốc tế.

Tùy sở thích, cảm quan cá nhân, mỗi người có thể yêu thích nhất một trong ba CD nói trên; riêng cá nhân chúng tôi chọn nghe Loan Châu hát lời Việt, và Thanh Lan hát lời Pháp.

Phụ lục 2: Tango Tình, Loan Châu

 

VIDEO:

tango tinh loan chau – YouTube

Phụ lục 3: Notre tango d’amour / Tango Tình, Thanh Lan

VIDEO:

Notre Tango D’amour (Thanh Lan)

clip_image002

Tiếp theo, chúng tôi viết về bản Il pleut sur Bruxelles của hai tác giả Jeff Barnell & Michel Jouveaux, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Tình đến rồi đi.

Jeff Barnell, tên thật là Joseph Barnoti, là một nhà soạn nhạc & đặt lời hát người Pháp gốc Ý; khi sáng tác ca khúc tiếng Ý, ông sử dụng bút hiệu Georges Barnoti.

Tiểu sử Jeff Barnell không cho biết ông sinh năm nào, tuy nhiên căn cứ vào thời điểm tung ra album đầu tay (năm 1971), người ta có thể đoán ông thuộc thế hệ “baby boomers” thứ nhì.

Xuất thân là một ca sĩ, nhưng về sau nói tới Jeff Barnell, người ta thường chỉ chú trọng tới sự nghiệp đặt lời hát & soạn nhạc (auteur & compositeur) của ông.

Sáng tác nổi tiếng đầu tiên của Jeff Barnell là ca khúc Et bonjour à toi l’artiste, do Pierre Delanoé đặt lời hát, cho nữ ca sĩ Nicole Rieu đại diện Pháp trình bày trong cuộc thi Ca khúc Âu châu năm 1975. Mặc dù chỉ đứng hạng tư trong tổng số 19 ca khúc dự thi, Et bonjour à toi l’artiste sau khi được Nicole Rieu thu đĩa bằng tiếng Ý, Anh, Đức, Tây-ban-nha, Nhật, đã đạt thành công quốc tế.

Tiếp theo, Jeff Barnell đã soạn nhiều ca khúc (thường do Pierre Delanoé đặt lời hát) cho các ca sĩ nổi tiếng của Pháp, như Marie Laforêt, Claude François, Jean-Jacques Lafon…, hoặc ca sĩ ngoại quốc hát tiếng Pháp, tiếng Ý, như Demis Roussos của Hy-lạp. Ngoài ra, Jeff Barnell còn soạn các vở ca nhạc kịch…

Tuy nhiên thành công lớn nhất trong sự nghiệp sáng tác của Jeff Barnell phải là những ca khúc viết cho Dalida – người mà Jeff Barnell trở thành bạn thân trong suốt hơn 10 năm cuối đời của người nữ danh ca huyền thoại (Dalida tự tử vào năm 1987).

Những ca khúc này được tác giả Michel Jouveaux đặt lời.

Michel Jouveaux là một tác giả đặt lời hát rất nổi tiếng của Pháp trong hai thập niên 1980, 1990, tuy nhiên tiểu sử của ông trên Internet chỉ cho biết một chi tiết duy nhất: ông có tên đầy đủ là Michel Jean Marie Jouveaux.

clip_image004

Michel Jouveaux

Về sự nghiệp, tính tới nay Michel Jouveaux đã đặt lời cho trên 150 ca khúc Pháp, trong đó có những bản nổi tiếng như Cours après le temps, do nữ ca sĩ Svetlana đại diện Pháp quốc trình bày trong giải Ca khúc Âu châu 1982, Flash do (Công chúa Monaco) Stéphanie hát trong album đầu tay của cô, đứng No.1 tại Thụy-điển và lên Top ở nhiều quốc gia khác, Pour lui cho nữ danh ca Thổ-nhĩ-kỳ Ajda Pekkan…

Tới khi Michel Jouveaux hợp tác với Jeff Barnell, hai người đã được xưng tụng là một cặp bài trùng. Trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Michel Jouveaux & Jeff Barnell có tới hai ca khúc viết riêng cho Dalida: Il pleut sur Bruxelles (Mưa trên thành phố Bruxelles) và Mourir sur scène (đôi khi còn được viết là Je veux mourir sur scène: Tôi muốn được chết trên sân khấu, hoặc văn hoa hơn, Tôi muốn được chết dưới ánh đèn màu).

Trước khi viết về Il pleut sur Bruxelles, chúng tôi cũng xin có đôi hàng về Mourir sur scène. Đây không chỉ là một trong những ca khúc thành công nhất trong sự nghiệp ca hát của Dalida mà còn được xem là một sự tiên đoán, dẫu chỉ vô tình, về cái chết của Dalida – chết trên đỉnh cao danh vọng.

Từ khi được tung ra vào năm 1983, Mourir sur scène đã trở thành ca khúc đi liền với tên tuổi của Dalida, được người nữ danh ca huyền thoại trình diễn hàng nghìn lần, bằng 4 ngôn ngữ khác nhau (Pháp, Anh, Ý, Tây-ban-nha), mà lần thành công nhất, đáng ghi nhớ nhất, và cũng là lần cuối cùng, là tại thành phố du lịch Antalya của Thổ-nhĩ-kỳ vào cuối tháng 4/1987.

Mấy ngày sau, trở về Paris, vào đêm mồng 2 tháng 5, Dalida uống thuốc ngủ tự tử chết, để lại mấy dòng tuyệt mạng “La vie m’est insupportable… Pardonnez-moi.” (Những hệ lụy của cuộc đời đã quá sức chịu đựng… Xin hãy tha thứ cho tôi).

clip_image005

 Jeff Barnel và Dalida (1977)

 

Mourir sur scène

Viens, mais ne viens pas quand je serai seule
Quand le rideau un jour tombera
Je veux qu’il tombe derrière moi
Viens, mais ne viens pas quand je serai seul
Moi qui ai tout choisi dans ma vie
Je veux choisir ma mort aussi
Il y a ceux qui veulent mourir un jour de pluie
Et d’autres en plein soleil
Il y a ceux qui veulent mourir seuls dans leur lit
Tranquilles dans leur sommeil
Moi je veux mourir sur scène
Devant les projecteurs
Oui je veux mourir sur scène
Le coeur ouvert tout en couleurs
Mourir sans la moindre peine
Au dernier rendez-vous
Moi je veux mourir sur scène
En chantant jusqu’au bout
Viens, mais ne vient pas quand je serai seule
Tous les deux on se connaît déjà
On s’est vu de près souviens-toi
Viens, mais ne viens pas quand je serai seule
Choisis plutôt…

VIDEO:

Dalida – Mourir sur scène

Tới đây chúng tôi viết về Il pleut sur Bruxelles, ca khúc nổi tiếng nhất, thành công nhất trích từ album “Olympia 81” của Dalida.

Sở dĩ album này được đặt tên “Olympia 81” là vì gồm những ca khúc vừa được Dalida trình bày trong các buổi trình diễn tại đại hí viện Olympia Paris trong năm 1981, thời điểm đánh dấu 25 năm ca hát của người nữ danh ca huyền thoại.

Với album “Olympia 81”, Dalida đã đạt tới đỉnh cao của cả thành công lẫn danh vọng: album đoạt “Album Vàng” và người hát được kỹ nghệ ca nhạc Âu châu trao tặng giải “Đĩa Kim Cương” trong một buổi lễ trọng thể để vinh danh Dalida; tính cho tới lúc đó, Dalida là ca sĩ duy nhất được trao tặng vinh dự này.

Sau đó, 7 trong tổng số 12 ca khúc củ album “Olympia 81” được phát hành dưới dạng đĩa 45 vòng và đều lên bảng xếp hạng. Trong số này, Il pleut sur Bruxelles – ca khúc được Dalida hát để tưởng niệm Jacques Brel – là đĩa bán chạy nhất.

Bruxelles (tiếng Anh viết là Brussels) là thủ đô Vương quốc Bỉ, cũng là nơi xuất thân và khởi nghiệp của Jacques Brel (1929-1978), người nghệ sĩ tài hoa bậc nhất mà chúng tôi đã từng nhắc tới trong bài viết về các sáng tác bất hủ của ông, như Ne me quitte pas (If You Go Away), Le Moribond (Seasons In the Sun)…

Thời gian này (năm 1981) cái chết và cuộc tình cuối của Jacques Brel với nữ diễn viên Maddly Bamy vẫn còn là đề tài sôi nổi của truyền thông, vẫn gây xúc động mạnh trong lòng người ái mộ. Cho nên có thể viết một trong những yếu tố đưa tới thành công vượt bực của Il pleut sur Bruxelles chính là việc Dalida đã hát ca khúc này để tưởng niệm Jacques Brel.

Il pleut sur Bruxelles

Y’a Jeff qui fait la gueule
Assis sur le trottoir
Depuis qu’il est tout seul
Il est pas beau à voir
Y’a aussi la Mathilde
Qu’est jamais revenue
Y’a aussi la Mathilde
Qui ne reviendra plus
Et puis y’a la Frida qui n’a aimé que lui
Chez ces gens-là, on est jamais parti

Mais lui il s’en fout bien
Mais lui il dort tranquille
Il n’a besoin de rien
Il a trouvé son île
Une île de soleil et de vagues de ciel
Et il pleut sur Bruxelles

Les marins d’Amsterdam
S’mouchent plus dans les étoiles
La Marie qu’a des larmes
A noyé un canal
Et puis y’a les Flamandes
Qui n’oublient rien du tout
De Vesoul à Oostende
On s’habitue, c’est tout
Seules Titine et Madeleine
Croient qu’il est encore là
Elles vont souvent l’attendre au train 33

Mais lui il s’en fout bien
Mais lui il dort tranquille
Il n’a besoin de rien
Il a trouvé son île
Une île de soleil et de vagues de ciel
Et il pleut sur Bruxelles

A force de dire “j’arrive”
A force d’en parler
A force de dire “J’arrive”
Il y est quand même allé

Il a rejoint Jojo,
La Fanette et Fernand
Peut-être un peu trop tôt
Mais lui il est content

Il n’a pas entendu
Que des milliers de voix
Lui chantait
“Jacky ne nous quitte pas!”

Mais lui il s’en fout bien
Mais lui il dort tranquille
Il n’a besoin de rien
Il a trouvé son île
Une île de soleil et de vagues de ciel
Et il pleut sur Bruxelles

Mais lui il s’en fout bien
Mais lui il dort tranquille
Il n’a besoin de rien
Il a trouvé son île
Une île de soleil et de vagues de ciel
Et il pleut sur Bruxelles

Phụ lục 4: Il pleut sur Bruxelles, Dalida

VIDEO:

Dalida – Il Pleut Sur Bruxelles [Live Avril 1981]

 

Il pleut sur Bruxelles được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Tình đến rồi đi vào khoảng năm 1986-1987.

Giai điệu thu hút của ca khúc nguyên thủy cùng với ca từ phong phú của Phạm Duy đã khiến  Tình đến rồi đi trở thành một trong những bản nhạc ngoại quốc lời Việt được cả người hát lẫn người nghe, trong nước cũng như tại hải ngoại, ưa chuộng nhất sau năm 1975.

Có lẽ chỉ những tác giả đạt tới trình độ nhạc ngữ thượng thừa như Phạm Duy mới có thể biến một ca khúc dành cho đối tượng chính là người Bỉ, người Pháp và những người chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, thành một tình khúc lời Việt dành cho tất cả những ai đã từng trải nghiệm… tình đến rồi đi!

Tình Đến Rồi Đi

Tình đến như bão, như gió… thời tối tăm, lúc hoang dã
Xác xơ như kiếp hoa lá, tình yêu hồng hoang thuở xa.
Tình đến như những giông tố, ùa tới cho thác nghiêng lũ,
Cuốn đi muôn nỗi thương nhớ, tình thu lẻ loi ngẩn ngơ…
Tình cũ rưng rức thương tiếc, lắng nghe tình xa, rồi quên.
Tình mới thao thức khao khát, đắm say tìm đến.

ĐIỆP KHÚC:

Ta níu tay kéo mộng mơ, tình yêu đã đến với ta
Ta trói ta với tình xa, tình yêu đã đến với ta
Ta biết ta sẽ chua xót, tình vừa mới đến với ta,
Để ta đắm say… Rồi đi!
. . . .
Tình đến như sóng đêm tối, biển vắng le lói trăng mới
Ánh trăng như mắt ma quái, nhìn ta một đêm tả tơi.
Tình đến như nắng trên cát
Làm cháy thêm những cơn khát,
Khát yêu đương, khát môi mát
Làn môi ngổn ngang tình hoang.
Tình cũ rưng rức thương tiếc, lắng nghe tình xa, đời quên.
Tình mới thao thức khao khát, đắm say tìm đến.

(ĐIỆP KHÚC)

Tình đến như những con thú rừng rú, khi thú hung dữ
Cắn cho tan nát câu hứa, tình yêu dở dang nghìn thu.
Tình đến như tiếng giun dế, lả lướt ru tiếng dương thế,
Hãy yêu cho hết ơn nghĩa, tình đây còn qua tình kia.
Tình cũ rưng rức thương tiếc, lắng nghe tình xa, rồi quên.
Tình mới thao thức khao khát, đắm say tìm đến.

(ĐIỆP KHÚC)

Từ ngày ấy tới nay, đã có rất nhiều ca sĩ ở hải ngoại và trong nước thu đĩa Tình đến rồi đi, trong đó có một số giọng nam, tuy nhiên vì ca khúc nguyên thủy được viết riêng cho Dalida, chúng cho rằng phiên bản lời Việt cũng chỉ đạt khi được trình bày qua các giọng nữ, đặc biệt là tiếng hát Ngọc Lan.

Càng về sau, Tình đến rồi đi càng được ưa chuộng, phổ biến, và trong một số trường hợp đã được soạn lại hòa âm cho khác lạ, mất đi một phần không nhỏ sức thu hút so với hòa âm của nguyên tác.

Phụ lục 5: Tình Ðến Rồi Ði, Ngọc Lan

Phụ lục 6: Tình Ðến Rồi Ði, Khánh Hà

 

VIDEO:

Tình đến rồi đi – Ngọc Lan

 

Hoài Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search