T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: Ngày Xuân uống rượu với Nguyễn Văn Xưởng – Nhớ về Trường Trung Học Trần Lục Sài Gòn

clip_image002

(Tùy bút)

Trước Tết Kỷ Dậu, Ngô Văn Được từ Mỹ về nước để trốn lạnh. Hai vợ chồng anh chỉ mới sang Mỹ ở được 7 tháng, con gái đầu lòng bảo lãnh bố mẹ. Cô làm việc tại Valley Silicon trong vị trí một kỹ sư giỏi.

Sáng ngày Mồng 4 Tết (8-2-2019), Được từ nhà ở Thủ Đức lên nhà rủ tôi đi thăm ông Nguyễn Văn Xưởng, bên giáo xứ Nghĩa Hòa. Qua Được, tôi quen ông có cả chục năm nay rồi, nên chúng tôi gặp nhau, ăn phở, uống cà phê đã nhiều lần. Gặp ai thân, ông cũng tự hạ xem tôi học trên ông mấy lớp ở Trường Trung Học Trần Lục thời kỳ mới di cư. Xem chừng ông rất quý những người đã học với ông ở Trần Lục. Ông bảo, mỗi năm mấy bạn ông vẫn gặp nhau tại nhà vào một ngày nào đó trong năm, cùng nhau ôn lại chuyện cũ. Uống cà phê hay một ly rượu nhạt, nhưng có một cái rất quý. Đó là tình bạn sau cả gần thế kỷ, bây giờ vẫn rất gần nhau. Cái gì làm nên sự này. Tôi nói, đó là văn hóa, là cái tình con người với con người.Ông bảo sẽ tặng tôi một kỷ niệm ở Trần Lục. Nhưng bây giờ mình uống tý rượu xuân đã. Rồi ông mở tủ lạnh lấy chai rượu vang, rót ra ba cái ly thủy tinh cũng để trong tủ lạnh, mời chúng tôi. Món tinh túy của ông đãi chúng tôi hôm đó là bì heo, trộn thính. Ông nói, món bì này ông chỉ cho một người trong lối xóm làm để bán, nuôi gia đình từ mấy chục năm nay. Nó hoàn toàn khác với thứ bì người bán bê thui, dê thui ngoài chợ. Phải biết cách chọn bì và cách luộc bì, làm sao cho nó giòn mà không dai quá. Còn thính, ông cũng tự làm, rang gạo giữ độ vàng cho màu đẹp, rồi xay sao cho không nhuyễn quá, giống như người bán bê, hay dê thui, thì chán lắm. Đấy, anh thấy không, chất thính tôi làm nó không nhuyễn lắm. Phải rồi, tôi thấy nó để lại mùi thơm, không mất đi ngay khi sợi bì đã tan. Nó như một chất dính. Thính còn đó tạo chất thơm. Ba chúng tôi uống hết một chai rượu vang. Tôi hơi chuếnh choáng. Đây là lần thứ hai trong đời, tôi uống tý rượu tại nhà bạn và say. Lần trước và cũng là lần đầu, tôi cũng uống tý rượu và say tại nhà cô học trò nhỏ, trước ngày tôi lên Ban Mê Thuột, khoảng năm 1956, 1957 gì đó. Rồi sau đó mấy năm, tôi nhận được bài thơ Ân Nghĩa, nét chữ thì giống chữ của cô học trò, ký tên Cung-nam-Thương.

Ông Nguyễn Văn Xưởng, quê ở Kim Sơn, Phát Diệm. sinh năm 1940. Năm 1963, học tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn, trực thuộc Nha Kỹ thuật và Học vụ, trải qua các thời kỳ: Giám đốc Nguyễn Phương, Đỗ Thế Phiệt, Nghiêm Phú Phi; học ba năm ở Đại học Minh Đức, Khoa Nhân Văn Nghệ Thuật.

Tôi hỏi:

-Anh có thể tự nói về mình sau những chặng dài anh sống cho nghệ thuật âm nhạc?

Sau một lát ngẫm nghĩ, anh mỉm cười nói:

– Nói về mình thì kỳ lắm anh ạ. Nhưng anh em mình bây giờ già cả rồi.Lại nữa, chúng ta còn có cái gì để tặng nhau…? Sau một buổi điều khiển dàn nhạc thuộc Nha Tuyên Úy Công Giáo, một linh mục nói với tôi: “Anh còn trẻ quá mà đã điều khiển cả một dàn nhạc lớn như thế này”. Anh có thể hiểu tôi qua câu nói của một linh mục tuyên úy thời trước đây. Tôi không sáng tác nhạc, chỉ chuyên về hợp xướng.

Tôi lại hỏi:

-Quá trình hoạt động của anh trong lãnh vực này?

Anh nói:

-Ca đoàn Hồn Quê,

-Ca đoàn Tinh Thần thuộc Nha Tuyên Úy Công giáo

-Công tác (Ca đoàn Vô tuyến) của Vũ Văn Tuynh, do Ngô Mạnh Thu (+) điều khiển

-Hợp tác với Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng,

-Chương trình Đống Đa của Nha Quân cụ của Đại tá Trần Văn Trọng.

-Dạy nhạc tại Trung Học La San Đức Minh

Ngoài ra, ông là soạn giả Bộ Nhạc lý căn bản phổ thông, trước năm 1975.

Sau đó ông đứng dậy đi vào trong, mang ra cho tôi một kỷ niệm của Trường Trần Lục mà ông đã nói.

Đó là cuốn:

Kỷ Yếu 56-62

Trường Trung Học Trần Lục Sài Gòn

Cựu Học Sinh Niên Khóa 1956-1962.

Tân Định – xuất bản 2011

Tập Kỷ yếu dày 200 trang, kể cả 2 phụ lục. Bạn hữu dành cho anh nguyên một trang (trang 100) với mấy dòng tiểu sử và hình ảnh của anh với các bạn cùng khóa họp mặt tai Sài Gòn những năm 1998, 2007, 2009.

Tập Kỷ yếu rất “nặng tay” không chỉ nặng kỷ, với 200 trang giấy khổ A4, mà “nặng ký” ở nội dung. Phải thú thật rằng vừa nhận tập sách anh Nguyễn Văn Xưởng trao trong tay, tôi đã ngạc nhiên. Nhìn vào trang Mục lục ở sau sách, tôi mở rộng hai mắt già nua của tôi để nhìn vào con số 115 người có hình trong sách, nhiều người có cả hình gia đình, vợ, con và một số không có hình, chỉ có tên, hoặc đã là người thiên cổ, (tử trận, chết bệnh, chết già…). Ngoài ra còn một trang ghi tên 62 người “chưa liên lạc được”. Điều này cho thấy những người soạn tập Kỷ yếu rất nhiệt thành với bạn hữu một thời học chung một trường ở một giai đoạn nghiệt ngã của thân phận mình đã đành mà còn quá nỗi đau thương của đất nước, chẳng phải chỉ nghĩ đến biến cố chia hai đất nước 20-7-1954 mà còn nỗi đau xé tâm can của biến cố 30-4-1975. Có lẽ những người làm ra tập Kỷ Yếu 56-62 Trường Trung Học Trần Lục, đã nghĩ như thế. Và chỉ nghĩ như thế nên họ mới làm nên một tác phẩm hàm chứa tính văn hóa, nhân bản, đoàn kết và cũng tình nghĩa thủy chung như vậy.

Tôi đã liệt kê và ghi vào giấy là có 23 bài thơ, 26 bài văn, có thể gọi là tùy bút và một bài văn tế, tưởng niệm các thầy cô và các bạn, do Trần Huy Ánh viết. Những bài thơ và bài văn này đều hướng về thầy cô và bạn học. Người thì đi xa, người đã khuất khi còn ở trong nước hoặc sau khi đã ra nước ngoài sau ngày 30-4-1975.

Ban biên tập Kỷ Yếu đã dành một số lớn trang (từ trang 27 đến trang 110) cho những hình ảnh sinh hoạt như họp mặt, thăm hỏi nhau, có cả tiểu sử của từng người. Người bạn tôi, anh Nguyễn Văn Xưởng cũng có hẳn một trang (trang 100), kèm theo một bản tiểu sử ngắn.

Nhớ về bạn học, Kỷ yếu cũng nhớ về các giáo sư, nhớ về vị Linh mục Anthony Trần Văn Kiệm, sáng lập Trung học Trần Lục và là vị Hiệu Trưởng Trần Lục tiên khởikhi còn ở Phát Diệm, năm 1947; linh mục Trần Phúc Long Hiệu Trưởng sau ngày vào Sài Gòn.

Có một việc chúng tôi thấy rất cảm động là các cựu học sinh Trường Trần Lục, trong nước và ngoài nước, đã đồng ý tổ chức 3 lễ Tưởng Niệm Các Thầy Cô và Bạn Hữu, cùng vào ngày 13/9/2009.

– Ở Việt Nam, lớp 56 tổ chức Lễ Cầu Siêu lúc 9g30 ngày 13/9/2009 tại Chùa Pháp Hoa. Lớp 57 tổ chức Lễ Cầu Siêu lúc 10g30 ngày 13/9/2009 tại Chùa Quảng Hưng.

– Ở Mỹ, lớp 57 tổ chức Lễ Cầu Siêu lúc 10 giờ ngày 13/9/2009 tại Thích Ca Thiền Viện.

– Với các Thầy cô và các bạn Công giáo, chị Hồng Duy Toàn, anh Nguyễn Thanh Tùng và anh Trần Đức Thịnh ở Mỹ xin lễ cầu nguyện cho người đã mất tại các nhà thờ.

Tại Chùa Pháp Hoa:

“Dưới bóng Phật Tổ từ bi và trong làn khói hương thoang thoảng, các bạn hiện diện, mái tóc bạc phơ, đã ngồi trầm lặng, lắng nghe tiếng kinh kệ đều đều vang lên từ chính điện của chư vị sư tăng, tất cả cùng thành tâm cầu nguyện cho các hương linh được siêu thoát về cõi Vĩnh Hằng.

“Có 25 thầy cô gồm 3 vị Hiệu Trưởng, một Tổng Giám Thị và 21 Giáo sư và 32 học sinh ba lớp B1-B2 và B3 được thông tin đã qua đời ở nhiều nơi trong nước và trên Thế Giới từ năm 1956 cho đến nay. Lắng nghe những cái tên quen thuộc được xướng lên từ vị Đại Đức Phó Trụ Trì Chùa Pháp Hoa trong tiếng kinh cầu, ai cũng thấy bùi ngùi trong dạ. Đã nửa thế kỷ qua đi và kẻ còn người mất không bao giờ gặp lại.”…(Bài của Vũ Quốc Anh, trang 131)

Tại Chùa Quảng Hưng:

“Ni Cô chủ trì buổi lễ cầu nguyện cho hương linh từng người. Các Thầy Cô có: thầy Vũ Văn Khôi, Hoàng Khôi, Phạm Văn Trạch, Vũ Đình Ngọc, Bùi Xuân Trang, Nguyễn Chí Dũng,Vũ Văn Giáp, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Mốc Nguyễn Văn Tường, Bùi Văn Hiệp, Phạm Ngọc Long, Trần Quang Phụng (Thiên Phụng), Khiếu Hữu Kiều, Trần Đức Rật, Phạm Thị Côn, Phan Trọng Kiên, Lê Thành An, Nguyễn Viết An, Đinh Đình Hòe, Dương Lân, Trần Phúc Long, Nguyễn Thị Ngữ, Nguyễn Đình Thông. Cùng đầy đủ tên các bạn đã mất”.

“Hình ảnh cảm động nhất là nghi thức cúng cơm. Chị Toàn và 2 cháu là người theo đạo Công giáo, đã sốt sắng nhận dâng lễ cúng cơm, thành tâm và trang nghiêm, chị dâng cơm, nước mà tâm trí như hướng về người đã khuất…” (Bài của Nguyễn Văn Thủy, trang 130-131)

Tập Kỷ Yếu 56 – 62 Trường Trung Học Trần Lục, Sài Gòn còn là một Giai Phẩm về văn nghệ, gồm những bài thơ và văn, biểu hiện những tâm tư, những trăn trở, những hoài niệm về một quá khứ không thể quên với mái trường, những bộ óc của thầy, của bạn chở nặng một hoài bão, một mộng ước cho đất nước và cho chính mình. Và rồi chiến tranh tàn phá, thương đau quá đỗi đã như những con dã thú từ rừng sâu tràn về thành phố gây hận thù. Cuối cùng là một nền văn hóa nhân bản, tự do bị chìm xuống biển đông, cuốn theo biết bao người con ưu tú của đất nước, có người là bạn hữu của mình!

Cám ơn các bạn Trần Lục đã tạo nên một Kỷ Yếu chứa nhiều điều không thể quên. Tôi nhận thấy đây là một tác phẩm lịch sử của mỗi người trong chúng ta, những cựu học sinh Trường Trung Học Trần Lục Sài Gòn. Và đây cũng là một giai phẩm văn nghệ, được đóng góp bởi hơn 100 con người, cả nam cả nữ, cả những phu nhân của các thầy. Trên hết, như một điều hiển nhiên, là những người đã phối hợp với nhau để làm nên một Kỷ Yếu Trường Trung Học Trần Lục Sài Gòn, Niên khóa 56 – 62. Cho nên, tôi cũng xin được ghi lại đây một vài bài thơ tiểu biểu cho dòng tâm tư hướng về một thời của tuổi học trò, một thời của chiến tranh và những ngày lưu lạc trên đất người. Cuối cùng là hai bài văn, một là “Lật trang kỷ niệm” của Vũ Quốc Anh và bài “Nguyễn Công Hưng, con nuôi Ngô Tổng Thống” của Phạm Bá Hân. Một bài về chương trình giáo dục bậc Trung Học, một bài về tính nhân bản và nhân cách của một Tổng Thống thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

HỌP BẠN

“Biển dâu khôn dứt nối tình đồng môn”

Chia tay bốn sáu năm trời

Về đây gặp lại giữa đời tươi vui

Nhìn nhau tay bắt, miệng cười

Hỏi thăm tên họ, nhận người khi xưa

Thuở nào say chữ, say thơ

Vai mang ảo vọng, nắng mưa một thời

Bụi trần giăng mắc nơi nơi

Lòng còn vang bóng mãi đời thư sinh

Lưng đeo mơ ước chưa thành

Tuổi xuân đã vỡ tan tành khói hương

Giòng đời in vết tang thương

Đứa nào tóc cũng điểm sương bây giờ

Trùng phùng như một giấc mơ

Chia tay hẹn gặp…bao giờ gặp đây?

Nguyễn Gia Tản

(Trang 16)

TÔI ĐÃ NGHĨ

Xem ảnh cũ lòng buồn vời vợi

Những cánh buồm lạc lõng bến xa

Dạt muôn phương đâu cũng là nhà

Như cánh Vạc tấm thân hiu quạnh

Danh có đó và tiền có đó

Nhìn lại mình vẫn thấy bơ vơ

Buồn tìm về dĩ vãng tuổi thơ

Với bạn cũ chửi, đùa, thương, giận

Trong tiếng cười còn gì sầu hận

Mới nhìn nhau nước mắt đã trào

Xem ảnh cũ thằng thân, thằng lạ

Thằng quên tên, thằng nhác quen quen

Trong đêm thâu soi ảnh dưới đèn

Tìm lại mình nhưng đâu chẳng thấy

Con thuyền nhỏ cuồng phong đưa đẩy

Hai trăm thằng mỗi phận mỗi nơi

Đứa sớm ra đi theo mệnh trời

Đi quá vội chưa người yêu nhỏ lệ

Hoặc con thơ còn nhoẻn miệng cười

Khi vĩnh biệt người cha yêu dấu

Dăm mười đứa học nơi xứ lạ

Một số thằng theo nghiệp đao binh

Một số thằng tạm sống thanh bình

Trên quê hương dạn dày bom đạn

…Ngày đại nạn

Lớp vào tù lớp nhớn nhác ra khơi

Sợ, lo, buồn, thương, nhớ đầy vơi

Phó thác dòng đời cho định mệnh

Nhìn ảnh cũ bao năm rồi nhỉ

Mái trường xưa tựa bóng mẹ hiền

Hàng me xanh ve sầu rên rỉ

Vỗ giấc trưa lũ trẻ không nhà

Năm mươi năm về thăm trường cũ

Ngói sụt nhiều, tường cũ rêu phong

Tiếng trống xưa giờ đã xa vắng

Thoáng đâu đây bóng dáng cô thầy

Thôi, kỷ niệm gởi lại nơi đây

Chậm quay gót tìm vài bạn cũ

Tôi đã khóc thật mà…tôi đã khóc

Khóc hương hồn Nghĩa, Sản, Tiền, Phi…

Đời chúng mình còn lại những gì

Giọt lệ muộn trào ra từ tim ấm.

Nguyễn Đức Tường

(Trang 104)

Về văn, trong số hơn 20 bài, chúng tôi thấy có hai bài rất đặc biệt, có lẽ hiếm có ở những kỷ yếu khác. Đó là bài: “Lật trang kỷ niệm” của Vũ Quốc Anh, bài thứ hai là: Nguyễn Công Hưng: “Con nuôi Ngô tổng thống”, bài của Phạm Bá Hân.

“Đầu niên khóa 56-57, Hưng cùng với hơn 160 học sinh mới “tốt nghiệp tiểu học” được trúng tuyển vào 3 lớp Đệ Thất B trường Trung Học Trần Lục. Mỗi lớp có 15 học sinh giỏi được cấp học bổng. Bạn Hưng bị lọt sổ nên quyết định làm một thư gửi lên Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa khiếu nại! Lá thư Hưng đánh máy cẩn thận, trình xin Tổng Thống cứu xét cấp học bổng cho Hưng vì Hưng di cư vào Nam một mình theo một tiểu chủng viện. Nay không còn ở chủng viện nhưng vẫn được Linh mục giám đốc nuôi nấng bảo trợ. Trong thư, Hưng xưng con với Tổng Thống và còn viết thêm “kính mời Tổng Thống đến nhà con chơi tại địa chỉ số nhà…dường. Thời gian từ…giờ đến…giờ, ngày…đến ngày…” Hưng tiếp “Cả tuần sau khi gửi thư đi, cứ theo giờ giấc ngày tháng hẹn trình trong thơ, tôi đều ra trước cửa nhà đứng đón chờ Tổng Thống, không dám đi đâu…Nhưng quá hẹn vẫn không thấy Ngài đến và dần dần tôi cũng quên đi. Bỗng 2 tháng sau, vào đầu giờ học, Thầy Kiên tổng giám thị gọi tôi lên văn phòng nhà trường. Với nét mặt nghiêm trang thầy hỏi tôi:

– Em biết em phạm tội gì không? Tại sao em dám viết thư lên Tổng Thống xin học bổng. Lại còn dám hẹn ngày giờ Tổng Thống đến nhà gặp em?

Thầy Kiên rút lá thư (Hưng viết gửi Tổng Thống) ra khỏi hồ sơ đưa cho Hưng xem và nói:

– Thầy cần một giấy xác nhận về hoàn cảnh của em, như em viết trong thư, do Linh mục đang bảo trợ cho em cấp.

Cầm trên tay lá thư viết cho Ngô Tổng Thống 2 tháng trước, tôi đọc từng chữ bút phê của Tổng Thống mà tôi nhớ mãi đến suốt đời: “Bộ Quốc Gia Giáo Dục Cứu Xét Thỏa Mãn.” Bên dưới là chữ ký của Tổng Thống”…

Tôi giữ kín câu chuyện trên, nhưng không hiểu sao có vài bạn biết được nên chọc tôi là “Con Nuôi Ngô Tổng Thống!” (Trang 182)

Ở bài “Lật trang kỷ niệm”, Vũ Quốc Anh đã nhắc đến hai giai đoạn trong tuổi học trò đáng nhớ nhất. Đó là Trung học Đệ nhất cấp và Trung học Đệ nhị cấp. Ông viết:

“Thời tiểu học ta không đủ sâu sắc để nghĩ suy. Thời đại học ta đã quá lớn để tâm hồn còn ngay thơ trong trắng. Chỉ có thời trung học ta mới thực sự sống trọn vẹn, trung thực – hăng say – trong sáng – mộng mơ – cuồng nhiệt – yêu đời…tất cả khởi đầu từ thời gian ấy.” (Trang 141)

Sau đó, Vũ Quốc Anh nói là ông lật lại trang kỷ niệm, để chia xẻ với bạn, bạn Trần Lục thân thương của những năm 56-62, để “tạm quên đi bóng xế cuộc đời…”. Rồi ông bắt đầu bằng cuốn “Thông Tín Bạ” ghi những năm học của ông, từ 1956-1957 : Đệ Thất B2, đến 1959-1960: Đệ Tứ B3. Sau đó là tên các giáo sư và môn dậy, chi tiết, cụ thể. Bước vào Bậc Trung Học Đệ nhị Cấp, Thông Tín Bạ được đổi thành Học Bạ. Một đặc biệt khác là tác giả của trang kỷ niệm này còn lưu giữ đến nay và đưa vào kỷ yếu những quyển Thông Tín Bạ, Học Bạ và một vài giấy tờ liên hệ khác, chữ còn rõ ràng, giấy vẫn giữ được mầu sắc ban đầu. Có lẽ đó là nét truyền thống của gia đình đối với các kỷ vật của Tổ Tiên và tiền nhân đã khuất bóng, để, theo tác giả: “Khi thì vài năm, khi thì mấy tháng tôi lại mở ra lau chùi, sắp xếp lại theo tâm trạng của mình lúc đó. Có nhiều thứ để trầm lặng nâng niu, cũng có nhiều thứ để vui buồn lặng lẽ.” (Trang 141)

Sài Gòn ngày 22-3-2019

KHẢI TRIỀU

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search