T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: KHÓC MỘT DÒNG SÔNG*

(hay LỜI TỰA cho Truyện Dài Qua Đồi Trinh Nữ của THẢO NGUYÊN)

clip_image001Viết thêm của T. Vấn:

Nhân tháng 11, với những bài viết về người lính và chiến tranh, tôi cho post lên trang nhà của mình bài viết dưới đây, nguyên là một bài Tựa cho tác phẩm đầu tay, truyện dài Qua Đồi Trinh Nữ của nhà văn Thảo Nguyên. Cũng nhân đây, tôi xin được chân thành cám ơn nhà văn Thảo Nguyên, đã cho tôi vinh dự được viết đôi hàng giới thiệu một trong những tác phẩm sử thi tuyệt đẹp viết về người lính và cuộc chiến tranh đã gắn liền với định mệnh một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc.

Tháng 11 năm 2006

T.Vấn

1.

Gần 30 năm trôi qua sau một cuộc chiến chinh. Giờ đây, nơi đất khách quê người – cách xa bãi chiến trường cũ hằng nửa vòng quay trái đất – trong những đêm không ngủ – mà tôi có nhiều lắm những đêm không ngủ – tôi như còn thấy hiển hiện tất cả những thảm khốc của chiến tranh. Tiếng đại bác ì ùng, âm vang dòn tan của các loại súng được chế tạo ở Nga, Mỹ, Tàu, Tiệp Khắc. Những khuôn mặt căng thẳng vì sống và chết chỉ cách nhau có một hàng rào kẽm gai. Những xác người nằm la liệt. Những cánh tay, bàn chân đứt lìa treo tòn teng trên ngọn cây, nằm vất vưởng trên bờ ruộng. Màu đỏ của máu và màu đen của đất. Những tiếng rên la đau đớn, sợ hãi. Những tiếng kêu xé lòng. Những tiếng khóc khi nức nở, khi tức tưởi, khi tỉ tê kể lể. Mùi thuốc súng nồng nặc trong cái nóng chảy mỡ của buổi trưa hè oi ả. Mùi tử khí nặng chình chịch như sương mù buổi sáng. Mùi hôi thối của những vết thương đã lên dòi, của những xác người rữa ra vì lâu ngày chưa được chôn cất. 30 năm mà đôi lúc qúa khứ tươi rói như vừa mới hôm qua, như vừa mới lúc nãy. Như hơi thở người tình còn vương vất đâu đó trên chăn gối cô gái trẻ mà thân phận người trai thời chinh chiến đã đem chàng đến một nơi nào vô cùng xa lạ, nhưng phút chốc trở nên quen thuộc vì nơi đó có người cô yêu. Như trái tim người mẹ dù đã 30 năm vẫn còn thót lên mỗi khi nghe cái âm vang nào như tiếng đại bác vọng về từ miền xa xôi, nơi có đứa con mẹ xẻ thịt đẻ ra bây giờ nằm lại mãi mãi không bao giờ nữa trở về bên mẹ để nghe mẹ hát lại bài hát ngày nào mẹ đưa con vào đời . .. à à ời. . . à à ơi.

Mang định mệnh khắc nghiệt của những thằng lính sống sót sau một cuộc chiến, sau những năm tháng tù đày hết cả thời trai trẻ, và 10 năm đốt đuốc soi rừng trên xứ người xa lạ, tôi kiên nhẫn đi tìm một chút gì của mình còn sót lại ở bạn bè – bạn lính, bạn tù – , ở những người không quen nhưng đã một thời chia sẻ với nhau một số phận. Và tất nhiên, tôi cũng đi tìm tôi và bạn bè trong những cuốn phim nói về cuộc chiến – mà tôi đã góp một phần đời, mà bạn bè tôi có người đã góp cả cuộc đời – . Những cuốn phim được thực hiện bởi những người không phải Việt Nam, bởi những người Việt Nam nhưng ở phía bên tự nhận mình là kẻ chiến thắng. Chúng chỉ làm tôi buồn nôn và giận dữ. Tôi cũng kiên nhẫn – và háo hức – tiếp tục cuộc kiếm tìm trong những cuốn sách hiếm hoi – viết bởi những người trong cuộc chiến, ngoài cuộc chiến, Việt Nam hay không Việt Nam, bên này hay bên kia – . Trong đó, tôi cũng vẫn không thấy tôi, không thấy bạn bè tôi – những sĩ quan trẻ hăm hở bước vào cuộc chiến với vầng trán phẳng chưa hề biết tới những nếp nhăn của số phận, với trái tim trong sáng chưa hề biết đến những dối gian của cuộc đời – không thấy những người lính thuộc quyền tội nghiệp của chúng tôi, tình nguyện hay bắt buộc, đã bỏ mẹ bỏ em bỏ người yêu bé bỏng, bước vào trận địa mà lòng đau như cắt. Tôi chỉ thấy những người đứng trên cao – ở một nơi an toàn – – nhìn xuống cuộc chiến. Có bao quát thật nhưng chỉ là cái khung hình chung chung. Có chi tiết thật, nhưng chỉ là những con số thống kê về số địch ta thương vong, về số vũ khí tịch thu, về những vùng đất còn hay mất, về sự tráo trở của người bạn đồng minh. Trong những cuốn sách ấy, tôi không nghe được tiếng thét đau đớn của người lính nhìn lại mình đã mất một cánh tay, tiếng kêu xé ruột của người chiến hữu khi thấy xác đồng đội nổ tung ra từng mảnh ngay trước mắt mình. Trong những cuốn sách ấy, tôi không nhìn thấy những người lính – cả thầy lẫn trò – chuyền tay nhau điếu thuốc quân tiếp vụ hiếm hoi đằng sau những ụ cát phòng thủ. Tôi không nhìn thấy thân phận của những người đàn bà – những bà mẹ lính, những bà vợ lính, những cô gái có người yêu là lính – Những thân phận cũng tơi tả không kém gì thân phận của người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Trước đây, tôi có dịp đọc quyển CHINH CHIẾN ĐIÊU LINH của nữ ký gỉa chiến trường KIỀU MỸ DUYÊN. Phải nói đây là tác phẩm tôi đang đi tìm. Nhưng dẫu có tấm lòng thật ưu ái với những người lính, cái nhìn sắc bén chiếu rọi vào những chi tiết thật đến não lòng, Kiều Mỹ Duyên không phải là người lính, theo cái nghĩa bi tráng của một thời đại – nói theo Nguyên Sa, bà nhìn cuộc chiến từ lỗ châu mai. Cho đến một ngày, tôi được đọc QUA ĐỒI TRINH NỮ của THẢO NGUYÊN trên một trang Web của nhóm cựu SVSQ trường Đại Học CTCT Đà Lạt. Cái tên khá xa lạ trong làng văn chương chữ nghĩa ở hải ngoại (dẫu tôi biết Thảo Nguyên là bút hiệu của một người anh khóa trên, mà chúng tôi đã từng có dịp chia nhau từng bi thuốc laò chết đói ngày nào trên những đồi khoai mì bát ngát của vùng Trung Du Bắc Việt, cái thuở chúng tôi còn bị lưu đầy ngay trên quê nhà yêu dấu của mình). Và, một cách không ngờ, tôi bị hút vào cuốn truyện dài mười bốn chương với trái tim đau đớn ngập tràn hạnh phúc .

2.

QUA ĐỒI TRINH NỮ (QĐTN) là bản tình ca bi tráng hát về những người trẻ, rất trẻ – cả nam lẫn nữ – tuổi đời chỉ vừa qua khỏi hai mươi, sống trong một thời ly loạn. Họ nổi trôi theo vận nước với tấm lòng trong sáng đến độ không có gì có thể trong sáng hơn. Bối cảnh là tiền đồn của một Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng trấn đóng chi khu Ba Tơ thuộc tỉnh Quảng Ngãi (ôi Ba Tơ nắng cháy da đầu, nơi tôi đã một lần được đặt chân đến trong những ngày còn là SVSQ đi công tác dân vận sau ngày ký kết Hiệp Định PARIS 27 tháng 1 năm 1973. Ba Tơ, Minh Lang, Sơn Tịnh, 3 quận miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, nơi có ngọn Thiên Ấn hùng vĩ, có con sông Trà đã đi vào văn học). Nhân vật là những người lính thú sớm ăn măng trúc, tối bạn cùng cỏ cây. Họ là những sĩ quan trẻ vừa bước ra khỏi quân trường, những thiếu úy, chuẩn uý cởi vội bộ Đại lễ trắng lon vàng để khoác lên người bộ quân phục rằn ri Biệt Động Sát có con cọp ba đầu. Họ là những người lính nhỏ nhoi hèn mọn, đi lính như “một tất yếu và đủ”. Dầu vậy, lại dễ dàng chấp nhận và trung thành với cấp chỉ huy trẻ – tuy không có nhiều kinh nghiệm chiến trường – nhưng có tư cách một người chỉ huy và hết lòng chăm lo cho thuộc cấp. Họ là những hạ sĩ quan người bản xứ, hiền lành cả tin, sống đơn giản như cây cỏ, như con sông Re lặng lờ chảy quanh ngọn đồi Trinh nữ năm này qua năm khác (Sông Re trong QĐTN của Thảo Nguyên làm tôi yêu thêm những con sông đất nước, những con sông đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ của nhiều người, như con sông Trà Khúc của hai nhân vật chính trong truyện, như con sông Hậu Giang của tuổi thơ tôi những ngày di cư chạy giặc Cộng Sản). Họ là những cô gái tội nghiệp, sinh ra, lớn lên giữa bom đạn, chết chóc và những âm mưu thâm độc. Suốt đời họ chỉ mơ ước có một ngày quê hương thanh bình, để yên tâm ngồi xõa tóc soi bóng mình bên dòng suối mát, nghĩ về một người trai trẻ nào đó mà không sợ bom đạn vô tình khuấy động giấc mơ ngày mới lớn. Họ là những người vợ lính, cũng xông pha hòn tên mũi đạn, cũng biết sử dụng thành thạo các loại vũ khí, cũng sát cánh bên chồng những giây phút dầu sôi lửa bỏng, cũng biết chửi thề trước cái tàn bạo phi nhân của chiến tranh, của kẻ thù. Và tất nhiên, cũng biết khóc – khóc một cách ngọt ngào – trước cảnh sinh ly tử biệt kẻ còn người mất. Họ là những người dân sống trong vùng xôi đậu, sáng quốc chiều cộng, đóng thuế cho cả hai và bị cả hai bên nghi ngờ kiểm soát. Thấp thoáng trong số những nhân vật làm nên cái sườn của câu chuyện, tôi thấy ẩn hiện bóng dáng một vị sĩ quan đứng tuổi, trầm tĩnh, hiểu biết, thương yêu thuộc cấp, thông cảm với các vị sĩ quan trẻ dưới quyền (có nhiều lắm những vị sĩ quan cấp trung đáng yêu như vậy – nhưng hình như người ta nói nhiều đến những sĩ quan quyền cao chức trọng tham nhũng thối nát trên xương máu người lính hơn là những con người đại diện thực sự cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa này) hoặc một vị sĩ quan khác – chưa gìa nhưng không còn trẻ nữa – gần gủi thuộc cấp từ những ly cà phê chén rượu đấu láo đến những giây phút nghiêm trọng sinh tử trong đường tơ kẽ tóc. Lồng trong tất cả những nhân vật , những con người nhỏ nhoi bình thường ấy là một vùng rừng núi hùng vĩ nằm gần biên giới Lào, bốn phía trùng trùng điệp điệp những ngọn đồi cao có thấp có, trong đó sừng sững ngọn đồi Trinh Nữ của Thảo Nguyên, và không thể không nhắc lại con sông Re êm đềm. Cái không gian vừa hùng vĩ, vừa lặng lẽ, vừa bi thương trong QĐTN làm tôi liên tưởng đến không gian trong bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của Quang Dũng (Ai đi Tây Tiến chiều sương ấy, Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi hay Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi, nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi). Cái không gian chập chùng những đồi sim bát ngát, trong một buổi hành quân dừng chân tạm nghỉ lại, người lính nhìn thấy những sơn nữ Phà Ca “đói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương” ngực trần váy rộng, miệng cười liến thoắng, đôi con mắt có đuôi liếc chàng trai Kinh mà thầm mong ước một ngày . . .

Đó là bối cảnh, nhân vật của Qua Đồi Trinh Nữ. Còn cốt chuyện? Chỉ là những sinh hoạt một trại lính tiền đồn. Những quan hệ qua lại giữa những người lính, giữa những thân nhân của họ. Những mối tình trai gái, công khai hay vụng trộm, những mối tình vội vã trong thời chiến chinh. Xuyên suốt trong 14 chương của tác phẩm là câu chuyện tình éo le của vị sĩ quan trẻ chỉ huy một đơn vị tuyến đầu và cô gái vừa Kinh vừa Hre, người đẹp và cũng là tiên nữ rừng xanh – vì cái thâm hiểm ác độc của tên tỉnh uỷ Việt Cộng – đã phải nén lòng làm nội tuyến cho hắn, mong một ngày trả mối thù giết cha bức mẹ. Câu chuyện không có gì mới lạ trong một cuộc chiến cốt nhục tương tàn. Nhưng cái nổi bật lên trên hết mọi thân phận nghiệt ngã của những nhân vật trong QĐTN là tình người trong thời chiến – tình chiến hữu sẵn sàng hy sinh cho nhau, tình yêu trai gái sẵn sàng chết cho nhau, tình thương yêu đồng bào vô tội bị kẹt giữa hai lằn đạn, lòng nhân ái với kẻ thù một khi họ đã buông súng đầu hàng. Cuộc chiến Ai thắng Ai đã được Thảo Nguyên giải quyết một cách đơn giản và dứt khoát: Yêu thương sẽ chiến thắng Bạo lực. Những chương cuối cùng của QĐTN là bức tranh toàn cảnh bi thảm hào hùng sinh động của một bãi chiến trường đẫm máu. Phải là người tham dự trực tiếp trên chiến địa mới có thể mô tả một cách sắc sảo, thấu suốt, xé lòng với tình người đầy ắp như thế.

3.

Tôi gấp những trang truyện cuối cùng lại ngậm ngùi. Tôi ngậm ngùi cho những nhân vật nửa thực nửa hư của QĐTN. Tôi ngậm ngùi cho tác gỉa, Thảo Nguyên, hay cho chính tôi, cho những người cùng lứa tuổi mà 30 năm xưa hăm hở bước vào cuộc chiến với tất cả những lãng mạn hào hùng của tuổi trẻ. Tôi như nhìn thấy những giọt nước mắt của tác giả. Ông khóc cho những người lính đã vĩnh viễn nằm xuống cho ông còn sống sót, cho tôi còn sống sót, cho chúng ta còn sống sót. Ông khóc cho những người con gái thật bình thường, trọn cuộc đời chỉ mơ ước đất nước thanh bình để được sống yên lành bên người yêu dấu. Tôi vừa nói đến những nhân vật nửa thực nửa hư của QĐTN. Những nhân vật ấy có thật hay không có thật trên một bối cảnh có thật của Chi Khu Ba Tơ những ngày mùa hè đỏ lửa năm 1972? Điều ấy, theo tôi, cũng chẳng quan trọng gì cho lắm. Xét cho cùng, cuộc đời tự nó, vốn là hư cấu. Cái hư cấu của tổng số những thực tại riêng lẻ kết hợp lại, vừa ngẫu nhiên vừa cố ý. Thảo Nguyên sáng tạo (?) nên những nhân vật của ông dựa trên những con người có thật, những thực tại đau đớn đến xé gan xé ruột. Một thực tại sinh động, tự nó đã là văn chương, đã là hư cấu.Thế thì bận lòng làm gì đến cái hư cấu trong thực tại của văn chương. Nhưng tôi không nghĩ Thảo Nguyên có ý định làm văn chương khi ông đặt bút viết QĐTN. Ông chỉ – theo tôi – viết để thanh thỏa món nợ với những chiến hữu đã nằm xuống – những chiến hữu quen và không quen – nhưng đã chọn cùng nhau ở một bên chiến tuyến. Như kẻ sống sót sau cuộc đắm thuyền, ông thấy mình có bổn phận phải nói lên, nhắc lại, tung hê cho cả loài người biết rằng có biết bao con người như thế đã nằm xuống để chúng ta có một đời sống xứng đáng hơn. Cái ngày “quê hương thanh bình” mà những nhân vật trong QĐTN – còn sống hay đã chết – mong đợi ấy, mà chúng ta mong đợi ấy, thực ra vẫn chưa hẳn đã đến, dù tiếng súng đã im từ ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Dẫu sao cũng cám ơn Thảo Nguyên, ông đã cho tôi được rơi những giọt nước mắt khóc cho một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam bị nguyền rủa, khóc cho một dòng sông quê hương mà tôi – mà chúng ta – sẽ không bao giờ được trở về tắm lại, để tìm lại chính mình đã lạc lối giữa những chập chùng hệ luỵ của một đời lưu vong.

Wichita, Kansas một ngày cuối năm 2002

T. Vấn

* Tên một truyện ngắn của Thảo Nguyên.

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search